Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Con Diều Giấy

 


 15-6-65
 
Mình trở về nhà với niềm tức giận tột độ. Sự việc đã xảy ra tại nhà thằng Tâm không ngớt diễn lại trong trí não mình. Mình thật không ngờ - không bao giờ ngờ đến thì đúng hơn - Nam lại có dã tâm sâu độc như thế.
 
Bấy lâu nay, mình, Tâm và Nam, là ba người bạn rất thân. Ba đứa cùng một số phận như nhau, nghĩa là phải đi bán báo để tự nuôi sống. Riêng mình, ngoài việc lo cho bản thân, còn phải nuôi dưỡng một đứa em lên năm.
 
Mình đã tự biết tương lai mình như một ngõ hẹp đầy bóng tối, sự sống có được đầy đủ hay không, phải nhờ vào hai bàn tay nầy. Mình phải lao tâm, lao lực để tìm sống, một cuộc sống đầy dẫy sự vất vả gian nan, tuy thế, vẫn không được dư dả cho lắm.
 
Vì vậy, mình muốn em mình - bé Lam - sẽ không có tương lai mù mịt như mình, mà trái lại phải tươi sáng hơn, nghĩa là phải được nuôi ăn học. Nghĩ thế, mình dồn sức trong công việc mưu sinh, cố gắng tằn tiện từng đồng, từng cắc để cho em được đến trường học tập...
 
Nói lại vấn đề của mình với Tâm và Nam mình càng thêm tức giận hơn. Có lẽ vì một chuyện xích mích của mình và Nam cách đây hơn hai tuần, nên Nam đã sâu độc vu cáo với Tâm là mình muốn giật mối đưa báo tháng của Tâm. Thế là, sẵn tính nóng nảy, Tâm vồ lấy mình toan đánh. Nhưng, nhờ có mấy thằng bạn thân can ngăn kịp, nên không xảy ra việc gì đáng tiếc.

Sau vụ nầy, mình biết rằng tình bạn của mình và Tâm sẽ rạn vỡ, và có lẽ không gì hàn gắn được...

17-6-65

Những giờ phút rỗi rảnh, không biết làm gì, mình thơ thẩn ra vào mãi. Mình nghe tâm tư cô đọng một nỗi buồn vô hạn, một nỗi buồn có lẽ đã ảnh hương sự rạn nứt tình bạn với Tâm. Mình cô đơn từ đây, vì không còn một ai để tâm sự. Tuy thế mình vẫn không trách cứ gì Tâm, chỉ buồn là Tâm quá nóng nảy, thiếu suy xét cạn cùng...

Bé Lam đi học về hớn hở như một con chim non. Miệng bé luôn luôn mấp máy những lời ca thơ ngây trong trẻo mà cô giáo bé đã dạy cho.

Bước vào nhà, bé gặp mình đang đứng thơ thẩn trước cửa sổ liền khoe:

- Anh Hai! Hôm nay em được 10 (mười) điểm!

Trái với thường ngày, vì buồn quá nên sanh ra nóng nảy, mình không chú ý đến lời bé Lam. Bé Lam ngỡ mình không nghe lời khoe, bé liền nhắc lại lần thứ hai, rồi thứ ba.

Không chỗ để trút nỗi bực tức vô lý, mình nhìn bé bằng đôi mắt của một kẻ say rượu và quát:

- Im đi! Ranh con. Nói mãi...

Bé Lam ngẩn người trước thái độ quái lạ, tuy vậy cũng lo sợ không ít. Sau đó, bé thút thít khóc một mình và lui vào trong.

Mình chưa nhận được sự vô lý của mình khi nãy đối với bé Lam nên thản nhiên ngồi tư lự. Có tiếng đồng hồ gõ nhịp ở nhà bên, mình chợt đánh thót một cái. Sắp đến giờ lãnh báo đi bán. Nhanh quá. Có lẽ tại mình không chú ý đến thời gian. Mình đứng lên với tất cả sự mệt nhọc, uể oải, một dáng điệu mà chưa bao giờ xảy ra cho mình trong những lúc đi bán trước...

Thay đồ xong, vừa toan đi, mình chợt nghe có tiếng gọi đàng sau. Mình quay lại gặp bé Lam đang tiến tới. Mình đoán có lẽ "thằng nhóc" nầy căn dặn những câu hỏi thường nhật mỗi khi mình sắp đi bán. Nhưng không, bé Lam không nói những gì mình ước đoán, mà trái lại, bé muốn mình làm cho bé một con diều giấy. Mình thấy đôi mắt bé sáng lên, như ẩn chứa một niềm hy vọng tràn đầy. Nhưng cơn giận của mình lúc nãy chưa có chỗ thoát, nên sẵn dịp, một lần nữa mình trút xuống đầu thằng bé:

- Không làm gì hết! Người ta còn bận đi bán để kiếm tiền, kiếm cơm để sống chớ, hơi đâu mà làm đồ chơi nầy nọ cho mầy. Giỏi chơi sao không giỏi làm. Học hành không lo, còn bày đặt làm nầy làm kia. Coi chừng tao à...

Nói đoạn, mình bước đi bỏ lại cho bé Lam một sự thất vọng - mà sau nầy mình mới biết là rất tàn nhẫn đối với lứa tuổi hoa niên của bé - dẫy đầy chua xót...

18-6-65

Sau một ngày để tâm hồn chìm trong sự ray rứt buồn giận, mình đã tỉnh táo hơn lên và nhận ngay sự vô lý của mình. Mình nghe thương cảm bé Lam vô cùng. Đáng lẽ với số tuổi thơ dại ấy, bé phải thụ hưởng tất cả những hoa mỹ vui tươi của cuộc đời và cần nhất là phải có hai tình thương thiêng liêng phụ mẫu để ấp ủ tâm hồn.

Trái lại, bé mất tất cả. Tình thương thiêng liêng của cha mẹ đã bị tử thần cướp mất từ khi bé mới lên ba. Sự sống bị thay đổi hoàn toàn, bé phải cam chịu những gì đang và đã có.

Chiều qua, khi đi bán về, mình đã gặp bé đang ngồi dưới gốc cây soan say mê nhìn những cánh diều lượn gió. Làn nhỡn tuyến của bé như gắn chặt vào những cánh diều.

Lúc ấy, mình nghe triều thương bừng dậy mãnh liệt. Mình muốn chạy đến ôm bé vào lòng để khóc, để tỏ bày những tình thương vừa thức tỉnh sau cơn hôn mê vô lý.

Nhưng mình không can đảm làm việc ấy, vì muốn để bé hưởng trọn những thèm muốn khao khát của bé. Đêm đó, mình suy nghĩ rất nhiều và sau cùng quyết định sẽ làm cho bé một con diều giấy tuyệt đẹp đủ màu sắc.

Qua hôm sau - tức ngày hôm nay - mình chờ bé ngủ xong liền vội vã làm diều thật nhanh nhưng không phải là không đẹp. Sau đó, mình đặt con diều cùng lon chỉ trắng bên cạnh bé và không quên viết một hàng chữ lớn: "Bà tiên Phúc Đức thân tặng bé Lam". Hai tiếng Phúc-Đức là do mình đặt nhưng cũng không xa lạ mấy đối với bé, vì bé rất mến bà tiên Phúc-Đức, một nhân vật cổ tích trong các chuyện xưa...

Bé sẽ mừng rỡ khi nhận được con diều giấy do bà tiên "tặng" và sẽ nở một nụ cười, mà theo mình, đó là nụ cười đẹp nhất, hoa mỹ nhất, an ủi mình trong những lúc vất vả mưu sinh...

Niềm vui gia đình chưa bớt triều sôi động trong lòng mình thì mình lại được Tâm và Nam đến nhà xin lỗi. Nam đã nắm tay mình và Tâm mà khóc, khóc để giãi bày những ngờ vực, hiểu lầm ngày xưa đã do Nam chủ động. Sau đó, Nam tỏ ý mong muốn mình và Tâm kết nối lại tình bạn, một tình bạn đã tưởng không bao giờ hàn gắn lại được.

Mình sung sướng vô kể trước sự kết hợp quá bất ngờ nầy. Mình và Tâm nhìn nhau, hai làn nhỡn tuyến giao động trong một trạng thái cởi mở tâm tình...


Đỗ Xuân Chinh      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 32, ra ngày 25-9-1965)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>