Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

Tính Đa Nghi Của Tào Tháo

 

Các em thân mến,

Một em đã viết đến chúng tôi: Cháu thường nghe dùng thành ngữ: đa nghi như Tào Tháo. Vậy xin bác vui lòng cho cháu rõ Tào Tháo là ai và ông ta đa nghi như thế nào mà mỗi khi dùng từ ngữ không đẹp lại kèm theo tên ông ta.

Các em thân mến,

Nếu các em có dịp đọc truyện Tam Quốc, các em không làm sao quên được Tào Tháo, một nhân vật quan trọng trong truyện, có tiếng gian ác và đa nghi. Tào Tháo là người đời Hán làm chức Hiếu Liêm, vì mưu sát Đổng Trác thất bại, phải chạy trốn về quê nhà. Ông ta bèn bán hết gia sản dùng để mộ quân trừ Đổng Trác. Về sau, Tào Tháo làm đến chức thừa tướng, nhưng ông ta quá nhiều mưu mô, mượn lính nhà vua đánh dẹp khắp nơi tạo uy quyền, nay phế người này, mai lập người khác, lại toan soán ngôi vua, nhưng việc chưa thành thì đã chết.

Những chuyện gian ác và  đa nghi của Tào Tháo thì nhiều lắm.

Biết người nào có tài hơn mình, Tào Tháo cũng nghi rằng ngày sau sẽ làm hại ông ta và tìm cách giết đi dầu người đó đang phục vụ đắc lực cho mình.

Truyện kể, sau khi ám sát Đổng Trác thất bại và bị Đổng Trác cho tầm nã, Tào Tháo phải chạy trốn về quê nhà, chỉ với một người thân tín là Trần Cung.

Trên đường về, khi tới nhà Lã Bá Xa là bạn của cha Tào Tháo thì trời tối, Tào Tháo bèn ghé xin nghỉ đêm tại đây.

Thấy con bạn mình đến, Lã Bá Xa rất mừng rỡ bèn nói với Tào Tháo và Trần Cung cứ tự tiện mà nằm nghỉ để ông ta đi mua rượu về làm tiệc đãi hai người.

Một lúc sau, khi Lã Bá Xa ra khỏi nhà, Tào Tháo nghe tiếng mài dao ở nhà sau liền nói với Trần Cung:

- Lã Bá Xa không thân với gia đình tôi lắm, hồi nãy hắn ra đi đột ngột, biết đâu hắn đi báo bắt chúng mình, ta nên đề phòng.

Hai người bèn đến sát vách nhà sau để lắng nghe, dò xét. Có tiếng người nói:Ta nên trói nó lại mà giết.

Tào Tháo liền nói với Trần Cung: Quả đúng thật rồi, chúng nó định hại ta, chúng ta nên ra tay trước.

Tào Tháo và Trần Cung bèn xông vào nhà sau, gặp ai chém nấy trong chốc lát đã giết đến tám người. Sau đó, hai người đi lục soát và gặp ở nhà bếp một con heo đang bị trói nằm chờ làm thịt.

Thấy vậy, biết đã sai lầm, Trần Cung thốt lên: 

- Thôi rồi, ông quá nghi ngờ nên đã giết lầm người tốt.

Các em thân mến,

Bài học về tính đa nghi nói trên rất đáng cho các em suy nghĩ. Sự quá nghi kỵ chẳng những có hại cho người khác mà còn hại cho những em có tính đa nghi. Người nghi kỵ không lúc nào thấy được yên ổn, càng ngày càng mất bạn, thêm thù và lòng càng cảm thấy cô đơn. Nhà văn Pháp Voltaire có nói: Nghi ngờ ai tức là mời người ta phản bội mình.

Chúng tôi xin kết luận bằng lời nói của Démocrite: Không nên nghi ngờ, mà hòa nhã, và hãy chứng tỏ không bị lừa gạt.

Vì "đối với những người đáng mến, sự nghi ngờ là một sự sỉ mắng âm thầm (P. Syrus).

 
Thân mến chào các em           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 62, ra ngày 29-10-1972)  

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>