Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Không Nên Trả Thù

 

 Các em thân mến,

Em Trần Thiện Tâm ở Cần Thơ vừa viết cho chúng tôi: "Cha mẹ cháu làm ăn chân thật. Có kẻ vì ích kỷ, tị hiềm đã tìm mọi cách làm hại cha mẹ cháu, như bươi móc đời tư hoặc bịa đặt những việc không hay làm mất thanh danh cha mẹ cháu. Cha mẹ cháu lấy làm buồn bã, khổ sở. Cháu rất đau lòng, cháu định trả thù..."

Quí hóa thay tấm lòng thương yêu cha mẹ của em. Em còn nhỏ dại mà đã biết lo cái lo của cha mẹ, đau khổ điều mà cha mẹ đau khổ, thì còn gì quí cho bằng.

Nhưng trước khi bàn về việc báo thù, chúng tôi xin kể chuyện vua Phi-líp cha của A-lịch-Sơn đại đế lừng danh trong cổ sử Âu Tây.

Vua Phi-líp lúc ấy đang đem binh bao vây thành Rê-tôn. Có một tên bắn cung tài giỏi có tiếng tên Ách-tơ đến xin xung vào đội binh tinh nhuệ của nhà vua. Anh ta khoe rằng, anh ta bắn cung giỏi lắm, chim bay đầu mau thế nào anh ta bắn cũng không bao giờ sai. Vua Phi-líp ghét kẻ khoe khoang liền nói rằng: "Được, chừng nào ta đánh giặc với chim sẻ, lúc bấy giờ ta sẽ dùng đến tài nhà ngươi."

Tên Ách-tơ lấy làm căm tức khi nghe câu nói mỉa mai của nhà vua. Anh ta chạy vào trong thành bị vây, chờ dịp để trả thù. Một hôm anh ta đứng trên bờ thành, thấy vua Phi-líp đang đi kiểm soát một trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: "Gởi cho con mắt bên mặt của vua Phi-líp" rồi bắn xuống. Mũi tên trúng ngay mắt phải của vua. Vua Phi-líp liền sai sứ mang cây tên kèm theo lời phê: "Hễ Phi-líp này chiếm được thành, ta sẽ cho treo cổ tên Ách-tơ". Và sau đó nhà vua làm đúng lời hứa.

Các em thân mến,

Chắc các em đã thấy rõ vua Phi-líp đã trả một giá rất đắt cái khoái thốt ra một lời nói thú vị. Nhưng anh chàng thiện xạ Ách-tơ kia lại cũng mua rất đắt cái thú trả được thù.

Cái tính bươi móc, chỉ trích, nói xấu kẻ khác cũng nguy hiểm không kém cái hại mà vua Phi-líp và anh chàng Ách-tơ gặp phải. Chúng ta lầm tưởng khi chúng ta nói hoặc viết những lời lẽ vu khống châm chích là làm cho kẻ khác sợ ta, nhưng sự thật họ sợ ta thì ít mà oán ta thì nhiều. Những lời nói xấu làm cho người khác đau khổ, khó mà phai mờ. Người ta thường có thể tha thứ cho một tội ác, nhưng khó quên một lời nói cay độc.

Em Thiện Tâm thân mến,

Tôi khuyên em đừng nghĩ đến việc trả thù, lẽ thứ nhất là tuổi em còn nhỏ, kinh nghiệm em chưa nhiều, em sẽ làm hại cho em và cho cha mẹ em hơn là làm hại cho kẻ thù. Cha mẹ em bị vu khống, em cứ kể như cha mẹ rủi ro mất một vật gì. Vật gì đã mất thì cứ cho là mất, đừng bỏ công tìm lại, có khi lại mất gấp đôi.

Em khỏi phải lo trả thù kẻ nói xấu cha mẹ em, vì kẻ mà cả ngày đêm chỉ lo bươi xới đống rác, tìm cái xấu xa của kẻ khác, riết rồi nhìn chung quanh sẽ chỉ còn lại toàn là kẻ thù, không có một người bạn, thì cuộc đời họ đã quá cô đơn, hết ý nghĩa rồi.

Vô phúc thay người không nhìn được cảnh đẹp của trời đất, cái đẹp của lòng người, mùi thơm của hoa cỏ. Xung quanh họ chỉ toàn là hắc ám, đê tiện và thối tha, bẩn thỉu.

Lương tâm họ sẽ bị bứt rứt, tâm trí họ không lúc nào yên đâu. Như vậy là họ đã bị trừng phạt.

Em đừng bao giờ nghĩ đến trả thù, trái lại em nên tìm cách giúp họ vì họ là người đáng thương, họ đã không có diễm phúc nhìn thấy cái đẹp. Em hãy làm theo lời Phật dạy: lấy oán trả oán, oán kia chồng chất, lấy ân trả oán, oán nọ tiêu tan.


Thân mến                  
 NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 10, ra ngày 17-10-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>