Các em thân mến,
Một em đã viết thư đến chúng tôi hỏi ý kiến: Do một sự tình cờ, em được quen với một vị và vị này biết em gia đình túng thiếu đã tận tình giúp em như cho tiền để đóng học phí, mua sách vở, thuốc men mỗi khi đau ốm. Người này lúc nào cũng vui vẻ tử tế và chưa hề đòi hỏi em một điều gì. Em đọc báo chí hiện nay thấy mô tả xã hội đầy thối nát, mọi người đều ích kỷ, đê tiện. Em có nên nghĩ người đang giúp đỡ sẽ lợi dụng em chăng?
Các em thân mến,
Đành rằng trong xã hội có những hạng người xấu xa, bỉ ổi. Nhưng cũng còn biết bao người khác có tấm lòng vị tha, cao cả. Xã hội Việt Nam chúng ta không phải hoàn toàn hư hỏng như một số báo chí đã phóng đại. Nhiều tấm gương đẹp đẽ còn nằm yên trong bóng tối.
Sống ở xã hội, lúc nào cũng nên thận trọng. Nhưng em cũng đừng quá đa nghi đối với những người tốt với mình mà phụ lòng những người đã thật tình giúp mình.
Ngày xưa, Ngũ Viên, tức Ngũ Tử Tư, vì tính đa nghi đã hại những ân nhân của anh ta.
Trên đường chạy lánh nạn, Ngũ Viên nhờ một ông lão đánh cá đưa sang sông. Ngũ Viên đưa tặng ông lão thanh bảo kiếm để đền ơn. Ông lão đáp: Vua Sở đã treo giải nhiều tiền bạc và chức tước quan trọng để chỉ bắt nhà ngươi, lão còn không ham, huống chi thanh kiếm này. Vả lại, lão làm nghề đánh cá, có cần chi đến gươm. Nhà ngươi hãy mang theo hộ thân khi đi đường. Ngũ Viên hỏi tên ông lão. Ông lão trả lời: Ngươi là người có tội đi trốn, lão là người tha kẻ có tội, cả hai đều có tội ; vậy hỏi tên họ làm chi, nếu sau này có dịp gặp nhau, lão sẽ gọi nhà ngươi là người trong bụi lau, nhà ngươi gọi lão là ông lão đánh cá cũng đủ lắm rồi. Ngũ Viên hết sức cảm phục, bái chào rồi ra đi. Nhưng mới đi được vài bước, anh ta ngoảnh lại dặn: Nếu có quan quân đuổi theo, xin cụ đừng tiết lộ tông tích tôi. Ông lão đánh cả thở dài rồi than: Nhà ngươi còn chẳng tin lão sao? Như vậy, nếu nhà ngươi vì lẽ nào bị bắt, chắc lão khó bày tỏ nỗi lòng. Ông lão đánh cá liền nhảy xuống sông tự tử.
Sau đó, anh ta lại gặp một người con gái đang giặt lụa bên bờ sông. Anh ta đói quá, lại thấy có giỏ cơm bên cạnh cô gái, liền đánh liều đến xin ăn. Khi ăn xong, Ngũ Viên từ giã ra đi và cũng dặn dò đừng tiết lộ làm cho người con gái cũng phải trầm mình xuống nước tự vẫn.
Các em thân mến,
Sự quá nghi kỵ chẳng những không hay cho các em còn hại cho người khác. Đừng lúc nào cũng nghi ngờ như trường hợp một bà vợ thấy sợi tóc dính ở áo chồng, liền hỏi: Hôm nay anh đi với cô nào mà dính tóc ở đó... Hôm sau, không thấy tóc ở áo, bà ta vẫn nghi: Bữa nay, anh đi với bà đầu trọc nào?
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 20, ra ngày 26-12-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.