Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Những Đứa Bé Hạt Tiêu

 

(Viết theo phim "The cowboys) 
Con ngựa chạy cuồng nộ. Nó giựt ông An Điền Sơn té mấy lần. Ông lỳ hơn cả con ngựa chứng. Cuối cùng ông quấn sợi dây thật chắc quanh trụ cây giữa sân tập. Trụ cây trơ những vết dây thừng cọ xát nhiều lần nên mòn láng. Ông An Điền Sơn chỉ hơi ê một bên mông. Ông tiến đến cửa rào. Nơi đó vừa đứng chờ 4 người có hẹn. Gã trẻ nhất thốt lời chào ông, gã tâng bốc:

- Ông vẫn dẻo dai bất cứ lúc nào.

- Các chú biết mấy giờ không? Cần phải có đức tính siêng năng chớ.

Nhưng ông cụt hứng ngay, họ không đến để nhận việc, mà hôm nay họ đến để từ giã ông:

- Thưa ông chúng tôi hẹn ông khoảng 1 tháng, 1 tháng rưỡi nữa.

- Tại sao lại có chuyện này?

Không để ông thắc mắc thêm, cũng gã trai trẻ giải thích ngay:

- Chúng tôi đi tìm vàng, mới hôm qua lão Bình đưa bằng cớ và chỉ chúng tôi địa điểm.

Ông An Điền Sơn cời phá lên:

- Thật là khôi hài. Đến tìm ở mạch vàng đã cạn?

- Ồ, không! Mạch mới, bên kia dãy núi đen.

- Còn những kẻ khác đâu? Gã Lâm, Hồng, Bột...

Nhưng ông khỏi phải hỏi thêm những người khác vì gã trai trẻ ngắt lời:

- Tụi tôi là những kẽ rời nhà sau chót đây thôi...

Ngỡ bọn trẻ ngạo mình, ông An Điền Sơn bỗng nổi cơn giận:

- Vậy thì cút, cút ngay... Đi tất cả rồi ráng mà về với vàng.

Lặng lẽ bọn người quay gót. Một kẻ trong bọn trao cương. Bọn 5 người nhảy gọn lên lưng ngựa, chẳng buồn ngả nón. Vó ngựa xa dần để lại 1 vùng bụi mờ. Hình như đôi mắt của ông An Điền Sơn cay cay. Vậy là hết. Không còn ai để cho ông mướn, hầu lùa đàn bò khổng lồ đến tận Phác Sơn để bán cho kịp trước mùa mưa. Ông dẫn con ngựa đã thắng sẵn yên cương để ra phố. Ông đi nhanh vì chưa vội cho vợ biết nỗi khó khăn. Đường phố cũng vắng như là ngoại ô: Vùng có trang trại. Ông An Điền Sơn bước vào một tiệm tạp hóa. Cánh cửa bị đẩy chạm vào cái chuông nhỏ, chuông reo "leng keng" đánh thức ông chủ tiệm rỗi việc. Ông bạn già ngái ngủ, bỏ chân khỏi quầy hàng vì vừa nhận ra bạn quen. Ông tỉnh ngay và tiến lại quầy rượu rót 2 ly Whisky, không hỏi ông cũng dư biết ông bạn trại chủ đang mang đầy tâm sự và sắp tự khai theo men rượu. Quả nhiên, ông An Điền Sơn mở miệng ngay:

- Anh phải tìm cách giúp tôi.

- Giúp anh làm gì nào?

- Mướn người chịu lùa bò đi bán.

- Ồ, sao không nói trước. Những con thiêu thân đã lao mình theo ánh sáng vàng mỏ cả rồi.

- Người già cũng được mà.

- Làm gì có. Còn mỗi mình tôi, 1 thân trơ trọi không biết bỏ cơ nghiệp này cho ai mới phải ở nhà đó thôi. Này, sao không để sang năm sẽ bán?

- Sao được, còn nợ nần, vốn liếng? Tôi không muốn phải đi chìu lụy để khất nữa. Phải giải quyết ngay mùa này. Cơ sự này có lẽ chỉ có nước mướn đàn bà và trẻ em mất.

- Đúng, ý kiến hay.

- Ồ, tôi nói chơi vậy mà.

- Tôi hỏi anh, anh biết cưỡi ngựa chăn bò hồi mấy tuổi?

- Dẹp chuyện đó đi, bọn trẻ làm sao chịu nổi cực khổ ròng rã mấy tháng trường trên đường xa thiên lý như người lớn chúng ta.

- Nhưng tôi hỏi anh tuổi kia mà.

- Thôi tôi về.

- Khoan, anh trả lời tôi chớ... Rồi tôi dẫn anh đến một chỗ.

- Kỳ quá... cái hồi 13 tuổi ấy, mà hỏi chi vậy? Bây giờ tụi mình già rồi.

- Già đâu, 40 năm trước tụi mình mới 20 tuổi.

Hai ông già vỗ vai nhau cười xòa, chệnh choạng rời tiệm. Con ngựa bị bỏ lại nhìn theo ngơ ngác. Hai ông già đi đâu nhỉ? Thì ra họ đến lớp học của cô giáo Ái Liên. Cô giáo hãy còn trẻ, tuy cặp kính trắng làm cho cô có vẻ già dặn nhiều. Cô kéo gọng kính cho ngay ngắn và nhận ra 2 ông già không là phụ huynh của bất kỳ trò nào trong lớp:

- Chào hai ông. Mời ngồi. Hôm nay các ông dự thính học trò đọc truyện. Trò Lý Ly ngồi xuống, và nhường phiên cho bên con trai... Trò Đang tiếp tục...

Cô nói thao thao, trong lúc 2 ông già rón rén từng bước, vì giày của họ đế sắt đi nghe cồm cộp vang cả sàn cây - ngả nón, và ngồi ở cái băng kê sát vách. Tên Đang cao lêu khêu, lúng túng với truyện ngoại ngữ, nó nghi ngờ từng chữ mới và mỗi lần vấp nó đưa mắt cầu cứu với cô Ái Liên.

Cô Ái Liên toan rày tội lười biếng, không chịu sửa soạn trước của nó, bỗng có tiếng hét thất thanh của một học trò gái. Cô bé nhảy bật khỏi chỗ ngồi, mặt xanh lè vì sợ hãi. Cô Ái Liên đảo mắt quan sát 1 vòng.

- Trò Biên giấu vật gì trong tay?

Quả đúng ngay tên nghịch ngợm tên Biên cố nắm chặt cái tay giấu sau lưng.

Nó đứng lên ấp úng, càng làm thêm trò hề cho cả lớp và hai ông khách.

- Tôi bảo trò đưa xem vật trong tay.

Do dự mãi, cuối cùng tên Biên mở tay ra. Một con Ếch vừa qua thời kỳ rụng đuôi, nó tung người bám vào áo đầm cô giáo. Cô Ái Liên rú kinh hoàng và giẫy như đỉa phải vôi, vì chính cô cũng sợ cái thứ gớm ghiếc ấy. Lớp học tự động giải tán. Chúng ùa theo ch6an hai ông khách như đàn ong vỡ tổ. Về sớm 1 chút chúng có thể phụ mẹ chúng được nhiều việc hơn. Ông Sơn từ giã bạn già:

- Tôi sẽ phá sản mất. Thôi đành chịu vậy.

- Đừng có quá bi quan. Ngày mai anh sẽ có tin vui.

*

Những tia nắng dạn dĩ đánh thức ông Sơn sau 1 đêm trằn trọc vì lo nghĩ. Ông linh cảm có sự gì khác thường, ngoài bà vợ đang pha cà phê ở nhà bếp. Ông vén màn cửa. Lố nhố ngoài hàng rào buộc ngựa một đám cao bồi. Họ đến xin làm? Ông Sơn dụi mắt lần nữa. Có một tên sao mà lùn tịt, cái đầu chỉ cao khỏi cây hàng rào ngang chừng 15 phân. Ngạc nhiên của ông bạn già dành cho ông?

- Bọn học trò ham học và tinh nghịch đây mà! Chúng đến từ bao giờ?

Bà Sơn trả lời chồng:

- Từ lúc bình minh, chúng kiên nhẫn đợi mãi. Hôm nay sao ông lại d6ạy trễ quá.

- Ồ, tôi bỏ quên thói quen dậy sớm rồi sao? Tội nghiệp, có lẽ bọn chúng phi ngựa suốt đêm. Bà lo cà phê nhiều một chút nhé. Tôi phải làm chúng thất vọng một phen. Dù sao thì cũng khó lòng mướn chúng được. Thạo việc vẫn hơn là phải huấn luyện từ đầu.

Ông Sơn lừng lững tiến ra. Bọn trẻ nhảy phắt xuống - những đứa ngồi - tỉnh táo hẳn và đứng ngay ngắn. Ông Sơn lạnh lùng hỏi:

- Các cậu đến làm gì?

Chúng ngó lẫn nhau, ngạc nhiên. Sau rốt tên D8ang tự đại diện để trả lời:

- Ông Bình mướn chúng tôi cho ông, sau buổi học chiều qua. Không phải ông cần người cưỡi ngựa chăn và lùa bò sao?

- Nhưng các cậu có khả năng gì chớ? 

Chúng đồng thanh đáp:

- Cưỡi ngựa, bắt ngựa này, vắt sữa bò, bắn súng này... "bang bang".

- Thôi đủ rồi, vào đây thử sẽ biết. Để coi ai có khả năng kềm con ngựa cái Alice khùng của tôi lâu hơn 10 giây đồng hồ.

Bọn trẻ nhìn nhau e ngại, chả lẽ lại bỏ về, bỏ niềm hăng say buổi đầu tại chuồng tập ngựa. Chưa có cậu nào được hân hạnh cưỡi ngựa chứng cả, nhưng liều thử vậy.

- Cậu nào trước?

Lại một màn dò xét nhau sau cái liếm môi và rùn vai.

- Trong khi các cậu suy nghĩ, tôi bắt con ngựa lại đã.

Ông Sơn giả tảng thắt nút thòng lọng và vút vào cổ con ngựa, cái bờm nó xõa tung theo đợt nhảy chồm vì bị siết dây quá bất ngờ. Nó cố trì sức ghịt của ông trại chủ già nua nhưng dỏ dai mãi với thời gian.

- Cậu nào? Xong sẽ xưng tên cho tôi nhớ.

Tên Đang rụt rè nhảy xuống hàng rào, vì nó nhận thấy chỉ có nó là lớn nhất bọn nên phải xung phong đầu tiên cho đúng điệu "giang hồ".

Con ngựa thở phì phò và chờ đợi. Nó chờ thằng bé vừa đặt hai chân vào khớp để chân là tung bốn vó, chạy như cuồng, làm đủ trò để hất thằng bé đáng ghét đã dám ngồi lên lưng nó. Tên Đang cắn chặt răng, ngửa cả người theo từng nhịp hất, nó đếm thầm 1, 2, 3... 10, 11... 12... giây trong tiếng la của ông Sơn:

- Tốp, thôi đủ rồi, để phiên kẻ khác.

Khỏi chờ thằng bé leo xuống, con ngựa đã hất thằng bé té chổng mông chỉ là lúc thằng bé lơ là tay cương.

- Tôi là Đang. Tụi nó gọi Đang Sếu Vườn 15 tuổi.

- Khá lắm, trông chú mày có vẻ thạo việc trang trại hơn là học hành. Đến phiên ai nhỉ?

Lại cũng một màn đọ sức giữa con ngựa chứng và oắt con tập tễnh làm cao bồi. Ngựa hất thằng thứ hai té thiếu điều gãy cổ, may quá mắt kiếng cận của nó chưa vỡ. Thằng bé lồm cồm chỗi dậy, nói trong mệt nhọc và sợ hãi:

- Tôi là Huy. Tụi bạn hay gọi là Huy Thỏ Đế, 13 tuổi.

- Khá lắm, nhưng chú mày dạn hơn tụi nó nhiều.

Tên thứ ba té có vẻ nặng nhất, vì nó mập người. Nó lê từng bước nhưng hãnh diện xưng tên tuổi:

- Tôi là Điền, tức thằng Mập, tức Địa Mập, 13 tuổi.

Tên thứ tư, kềm ngựa được lâu nhứt, cuối cùng vẫn bị tung bay qua hàng rào làm đứng tim mọi người, thì ra nó nhỏ con và nhẹ ký nhất bọn.

- Cháu là Tân... 12 tuổi.

Ông Sơn nhìn thân hình loắt choắt của nó đâm buồn cười:

- Thôi, về chỗ. Để coi, gần 20 giây trên mình ngựa. Giỏi lắm.

Tên thứ năm, xui xẻo, té thiếu điều trặc chân, nó cà lăm cà lặp đáp như muốn khóc:

- Tôi là Minh... Mười... mười ba... ba... tuổi.

Tên thứ sáu, thằng này xuống ngựa an toàn, có lẽ con ngựa đã thấm mệt. Nó là Văn, 14 tuổi.

Tên thứ bảy, thằng Bích cũng 13 tuổi té đích đáng.

Tên thứ tám, thằng Phi em họ thằng Đang, 14 tuổi.

Tên thứ chín, thằng Biên, 13 tuổi, vua phá ngầm. Vậy là xong kỳ thi "phúc khảo". Ông Sơn toan đóng cửa rào bỗng có một con ngựa với một tiểu kỵ mã phi nhanh vào. Thằng bé bỏ ngựa đang cưỡi và nhảy qua mình con ngựa chứng một cách lành nghề. Nó trổ tài giằng co với con ngựa, đâu khoảng 15 phút thì con Alice chịu thua và ngoan ngoãn kiệu từng bước. Ông Sơn lại gần hơn để nhìn cho rõ một tay tuổi trẻ tài cao đã khiến con ngựa trở thành thuần phục một cách dễ dàng.

- Ủa, sao ta không gặp cậu này ở lớp học?

- Tôi là Bỉnh, 15 tuổi, không có cha nên phải làm việc phụ với má tôi, làm sao có thì giờ đến trường.

9 cặp mắt ganh tức trừng thằng Bỉnh, dù sao tụi nó vẫn ghét cái thứ con không cha.

- Để ta còn suy nghĩ đã, tất cả cứ về. Có lẽ ta sẽ không mướn chú mày được, vì nhiều lý do khó nói ra.

*

Ông An Điền Sơn đẩy cửa lớp học không chút ý tứ. Ông xin phép cô giáo 5 phút:

- Xin cô làm ơn cho tôi nói chuyện với bọn trò trai.

Cô Ái Liên nhã nhặn bằng lòng, cô kéo bọn trò gái theo cô:

- Vậy mà tôi cứ tưởng ông đến xin học bổ túc. Các em gái hãy lịch sự ra ngoài nhé.

Ông Sơn bôi cái bảng đen ghi chi chít chữ, ông vẽ phác vài nét và vào đề ngay:

- Sau một đêm suy nghĩ, tôi thấy bắt buộc phải mướn các em, vì lẽ đã sắp nghỉ hè, các em có thể xin phép mẹ đi làm kiếm thêm tiền mua sách vở vào dịp tựu trường niên khóa tới. Nhưng tôi nói trước, các em sẽ được ăn uống tẩm bổ thật đầy đủ để bù vào công việc thực là vất vả nặng nhọc nhiều so với sức và tuổi của các em. Vì trên 5.000 bò này, và từ đây đến Phác Sơn phải mất 600 km, và chúng ta đi chăn bò, giữ bò nhởn nhơ chớ không phi ngựa đi một mạch. Lại còn sông, suối, rừng thẳm cản trở nữa.

Mặc ông già nói, bọn trẻ mắt mở thao láo mơ màng thấy bóng dáng chúng oai cũng như là cha, chú của chúng... theo sát bầy bò ngày mai, ngày kia... Chỉ có thằng Tân rụt rè hỏi ông Sơn:

- Ông mướn cả cháu?

Ông Sơn nhìn lại nó, ông bế nó đặt trước bảng đen và vạch một lằn khỏi đầu nó, trả lời rằng:

- Mướn những kẻ cao khỏi lằn này thôi.

Và ông rời lớp cũng vội vã như lúc mới tới. Ông không kịp thấy thằng Tân chực khóc. Và ông cũng không hay thằng Đang, thằng Phi vừa nhắc chân bảng khỏi hai chồng sách mà lức nãy cô giáo bảo kê lên để bọn học trò có thể nhìn rõ chữ mà chép bài. Do đó thằng Tân cao hơn lằn phấn của ông Sơn ấn định, nó toét miệng ra cười.

Bọn trẻ đến nhận việc sớm lắm. Đứa nào cũng trang bị đầy đủ ra vẻ một cao bồi con cả. Toàn là đồ thải của cha, chú không thôi. Ông Sơn nhắc vợ lo cho các bữa ăn trước khi người đầu bếp tới. Hôm nay phải đóng dấu cho những bò con. Ông tịch thu tất cả súng trường và súng lục của bọn trẻ. Ông phì cười khi thấy khẩu súng nạp đạn tay của oắt Tân:

- Đồ chơi này sắp bán "xon". Tụi trẻ con thiệt quá xá! A-lê ra thực tập mau. Trước hết bắt bò con bằng thòng lọng, một người giữ một người in dấu.

Và ông làm trước. Mọi đứa làm theo dễ dàng chỉ trừ có oắt Tân hơi chật vật, đôi khi giở được chân bò đã té ngửa. Hề gì! Rồi sẽ thạo ngay. Ngày hôm sau thằng Bỉnh hay tin. Ông Sơn tạm nhận cho nó làm, nhưng xẩy ra chuyện rắc rối ngay. Thằng Đang choảng nhau với thằng Bỉnh chỉ vì một câu mắng nhau "con không cha". Thằng Bỉnh thắng thế nhưng đơn thân, nó rút dao bấm ra. Ông Sơn đã kịp thời can thiệp. Ông đá bắn con dao, xách cổ nó quăng khỏi rào:

- Cút ngay, ở đây không mướn thứ phá rối và du đãng.

- Ông không để tôi giải thích và xử theo công bằng.

- Ta không thể mướn một mình mày. Mày hiểu vậy.

Thằng Bỉnh hậm hực bỏ đi, mắt rực lửa, nó ném một lời nguyền rủa:

- Rồi mọi người sẽ hối hận...

Nó vừa đi thì một chiếc xe mui vải hai ngựa lọc cọc dừng bước. Một gã da đen ngả nón chào ông Sơn:

- Thưa, có phải ông cần một đầu bếp?

- Chú là ai, tôi chỉ nhắn riêng với chú Lưu về việc đó mà?

- Anh Lưu không thể làm vì vợ anh sắp sanh, anh giới thiệu tôi.

- Ồ! Lại trục trặc, anh là người lạ, tôi thích người quen thuộc hơn.

- Trước lạ sau quen. Tôi giỏi lắm.

- Anh nấu ăn được?

- Dư sức. Súp khoai tây, măng, đậu, cà, bánh bơ, bắp, thịt hầm, nướng, sấy... cà phê tôi pha tuyệt...

- Không thành vấn đề, anh dư biết công việc của bọn tôi?

- Biết chứ, ông có bao nhiêu người ăn?

Ông Sơn chỉ bọn trẻ đang há hốc mồm quan sát gã da đen. Lần này chính gã ngạc nhiên:

- Trời, bọn trẻ này chăn bò. Thôi, tôi hiểu rồi, chắc nấu kẹo cho chúng ăn là xong ngay. Đừng lo các em, nào, nhìn tôi dữ vậy? Ông bằng lòng mướn tôi?

Ông Sơn chẳng còn biết nói sao, vì ngày mai bắt đầu lên đường rồi. Gã dắt ông ra quan sát trong xe đã đóng nhiều hộc để làm gác măng dê lưu động, trong khi bọn trẻ ra hiệu với nhau:

- Kẹo, tao thích lắm. Tụi mày thì sao?

- Chắc gã nói chơi đó. Hôm nay mệt ghê. Tụi bò con mạnh ác!

- Ừ mệt thiệt, nhớ là chưa vào việc đâu nhé. Ngày mai, ngày mốt sẽ mệt hơn nhiều.

Tối đó, gã da đen vào căn phòng dành cho bọn trẻ, gã muốn làm quen bằng cách ngủ chung, tuy nhiên gã vẫn dọa một tí để lấy oai. Gã nạt tên Đang:

- Mày qua bên kia đàn. Ta ngủ giường này. Mà thôi dẹp đi, mai đàn.

Bọn trẻ đang ngả ngớn bỗng đổi thế nằm ngay ngắn. Tên Đang riu ríu ôm mùng, mền di cư. Gã da đen vứt cái khăn quấn cổ sang thằng Đang và chợt hỏi:

- Bộ tụi mày chưa thấy người da đen?

Im lặng, chúng lắc đầu. Thằng Minh cà lăm hỏi:

- Ông đen toàn thân?

Im lặng, gã da đen cởi nơ và áo sơ mi, giày vớ. Bọn trẻ cười phá lên:

- Ông ta y như mình, trừ màu da đen tụi bây ơi! Ông tên gì nhỉ?

- Suỵt ngủ đi, gọi ta là lão Huyền. Để ta kể chuyện cổ tích nhé. Ê, tắt đèn đi chớ.

Bọn trẻ vâng lời ngay trong khi lão Huyền trầm bổng kể lể:

- Cha ta, một quốc vương da đen, ngài đội một vương miện cẩn ngọc và quần áo dát vàng bạc lấp lánh, ông đi chinh chiến khắp nơi, ông bắt mẹ ta về, bà cũng da đen... do đó ta cũng da đen. Mà hết rồi, ngủ đi chớ.

Thiệt là câu chuyện lãng nhách. Bọn trẻ thầm mắng và thiếp dần. Bên ngoài là cái chuồng chật chội vì nhốt quá nhiều bò, lao xao chúng giẫm móng, nhai nước bọt... đều đặn... trong đêm vắng.

*

Những ngày đầu trong cuộc hành trình thật hoàn toàn. Lão Hắc Bì hát luôn mồm. Xe mui vải song mã của lão đi chậm nhất, miễn sao tới bữa là có cái ăn ngay. Tụi trè quên mất cái tên lão Huyền. Chúng bận nhớ những bài học mới lạ, của chăn nuôi và thiên nhiên, mà ông Sơn đã cố gắng trút hết những kinh nghiệm một đời người cho chúng. Chúng chuyền hiệu lệnh trên lưng ngựa đã thạo, đếm bò cũng nhanh, quen nhiều dưới nắng gắt chói chang quái ác. Lắm khi rượt bò cố tình tách bầy, chúng thấy thấp thoáng một bóng kỵ mã âm tah62m bí mật xa xa. Thằng Minh cà lăm, cà lặp mà hay nói, nó cho ông Sơn hay:

- Hình như... là... là thằng... Bỉ... Bỉnh nó theo... theo chúng ta.

- Ừ, biết rồi, nó theo sát. Để coi nhãi ranh định giở trò gì.

Thằng Bỉnh lúc ẩn lúc hiện. Về đêm đoàn người của ông Sơn quây quần bên ánh lửa. Trong lúc cắt canh, có đứa vẫn nhận ra một ánh lửa le lói không xa lắm, chắc chắn cảu tên Bỉnh. Tên Bỉnh chưa gây rối nhưng đoàn người gặp rắc rối khác: những gã bụi đời đến xin việc làm. Chúng rất ngạc nhiên khi thấy đàn bò khổng lồ di chuyển trong thứ tự, chen chúc có dòng theo sự điều khiển của các tay oắt con. Lần lượt bò vượt suối cạn, leo dốc mà câu chuyện dằng co giữa ông Sơn và bọn xin việc vẫn chưa xong. Ông Sơn điều tra lý lịch bọn này một cách khéo léo:

- Các anh đã làm việc ở đâu rồi?

- Ồ nhiều chỗ lắm, ông cần biết tên trại?

- Đại khái trại các anh vừa nghỉ...

- Trại Bình Minh này, trại ông Gấu Bông này, trại Vòng Lửa...

- Ông Gấu Bông tốt với các anh chứ?

- Ông ấy rất tối, nhưng tiếc là chúng tôi ham vàng nên mất việc, chúng tôi làm ở trại Vòng Lửa không được lâu...

- Đủ rồi, các anh là ai? Từ đâu tới? Cho các anh hay tôi đã đi dự đám táng của ông Gấu Bông cách nay 20 năm. THời gian đó các anh hỉ mũi còn chưa sahc5...

- Xin lỗi ông, trót nói hớ, chúng tôi sợ ông từ chối những kẻ mới mãn tù.

- Ông nỡ nào? Còn đàn bò?

- Đã có đủ người.

- Ha ha. Những thằng bé con này ư?

- Các anh đừng khinh người. Chúng thạo việc, chăm làm và nhất là không có tiền án. Chào các anh.

Ông Sơn quày ngựa đi ngay để lại một sự trơ trẽn, bẽ bàng cho bọn người thất chí. Bọn ấy ra hiệu mắt với nhau và rút lui. Bóng chúng vội vã biến mất sau những dãy đồi mòn. Vài cây bông vải hoang dại rung rinh hoa trắng trước gió. Gió cũng ngơ ngẩn từng cơn.

Theo dõi hoài đoàn người và vật, thật là buồn tẻ. Bò thì đi nhởn nhơ gặm cỏ trên đường. Người thì hối hả chạy tới chạy lui, thúc hối bò cho có lệ, kẻo ch1ung đi mau sẽ sút cân, không tốt. Hết đồi thấp, đồi cao, thung lũng, đồng bằng... đường đi sao dài quá! Đã đến một khúc sông rộng. Hình như nước hôm nay chảy xiết vì mới có cơn mưa hồi đêm. Ai cũng mạnh dạn qua sông cả trừ thằng Đang. Tên Đang chùng chình, rốt cuộc đi sau xe mui vải của lão Hắc Bì. Nó nhìn cảnh bò con sặc nước rồi đắn đo, ước lượng nông sâu. Nó muốn gọi một đứa đi kèm, nhưng vì tự ái nên ngậm miệng. Những con bò trễ tràng cũng đã qua hơn nửa sông. Bóng oắt Tân đang vẫy nó bên kia bờ. Thằng nhỏ mà chì thiệt! Tên Đang thúc hông ngựa. Con ngựa hốt hoảng lội càn. Con ngựa bỗng thấy cô độc và khó chống với sức nước cuồn cuộn. Nó hất hai chân trước cho cao. Vô tình tên Đang rơi xuống, tợp nước, la lên. Càng la nước càng vô nhiều. Thằng Phi vừa kịp quay lại. Nó sực nhớ ra thằng anh họ không biết bơi. Phi và Tân hốt hoảng đi cầu cứu với ông Sơn. Con ngựa tuy trôi nhưng nhẹ nhõm, nó bơi riết theo đàn bò. Chỉ còn đôi tay lỏng khỏng của thằng bé quơ quào trước khi chìm xuống dòng sông đục ngầu. Ông Sơn vừa sợ vừa giận. Ông sợ không cứu kịp thằng Đang. Còn giận là giận thằng Minh, đã cà lăm thì chớ mà còn nói hớt, khiến khi hiểu ra, ông thấy uổng bao nhiêu thì giờ. Thật sự thì thằng Phi với thằng Tân mệt muốn đứt hơi làm sao nói nổi. Cả bọn quay trở lại. Nhưng thằng Đang đã được người cứu. Không ai xa lạ chính là thằng Bỉnh. Nó quăng sợi thòng lọng và lôi thằng Đang vào bờ xong, cũng chính nó xốc nước và làm hô hấp nhân tạo. Ông Sơn theo dõi tên trẻ xử sự như người lớn, và bỗng ông quyết định: mướn  luôn thằng Bỉnh. Có lẽ bọn trẻ cũng hài lòng và không còn giữ mối tị hiềm trong lòng như trước nữa. Nhất là thằng Đang, cảm động vô cùng. Nó không ngờ "kẻ thù" từng đánh nhau sinh tử với nó lại quân tử cứu nó. Nó thều thào cám ơn. Nhưng người hùng cũng e lệ. Thằng Bỉnh phi ngựa chạy nhanh. Thì ra nó đi nắm đầu những con bò cắc cớ, muốn chơi trò ú tim nên xé lả bầy. Chưa hết chuyện. Ông Sơn mắng cho thằng Minh một chập. Thằng bé tức ứa nước mắt. Nó hậm hực:

- Tôi chửi ông... tôi chửi... chửi... bây... bây... bây giờ.

Ông Sơn càng chọc già:

- Coi chừng ăn bợp tai. Mày dám chửi?

- Đồ khốn nạn. Ông già dịch.

- Mày lập lại lần  nữa - Ông Sơn gằn giọng.

- Tôi nói thế đó. Tôi nói là ông ăn hiếp trẻ con.

Ông Sơn cả cười và bỏ đi. Thằng bé ngơ ngác, và nụ cười nở ra giữa 2 dòng lệ, nó quá sung sướng.

- Các bạn ơi, tôi hết cà lăm rồi. Ông Sơn ơi! Cháu xin lỗi ông, ông không có khốn nạn, ông tốt với trẻ con.

Y như là một phép lạ. Đêm về thằng bé hãy còn mơ. Thằng Địa Mập lầu bầu, bất mãn:

- Chán quá, mệt quá!

Lão Hắc Bì nghe tiếng còn tiếng mất nên hỏi vặn:

- Ê, nói cái gì! Chê món ăn hả? Mày mà chê chắc đồ ăn có nước đem cho bò. Chao ôi, càng ngày càng mập ra.

Bên đống yên ngựa lù lù, thằng Minh lẩm bẩm:

- Ông ấy tốt quá. (?)

- Mày nói ai tốt, chán mày quá. Ê, ngủ hả? Chán quá!

Rồi thằng Địa Mập di chuyển yên ngựa lại gần đống lửa. Thằng Văn nhích sang 1 chút. Nó quấn tấm chăn len, nhìn thằng Đang mò mẫm cây đàn:

- Học đàn có khó không?

- Không đâu. Nếu mày có máu nghệ sĩ.

- Mày dạy tao với.

- Ừ, nhưng chờ tao rành, vì hiện tao cũng đang tự học đây.

Đồ, rê, mi, sol, la... la, si, đố... đố, đồ...

Ông Sơn yên lòng trước thân tình của bọn trẻ. Ông cuộn kỹ tấm chăn. Những đống người lù lụ theo ánh lửa tàn dần. Tiếng đàn măng cầm của thằng Đang tắc tịt từ lâu, chắc tại nó đàn dở ẹt.

Thằng Bỉnh tỏ ra xốc vác lắm. Nó không trò chuyện với một ai, trừ khi gặp gỡ tiếp xúc trong các bữa ăn. Thằng Đang ái ngại, muốn làm hòa trước. Nó tìm dịp gặp riêng thằng Bỉnh:

- Cám ơn mày ghê. Tao không biết phải lấy gì đền đáp.

- Dễ mà, mày có bao nhiêu tiền?

- Tao chưa lãnh lương, nhưng mà sao mày lại so sánh cái ơn của tao với tiền?

- Đó là tại mày gợi ra trước.

Thằng Đang càng cảm phục bạn hơn. Nó đã hiểu có tiền chứ chưa chắc mua được tình bạn. Nó rượt ngựa theo thằng Bỉnh và trao một hòn đá. Thằng Bỉnh thắc mắc:

- Gì nữa đây?

- T8ạng mày. Đá có dính bột vàng trong bộ sưu tập các thứ đá lạ của tao. Để khi về nhà, tao tặng thêm vài hòn hình thù ngộ lắm.

Thằng Bỉnh nhoẻn cười, nó cẩn thận bỏ vào túi áo trên và gài nút lại. À, mấy con bò chứng gan lì. Nó vụt ngựa theo bò. Thằng Đang cũng tách 1 ngõ. Một ngõ khác có thằng Huy. Con bò chạy ngược đường, len vào đám thông già và cà tùng. Thằng Huy nhanh không kém. Nguy cơ đang rình rập nó. Nó bị vướng một sợi dây thừng căng ngang hai thân cây. Một bàn tay to lớn bụm lấy họng nó, một cánh tay khác siết chặt cổ. Con ngựa mất trớn dừng lại hí. Tên bất lương ném thằng Huy cái phịch:

- Hừ, ra tên nhãi ranh. Mày biết tao là ai chứ?

Thằng huy sợ đến đớ lưỡi, nó gật đầu. Mũ rơi, mắt kính rơi, nó quờ quạng nhặt. Tên bất lương xách cổ áo nó nhẹ như diều sớt gà con. Đến bên một bờ suối, gã trình với đồng bọn. Bọn mãn tù xin việc với ông Sơn bữa nào. Gã tóc quăn rút con dao đi rừng ra, làm một màn hăm dọa muốn rách da cổ của thằng Huy:

- Kế hoạch đã sẵn sàng. Mày phải làm nội ứng và cấm không được tiết lộ tin này.

- Ông thả tôi ra.

- Thả mày. Được, nếm chút khổ sở đã.

Gã lại lôi thằng bé xuống suối trấn nước. Năm tên còn lại thản nhiên chứng kiến. Chúng đã chai lỳ quá rồi sau những năm dài nếm cực hình ở nhà tù. Do đó chúng coi gã tóc quăn "đùa" thằng bé. Gã lôi thằng bé lên, tát túi bụi, gầm gừ như muốn ăn tươi:

- Mày muốn chết? Đem nào mày canh?

- Mỗi thứ ba trong tuần.

- Tụi tao sẽ tìm ra mày dễ dàng với cặp kính. Này, chớ có hó hé thì còn sống về nhà. Mày hên lắm đấy. Bọn kia sẽ biết tay. Hừ! Lão già. Thôi mày về, chớ có léo hánh d2o thám bọn tao lần nữa.

Gã tống thằng Huy một đạp. Thằng bé kinh hoàng không khóc được. Nó hấp tấp lên ngựa và tìm lối ra, bỏ luôn con bò. Nó đâu có muốn dọ thám ai. Trời ơi! Có nên mách với ông Sơn? Nhưng bằng cớ đâu? Và thằng Huy giả tảng như không có việc gì xảy ra khi nhập đoàn. Chú ý kỹ, sẽ nhận ra sự thất sắc và cặp mắt lơ láo của nó. Nó còn mãi ám ảnh màn độc diễn hăm dọa của gã tóc quăn trong đầu óc. Và nó sợ sắp phải đến phiên canh đêm. Nhưng cần gì, vui đêm nay đã. Thằng Địa Mập vừa nghĩ ra trò vui. Nó loan tin bắt gặp lão Hắc Bì uống rượu Whisky.

- Thằng xạo, lão có uống làm gì tụi mình không biết.

- Bộ khi uống lão phải trình với mày ư?

- Có led4 lão chỉ lén ông Sơn tu một vài ngụm khi quá thèm.

- Mà hổng chừng ông Sơn cũng có uống.

Thế rồi bọn trẻ nhao nhao bàn tán. Có tật thì giựt mình. Chúng tản ngay khi thấy bóng lão Hắc Bì. Rồi tiếp tục:

- Làm sao ăn cắp chai rượu?

- Chớ! Lão mà hay thì nguy!

- Thôi, tao sợ cặp mắt trắng dã của lão lắm.

- Tụi mình uống hết, đổ nước vào, trả y chỗ cũ, làm gì lão biết.

- Mà đứa nào tìm đây?

- Đổ bể, đứa nào chịu?

- Bắt thăm. Một đứa tìm và tất cả canh chừng. Đổ bể đứa tìm chịu một mình.

- Rồi, làm liền.

Cái thằng Bích, nhát nhất "trúng số". Nó run cầm cập khi kéo những ngăn tủ trong xe ra. Mấy cái nhìn của đồng bọn nửa khuyến khích nửa ngầm chê bai. Nó chui xuống gầm, leo lên nóc. A! Đây rồi, còn hơn nửa chai. Cả bọn nhảy tưng lên như đàn đười ươi giỡn trăng. Chúng ngụy trang những đống chăn mềm kê yên ngựa, và rút hết sau những lùm bụi. . Bóng trăng theo chúng cũng cười thầm. Chúng chuyền nhau chai rượu để say sưa, và dăn nhau tiết kiệm từng ngụm để được nhiều vòng. Khi lão Hắc Bì thân mật cùng ông Sơn đi tìm pha cà phê thì phát giác sự lạ:

- Ai bắt cóc bọn trẻ?

Hai ông đá tung những cái mền vô tri. Hình như có tiếng cười khúc khích.

- Quái! Bọn trẻ chơi đùa sao lại phải giả bộ mình đang ngủ?

Hai ôn rón rén dò theo tiếng cười:

- Suỵt! Rượu ở đâu mà chúng có?

- Hì hì! Ông đừng rầy, của tôi đó. Mà ai chỉ chỗ chúng lấy uống?

- Quá xá! Bọn khỉ con tập làm người lớn. Suỵt! Để nghe chúng nói gì. 

Bọn trẻ chưa hay gì hết. Lửa đã bừng con mắt, chúng lăn chiêng đứa nằm, đưa ngồi, toác miệng ra mà nói xấu hai ông già:

- Cái lão Huyền. Huyền là đen. Ai mà đặt tên Hắc Bì cho lão hay ghê.

- Ê, mày chọc lão, lão bỏ đói à!

- Lão nấu ăn tệ như gì. Thua mẹ tao ở nhà nữa là.

- Ừ, vậy mà lão hứa nấu kẹo đãi tụi mình.

- Còn cái ông Sơn nữa, coi bộ chỉ muốn đi hoài hủy để hành hạ tụi mình.

- Tao khỏi sợ ổng đi!

- Mày ngon mà. Dám chửi ổng như thằng Minh không?

- Tao về chuyến này uống toàn rượu, khỏi thèm uống bia.

- Hai cái ông già có rượu mà đem giấu kỹ như mèo giấu...

- Nè, tụi mày đã chưa...? Tao thấy hai mặt trăng rồi!

- Ý, mới có mấy lượt mà hết rượu rồi sao?

- Mà lão nấu ăn cũng khá. Ê, đưa chai rượu đây, coi chừng say.

- Say? Tao mà say! Chưa tới ba hớp.

- Rồi thủ tiêu cái chai này ở đâu? Khéo không ông Sơn biết.

- Mày đừng lo quá xa. Để "sức" tìm chai rượu khác.

Ông Sơn lắc đầu cười, nháy lão Huyền rút lui, giả tảng không hay biết gì. Hình như tiệc rượu không đồ nhắm, tàn rất ư là êm thắm.

Nắng lên chói chang cánh đồng hoang cỏ xanh. Lão Huyền đã chẩun bị sẵn. Ông Sơn dẫn từng tên đến xô đựng thuốc giải cảm. Lão Huyền múc bằng cái muỗng to vẫn dùng để quậy súp. Các bợm nhậu uể oải, bịt mũi hả họng uống chất đắng. Tên nào tên nấy không dám hó hé vì xấu hổ. Lão Huyền khôi hài, dọa:

- Nhậu ngon chứ? Nhậu thêm rượu này cho lại sức. À, Địa Mập, chú mày anh hùng nhất, thêm muỗng nữa. Tới đây, Bích, Đang... Whisky đây!!!

May thay, các bợm nhậu hồi phục, làm việc chăm cả ngày. Thằng Huy hãy còn choáng váng. Thật tình nó sợ đêm thứ ba. Đêm định mệnh thản nhiên đến. Thằng Huy ngần ngại từ chối phiên gác. Ông Sơn bực mình nói sẵng:

- Chúng ta cứ việc ngủ hết. Trộm lùa bò, mai chúng ta về.

Thằng Huy khốn khổ ôm đống chăn, yên lần mò leo lên ngọn núi trọc. Từ đỉnh nó có thể thu hình quan sát tứ phía. Dù sợ nhưng nó phải nhận trách nhiệm. Đàn bò lấn nhau, chen chúc dưới thung lũng chật hẹp. Mấy con bê gọi mẹ từng chập. Từng dãy màu nâu chập chờn như sóng gợn, mấy vá lông trắng nổi bật trên lưng một vài con. Thằng Huy tự hỏi: Chúng thức cà đêm? Có tiếng bước chân sột soạt làm giựt mình thằng bé. Nó run lên và thở phào, nhủ thầm "vậy mà cứ tưởng". Thì ra thằng Văn.

- Mày kh1o ngủ?

- Không, tao cùng thức canh với mày. Tao biết mày có một tâm sự khó thố lộ với bất kỳ là ai.

- Đâu có, ai nói với mày vậy?

Thằng Huy lạnh cả gáy khi nghĩ đến bọn mãn tù, nó gỡ cặp kính ra định kéo vạt áo để lau. Lụp chụp nó đánh rơi. Cặp kính trắng lăn long lóc từ triền núi cao bốn năm chục mét. Nó phản chiếu ánh trăng và nằm trêu gan bên cạnh lũ bò. Thằng Văn hấp tấp lên ngựa:

- Mày ở đây chờ. Tao đi vòng xuống lượm giùm cho.

Than ôi! Đó là lời từ giã sau cùng. Thằng Văn rất cẩn thận như lời bạn dặn. Nhưng những con bò thì hốt hoảng khi có kẻ phá giấc ngủ. Chúng né nhau, tràn qua lại. Có con húc con ngựa thằng Văn. Thằng bé rơi xuống. Một chân còn vướng trong khớp đặt chân. Nó bị đàn bò giẫm chết không kịp trối. Một sự việc bất hạnh đầu tiên xẩy ra. Thật là một cái chết oan ức vì tình bạn.

Đám táng thật bất ngờ như tai nạn. Một mô đất vô danh, một cái hố vô tình, và những nắm đất hòa lệ. Thằng Huy sụt sùi mãi. Nó cầm cặp kính mất tròng trên tay, chỉ muốn ném vào lòng đất. Sau cùng nó giữ lại. Ông Sơn an ủi nó:

- Số mệnh của nó ngắn ngủi. Chúng ta cũng cố gắng lắm mà đâu cứu được.

- Nhưng nếu cháu thú thật chuyện này.

- Chuyện gì? Cah1u rủ nó canh gác hả?

- Không, cháu sợ bọn mãn tù.

Và nó kể lại cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ trong rừng thông đã làm rối loạn tâm hồn non nớt của nó mấy ngày nay. Ông Sơn xoa đầu nó:

- Không phải lỗi ở cháu. Ai cũng biết sợ cả. Thì ra bọn khốn này định làm một mẻ to. Thử xem bọn bây dám giở trò gì. Hừ! Cháu lo phận sự hằng ngày. Tất cả lên đường. Quên đi nhé. À, đừng quên chỗ chôn thằng Văn nghe.

Bọn mãn tù bỗng xuất hiện thật rõ ràng về phía trái. Chúng lừng lững đuổi theo. Ông Sơn bắt đầu nghi ngờ. Ông ngoắc thằng Tân và dặn:

- Cháu đi ngược lại, tìm lão Huyền mau lên.

- Ối, xe của lão gẫy bánh còn đang sửa chữa đằng kia.

- Ừ, tìm lão cho ông. Mau nhé.

Đợi thằng bé khuất dạng, ông Sơn tập họp cả bọn lại, không đi nữa. Ông bảo nên ăn lương khô và chờ đêm nay giải quyết một chuyện. Lửa được nhóm lên trong bóng đêm âm u, đồng lõa của tội ác. Và tội ác đến cùng lúc với bọn mãn tù. Vẫn gã tóc quăn làm đầu tàu:

- Ông già gan quá ta. Tưởng ông chạy thục mạng rồi chớ.

- Muốn gì?

- Hà. Đàn bò. Bây giờ ông được tự do dẫn đám tàn quân này quay về.

- Mày lập lại lần nữa tao sẽ đấm vỡ mặt ra.

- Ngon! Tư Búa, lấy súng của lão cho tao, gỡ luôn cả dây nịt đan và tránh ra. Thử coi lão dám đấm tao không.

Bọn trẻ đứng gần đó tức tối. Chúng thêm căm hờn khi gã tóc quăn ra lệnh:

- Bọn nhãi lại ngồi dựa thân cây, để tay lên đầu mà dự khán. 
 
Vì có lời dặn trước của ông Sơn không được vọng động khi chưa có lệnh nên bọn trẻ giả bộ riu ríu vâng lời.

Gã tóc quăn thủ thế và chờn vờn giở bốc. Ông Sơn bình tĩnh gạt tay gã và đấm một quả thôi sơn đầu tiên trúng ngay sống mũi gã. Một dòng máu cam kích thích cơn điên của gã. Gã húc đầu vào bụng ông Sơn ngã vật ra. Hai người hăng máu đấm đá nhau. Sức già nào kém sức trai. Ông Sơn túm gã tóc quăn giở hổng đầu và ném gã lăn gần chân đồng bọn. Diễn biến thật bất ngờ khi gã tóc quăn bám theo ống chân của đồng bọn để gượng ngồi dậy. Gã rút súng lục và nã nhanh. Thái độ không anh hùng đó làm ông Sơn ôm lấy vai, rồi ôm lấy chân, ông khuỵu xuống trong sự khiếp hãi của bọn trẻ và thích thú của bọn mãn tù. Gã tóc quăn rít lên qua hàm răng khít rịt, rịn máu:

- Lão già điên! Sao không đi cầu viện, còn tên đầu bếp đâu?

- Lão sắp đến. Tao có cho người đi kêu.

- Phải thằng oắt con kia không? Năm Beo! Đem nó ra.

Bọn trẻ cũng ngơ ngác trước hình thù xơ xác của oắt Tân, hẳn thằng bé chống cự dữ lắm nên mới bị cột như bó giò và còn bị nhét giẻ rách vào họng nữa chứ.

- Bây giờ thỏa mãn chưa! Tao cho lão chết êm thắm.

- Tao không tiếc đàn bò. Nhưng vì không muốn hy sinh tánh mạng trẻ con để giữ của. Chỉ xin bọn mày cho bọn trẻ sống sót trở về nhà cha mẹ chúng. Sắp đến mùa tựu trường rồi.

- Được, để chúng ở lại đưa ma. Tư Búa, Năm Beo... lấy hết yên ngựa và lùa bò, chúng ta đi.

Đoành, đoành... hai phát đạn tàn nhẫn ghim vào ngực trái của ông Sơn. Ông gục xuống như thân cây bị đốn. Bọn trẻ chạy ùa tới mếu máo.

Ông Sơn còn thoi thóp mãi khi nắng đã lên cao. Ông cần trăn trối với lão Huyền. Lão Huyền đủng đỉnh, hát nghêu ngao trên xe vừa chữa xong. Lão trợn to cặp mắt, nhảy phắt xuống:

- Trời! Chuyện gì xảy ra?

- Lão Hắc Bì có thuốc băng bó không? Máu ra cả đêm nay đó.

Ông Sơn thều thào:

- Đem bọn trẻ về cho chúng đi học. Nói với vợ tôi bán của cải trả lương cho ông và bọn trẻ. Đừng dây dưa với bọn hủi, cũng đừng thưa gửi làm gì. Số trời đã định, tôi đành chịu vậy!

Và ông Sơn trút hết lời cuối củng giữa những tiếng khóc nho nhỏ không dứt. Một nấm mồ vội vã thứ hai mọc lên. Một cái bảng gỗ nguệch ngoạc vài chữ làm dấu vết. Lão Hắc Bì quẹt nước mắt:

- Thôi, đi về.

- Không về, chúng tôi phải làm một cái gì.

Và bọn trẻ đã làm một cái gì như chúng nói. Trước hết chín đứa áp vào vật ông ta. Trói thúc ké lão vào xe. Một đứa nhảy lên tốc mui vải. Nó ghịt rớt thùng đựng súng vỡ toang. Chúng nhặt nhanh vũ khí của mình và trang bị ngay. Thật là khôi hài!

- Bọn điên! Thả lão ra.

- Rồi ông coi tụi này cướp lại đàn bò dư sức.

- Đồ ngu, muốn cướp lại phải có kế hoạch chắc chắn.

- A ha... Vậy là lão hợp tác với bọn mình.

Lão Hắc Bì phác họa ngay một chương trình hành động làm nức lòng bọn trẻ. Lão thiệt tài số dách và chẳng cù lần tí nào. Việc thứ hai xảy ra đúng như lão tiên đoán. Bọn trẻ bám theo đàn bò như những bóng ma. Đàn bò vẫn đi một tốc độ bình thường như hồi chưa thay chủ. Bọn mãn tù cũng không dè sắp bị đòn "gậy ông đập lưng ông". Một gã râu xồm lo rượt con bò xé lẻ. Gã vướng dây thừng ngã ngựa. Một đám túa đến đập gã cho kỳ ngất. Chúng lôi gã sềnh sệch và trói chặt chịa sau khi lột bộ đồ và cái mũ. Thằng Đang mượn con ngựa gã để thay thế. Nó lầm lũi nhập bọn. Một gã mặt sẹo, nạn nhân kém may mắn thứ hao. Lần này thằng Địa Mập thế chỗ. Gã Tư Búa, nạn nhân thứ ba. Chiến thuật tỉa bớt của lão Hắc Bì công hiệu vô cùng. Trưa quá rồi. Gã tóc quăn qui tụ đồng bọn về dùng bữa. Nhưng gã gọi mãi mà có ba đứa vẫn lầm lì trên lưng ngựa với dáng khả nghi.

- Ê, Tư Búa, mày bàn tán gì với hai thằng kia hả?

Gã tóc quăn tức giận lên ngựa. Gã vừa đến thì ba cái bóng khả nghi chạy tách làm ba ngõ. Đến bìa rừng chúng lột phăng áo mũ và quay lại làm trò chế giễu gã.

- Hừ, tụi nhãi, còn ba thằng quỷ kia đâu? Ê, trở lại biểu! Ê, tụi bây đuổi bắt ba thằng nhãi coi.

Bọn mãn tù ào ào rượt bắt thật sôi nổi, nhưng đành chịu vì khó xoay trở giữa những ngách của rừng già. Bọn mãn tù bỏ mặc đàn bò và tìm dấu vết bọn trẻ. Chúng giận sao đã để bọn trẻ sống để bây giờ gặp rắc rối. Và chúng gặp được lão Huyền đang lui cui bên bếp lửa cạnh một bờ suối.

- À, lão mọi đen. Phải lão sắp đặt trò chơi này?

- Chào các bạn. Đó là tự ý chúng. Lúc nào tôi cũng là người đầu bếp tốt mà thôi.

- Ăn với uống! Lão sẽ theo lão Sơn ngay lập tức.

- Khoan, để tôi dọn bữa cho bọn trẻ.

Gã tóc quăn cười nhạt, gã đá cái bàn đã bầy sẵn đĩa, muỗng, ly ngã ập vào cái bếp treo nồi ra gu.

- Lão mọi sẽ bị treo cổ để làm bia tập bắn. Năm Beo, tung sợi thòng lọng qua cành sồi kia.

- Xin đừng trói tay để tôi cầu kinh một phút.

- Ừ, sám hối tội lỗi đi, 5 phút thôi.

- Xin Thượng Đế tha thứ cho bọn trẻ người non dạ, coi sự bắn giết là một trò đùa...

Gã tóc quăn điên tiết, mất cả bình tĩnh. Gã rút súng và định phơ ngay trước khi ra lệnh đồng bọn phi ngựa để rút lão Huyền lên cao.

Đoành... Đoành... Đoành...

Tiếng súng của ai nhanh tay hơn gã tóc quăn? Phát đầu tiên đứt ngang sợi thòng lọng. Phát thứ hai giải tán lũ ngựa bị buộc tạm bợ. Phát thứ ba của gã tóc quăn vừa bắn vào khoảng không. Vì thằng Bỉnh oai hùng tựa một thiên thần. Hai tay súng của nó xoay như chong chóng. Nó phi ngang vừa tầm để lão Huyền cùng thoát lên lưng ngựa. Từ mô đá ven bờ suối nhô ra mấy khẩu súng trường. Từ những gốc cây, hốc núi... cả một sự chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bọn mãn tù. Tám người lớn lúng túng không biết các địch thủ tí hon ở đâu. Bọn trẻ bắn thật chính xác, hầu như không một phát nào sai trật, đủ để bọn người lớn văng súng, tét tay, ôm vai, ôm bụng, nhào lăn... và cuối cùng ôm lấy  ngực. Cường độ phục kích tăng dần theo tiếng súng mới và cổ lỗ sĩ đủ loại. Cũng bởi bọn trẻ say máu cứ tưởng đây chỉ là một trò chơi lớn, cũng bởi lần đầu chúng giết người một cách dễ dàng không có ai kiềm chế và ngăn cản. Hơn nữa chúng phải giúp nhau, sơ sẩy bọn người lớn ấy cũng sẽ thẳng tay tàn sát chúng không thương tiếc. Những con ngựa bị bắt lại để chủ nó trốn chạy, rốt cuộc chúng thong dong. Chủ nhân chúng nằm xuống và sẽ không bao giờ chỗi dậy nữa. Gã tóc quăn chưa chết. Lúc rối loạn tẩu thoát tự do, gã bị một phát trúng vai. Gã té nhào. Chân phải còn vướng víu. Con ngựa gã cỡi trợt bùn ven suối cũng té đè lên chân gã. Người và vật tức tối chờ tàn cuộc chiến. Những đứa bé thanh toán sạch chiến trường và an toàn tiến gần gã tóc quăn. Chúng nhìn gã với ánh mắt căm thù thêm, khi gã van nài:

- Làm ơn cắt dây cương, chân tôi bị gãy rồi.

Bọn trẻ nhìn nhau, nhìn lão Huyền. Lão Huyền nhún vai không biết phải tính sao. Dù gì cũng nên giúp gã. Thằng Đang rút con dao đi rừng ra. Nhưng thằng Huy khoát tay tỏ ý không nên. Và thằng Bỉnh làm hiệu cho cả bọn lùi lại mấy bước. Bỉnh rút súng. Gã tóc quăn hèn nhát van nài:

- Đừng, đừng giết tôi, các em cho tôi sống...

Đoành...

Phát súng cắt đứt sợi cương quấn rối qua hông và tay gã tóc quăn. Con ngựa ngước đầu và ngồi lên. Nó hí vui mừng và tuôn chạy thong dong. Không cần ai giết gã tóc quăn. Vì gã đã bị ngựa lôi tuôn bờ bụi và đá sỏi. Con ngựa băng suối. Gã tóc quăn rú khủng khiếp theo tốc độ con ngựa. Đầu gã đập vào đống đá ven suối có những góc cạnh thật sắc bén. Đủ để kết liễu cuộc đời một gã tàn ác.

*

Thị trấn Phác Sơn một buổi sáng còn mờ sương. Những người có việc phải dậy sớm ngạc nhiên lắm. Tuy đang mùa bán bò hàng năm nhưng mà lạ kìa... Người lớn đâu? Chỉ có một lão già da đen phờ phạc theo sau toàn là một bọn con nít hỉ chưa sạch mũi. Chúng lầm lũi điều khiển số súc vật khổng lồ, không thèm quan sát người và cảnh lạ chung quanh. Có chăng từ những cửa sổ, cửa cái, ngõ ngách, dân thị trấn khác nhau đi nhìn lũ chăn bò con nít. Lũ cao bồi con bám bụi đường và dày dạn, lùa bò trật tự vào khu chợ, xáp chung với một số bò của những trại khác. Nhưng bò mập mạnh của ông Sơn vẫn nổi bật với những dấu sắt nung trên mông khoe xuất xứ.

Để cho lão Huyền việc giao dịch, bọn trẻ đi tìm một hàng khắc bia mộ. Ông già háy cặp mắt ngạc nhiên nhìn lũ chăn bò:

- Đặt bia mà khắc thêm chữ gì không?

- Tên ông ấy là An Điền Sơn, chết ngày... tháng... năm...

- Có đề ở dưới: chồng, cha... yêu dấu?

- Có thể, ông cứ khắc tương tợ các bia khác giùm nhé, luôn tấm bia nhỏ.

Vậy là xong, bà Sơn sẽ cám ơn nghĩa cử này. Chuyến trở về nhanh và buồn tẻ lạ. Những cơn mưa đầu mùa đã lấp bằng chỗ chôn cất ông Sơn. Lão Huyền tìm ra nhờ dấu khắc ở cây thông gần đó. Bọn trẻ mò mẫm và hì hụi dựng lại ngôi mộ. Chúng nhớ thương ông vô vàn. Những lời vàng ngọc mà ông chỉ bảo, dạy dỗ hãy còn thoang thoảng bên tai chúng. Còn tấm bia nhỏ chúng dành cho thằng Văn. Một nấm mồ cô đơn ở một chỗ khác. Ở đây cũng như ở đó, người chết sẽ an nghĩ nhờ lời ru của gió núi với cây rừng. Sẽ không có tiếng bò hựm rống quen thuộc, vì lộ trình của đàn bò khác biết có đi qua đấy chăng?

Những đứa bé hạt tiêu ngậm ngùi phi ngựa. Chỉ mới có hai tháng trời vất vả đã giúp chúng trưởng thành trước tuổi. Tuổi trẻ vốn mau quên. Chúng cũng không cần nhờ lão Huyền cho biết về tin 11 tên tù vượt ngục. Các tên tù ấy lại ăn cắp ngựa, cướp nhà băng v.v... và vô tình những đứa bé hạt tiêu đã trừ giúp chính quyền. Lão Huyền cũng không thèm dẫn bọn trẻ đi lĩnh thưởng. Nói ra mà không bằng cớ sẵn biết ai tin cho. Vả lại mục đích của cả bọn chỉ là để cướp lại bò và trả thù cho ông Sơn kia mà. Nhưng ít ra bọn trẻ sẽ đỡ ân hận nếu khi nào chợt nghĩ đến phút giây giết người bất đắc dĩ xưa kia. Tuổi chúng còn quá trẻ để tập tành những việc của người lớn với thế giới xài luật "mạnh được yếu thua". Hẳn là khi cha, anh chúng tìm vàng trở về cùng lượt, họ sẽ bắt những đứa bé hạt tiêu vào trường, tệ lắm cũng 5 năm nữa họ mới yên lòng. Những đứa bé hạt tiêu nhớ nhà mà cũng tiếc ngày vui gian lao qua mau.

Một cơn mưa tầm tã trút ập xuống. Lão Huyền buồn nao nao. Bởi vì sau lần chia tay này lão sẽ tiếp tục đi khắp nơi, vô định để làm mướn. Nhưng chắc là không còn được nghe ai gọi đùa lão tên Hắc Bì như lũ trẻ tinh quái đáng yêu này. Mưa dai như để đuổi về mau bọn người xa xứ đã lâu.


PHAN KHƯƠNG THÁI       
    
(Trích tuần báo Thiếu Nhi từ số 123 đến 131)
 

 
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>