Cứ ngỡ các con khôn lớn, ra trường, có việc làm ăn là mẹ được thư thả, rảnh rang để làm gì tùy ý. Sự thật khác hẳn: chỉ ít lâu sau khi con trai, con gái lập gia đình, mẹ được lên chức bà nội, bà ngoại, lại bận rộn hơn, khiến bà rất tức. Đôi khi bà hét toáng lên: – Thôi! Đủ rồi đó! Tụi bây phải biết thương thân già này chớ. Mẹ bây đã bị hành hạ nhiều rồi. Giờ là lúc nghỉ ngơi! Đừng bắt tao làm vú em hoài, mệt lắm!
Con gái, con dâu, đồng loạt năn nỉ:
- Mẹ không thương tụi con sao? Tụi con có đứa nào rảnh rang đâu! Đi làm...
- Ta cũng đi làm chớ lại rảnh à? – Bà làm vẻ lạnh nhạt.
- Đem tụi nó gởi nhà trẻ đi! Thời buổi này, ai mà có thể để con ở nhà!
- Mẹ mà đi làm... Việc của mẹ khỏe ghê đi! Muốn đi lúc nào thì đi, không đi thì cứ ngồi nhà.
Chồng bà chen vào:
- Thì bà cũng nên chịu khó một chút. Coi vậy chớ hồi bà nuôi con khỏe ru: có người giúp việc. Chỉ tại bà ham con cứ khư khư chăm bẵm cho bú cho mớm, chớ tụi nó giờ, tội! Muốn ở nhà nuôi con đâu được, thời buổi khó khăn quá.
- Ông chỉ được cái tài phân xử, ra lệnh, chứ có khi nào phụ với tôi đâu! Đang nấu cơm mà đứa này khóc, đứa kia kêu khát nước. Đang ăn cơm thì đòi đi tiểu, đi tiêu. Chưa kể tắm rửa và dỗ ngủ. Chưa kể lúc tụi nó ngang bướng.
- Bà không giữ, tôi giữ cho. Thiên chức của phụ nữ mà cứ kêu ca. Với lại, giờ tụi nó cũng đã lớn rồi, đâu như lúc chưa đầy năm đâu mà sợ? Mệt là lúc chưa biết đi, biết nói, chớ giờ, dễ ợt!
Bà cằn nhằn chiếu lệ vậy thôi, chớ đời nào có thể từ chối coi sóc tụi cháu. Đã thành lệ: cứ sáng, con gái bà đem cháu gái tới gửi, chiều đón. Nói cho công bình, con cháu ngoại dễ bồng bế, nó nhỏ xương, mảnh khảnh, ít bướng, chỉ phải cái ăn lâu lắc, nhỏ nhẻ như chim. Thằng cháu nội trái lại, to xương, nặng ký, da thịt chắc nịch, hồng hào mà lại ưa làm nũng: "Nội, ũm con". Đòi cái gì không được nằm lăn ra, khóc như cái còi. Bù lại, nó ăn uống rất dễ: chút nước mắm cũng hết chén cơm đầy, khỏi cần đút, dỗ. Nhưng nó ngủ rất nhiêu khê: phải có bà nội nằm cạnh, nhay nhay vú bà nội mới chịu ngủ.
Trong lúc đó, cháu ngoại uống nước xong, tự đi chải răng rồi vào phòng, lấy gối, nằm xoài xuống, ngủ một mình. Khi tắm gội, lần nào bà cũng ướt hết quần áo vì cháu nội, nó vùng vẫy, vọc nước, giành múc, dội ; cháu ngoại thì ngoan ngoãn nằm yên cho bà nội gội đầu, mắt lim dim thưởng thức bàn tay êm dịu của bà.
Nhọc nhất là bữa ăn trưa, khổ nhất là hôm nào đến hạn bà nộp bài cho báo. Không đưa chúng nó đi thì nơm nớp sợ: ông rất lơ đãng, dám để tụi nhỏ dắt nhau lên lầu chơi, cãi cọ, xô đẩy nhau, rủi té ngã thì không lường hậu quả. Đành phải đem theo dù như vậy rất mệt. Đi một đứa, bà chở bằng xe đạp. Nay hai đứa thì phải đi xích lô. Nom cái cách bà tha hai đứa, thật khó nín cười. Phải nói là tha mới đúng vì đứa nào cũng đòi được bế trên tay. Phải chia ra: bế cháu ngoại trước, đi ra gần khỏi hẻm thì hạ cháu ngoại xuống, bế cháu nội lên, tay dắt cháu ngoại. Ba bà cháu mất cỡ 15 phút mới có xích lô. Lại giành ngồi gần bà, đứa nào cũng đòi ngồi trong lòng bà! Đến nơi, con bé từ tốn ngắm nghía cảnh lạ thì cháu nội a vào trong, phá máy chữ, lật sách báo, hỏi lia lịa. Bà than phiền với các đồng nghiệp trẻ: "Nếu không vướng tụi nó, tôi đạp xe vèo một cái là đến nơi. Các cô coi: thật y như con mọn!"
Tuy vậy, hai đứa bé kháu khỉnh được khen, người bà cũng hãnh diện phần nào. Nghĩ: mình cũng có công với cháu lắm chứ!
Bà chợt nhớ lúc trước, bà hãnh diện khi bế con ra ngoài được người này, người kia khen mình khéo nuôi con: sạch sẽ này, lễ phép này, điều độ này... Dần dà, tình mẫu tử phôi pha thì tình bà cháu ngày càng đậm đà, thắm thiết. Ngày nào cháu ngoại nghỉ, không lên, bà thấy thiêu thiếu. Ngày nào cháu nội xin về ngoại chơi, bà lại thấy thiếu hơn. Nếu nhằm ngày hai đứa cùng đi, cháu nội thăm bà ngoại, cháu ngoại thăm bà nội thì bà đi ra, đi vào... Nhà đột nhiên rộng thênh thang.
Những món đồ chơi chúng vứt lăn lóc dưới gầm bàn, ở góc giường, bên kệ sách như có hồn, như giương những con mắt thóc mách nhìn bà, như chúng lên giọng mỉa mai hạch xách bà: "Đó, bà được toại nguyện rồi! Rảnh rang rồi đó. Làm gì tùy ý đi!"
Bà lại máy chữ, tra giấy vào, gõ lóc cóc, lóc cóc mươi hàng, sao mà nhạt thếch... Bà ngừng lại, xuống bếp... Đôi đũa nhỏ của cháu như chọc vào mắt bà... Nhìn đồng hồ: mới bốn giờ. Còn một giờ nữa, tụi nhỏ mới về! Lâu ghê đi!
Bà tần ngần tự hỏi: không biết những người già khác, con cháu họ ở xa hết, họ có buồn không? Họ sống ra sao? Họ chơi với ai? Họ nói chuyện với ai? (Bà vừa nhớ thêm: những câu chuyện ông bà nói với nhau toàn xoay quanh hai cháu). Bà tặc lưỡi: buồn chết đi!
Chợt có tiếng gõ cửa. Bà mừng hụt: không phải đứa cháu nào về cả mà ông bạn của chồng bà. Nom ông lừ khừ, lừ khừ như gà mắc mưa. Áo quần nhầu nát, luộm thuộm, nét mặt nom rất thiểu não. Bà vội vàng mở cửa, ân cần mời ông vào ngồi rồi gọi chồng ra tiếp khách để bà vào bếp.
Hoàn cảnh ông bạn ấy rất đáng ái ngại: trong lúc ông đi học tập cải tạo, bà vợ đã không thăm nuôi, lại dắt hết ba con ra nước ngoài và hiện giờ, nghe ông nói là bà đã có chồng khác. Còn ba đứa con thì đã lớn, đỗ đạt, nhưng cũng quên cả cha mình. Nhà cửa không có, ông ở nhờ nhà người bạn, người chồng thì tốt nhưng người vợ và con ông ấy không mấy niềm nở. Có lúc ông đem đến những hũ chao, sắp hàng lủ khủ, mời bà mua. Vì nể nên mua, nhưng ăn đâu có nhiều, mà mỗi lần mua, thì ông nài mua giúp hũ lớn, dung tích hơn nửa lít. Ông nói:
- Chị mua giúp cho, để dành ăn cũng tốt mà rẻ.
Có lần, không có bạn ở nhà, ông dùng dằng rất lâu và cuối cùng ngượng ngập xin bà giúp cho ít tiền. Bà không nỡ từ chối mà cũng dùng dằng không biết đưa ông bao nhiêu, để không quá túi tiền mình mà cũng giúp được bạn chồng trong cơn quá ngặt, thì ông nói: "Xin chị đôi ba trăm cũng được, tôi biết chị không dư dả. Cùng lắm..."
Bà đưa ông hai ngàn đồng. Ông vẫn nán lại như có điều gì khó nói, bà hỏi ông cần gì nữa chăng. Và ông ho khan mấy tiếng, hắng giọng rất thấp:
- Xin chị... đừng cho anh ấy biết, tôi... khổ nhục lắm mới...
- Anh yên tâm. Tôi sẽ không kể lại cho nhà tôi đâu.
Bà nghẹn ngào, cố nén xúc động, hứa với bạn chồng.
Độ một tuần sau, bà hỏi chồng nhân lúc rảnh:
- Lâu nay anh gì bạn anh đó, lúc trước trưởng ty... có gặp anh?
- Tên gì?
- Tôi không biết tên ảnh... Anh bán chao đó!
- À, nhớ rồi. Không! Không thấy tới nữa, sau cái lần ảnh đến mà bà đi vắng, ảnh xin tiền tôi...
- Rồi sao? Anh có cho không?
- Tiền đâu mà cho? Bà đi là khóa tủ, lại nhằm lúc mới mua thóc cho gà, với mua kẹo cho hai cháu bà, nhẵn túi!
- Mua kẹo cho tụi nó làm chi! Ông sao cưng bậy bạ quá! Phải để chút ít dằn túi chớ!
Bà trách chồng vì nghĩ rằng nếu ông không mua kẹo cho lũ cháu thì vẫn còn năm bảy trăm giúp bạn. Ông cao giọng:
- Cái gì? Cưng bậy bạ? Chớ bà ra tòa báo lâu lắc, tụi nó khóc đòi, làm sao tôi dỗ nếu không có kẹo? Mà sao bà lục vấn tôi dữ vậy?
- Không phải lục vấn gì, tôi nghĩ tội anh ấy quá. Có thể anh ấy hiểu lầm anh là keo kiết.
Ông đâm bực:
- Ừ, tôi keo kiết đó, có sao không? Bộ bà tưởng tôi không từng cho... – hình như ông do dự giữa tiếng anh và thằng... – sao? Xin hoài, gặp mặt là xin. Y như con nít đòi kẹo.
- "À, ra vậy" Bà nghĩ thành tiếng.
Ông đâm nghi, vặn hỏi:
- Có gì không?
- Có gì là có gì?
- Ý là tôi hỏi bà... nó... ảnh có đến xin tiền bà phải không?
- Không! Làm gì có chuyện đó? Tôi đâu phải bạn ảnh, dù túng ảnh cũng không dám xin tôi đâu.
Bà nói chắc nịch nhưng không dám nhìn ông.
- Không xin là đúng. Lúc trước có bao giờ tên ấy nghĩ đến bạn đâu. Vả lại, nói cho rõ ra: tôi không phải là bạn anh ta. Chỉ quen sơ, chào xã giao khi đi họp ở tỉnh đường.
Bà vặn lại chồng:
- Quen sơ, chào xã giao thôi, sao anh lại biết anh ấy không nghĩ đến bạn?
- Thì nghe tụi nó nói.
- Tụi nó là ai?
- Tụi bạn anh chớ tụi nào. Tụi nó nói, khi mát mặt, anh ta lờ hết bạn nghèo.
Mắt nhòe ướt, bà phải quay đi để chồng đừng thấy mình khóc. Cùng một lúc bà chợt nhớ đến cha.
Ông cụ này đúng 90 tuổi. Cụ vẫn còn khỏe mạnh và luôn vui vẻ, yêu đời. Nhớ đến cha, bà luôn nhớ những lời cha dạy từ hồi bà chớm trí khôn: đừng phê phán người khác, dù họ rất xấu, khi kẻ ấy sa cơ, thất thế. Hãy quên những gì họ đối xử – với kẻ khác hay với chính mình cũng vậy – nhất là khi họ phải chịu nhục cầu cạnh mình cái gì đó. Hãy ân cần đối với họ, đừng dìm họ xuống thêm. "Ba sẽ rất buồn nếu các con ba có đứa nào tiểu nhân như vậy".
Suốt đời lúc nào cũng ngời chiếu sáng như một tấm gương cho các con soi về lòng nhân đức của cụ. Năm bà 30 tuổi, đã có chồng con, một lần về thăm cha, bà thấy cụ cứ vướng víu với những kẻ cụ từng giúp đỡ mà cũng làm cụ bị vạ lây. Kế mẫu bà rất tức, phàn nàn với bà. Bà kể lại với cha và thêm rằng kế mẫu nói vậy là rất đúng. Bà nói thêm:
- Ba coi đó: ba đã giúp họ trong lúc cùng khổ, tù tội. Ra tù họ lại đi tố cáo.
- Coi kìa! Vậy mà ba ngỡ con giống ba, hiểu ba chớ! Ba hỏi con đây: gặp như con mà tụi nó đánh cho bầm mặt, u đầu, coi con có khai bậy bạ cho đỡ bị đòn không?
Bà ngồi im, chưa kịp tìm lời nào để phản đối thì cụ tiếp, sau một tiếng cười xòa, giọng khoan dung trào lộng:
- Ba còn nghĩ rằng e chừng lúc đó, nó đang nhớ đến ba, đến người giúp nó trong cơn hoạn nạn là nó nói đến ba chớ không hề có ác ý. Con ơi, trên đời này, ba cồ gắng để giữ được hai điều quan trọng nhất trong năm điều người xưa dạy.
- Đó là hai điều gì, hở ba? – Bà nôn nả hỏi cha.
- NHÂN và TÍN. Con nên nhớ kỹ.
Bà cười, trêu cha:
- Ôi! Ba của con! Ba sao mà Tự lực Văn đoàn quá đi.
- Con nói vậy có nghĩa gì? Ba ít đọc tiểu thuyết lắm, con ạ.
- Dạ, con nhớ có một cuốn tiểu thuyết trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhân vật chính nói như ba vậy: Nhân và Tín. Con quên tên truyện, cũng quên tên tác giả.
- Vậy thì ba không biết. Điều ba suy nghĩ, nghiền ngẫm và tự nguyện sống đúng với ý muốn là như vậy thôi, không ảnh hưởng ở tiểu thuyết nào đâu.
- Kìa, bà suy nghĩ gì mà sững sờ vậy? – Chồng bà hỏi.
- Tôi đang nhớ đến ba.
- Ba làm sao? Có thư đau ốm gì?
- Ờ không! – Bà từ tốn nhắc lại cho chồng những điều cha dạy và thêm – Anh ơi! Tôi nghĩ là chúng ta có phước lớn: có con, có cháu nội và ngoại đầy đủ, có một mái ấm. Lũ con mình không giàu, cũng không nghèo. Lúc trước mình có xe hơi, và bây giờ anh và tôi đi xe đạp, không lệ thuộc xăng nhớt. Khi đi xa cũng có xe gắn máy. Không có Dream, không có cúp sáng choang, nhưng có honda của lũ con chở mình. Đi xe cúp loại xịn nghe nói hay bị cướp. Hạnh phúc biết bao! Anh nên mở rộng lòng...
Biết là vợ vẫn còn vướng chuyện anh bạn không may, chồng phân trần:
- Tôi đã nói rồi đó: tuy không thân thiết gì, quen sơ nhưng tôi cũng... nhiều thì không có, chớ còn in ít, thì tôi đâu có tiếc. Chỉ tại cháu bà... Bà yên tâm đi! Tôi hứa sẽ mở rộng lòng – ông ngừng lại, nhìn vào mặt vợ, biết bà đang buồn, nên tiếp giọng trào lộng – nhưng bà cũng nhớ: bà phải mở rộng cửa tủ khi tôi cần đến.
Bà không sao nén được cười sau câu pha trò của chồng. Nhưng bà vẫn chưa thôi:
- Ông có công nhận lời tôi thật không, hay chỉ là ừ hử cho qua?
- Sao lại ừ bừa. Bà biết tôi mà, tôi đâu phải là hạng râu quặp, cái gì mà tôi không muốn thì bà đừng hòng...
Đột nhiên đang vui, ông ngừng lại nhìn bà cân nhắc:
- Bà này đa cảm vặt quá, nếu không, tôi kể cho bà nghe một chuyện về bạn tôi. Bạn thật, đúng nghĩa, chứ không phải như anh bán chao này...
Bà nôn nóng:
- Kể đi anh!
- Tôi có một bạn còn lâm vào cảnh thê thảm hơn. Cũng mất nhà, vợ bỏ con bỏ. Vừa rồi tôi gặp ảnh ở bệnh viện mắt, trước nhà mình. Anh cho biết là mắt anh đến thời kỳ phải mổ. Nếu không, sẽ mù hẳn, nhưng ảnh trả lời bác sĩ là không muốn mổ. Tôi ngỡ ảnh thiếu tiền, tôi định giúp ảnh, và khi tôi nói lên điều đó ảnh đã từ chối, cảm ơn mà rằng: "Không phải tôi đến nỗi không chạy ra tiền, nhưng anh ơi, tôi còn muốn sáng mắt để làm gì? Tôi nhìn ai? Vợ không, con không, con chim con chó cũng không, thậm chí một mái tranh dột nát làm nhà cũng không. Tôi hết thiết rồi. Mù hay sáng cũng vậy thôi, không còn ý nghĩa gì đối với tôi. Đời tôi coi như bỏ! Bỏ! – Giọng ông nghẹn lại vì xúc động – Tôi thấy ảnh thật là...
Chợt ông giật mình, nhìn đăm đăm vào mặt bà, hỏi:
- Cái gì vậy? Lại khóc rồi! Chán quá, may mà bà không bị yếu tim. Lại cứ tò mò muốn biết, để làm gì chớ? Thật là... – Ông lúng túng không tìm được lời...
- Ngoại! Ngoại coi cái áo ngoại may cho con có đẹp không?
Cháu ngoại vừa trờ tới giải thoát cho ông ra khỏi cơn lúng túng. Nó hãnh diện vì được mặc cái áo bà may cho với rất nhiều công phu tuần rồi, hỏi và chờ một lời tán thưởng. Nó không hề biết là bà nó đang nghẹn cứng cổ làm sao mà thốt ra lời về cháu ngoan, về áo đẹp. Lần này thì chính ông gỡ rối cho vợ. Với giọng từ tốn, âu yếm, ông nói với cháu:
- Ngoại thấy áo con đẹp, trước hết vì chính đó là cái áo ngoại ngồi may suốt hai ngày, bỏ bê cả những sáng tác dở dang.
Cơn xúc động lắng xuống. Bà cũng cười theo một cách miễn cưỡng. Thấy vợ cười, ông lại lần nữa, lỡ lời:
- Thứ đàn bà sao ưa đa cảm vặt!
Ông cụ này đúng 90 tuổi. Cụ vẫn còn khỏe mạnh và luôn vui vẻ, yêu đời. Nhớ đến cha, bà luôn nhớ những lời cha dạy từ hồi bà chớm trí khôn: đừng phê phán người khác, dù họ rất xấu, khi kẻ ấy sa cơ, thất thế. Hãy quên những gì họ đối xử – với kẻ khác hay với chính mình cũng vậy – nhất là khi họ phải chịu nhục cầu cạnh mình cái gì đó. Hãy ân cần đối với họ, đừng dìm họ xuống thêm. "Ba sẽ rất buồn nếu các con ba có đứa nào tiểu nhân như vậy".
Suốt đời lúc nào cũng ngời chiếu sáng như một tấm gương cho các con soi về lòng nhân đức của cụ. Năm bà 30 tuổi, đã có chồng con, một lần về thăm cha, bà thấy cụ cứ vướng víu với những kẻ cụ từng giúp đỡ mà cũng làm cụ bị vạ lây. Kế mẫu bà rất tức, phàn nàn với bà. Bà kể lại với cha và thêm rằng kế mẫu nói vậy là rất đúng. Bà nói thêm:
- Ba coi đó: ba đã giúp họ trong lúc cùng khổ, tù tội. Ra tù họ lại đi tố cáo.
- Coi kìa! Vậy mà ba ngỡ con giống ba, hiểu ba chớ! Ba hỏi con đây: gặp như con mà tụi nó đánh cho bầm mặt, u đầu, coi con có khai bậy bạ cho đỡ bị đòn không?
Bà ngồi im, chưa kịp tìm lời nào để phản đối thì cụ tiếp, sau một tiếng cười xòa, giọng khoan dung trào lộng:
- Ba còn nghĩ rằng e chừng lúc đó, nó đang nhớ đến ba, đến người giúp nó trong cơn hoạn nạn là nó nói đến ba chớ không hề có ác ý. Con ơi, trên đời này, ba cồ gắng để giữ được hai điều quan trọng nhất trong năm điều người xưa dạy.
- Đó là hai điều gì, hở ba? – Bà nôn nả hỏi cha.
- NHÂN và TÍN. Con nên nhớ kỹ.
Bà cười, trêu cha:
- Ôi! Ba của con! Ba sao mà Tự lực Văn đoàn quá đi.
- Con nói vậy có nghĩa gì? Ba ít đọc tiểu thuyết lắm, con ạ.
- Dạ, con nhớ có một cuốn tiểu thuyết trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhân vật chính nói như ba vậy: Nhân và Tín. Con quên tên truyện, cũng quên tên tác giả.
- Vậy thì ba không biết. Điều ba suy nghĩ, nghiền ngẫm và tự nguyện sống đúng với ý muốn là như vậy thôi, không ảnh hưởng ở tiểu thuyết nào đâu.
- Kìa, bà suy nghĩ gì mà sững sờ vậy? – Chồng bà hỏi.
- Tôi đang nhớ đến ba.
- Ba làm sao? Có thư đau ốm gì?
- Ờ không! – Bà từ tốn nhắc lại cho chồng những điều cha dạy và thêm – Anh ơi! Tôi nghĩ là chúng ta có phước lớn: có con, có cháu nội và ngoại đầy đủ, có một mái ấm. Lũ con mình không giàu, cũng không nghèo. Lúc trước mình có xe hơi, và bây giờ anh và tôi đi xe đạp, không lệ thuộc xăng nhớt. Khi đi xa cũng có xe gắn máy. Không có Dream, không có cúp sáng choang, nhưng có honda của lũ con chở mình. Đi xe cúp loại xịn nghe nói hay bị cướp. Hạnh phúc biết bao! Anh nên mở rộng lòng...
Biết là vợ vẫn còn vướng chuyện anh bạn không may, chồng phân trần:
- Tôi đã nói rồi đó: tuy không thân thiết gì, quen sơ nhưng tôi cũng... nhiều thì không có, chớ còn in ít, thì tôi đâu có tiếc. Chỉ tại cháu bà... Bà yên tâm đi! Tôi hứa sẽ mở rộng lòng – ông ngừng lại, nhìn vào mặt vợ, biết bà đang buồn, nên tiếp giọng trào lộng – nhưng bà cũng nhớ: bà phải mở rộng cửa tủ khi tôi cần đến.
Bà không sao nén được cười sau câu pha trò của chồng. Nhưng bà vẫn chưa thôi:
- Ông có công nhận lời tôi thật không, hay chỉ là ừ hử cho qua?
- Sao lại ừ bừa. Bà biết tôi mà, tôi đâu phải là hạng râu quặp, cái gì mà tôi không muốn thì bà đừng hòng...
Đột nhiên đang vui, ông ngừng lại nhìn bà cân nhắc:
- Bà này đa cảm vặt quá, nếu không, tôi kể cho bà nghe một chuyện về bạn tôi. Bạn thật, đúng nghĩa, chứ không phải như anh bán chao này...
Bà nôn nóng:
- Kể đi anh!
- Tôi có một bạn còn lâm vào cảnh thê thảm hơn. Cũng mất nhà, vợ bỏ con bỏ. Vừa rồi tôi gặp ảnh ở bệnh viện mắt, trước nhà mình. Anh cho biết là mắt anh đến thời kỳ phải mổ. Nếu không, sẽ mù hẳn, nhưng ảnh trả lời bác sĩ là không muốn mổ. Tôi ngỡ ảnh thiếu tiền, tôi định giúp ảnh, và khi tôi nói lên điều đó ảnh đã từ chối, cảm ơn mà rằng: "Không phải tôi đến nỗi không chạy ra tiền, nhưng anh ơi, tôi còn muốn sáng mắt để làm gì? Tôi nhìn ai? Vợ không, con không, con chim con chó cũng không, thậm chí một mái tranh dột nát làm nhà cũng không. Tôi hết thiết rồi. Mù hay sáng cũng vậy thôi, không còn ý nghĩa gì đối với tôi. Đời tôi coi như bỏ! Bỏ! – Giọng ông nghẹn lại vì xúc động – Tôi thấy ảnh thật là...
Chợt ông giật mình, nhìn đăm đăm vào mặt bà, hỏi:
- Cái gì vậy? Lại khóc rồi! Chán quá, may mà bà không bị yếu tim. Lại cứ tò mò muốn biết, để làm gì chớ? Thật là... – Ông lúng túng không tìm được lời...
- Ngoại! Ngoại coi cái áo ngoại may cho con có đẹp không?
Cháu ngoại vừa trờ tới giải thoát cho ông ra khỏi cơn lúng túng. Nó hãnh diện vì được mặc cái áo bà may cho với rất nhiều công phu tuần rồi, hỏi và chờ một lời tán thưởng. Nó không hề biết là bà nó đang nghẹn cứng cổ làm sao mà thốt ra lời về cháu ngoan, về áo đẹp. Lần này thì chính ông gỡ rối cho vợ. Với giọng từ tốn, âu yếm, ông nói với cháu:
- Ngoại thấy áo con đẹp, trước hết vì chính đó là cái áo ngoại ngồi may suốt hai ngày, bỏ bê cả những sáng tác dở dang.
Cơn xúc động lắng xuống. Bà cũng cười theo một cách miễn cưỡng. Thấy vợ cười, ông lại lần nữa, lỡ lời:
- Thứ đàn bà sao ưa đa cảm vặt!
MINH QUÂN