Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Món Quà Quý


 Tôi từng làm mẹ vợ, làm bà ngoại nhưng làm mẹ chồng thì chưa. Bởi con trai tôi là đứa áp út và tôi cũng không giống các bà mẹ thời trước: nôn nả bế bồng cháu nội.

Phần nữa tụi trẻ bây giờ có vẻ ham học quá, con gái chờ học xong, có nghề nghiệp rồi mới chịu lấy chồng nên tôi không ép con trai cưới vợ sớm. Nói cho công bình, các con tôi cũng không đến nỗi nào: đứa vào Nông Nghiệp, đứa vào Thủy Sản rồi mới thành hôn. Kế hoạch đàng hoàng chớ, mà tôi vẫn bận, dù đinh ninh các cô lấy chồng rồi, mình khỏe.

Sự thật không phải vậy: đứa cách nhà năm, bảy cây số vẫn đem con về gửi mẹ trông chừng. Thậm chí có khi chúng còn tận dụng em trai vào dịch vụ trông nom cháu bé giúp bà ngoại. Phải! Chúng lập đi lập lại là giúp bà ngoại chớ không phải giúp chị. Con trai tôi nhăn nhó, phàn nàn:

- Mẹ đừng cưng các chị ấy quá, cứ đem con họ về giao hoài. Con đâu rảnh! Con cũng bận lo bài vở chớ...

(Lúc đó nó đang chuẩn bị thi vào Sư Phạm). Tôi phải dỗ dành:

- Thôi, tội chị con! Kệ, con giúp chị đi rồi sau này con có vợ tụi nó giúp lại, chị em với nhau chớ ai vào đó.

Nó vẫn chì chiết không ngừng. Nhưng nói là nói thế thôi, chớ nó rất thương các cháu. Đặc biệt là đứa cháu đầu lòng của chị Cả nó. Một hôm tôi ra tòa báo về, vừa dựng xe đạp là nghe tiếng nước dội ào ào trong phòng tắm, tiếng trẻ con khóc và tiếng con trai tôi the thé.

Thì ra cháu nó làm bậy dính đầy áo, tã, nó bế vào phòng tắm để tắm rửa và tắm rất kỹ nó vốn sạch sẽ khi tôi thay áo, rửa tay xong thì nó cũng vừa bế cháu ra khỏi phòng tắm, đặt vào cái giường xếp, quấn cháu trong chiếc chăn chặt như bó chả, chỉ chừa có khuôn mặt và đôi mắt thao láo nhìn quanh, coi bộ cũng dễ chịu. Tôi định khen cậu nó một câu cho cậu nó mát lòng nhưng chưa kịp, nó đã đưa mắt nhìn tôi, mếu, coi rất tội.

Tức khắc, cậu nó trừng mắt, mắng:

- À, thấy ngoại về làm bộ hả? Từ rày đừng hòng... (nó quay sang tôi). Mẹ ơi, mẹ phải la mấy bà con gái của mẹ đi. Đừng có đem con họ về hành con!

Tôi định giở điệp khúc cũ: "Thôi, tội chị con! Con giúp chị đi rồi..." thì nó đã quay ra, không nói một lời, chứng tỏ nó đã cương quyết trao "nhiệm vụ cao quý" đó lại cho mẹ.

Đôi lần trong bữa cơm, tôi nửa đùa nửa thật, nói gần nói xa, dò la coi nó đã có ai chưa. Nó bĩu môi ra vẻ khinh bỉ bọn con gái:

- Con chán mấy bà chị quá rồi. Lấy vợ để rồi lại hầu hạ con nít như...

- Coi! Nói gì lạ vậy, con trai của ba? Con coi ba đây, bốn năm đứa con mà ba có phải hầu hạ đứa nào đâu? Toàn là một tay mẹ mày cả...

- Trời ơi! Ba ơi! Thời buổi này, làm đàn ông con trai đâu như thời xưa, ba? Bây giờ phụ nữ họ tận dụng đàn ông đó, ba à! Đó, ba ra đường mà coi: họ đi trước, chồng đi sau bế con. Vào cửa hiệu, họ xách ví lủng lẳng, chồng thì ôm mang cồng kềnh, gói kia gói nọ. Chồng đi làm về sớm phải nấu cơm... Thời vàng son của nam giới đã tàn rụi rồi, thưa ba!

Giá như là một bà mẹ nôn nả bế cháu nội thì bà ta đã gắt lên còn tôi, tôi đâu vội. Nhưng nó cũng sắp ra trường rồi, tôi gặng lại:

- Thôi, con hãy nói thiệt đi! Có định cưới vợ không? Rồi đây con út lấy chồng nhà sẽ vắng vẻ...

- Mẹ đừng lo, mẹ có cả bầy cháu ngoại đó chi? Con học hành cực khổ, ra trường đi làm về nghỉ chơi cho khỏe thân. Vướng vào phụ nữ, mệt lắm!

Nhà tôi chen vào:

- Đừng nói vậy mẹ con buồn! Coi ba đây, chán đâu nào?

- Trời ơi! Con đã nói thời ba qua rồi. Thời này khác lắm mà ba!

*

Đó, lúc nào nó cũng nói vậy, mà rồi ra trường được một năm sau thì đột nhiên nó giục tôi cưới vợ cho nó. Cưới liền, chớ không chịu để thư thư.

- Con nghĩ kỹ chưa?

- Dạ, kỹ! Mẹ yên tâm!

Giọng nó chắc nịch như cua gạch. Còn tôi ruột gan cứ rối bời. Tôi chưa chuẩn bị gì cả. Tôi đã làm mẹ chồng lần nào đâu mà rành cái dịch vụ khó khăn này! Tôi sẽ cư xử sao đây, cư xử sao cho trong ấm ngoài êm, đừng để mang tiếng nghiệt ngã mà cũng đừng để con dâu lấn áp, ăn hiếp mình như lời đe dọa của hai cô em em chồng và em ruột của tôi, tụi nó đều có dâu sớm, trước tôi E cũng nhọc chớ chẳng phải chuyện chơi.

Thú thật với các bạn, tôi rất muốn hỏi họ nhưng thấy không tiện (nói rõ ra là tôi sợ họ cười). Chẳng là lúc trước mỗi khi họ đến chơi, họ hay kể tội con dâu mà mỗi lần như vậy, tôi đều cười xòa:

- Tôi thấy tụi nó cũng... dễ thương đó chớ, chắc tại cô, cô khó tính quá...

Tức thì họ trừng mắt, cải chính liền. Rồi họ cà kê đủ thứ, nhưng tôi gạt phắt ra ngoài tai, vì nó có dính dáng gì đến mình đâu?

Làm sao đây? Lễ hỏi đã qua. Chỉ còn hơn ba tháng nữa là ngày cưới đến. Chậc! Giá mà có một trường dạy làm mẹ chồng tôi sẽ tức khắc nạp đơn thụ huấn liền. Khốn, trường dạy về hôn nhân thì có, còn dạy làm mẹ chồng thì tìm đỏ mắt không ra.

Thôi thì tự mò mẫm vậy. (Tôi nhớ lúc làm mẹ lần đầu vào những năm trước năm mươi, làm gì có sách báo dạy làm mẹ chi li. Lại vốn mồ côi mẹ sớm, tôi âm thầm tự học, chớ ai bảo ban cho, lại trong lúc chiến tranh nữa chớ!)

Việc đầu tiên là tôi quan sát hai bà mẹ chồng gần tôi nhất: em gái và em chồng mình. Tất nhiên là hơi chậm. Nhưng không sao, chậm còn hơn không. Tôi thấy gì ở họ? Học gì ở họ?

Thế này này: họ đều rất giống nhau ở điểm: cùng một việc làm ấy, cùng những lời nói ấy mà nếu kẻ làm, kẻ nói là con gái họ thì họ cười xòa, xí xóa hết, kết luận là còn trẻ người, non dạ ; còn nếu là con dâu thì họ đay nghiến, bắt bẻ chi li. Họ làm khổ lây cả con trai họ, đến nỗi chúng phải chạy đến cầu cứu với tôi.

Và, bạn biết không: hai cô đều cũng như tôi, nào có phải họ xuất thân từ hàng thượng lưu quý tộc gì cho cam, thế mà từ khi lên chức mẹ chồng họ đâm ra kiểu cọ, cầu kỳ.

Họ vốn cũng khá siêng năng, hay lam hay làm nhưng từ khi có dâu họ không còn siêng năng nữa. Họ nói:

- Mình già rồi! Hầu hạ chồng con cả đời rồi. Mệ... ệt! (họ kéo lê tiếng mệt một cách nặng nhọc, chắc để chứng tỏ họ mệt thật!)

Chừng như muốn lời nói mình thêm hiệu quả, họ thở dài tiếp:

- Mình già rồi, để tụi nó hầu mình, can gì mình hầu nó! Làm vậy rồi nó hư đi!

- Các cô mà già gì? Mới xấp xỉ năm mươi chớ bao nhiêu? Nếu các cô mà bước đi bước nữa thì cũng còn khối... Với lại, làm việc thì vui tay, quên già đi chớ!

Hai cô cùng dẫy lên, kể lể cà kê: nào là họ hy sinh tuổi xuân vì con cái, thắt lưng buộc bụng v.v... (Nói cho ngay, hai cô tốt thật, trung thành với cái bóng của hai ông em rể nhà tôi thật đó. Nhưng nếu lấy lý do đó để bắt dâu con hầu hạ quá độ thì cũng... không nên). Đó là tôi nghĩ vậy, chớ nói thì không, vì sợ hai cô buồn...

Tôi không nói ngoa đâu, hai cô em tôi đều xinh đẹp, giỏi giắn nhưng cạnh đó, họ còn là những con người sắc sảo, khắt khe (cái này thì phải dè chừng!). Tôi hơn hai cô cả chục tuổi, nhưng tính cách rất khác hai cô. (Đôi khi tôi lẩn thẩn tự hỏi: sao hai cô em tôi lại giống như hai chị em ruột vậy kìa?). Đặc biệt hai cô đều không hề trải qua cảnh làm dâu. Một cô thì mẹ chồng mất sớm, một cô thì mẹ chồng ở xa. Tôi thường đùa: nếu mà gần mẹ chồng, chắc hai cô bắt nạt mẹ chồng chớ không phải chơi! Và họ giận tôi ít nhất cũng tới ba ngày.

Cứ theo sự góp ý của hai cô thì một bà mẹ chồng đúng nghĩa phải nghiêm minh ngay từ đầu: bắt dâu làm cái này, làm cái kia, dâu phải nấu cơm, đi chợ, giặt giũ, là liếc, lau dọn, quét tước v.v... Bắt, bắt, bắt... Tôi nghe phát ớn. Tôi nói:

- Bộ hai cô tính đem dâu về thay người giúp việc sao chớ? Không cho nó đi làm sao?

- Đời bây giờ sao lại không đi làm? Chị nói nghe lạ tai chưa? Đi làm thì đi làm, rồi phải lo về mà làm việc nhà chớ, ai làm cho?

- Nhưng sao tôi thấy lũ con gái ruột của các cô, các cô cưng dữ vậy?

- Ôi, cái chị này! Con gái mình mình không cưng thì cưng ai? Rồi tụi nó có chồng cũng sẽ cực khổ...

Hai cô còn tiên đoán trước mặt tôi rằng là rồi đây tôi sẽ sáng mắt ra, ân hận về tội đã sơ xuất tỏ vẻ dễ dãi với con dâu, nêu tôi không nghe lời hai cô.

- "Được, để coi!" Tôi nói.

*

Dâu tôi là một cô gái hiền lành, khá xinh xắn nhưng hơi chậm chạp. Sau một năm chung sống dưới một mái nhà, tôi dám quả quyết với các bạn rằng: mẹ con tôi chưa khi nào có gì xung đột. Bởi tôi luôn luôn cảnh giác: coi chừng nó tủi, coi chừng nó buồn. Cũng có khi sự cảnh giác của tôi hơi quá đà. Chẳng hạn cũng là việc đó, mà các con gái tôi làm là tôi đã hét toáng lên (tôi vốn có tính nóng nảy, ít khi kiềm chế, nhất là đối với các con mình), nhưng khi biết là con dâu thì tôi ngừng lại tức khắc. Những sơ xuất nhỏ nhặt làm sao kể hết. Con gái tôi biết ý tôi, cho nên đôi khi chính nó làm mãi sau tôi mới biết rõ mà khi thấy tôi cau mặt là nó liền nói rất nhỏ, sát tai chỉ đủ cho tôi nghe thôi:

- Dâu mẹ đó, không phải con đâu mà chực la!

Suốt nhiều ngày tháng dè dặt như vậy, tôi trở thành người kiên nhẫn... Tôi có thể tự hào mà nói với bạn như vậy.

Tuy nhiên cuộc đời đâu phải luôn êm xuôi như dòng sông, dòng sông đôi khi còn nổi sóng huống hồ gì...

Ậy, xin bạn đừng vội tưởng là chuyện con dâu mẹ chồng nhà tôi có gì trục trặc. Số là thế này: gần một năm qua dâu tôi vẫn chưa có dấu hiệu của sự thai nghén. Vài bận, tôi lén quan sát nó thì thấy nó có vẻ kém vui, ưu tư gì đó chăng? Hay là tôi quá lo mà trông gà hóa cuốc? Dù là không có biểu hiện gì rõ rệt là nó có vấn đề, tôi vẫn áy náy, vướng víu.

Cùng một lúc, một câu hỏi sáng lóe trong đầu tôi không chỉ sáng lóe mà còn nhọn như cái móc sắt Hay là thằng con mình bị di chứng hồi trước, lúc nó đau quai bị nên... vô sinh? Tôi lạnh toát cả người, nhất là dọc theo sống lưng và mồ hôi túa ra như đang rất nóng!

Tôi lắc đầu, cố xua đi cái hình ảnh năm xưa, lúc nó đau quai bị: mặc dù tôi rất cẩn trọng, nhất nhất đều tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ: giữ cho nó phải ở tư thế nắm suốt thời gian mới nhuốm bệnh cho đến sau khi lành hẳn một tuần mới cho ngồi lên, đi lại, ngay cả đi vệ sinh cũng phải nằm, mặc kệ nó phản đối, nhăn nhó. Cứ ngỡ thế là tốt, nào ngờ khi bệnh có chiều hướng lui dần, chưa kịp mừng thì bác sĩ tiết lộ cho biết rằng chứng quai bị nom bề ngoài có vẻ vô hại nhưng di chứng của nó lại rất khó lường. Ông dặng hắng một cái, nói thêm:

- Kỳ lạ một điều là trẻ gái thì may mắn hơn con trai, chớ con trai dù mình chăm sóc chu đáo, bắt nằm suốt mấy tuần vẫn có thể vô sinh khi lớn lên ; không có gì bảo đảm cả".

Tôi không kìm giữ được nỗi lo lắng, kêu lên:

- Trời ơi, thưa bác sĩ, không có cách nào chữa... Tôi, tôi chỉ có duy nhất một đứa con trai!

Vị bác sĩ tỏ ra ân hận, cố tìm lời an ủi nhưng tôi không còn thiết nghe điều gì nữa, tai tôi ù lại, mắt hoa lên, tôi phải cố gắng mới tiễn ông ra cửa. Rồi thì bệnh tuần tự lui dần, con tôi bình phục. Còn tôi thì do quá mừng nên quên bẵng nỗi lo. Mà đâu phải quên luôn: lâu lâu lại vụt nhớ, lại lo, lại cảm thấy ớn lạnh dọc sống lưng. Đôi khi đang làm cái gì đó, đang vui vẻ nữa kia ; chẳng hạn lúc chơi đùa với các con, đang xem chương trình giải trí v.v... mà chợt nhớ điều này là tôi thẫn thờ, lơ láo đến độ có khi nhà tôi đâm để ý, giễu tôi là đang thơ thẩn gieo vần. Trời ơi! Ước gì tôi cũng vô tư như nhà tôi! Hay là tôi nói cho anh ấy biết... Tôi tự nhủ, song tức khắc tôi cho là mình rất xuẩn ngốc và tàn nhẫn nếu làm anh ấy lây cái lo lắng của tôi. Do đó, mấy chục năm ròng, tôi âm thầm chịu đựng một mình, không hé môi về điều này. Nếu quả di chứng của bệnh quai bị hại con tôi làm khổ lây dâu tôi thì tôi oán hận ông trời lắm. Sao ông ác vậy? Nó xinh xắn hiền lành, nhu thuận biết bao! Nó vô tội mà! Sao lại phải gánh cái tai họa khủng khiếp này chớ!

Suy nghĩ đến nhức đầu mà chẳng có cách nào giải tỏa được nỗi lo canh cánh bên lòng. Sau cùng tôi quyết định không thể chần chừ nữa, thà cứ hỏi thẳng dâu tôi. Cùng lúc, tôi cũng nhận ra là mình đã lo sợ vô căn cứ. Tôi cố nhớ lại lời bác sĩ, ông đã nói: "Rất có thể di chứng của căn bệnh quái ác này là trẻ trai bị vô sinh chớ đâu phải chắc chắn vô sinh? Rất có thể và chắc chắn là hai từ khác nhau cả chữ lẫn nghĩa mà! Tự tìm cách trấn an mình xong tôi thấy đỡ nhức đầu đôi chút.

Mặc dù vậy, khi đối mặt với dâu, tôi cảm thấy rất khó mở lời, cứ ấp úng, ậm ừ như (khó giải thích quá) có gì vướng ở cổ họng chăng? Không, không phải vậy, tôi có cảm tưởng mình có lỗi, mình lừa dối người con gái trẻ trước mặt mình, dù quả tình tôi chưa hề có ý nghĩ đó bao giờ.

Nhìn dáng bộ tôi, dâu tôi ân cần hỏi:

- Mẹ sao vậy? Mẹ mệt hả mẹ? Hay là có gì lo?...

- Ồ không! Mẹ khỏe lắm mà, cũng không có gì phải lo buồn.. mẹ... mẹ chỉ muốn hỏi con... lần này thì không phải ngập ngừng mà tôi im luôn.

Vẻ nôn nóng, dâu tôi hỏi dồn:

- Hỏi đi mẹ, có gì mà mẹ phải đắn đo, mẹ là mẹ của con mà!

Được lời như cởi tấm lòng, tôi tuôn ra như dòng thác:

- Mẹ muốn biết tại sao tới giờ mà con chưa có tin mừng? Tại con hay tại nó? Hay cả hai đều không muốn, chưa muốn có con?... Chớ mẹ, mẹ nóng bồng cháu nội lắm rồi, không chờ được nữa đâu! Vả lại, con cũng lớn tuổi rồi đó, chần chờ không tốt đâu. Mẹ còn khỏe, sinh đi, mẹ giúp cho, chớ vài năm nữa mẹ già, yếu...

- Ôi! Mẹ mà già yếu gì... Mà đâu phải tại con! Mẹ này, con cũng muốn sinh chớ mà anh ấy nói còn trẻ, vội gì. Hay là...

- Hay là gì? Sao con không nói luôn đi!

Tôi hấp tấp hỏi. Dâu tôi đỏ bừng mặt lên:

- Mẹ nói với anh ấy đi mẹ. Nói là mẹ muốn có cháu nội, chớ con nói sao được, kỳ quá...

- Được! Tôi nghe giọng tôi như giọng vị tướng sắp điều quân mà phần thắng cầm chắc trong tay Mẹ sẽ nói! Con đừng lo! Mẹ sẽ nói với nó.

Thú thật với các bạn, trong lòng tôi như có một vật vô hình, vương vướng, khi nặng khi nhẹ, không trao gửi cho ai được, không bỏ đi đâu được ; nhưng sau câu chuyện giữa hai mẹ con, coi như dứt bỏ bớt đôi chút chưa trút hẳn được, chỉ nhẹ đi thôi. Tôi còn phải chờ, không biết bao lâu nữa đây?

*

Gần hai tháng qua.

Chợt một buổi sáng tôi còn nhớ rõ, trời rất đẹp, tôi còn đang nằm ở giường lắng nghe khúc nhạc vui thì có tiếng nôn ọe rất to, rất lâu hướng phòng tắm. Tôi không kịp suy nghĩ gì bật dậy như cái lò xo vừa bung ra sau nhiều ngày bị nén chặt, lao về phía phòng tắm để biết rõ thực hư.

Tôi thấy gì? Đây: dâu tôi đang cúi gục, một tay vịn vào cửa phòng tắm, một tay chặn lên ngực, nôn thốc nôn tháo... coi rất tội! Tôi đâm lúng túng, dù rất mừng, cứ đứng chôn chân tại chỗ mà nhìn suông, vì quýnh quá (đáng ra phải đỡ nó chớ!).

Khi tỉnh trí lại, tôi vớ bừa cái khăn, nhúng nước đưa cho nó và nhìn khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt, nước mũi, tôi xúc động đến nghẹn lời. Nó đón cái khăn ở tay tôi, cố nhoẻn cười ngượng ngập, thở hổn hển, lắp bắp hỏi:

- Mẹ ơi, con mệt quá, có phải là...?

Tôi xác quyết:

- Đúng đó con! Con đã có tin mừng. Tốt lắm!

Tôi có mừng sớm quá không? Không: mỗi sáng dâu tôi tiếp tục nôn ọe, có khi nôn cả vào buổi chiều. Còn tôi bình sinh rất sợ tiếng nôn ọe, nhưng từ khi dâu tôi mang thai nôn ọe tôi không sợ nữa mà còn thấy như quen quen... như đó là một sinh hoạt bình thường trong cuộc sống của mỗi người vậy. Có khi tôi như chờ tiếng nôn ọe của nó, chờ cái biểu hiện chính xác là dâu tôi sắp có con, tôi sắp trở thành bà nội.

Cả nhà tôi ai cũng hăm hở, hăng hái hẳn lên, ai cũng sẵn sàng chờ đón đứa cháu nội tương lai, ngay cả nhà tôi cũng không tỏ ra thờ ơ. Có khi ông hỏi:

- Chừng nào bà có cháu nội đó?

- Từ từ, đi đâu mà vội! Ông ưng cháu trai hay cháu gái?

- Tôi thì trai gái gì cũng tốt, tôi đâu có phong kiến như bà!

- Hừ, phong kiến! Ông làm như là...

- Coi! Ông bà nội cãi cọ vì con đó, cu ơi!

Thằng con chen vào làm tất cả chúng tôi cùng cười xòa, vui vẻ.

Không vui sao được. Chúng tôi sắp có đứa cháu mang họ nhà tôi, cái đó trọng đại lắm, đâu phải chuyện nhỏ? Ai mà không vui mừng trước tin này!

Tiếng nôn ọe của dâu tôi thưa dần và biến mất, tôi không kịp nhận ra. Dâu tôi hồng hào trở lại, vui vẻ hơn, ăn cá như trước và hoạt bát lên.

Niềm vui choáng ngợp bao phủ lấy tôi khiến tôi thấy cái gì cũng hay, cũng đẹp, cũng dễ chịu, cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, tôi đón nhận lấy, thầm tạ ơn trời đất.

Mẹ con tôi ngồi lại, bàn tán thảo luận nên làm cái này, nên làm cái kia, may sắm những tã lót, áo khoác, áo sơ sinh Thoạt đầu, tôi định không cho may, do lây nhiễm thói mê tín của các bà mẹ quê ngày trước nhưng dâu tôi và lũ con gái giễu tôi, nên tôi phục thiện, nghe lời tụi nó. Lâu lắm, tôi mới lại ngồi vào làm công việc này, nó có một sự thích thú vô tả.

- Mẹ, mình thêu một con chim hay cánh hoa trên áo?

- May tã ít thôi, mẹ há, để mua ngoài siêu thị, cũng rẻ lắm, mẹ à!

- Đừng lo vụ áo khoác, để chị may cho! Chị chồng nó nói.

- Còn mũ? Sao đây? Làm sao biết nó là con trai hay con gái mà may cho đúng?

Nhà tôi góp ý:

- Con nít mà, con trai hay con gái cũng mặc như nhau. Trong tháng cần gì phải đắn đo.

Thế là mẹ con tôi mạnh dạn may sắm linh tinh, lỉnh kỉnh rất nhộn nhịp, vui vẻ.

Đôi khi dâu tôi xán lại cạnh tôi, khoe cái bụng tròn căng:

- Mẹ ơi, cháu mẹ đạp ghê quá! mẹ coi này!

Tôi dừng tay, sờ lên bụng nó và công nhận nó nói đúng. Rồi bốn mắt nhìn nhau, niềm hạnh phúc làm mẹ con tôi cùng cười, tiếng cười trong trẻo như... như tiếng chim ríu rít trong vòm cây buổi sáng hè.

Một lần tôi bị "sốc" vì quá bất ngờ, dâu tôi ngỏ lời xin được về sinh bên nhà mẹ đẻ.

Đột nhiên, tôi giận sôi lên. Chưa bao giờ tôi giận nó, kể từ ngày sống chung dưới một mái nhà. Tôi muốn gầm lên, muốn chỉ vào mặt nó mà quát lớn:

- Sao? Sao lại về sinh bên đó? Ở đây cô không được đối xử tốt ư? Tôi không xứng đáng là người săn sóc cô lúc sinh hả?

May thay. Tôi ngừng đúng lúc, dập tắt ngọn lửa điên ngốc đó kịp thời. Tôi nhớ rằng các con tôi đều được về nhà mình mà sinh nở. Tôi tự xỉ vả mình. Sao hẹp lượng thế, sao phong kiến thế, sao ích kỷ thế v.v... Tôi không mở miệng được vì ngượng và hối hận. Dâu tôi nhìn tôi, cái nhìn khẩn thiết, lo lắng, môi nó run run và nước mắt mọng tràn mi. Tôi vội đưa tay vuốt vuốt bụng nó, run giọng:

- Được, con cứ về sinh bên đó, mẹ không ngăn đâu!

Nó lau nước mắt, nhoẻn cười, bộc lộ tất cả sự sung sướng:

- Dạ, mẹ con nói sẽ qua xin phép mẹ đó, thưa mẹ!

Ý cha! Mát lòng mát dạ làm sao! Người ta gánh cái nặng nhọc cho mình mà còn phải xin phép nữa. Thật đúng tôi là một bà mẹ chồng tốt số!

*

Sẽ rất thiếu sót nếu tôi không cho bạn hay thêm một điều bí mật, rất đặc biệt và tôi cam đoan ít bà mẹ chồng nào được hưởng: đó là khi thằng con tôi chạy ù về báo tin vợ nó sinh con trai, tôi liền bỏ ăn sáng giục nó: "Chở mẹ qua thăm cháu" mà nhà tôi không ngăn cản gì cả Và rồi khi tôi sải như chạy vào trước cả con tôi đến phòng, thì thấy cháu tôi đang hét toáng lên, đỏ hỏn, dài ngoằng, miệng há to như mỏ chim, chứng tỏ một đứa con trai khỏe mạnh, rồi sục vào vú mẹ nó...

Tôi ứa nước mắt vì sung sướng, cúi xuống hôn lên trán dâu tôi và nghẹn ngào nói: "Cám ơn con" không ra tiếng. Còn nó thì cười, nói một câu mà cho tới chết, tôi cũng không quên:

- Mẹ! Mẹ đặt tên cho cháu đi, mẹ!

Giọng nó nồng nàn, trìu mến vô tả. Trời ơi! Chính tôi! Tôi được đặt tên cho con của nó sinh ra? Không lúng túng chút nào, dù có bất ngờ lúc thoạt nghe, tôi lấy ngay bút hiệu mình đặt cho cháu nội tôi và hỏi nó có bằng lòng không?

- Dạ, con bằng lòng chớ! Con rất bằng lòng, mẹ à!

Dâu tôi lại cười nói. Nụ cười của nó sao mà tươi roi rói, còn giọng nói thì êm dịu như một lời ru!

*

Đôi khi dâu tôi cho tôi biết một chuyện nó cho là rất hay ho:

- Mẹ này, mẹ coi cái miệng thằng cu kìa, nó đẹp ghê há?

Hay:

- Mẹ ơi, thằng này giờ dữ ghê há!

Khi thì nó lại chỗ khung hình treo có tôi, chồng nó và mấy chị em chồng, nó tháo xuống đem đưa cho tôi, hỏi:

- Mẹ coi coi, thằng cu nó giống bà nội hay ba nó?

Sau hơn ba năm làm vợ, dâu tôi có thằng con bụ bẫm hai tuổi, không đẹp hơn, không già hơn, hay cười hơn, hơi mập ra một chút và linh hoạt hẳn lên. Tôi luôn miệng nhắc: "Coi chừng mập quá, bụng to, coi xấu lắm đó, con ơi!"

Lúc này, các cô em đến thăm hay dò hỏi, khi không thấy cháu nội và dâu tôi ở nhà, chắc  để thỏa tò mò. Thấy tôi nấu cơm, giặt giũ họ dè bỉu khó chịu hỏi: "Sao không để nó về làm, nó nấu, sao chị cứ như là vú em của nó!" Tôi rủa thầm họ: Sao các cô xoi mói, ích kỷ thế? (Đâu dám nói thành lời, mất lòng em sao được). Rồi tôi làm ra vẻ thờ ơ tự nhiên cho đỡ ngượng:

- Coi! Chờ nó về thì tối mịt còn gì. Vả lại mình mạnh khỏe, làm việc có khác gì tập thể dục, vui tay và quên già!

Khi thì tôi chống chế:

- Chị phải làm cơm sớm để chốc nữa nó về có sẵn cơm, thằng cháu cô háu ăn lắm.

Hai cô nhìn tôi tràn đầy vẻ thương hại. Và đâu chịu tha cho tôi. Họ hỏi gằn:

- Sao lúc trước cái gì chị cũng sai con gái, còn giờ thì ít sai dâu vậy, hả?

- Giỡn hoài. Sao không sai? Này: buổi sáng nó lo dậy sớm... với lại nó bận con mọn mà... cũng chậm chạp lắm.

Khi thấy tiểu gia đình này đi về bên ngoại, họ vặn vẹo:

- Sao chị để tụi nó đi hoài vậy? Có ngày chủ nhật cũng không ở nhà...!

- Trời ơi! Tại các cô đến buổi chiều chớ buổi sáng tụi nó ở nhà suốt, nó làm cơm đó chớ ai.

Bây giờ thì ánh mắt họ nhìn tôi đầy thương hại, y như... y như gã trọc phú nọ nhìn một triệu phú vừa bị trắng tay. Rồi giọng một cô sao mà ái ngại, xót xa:

- Chị ơi, đừng cưng nó quá, có ngày nó sẽ lên đầu mình mà ngồi chớ không thèm ngồi ở vai đâu.

- Giỡn hoài! Cô nói vậy mà nghe thuận tai sao? Con gì lại ngồi trên đầu mẹ!

- Thì tại mình cưng nó quá, nó biết thóp, nó đè đầu...

- Đứa nào đè đầu tôi? Đứa nào dám?

Tôi cáu thực sự, mất cả giọng ôn hòa. Em tôi cười mỉa:

- Đúng! Con chị thì không dám. Còn dâu thì... Rõ ràng là chị bất công! Bất công nổi tiếng đó, nghe chị!

- Ai cũng nói chị thiên vị con dâu hết đó, à!

Tôi ngồi lặng, đâm ra suy nghĩ: hừ, hay là lũ con gái mình đã nói gì với cô, dì chúng? Tôi hỏi, song không ai cho biết gì cả. Tất cả đều kín bưng. Đôi khi, vắng dâu tôi mà cứ mải nghe lời ong tiếng ve tôi cũng đâm bực bõ. Tôi hăm he thầm: Được, để rồi coi! À, mà gần như ngày chủ nhật nào tụi nó cũng đi chơi, đi lâu lơ lâu lắc, làm mình nhớ cháu, ngồi buồn... Đúng là phải la tụi nó một trận mới được, kẻo tụi nó lờn. Phải! Mà mình có hỏi thì nói về thăm ngoại, đi mua cái gì đó. Thăm hoài, mua hoài! Để đó!!!

Nói cho ngay, thằng con trai tôi cũng có lờn mặt tí chút: nó ỷ ba nó cưng con, cưng cháu nội mà. Nhưng tôi thì đừng hòng.

"Để rồi biết!". Tôi lại hăm he thầm.

Thế rồi, có một chuyện gì đó, chẳng hạn tụi nó về trễ, làm chúng tôi đợi cơm, chẳng hạn tụi nó không ăn cơm hôm ấy mà không nói trước, làm mình nấu cơm nhiều phải ăn cơm nguội sáng hôm sau. Chẳng hạn, tụi nó xin đi chơi một chút mà ẵm cháu tôi đi về khuya, có lần khuya đến nỗi nhiễm sương thằng bé sốt, ho húng hắng v.v... Tôi nôn nả, ngồi đứng không yên nhưng khi tụi nó về thì hết lo, hết sợ về khuya lỡ bị cướp giật, tai nạn xe cộ gì đó tôi nhẹ nhõm, sung sướng nguôi cả giận. Vả lại, nghĩ coi: thằng con mình lái chớ nào phải con dâu lái xe, đi về sớm hay muộn đẩu hẳn là ý nó? Còn không ăn cơm hả? Đó là tại con trai tôi vui với bạn bè, chớ nào phải vợ nó mà la nó, oan, tội nó!

Sau ba năm làm vợ, làm dâu, dâu tôi không xấu tí ti nào, không già tí ti nào lại hơi đẫy đà và lại hay cười A! Cái hay này mới đáng kể làm sao! Cái khoảng cách giữa tôi và dâu tôi mỗi ngày được rút ngắn lại. Hai cô em tôi có chiều thất vọng thấy rõ!

Tôi nghe nói một số bà mẹ chồng tỏ ra cay cú khi thấy con trai giúp vợ việc nhà. Tôi thì không, tôi rất sung sướng khi thấy con trai tôi giặt giũ giúp vợ nó, lau nhà giúp vợ, có khi rửa bát nữa. Bởi nếu nó không làm thì vợ nó phải làm, và như vậy thì tôi phải giữ con cho tụi nó. Thành thực khai báo với các bạn: đôi khi tôi cũng sùng thằng con: lúc trước đời nào nó rửa bát, giặt giũ. Nói thật đúng thì rất ít, mà hễ nó làm là nó vùng vằng, coi rất dễ ghét. Bây giờ thì nó tươi tỉnh mà làm. Đúng là dâu tôi sướng hơn thời tôi. Nhưng như vậy là tốt chứ, phải không, thưa bạn?

Các bạn thử nghĩ coi: mình không hề mang nặng, chẳng phải đẻ đau, không chăm sóc, cho bú, cho ăn, tắm táp, nuôi dạy gì sốt mà vút một cái sau vài nghi lễ giản dị là có một đứa con gái đi ra đi vào, đi lên xuống, nay mẹ ơi, mai mẹ ơi... Vậy mà không sung sướng thì cái gì mới sung sướng? Đó là chưa kể khi rảnh rang, nó kết cho mình cái cúc áo, mạng cho mình một lỗ thủng ở vai, pha cho mình cốc nước cam, nấu cho mình ấm nước gội... Chưa kể có khi nó giặt cho mình cái áo dù rất ít khi vì nó có rảnh đâu? Và cũng thú thật: tôi giặt cho nó thường hơn. Tôi chẳng tốt lành chi lắm ; chẳng qua tôi muốn làm giúp nó để nó rảnh thì mới có thì giờ mẹ con bà cháu ngồi bên nhau mà coi tivi hay trò chuyện vớ vẩn về một cái gì đó. (Phải chăng tôi đúng là một bà mẹ chồng sung sướng?)

Rồi thì chính tôi cười vang lên. Tôi chợt giật mình lắng nghe tiếng cười của chính tôi, tiếng cười trong trẻo biểu lộ niềm vui, sự thoải mái mà tôi chưa hề được hưởng khi về nhà chồng. Bởi vì thuở đó tôi không được hưởng nên giờ đây sự sung sướng của tôi hình như được gia tăng (nói theo lối mới là được nhân lên). Tôi còn có lý do nữa để cảm thấy sự sung sướng tăng thêm: sau ba năm làm mẹ chồng, tôi đã hết lo lắng vu vơ, vớ vẩn vì bị nhiều người dự báo trước thế nào rồi cũng... không thể khác được.

Vâng! Tôi sung sướng! Đặc biệt sự sung sướng này không phải do ai ban phát, không phải của trời cho, mà do chính tôi chủ động: tôi thật lòng thương yêu con dâu như chính con gái mình, những sơ xuất của nó làm sao khỏi có điều này đều được tôi tìm mọi cách chống chế. Và có một cách chống chế hữu hiệu nhất: dâu tôi là con út. Cứ xem như con gái út của tôi đó, nó cũng gần ba mươi tuổi chứ ít đâu. Mà nó rất khác các chị nó. Gần 30 năm sống cạnh mẹ trừ mấy năm đi học xa mà còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của chính mẹ ruột, thì con dâu mới gần tôi có ba năm, sao có thể hoàn toàn?

Chắc có bạn tò mò muốn biết dâu tôi có được sung sướng không? Vậy chớ một cô dâu sau ba năm sống chung với mẹ chồng mà không già tí ti, lại hay cười và đẫy đà hơn lúc chưa xuất giá, đó không là một bằng chứng nó hạnh phúc sao? Bây giờ chắc các bạn muốn hỏi: "Vậy thì hai bà em của chị. Họ ra sao?". Xin trả lời đúng sự thật: Con dâu của hai bà ấy đều rời mẹ chồng, dù ra ở riêng các cháu phải chịu vất vả phần vật chất hơn. Còn hai bà mẹ chồng ấy chẳng còn ai để mà la mắng, quát tháo và họ lại nói với tôi là họ nhớ cháu nội lắm và dâu họ là những đứa vô ơn!
 
Nhưng đó là năm ngoái. Năm nay, hai người đều tỏ vẻ hối hận đã bất công với con dâu, hối hận đã quá nuông con gái và nghe lời ton hót của lũ quỉ ấy. Nguyên văn lời họ.
 
Tôi vốn vẫn ưa chia xẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè. Nhưng với hai cô em này, tôi thật khó xẻ chia, vì tất cả đều quá muộn.


MINH QUÂN    

(Trích từ tập truyện Món Quà Quý, nhà xuất bản Trẻ 1999)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>