Em chăm chỉ học nốt đoạn cuối của một bài Lý Hóa khô khan. Mỏi mệt, em chống tay lên cằm, yên lặng nhìn xuống dưới sân. Buổi chiều xuống thật chậm, thật mênh mang. Tự nhiên em lại nhớ đến đồi thông vắng vẻ, nhớ đến hàng thông vi vu hót, em yêu rồi cái cảnh trong lành ấy.
Em đến trước gương đưa tay xoa mắt: – Mắt mình thâm quầng đây này, học cố vào đi, ốm như cò hương ấy. Em mỉm cười với cô bé ngây ngô trong gương, được cô bé đáp lại bằng nụ cười riễu cợt.
Em mở tủ, chọn một chiếc áo chemise trắng, quần patte xanh, trông em lúc ấy như một cậu học sinh gương mẫu.
Em xuống nhà dưới, nói dối với me:
- Cho con đến thư viện me nhá!
- Đến đấy làm gì vào giờ này, mai hãy đi, tối rồi Phương ạ!
- Eo ơi, mới 2 giờ mà me bảo trời tối.
- Thế thì đi mau nhé con.
- Vâng!
Em lách mình ra cổng. Chiếc cổng màu trắng vướng vít những dây ti gôn xanh điểm hoa hồng. Em nhón gót dứt một dây ti gôn. Những hoa be bé, màu hồng, hoa xinh thế kia mà tượng trưng cho sự tan vỡ, buồn ghê chưa.
Em chọn một gốc cây thông già quen thuộc ngồi xuống, tẩn mẩn xếp mấy chiếc lá khô thành những hình thù kỳ dị. Em xoay người đọc những cái tên của những đôi nhân tình khắc vội, chả hiểu tình của họ có còn gắn bó không, chứ tên của họ ngàn đời còn in dấu. Đôi khi em cũng bực mình vì tên họ khắc quá nhiều trên thân cây của em, em yêu cây thông này lắm, mỗi khi lên đồi, em lại chọn mỗi một gốc này thôi. Em ngạc nhiên vì một dòng chữ mới khắc: gốc cây này của tôi, cấm ai chiếm. Em cắn môi: – Gớm, ham dữ, của người ta đến trước chứ bộ. Em nhìn quanh quất, chả có ai cả, em không thể đoán nổi. Em nhặt một chiếc là vàng, lấy bút viết lên đấy: gốc cây này có chủ rồi, bạn chỉ là kẻ đến sau, yêu cầu bạn đi chỗ khác chơi! Em đính chiếc lá lên khe nứt của cây thông, đứng lên thả bộ về nhà. Rồi buổi chiều nay cũng phẳng lặng như mặt hồ im gió, em thở dài, con đường lặng lẽ trơ vơ.
*
Em ra khỏi Thư viện với nỗi hân hoan, những đề tài khó khăn, đem vào Thư viện em tra xong cả, nỗi chán chường trên gương mặt biến mất. Em đứng sựng lại cạnh bồn hoa suy nghĩ, không hiểu nên về nhà hay nên đi dạo vài vòng. Thôi em lên đồi vậy, đồi vào giờ này thanh tịnh ghê nơi!
Những ngọn đồi nên thơ hôm nay không thanh tịnh như em tưởng, có một nhóm hướng đạo sinh cắm trại dưới sườn đồi, em thấy có từng cuộn khói bốc lên cao và tiếng hát nhịp nhàng vui vẻ làm vang động một gốc đồi xanh. Vài đôi nhân tình tỉ tê tâm sự. Em đến gốc thông ngồi xuống, em chợt nhớ đến trò chơi trên thân cây em đưa mắt tìm kiếm, và một hàng chữ mới hiện ra: Thế hở, xin lỗi cô bé nhá! Em mỉm cười vu vơ: – Đúng là một "anh chàng" rồi , "anh chàng" cũng biết điều ghê đấy chứ!
Em chợt giật mình vì có tiếng động bên chồng sách dưới cỏ: một mũi phi tiêu be bé, cắm phập vào cuốn tập của em, em thản nhiên gỡ vất ra xa, khẽ ôm chồng tập vào lòng. Em biết "anh chàng" là chủ nhân của mũi phi tiêu, em đưa mắt nhìn mũi phi tiêu nằm dưới đất, một miếng giấy với hàng chữ, em tò mò đọc: "Cô bé cho làm quen với, tôi ở gốc thông thứ ba".
Em vờ quấn tóc lên để len lén nhìn sang bên kia. Dáng "anh chàng" ngồi đó thật sự, đang nhìn em, em bỗng cuống quít dại khờ.
Em mở sách ra, tâm trí để đâu đâu. Thì một chiếc tàu bay giấy nhẹ nhàng đáp xuống vở em, em liếc nhanh: "Cô bé mơ mộng ghê, chờ cô bé ở đường về nhé". Em vò nát "vị sứ giả" của "anh chàng" ném ra xa. Em đứng lên nhìn sang bên kia, eo ơi "anh chàng" lẩn đi mất.
Em bước thật chậm, dáng "anh chàng" loáng thoáng ở cuối đường, bước chân em thật ngại ngùng như chú nai tơ lỡ dẫm lên lá vàng ở dưới đất.
"Anh chàng" cười với em, nụ cười hiền hòa:
- Chào cô bé, cô bé cho làm quen với nhá, tôi là Vĩnh, Văn khoa!
Em luống cuống:
- Tôi là Phượng, năm nay tôi thi phần hai.
Vĩnh hỏi tôi:
- Chắc Phượng giận anh lắm?
Em yên lặng. Vĩnh cuống quít vì tiếng anh vừa xưng hô với em, em tự nhiên:
- Dạ có giận, bây giờ hết rồi.
- Anh sợ Phượng giận hoài chứ.
Em hơi cúi đầu, vài chiếc lá vàng rơi rụng trên đường đuổi nhau vui mắt.
Em khẽ nhìn qua Vĩnh, chợt bắt gặp Vĩnh đang nhìn em, em vờ ngắm hàng cây sao cao vút. Em mỉm cười với Vĩnh:
- Dạ thôi để Phượng về, nhà trên kia. Ngày mai rảnh anh Vĩnh sang chơi nhá.
Vĩnh khẽ gật đầu, vẫy tay chào em, bàn tay để những móng dài như con gái.
Em về nhà, anh Thái gọi em xuống có chuyện, em hơi run, nhưng anh Thái đã cười khi em vừa xuống:
- Phượng này, đưa thư này giùm Trà My cho anh.
Em ngồi xuống ghế chu môi:
- Thôi, anh đưa đi, em sợ lắm.
- Thế thì thôi, mai mốt Vĩnh sang, anh không cho vào nhà.
Em tròn mắt:
- Vĩnh nào cơ?
- Tội nghiệp em gái tôi, giấu anh hoài, anh biết hết rồi. Anh chàng học cùng lớp với anh đấy. Thế nào, bây giờ đưa giùm anh không.
Em cười hòa:
- Lấy thì lấy vậy, chứ chưa chắc em đưa nhá anh Thái.
Anh Thái vỗ về em:
- Đưa giùm anh đi bé, anh cho ô mai.
- Anh gạt em sao?
- Anh nói thật.
Em đưa ngón tay ra:
- Anh móc ngoéo em mới tin.
- Bé của anh giống con nít ghê.
Em cầm lá thư chạy lên lầu cười khúc khích. Em ngồi vào bàn học, đầu óc lờn vờn hình bóng Vĩnh với nụ cười răng khểnh, với đôi mắt đen láy như hồ thu.
Vĩnh đã đến như một sự việc bất ngờ, làm xáo trộn đời sống bình thường của em. Em còn nhớ lúc sáng vào lớp, một nhỏ bạn thân bảo em:
- Dạo này mày làm sao ấy Phượng, mày có "bồ" hả?
Em đỏ mặt lên, con nhỏ tiếp:
- Mày đỏ mặt kìa, lúc này mày biết mắc cỡ rồi sao Phượng.
Em vờ giận dỗi ngồi yên, nó mới buông tha. Bây giờ em hay nghĩ ngợi vu vơ, hay đi lang thang để nghe bước chân mình lạc lõng. Một cái gì ngọt ngào, ngây ngất như mây mù che ngang mắt em. Em muốn ở hoài trong vùng mây mù đó.
Em xuống nhà dưới với nụ cười trên môi, Vĩnh đang trò chuyện với anh Thái. Thấy em anh Thái vờ đi có chút chuyện rồi lẩn mất, em lúng túng:
- Ra vườn chơi đi anh, trong nhà nóng ghê!
- Học bài chưa?
- Học thuộc từ sáng sớm.
Em và Vĩnh ra vườn, em chỉ Vĩnh ngồi xuống xích đu. Nhà em có hai chiếc xích đu, một của anh Thái, một của em. Lâu lâu, em cùng mấy con nhỏ bạn ngồi bên này đấu võ mồm mí lỵ mấy anh bạn anh Thái bên kia, vui ơi là!
Em ngồi cười chúm chím:
- Vĩnh này, mây trên trời bay về đâu hở?
- Phượng mơ mộng ghê, anh cũng không biết nữa, mà hình như nó bay hoài mãi ấy!
- Phượng thích khu vườn này có mây mù.
- Anh ước được làm mây mù nhà Phượng.
- Nhưng làm mây buồn lắm, anh Vĩnh bay nhảy suốt ngày, anh làm mây đứng yên một chỗ đâu có được.
Vĩnh tần ngần:
- Anh không bay nhảy nữa, mai anh về thành phố rồi, anh về đi học lại.
- Anh học với anh Thái cơ mà!
- Không, anh lên đây nghỉ hè rồi quen Thái.
Em vòng tay lên ôm lấy tóc, bờ tóc mềm trơn tru như cuộc đời em không điểm tựa. Em mơ hồ nghe tiếng Vĩnh thì thầm nói như từ cõi xa lạ lời tình tự vọng về. Thôi thì lại về với những ngày không quấn quít dây tơ, không dại khờ đắm chìm trong giếng nước hồ thu nữa. Em cuốn mình như con sò cô đơn trong hốc đá, con sò đơn lạnh không một người bạn quen.
Em mấp máy đôi môi:
- Vĩnh nhớ viết thư.
- Đương nhiên rồi.
Em yên lặng đu đưa, xích đu vang tiếng rời rạc muộn phiền.
Em ngóng mắt ra đường, lá vàng đang rơi, mùa thu đi học, em còn nhớ lờ mờ bài học thuộc lòng từ lúc còn bé tí teo mô tả về mùa thu, mùa thu có học trò, học trò như những chú nai ngơ ngác đạp lá vàng, em còn bài ấy, hôm nào phải lấy ra viết lại cho Vĩnh, cho anh Thái, cho mấy đứa bạn thân tình để đọc, để mường tượng thấy mình bé hẳn lại vào một mùa thu, mùa thu năm xửa năm xưa xa ngút mắt.
Phạm thị Kim Phượng
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 38, ra ngày 20-11-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.