Cái điều bé nhỏ mà to tát đó đã xảy ra.
Ngọc ơi. Những tiếng đó chìm đắm trong tim, mê man trong lòng Thỏ. Những
dấu chân lặng trầm như vừa in lối hôm qua, ánh nhìn còn rộn rã hôm kia.
Thấy gì không Ngọc, trên đỉnh trời sau mây trắng che là hương bay là kỷ
niệm. Thỏ ngẩng nhìn lên mãi theo. Cũng đành thôi trả lại Thượng Đế,
những gì mà đôi tay khờ khạo Thỏ không giữ nổi, ngác ngơ ánh mắt hoài mà
không tìm thấy. Ngọc ơi, vẫn nghĩ là ấm đến se lòng nếu được đứng đây
và gọi thầm tiếng đó. Còn nhớ cô bé thuở nhỏ đầy ắp hồn nhiên, rạng rỡ
như những đóa rạng đông đỏ má tủm tỉm cười với cô nhỏ lật tay trên trang
sách tô đậm hai chữ bóng chim và đôi cánh mờ nhạt nền trời trắng. Ừ
ngày xưa là tăm cá. Ừ Ngọc là bóng chim. Loài chim đã mất dấu từ lâu.
Thỏ học hết Aves cũng không tìm thấy. Hay là Aves đã biến chủng. Hay là
Aves địa khai. Loài Hải Âu xa xứ làm Thỏ phải mường tượng đại dương.
Loài chim trời bé bỏng làm Thỏ ngỡ lầm lẫn trong mây. Loài chim núi cao
chót vót đỉnh Lang Biang Thỏ nhìn xuống chung quanh. Ngọc đang ở đâu.
Ngọc đang làm gì. Có nhìn thấy Thỏ đứng đây. Có nhìn thấy Thỏ che tay
tìm kiếm. Núi đồi, thung lũng quanh đây, nơi nào có Ngọc, nơi nào Ngọc
dài cánh đi xa, ngọn tóc nào làm mềm bước chân Ngọc. Trả Ngọc lại cho
Thỏ và mặc tình yêu sách. Xin hãy vì Thỏ tội nghiệp.
Bốn giờ chiều sương Đàlạt mang mang. Thỏ
về thôi. Dốc Lang Biang trùng trùng bước chân. Hai gối Thỏ rung, đôi mắt
rưng rưng, mặt đất đỏ như xoãi dài ra, bầu trời nặng trĩu trên lưng.
Cái gì Thỏ thấy trên đất. Cái gì Thỏ nhớ ở trên trời. Cái gì làm Thỏ
hiểu đoạn đường đang ngắn lại. Thỏ ơi Thỏ ơi, chỉ khi nào không còn trời
không còn đất thì thôi Thỏ sẽ không phải nhớ thương, thì thôi Thỏ không
phải ngơ ngẩn chiều nay. Sáu giờ thành phố nép trong sương. Mimosa rực
nhà ai. Anh Đào thì ủ ê quá lắm. Trạng Nguyên vòng lối xe qua. Thỏ
thương Anh Đào. Và nhớ những đóa hoa nhỏ vàng cửa lớp. Mỗi buổi sáng sớm
ôm tập đi qua Thỏ dừng lại và mấy lần đứng chùi mắt. Sao hoa cứ rủ nhau
rơi ngang những khung kính đóng và tấm cửa dầy to như chắn lối kỷ niệm
sau lưng. Sao hoa như là nước mắt. Sao hoa như là trời mưa mà Thỏ là
tượng đá héo mòn.
Nhớ buổi chiều lên Lan Anh. Tại sao không
là Lan Anh hén Ngọc. Ngôi nhà mái đỏ cong cong, trời lạnh và những thân
thông vút cao tỏa đám lá sợi tròn phất lên trong bầu trời sướt mướt. Cây
Huỳnh Anh vàng rực. Thỏ lén Thầy hái một nhánh ép kỹ trong vở. Quê quá
Ngọc ơi, chiều nay Thầy vừa viết lại giùm. Lang hanh – và Thỏ thì ngượng
ngùng không dám hỏi lại.
Ngọc ơi, Thỏ để dành để hỏi Ngọc. Ngọc yêu
cây quá lắm. Ngọc giỏi để cho Thỏ phục và Ngọc đi để cho Thỏ nhớ. Ngọc
ơi, Ngọc là chim gì Thỏ chưa biết, Thỏ chưa định được tên. Hễ cất cánh
là xa ngút mắt, là nhòa nhạt dấu chân. Mơ hồ Thỏ thấy một chiếc lưới, mơ
hồ Thỏ thấy những mắt lưới tròn trĩnh bằng tơ óng rất mịn. Ngọc ơi chớ
mắc chân vào nhé… Chớ…, nhé.
Buổi tối đi ăn xe đưa Thỏ về bị lạc, chạy
quanh co trên những đường phố gập ghềnh, hồ Xuân Hương khi ẩn khi hiện.
Thỏ tìm thấy ngôi thánh đường nhỏ xinh ngủ rất ngoan trong khuya và thấm
thía được – thành phố buồn – bài hát nhỏ bạn nghêu ngao hôm chiều mới
đến thác Prenn.
Hôm sau cáo ốm con bé chui vào phòng ngủ.
Nhớ ngày thứ Bảy Ngọc đi học sớm. Ngày Chủ Nhật đi lễ. Khung trời nào
của Ngọc, có lạnh và buồn như ở đây không và Thỏ tha hồ mơ xa, mãi khi
tiếng cửa mở ra và nhỏ bạn về với gói bánh trái tim ăm ắp. Ô, cái bánh
Thỏ thích. Tuyệt cú mèo để ngậm trong miệng, để mắc đền cái bụng đói
meo, và để ấm khi Đàlạt lạnh Ngọc ơi Ngọc, phải chi có Ngọc để Thỏ được
chia nửa trái tim. Ngọc ăn ngon và nhớ cắn nhè nhẹ thôi nhé.
Thỏ
vừa gặp lại bạn của Ngọc, nhớ Chi không. Chi đã có người ta rồi đấy
Ngọc ơi. Bao giờ Ngọc sẽ có hở Ngọc, rồi Ngọc sẽ quên Thỏ? Rồi Ngọc sẽ
như Mimosa vô tình? Rồi Thỏ sẽ như Pensée yếu đuối? Một bữa ngồi học,
chỉ còn tưởng tượng có ngày nào đó Thỏ sẽ gặp lại Ngọc mà chỉ lặng thầm
nhìn nhau – qua vai một người thứ ba – đủ để Thỏ chới với, có một lượn
sóng lớn vừa xô tới ném Thỏ ngã sấp trên mặt cát và Thỏ không buồn đứng
dậy, để một lần nằm yên với những mảnh sò lấp lánh chung quanh, để một
lần nắm lại những giòng cát chảy qua kẽ tay. Mặt trời đang nắng trên
cao, bóng cây đang nghiêng vào bàn học. Janthina tím mông mênh, ai xui
Thỏ yêu loài ốc bé bỏng nầy. Bé bỏng nên hoài hoài thổn thức đại dương.
Nhỏ nhoi nên mất dấu loài chim trắng. Mà hình như chẳng loài chim nào
biết nói chia xa. Thế nên Thỏ nhớ, như nhớ những sáng hoa tươi chợ
Đàlạt. Bốn mươi lăm bậc thềm Thỏ vội vã. Mười một đóa hồng mũm mĩm như
vừa tròn lại tuổi Sinh Nhật. Một đóa hồng Ngọc cất mãi theo, còn Thỏ giữ
những cánh hồng rực rỡ tìm hoài ngày tháng Ngọc để lại.
*
Mưa xuống phố tối qua. Nhánh đa Thỏ hái
trộm không đủ che mưa ướt. Thỏ thích đi dưới mưa – thích thật thích –
nhưng nhát sợ khi phải tỏ ý mình vì… chẳng ai thích như thế cả. Nhưng
mấy nhỏ bạn chung quanh trời mưa chúng còn ra vẻ đầm ấm và ồn ào hơn chợ
vỡ. Và Thỏ dĩ nhiên – để cảm thấy lẻ loi, thản nhiên ra về dưới mưa.
Mưa đầu mùa trong suốt dịu dàng. Thỏ vừa đi vừa ngước mắt nhìn hai hàng
Lim hoa vàng, êm ả với những nốt nhạc lovely summer ngân nga trong đầu.
Mùa hè của Thỏ không bãi cát vàng tít tắp, không biển xanh ồn ào sóng,
chỉ có sách vở và đèn trắng đêm cho những hôm vào thi. Nhiều khi cảm
thấy mình sẽ vượt qua hết cả. Nhưng có lúc thật lòng Thỏ thấy không đảm
đương nổi và không nén được phải luống cuống kêu lên: Ngọc ơi, phải chi
Ngọc cùng đi với Thỏ. Như thế sẽ nhẹ lòng Thỏ biết bao nhiêu.
Bây giờ cùng đi với Thỏ chỉ có cành đa mới
hái, nụ hoa đầu tiên vừa hé ra. Nhỏ bạn xui Thỏ hái đóa, và tối qua Thỏ
cứ phập phồng sợ cây đa nhỏ sẽ tàn tạ vì giận hờn và làm con bé sáng
sớm nay phải ghé lại trường để thăm. Hai cây đứng thật ngay hai bên
đường đi làm Thỏ cứ tưởng chúng sẽ cúi mình khi Thỏ đi ngang, thích thật
thích để nghĩ mình là Công Chúa, có khi là Ông Vua của thần dân Hoa cỏ.
Công chúa mà trời nắng thì nóng đầu còn
trời mưa thì ướt áo. Chiều nay trời sẽ mưa thêm và Thỏ nhớ cái người bên
đường trốn mưa gọi Thỏ bảo: Cô bé, trời mưa mà. Vâng, Thỏ biết, trời
đang mưa và ông có thấy là đứng nhìn mưa sẽ buồn mà đi dưới mưa thì
tuyệt vời không.
Hình như ông ta không hiểu và Thỏ phải đi
mau vì những hạt mưa nặng trên tóc hơn. Thỏ đi và nghĩ lan man. Ngọc ơi,
Ngọc có phải bươn bả dưới mưa không. Chị Hai Thỏ đoán chừng là Ngọc
phải mưu sinh. Ra trường rồi thì phải lo kiếm tiền. Những tiếng đó to
tát quá, nặng nề quá. Một hôm Thỏ than thở với chị Hai, có một mình chị
Hai để thủ thỉ – chị Hai, chị Hai, em nhớ Ngọc – và Thỏ nhìn chị một
cách tin tưởng, như thể chị Hai xách được Ngọc trong đôi mắt Thỏ ra để
giữa hai chị em. Nhìn chị Hai trả lời nghiêm trang, Thỏ thoáng liên
tưởng đến mấy nữ chiêm tinh bên cạnh những quả bóng kỳ diệu. Nếu được là
thân chủ của họ, điều thỉnh cầu đầu tiên của Thỏ là muốn trông thấy
Ngọc ra sao. Ngọc ơi, Ngọc đang ra làm sao? Ngọc có cười tươi với ai như
đã cười với Thỏ ngày xưa không. Có còn lặng nhìn xa bâng khuâng. Có mắt
đắm đuối trong trời mưa. Có còn chờ đợi những sáng thứ Bảy, có còn mong
ngóng những trưa thứ Tư.
Bây
giờ bay ngang Thỏ có rất nhiều quả bóng lung linh soi tỏ lại một quá
khứ êm đềm. Có lúc Thỏ cố thấy trong bầu trời, trên mặt đất hình ảnh
Ngọc. Như thế đi đâu cũng không sợ mất Ngọc. Ngọc đang theo dõi Thỏ như
ngày nào đã từng dõi theo. Ngọc đang quan sát Thỏ. Thỏ đang đi ngang
bảng và xóa một dấu cộng Thầy viết thành một dấu trừ và quay lại mủm mỉm
cười với Ngọc: dấu trừ – có nghĩa là – ngày mai không gặp được. Không
có giờ cours ngày mai. Ngọc ơi, Thỏ nhớ hai chiếc răng cười rất xinh.
Một ngày nghỉ học, đứng trong phi trường đưa chị Ba Thỏ đi, một người
giống Ngọc quá đỗi cũng bước lên phi cơ. Sau khung kính lớn Thỏ đứng
nhìn xuống sân bay, hai cánh cửa khép lại sau lưng người ấy, chiếc thang
được đẩy đi. Con chim sắt lướt một đường êm trên phi đạo, vòng trở lại,
cất đầu lên, nhỏ dần và khuất trong mây, chỗ góc kính có viền nếp màn
xanh. Dường như Thỏ cũng mất mát một cái gì. Ngọc ơi, giờ nầy Ngọc đang
học Mammalia. Nhắm mắt lại, như đứng trước một quả bóng thủy tinh Thỏ
thấy rất rõ mầu phấn trắng muốt trên góc bảng đen, chữ Cha viết đều,
mạnh và đẹp. Quả bóng xoay về phía Ngọc, đầu hơi cúi xuống quyển vở đầy
chữ và hình, Ngọc đang tô lại đường rãnh sọ Maecacus. Quả bóng chậm lại
và ngừng hẳn khi đôi mắt Ngọc ngước lên. Trời ơi, sao vô đỗi mông mênh,
vời vợi. Ngọc có những hai quả bóng thủy tinh lóng lánh trong mắt. Có
nhìn thấy Thỏ – như Thỏ thấy Ngọc – không. Mưa nhẹ trên lớp lớp xe đậu
dài trong sân. Và Thỏ muốn về trường che đầu bằng một quyển tập chờ Ngọc
dưới cổng. Thỏ sẽ hỏi Ngọc không sợ mưa ướt sao vì Ngọc sẽ quên mang áo
mưa và Ngọc sẽ hỏi Thỏ muốn nhờ Ngọc chép lại bài giùm không.
Ngọc ơi. Có những lần Thỏ bảo với Chi, với
Loan, sao Ngọc dễ thương, trên sự dễ thương một chút nữa. Chi chỉ cười
vì Chi mới mơ hồ cảm thấy thế, Loan cười nhẹ vì muốn trêu cách diễn tả
của Thỏ. Điều làm Thỏ thích là đứng nhìn Ngọc để quyển vở Thỏ, một cách
nâng niu nhẹ nhàng giữa những quyển vở của Ngọc. Cũng chính là giây phút
Thỏ biết được Ngọc chưa mất – chưa biến đi trong đời Thỏ. Thỏ ích kỷ,
dù Ngọc đã tỏ cho Thỏ thấy tình bạn và sự xa cách không ảnh hưởng gì
nhau. Thỏ đau lòng từ phút đầu Ngọc nói chia xa. Nó êm ả như buổi sáng
Thỏ nhìn máy bay cất cánh ngang khung kính ; không một tiếng nào vang
đến vuông cửa Thỏ đứng. Cũng như hôm trời Saigon mưa bay Thỏ nhìn tên
Ngọc trên bảng lồng trong ô kính. Ngọc đã xong, đã ra đi. Thỏ còn lại
đây và muốn khóc nhiều quá. Ngọc ơi mưa ray rứt tối nay, nhỏ thánh thót
lên mấy cánh bông giấy trước cửa sổ. Chị Hai ngồi bên cạnh và những
tiếng đó như muốn nói giùm Thỏ: chị Hai, em nhớ Ngọc.
*
Dấu trừ có nghĩa là Thỏ còn thiếu. Thỏ còn
nợ Ngọc. Ngọc vẫn ở chung quanh Thỏ, mỗi thứ, mỗi vật đều nhắc Thỏ một
cách lớp lang Ngọc có đến đây và Thỏ ở lại đây để mà thấm thía dịu dàng
về sự vắng mặt của một Thiên Đường mất dấu nào đó. Ngọc đi, Thỏ mất mát
nhiều quá. Giàn Lan Hoàng Hậu trước lầu thực tập mùa mưa đến đầy những
lộc non và tỏa nhánh rợp lối đi, hớn hở cười cợt mỗi độ gió về,có biết
được nỗi sắt se của Thỏ lồng trong muôn bóng lá trập trùng – Khi đi dưới
những hàng cây?
Vẫn biết Ngọc là chim, là gió sớm mai, là
tơ hồng phiêu bạt là vì tinh tú lặng lẽ nhất. Thỏ chỉ là cành đợi muốn
là bầu trời là biển rộng để suốt đời dõi theo. Bởi Thỏ biết trong sự
tuần hoàn của vũ trụ, Ngọc nhỏ bé mà kiêu hãnh không khép mình vào khuôn
khổ đó. Ánh mắt Thỏ e rồi cũng không theo kịp dấu chim trời xa ngút
mắt. Mùa nầy năm tới mưa lại nhỏ xuống hàng Trước Đào bông thắm đỏ trong
sân. Ngày nầy năm tới hoa Lim vàng cổng vào ra. Tháng nầy năm tới gió
lại gờn gợn ẩm mát trên lớp lớp cây Keo vừa ngã bớt một số cành và tràn
màu xanh mịn màng xuống đường phố.
Còn
Ngọc, Ngọc ơi, có phải Ngọc là mũi tên buông mình khỏi dây cung, lên
cao mãi cùng vũ trụ thăm thẳm, không là mưa, không là gió, không là Lim,
làm sao Thỏ nhớ, làm sao Thỏ gặp. Có phải Ngọc là tinh tú không quỹ đạo
ổn cố, không là Trước Đào, không là Keo, làm sao Thỏ đừng buồn làm sao
Thỏ quên?
Chiều nay chị Hai Thỏ bệnh và mưa lại tiếp tục rơi trên những cánh bông giấy ngoài cửa sổ.
Linh Hương
(bút nhóm Thương Linh)
(bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 228, ra ngày 1-11-1974)