Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Cư Xử Tế Nhị


 Có nhiều em phân trần:

- Chị coi, em làm thế này... mà chị N lại xử với em thế này, theo ý chị ai phải?

- Cô coi, cháu nói thế này, mà bác G. lại bảo là cháu nói bậy. Ở địa vị cô, cô cư xử làm sao?

Lý lẽ các em ấy đưa ra tất nhiên là đúng. Có tin chắc là đúng trăm phần trăm, các em ấy mới phân trần. Tuy nhiên chị biết nói sao, khi mà lý của các em ấy đúng thật, nhưng theo tình thì đáng lẽ không nên làm vậy.

Thí dụ thế này nhé. Em A, mọi khi vẫn ngồi cạnh cửa sổ trong lớp, nhưng hôm nay em B bị mệt, nên ngộp thở, đề nghị với A cho đổi chỗ, A nói:

- Ai ngồi đâu ngồi đó, không lộn xộn.

Em X học giỏi, Y học kém. X nói:

- Học kém thì xuống lớp dưới, ngồi lớp trên làm chi vô ích, chẳng hiểu gì, phí tiền.

Các em A và X đều nói đúng, rất đúng. Nhưng mà xét về tình thì sai rồi. Có khi vì lý do riêng, mà người ta không thể xuống  lớp dưới. Nói thẳng quá, đôi khi hóa thành tàn nhẫn.

Gặp một người ốm gần chết, ông bác sĩ có lòng, không nói rằng bệnh nhân sắp chết. Trái lại, ông đưa ra bao nhiêu viễn ảnh tốt đẹp để bệnh nhân tin tưởng.

Như thế, không phải ông bác sĩ không là người thẳng thắn mà chỉ vì ông xử theo trái tim. Các em nên phân biệt rõ ranh giới giữa sự thẳng thắn, sự nịnh bợ, và sự tế nhị. Trong phép xử cho tế nhị, nụ cười giúp chúng ta nhiều lắm. Gặp một người khoe khoang, ba hoa kể thành tích, nếu chúng ta cắt ngang mà chê bai, thế là chúng ta không tế nhị, làm buồn lòng người. Nếu chúng ta a dua theo để tán thưởng mặc dầu biết rằng những lời của mình là nói láo, thế là chúng ta nịnh bợ, hèn hạ. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể dùng nụ cười thay thế.

Có em đã nói với chị rằng:

- Tính em thẳng lắm, nghĩ gì nói nấy.

Không cần cứ nghĩ gì nói nấy mới là thẳng thắn. Thẳng thắn là không a dua nịnh bợ, không vì cầu lợi mà nói sai với ý nghĩ của mình. Nhưng, có những trường hợp vì nhân đạo, chúng ta phải nói dối. Thí dụ trường hợp một người con chết, bà mẹ là người yếu thần kinh nên mọi người đều phải giấu. Nay chúng ta vì muốn tỏ ra là thẳng thắn, lại nói phăng ngay sự thật. Lý thì đúng đấy, nhưng làm vậy là chúng ta không tế nhị, đẩy người mẹ kia vào địa ngục của sự đau khổ, có khi bệnh tăng lên mà chết.

Chị có đọc ở đâu một câu chuyện thế này: Có một bà mẹ mù chữ, một hôm có khách bà hãnh diện khoe rằng con bà chăm học lắm, tối ngày đọc sách. Nhưng khi ra bàn học của cậu bé, thì ông khách thấy cậu ta say sưa đọc kiếm hiệp mà thôi, chứ chẳng học hành gì cả. Ông khách rất ngay thẳng, nên không vì nể bà mẹ mà nhắm mắt làm ngơ, coi như không biết, để tán dương cậu bé cho bà mẹ vui lòng. Nhưng cũng không nỡ làm tan vỡ cái niềm vui của bà mẹ. Thành ra ông ấy phải mất công mấy buổi để giảng riêng cho cậu bé, nói lên nỗi thất vọng đau đớn của bà mẹ nếu một ngày kia bà biết sự thật. Nhờ sự khuyên răn thấm thía của ông, cậu bé giác ngộ. Và sau này học giỏi thật. Mà trước sau bà mẹ vẫn còn giữ được niềm tin tưởng hãnh diện rằng con chăm chỉ. Xử như vậy không phải là thiếu thẳng thắn, mà chính là xử theo trái tim. Tấm lòng nhân hậu của ông khách khiến cho ông không nỡ làm đau lòng người mẹ. Nhưng sự ngay thẳng của ông cũng khiến cho ông khuyên giải cậu bé tận tình. Và nụ cười của ông đủ để khỏi phải trả lời thẳng là ông đã biết rõ, là bà nọ nhầm lẫn. Nụ cười không xác nhận gì cả.

Một người có căn bản giáo dục tốt, là người được dậy dỗ cách cư xử sao cho mọi người chung quanh vui lòng đồng thời mình vẫn giữ được tư cách.

Nền giáo dục toàn diện dạy ta biết suy nghĩ và cũng nhờ có giáo dục, chúng ta biết cư xử tế nhị, biết tránh "nói những lời, làm những việc cạn tàu ráo máng, không kể tới nỗi đau khổ của người khác", các em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 7-10-1973)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>