Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Con Chó Đô La

 Từ khi nhà tôi có thêm con chó xi nhỏ chút xíu, anh em tôi bận bịu suốt ngày. Lẽ ra thì cũng chẳng có gì nhưng vì con chó bé quá mới mấy tháng và vì anh em tôi yêu nó lắm nên cứ bám sát bên nó để săn sóc và chơi đùa.

Hôm ông tôi mang nó tới cho, chúng tôi hết sức sung sướng và muốn cho nó có một cái tên thật đẹp, thật hay, hai chúng tôi đã cãi nhau gần một giờ đồng hồ! Tôi muốn cho nó tên Sylvie ; anh tôi không chịu vì Sylvie Vartan là thần tượng của anh ấy và cũng của tôi "Làm thế là hạ phẩm giá của Sylvie đi" anh tôi bảo thế. Hơn nữa nó là "thằng chó cơ mà!"

- Thôi đặt nó tên Cliff là hay hơn cả Phương nhé, đến phiên tôi nhất định không chịu vì Cliff Richard là nam ca sĩ tôi thích nhất. Thế là cách đặt tên bằng tên những ca sĩ danh tiếng không thành. Xoay sang các tên khác, nào Tô-Tô, nào Minu, ki-ki, lu-lu, Vàng... cũng không tên nào chúng tôi vừa ý cả, cứ một tên tôi bằng lòng thì anh tôi lại không và ngược lại... Cuối cùng, trong lúc quá hăng, tôi nhẩy lên một cái thật mạnh làm rơi ra vài "Đô la Việt nam". Chợt ý nghĩ là lạ đến với tôi: "À, hay mình đặt tên cho nó là "đô la"? Đô la, biết đâu nhờ có nó, mình sẽ có thêm nhiều đô la Việt nam trong túi." Tôi liền nói với anh tôi ý nghĩ ấy. Ban đầu, anh tôi cho tôi là tham tiền (!), là tin nhảm, nhưng sau anh ấy cũng bằng lòng với cái tên có vẻ hơi "Mỹ mỹ" ấy. Vấn đề đặt tên đã xong, chúng tôi lại cuống cuồng lo cho nó ăn. Khổ quá, "Đô la" còn bé quá chả biết ăn uống gì, cả đến sữa cũng không biết liếm!

- Sao nó ngu thế nhỉ? tôi hỏi thế rồi lại tự trả lời:

- Thì từ bé đến giờ nó toàn bú mẹ, có ăn gì đâu mà biết. Rõ lẩn thẩn.

Không lẽ ngồi nhìn nó đói, kêu ăng ẳng mãi tôi xót ruột đi lục lạo khắp nơi trong nhà tìm chai sữa cho nó bú. Không có chai nào cả! Thôi đành lấy chai xá xị tạm vậy. Có chai rồi lại không có núm vú. Anh tôi liền phóng xe một mạch ra hiệu tạp hóa gần đấy mua về một núm vú cao su thứ bé nhất và hý hoáy đục lỗ. Xong đâu đấy, tôi khuấy sữa đổ vào chai, gắn núm vú lại trong lúc anh tôi bế ngửa con chó "Đô la" ra. Tôi cố nhét chai sữa vào mồm nó. Nó nhất định không há miệng để bú mà chỉ khẽ kêu ăng ẳng và đạp lung tung cả lên. Tình cờ một giọt sữa rơi vào miệng nó, nhấm nhấm thấy ngọt, ngon, nó há to mồm ra để bú... Nhìn nó bú một cách ngon lành, mồm chấp chấp và cổ phập phồng theo từng ngụm sữa nuốt vào, hai chúng tôi nhìn nhau cười sung sướng. Đến tối, việc cho "Đô la" ngủ cũng khó khăn không kém. Tôi tịch thu tất cả những mụn vải vụn của mẹ tôi để đầy một giỏ mây: đó là giường của "Đô la". Xong, tôi bắt hắn "lên giường" ngủ vì đã chín giờ rồi, nhưng "Đô la" nhất định không nằm, chạy lung tung khắp nhà và sủa nho nhỏ. Anh em tôi vừa đuổi theo nó vừa gọi luôn mồm:

- "Đô là! Đô la!" và chặc lưỡi, huýt gió, búng tay liên tiếp nhưng vô ích, nó vẫn chạy, chúng tôi vẫn đuổi theo...

- Thôi Phương ơi, anh nghĩ ra rồi, em đứng yên đấy đi, anh đuổi nó tới rồi em chụp lấy nó bế lên nhé.

Theo kế hoahc5 nầy, chúng tôi đã bắt được "Đô la" dễ dàng. Hai chúng tôi nhét "hắn" vào "giường" để trong phòng chúng tôi.

Có lẽ đã mệt vì chạy nhiều quá, Đô ta nằm yên một chỗ nhưng miệng vẫn không im sủa hoài! Hai chúng tôi vừa ngủ không được bực mình vừa thương nó cũng không ngủ được, ngồi bàn tính với nhau phải làm sao để Đô la im ngủ.

Cho bú à? vừa mới bú xong! Vuốt ve nó à? Vừa làm thử nó càng kêu lớn hơn! Chịu! Anh em tôi mỗi người về giường ngủ. Chợt anh tôi nhẩy một cái đùng từ trên giường xuống làm tôi giật mình và "Đô la" cũng im bặt. Chưa kịp lên tiếng hỏi, anh tôi đã mở cửa chạy vụt đi. Tôi hốt hoảng xuống giường định chạy theo thì... kìa! Anh tôi lại chạy vào tay cầm một đồng hồ để bàn.

- Phương ơi, anh nhớ rồi. Hôm nọ anh có đọc trong một quyển sách trong đó có đoạn dạy cách làm cho chó con im sủa trong đêm như thế này: "Phải để một cái đồng hồ bên cạnh chó con. Trong đêm khuya thanh vắng, chó con sẽ nghe rõ tiếng tíc-tắc, tíc-tắc của chiếc đồng hồ, nó sẽ không cảm thấy cô độc và sẽ ngủ yên". Lúc nãy sắp ngủ, anh mới nhớ lại, vội chạy ra lấy đồng hồ nầy đó!

- Trời! Thế mà cũng nhẩy đùng lên làm em hết hồn! Tôi vờ giận dỗi bảo thế, nên anh tôi cười làm hòa và còn cố cãi:

- Tại em yếu tim đấy chứ.

Hai chúng tôi cùng cười vui vẻ.

Từ nãy giờ không để ý, "Đô la" vẫn kêu ăng ẳng trở lại sau phút giật mình. Anh tôi mang đồng hồ đến để bên cạnh "Đô la" và chúng tôi vừa vuốt nó vừa bảo:

- Thôi, ngủ ngon nhé "Đô la", chóng ngoan anh chị cưng ; có cái đồng hồ nầy làm bạn, "Đô la" ngủ đi để anh chị ngủ với chứ.

Có lẽ nó không hiểu anh tôi nói gì cả nên vẫn sủa tỉnh bơ. Chúng tôi cũng mặc nó và lên giường để xem công dụng của lời dạy anh tôi đã nói.

Nằm một chốc, "Đô la" cũng dứt tiếng. Có lẽ nó ngủ rồi. "Anh tôi hay thật!" Giờ đây chỉ còn tiếng tíc-tắc của chiếc đồng hồ thôi. Những tiếng tíc-tắc đều đều làm tôi buồn ngủ. Mi mắt như sụp xuống. Tôi thiếp dần đi...

Sáng hôm sau, 7 giờ tôi mới dậy. Nhìn sang giường anh tôi và "Đô la", không thấy ai cả. Tôi vội đi tìm. À, anh tôi giỏi quá (!) đang cho "Đô la" bú dưới bếp. Vừa mon men đến gần định ngồi xuống xem thì anh tôi đã quát:

- Sao không đi súc miệng rửa mặt, giũ giường đi? Dậy không rửa mặt tới đây làm gì?

Cụt hứng, tôi tiu nghỉu vào phòng tắm rửa thay đồ và lên xếp chăn màn lại gọn ghẽ.

Ăn điểm tâm xong, không đợi mẹ tôi nhắc, tôi làm bài, học bài thật chăm chỉ. Các bạn thừa biết tại sao rồi chứ? - "Vì làm nhanh nhanh để còn chơi với "Đô la" nữa! Rồi suốt cả buổi sáng hôm ấy tôi chỉ chơi với con Đô la thôi. Hết trò nầy đến trò khác. Tôi với nó chạy nhảy đến mệt lử, chạy vào nhà uống một cốc nước glacée tôi thấy nó ngon làm sao ấy ; và Đô la cũng bú một chai sữa!

Buổi chiều tôi đi học thì lại có anh tôi ở nhà chơi với nó. Thấy hai anh em tôi thay phiên nhau chơi với Đô la suốt ngày, mẹ tôi cứ lo nó còn bé quá mà phải chạy nhảy nhiều thì đến chết mất!

Đô La lớn mau như thổi theo thời gian. Tuy nhiên đứng gần các chó ta "đứng tuổi" khác thì nó hãy còn thấp. Lúc nầy chơi với Đô La mới thật sướng vì nó biết chơi đủ các trò. Chúng tôi còn dạy nó nhẩy rào, lượm banh, ngồi xuống, đứng lên, lại gần, bắt tay v.v... Đô La cũng tỏ ra thông minh không kém nhưng đôi khi cũng ngớ ngẩn lắm giống tôi cái ngớ ngẩn, anh tôi bảo thế.

Hôm nọ vừa xuống bếp, nó trông thấy con chuột nhắt đang cắn cắn cái chân tủ chén bát. Đô La nhà ta sủa ầm lên và nhẩy lại con chuột nhưng chú chuột đã nhanh nhẹn chạy tuột xuống cống mất dạng. Tiếc ngẩn ngơ Đô La cứ đứng ở miệng cống sủa inh ỏi. Từ nẫy giờ đứng nhìn nó, tôi không nhịn được cười chạy vội lên gọi anh tôi và cười như nắc nẻ. Anh ấy không hiểu gì nhưng thấy tôi cười cũng cười theo, và sau khi nghe tôi kể, xuống thấy Đô La vẫn còn đứng sủa anh tôi cũng không nhịn cười được.

Lúc nầy, Đô La đã lớn, chúng tôi không cần cho nó bú, cũng không phải để đồng hồ bên cạnh nữa. Cho nó ăn cơm với tí thịt hay cá gì cũng được. Nhưng mỗi lần ở nhà ăn gì có xương nhiều cho nó thì thực là bực mình vì nó. Cứ gậm từng cục xương để trong bếp vài mẩu, phòng ăn vài cục, ngoài sân vài cái, rồi sau khi ăn cơm xong, nó ra sân gậm xương, xong lại vào bếp gậm... Nghĩa là lại những chỗ nào nó đã để xương ăn dần đi. Mẹ tôi tuy bực mình vì xương để như thế bẩn lắm nhưng cũng không nhịn cười được trước tính tình kỳ lạ của Đô La.

Một buổi trưa chủ nhật nóng bức, cả nhà đều đã ngủ. Nóng quá tôi không ngủ được nên gọi Đô La ra sân chơi. Dưới bóng mát của cây soan già đầy hoa, tôi tẩn mẩn vuốt lông nó và vạch lông ra xem. Ái chà! Da Đô La trắng kinh khủng... Nhưng... ơ kìa! Con gì dẹp như miếng giấy, đen đen, nhỏ bằng hột cát đang chạy chạy giữa những sợi lông của "Đô La". Bỗng con vật đó nhẩy lên tay tôi, tôi cảm thấy đau điếng và ngứa kinh hồn, chưa  kịp bắt thì nó đã bay vào đám lông Đô La mất tích. Tôi gãi mạnh lên chỗ bị đốt, da chỗ ấy bỗng ửng đỏ lên và nổi cao như nấm. Chợt nghĩ ra đó là bọ chét chó, tôi đâm thương Đô La quá. Chắc hẳn trên mình nó còn nhiều bọ chét lắm. Thế thì nó chịu sao nổi! Tội nghiệp quá. Nhưng phải đợi đến anh tôi thức, tôi mới có thể nói chuyện nầy được, kèm theo "dấu bọ chét đốt" ở tay cho xem. Chiều hôm đó, sau khi được mẹ tôi cho mấy chục bạc, hai anh em tôi dẫn nhau đi mua thuốc để tắm và bôi vào cho Đô La hết bọ chét.

Rồi từ đó, cứ cách một ngày, chúng tôi lại bắt Đô La ra tắm thuốc. Chẳng bao lâu nó không còn một con bọ chét nào trên mình nữa. Tôi lại tha hồ ôm nó vào lòng mà không sợ bị bọ chét đốt. Vì chơi và săn sóc Đô La từ khi nó còn bé nên Đô La rất mến anh em chúng tôi.

Có hôm, khi đi học về, vừa mở cổng, Đô La đã nhẩy lên mừng rỡ, vẫy đuôi lia lịa và nhẩy lên mình tôi bắt tôi bế. Nhưng không hiểu Đô La đi đâu mà chân nó bẩn quá. Nhìn hai dấu chân đen sì in trên chiếc áo dài trắng tinh của tôi, tôi bỗng phát cáu hét ầm lên:

- Con quỉ, mừng cái kiểu gì lạ thế? Bẩn cả áo người ta rồi còn gì? Có cút đi không?

Tôi lấy cặp đẩy mạnh một cái vào Đô La, nó cụp đuôi đi thẳng vào nhà. Nhìn nó đi, tôi lại thấy thương Đô La làm sao ấy (Rõ thật mâu thuẫn). Sau khi thưa ba má và thay áo xong xuôi, tôi tìm Đô La "xin lỗi" nó và rửa chân nó cho sạch đất. Ai trông thấy và biết chuyện cũng bảo tôi điên hoặc ít ra hơi khùng, chỉ anh tôi biết tôi không điên vì anh ấy cũng thương Đô La như tôi. Chắc hẳn bạn nào có nuôi chó và gặp trường hợp này sẽ thông cảm với tôi và không bảo tôi điên.

Chuyện giữa tôi, anh tôi và Đô La thì rất nhiều. Nào những hôm nó theo chân tôi đến trường và nằm ngoài hiên chờ tôi về cùng. Hay những khi dẫn nó đến thú y tiêm thuốc ngừa, tôi đau lòng lắm. Hoặc những khi tôi dạy nó ăn kem, ăn chuối... Hay những khi tôi tinh nghịch bắt nó há mồm ra đếm răng...!

Đô La đến với anh em tôi không làm cho chúng tôi có thêm một "đô la" nào trong túi. Nhưng nó đã cho chúng tôi những nụ cười, những giờ chạy nhẩy ngoài sân hết sức bổ ích và thú vị. Như thế thú hơn có đô la thật gấp trăm lần phải không các bạn?


CHÍ NHI      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 33, ra ngày 25-10-1965)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>