Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Qua Những Ngày Mưa Gió

 

Hai anh em Hòa ngồi chồm hổm nơi cửa nhìn ra sân. Ngoài kia trời đang mưa, mưa không to mà dai dẳng, giăng phủ châu thành từ trưa tới giờ.

Những hạt mưa thánh thót rơi trên mặt sân sũng nước, gieo rắc đầy những quả bong bóng tròn nhỏ xinh xinh. Chúng như vô số con mắt, từng cái đột nhiên hiện ra, nhìn thật nhanh hình ảnh anh em Hòa, rồi vụt vỡ tan, biến đi như sợ phải thấy lâu cảnh u tối nghèo nàn. Mưa đã buồn, gian nhà ngập bóng tối, với hai đứa bé ngồi ủ rũ bên nhau như hai cánh chim non vắng mẹ, lại càng tô đậm màu tê tái hơn lên.Yên lặng lâu lắm mới nghe Thuận, "con chim nhỏ", hỏi anh:

- Anh ơi, chiều rồi sao má chưa về?

- Chắc má còn đụt mưa ở đâu, đợi tạnh mới về chứ gì.

Tuy đáp thế, nhưng Hòa lại nghĩ khác : mưa rỉ rả kéo dài như thế này chắc gánh chè của má bị ế mất thôi! Có lẽ má phải dầm mưa đi bán. Khổ quá, người má chẳng được khỏe vì lâm bệnh mới hết hôm qua!

Hòa hình dung một người đàn bà nhỏ yếu, gánh một gánh chè trĩu nặng lầm lũi đi trong mưa gió lạnh lùng, thỉnh thoảng lại cất tiếng ra lên vang giữa âm điệu thâm trầm của tiếng nước rơi rơi nghe buồn não nuột. Người đó là dì Hai, bà mẹ kính yêu của anh em Hòa.

- Thôi, Thuận ở đây đón má, để anh vào nấu cơm nha!

Thuận nhận ra giọng anh có gì lạ nên ngước nhìn Hòa. Nó hơi ngạc nhiên trước đôi mắt nhòe ướt của anh. Hòa đã khóc khi nghĩ đến sự lao nhọc của mẹ, nhưng nó nào biết.

Thuận ra ngồi trước thềm nhà, vọc nước, lòng không gợn một chút băn khoăn, chỉ để tâm đến những giọt nước từ trên mái lá, rơi tí tách xuống lòng bàn tay nhỏ nhắn của mình. Tuổi thơ cũng như cánh hoa vừa chớm nở, thật trong trắng tươi đẹp xiết bao!

Trong lúc đó, Hòa vừa làm việc vừa học bài : cứ học một câu lại vo gạo một lượt, rồi học tiếp nữa. Lúc nấu cơm, Hòa để tập vở kế bên, chụm lửa, miệng nhẩm bài, trông như một tiên ông đọc thần chú luyện thuốc trường sinh vậy. Hôm nào Hòa cũng làm thế, nhưng chưa để cơm khê nhão lần nào, tập vở vẫn được sạch sẽ như ai.

Cơm chín, bài cũng thuộc làu. Hòa đang luộc rau thì nghe tiếng Thuận vang ngoài trước:

- Má về!...

Hòa vội bước ra, thấy mẹ ướt loi ngoi, liền hỏi:

- Má không đụt mưa sao?

Dì Hai đáp, giọng run run vì lạnh và mệt:

- Ngồi một chỗ chẳng ai mua, má đi bán rong ngoài mưa nên mới ướt như vầy. Vậy mà cũng còn bộn!

- Thôi, má thay đồ rồi đi ăn cơm.

- Ừ, con đi múc cho chú Tư, thím Tư một tô chè đi, còn bao nhiêu hai đứa ăn.

- Sướng a!

Thuận reo lên. Hôm nào được ăn chè nó mừng lắm, còn Hòa trái lại chẳng muốn chút nào.

Dì Hai thay đồ xong, đến ngồi bên bếp lửa, hơ tay. Mặt dì tái nhợt. Có tiếng Hòa ở nhà kế bên, tiếp đó tiếng thím Tư vọng sang:

- Chèng ơi, sao không để bán, cho làm chi chị Hai?

Dì Hai đáp lớn:

- Cho chú thím ăn lấy thảo, cái của ế mà!

Rồi dì cười, tiếng cười nghe vui vẻ nhưng lòng dì đang thắt lại khi đếm số tiền bán được chỉ đủ mua đường đậu nấu chè ngày mai, trong lúc hũ gạo ở nhà vơi mãi. Dì thấy tức tối, đả chịu cực mà chẳng được gì. Dì ghét ông trời lạ, cứ mưa gì mưa mãi thế?

Bữa cơm chiều đó, dì Hai ăn uống uể oải, cố nuốt trôi một chén, rồi đi nằm ngay. Chắc chắn không phải vì cơm dở, bằng chứng là Thuận đang ăn ngon lành kia. Hòa lo lắng hỏi:

- Má có sao không má?

- Không, chỉ hơi lạnh thôi, con à.

Nhưng đến tối, dì Hai bỗng nhiên bệnh nặng. Chính cơn bệnh mấy hôm trước trở lại hoành hành, và lần nầy trầm trọng hơn. Dì Hai thấy mình có lẽ sắp chết đến nơi, nước mắt trào ra chan hòa. Dì khóc không phải vì tiếc đời mình lắm, mà nghĩ xót thương hai đứa con thơ : mất mẹ, chúng sẽ bơ vơ lạc lõng.

Đời dì sao mà nhiều khổ não. Dì thử soát lại khoảng thời gian hai mươi mấy năm dài dì đã bước qua, chỉ thấy đầy nỗi ưu phiền.

Thuở ấy, dì Hai là một thôn nữ, sống cuộc đời hiền hòa nơi đồng nội. Cho đến một ngày kia, dượng Hai chợt hiện đến "rước" dì đi ra tỉnh thành, khiến dì lìa cách quê nhà từ đấy. Dì rất buồn, tuy lâu lâu cũng được chồng đưa về thăm viếng mẹ cha.

Khi bé Thuận được một tháng, cha nó ra đi giết giặc vì bổn phận người trai. Một năm sau, dì Hai được tin sét đánh : Chồng dì đã bị tử thương nơi chiến địa!

Dì Hai ở chung với cha mẹ chồng : ông bà là người ưa quan tước, quý trọng những con dâu có nhiều địa vị, còn đối với dì Hai, thì đày đọa khinh thường, dầu dì giúp đỡ cho nhà nhiều hơn. Các em chồng thấy thế cũng bắt chước chê dì đủ thứ. Chỉ trừ chú Năm, em ruột dượng Hai, là biết cảm thương, bênh vực chị dâu. Nhưng sau đó chú phải đi du học ngoại quốc.

Dì Hai không phiền nhiều khi mình bị bạc đãi, mà chỉ khó chịu trước sự bất công của cha mẹ chồng đối với hai con dì: cũng đồng là cháu, nhưng con của chú "Ba Phán" hay của cô "Tư nhà thuốc" muốn phá phách gì cũng được, còn Hòa Thuận rủi đụng phải vật gì của ông bà, lập tức bị đánh mắng!

Bởi thế, một hôm dì Hai phải thoát ly gia đình cổ hủ của nhà chồng tìm mướn một căn nhà lá trong xóm nghèo, ba mẹ con cùng nướng náu. Sở dĩ dì không về quê mình, vì thấy thẹn với xóm làng! Dì Hai bắt đầu nấu chè đi bán nuôi con ăn học. Tội nghiệp, Hòa thấy mẹ dãi nắng dầm mưa cực nhọc, xin cho đi bán báo, bánh mì trong những giờ nghỉ, nhưng dì Hai không chịu. Dì bảo:

- Con phải được rảnh để tâm trí thảnh thơi mà còn lo học hành.

Dì mong con chăm học để thành tài như người, và Hòa cũng làm gì bằng lòng lắm.

Nghe tiếng mẹ rên rỉ, Hòa lo lắng hỏi:

- Sao đó má?

Dì Hai đáp yếu ớt:

- Má chết mất con ơi!

Hòa hoảng hốt:

- Trời, má nói gì kỳ vậy!

Dì Hai thều thào:

- Hòa ơi, con nghe má đây... nếu má mất rồi, con hãy dắt em về với ông bà ngoại, nghe con...

Hòa nhào lại ôm lấy mẹ, khóc ngất. Thuận vừa giật mình ngồi dậy. Thấy anh khóc, nó không hiểu gì cũng khóc theo.

Trời bỗng đổ cơn mưa to, như đau lòng trước cảnh bi đát. Gió thổi mạnh, nước mưa đập rào rào trên mái lá, từng luồng dồn dập tựa sóng bể loạn cuồng. Sấm sét gầm lên. Có tiếng chim đêm hãi hùng kêu thét, tiếng cây cối xào xạc than van.

Ánh sáng rung rinh mờ tỏ của ngọn đèn dầu đặt trên chiếc bàn ọp ẹp càng thêm run rẩy. Đóm lửa vàng bệch, ngả nghiêng động đậy, như muốn thoát bay đi. Mọi vật trong nhà lúc hừng sáng, lúc lu mờ, chập chờn như đang nhảy múa. Khắp nơi đầy những hình bóng quái dị, hoạt động âm thầm. Tiếng khóc nức nở trong chiếc mùng vá chằng chịt, nghe xa xôi như từ đâu vọng lại.

Qua hồi xúc động, Hòa chạy đi kêu cứu với chú thím Tư. Hai người sang ngay. Tuy không bà con gì, nhưng họ vẫn thường nhận chè của dì Hai. Thím Tư cầm tay dì Hai rồi la hoảng:

- Sao lạnh thế nầy?

- Thì lấy dầu cạo gió cho chỉ!

Chú Tư bảo thế, rồi đứng nhìn chẳng biết làm gì, chú lẩm bẩm:

- Phải có tiền rước bác sĩ thì lo chi.

Hòa nghe nói cúi đầu suy nghĩ: đúng rồi, phải rước bác sĩ mới được. Không có tiền trả, mình ở đợ trừ, miễn sao má sống thôi. Nghĩ thế, Hòa chạy vụt ra ngoài.

Lúc ấy mới hơn bảy giờ, nhưng trời quá tối, vì mưa mù mịt. Đường phố vắng tanh. Hòa đi thật mau, không để tâm đến những hạt mưa quất vào mặt rát rạt. Hai dãy nhà nằm im, nín thở theo dõi bước chân Hòa. Mấy cột đèn điện mệt mỏi, gục đầu lặng ngắm mặt đường loáng nước. Mưa phủ trên chụp, đọng lại rơi xuống từng giọt như nước mắt xót xa.

Hòa không chú ý đến ngoại vật, chỉ thấy trước mắt hình ảnh tiều tụy của mẹ mình. Trong tâm trí Hòa, dì Hai hiện ra, oằn oại cố níu lấy sự sống. Rồi bóng thần chết bước vào, bộ xương trắng toát cầm lưỡi hái lăm le, nổi bật giữa màn đêm. Cái đầu lắc lư với hố mắt âm u sâu thẳm, hàm răng khấp khểnh cười nhe ra cúi xuống nhìn mặt mẹ Hòa. Ôi, khủng khiếp!

Con đường xuống chợ sao dài hẳn ra? Hòa ran cả người dù đang đắm mình giữa làn nước mưa buốt lạnh.

Đến một ngả quanh, Hòa kêu lên mừng rỡ:

- A, kia rồi!

Bên kia đường, một tấm bảng hiện ra lờ mờ. Hòa vội vã băng qua.

Chợt, ngay lúc ấy, một chiếc xe nhà từ xa đâm sầm chạy tới. Có tiếng siết thắng rít lên, nhưng không kịp nữa! Trớn xe lết tới ủi Hòa ngã nhào đập đầu xuống đường nhựa.

- Thôi rồi!

Hòa thốt lên trước khi bất tỉnh, quá tuyệt vọng khi nghĩ mình bị nạn thế nầy làm sao mời được bác sĩ cứu mẹ. Hòa tưởng mình sẽ bị đè bẹp dưới bánh xe, nhưng rất may, xe không cán lên người Hòa.

Hòa tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên "bàn băng bó của bệnh viện", đầu ươn ướt và đau đớn. Gần bên, một ông có vẻ hiền từ đang soạn thuốc men. Hòa hỏi:

- Thưa ông, ông là ai? Đây là đâu thế nầy?

Ông ta quay lại:

- Cậu cứ nằm yên để tôi băng vết thương. Tôi là bác sĩ, và đây là phòng mạch của tôi.

Hòa vội nói:

- Bỏ mặc cháu, xin ông đến ngay nhà... má cháu đang bệnh nguy lắm, xin ông đến liền! Ông ơi, má cháu cần gặp ông hơn!

Rồi nó lại ngất đi.

Mãi sáng hôm sau, Hòa mới tỉnh, đầu đã được băng bó, nằm trên giường bệnh ấm áp. Vừa khi ấy, bác sĩ bước vào phòng. Thấy Hòa mở mắt nhìn quanh, ông mỉm cười bước lại:

- Thế nào? Em thấy khỏe chứ?

Hòa không đáp câu hỏi, ôm chầm lấy tay ông, hỏi nhanh, nét lo lắng hiện rõ trên mặt:

- Thưa bác sĩ, ông có đến xem bệnh cho má cháu không? Má cháu có sao không ông?

- A, nghe lời em nói, tôi đến ngay nhà em, tiêm cho má em một mũi thuốc, bà bớt nhiều! Tôi chắc vài hôm nữa má em sẽ khỏi, và sẽ đến thăm em.

Mắt Hòa sáng rực, miệng bừng nở một nụ cười tươi tắn hơn bao giờ hết. Hòa muốn nhảy xuống giường, lạy tạ ơn bác sĩ tài ba đầy nhân ái ấy, nhưng đầu óc nhức nhối không cất lên được, Hòa đành nằm yên nói:

- Cám ơn bác sĩ, ông tiên của cháu!

Bác sĩ bật cười, lòng ông cũng vui vui. Ông nói:

- Thôi em nằm nghỉ đi. Tôi sẽ đem thuốc cho má em uống thêm.

Hòa nhắm mắt lại, tưởng tượng gương mặt tươi khỏe của mẹ hiền. Sự mừng rỡ đến rộn ràng làm Hòa quên mất mình cũng đang bị nạn.

*

Dì Hai bước vào dưỡng đường của bác sĩ X. Dì gặp ông từ một phòng bệnh ra, liền tiến chào:

- Thưa bác sĩ!

Ông dừng lại tươi cười:

- A, chào bà! Hôm nay bà thiệt mạnh chưa? Có lẽ bà đến rước em Hòa?

- Cám ơn bác sĩ, mẹ con tôi đã chịu ơn ông quá nhiều, nhưng không biết lấy gì đền đáp, vì rất nghèo khó. Bây giờ... tôi chỉ còn cách là mong ông nhận tôi làm người giúp việc...

Bác sĩ ngắt lời:

- Ấy bà đừng nghĩ thế. Chính tấm lòng hiếu thảo của con bà là món quá quý giá dành cho tôi. Tôi đã thuật chuyện của em Hòa cho các con tôi nghe, và bảo chúng noi theo gương đó... Vả lại, đã có người muốn trả tiền cho tôi mà tôi không nhận.

Dì Hai ngạc nhiên:

- Thưa ông, ai vậy?

- Chính người lái xe đụng em Hòa. Thôi bà hãy vào với em, ở phòng đằng kia nhé!

Dì Hai bước vào phòng của Hòa. Hai mẹ con gặp nhau cùng khóc vì vui sướng. Dì cảm thương con quá. Nếu không có nó, dì đâu còn sống đến ngày nay. Dì cầm tay con, hỏi han sức khỏe. Đầu Hòa đã lành lặn như trước nên dì bớt lo. Hòa hỏi mẹ:

- Thằng Thuận đâu má?

- Nó đòi theo dữ lắm, nhưng má muốn đi gấp nên để nó ở nhà.

Dì Hai đáp, rồi chỉ các gói bánh trên giường con, hỏi:

- Ai mua cho con thứ nầy đây?

- Dạ, cái ông lái xe đụng con đó má. Bữa nào ông cũng vô  thăm, đem bánh trái cho con.

- Sao con không ăn?

- Con để dành cho em Thuận... À má, con thấy ông ấy hơi quen quen như có gặp ở đâu vậy... A, ông tới kìa!

Dì Hai quay lại, nhìn người đàn ông trẻ tuổi vừa bước vào. Người kia tiến đến kêu:

- Trời, chị Hai!

- Chú Năm!

Thấy Hòa ngẩn ngơ chẳng hiểu gì, dì Hai nói:

- Chú Năm cảu con đây, quên sao Hòa?

Người đàn ông, chú Năm của Hòa, chưng hửng:

- Thằng Hòa đó sao?... Chú đụng cháu mà không biết chớ! Rủi mà may, nếu không có vụ nầy làm sao em gặp chị? Chị Hai ơi, em về nước lâu rồi. Hay tin chị đi, em buồn lắm. Em tìm kiếm chị hoài mà không gặp. Bây giờ chị về với em nghen chị. Em có lập một xưởng dệt, xin chị phụ coi sóc giùm.

- Sợ ba má không bằng lòng.

- Không, sau ngày chị đi, ba má rất hối hận chị ạ! Chị về liền với em nghe?

- Khoan đã, chị phải thu xếp đồ đạc đã chứ. Với lại còn em của thằng Hòa ở nhà nữa.

- À cháu Thuận, em quên mất. Thôi chị cứ về nhà chị, mai em đem xe lại rước.

- Nhớ nhà số... nhé!

- Vâng, giờ em về cho ba má hay.

Lúc sau, hai mẹ con dì Hai cùng tìm bác sĩ X, xin về. Ra đường, Hòa nói với mẹ:

- Hôm nay trời tươi sáng, đẹp làm sao ở má!

Dì Hai siết tay con đáp:

- Ờ, tại đã qua những ngày mưa gió!


VI LÔ         

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa Cô Bé Can Đảm)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>