Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Ông Già Bán Sách


Ông già vừa vuốt ngực để ngăn tràng ho vừa nói:

- Sam ơi, con giúp thầy một tí, hôm nay thầy mệt quá, Sam nhé.

Người con trai tròn mắt nhìn cha:

- Con ư? Thầy nói con ra chợ bán sách ư?

- Ừ, con ra chợ hộ thầy. Cho thầy nghỉ ở nhà một phiên. Con đi xe ngựa thì không mệt lắm đâu. Sam nhé!

Sam vẫn nhìn cha chằm chằm. Ông cụ mệt nhọc lê từng bước tiến về phía con, lẩm bẩm "con đi hộ thầy, Sam". Sam vẫn ngỡ cha nói đùa nhưng bây giờ chàng biết cha không đùa, ông nhờ chàng ra chợ thật. Hừ, không thể được. Đời nào cậu tú Sam sắp thi Cử nhân lại ra chợ bán sách. Không, không thể được. Mắt Sam quắc lên, chàng nghiến răng ngạo nghễ trả lời:

- Con mà đi bán sách à? Không bao giờ.

Ông cụ ngồi phịch xuống, hai tay ôm lấy ngực ho rũ rượi, vẻ mặt đau đớn. Đã hơn hai mươi năm ông làm nghề này nuôi Sam ăn học. Tiền học phí của Sam ở Đại học là số tiền lãi trong mỗi buổi bán sách. Bỏ đi một buổi chợ thật phí biết bao. Ông ngước mắt nhìn con:

- Sam, hộ thầy đi con. Thầy mệt quá. Bỏ 1 phiên chợ, thiệt bao lãi đó con. Sam, hộ thầy Sam nhé!

Lời van xin thống thiết của cha đã bắt đầu làm Sam xiêu lòng. Nhưng Sam chợt nghĩ đến những bộ mặt ngạc nhiên, những nụ cười chế riễu của bạn học khi thấy chàng đứng bán sách ở chợ. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm... Rồi cả trường, cả tỉnh này ai cũng biết chàng là con của ông bán sách nghèo hèn. Lúc bấy giờ chàng còn ra gì nữa? Không thể được. Cậu tú Sam sẽ trở thành ông Cử và biết đâu sẽ là ông Nghè sau này. Chẳng lẽ ông Nghè lại có dĩ vãng đen tối thế này à? Chẳng lẽ ông Nghè lại đứng bán sách ở chợ à? Và chàng ngửng đầu lên trả lời dứt khoát:

- Không, không bao giờ thầy ạ!

Ông cụ không nói thêm nửa lời, uể oải đứng dậy, hai đầu gối run run. Ông đưa tay sửa lại chiếc khăn quàng, khoác chiếc áo mưa vào người rồi đi ra cửa. Ở ngoài, gió bấc thổi từng cơn lạnh buốt, mưa rơi nặng hột. Ông đứng lại ở ngưỡng cửa vài giây, quay nhìn con rồi lặng lẽ bước ra, đi bán sách nuôi con.

Vài hôm sau, trong  căn nhà nhỏ Sam gục đầu nức nở bên chiếc quan tài lạnh lẽo. Ông bán sách đang ốm, gượng ra đi bị lạnh mắc cảm hàn và đã chết. 

- Thầy ơi thầy Sam gào lên thảm thiết thầy tha lỗi cho con. Thầy ơi thầy, con đâu có ngờ ra nông nỗi này.

Sam nghe văng vẳng tiếng nói yếu ớt của cha "Sam, hộ thầy đi con" đối với lương tâm chàng lúc này như những lời trách móc.

- Thầy ơi thầy, thầy tha lỗi cho con. Con đã không nghe lời thầy. Con đã từ chối làm cái công việc mà suốt đời thầy đã làm để nuôi con. Thầy ơi, lòng kiêu ngạo vô lý của con đã làm thầy thiệt mạng...

Sam gục xuống. Lương tâm chàng cắn rứt. Chàng tự mắng mình hèn mạt, nhơ nhuốc. Chàng tự cho mình là một con vật ghê tởm. Chàng hối hận, nhưng bây giờ thì đã muộn rồi. Nước mắt chàng tràn ra như suối. Mắt chàng, má chàng đỏ mọng lên và đầy cả nước. Nhưng bao nhiêu nước mắt đó làm sao rửa được vết nhơ của chàng.

Bỗng nhiên Sam đứng dậy, gạt nước mắt, đưa tay qua chiếc quan tài và sang sảng nói:

- Xin thầy tha lỗi cho con. Con xin tự xử lấy lỗi con.

*

Sam đã tự xử lỗi mình. Cứ vào ngày 21-11 mỗi năm, Sam sau này trở thành nhà đại thông thái Sam Johnson nổi tiếng khắp hoàn cầu đã đi bộ trên con đường mà ngày xưa chàng đã từ chối không đi bằng xe ngựa. Ngày 21-11 là ngày Sam phạm tội. Dân vùng đó, cứ ngày hôm ấy được thấy Sam đầu trần đứng suốt buổi chỗ mà xưa kia cha chàng dựng hàng bán sách nuôi chàng.

- Như thế này cũng chưa đủ để tỏ lòng kính trọng sự khó nhọc của cha tôi mà hồi trước tôi đã có lần khi miệt Sam vẫn thường nói thế.

*

Câu chuyện của Sam Johnson đến đây là hết. 

Các bạn Tuổi Hoa đã có những ý nghĩ gì về câu chuyện của Sam Johnson?


HUYỀN HUẾ   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 74, ra ngày 1-8-1967)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>