Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

CHƯƠNG VIII_KHI VỀ DƯỚI BÓNG CÂY


CHƯƠNG VIII


Thoại đắp thêm cho Vy một tấm áo. Sương xuống đầy trời, đầy cả mặt sông. Trong khoang thuyền, những người trẻ tuổi đang bắt đầu tiếng đàn, và hát với nhau, hát cho nhau nghe. Đêm đang cất tiếng ngọt ngào với sông rộng. Tiếng sóng nước dập dềnh vỗ vào thuyền nghe như lời thơ. Ngày mai, khi mặt trời ló ra khỏi chân mây, Vy sẽ thấy cửa biển. Biển rộng rãi. Biển mênh mông! Cuộc sống mới sẽ bắt đầu…

Mặt trời đã lên! Nắng nhấp nháy trên những nụ hoa Ti-gôn hồng thắm, trên những lá hình tim leo đầy bức tường ngoài cửa sổ. Một gương mặt cúi xuống. Một đôi mắt như hai trũng đen mênh mông. Chiếc áo đắp trên người rơi xuống nệm ghế khi Vy ngồi thẳng dậy. Chiếc áo của Thiều! Thiều đang nhìn ra ngoài khoảng hoa tim vỡ buồn bã đó. Cạnh bên Thiều, Đặng ngồi thừ nhìn hờ hững vào một tờ báo. Loan đang uể oải gỡ mái tóc rối. Còn đôi mắt mênh mông của Hà bây giờ đã muốn rời rã. Vy ngơ ngác nhìn vào đôi mắt đó, tự nhiên rùng mình. Phải đôi mắt của mẹ không? Một đôi mắt chứa chan những điều buồn. Trong hai trũng đen đó, thời thơ ấu hiện ra, nhẫn nhục, đau khổ, hiu quạnh. Đôi mắt không muốn nói điều gì, nhưng buồn hơn cả một bến sông về chiều – bến sông đen đúa của mẹ – bến sông mưa bụi của chị Hà… Nỗi khổ cực, nhọc nhằn của mẹ có một mình chị Hà gánh vác nhiều nhất, rồi cũng chính chị cam lòng chấp nhận làm một ngón tay dư thừa tật nguyền. Vy bật khóc. Chị Hà ơi! Không có ngón tay nào hơn ngón tay nào cả. Bởi vì khi cánh tay đã mất, thì ngón dài ngón ngắn cũng không còn!...

Tiếng khóc của Vy làm cho Thiều quay lại, Đặng buông tờ báo, Loan ngừng tay gỡ tóc và đôi mắt của Hà long lanh. Mọi người đều nhìn Vy. Những gương mặt mệt mỏi, những quầng mắt đen sau một đêm thức đợi…, vì tiếng khóc, đã như có hồn trở lại. Loan ôm mặt, nói:

- Vy, đừng khóc em!

Nhưng nước mắt của Loan cũng đang tuôn chảy ràn rụa. Loan khóc sụt sùi khiến Đặng cũng không yên, đứng dậy đi qua đi lại trong căn phòng đợi. Anh em ta đã trải qua hơn mười tiếng đồng hồ ở đây. Thời gian nặng nề khủng khiếp! Thời gian để chầu chực nhà người, đưa đón bạn quý, sao qua nhanh thế? Thời gian để chờ đợi một biến cố cho mẹ, cho một đàn con, thì trôi dần dần như một sợi dây siết vào cổ. Ghê gớm! Giờ này có lẽ học trò của Đặng đã ngồi vào chỗ, đợi thầy đến. Giờ này có lẽ Thoa đang sửa soạn cho bữa trưa nay đi ăn với Đặng. Thầy sẽ không đến dạy. Tôi sẽ không đi ăn. Thời gian chẳng là nghĩa lý gì nữa. Danh vọng, sự nghiệp không phải là những thứ cần thiết nữa. Tôi đã hiểu rằng từ hôm nay mẹ tôi không còn vui thú gì để mặc những chiếc áo may bằng hàng gấm hoa hòe của tôi mua cho người!

- Loan ơi đừng khóc nữa! Vy ơi đừng khóc nữa!

Đến lượt Hà nói như vậy rồi Hà cũng ôm mặt thổn thức. Sự chờ đợi đã đến tận cùng của nó. Không ai quên được thuở bé mỗi lần muốn đi xi-nê, là phải xin từ sáng sớm, theo mẹ mà năn nỉ, mà mè nheo. Mẹ móc túi mãi không ra tiền. Chờ đợi! Mắt trẻ thơ chờ đợi đến mỏi, rồi biến thành mấy hòn bi ướt nhòe. Thế là mẹ phải “đi sang hàng xóm một chút”, khi về đưa cho con một trăm. Ba chục đồng một vé, một xuất hai phim. Nỗi vui mừng òa ra như vỡ chợ. Mấy chị em tiếc hùi hụi vì vào trễ không được xem hình cái đầu người hút thuốc bị gạch chéo chữ “X”. Chờ đợi!.. Hết “chiếu thử” sẽ đến “chiếu thật”. Khi vào phim “chiếu thật”, trẻ con vỗ tay reo như xem hội.

Loan đã trải qua nhiều sự mong chờ. Mong chờ được lớn lên, được đi học trường công, được thi đậu vào đại học, được sống tự do với bạn bè. Mong chờ được có một người bạn trai trí thức, giàu có, hào hoa, đưa đón mình đi về, dạo chơi khắp những đường thơ mộng. Sự chờ đợi bây giờ biến ra bọt bong bóng. Bởi vì ước mơ sẽ thành, nhưng Loan đã thấy rằng nó vô nghĩa lắm. Ngày xưa, bằng một gánh hàng đen đúa, mẹ nuôi được bầy con. Mai sau, với một nhà thuốc tây trang trọng, chưa chắc Loan đã nuôi được mẹ!

Vy nhặt chiếc áo lên, nhìn vào đó, nước mắt rơi trên áo dầy cộm, không loang ra được, mà thành một vết tròn đậm. Kỷ niệm đã đọng lại. Thương yêu cũng trở về. Vy đưa chiếc áo cho Thiều, nhìn Thiều mặc vào và thảng thốt nhận ra rằng chốc nữa đây, hình hài đó rồi cũng tiếp tục đi xa… Kỷ niệm lớn lao quá, anh không còn chỗ để mà chọn lựa… Đến ngày mẹ trăm tuổi, anh chỉ xin mẹ để lại cho anh một lòng tha thứ. Anh Thiều ơi! Vy đã hiểu anh rồi! Hiểu rằng một đứa con, dù nên dù hư, dù khổ cực hay sung sướng, cũng có một góc trong tâm hồn dành để thương yêu cha mẹ của nó.

Vợ Vĩnh xuất hiện ở cuối hành lang, thất thểu bước tới. Đêm thức trắng chập chờn cũng in đậm nét trên mắt, trên trán. Người chị dâu đứng lại trước phòng đợi, nhìn một lượt quanh mọi người, lòng se lại bởi những tiếng khóc, môi thốt ra những lời mệt mỏi:

- Các chú, các cô đi với chị. Anh Vĩnh gọi tất cả chúng ta.

Một luồng khí lạnh vô tình làm mọi người đứng hết dậy. Những tiếng khóc im bặt. Sáu người đi trong hành lang vắng thoang thoảng mùi ê-te. Đến cuối đường, người thiếu phụ mở nhẹ một cánh cửa. Bên trong, Vĩnh đang đứng sững trước những dãy chai lọ đầy ắp trong các tủ kính. Vĩnh nghe tiếng động, quay lại. Một ngày không gặp mặt, trước mắt Vy, Vĩnh trông xa lạ như một người đi đã lâu năm mới về.

Mẹ ở đâu? Vy muốn hỏi như vậy. Đặng, Hà, Loan, Thiều cũng muốn hỏi như vậy. Nhưng Vĩnh im lìm như một cái bóng. Sau cặp kính trắng, đôi mắt Vĩnh như sâu xuống, tràn đầy băng tuyết. Vĩnh nói lạnh ngắt như người đã mất hết cảm xúc:

- Các em hãy đến đây… Từ ngày anh ra trường, đến nay đã được năm năm, anh chưa bao giờ tự tay chích cho mẹ một mũi thuốc. Hôm nay anh đã làm một việc vĩ đại, một việc… đau đớn cho anh và cho các em biết bao nhiêu! Anh đã đền ơn cho mẹ…

Vĩnh run run nâng một chiếc lọ lớn bằng thủy tinh để trước mặt, nói tiếp:

- Anh đã đền ơn cho mẹ… bằng việc cắt bỏ cái cánh tay mà mẹ đã ôm ấp anh em ta bao nhiêu năm cực khổ. Đây này, cái cánh tay đầy máu mủ ung thối hành hạ mẹ bao nhiêu lâu, đến nay không còn cứu vãn được nữa. Các em có biết tại sao mẹ phải chịu tai họa này không? Đặng, Hà, Loan, Thiều, Vy! Các em chắc không quên. Chỉ có chị dâu của các em là không biết… Vì mẹ chúng ta làm nghề thợ nhuộm!... Cái chất thuốc nhuộm… là mầm mống của sự ung thối cánh tay của mẹ…

Những đôi môi bị cắn đến bật máu. Tiếng khóc không cất lên được. Ai cũng đã nhìn thấy, trong chiếc lọ thủy tinh, cánh tay mẹ được ngâm trong một chất lỏng trong suốt. Ai cũng muốn chạy đến, nhưng hồ như chân đã bị chôn xuống đất. Đôi mắt của Vĩnh không còn là hai vũng lạnh nữa. Băng tuyết tan ra, thành nước mắt chảy rào rạt xuống má. Lần đầu tiên người anh cả khóc như trẻ thơ.

- Anh đã nặn sạch những máu mủ bên trong cánh tay. Bây giờ xem như nó đã là một vật vô giác rồi. Đừng tiếc rẻ nó, mà hãy nhìn về mẹ. Anh sẽ để dành cánh tay này, khi mẹ trăm tuổi chúng ta chôn nó theo với mẹ. Lại đây đi các em, lại đây nhìn cho kỹ một lần, rồi anh phải giấu kín. Đừng ai cho mẹ biết rằng anh giữ lại cánh tay mẹ. Hãy để cho mẹ sống với chúng ta vài chục năm nữa. Bằng không, mẹ sẽ chết vì sự đau khổ này…

 ___________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IX
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>