Em mặc vội chiếc áo dài, vớ cái nón treo trên tường hấp tấp chạy ra.
- Nhanh lên Dung, trễ rồi!
- Xong rồi đây ạ.
Me đưa tiền và tờ giấy ghi các khoản chi tiêu cho em, rồi dặn đi dặn lại:
- Nhớ nhé! Mua đồ vặt ở hàng chị Mến, mua thịt ở chị Bưởi, cá ở mụ Năm, những hàng quen cả đấy. À! Con có biết mặt chị Mến, chị Bưởi không?
Em gật đầu:
- Dạ biết. Chị Mến có phải là cái chị trông... dễ... mến ghê phải không me? Chị Bưởi cười tươi như... me ấy. Còn mụ Năm đanh đá...
- Như con phải không?
Me cười. Em cười theo.
- Me! Con đi thôi.
Xách giỏ, em hí hửng bước ra cổng. Ngoảnh lại, em còn thấy me âu yếm nhìn theo. Lòng mẹ có khác...
Bây giờ, bác mặt trời đã leo lên khỏi nóc nhà ngạo nghễ dòm em, khiến em phải cúi xuống kẻo ghét lắm.
Lòng em lâng lâng như thích thú. Ồ! Sự ước mong của mình đã thành đạt, không thích thú sao được? Bấy lâu em "thèm" đi chợ lắm, nhưng chỉ thèm đi một mình cơ. Me không cho, bảo: "Có đi thì đi với chị Nhỏ". Chán lắm ; đi chợ với chị í mất thú, đầu buổi đến cuối buổi lẽo đẽo xách giỏ theo sau, em không thích.
Nhưng rồi me có không muốn cũng phải muốn: Chị Nhỏ về quê. Me bất thần nhức đầu sáng nay. Và lẽ dĩ nhiên em phải đi chợ, vì nhà em chỉ có một mống con gái là em.
Qua cầu Tràng Tiền, em bước nhanh. Trễ quá. Về làm cơm sao kịp đến 12 giờ ăn? Thường ngày cứ 8 giờ là chị Nhỏ đã đi chợ rồi. Hôm nay, mãi 9 giờ em mới xuất hành.
Chẳng bao lâu em đã đến chợ. Người mua bán tấp nập. Bỗng em cảm thấy hơi sợ. Không biết tại sao?
Vào trong chợ, đi ngang qua dãy hàng vải, em ngừng lại ngắm. Em nghĩ: "À! Thứ này đẹp, bữa nào phải nói me mua mới được. Ô! Thứ bông tím kia đẹp quá... Ôi chao! Sao nhiều hàng vải đẹp thế!".
Mải nhìn, em đâm sầm vào một mụ nhà quê đang gồng gánh. Mụ ta la lối:
- Đi chi lạ rứa? Con gái nhà ai... Bộ không có mắt hay răng?...
Em chưa kịp có phản ứng gì thì mụ ta đã ngoe ngoảy đi, thật là đanh đá. Em vội cúi đầu rảo bước, thẹn chết đi được.
Sâu vào trong chợ, người càng đông. Vừa đi em vừa tính toán "Mình vào chị Mến trước, rồi đến thịt cá v.v... sau". Quanh co một hồi cửa hàng chị Mến hiện ra trước mắt em. Trông thấy em, chị Mến ngạc nhiên hỏi:
- Dung đó hả? Chị Nhỏ mô? Ủa! Đi chợ có một mình thôi à? Giỏi hè!
Em bước vào hàng chị, cười xã giao:
- Con gái phải tập đi chợ làm bếp cho quen chứ chị! Chị cho em một gói tiêu đi chị.
- Gì nữa?
- À! Cân giùm em một kí-lô đường. Ba củ khoai tây này mấy hả chị? Cho em ống mì hiệu "Con rồng" nữa.
Trao tiền xong xuôi, em đỡ các thứ vào giỏ.
- Em đi nghe chị Mến!
- Ờ! Dung giỏi quá ta. Nè! Cho chị gởi lời thăm me nghe.
- Dạ.
Ra khỏi hàng chị Mến, em xuống thẳng chị Bưởi. Đang xăm xăm tiến tới, chợt em nghe có tiếng mời gọi:
- Mua giùm em khuôn đậu cô.
Em dừng lại. Một đứa bé tay bưng một rổ đầy ắp các khuôn đậu, đang giương mắt chờ đợi. Tự nhiên em thấy mến con nhỏ ghê. Em từ từ lật tấm vải mỏng phủ trên mặt rổ ra, lựa lấy một khuôn. Me dặn lựa đậu thì phải chọn khuôn nào mềm nóng mới tốt. Em cầm từng khuôn lên bóp thử. Nào ngờ vì bóp mạnh quá, em làm lủng một lỗ trên khuôn đậu đang cầm. Đúng là "cháy nhà ra mặt chuột", đứa bé ban đầu dễ thương là thế, bây giờ trái lại. Nó sừng sộ:
- Lựa chi mà bóp lủng đậu của người ta, 15 đồng đó, 15 đồng đó, đền đi.
Em đỏ mặt, vội xòe ra 15 đồng rồi đứng dậy đi như trốn, mặc dù biết giá đắt. Trong giấy, me chỉ ghi có 7 đồng một khuôn mà thôi, và dĩ nhiên, em phải lấy khuôn đậu "bị thương" đó.
Bước sang giai đoạn mua thịt. Ồ! Gì chứ mua thịt thì khỏe lắm. Em chỉ cần lập lại câu nói đã học thuộc lòng:
- Chị Bưởi, bán cho em nửa ký thịt mông...
Là nhanh như chớp, em sẽ được mớ thịt trên tay (nếu ít người mua hàng chị Bưởi). Và giai đoạn này sẽ kết thúc một cách êm ru, mau chóng.
Sau đó, sự việc xảy ra rất đúng như em nghĩ. Bởi: hôm nay hàng chị Bưởi ế mà.
Mua đồ lặt vặt: rau, quả xong em mới tập trung hết nghị lực để vào hàng cá. Cũng may có mụ Năm là hàng quen, không em cũng bị nghe khối lời chửi mắng chua ngoa. Người ta đã chẳng ví: "Chanh chua như mụ bán cá" là gì?
Khi đi ngang hàng bà Năm, em thấy đông người quá. Chen vào không được, em đành tạt vào hàng cạnh bên. Thấy vài con cá trê bơi lội trong thau nước, em chỉ con to nhất, hỏi:
- Con ni mấy bác?
Mụ bán cá đanh đá:
- Một tờ!
Một trăm? Me viết 50 đồng một con cá to cơ mà?
Nên em trả giá:
- 50đ được không?
Mụ ta lừ mắt:
- Hai tờ!
Chẳng nói chẳng rằng, em vội lẩn mất.
Rốt cục, em phải vào hàng bà Năm. Được có một con cá mà em tốn không biết bao nhiêu mồ hôi.
Thoát ra khỏi chợ, người em nhẹ hẳn đi. Ngoài này dễ thở hơn nhiều. Tuy mệt, em cũng không dám nghỉ, vì đồng hồ ở chợ đã chỉ đúng 11 giờ. Em chép miệng:
- Thế này về làm cơm sao cho kịp? Từ đây đến nhà, ít nhất cũng tốn nửa giờ.
Ngang qua cầu Tràng Tiền, gió mát xoa dịu phần nào sự bực bội trong lòng em. Ra giữa sông, đột nhiên con cá trê vùng lên, ló đầu khỏi giỏ. Em sợ tái mặt, đứng yên mà ngó, lúng ta lúng túng. Con cá mạnh quá, nó vùng một cái nữa phóc ra ngoài. Em hoảng hồn la lên và luống cuống chụp lấy. Nhưng trễ rồi. Con cá của em đã lọt xuống sông. Nó như người chết sống lại, quẫy mạnh một cái rồi lặn biệt mất.
Thôi! Thế là toi mấy chục bạc. Em thẫn thờ ra về như người mất hồn.
Về đến nhà, me ra đón vào bếp. Định kể lể nỗi niềm, bỗng nghe me la lên:
- Dung! Con mua bán thế nào mà tiêu đổ hết không còn một hạt thế này? Ống mì cũng gãy vụn hết. Còn con cá đâu, không mua à? Chết rồi! Khuôn đậu nát cả rồi. Bây giờ còn làm ăn gì nữa... Ba về kia!
Đột nhiên, em bật lên khóc nức nở...
Tuyết Dung
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 50, ra ngày 1-8-1966)