Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Tiễn Mơ


Thôi vĩnh biệt những cây cỏ mùa thu nhé!

Tôi thì thầm lời chót trong khu vườn cây cỏ đó. Lá vẫn xanh trên cành, gió vẫn lay động nhè nhẹ và thoa nhẹ má tôi như ve vuốt mà từng bước một rời đi là từng bước một ngẩn ngơ. Ngày hội nào sáng nắng và ngày vui nào vụt chạy cho cơn mơ mùa hạ vàng son đã tàn rụi cho nỗi buồn đã rúc từng chập một vào hồn, tận đáy sâu kín nhất bị hất ra khỏi con tim nồng nhiệt.

Cơn mưa không còn vây bủa buổi chiều, vội vã ùa đến như tháng sáu mây bay, ướt cả con đường đất đỏ ngày huyền thoại mơ màng đã đặt tên là đường địa đàng. Vâng, con đường Thoại và tôi đã đi qua từng bước chậm chạp như không cất nổi gót chân ; con đường dẫn tới cửa vườn dài chưa đủ để gọi một cái tên như tuyệt vời nhất của tình cảm tình bạn.

Tôi không biết đã gặp Thoại lúc nào nhưng tôi biết rõ ràng là trong khu vườn ấy. Một chiều thứ bảy vàng úa nào đó, một chiều như thế không cầm chân tôi ở trong nhà nổi. Từ lúc tôi được phép đi học một mình với chiếc xe sắm riêng cho tôi, là lúc đó tôi có thể viện một lý do, rất dễ, để ra khỏi nhà. Dĩ nhiên là tôi phải về vào giờ cơm hay trước khi trời sập tối. Mẹ tôi như mọi lần không nói gì, không hề gặng hỏi, nếu ai có hỏi mẹ tôi tôi đi đâu, bà trả lời mập mờ nó đi đâu đó. Ai có trách mẹ tôi thả lỏng tôi quá, bà cũng cười, giữ nó mãi cũng mục người, tội nghiệp. Đôi lúc tôi còn nghe được mẹ tôi nói nhỏ: "Đứa nào nó hư giữ miết nó cũng hư". Như vậy tôi chưa đến nỗi nào và mẹ tôi nghĩ tôi đến thư viện hoặc cùng lắm là đến nhà bạn bè.

Còn tôi?

Chiều nay tôi cũng không đến thư viện, tôi sợ gặp khuôn mặt mình trong đám người đó. Đôi mắt trũng sâu vì thức khuya, tia nhìn mệt mỏi, vẻ mặt bơ phờ, dáng điệu  cắm cúi, miệt mài. Tôi muốn thoát, biết là vô phương nhưng trong giây lát nào đó tôi muốn được quên khỏi phải nghĩ năm nào tới đây cũng là năm thi là tất cả những ước mơ bé nhỏ hay vẩn vơ cũng biến tan đừng vùi mình giữa đống sách vở cao và quên những bước chân thời gian đã biến đổi nhè nhẹ nhưng sâu xa nét mặt và tô đậm thân tình. Có ai bảo tôi phải đóng một vai trò đạo đức, ngăn tôi một cử chỉ cởi mở để tôi tự xây cho chính mình một tháp ngà không dát vàng bạc mà dát toàn là kiêu kỳ, khinh bạc. Biết làm gì hơn một khi tôi cảm thấy mình tách rời vô tình cuộc sống của người chung quanh và nhìn xa lạ trước những cuộc tranh đấu, hay lên tiếng của bạn bè.

Con Thùy mới tới nhà lúc nãy, mẹ tôi phải gọi tôi dậy, giấc ngủ mê loạn lúc mệt mỏi tạo cho tôi bộ mặt lừng khừng ; Thùy nhận xét:

- Lúc nào mi cũng mang vẻ chán đời. Tim Tím?

Tôi có biệt danh Tim Tím, nghe cũng ngồ ngộ. Tôi lắc đầu và bật cười cho cái thói quen lắc đầu của tôi. Gọi Tim Tím cũng đúng, đôi khi mình bi quan sao đâu, lúc nào cũng buồn và nhút nhát trước mọi việc. Thùy có đời sống hoạt náo hơn tôi nhiều. Hắn tham dự trò chơi con trai, cắm trại, du ca, nhiều cuộc du ngoạn, viếng thăm, công tác xã hội và lẫn chương mục cứu trợ nữa? Nếu không thân từ trước, Thùy dám xem tôi là thứ vô dụng, không nên kết bạn. Chiều nay hắn đến chắc là có chuyện. Tôi chờ hắn mở miệng.

- Nào, đi không?... Mai đi cô nhi giúp vui trẻ em.

- Ừ, để coi.

- Tao chịu mi, rồi mi sống mãi trong vỏ ốc. Mi sẽ thấy học vô ích Tim Tím ơi!

Tôi không muốn cãi và vì sự lặng thinh là một sự nhìn nhận lỗi lầm nên tôi trầm ngâm:

- Học là để tìm chỗ trú ẩn của tâm hồn. (Một câu tôi đọc được của ai trong sách Pháp).

- Mi có cái lý riêng nhưng với tình trạng này trở nên vô lý thôi.

- Vâng.

Tiếng vâng vô nghĩa bởi tôi thốt ra vô ý thức đã làm hai đứa bật cười khan. Nước mắt ứa ra ướt ướt, cơn buồn ngủ còn vật vờ, tôi cố giữ cái ngáp. Ừ nhỉ, cứ ngày này qua ngày kia tôi có thu đạt được gì ngoài mảnh bằng hiện có và sẽ có, chắc chắn như vậy. Cuộc sống thu hình này vô vị thật, phải đi nhưng đi ra để thấy thêm và để chán ngán thêm nào ích gì.

- Thôi tao đi, lo cho rồi mấy bài hát quay ronéo.

Vẻ mặt hắn lanh lợi trong cử chỉ gấp rút, tôi mỉm cười với nụ cười yêu đời của hắn vừa toát ra ở đó một sức sống mãnh liệt, một đam mê nồng cháy và một ý chí hân hoan. Hắn chưa bao giờ đến ngồi chơi lâu hơn mười phút - bao giờ cũng gấp rút vài câu chuyện và tôi chưa mời kịp lần nào một tách nước. Bạn bè nhiều đứa cũng lạ, tôi nhìn chúng nó rồi so sánh với tôi. Tôi kém và yếu kém ở lối phục sức, tôi thường bị phê bình là bê bối không à la mode, qua ngưỡng cửa trung học tôi thấy đứa nào cũng lạ, chỉ có mình tôi là không thay đổi. Cả trong lãnh vực tình cảm, bị nói lén là nghiêm nghị như bà già, không chừng vậy mà ghê, nào là kín đáo. Yếu do nơi chỗ nhút nhát, không dám tham gia vào những sinh hoạt rộng rãi của giới trẻ.

Cho nên tôi chả buồn đến nhà bạn bè, bạn cũ đã rẽ đu đường khác và những người mới, còn cả một khoảng cách dè dặt, chưa một lời tâm sự.

Nhưng tôi cũng đi, ra khỏi nhà, với một cuốn tập hoặc là một cuốn sách bao giờ cũng vậy dù cả buổi cuốn tập chưa được lật đến một trang. Tôi nhớ dọa học đệ tam thì giờ thừa thãi và những cái buồn bắt đầu xâm chiếm, trùm chụp nhiều khi vô cớ, tôi xách xe chạy lang thang từ đầu này đến đầu nọ con đường, dò tên đường hoặc dừng lại ngắt những cánh hoa dại gắn cùng khắp xe trên dây thắng đến vè xe, tay cầm... Đạp đến chừng nào mỏi chân thì quay về và cơn buồn chợt hết, lại cười lại hét y như một đứa con nít. Quả vậy, bây giờ thay đổi hết, chiếc xe cũng thế, xe gắn máy chạy không mỏi chân, không dám đứng lại hái hoa, lơ mơ là mất xe, không dám đi những con đường vắng khuất mịt mờ, còn nỗi buồn, vây bủa đến mang danh Tim Tím. Vẫn có một cái gì buồn trong đôi mắt màu nâu của tôi. Có đứa bảo thế. và dáng điệu trầm tư của mày nữa. Thế mới hay, nỗi buồn lén về tôi không biết.

Loanh quanh, tôi đã dong xe đến một công trường khác, từ công trường Dân chủ đến công trường Cộng Hòa sau làm tôi liên tưởng đến chuyện nước Hoa Kỳ, cuộc bầu cử sắp tới, hai liên danh mà không một ý kiến. Có thể có nhiều ý tưởng nhưng không một cái nào lớn để nổi bật và để xứng đáng với danh từ. Dĩ nhiên tôi sẽ không làm một luật sư, một nhà chính trị... không, tôi chọn khoa học và đó không một chút lầm lẫn. Công viên đông người, những đứa trẻ la hét không rõ tiếng, bước chân chạy đuổi bắt dồn dập, những hơi thở đuổi theo tiếng gọi hổn hển đứt quãng, tiếng cười ngoặc ngoẹo, cái đầu nghiêng ngả muốn té, mái tóc rớt lòa xòa và ánh mắt thơ ngây. Tất cả, sống lại một tuổi thơ đã trôi mất của tôi. Tôi chạy chậm lại tránh một bà vú đẩy chiếc xe lăn qua đường. Bà cúi đầu lách xe khỏi một cục đá và ấn mạnh tay nhắc xe lên vỉa hè vào công viên. Tôi dừng lại hẳn cố nhìn rõ mặt đứa bé tật nguyền. Bà vú dừng xe ở một chỗ nơi em có thể đưa mắt nhìn những vòi nước phun đẹp mắt đằng kia và những em bé chơi nhảy cạnh đó. Em bé chợt xoay mặt nhìn ra đường xe chạy! Gương mặt thông minh, vầng trán cao phẳng, đôi mắt to tội nghiệp và cái miệng hơi hé mở. Bước xuống đi, đứng lên, chạy nhảy, nô đùa như những đứa trẻ khác! Nào em, đừng ngồi bất động đó đến ruồi đậu không buồn đuổi! Hãy leo cầu tuột, hãy đánh đu, hãy trốn bắt! Cười lên, vui lên, hát vài câu! Đó là một vài điều mong muốn của tôi tôi nhìn em bé thật lâu nhưng tôi cúi mặt khi em nhìn tôi bằng ánh mắt thiết tha. Nhìn xuống, hãy nhìn bàn chân của em, nó bị tê liệt đã lâu rồi, em không đứng nổi, em cử động nó khó khăn như không thuộc về em, tuổi thơ em càng hạn hẹp. Tôi hối tiếc vì có tuổi thơ không trọn vẹn gần cha nhưng bây giờ tôi thấy mình quá đầy đủ so với em. Tôi nhớ đến những em bé tàn tật vì chiến tranh, những cuộc sống khốn khó tôi từng thấy và từng nghe thấy. Tôi chưa làm gì để giúp các em nhưng cái nhìn của em làm tôi cảm thấy phấn khởi, tôi thấy tôi, một người đầy đủ, hưởng những đầy đủ mà tôi không hề nghĩ mình có bởi tôi có từ lúc mới sinh. Bàn tay này làm được gì, chưa dùng để an ủi nỗi cô đơn của chính mình huống hồ đến các em cô nhi, chiếc áo này chưa đủ biện minh cho đời sống học trò đóng khung vào sách vở. Tôi đi nhanh như tránh hổ thẹn và tôi vòng vào ngõ trường khóa xe ở chỗ khuất gần đó và lững thững đi dọa.

Gió luồn từ trên trời cao lồng lộng, đám lá vàng reo nhẹ và rên xiết dưới gót chân, dòn rụm, trên con đường đất. Chính tôi đi đến vườn cây cỏ. Đám lá xanh, cây nào cũng khác cây nào, cây cao cây thấp hỗn độn, nhưng cây nào cũng mang một màu xanh mát mắt. Tôi để ý nghe có tiếng ve ru ru trên ấy nhưng tuyệt nhiên không. Cùng lúc đó một bóng dáng trong vườn, màu áo khác mày lá cây khiến tôi hạ tầm mắt. Với một cuốn sách cuốn tròn trong tay, đôi mắt dường như dán vào người tôi. Một anh lạ mặt. Tôi, cũng cầm một quyển vở, bắt gặp một nụ cười thân thiện trên đôi môi hơi nhếch ấy như ngầm bảo cũng dân gạo vào đây tụng bài. Mắt tôi lơ đãng đảo quanh và thốt nhiên tôi cũng mỉm cười.

Tôi băng qua cổng vườn thấp cũ bạc màu sơn. Anh kia đang ngồi xoạc chân trên một thân cây tròn vội khép chân lại và ngồi nhích qua như nhường chỗ. Tôi vẫn đứng y đó, nhìn vu vơ những cây những lá. Anh cũng im lặng như chờ đợi. Tôi muốn quay trở ra, mắt tôi liếc nhanh ra phía cổng, vừa lúc đó anh lên tiếng:

- Cô học bên này hay bên kia?

Anh chỉ tay qua phía trường Sư Phạm. Tôi cười:

- Bên này. Còn anh?

- Cả hai bên.

- Giỏi nhẻ!

Anh không trả lời, nụ cười tươi sáng nở hồn nhiên trên môi, học một lượt hai phân khoa hẳn anh nhiều tự tin và đã vạch rõ một tương lai trong muôn nẻo trước mặt. Tôi hình dung trong vài năm nữa, anh sẽ là một nhà mô phạm. Ngại ngùng tan mất, tôi ngồi xuống cạnh anh, một cái gì mơ hồ khiến tôi cảm thấy thân quen với anh từ lâu ; bầu không khí êm dịu và câu chuyện dễ dàng? Cảm tình đã đến từ lòng khâm phục, phải không? Mơ hồ quá.

Mùi cỏ ẩm khí trời thu nghe dễ chịu, mấy con bướm chập chờn và một con đậu xuống cỏ gần chân anh, xập xòe đôi cánh. Anh cúi đầu xuống ngắm và tôi mới quay sang nhìn kỹ anh. Bất chợt anh ngoảnh mặt sang, tôi nhìn vội sang nơi khác. Thêm cành thông thiên bé nhỏ một con chim rất lạ, đầu như có mào, vừa đáp xuống hót ri rích ngộ nghĩnh và một con nữa sà xuống.

- A, con sáo sậu!

Anh vụt la lên làm hai con chim giật mình bay mất. Như luyến tiếc, anh kể cho tôi nghe nhiều việc khiến tôi biên biết anh thêm.

Bởi khu vườn này đã mang nhiều kỷ niệm cho anh nhà anh ngày xưa, cũng có một khu vườn, khác biệt hẳn vườn này nhưng đã mất rồi cho nên anh yêu thích khu vườn này và tưởng tượng cả hai là một.

Căn nhà của anh, theo lời anh mô tả, đẹp hiền hòa như tranh vẽ. Nhà có gác, làm phòng học của anh, trông xuống khu vườn cây ăn trái và nhìn xa xa một dãy núi màu xanh lam. Ở đó nhiều chim lắm, như chim lúc nãy có người gọi là cà cưỡng, có thể là một loại cùng giống chăng, chim sáo chân vàng, chim chào mào, tu hú, chim bông lau, chim sâu... Nghe tiếng chim quen đến phân biệt được con nào. Ban đêm phải đóng cửa sổ để dơi đến ăn mãng cầu hay nhãn khỏi bay vào nhà... Uổng quá, giờ chả còn gì, chỉ còn niềm vui sống.

Tôi nhìn anh kinh ngạc, với một say mê nào anh nói không ngừng, mắt anh nhìn thẳng và tôi tưởng nhà anh trước mắt. Và tôi nghĩ rất nhanh đến quê nội. Cái hồ sen, cái giếng nước, mấy con chó, thửa sân rộng, mấy cây ăn trái rải rác. Quanh quẩn nhiêu đó tôi chả biết chi hơn. Tôi cười ngắn một tiếng làm anh cụt hứng quay nhìn tôi. Tôi nói bâng quơ:

- Chiều rồi!

- Vâng, tôi phải về. À, tôi tên Thoại, còn cô?

- Thúy Liên.

- Tên hay lắm... ước gì gặp lại.

Hai đứa tôi đi dọc trở ra con đường đất đỏ. Nắng tắt. Chim ríu rít bay lẹt xẹt. Tôi trở về nha, không nhớ đã nghĩ ngợi gì. Tình cờ. Sự gặp gỡ tình cờ có gì phải suy nghĩ. Nhưng lạ thay tôi đã thay đổi: Cảm thấy yêu đời đến muốn huýt sáo một bản nhạc vui hơn là ca ngân nga, muốn hét thật to, muốn vặn ga chạy thật hăng, muốn làm tất cả hết mình.

Không biết tại sao hôm nay về nhà bị mẹ "bố" cho một trận nên thân, tôi cũng không thấy buồn. Nhờ Thoại chăng. Không biết. Quả vậy thì cũng cảm ơn anh nhiều lắm. Và tối hôm đó tôi nằm suy nghĩ về tôi, về sự lẻ loi của chính mình và tôi chưa biết cô đơn để rơi một giọt nước mắt khóc thầm. Không khóc được chưa hẳn là quá đỗi dửng dưng.

Nhiều ngày sau tôi còn gặp Thoại, lần này thì như hẹn trước. Thoại rất tán đồng việc sinh hoạt của tôi. Mạnh dạn như Thoại. Hoạt bát như Thoại. Không buồn vớ vẩn. Không mơ mộng viển vông. tôi gần như tách rời lối sống cũ với tình cảm trẻ thơ bên mẹ.

Thoại khuyên tôi chuyển hướng sang nghề thuốc. Để thấy hữu ích hơn. Tôi gật đầu. Về nhà suy nghĩ mấy hôm, tôi còn mê toán học lắm sao, dù nhiều lúc nghĩ theo đuổi chơi vậy chứ không nhằm gì.

- Không hiểu tại sao họ lại gọi Liên là Tim Tím.

Thoại ngạc nhiên khi nghe tôi kể chuyện trường, lớp.

Tôi thích Thoại ở chỗ xem tôi như đứa em nhỏ và biết tôi cũng đối với Thoại bằng ấy. tôi học ở Thoại tính chăm chút, kiên nhẫn và phấn đấu. Anh hơn tôi chỉ một tuổi mà tôi tưởng phải mất mươi năm mới kịp anh. Liên Tim Tím đâu còn nữa là đáng mừng rồi.

Đó là tất cả những ý nghĩ của tôi về Thoại. Thoại, anh đã đi xa rồi, thật xa đến nỗi tôi không đặt chân đến được. Anh rất xứng đáng và anh chả muốn bỏ lỡ một dịp may hiếm hoi đột ngột đó. Chúng mình chưa nói với nhau một lời thân thiết, chưa chia tay đã vội xa ngàn dặm. Chúng mình quen nhau như vậy cũng khá đủ rồi. Tôi quên cho anh địa chỉ để anh viết thư và anh đi vội không báo tin cho tôi gì hết. Bây giờ tôi chững chạc hơn, tự tin hơn nhiều anh ạ. Có bóng dáng anh trên đường đi của tôi một cách tình cờ nhưng sáng rỡ đó anh.


NHÃ UYÊN    


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn thông số 38, ra ngày 20-11-1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>