Vừa bước vào nhà, em đã thấy nỗi bực dọc từ đâu tràn đến. Em ném chiếc cặp lên bàn viết đánh "rầm" một tiếng rồi hằn học bước vào buồng trong thay áo. Em còn nghe tiếng mẹ dỗ cu Tâm dịu dàng ở nhà sau. Em máng chiếc áo dài lên móc định bước ra, nhưng rồi em lại chăm chú nhìn chiếc áo : nó cũ làm sao, cổ thì rách xơ xác như xơ trái mướp già, màu trắng tinh ban đầu đã đổi sang ngà ngà và nhất là chiều dài chiếc áo, nó ngắn lên tới tận đầu gối. Em chán nản bước ra khỏi buồng, mang theo sự bực tức không đâu xuống nhà sau gặp mẹ. Mẹ đang dỗ cu Tâm ăn cháo. Hôm nay nó đau nên mặt mày hốc hác, ủ rũ... Vừa nhìn thấy em, mẹ gượng mỉm cười, dịu dàng:
- Kìa con mới về đó à, mẹ chưa nấu cơm, con chịu khó đi nấu rồi ăn cho sớm.
Em lặng thinh để khỏi thốt ra lời hỗn láo với mẹ, gằn mạnh đôi guốc khi qua ngang chiếc băng gỗ mẹ và cu Tâm đang ngồi. Mẹ ngước nhìn em, ánh mắt như vương vấn một nỗi buồn xa xăm. Nhưng em không cần chú ý, em bước lại kéo chiếc "soong" trên móc sắt, hằn học đổ gạo đem vo. Bất cứ cử động nào, em đều làm mạnh tay như để trút tất cả giận hờn vào đấy. Mà lạ quá, em cũng không biết em giận gì và giận ai nữa. Nếu có ai hỏi em lúc ấy "tại sao giận, giận gì thế?" chắc chắn em không biết trả lời sao cho xuôi. Nhưng không ai hỏi em cả, mẹ vẫn yên lặng đút cháo cho cu Tâm, thằng bé cũng yên lặng nuốt...
Bữa cơm chiều được dọn lên chiếc bàn tròn bằng gỗ cũ lỗ chỗ lồi lõm trên mặt những dấu mọt ăn, nó chỉ còn 3 chân rưỡi và mẹ em phải kê vào đấy mấy cục gạch nó mới đứng được. Trong khi chờ mẹ dỗ cu Tâm nằm yên trên giường, em đứng lặng nhìn mâm cơm nóng hổi: một bát canh rau dền nổi lềnh bềnh mấy con tôm khô trông lạt lẽo làm sao, một dĩa cá "lòng tong" kho sũng nước trắng bạch, có lẽ mặn lắm vì muối đóng trắng quanh con cá, và một chén nhỏ nước mắm ớt em đã đâm khi nãy. Chén nước mắm thật ngon, em ước giá mà được chan vào một tô bún bì thì phải biết, ngon không chê vào đâu được... Chợt em cau mày nhìn quanh nhà, đến bây giờ em mới thấy thiếu một người trong gia đình em – con Thu – em gọi vói vào buồng mẹ:
- Mẹ ơi! Con Thu đi đâu rồi?
Mẹ chưa trả lời, có lẽ bận gì với cu Tâm trong ấy. Em gắt giọng:
- Con hỏi mẹ con Thu đâu, mẹ có nghe không mà làm thinh vậy?
Tiếng mẹ em vọng ra:
- Nó về nội rồi, hồi trưa này nội con lên rước nó về dưới chơi ít bữa. Thấy nó năn nỉ mãi cũng tội nghiệp nên mẹ cho nó đi, cho nó vui.
Em làm thinh xới cơm ra chén. Mẹ em bước ra, thở dài, bảo em:
- Xem ra thằng cu Tâm cảm nặng đó con, nó nóng như lửa ấy.
- Thế mai mẹ nghỉ bán đi.
Mẹ lắc đầu:
- Đâu được con, nghỉ một bữa là túng ghê lắm, mình "tay làm hàm nhai" mà. Vả lại, mẹ đã lỡ ngâm đậu rồi!...
Em nhăn mặt nghĩ tới hoàn cảnh túng thiếu của gia đình: mẹ em bán chè đậu, chật vật, cực khổ lắm để nuôi lũ con ba đứa, em là con lớn và chỉ mỗi mình em được tới trường. Thu – em gái kế em – 12 tuổi chỉ học tới lớp ba rồi nghỉ ở nhà phụ mẹ trong công việc vặt và trông chừng cu Tâm khi mẹ em đi bán. Em út của em chỉ mới lên năm, chỉ biết ăn chơi, vòi vĩnh mẹ. Từ khi cha em mất, gia đình em trở nên túng thiếu, số tiền tử tuất của cha em không đủ để nuôi chúng em sống đến hôm nay. Chỉ còn trông vào gánh chè của mẹ, và phải tiện tặn lắm em mới còn tiếp tục đến trường cho tới giờ. Em thở dài, nỗi bất mãn lại về. Em so sánh thân em và lũ bạn học: con Thanh, con Lan, tụi nó thật có phước, con nhà giàu đi học có xe đưa rước, quần áo mặc toàn loại hàng đắt tiền. Chúng lại không phải làm lụng như em, ngoài giờ học chúng chỉ biết chơi đùa, thật là sung sướng. Sự so sánh ấy mang lại cho em niềm tủi thân ghê gớm. Em dằn mạnh chén cơm xuống bàn, nghẹn ngào tận cổ. Mẹ không chú ý – và có lẽ mẹ không bao giờ chú ý tới tâm trạng em cả – mẹ thản nhiên hỏi:
- Sao chiều nay con về sớm thế? Không tập kịch sao?
Em lạnh lùng đáp lời mẹ:
- Tập làm quái gì nữa, con đâu có tiền may áo mới như tụi nó, làm sao hát xướng được, tập mất công.
Mẹ cúi đầu nhìn xuống, muỗng nước canh đầy được mẹ đưa lên môi. Có lẽ mẹ muốn nuốt trôi nỗi nghẹn ngào buồn tủi khi thấy con mình thua kém bạn bè. Em không chú ý vẫn lạnh lùng tiếp:
- Nhưng nhờ vậy giờ mới có cơm ăn, chứ nếu con ở lại tập thì chắc đến tối cũng chưa nấu.
Mẹ nhìn em dịu dàng:
- Tại mẹ đi bán về trễ lại bị cu Tâm đau phải nấu cháo cho nó, rồi dỗ nó ăn, chứ không thì mẹ đã nấu rồi.
Em ngẫm nghĩ giây lát rồi bảo mẹ:
- Sao mẹ không đổi nghề, bán chè đậu hoài làm sao khá được. Mẹ không thấy bà Năm mẹ con Mai, bà Phi mẹ con Lệ đó, họ buôn bán gạo nếp, trái cây mà vậy đó, giàu ghê hôn? Còn mẹ...
Em lắc đầu, môi dưới trề ra biểu lộ vẻ bất mãn. Mẹ nhìn em phân trần:
- Họ khác, mình khác chứ con. Mình đào đâu ra số tiền đó? Từ ngày ba con mất tới nay gần hai năm rồi, số tiền tử của ổng cũng đã tiêu hết. Nhưng với gánh chè này mẹ cũng nuôi con ăn học được miễn là con phải hiểu và tiện tặn dùm mẹ, cực khổ với mẹ, đừng đua đòi với người ta. Con nên nghĩ mà thương mẹ...
Em bực dọc nói lẫy:
- Con không học nữa, con đi làm, chứ vin vào gánh chè của mẹ có ngày đói nhăn răng ra.
Giọng mẹ vẫn ôn tồn:
- Con ráng vài năm nữa, có Tú Tài rồi con mới có thể tìm được việc làm đỡ hơn. Năm nay con thi trung học rồi.
- Nhưng con quá chán nếp sống chật vật này rồi, đi ra đường con có dám ngó ai đâu. Con muốn đi làm để có tiền, làm công cho người ta cũng được.
Mẹ buông đũa, nắm lấy tay em, tha thiết:
- Không! Con không thể đi làm thế được, cực khổ lắm con ạ. Con còn nhỏ quá, mới 16 tuổi!...
Em tàn nhẫn dằn mạnh tay khỏi bàn tay mẹ, hờn dỗi bước lên nhà mặc cho mẹ đưa mắt trông theo, hai giọt lệ long lanh khóe mắt. Ngang qua buồng mẹ, có tiếng cu Tâm gọi nhỏ, em làm lơ bước mau ra sân, em muốn đi dạo một vòng cho tâm hồn thoải mái. Từ ngoài ngõ, em quay nhìn vào trong nhà – nhìn thật kỹ – em rùng mình chán nản: ngôi nhà lá lụp xụp giống như nhà tù. Em chỉ mong một ngày nào đó em sẽ thoát ly khỏi cái "ổ chuột" ấy, tình thương của mẹ không thể buộc chân em mãi được. Ngôi nhà em mơ ước phải là tòa biệt thự huy hoàng lộng lẫy có vườn hoa rực rỡ như ngôi biệt thự nhà con Lan. Và em còn ước một chiếc xe Huê Kỳ bóng lộn ngày ngày đưa em tới trường, em sẽ đi chơi đây đó như tụi con Lan, con Thanh. À, mà em còn có những bộ đồ kiểu bằng loại vải mới ra nhất, hợp thời trang để mặc trong nhà và một tủ áo dài đồ đầm đủ cỡ, đủ "mốt" để mỗi lần em đi chơi sẽ mặc... Chao ơi, mới tưởng tượng mà em đã thấy sướng run lên rồi. Đôi mắt em mơ màng hình dung đến ngôi biệt thự lý tưởng, môi em chợt nở nụ cười thật tươi dù quãng đường chiều nay ướt át và ảm đạm vì vừa trải qua cơn mưa, khung cảnh thật buồn không có gì đáng cho em cười cả. Nhưng... bỗng dưng em nghe đau nhói nơi ngực và chân hình như có vật gì mạnh lắm đụng phải. Em hoảng hốt cúi nhìn xuống: một dòng máu đỏ thắm chảy dài từ đầu gối xuống tận gót, ống quần sa tanh đen của em bị rách một mảnh to, tơi tả. Em cảm thấy xây xẩm mặt mày, rồi em không còn biết gì cả. Mơ màng bên tai em tiếng chân bước dồn dập và tiếng nói gấp rút, hình như em được chở đi xa lắm thì phải.
*
Em mở bừng mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh. Lạ quá, đây là đâu nhỉ? Tại sao em lại nằm đây? Em trở mình, nghe đau rần cả tứ chi. Nhìn xuống chân, kinh hãi quá: từ đầu gối xuống gót em bị băng kín, trắng toát. Em mường tượng đây là nhà thương, một dãy drap trắng nằm san sát nhau thật dài, nằm la liệt các bệnh nhân, cộng thêm mùi thuốc men ngây ngấy khó chịu, giúp em quyết chắc đây là nhà thương. Nhưng sao em lại nằm nhà thương nhỉ? Phải rồi, em đã nhớ tất cả. Buổi chiều hôm qua em đi học về với nỗi phiền muộn, em kiếm chuyện giận hờn mẹ rồi bỏ đi lang thang và em bị một chiếc xe gắn máy đụng phải – em đoán thế vì nếu là xe hơi chắc em đã chết hay bị thương nặng lắm – Rồi em lại thắc mắc: mẹ em hay chưa nhỉ? Có lẽ mẹ em lo lắm. Em cảm thấy thương mẹ, giá bây giờ có mẹ ở đây nhỉ? Nhìn lại thân em cô độc quá, xung quanh chỉ toàn người xa lạ. Có những người bị bệnh hành rên rỉ thật tội nghiệp. Em chỉ muốn về nhà thôi...
Em cố gượng chống hai tay xuống giường để ngồi dậy, nhưng toàn thân em ê ẩm, chân em tê cóng đi. Em thất vọng nằm trở xuống, trí óc em lại hướng về mẹ. Nếu mẹ hay em thế này chắc mẹ lo lắm, mà có lẽ mẹ hay rồi, vì em nhớ chỗ em bị nạn chỉ cách nhà một quãng đường ngắn. Hay là mẹ đã có vào đây nhưng vì thấy em ngủ mẹ trở về chăng? Mà đúng rồi, cu Tâm đang đau, nhà chỉ có mỗi mình mẹ làm sao vừa ở đây với em vừa săn sóc cu Tâm được. Em chắc lưỡi hối hận. Nếu chiều qua em đừng giận mẹ đi lang thang thì làm sao bị xe đụng, để giờ mẹ thêm lo mà em cũng đau đớn cả thể xác lẫn linh hồn thế này? Em hối hận quá. Giá bây giờ có mẹ ở đây, em sẽ ôm mẹ mà khóc để xin lỗi mẹ về sự hỗn láo của em bấy lâu nay.
Bỗng em nhăn mặt cố đè nén tiếng rên đau đớn cho đừng thốt ra miệng. Chân em đau nhức quá, như có cả ngàn nhát dao đâm sâu vào. Mắt em nhắm chặt, lệ ứa ra âm ấm đôi gò má. Em băn khoăn không biết có còn cơ hội nào để chuộc lỗi cùng mẹ không?
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên trán em cùng với tiếng nói xót thương của mẹ như một bản đàn êm dịu nhất rót vào tai em:
- Tội nghiệp con tôi! Khổ quá, chắc là nó đau đớn lắm.
Bàn tay của mẹ vuốt lần xuống má em. Em lắng nghe niềm sung sướng tuyệt vời đi lần vào tâm hồn. Em đưa hai tay run run ôm lấy cánh tay mẹ. Mắt em vẫn nhắm, lệ em rơi nhiều hơn. Em đang thổn thức vì niềm vui về ngập trong lòng. Bây giờ em mới hiểu, chỉ có mẹ, mẹ là cao quí nhất trong đời và em, em đã tìm lại được tình thương của em dành cho mẹ, thứ tình thương mà bất cứ người con nào cũng có với mẹ nhưng vì em mù quáng chỉ lo mơ mộng hão huyền về tiền tài danh vọng mà để quên nó ở một xó kín mít trong tâm hồn. Đến nay mẹ đã mở ngõ cho em tìm ra nó, bằng chiếc chìa khóa nhân từ bao dung của người hiền mẫu. Em sung sướng mở bừng mắt nhìn mẹ, bắt gặp mẹ cũng đang nhìn em. Nơi khóe mắt mẹ ươn ướt, em biết mẹ xúc động nhiều khi thấy đứa con ngỗ nghịch đã tìm về với tình thương của mẹ. Em mỉm cười thật tươi đón nhận nụ hôn nồng nàn của mẹ đặt trên đôi má em nhạt nhòa nước mắt...
*
Buổi lễ bãi trường chấm dứt, em mang niềm vui về nhà với mẹ. Chân em còn đau nên đi cà nhắc và chậm chạp. Tuy vậy, em không hề nghĩ đến nó mà chỉ nghĩ đến nụ cười hiền dịu của mẹ dành cho em ở nhà.
Hôm nay, trong chương trình văn nghệ do nhà trường tổ chức thiếu em vì em đau không thể ca được, còn màn kịch mà em thủ vai chính như dự tính trước kia đã nhường lại cho một chị bạn khác diễn vì em thiếu quần áo mới mà nhà trường buộc may nên bỏ cuộc từ lúc mới bắt đầu. Nhưng em không hề buồn vì em đã có niềm vui khác: tình thương mẹ. Chính tình thương của em đối với mẹ đã cho em một niềm vui sung sướng vô bờ... Cửa ngõ nhà em hiện ra, nắng ấm chan hòa từ cây trứng cá rọi xuống làm ngôi nhà em trở nên thơ mộng và xinh xắn vô cùng. Em dọn sẵn nụ cười thật tươi từ ngoài sân. Thu và cu Tâm đang ngồi chơi trước cửa. Nhìn thấy em, chúng chạy ùa ra ríu rít giành gói kẹo trong tay em – Thu đã về nhà hôm qua, nó kể chuyện dưới quê thật vui, làm em chỉ muốn về dưới ấy chơi một chuyến – Mẹ em đang làm bếp, hôm nay mẹ nghỉ bán như chúng em yêu cầu. Em chạy a lại ôm chầm lấy mẹ như thuở còn bé. Em hỏi thật ngây thơ:
- Mẹ ơi, mẹ có vui không mẹ? – rồi không đợi mẹ trả lời, em nói luôn – Từ nay con hứa sẽ chăm học và ngoan ngoãn mẹ à. Mà... mẹ tha lỗi cho con những chuyện cũ mẹ nhé?
Mẹ âu yếm ôm lấy em, bàn tay dịu hiền nâng lấy cằm em. Mẹ không trả lời, nhưng hình như mắt mẹ đang cười. NỤ CƯỜI TRÊN MẮT MẸ đã trả lời cho em rồi đó.
HOÀNG NHẬT HỒ
(Long Thành)