Chiếc xe Lam đang ì ạch bò trên con đường lồi lõm. Lớp bụi mù bốc lên dày kịt làm đỏ cả phía sau. Bắt đầu vào ấp, chúng tôi vừa vượt qua được một đoạn đường đầy nguy hiểm, ai cũng buông một hơi thở dài nhẹ nhõm. Bỗng tài xế hãm xe thật nhanh, quay đầu trở lại.
- Cái gì thế?
Một bà hành khách vội la thất thanh:
- Mô!
Một tiếng đáp khô khan nhưng đủ làm cho mọi người hoảng sợ. Những đôi mắt thau láu nhìn ra chung quanh. Những ụ đất thấp có, cao có nằm choáng cả mặt đường. Đầu chiếc xe chạy ra lề. Tài xế lùi lại. Bưng! Một tiếng nổ to làm điếc tai. Đất, cát, bụi bắn túa vào. Tôi ngột ngạt, há miệng ra, ngậm một bộng cát. Hành khách trên xe la ơi ới. Chiếc xe đâm sầm xuống lề đường.
- Có ai làm sao không?
- Không! Không!
Tất cả ùa xuống xe, cố gắng đẩy chiếc xe nặng nề lên đường. Anh tài xế vừa lau bụi vừa nói:
- Hú hồn! Thật là nhờ Trời Phật độ mạng nên không ai làm sao cả.
Trong xe nhiều người lâm râm cầu khẩn.
Nhìn mặt đường bị phá một lỗ, anh tài xế nói:
- Lựu đạn đó bà con, nếu là mìn thì mình lãnh đủ rồi.
- Thôi, đừng nói gở.
Chiếc xe bỏ con đường chính, chạy vào trong xóm, quanh quẩn mãi để vòng tránh khoảng đường có thần chết đang rình rập.
Tôi xuống xe mà trống ngực vẫn còn đập mạnh. Không thèm phủi đất cát vì biết có phủi cũng vô ích, tôi lững thững đi về phía nhà trọ để tắm rửa trước khi vào lớp.
Lớp học đã đông đủ cả rồi. Tin chuyến xe đầu tiên gặp lựu đạn nổ lan truyền rất nhanh. Đám học trò đến trường bằng xe lam, xe đò, xe đạp, từ chợ đi lại, chúng đã nghe người ta nói và đã kháo nhau rồi. Tôi bước vào lớp trong không khí xôn xao. Chúng ùa lên vây lấy tôi, chúng tranh nhau hỏi, có đứa nghịch ngợm như khỉ, có đứa mặt mày tái mét. Tôi mỉm cười:
- Các em im lặng đi. Thầy vẫn sống đây.
Mấy năm rồi tôi vẫn từ Sàigòn lên cái tình nhỏ bé này để dạy học. Đám học trò nửa tình, nửa quê, có đứa bàn chân vẫn chưa quen với đôi giày, đôi vớ, tôi đành để chúng kéo lê đôi dép, có đứa hãy còn bé bỏng mà bàn tay đã chai cứng, lóng cóng khi cầm viết. Ngày nhận được tờ giấy của Nha Trung Học, tôi không biết ở đâu có ngôi trường Khiêm Cương lạ lùng này, tôi phải đi lùng hỏi khắp nơi mới biết được. Con đường thực cũng không xa, nhưng phải vượt trên mười cây số đường đất đỏ đầy ổ gà, mùa nắng bụi mù trời, mùa mưa lầy ngập bánh xe.
Ngày tôi đến trình Sự vụ lệnh, trường vẫn chưa mở cửa vì chưa ai đến đây nhận nhiệm sở. Một ông giáo sư đã đến, nhìn thấy thị trấn nhỏ bé này với lèo tèo mấy căn nhà và một con phố chính đi chưa mỏi chân đã cùng, ông chán nản bỏ về Sàigòn. Ông Hiệu Trưởng trường tiểu học kiêm nhiệm trường Trung học tân lập này không biết làm sao khai giảng, gặp tôi, ông chộp lấy, để kể lể sự tình. Một chút máu Don Quixotte ngủ im trong người tôi từ lâu bỗng dưng xao dậy. Và tôi chấp nhận ở lại đây với ý nghĩ rằng phải có người thứ nhất để có người thứ hai.
Từ đó, ngày ngày tôi ngược xuôi đi về trên đoạn đường đầy bụi và đầy mìn bẫy. Không tuần lễ nào thiếu tiếng mìn, tiếng lựu đạn. Khi thì một chiếc xe đò lật nhào, khi một chiếc xe lam đưa bốn bánh lên trời, khi một chiếc xe ngựa đứt đôi, khi một chiếc xe bò nằm lăn ra đó, hai con bò cổ còn trong xe nằm chương phình dưới ánh nắng. Rải rác những cái miếu nho nhỏ dựng lên thay cho trụ cây số, khói hương tỏa ra từ đó làm rờn rợn cho khách đi xe, nhất là vào những chiều có mưa bay. Thế mà tuần này nối tuần kia, cứ sáng lên, chiều về tôi vẫn chưa thấy ngại. Có hôm phải giảng lại một đoạn bài, khi cho học trò tan học, tôi ra bến xe, mới hơn bốn giờ chiều một chút mà chiếc xe cuối cùng trong ngày đã rời bến, chỉ còn bỏ lại một đám bụi mù. Đứng tần ngần nhìn đám bụi bốc cao, bay tản mác tôi nghe bâng khuâng khi nghĩ đến một đem ngủ đỡ. Đêm đó, những tiếng đại bác 155 ly câu đi rồn rập làm tôi không thể nào chợp mắt.
Có hôm tôi khảo bài, một đứa, hai đứa, hàng chục đứa không thể nào trả lời được dù một câu hỏi dễ nhất. Tôi ngạc nhiên vì ngay cả những đứa học trò chăm chỉ cũng tỏ ra ngơ ngác khi bị gọi lên bảng. Hỏi lý do tôi mới được biết đêm qua có đụng nhau khá lớn, bọn chúng phải chui cả xuống hầm nấp đạn, không làm sao học bài được. Thế là cả thầy lẫn trò chỉ còn biết cười trừ.
Trường thêm được mấy lớp, giáo sư thêm được mấy người. Thị trấn ngày một phát đạt, mọc thêm ra những ngôi nhà mới với những khu vườn xinh xinh mà cây hãy còn nhỏ. Nhưng vẫn có những đứa học trò mặt mày cháy nắng vì ngoài giờ học còn phải ra đồng lam lũ làm ăn với cha mẹ. Có những đứa quần quật suốt ngày với công việc nặng nhọc, rồi đến đêm còn phải tránh đạn, sáng hôm sau vào lớp nằm ngoẹo đầu ngủ một cách say sưa. Nhưng tất cả đều là những học trò yêu thương của tôi, từ những đứa cứng đầu cứng cổ đến những đứa nghiêm nghị như một người trưởng thành, từ những đứa giễu cợt giỏi như một anh hề chuyên nghiệp đến những đứa chăm chỉ siêng năng, từ những đứa học mãi không thuộc bài đến những đứa xuất sắc hết các môn, từ những đứa ngang tàng đến những đứa mười một, mười hai tuổi hiền như con cừu, rưng rưng nước mắt khóc trong tiệc tất niên khi thấy thầy bị ép uống rượu.
Một buổi trưa ở lại nhà trọ thấp lè tè, tôi phải xoay trần ra để chịu đựng sức nóng như thiêu như đốt tỏa ra từ mái tôle bỏng cháy ; bỗng tiếng súng nổ ròn rã, đạn bay rít veo véo trên không. Thay vội quần áo tôi đi nhanh ra trường. Cô Sơn Trà đã có mặt tự hồi nào. Đám học trò vào sớm đang vây quanh cô. Tiếng súng vẫn chưa ngưng. Tôi thét bọn chúng nấp vào một góc phòng. Tiếng đạn rớt trên những mái tôle nghe rang rảng. Tôi đốt một điếu thuốc để bớt lo âu. Một chập sau tiếng súng dứt hẳn. Lần lượt học trò đổ về trường. Chúng ồn ào kể cho nhau nghe những hồi hộp, những sợ hãi đã trải qua. Buổi học bắt đầu rất muộn. Cơn buồn ngủ kéo đến thình lình, tôi cố gắng giảng bài, thỉnh thoảng nghe giọng nói của mình rơi vào buổi trưa tĩnh mịch.
Trong cái tình trạng như thế thầy trò chúng tôi lần lượt chấm dứt từ năm học này sang năm học khác. Trường mỗi ngày một phát triển, học trò vẫn có đứa giỏi, có đứa không làm sao học được.
Có hôm tôi vào lớp, ngạc nhiên trông thấy một đứa bé đứng khép nép trong góc phòng. Một đứa học trò đứng dậy ngập ngừng:
- Thưa thầy, nó là em của con. Nhà con không có ai hết, mỗi ngày đi học con phải đem nó đi gởi nhờ. Hôm nay không ai nhận cả. Xin thầy cho nó ngồi trong lớp với con.
Nói đến đây, cô bé khóc mùi. Đứa bé ngơ ngác lại kéo áo chị. Thực chưa trường nào như trường của tôi, chưa lớp nào như lớp của tôi, chưa học sinh nào như học sinh của tôi. Nhưng tất cả được bao trùm bằng một bầu không khí thân mật của yêu thương. Có những đứa học trò phải đi xe đạp năm bảy cây số mới đến trường, có đứa phải vay bạn từ năm, mười đồng bạc để đi xe. Có hôm chúng đến trường rất trễ, bộ đồng phục trắng lốm đốm đất, bùn, cát ; có đứa mất giày, có đứa mất dép, có đứa chỉ còn mỗi một chiếc guốc. Mìn đã nổ trên đường đi học.
Bài vở có ích gì không? Những lời giảng của tôi có ích gì cho chúng không? Đôi khi tôi cảm thấy không thể dạy gì được cho chúng. Khoảng cách giữa sách vở và thực tế thực hết sức mênh mông. Mệt mỏi và chán nản cho nên có lúc sau những cuộc vui giả tạo ở Sàigòn, tôi không còn muốn đến trường nữa. Nhưng rồi một chút gì đó thực mong manh, một nỗi niềm hối hận nào đó đã nhè nhẹ nổi lên ray rứt tôi, thế là tôi lại lên đường, lại vượt qua đoạn đường nguy hiểm để đến ngôi trường nghèo nàn với những đứa học trò thực hồn nhiên.
Những bài học nhạt nhẽo trong hoàn cảnh này nhưng ít ra cũng có một chút gì đó có ích cho đám học trò bé bỏng. Người ta kiên nhẫn đãi cát lấy vàng, còn đám học trò của tôi, chúng cũng cố gắng gạn lọc, tìm tòi trong những hoàn cảnh khó khăn của chúng. Những danh từ lớn lao đối với thầy trò chúng tôi đã trở nên vô nghĩa. Những đứa bé có thể đạp xe năm, mười cây số, có thể vay mượn năm đồng bạc để đi xe lam, có thể đội nắng lội đồng đi học. Còn tôi, tại sao tôi không thể đến đây để gặp gỡ chúng? Lựu đạn, mìn đã phá vỡ đường lộ, nhưng vẫn còn lối cho những bàn chân nhỏ bé đi đến trường, những trận đánh nhau khủng khiếp nếu có làm cho đám học trò hoảng vía không học được bài thì hôm sau chúng tôi sẽ bắt đầu học lại.
Chút máu Don Quixotte ngày trước đẩy tôi đến đây và giữ chân tôi ở lại. Ba năm học trôi qua, những đứa học trò đã lớn, vẫn có những đứa cứng đầu, ngỗ nghịch, vẫn có những đứa ngoan ngoãn, vẫn có những đứa vượt xa chúng bạn. Và tất cả đều là những đứa học trò thương yêu của tôi. Suốt ba năm không biết chúng đã học được điều gì ở tôi hay không, còn tôi, tôi học được ở đám học trò ngây thơ hai điều quan trọng: sự chịu đựng và tình yêu thương. Tuổi thơ của chúng chưa có được một ngày bình yên. Chúng đã lớn lên trong lửa đạn, chịu đựng như một người trưởng thành, rồi vội vã vào đời, vào cuộc sống bon chen, chật vật. Trong hoàn cảnh khó khăn đó nhiều lúc nụ cười của chúng cũng vẫn thực tươi, thực mát như đóa hoa làm đẹp cho cuộc đời chan chứa yêu thương.
Bảy năm rồi tôi chưa có dịp về thăm trường cũ, thăm thị trấn ngày trước tôi đã dừng chân hơn ba năm dài. Đám học trò ngày nay đã lớn, có đứa đã vĩnh viễn nằm xuống để không còn bao giờ phải nghe tiếng đạn pháo kích giữa đêm làm kinh hoàng giấc ngủ, để không còn bao giờ phải thức trắng đêm lo dỗ mấy đứa em nheo nhóc không mẹ rồi buổi sáng ngủ ngon lành trong lớp. Còn lại những khuôn mặt khác, những khuôn mặt thân yêu bây giờ cũng đã phân tán đi các nơi. Nhiều khi tôi tự hỏi mình đã dạy gì được cho chúng?
NGUYỄN HÙNG TRÁC
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 113, ra ngày 2-11-1973)