Tôi lấy làm ngạc nhiên, ở nơi sơn dã nầy lại có một nàng con gái đẹp đến thế, tôi ngạc nhiên vì không phải đấy là nàng con gái đẹp mà vì đấy là một nàng con gái trong bộ lạc Y-Mao, một bộ lạc sống trong rừng cách xa người kinh chúng tôi đến ba bốn chục cây số.
Từ ngày tôi phải bỏ thị thành, vì giặc giã chạy lên đây đã được hai tháng rồi, tôi đã có rất nhiều cái ngạc nhiên về những gì mà tôi đã thấy được của những người trong bộ lạc, nhưng khi gặp người con gái nầy thì tôi càng ngạc nhiên hơn.
Nàng không có vẻ gì là người thượng. Mái tóc dài đen nhánh xõa ngang vai, chiếc mũi dọc dừa thật đẹp cân đối với cặp mắt, vì cặp mắt đẹp não nùng, hai vành mi cong vút làm cho nàng càng trở nên tình tứ. Môi nàng đỏ như son nổi bật với hai hàm răng trắng, đều khiến nàng cười có duyên lạ. Tay chân trắng muốt nổi bật lên với những xâu chuỗi cườm đen, khiến nàng có vẻ yểu điệu của một trang thục nữ thật đẹp ở xứ tôi.
Tôi say sưa ngắm làm nàng e lệ cúi đầu, cái e lệ rất tự nhiên và vô tội trong một con người, có sẵn bản tính thật thà chất phác. Cái e lệ ấy tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ một người con gái đẹp nào khác mà tôi đã gặp ở xứ tôi.
Tôi hỏi nàng:
- Em tên gì?
Nàng chớp nhẹ làn mi cong vút liếc mắt nhìn tôi thật hữu tình:
- Em tên là Y-Pang, con gái của tù trưởng Y-Mao.
Tôi sáng mắt, ừ nhỉ tôi đã thoáng gặp nàng một lần khi tới trình diện với ông tù trưởng ở bộ lạc nầy, lúc đó nàng ở trong buồng sau bức sáo chắn, tôi bâng khuâng hỏi:
- Em đi đâu đây?
Em đi mua rượu cho Yen.
Tôi ngạc nhiên:
- Yen là ai?
- Là người đẻ ra em.
Tôi hỏi:
- Ai cũng gọi người đẻ ra mình là Yen?
Nàng lắc đầu cười:
- Không đâu, chỉ một số ít thôi, Yen là tên đẻ còn Mao là chồng Yen. Ở nhà em gọi thế còn những người khác thì gọi người đẻ ra mình bằng "nó".
Tôi vỡ lẽ, thì ra thế, hèn chi có lần một người thượng đi gặp ba tôi đã hỏi "chào ông, mầy đi đâu đó?" làm tôi ngạc nhiên, ba tôi trả lời xong hỏi thăm về sức khỏe của đẻ hắn thì hắn trả lời "nó mạnh, đi đốn củi rồi".
Tôi hỏi tiếp:
- Anh về nhà em chơi được không?
Nàng nhìn tôi lắc đầu ngoay ngoảy nói:
- Không được đâu Mao và Yen đánh chết.
Tôi bật cười trước cử chỉ của nàng, sao mà nó dễ thương quá và tự nhiên quá.
Mắt nàng rực sáng nhìn tôi:
- Em về kẻo Yen trông.
Tôi gật đầu nhìn theo bóng nàng thoăn thoắt sau mấy lùm cây rậm.
*
Y-Pang thổi lửa đốt mấy ống nứa đựng đầy gạo nếp, trong khi đó tôi và đẻ nàng ngồi ở giữa nhà uống rượu.
Ánh lửa bập bùng làm cho da mặt Y-Pang đỏ hồng trông đẹp làm sao, thỉnh thoảng nàng ngước mắt nhìn tôi mỉm cười đầy tình tứ.
Một cái bàn gỗ lớn hình tròn kê thật thấp ở giữa sàn nhà. Bốn khúc gỗ được cắt tiện một cách công phu làm bốn cái ghế ngồi được đặt dính sát với bàn.
Trên bàn một hũ rượu với hai cây cần dài, một đầu để vào hũ rượu một đầu khác dùng để hút.
Y-Mao hỏi tôi:
- Thầy đi dạy đã lâu rồi đấy.
Tôi cười gật đầu:
- Đã lâu, ba năm rồi ông.
- Ông đã từng uống rượu nầy chưa?
Đây là câu tôi định hỏi, tôi nói:
- Chưa bao giờ, sao thấy nó ngon quá.
Thực sự thì tôi rất khó chịu, bản tính tôi ít uống rượu nhưng tôi rất kén rượu để dùng. Rượu nầy sao nó vừa lạt lại vừa hôi thế mà uống vào nó ngầy ngật quá, dễ say thật, tôi cố từ chối nhưng Y-Mao cứ mời, nể tình tôi phải uống.
Nghe tôi khen, Y-Mao cười thích chí:
- Đây là hũ rượu ngon nhất đó ông, chôn đã hơn năm năm rồi, gặp ông tôi quý nên mới mang uống đó.
Tôi cố cười để làm vừa lòng chủ nhân trong khi ruột tôi cồn cào muốn mửa, may thật lúc ấy Y-Pang lại đến gần tôi và đặt mấy ống cơm nếp nóng hổi vừa lấy trong lò ra lên bàn. Nhìn Y-Pang tự nhiên tôi quên lãng cái khó chịu và cũng quên cái mửa luôn.
Nàng cười nói:
- Mời Mao và ông khách ăn cơm.
Thật là tuyệt diệu, lần đầu tiên tôi được thưởng thức bữa cơm ngon lành như vậy.
Tôi lấy dao chẻ lần vỏ nứa và tách ra để lấy một thỏi cơm nóng hổi trắng như ngà. Nó vừa thơm lại dẻo và còn ngọt nữa chứ.
Món ăn chỉ là một đĩa muối tiêu và một con cá lóc to tướng cũng được nướng bằng ống nứa.
Tôi ăn một cách ngon lành làm cho Y-Pang thích thú, nàng ngồi gần tôi và mời tôi luôn, tôi nhìn nàng mỉm cười nhưng miệng vẫn nhai.
Tôi khen:
- Ngon quá.
Y-Mao nói:
- Đây chỉ là bữa cơm xoàng, hôm nào tôi sẽ đãi ông một bữa ngon hơn.
Sau bữa cơm tôi và Y-Pang đi ra suối.
Tôi gọi là suối nhưng Y-Pang gọi đây là sông Tong, tôi cũng gọi tên như nàng.
Nước trong leo lẻo, chảy róc rách giữa những hàng đá cuội trơn bóng. Lòng sông đầy cát và nước chỉ tới trên mắt cá chân, chỗ sâu chỉ tới đầu gối.
Tôi và Y-Pang lội qua sông. Nước mát tuyệt. Y-Pang xắn váy lên tận đầu gối để lộ hai trái chân tròn lẳn trắng muốt. Da nàng mịn thật, những sợi lông tơ óng mượt như nhung nằm sát với da đọng những hạt nước lóng lánh như vạn hạt kim cương.
Tôi buột miệng khen:
- I-Pang đẹp quá.
Y-Pang nhìn tôi cười thật duyên. Tôi cảm thấy xao xuyến lạ, cái đẹp hồn nhiên ấy ở trong cái đẹp của thiên nhiên nầy làm tôi như say mê nàng.
Chiều xuống thật thích thú, chúng tôi đi bộ dọc theo bờ sông, tôi ngắm nhìn mặt trời lặn trên cánh đồng bao la, màu lúa non mơn mởn reo cười với gió óng ả như một nàng con gái đẹp nổi bật với ánh nắng hoàng hôn vàng nhạt.
Tôi và Y-Pang ngồi trên bãi cát vàng để nghe điệu nhạc bổng trầm của tiếng nước róc rách chảy hay tiếng vọng của một ngọn suối xa.
Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng ánh mắt và nụ cười, tôi tìm thấy trong mắt Y-Pang một sự đắm đuối của đam mê.
Hai chân nàng duỗi thẳng trên cát, màu da hồng nõn nà, tôi muốn cắn vào da thịt nàng thật sâu mà tôi cho là ngon lạ.
Chúng tôi đồng đứng dậy, tôi cầm tay nàng làm Y-Pang e thẹn cúi đầu nhưng nàng vẫn để nguyên tay trong tay tôi.
Tôi hỏi:
- Em có muốn giữ anh lại không?
Y-Pang cười nhìn tôi đắm đuối:
- Anh như chim ấy ai mà giữ được.
Tôi sung sướng quá, ôi lời nói sao mà tuyệt diệu đến thế, dễ yêu đến thế và chứa đựng biết bao tình.
Chúng tôi lại đi vòng quanh núi. Rừng cây duyên dáng lạ, tôi nghe tiếng của muôn chim ca hót và hai chúng tôi cũng như hai con vành khuyên đang ríu rít bên nhau.
Y-Pang cầm tay tôi vòng qua một cái đèo, tôi hỏi:
- Đây là đèo gì thế Y-Pang?
Nàng chớp mắt làm lay động hàng mi cong vút:
- Đây là đèo Bẻ lá.
Nghe tên ngộ nghĩnh tôi hỏi lại:
- Tại sao lại gọi thế?
Nàng và tôi cùng nhìn phong cảnh xán lạn trước mắt, hình như nàng lắng nghe tiếng xào xạc của lá cây, nàng kể:
- "Theo Mao kể lại thì trước kia có một người kinh có lẽ là chạy giặc đi ngang qua đây, và có lẽ vì đói quá nên nằm chết ở đèo. Lâu ngày xác rã người ta mới thấy và chỉ biết bẻ lá để lấp lại cho khỏi hôi. Sau đó nghe đồn là hồn nó linh lắm, nếu ai qua đây không bẻ một cành lá đắp mộ cho nó là nó vật chết, bởi vậy ai ai qua đây cũng phải bẻ lá cả, lâu ngày thành tục và gọi là đèo Bẻ lá". Nói xong Y-Pang bẻ một cành lá bỏ vào nơi cao nhất và tôi cũng bắt chước theo nàng.
Ánh hoàng hôn ngả nghiêng trên lá, tôi và Y-Pang ra về. Nàng liến thoắng nói luôn miệng làm tôi thấy vui làm sao, tôi không ngờ cái ngày chạy giặc của tôi lại thú vị thế nầy.
Và cứ thế mỗi chiều về là tôi và Y-Pang cùng đi chơi như một cặp tình nhân yêu nhau tha thiết khiến có lần mấy đứa bạn tôi nói:
- Mầy mê nó rồi à?
Tôi cười không từ mà cũng không nhận ; một đứa nói:
- Đã hẳn, nó mê bả con nhỏ ấy rồi, coi chừng nghe bố, có ngày chết toi đó.
Tôi tròn mắt:
- Sao lại phải chết?
Bạn tôi cười:
- Mầy yêu nó, nó mê mầy rồi mầy không lấy nó, nó khổ là cúng mầy chết toi thôi!
Tôi rùng mình nhưng cố tỉnh:
- Mầy nói, làm gì có việc đó.
Bạn tôi càng dọa thêm:
- Không có, ừ thì bố cứ theo đi rồi xem có xanh cỏ không thì biết.
Bạn tôi tiếp:
- "Nầy bố chưa biết thì con kể cho nghe chuyện nầy.
Bố biết chuyện thằng Quỳnh đấy, Quỳnh hài hước đấy mà. Cũng tại cái ranh của nó mà nó bị con nhỏ thượng thuốc chết. Mình nó rữa ra rồi bị ném ngoài rừng. Nguyên do là nó yêu một cô thượng đẹp như Y-Pang của mầy bây giờ vậy đó, ngày nào cũng tới cô ả rồi thế nào mà cô ả càng ngày càng sình bụng lên. Nó sợ nó định quất ngựa, thế là con nhỏ khổ rồi thì bỏ thuốc nó và kết quả như vậy đó".
Nghe bạn kể tôi nghe lạnh sau gáy như có một con gì ghê gớm bò từ xương sống lên. Câu chuyện nầy tôi có nghe nhưng chưa tin bây giờ nghe thằng bạn nói tôi đâm lo sợ, tôi cũng đã được biết cái thứ thuốc ghê gớm ấy, khi ăn vào thì bụng mình từ từ to lên mãi đến một lúc vỡ luôn và khi ấy thì cả thân mình cũng rã mục.
Thấy tôi hoang mang thằng bạn càng làm vẻ huyền bí và ghê gớm hơn:
- Đấy với Quỳnh thì thế nhưng với bố thì càng ghê gớm hơn vì bố mê con gái tù trưởng kia, nó sẽ cột bố lại rồi xử như xử lăng trì ấy.
Tôi nghe run nhưng chối phắt:
- Ôi! Chúng bây lắm lời tao có làm gì đâu.
Nghe tôi nói một câu vô nghĩa mà có lẽ lúc ấy trông cử chỉ của tôi buồn cười lắm nên các bạn tôi cười ồ lên làm tôi thẹn đến tím cả mặt.
Một bạn nói:
- Ừ thì bố không làm gì thì thôi có đáng nói đâu, đàng nầy bố đã làm gì rồi đấy!
Tôi quắc mắt:
- Chúng mầy định trêu tao đấy à?
- Ấy, giận à! Giận là hỏng cả, bố đẹp trai thật nhưng đa tình như bố thì chết là vừa.
Tôi nghe nóng ran ở mặt, tôi muốn văng tục vài câu cho hả giận, nhưng nghĩ lại mình cũng là đấng "mô phạm" mà làm thế thì bẽ lắm, tôi đành nuốt tức giận vào mà tuôn những lời lẽ tôi cho là nó mềm mỏng và dễ chịu lắm. Thế nhưng chúng vẫn không tha.
- Thôi đi bố, Y-Pang bỏ bả bố rồi mà.
Tôi sùng:
- Bậy!
- Vậy sao mầy ca tụng nó quá vậy.
- Ừ thì nó dễ thương. Tao thương nó vì nó có những cái phải làm cho tao thương, đâu phải thế là tội.
Một bạn cười ngất nói:
- Mẹ, vậy là bố lậm quá rồi, bố biết thế là bố bị kẹt rồi biết không?
Tôi rùn vai:
- Gì mà kẹt.
- Thôi bố đi đi kẻo rồi nó đợi.
Tôi hậm hực bỏ ra ngoài trong khi sau lưng tôi tiếng cười của chúng bạn cứ đuổi theo.
- Anh, sao anh giận thế?
Y-Pang lắc tay tôi hỏi làm tôi giật mình quay lại gượng cười nói:
- Đâu có, anh đang nghĩ về Y-Pang đó.
Nàng sung sướng nhìn tôi cười nói:
- Thật há?
Bỗng Y-Pang trũng buồn đôi mắt, nàng ngó xa xôi mơ màng như một nàng tiên nữ ; tôi hỏi dồn:
- Y-Pang sao thế, giận đấy à?
Nghe tôi hỏi nàng đổi buồn làm vui:
- Không, em nghĩ đến lúc anh trở về.
Bỗng dưng một nỗi buồn dâng kín hồn tôi, ừ nhỉ rồi ngày nào đó mình đi khi chiến trận chấm dứt, mình đâu có phải là một người trong bộ lạc, không biết ngày ấy sẽ ra sao. Tôi rùng mình, Y-Pang có thuốc mình như lời các bạn không?
Tôi hỏi:
- Nếu anh đi Y-Pang có buồn không?
Nàng rưng rưng nước mắt:
- Buồn lắm nhưng làm sao giữ được anh.
Tôi nghe ray rứt tâm hồn, tôi lại nhìn xuống dòng nước, một vài bóng chim bay vút qua mất hút, tôi như một tù nhân trong ánh mắt của nàng, tôi không có can đảm nhìn vào cái vũ trụ ấy của tâm hồn nàng. Tôi thương nàng quá, sao Y-Pang lại hiền từ thế và dễ thương thế, biết xa là khổ nhưng rồi làm sao giữ lại tình yêu.
Tôi cầm tay nàng hỏi:
- Y-Pang có giận anh không?
Nàng lắc đầu nhìn tôi chan chứa những tình, nàng đẹp và đa tình quá, tôi có ngờ đâu tôi lại gieo vào lòng nàng một sợi dây oan nghiệt của ái tình.
Chúng tôi lại đi và phải tạm chia tay vì đã đến nhà nàng.
*
Hôm nay tôi quyết định một việc phi thường, tôi cho thế vì đối với tôi đấy là một cái phi thường. Tôi phải xa Y-Pang đó là điều tôi phải thao thức mấy đêm liền. Tôi khổ cho tôi thì ít mà khổ cho nàng thì nhiều. Tôi buồn và lo cho thân tôi thì ít mà chỉ lo rằng nàng sẽ phải khô héo vì tôi.
Tôi tự trách tôi sao quá đa tình, nhưng hỡi ơi muộn quá rồi, và trời hỡi cho tôi chi nhiều cảm tình đến thế để giờ đây dây oan kia đã mắc thì cái nghiệt nầy đâu dễ ra đi.
Tôi quyết định gặp nàng vào chiều nầy và Y-Pang cũng vui vẻ cùng tôi đi du ngoạn một lần nữa để thưởng thức cái hữu tình của thiên nhiên.
Dòng sông không bao la nhưng thật hùng vĩ, nước trong xanh chảy xiết đến rợn người, ven bờ lô nhô những đá và rất nhiều hồ nhỏ bao vây với muôn ngàn ngọn lau mềm mại lả lướt với gió chiều, một vài ngọn cúi sát xuống mặt nước ghẹo người tình mát dịu, lúc lúc một vài con chim vỗ cánh làm tung những cánh hoa lau trắng muốt tưởng như một đám tuyết rơi phủ đầy trên mặt nước, và đúng lúc ấy thì hàng tar8m con cá đua nhau khuấy động nước hồ gây nên những tiếng động thật thích thú.
Cảnh vật thật tình, tôi và Y-Pang dìu nhau đi trên những tảng đá thật bằng và trơn láng lại sạch đến nỗi tường là có bàn tay nào chăm sóc.
Nắng chiều chiếu trên sông lấp lánh như muôn ngàn sợi kim tuyến màu hồng. Nhìn xa dòng sông như một dải bạc lặng lờ trôi.
Tôi buột miệng:
- Cảnh gì mà đẹp đến thế.
Y-Pang im lặng đôi mắt dõi xa xôi, tôi thấy trong ấy chứa biết bao tình và nhung nhớ. Cái buồn ấy với cảnh nầy khiến kẻ sắp ra đi và người ở lại khó ngăn được giọt lệ nhớ thương.
Y-Pang thở dài nhìn tôi:
- Bao giờ anh đi?
- Sáng mai.
- Anh đi luôn?
Tôi như không có can đảm để nói tiếp, tôi cúi đầu nhìn một cọng ri xanh quét trên mặt nước run rẩy từng hồi và tôi tưởng như lòng tôi đang run rẩy.
Y-Pang lại thở dài, tôi có cảm tưởng như đấy là một lời trách móc đắng cay, tôi nghe trong lòng tôi sự nguyền rủa âm thầm. Tôi không ngờ nàng sơn nữ nầy lại đa tình và lãng mạn hơn cả những nàng con gái ở xứ tôi. Tôi lại nghĩ đến Quyên, đến người yêu đã và đang tâm phụ bỏ tình tôi. Quyên đã vò nát lòng tôi và đày tôi kiên khổ trong những đêm trường thao thức. Quyên yêu tôi tha thiết, thề với tôi đủ điều, gắn bó với tôi bao lời vàng đá, thế rồi đùng một cái Quyên bỏ đi lấy chồng, một ông kỹ sư giàu có hơn tôi sau khi Quyên biết tôi là một ông giáo nghèo nàn.
Tôi đâm ra hận Quyên và hận luôn cả đàn bà, tôi muốn trả thù nhưng không ngờ kẻ phải nhận lãnh là Y-Pang, một sơn nữ có một tấm chân tình và một tâm hồn thuần khiết.
- Ôi! Y-Pang ơi! Em là nạn nhân của Quyên.
Tôi rên rỉ và càng thấy khó xử trong lúc nầy, thà là Y-Pang đối xử tàn nhẫn với tôi để tôi cam lòng ra đi, đằng nầy, đến giờ phút biết phải xa tôi, nàng vẫn một lòng thương và hiểu là không giữ được tôi.
- Trời ơi! Biết là không giữ được mà nàng vẫn yêu và quý tôi thì cái tình ấy cao thượng và đáng quý biết bao.
Bỗng Y-Pang khóc và nói nghẹn ngào:
- Anh buồn em đấy à, em đâu có dám giữ anh lại, thôi anh cứ đi và đừng buồn em.
Nói xong Y-Pang chạy vụt đi, tôi hoảng hốt và sững sờ gọi nàng, nhưng Y-Pang như một nàng tiên thoăn thoắt chạy trên mỏm đá giữa những lau sậy um tùm. Tôi thấy tóc nàng dính đầy hoa lau và bóng nàng thành một màu hoa trắng.
Tôi thẫn thờ ra về và khi về đến quê tôi, để tạ tội nàng Y-Pang tôi đã ký sự lại chuyện nầy để gọi là đáp ơn tri ngộ.
SONG SƠN