Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Tim Hồng


Mấy tháng hè trôi đi thật nhanh, tôi trở lại trường trong ngày khai giảng niên khóa mới. Sân trường đông nghẹt những người, vẫn hoạt cảnh thường lệ của ngày khai giảng diễn ra: học trò cũ tung tăng vui vẻ, học trò mới ngơ ngác sợ sệt. Tôi vẫn dạy lớp cũ nhưng học trò tôi toàn những nhóc “mới tinh” từ lớp Ba lên. Lúc nhận lớp, tôi nhìn thật kỹ từng khuôn mặt măng sữa đang ngồi yên lặng trong những băng ghế dài – Học trò tôi năm nay bé tí à! Một vài đứa “quá khổ” trổ giò trước tuổi. Còn thì sàn sàn bằng nhau. Tôi phân vân trong một thắc mắc nhỏ, không biết học trò năm nay thế nào đây? Chúng ngoan hơn, hiền hơn, hay lười học hơn học trò năm ngoái? Đem cái thắc mắc này hỏi thầy giáo của các em năm học vừa rồi, tôi lúng túng khi nghe thầy dặn dò thật kỹ:

- Chúng nó lì ác liệt và lười như heo, chị dạy chúng nó năm nay chị phải đập kỹ vào mới mong trị được chúng nó đó. Nhất là con bé Kim Hoa, con Xuyến, con Kiều Loan đó.

Lúc vào lớp, tôi bực bội nhìn thẳng các cô bé học trò trước mặt, những vẻ mặt non nớt và từng đôi mắt e lệ, rụt rè trước cô giáo làm tôi yên tâm. Cầm viên phấn viết lên bảng 3 chữ THỜI KHÓA BIỂU, tôi âm thầm hỏi một mình: “Liệu rằng học trò tôi năm nay có như lời mô tả không? Lì ác liệt và lười như heo? Chắc không phải vậy đâu các em nhỉ? Cô nhìn nét mặt ai cũng dễ thương hết cơ mà, phải vậy không, các em?


Dặn dò các điều cần cho suốt một năm học xong, tôi yên lặng điểm mặt từng tên nhóc tì đang khép nép sau những cái bàn dài dưới kia. Tôi phác họa thật nhanh một bản đồ lớp và lên giọng:

- Cô gọi tên em nào, em đó đứng lên cho cô xem mặt. Nhớ, cô chỉ nghe tên và nhìn mặt một lần là cô nhớ đủ hết tên từng người ngay, cho nên đừng ai làm ồn lớp, cô sẽ phạt rất nặng đó nhé.

Trong lúc từng em lần lượt đứng lên với cái tên của mình, tôi kín đáo điền tên từng em vào những ô trống thích hợp. Từ đó, tôi có thể gọi tên từng em mà chắc chắn không hề lầm lẫn.

Sau đó, các em làm 2 bài toán đố thử sức. Năm nào, ngày khai giảng cũng vẫn chỉ có chừng đó công việc. Vậy mà vẫn có vẻ chật vật và không đủ giờ cho những việc ấy. Lớp học lại yên lặng. Một vài cái đầu quay sang nhau xì xào. Tôi cau mặt nhìn xuống cuối lớp, 2 cô bé đang thì thào nói chuyện và cười thật tự do. Tôi liếc nhanh vào tờ bản đồ lớp và lên giọng:

- Thanh Phương! Không nói chuyện nhé.

Tôi lại bình thản nhìn xuống từng dãy bàn, bên tai tôi nghe loáng thoáng tiếng Thanh Phương:

- Cổ nhớ tên thật mày ạ.

- Thì nhớ chứ sao? Hồi nãy cô có nói là cô nhớ hết mà.

Thanh Phương trề môi:

- Tao không tin, tại tao với mầy lớn xác ngồi ngay dưới này cổ nhớ tên liền.

- Suỵt! Đừng nói! Chút nữa đợi coi cổ có gọi đúng tên tụi nó không đã.

- Xì…! Sức mấy mà trúng! Tin tao đi.

Tôi cắn môi giữ không cười trước những ngôn ngữ vô tư ấy. Cái nghề này thật kỳ cục! Chỉ cần “hù” con nít một chút cho chúng “nể” là đủ thu phục chúng. Hơn nữa, muốn cười khi không phải giờ sinh hoạt cũng… không nên cười (!!!) Con nít khoái bắt chước, thấy cô cười dù chẳng hiểu cô cười về cái gì, cũng hè nhau rộ lên cười ha ha thật khoan khoái, hỉ hả – Nếu lúc đó, các em đang làm bài mà lại bật lên cười ầm lớp thì quả là không thể chấp nhận được. Tôi nhìn xuống Thanh Phương, mái tóc tém ôm gọn khuôn mặt bầu bầu và đôi mắt luôn mở to… ngơ ngác. Tôi reo lên thích thú! Con bé này không chịu tin khi nghe tôi tuyên bố “sẽ nhớ tên hết mọi người”. À! Con muốn cô thử chứ gì! Cô sẽ thử, cô sẽ thử cho con tin, nhóc ạ! Những cái đầu đi động và những đôi môi mấp máy. Tiếng nói chuyện xao xác trong từng dãy bàn. Tôi liếc nhanh vào bản đồ và chững chạc xướng danh:

- Bùi Nguyễn Hồng Yến!

Cùng với tiếng “dạ” thật nhẹ, một cái đầu trẻ thơ vươn lên từ những đám đầu đen. Tôi ngọt ngào:

- Hồng yến – đừng nói chuyện nữa nghe em!

Hồng Yến mở lớn mắt nhìn tôi kinh ngạc. Tôi thích thú trước ánh mắt dò hỏi của Yến. Tôi gọi tiếp:

- Bùi Thu Hà! Ngồi xích ra đầu bàn đi em.

- Phương Loan! Ngay lưng lên mới viết được chứ, em.

Tôi nhìn xuống Thanh Phương đang há hốc miệng với Tuyết Hồng. Vẻ khuất phục của nó làm tôi vui. Cả hai lại xì xào:

- Cổ “siêu” ghê há! Cổ nhớ tên mình rồi, Hồng ơi!

Vậy là tôi đã thu phục xong tên ngoan cố của lớp tôi rồi đó, nhân vật này đáng lưu ý đây. Chỉ cần 1 chút xíu hành động đủ làm cho bọn nhỏ khớp và giữ được yên lặng ngay từ buổi học đầu năm.

Tôi nhìn khắp lớp 1 lượt. Kiệm ước có khác, mấy cô để đầu tém cũng đang để tóc dài. Những sợi tóc “choai choai” lởm cởm đến ngộ! Tôi lại nhìn bản đồ sau khi định rõ vị trí khổ chủ:

- Vinh Hiển!

- Dạ! Con bé mập mạp và mái tóc lởm cởm đứng dậy từ bàn thứ 5.

- Sao không xin mẹ tỉa tóc đi em, tóc tai bờm xờm như…

Vinh Hiển nhỏ nhẹ:

- Thưa cô mẹ con nói mắc lắm, tới 200đ một lần tỉa thì để tóc dài rồi buộc dây thun cũng được.

Tôi cười nhẹ:

- Hiển thích để đầu tém không? Cô tỉa dùm cho!

Vinh Hiển cười e ấp, cuối lớp có tiếng nói:

- Trò Hiển không thích để đầu tém đâu cô, trò ấy thích làm vịt cồ thôi.

Tôi quay lại, ai vừa nói vậy nhỉ? Con bé tóc dài đứng lên trong bàn 7:

- Thưa cô con!

- À… à… Kim Anh! Sao em biết Vinh Hiển thích làm vịt cồ?

Những nụ cười lén lút trên những cái miệng xinh xinh, tôi cười dễ dãi khi Kim Anh kể lể:

- Thưa cô, trò Vinh Hiển khoái làm vịt cồ múa bài “một đàn vịt già” đó cô.

Một vài tiếng cười làm loãng tan cái yên lặng ban đầu. Tôi cười theo và hơi ngạc nhiên khi Vinh Hiển đưa tay:

- Thưa cô!

- Chi đó, Vinh Hiển?

- Thưa cô! Lát làm toán xong sớm cô cho con múa bài “một đàn vịt già” nghe cô!

Tôi sửng sốt 1 giây và bật cười thành tiếng. Vinh Hiển khẩn khoản:

- Nghe cô! Hôm nay khai giảng mà!

Cả lớp giương mắt chờ đợi sự quyết định của tôi. Một vài tiếng nói góp vào:

- Trò Hiển múa hay lắm cô!

- Giống vịt cồ thứ thật đó cô!

- Cô chịu đi cô!

Những ánh mắt chờ đợi đến tội! Tôi để 1 ngón tay lên miệng ; lớp yên lặng xong, tôi thong thả:

- Được rồi! Cô bằng lòng, nhưng phải yên lặng làm bài cho tử tế đã. Sau đó mới được xem Vinh Hiển múa đó nhé!

Cả lớp đồng thanh thưa cô vâng ạ thật to và cắm cúi làm bài. Tôi nhìn Vinh Hiển, chú Vịt cồ đang xếp gọn sách vở vào cặp. Khi thu xong 2 bài toán thử sức tôi đặt điều kiện:

- Không được cười lớn tiếng đó nhé. Lớp bên cạnh còn đang học, chúng ta phải tôn trọng giờ học của lớp bạn. Ai cười lớn tiếng cô bắt bò đó nhé!

Vinh Hiển tiến ra giữa lớp cười cười:

- Tui hát, mấy bồ đệm “cạp cạp!” nhen.

- Ừa! Hát đi, múa nữa nghe Hiển!

- Hát đi Hiển, tôi đẹm cạp cạp nè!

Vinh Hiển bắt đầu múa, cái mông lúc lắc và cái đầu gật gù, 2 tay đập như 2 cánh và em hát sang sảng: “một đàn vịt già, rủ nhau đi xa, miệng kêu cạp cạp…” Đến cạp cạp em khép 2 bàn tay lại và đập đập vài cái trong lúc các bạn đệm cạp cạp. Bài hát bình thường không có gì đặc biệt nhưng những cử điệu của Vinh Hiển đã làm tôi cười nôn ruột. Hiển mập mạp và 2 má phúng phính. Tôi cố giữ tiếng cười hỏi cả lớp khi bài hát chấm dứt:

- Vinh Hiển hát hay như gì hở, các em?

- Thưa cô hát hay như… vịt.

- Múa giống con gì nào?

- Thưa cô con vịt!

- Vinh Hiển mập giống con gì nào?

- Thưa cô… con vịt.

- Và… đi lạch bạch giống… giống…

- Thưa cô… giống… vịt… cồồồồ.

Cả lớp cười khoan khoái. Vinh Hiển cười lên hích hích híp cả 2 mắt. Tôi bẹo má em:

- Vinh Hiển, cô gọi là vịt cồ, bằng lòng không?

Hiển lại cười, híp cả mắt ; nhìn Hiển cười, cả lớp cười theo. Hiển cười xong, ngước nhìn tôi:

- Hí… Hí… Con chịu liền cô ơi! Hí hí.

Vịt cồ lạch bạch về chỗ. Tôi khoan khoái thơ thới trong hồn. Hết cả xa lạ, hết cả e ấp ngượng ngùng, rụt rè khép nép. Một ngày khai giảng của lớp tôi năm nay đã trôi qua vui vẻ, hứa hẹn những ngày tháng đẹp của niên khóa này. Tôi tự nhắc tôi đã không lầm. Ở đâu cũng vậy, trẻ thơ vẫn luôn luôn là những trái tim hồng ăm ắp nhưng hồn nhiên, vô tư và dễ thương tột độ.

Những dòng này tôi cũng xin thân tặng tất cả những ai đã, đang, và sẽ nhắc đến 2 tiếng Vịt Cồ bởi vì, ở lớp tôi đang có một chú vịt cồ thật dễ thương. Tôi cũng cầu mong các chú vịt cồ của quí vị cũng dễ thương như chú vịt cồ của lớp tôi vậy. Và, sau nữa, có quí vị nào muốn chiêm ngưỡng dung nhan chú vịt cồ của tôi, xin mời liên lạc với tôi:

Mt. HOA   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974) 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>