Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

LA TY : Một chút ưu tư và Huế vĩnh cửu


Góp mặt trong vườn thơ Tuổi Hoa đã lâu, với những bài thơ đủ loại, đủ kiểu nhưng cái tên LATY vẫn chưa gợi cho người đọc một hình ảnh rõ ràng nào về tác giả. Hôm nay NGUYÊN LY muốn được làm cái hân hạnh đó là được giới thiệu người thơ LATY với các bạn thơ của T. H.

LATY hay Lê thị Thảo, hai mươi tuổi là cựu học sinh một trường nữ học nổi tiếng ở Huế – Trường Đồng Khánh. Thảo đã nghỉ học, bỏ Huế để làm công chức tại xứ cát nóng Phan Rang.

Bởi vì bỏ Huế ra đi nên với Huế, LATY vẫn mang một niềm hoài cảm, nuối tiếc và nhớ nhung về một Huế vĩnh cửu, đầy kỷ niệm. Thơ của LATY phần đông mang một nỗi uẩn ức. Nỗi uẩn ức này hiển hiện trong những bài thơ buồn, thương tiếc tuổi thơ, chán ngán hiện tại… thật trái hẳn với người, với tính tình vui vẻ, hiền ngoan của cô học trò Lê thị Thảo.

LATY hoạt động nhiều, một con người sống với đầy đủ khuôn mặt của văn nghệ. Từ văn nghệ trình diễn như kịch nghệ đến văn nghệ không tên được trình bày bằng ngòi bút. Tất cả hòa trong một luân lưu mới để hình thành nên một LATY hơi lập dị và cô đơn dù chỉ cô đơn bằng hình ảnh tự tạo. – Hầu như LATY đã dùng thơ để “chở những chuyến buồn”, những bi phẫn, ưu tư, thỉnh thoảng lại có một vài lo nghĩ, cho nên thơ của LATY không có vẻ khoáng đạt, sảng khoái như các người thơ mà NGUYÊN LY đã giới thiệu trước đây. Thơ của LATY buồn, rất buồn, đôi khi gượng ép và mờ nhạt. Tuy vậy LATY có một đặc điểm khác, đó là cách dùng chữ trong câu. Ngôn ngữ trong thơ LATY thật sắc nét, mạnh bạo và kỹ thuật xuống câu thì quả thật khác lạ. Như trong lá thư LATY viết về cho NGUYÊN LY – “TY là một người không giống người nào” và “Thơ TY kết bằng những lá sầu trái mộng giữa sân đời này”.

Chúng ta hãy nép về một phía nhìn LATY chở những chuyến buồn về Huế.


bóng đời còn lại

ta ngồi chênh vênh trên đỉnh hồn nhiên
một chút bóng đời đã ngã
một chút vui xưa đã tàn
từng đốt tay phôi pha ngày tháng
có thể mòn khi đếm lớp lang.

sương khuya còn đọng lá thu vàng
những chuỗi bông dài loài phong lan
rơi rơi từng cánh đau thân thể
và cả hồn cây cũng điên mê…


kỷ niệm còn xanh

Kim Long ơi! Mỗi tuần hai giờ chót
nhắc nghe buồn dĩ vãng những chiều xưa
tình trong nhau đôi lời mật ngọt
nhớ vô cùng trời nắng trời mưa

có mấy lần trên đường về thôn xóm
nhiều chiếc xe đạp mãi lom khom
từng đốt mía cột đầy trên cặp táp
nói cười vui giòn giã môi son
 

… Rồi vắng đó một thời gian không đến
mái tranh xưa đổi khác hơn nhiều
người cô già vẫn nét kính yêu
thương con cháu chờ trông với đủ điều
 
vài chén bún thơm mùi chanh ớt
thật thà như nải chuối ba hương
mình chưa cạn những giờ tâm sự vụn
mà đành xa xôi mãi muôn trùng

                  
                      – Viết cho quê nội mến yêu
                         Cho bạn bè ngày xưa ấy…


mến thương

trên chiếc cầu cây tôi với em

đón gió nhìn trăng thật êm đềm
xem có quê hương vàng bụi cát
tôi nhớ giòng sông xứ Huế đêm
 

gặp nhau một thoáng tình cờ đã
như có chút gì hơn dễ thương
ghi nhận những lời vui và trẻ
một xiết tay dài khi vắng nhau
 

tôi đến Đông Giang với nỗi buồn
lấp đầy sông biển những chiều hôm
khi xa Huế thấm thương và tiếc
như thể học sinh thôi đến trường
 
sẽ có một ngày tôi rời đây
cũng năm ngón đếm đốt tay gầy
cũng mang tròn cả tình thân thiết
và giữ cho thơm kỷ niệm đầy

             
                  (Cho Tân Thành của Phan Rang
                                    tình người văn nghệ)


mẹ và con

vai mang một gánh đầy trách nhiệm

mẹ có khi mô nói muộn phiền
đêm khuya chong đèn ngồi may áo
cho kịp con mang buổi tựu trường
 

những lúc con buồn mẹ lắng lo
chỉ sợ con đau mẹ dặn dò
mùa nắng con đừng đi dang nắng
mưa về con chớ dại dầm mưa
 

mẹ sống vì con theo từng mùa
dìu dắt con hoài mỗi canh trưa
đừng đi bắt bướm mà “xui” lắm
rớt chén bể tô học ít hăng
 
kỳ đó con còn lắm sân si
con nít mà thôi mẹ trách chi
bữa ni khôn lớn con chừa hết
dẫu một chút hờn bé tí ti



tàn một ngày vui

chuông đổ muôn chiều
một ngày mang theo
kỷ niệm thật nhiều
chất đầy tim reo


tàn bữa tiệc vui
ta về yên nghỉ
mắt nháy môi cười
hồn xanh buông lơi…
 

ta sống một thời
thơm mùi lá cỏ
ta đi một lần
cho thỏa đường mơ…
 
thảm lụa chiêm bao
nhẹ nhàng ta bước
cúi thầm nguyện trước
“đau thương” vẫy chào

.

tưởng vọng

nắng lên cao mây cũng thôi buồn
vô tư ngày trước vẫy chào luôn
trăm năm một thuở làm con trẻ
chẳng biết sầu tư nhớ cội nguồn…


lắng đọng chút hồn dĩ vãng xưa
đong đưa nhịp võng vói tay vừa
cành xanh một nụ hồng mơn trớn
ta tự do tìm không van lơn
 
đường đi xa gót mòn không mỏi
đá phủ rêu mờ nhạt dấu chim
ta đứng đó một thời tưởng vọng
quay quắt đường về… lạnh buốt tim…



quên để mà

ta về quên nhé đường xa
quên qua trường cũ quên tà áo xưa
quên con đò nghỉ đón đưa
quên cây phượng có nụ vừa đơm bông
quên đời quên những ước mong
giấu sau chiếc nón nỗi lòng riêng tây


                                     (một cục đá buồn)


tìm những dấu xưa

trên thân phượng đã già rồi
có tên tôi đó một thời đã ghi
tôi buồn cây có biết chi
thờ ơ như chẳng có gì mến yêu
bảy năm trung học chưa nhiều
nhưng cho kỷ niệm dệt thêu trọn đời


           12 giờ đêm nóng nực Phan Rang


quê hương mến yêu

Em gần về thăm quê hương chưa?
trầm lặng giòng sông bên hàng dừa
ta nhắc em thường ra phố nhỏ
đừng quên ghé lại mái trường xưa


có mấy con đường em nhớ đi
ta tiếc quắt quay mỗi đêm về
ta sống trong vòng tơ tưởng mãi
nhưng đời cần phải có tương lai
 

đi cuối mùa xuân năm ngoái buồn
ve chờ cơ hội hát chào luôn
em đi chưa kịp làm lưu bút
khăn gói lên đường nước mắt tuôn
 
ta nghe như đã có thanh bình
hạnh phúc đã về trên môi xinh
ngày mai ngày mốt em về đó
nhựa sống cuộc đời thêm ấm no


                                            LA TY
  
       Viết cho quê hương ngoài nớ cho những
         ai đã từng “ngậm trái bồ hòn” ra đi trên
         các nẻo đường đất nước

Khi xa Huế thấm thương và tiếc
Hãy giữ cho thơm kỷ niệm đầy

Kỷ niệm bao giờ cũng là một hình ảnh đẹp, đáng cho ta thương tiếc… nhưng ưu tư lại là một kẻ thù đáng sợ cho người thơ con gái của chúng ta. NGUYÊN LY đề nghị một điều: rằng hy vọng sẽ nhận được những bài thơ xanh mầu hy vọng của cô công chức, cựu nữ sinh Đồng Khánh, LATY nhé!

Thân ái     
NGUYÊN LY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 209, ra ngày 15-9-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>