Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

CHƯƠNG 1_PHI THUYỀN NGUYỄN TRƯỜNG TỘ



1

Chiếc Hưng Đạo K 79, phi cơ phản lực của hãng Hàng không Việt Nam như một mũi tên lao nhanh trong không trung trên con đường Vọng Các – Sàigòn.
 
Hành khách có trên trăm người.
 
Hoài Việt cùng chú Kim cùng đáp chuyến phi cơ về Sàigòn.
 
Tiếng động cơ kêu rì rì như một luồng gió nhẹ thổi.
 
Máy ghi âm để lan ra trong phòng phi cơ những điệu nhạc êm dịu.
 
Hành khách phần đông ngả mình trên những chiếc ghế đầy đủ tiện nghi. Tiếng nhạc ru hồn họ vào giấc ngủ êm đềm, giúp họ quên đi trong chốc lát những vật lộn của cuộc đời.
 
Người nữ chiêu đãi nhẹ nhàng đi đi lại lại chăm chú phục vụ khách hàng.
 
Người nữ chiêu đãi ấy, chú Kim trong những lúc vui tính vẫn gọi đùa là những “nàng tiên không cánh mà bay”.
 
Nụ cười luôn luôn sẵn nở trên môi, nàng dịu dàng cúi xuống thì thào vài câu chuyện với một cô bé chưa ngủ, đắp gọn lại chiếc mền len cho một bà lão, nhặt cái tẩu thuốc cho một cụ già, lượm mấy tấm hình vừa rời khỏi tay người hành khách trai trẻ bay nằm dưới sàn, khẽ đẩy chiếc võng cho một chú nhỏ còn đang mút tay chùn chụt… Người tiên nữ không cánh mà bay ấy như để ý đến mỗi người, không bỏ sót một ai, mà mọi người như cũng đã quen thuộc với những cử chỉ, những công việc của người thiếu nữ ấy. Người tiên nữ mỉm cười để phục vụ hành khách. Hành khách mỉm cười để biết ơn tiên nữ.
 
Hoài Việt không sao chợp mắt được. Hoài Việt vẫn nao nao vì bức thư của Hoài Anh, người em gái 14 tuổi của anh mới viết cho anh gọi anh về ngay Sài gòn. Cô em gái kém anh có một tuổi rưỡi ấy tuy hay nhõng nhẽo với anh, nhưng rất thông minh, rất hợp tính anh ở chỗ cùng ưa mạo hiểm, thích đương đầu với những khó khăn. Nhiều lần hai anh em đã đùa nghịch bảo nhau một cách dí dỏm thế này : “Làm con của một khoa học gia nổi tiếng như cha chúng mình mà không can đảm, không ưa mạo hiểm thì người ta cười cho chết mất”… Từ lúc nhận được thư của em gái, Việt đã đoán nhiều, đoán mãi. Anh đặt hết giả thuyết này đến giả thuyết khác. Rút cục anh vẫn chưa tìm ra một câu trả lời nào gọi được là đích đáng.
 
Hoài Việt lấy thư của em, đọc lại một lần nữa :
 
Anh Hoài Việt,
 
Thôi, Hoài Việt ơi, chấm dứt cuộc phiêu lưu của anh ở Thái Lan đi. Anh xách vali về ngay Sàigòn. Ba bảo em viết cho anh thế. Thú ghê, Hoài Việt ạ ! Về ngay, để cùng đi với ba. Đi đâu ? Bí mật… Tối bí mật… Thậm bí mật… Cực bí mật… Em không nói kiểu chú Kim, cái gì cũng tối, thậm, cực… đâu ! Cuộc đi này có cả em nữa cơ. Mà có lẽ em đi, nên anh mới được đi đấy. Anh đừng quên ơn em gái nhé. Để “bắt” anh tỏ lòng biết ơn em ngay, anh phải hứa từ nay không được gọi em là “nhõng nhẽo của anh” nữa mặc dầu em thỉnh thoảng có nhõng nhẽo tí chút. Tại em là em nên em có quyền nhõng nhẽo chứ. Nhưng em không bằng lòng cho anh gọi em là nhõng nhẽo đâu.
 
À, anh Hoài Việt này ! Để anh em mình đi chuyến này, mẹ phải lên gân ghê lắm nhé. Cha phải thuyết phục mẹ mãi đấy. Em thấy như mẹ lo lo làm sao ấy. Em cũng thương mẹ ! Nhưng mẹ chúng mình thì can đảm ghê lắm rồi.
 
Hoài Anh mong chóng gặp anh. Chúng mình cần phải bàn mảnh với nhau về cuộc đi này chứ. Em chào thăm chú Kim nhé. Anh nhớ dặn chú đừng có quên quà của em đấy. Chú mà quên thì Hoài Anh sẽ bớt phần “đế” của chú ngay.
 
Thân ái chào anh, 
HOÀI ANH      
 
Thì cũng lại vẫn thế. Đọc lại thư của Hoài Anh, Việt cũng không đoán thêm được gì mới hơn. Chuyến đi gì đây ? Đi thám hiểm Nam Cực ư ? Cha đã nói tới nhiều lần. Đâu có còn gì bí mật nữa: Những cuộc thám hiểm đầy lý thú tương tự thế, Hoài Việt đã được theo cha nhiều lần rồi. Và trong những lần ấy, anh cũng đã giữ những vai trò không kém cần thiết để phụ lực cha nữa.
 
Phòng phi cơ lúc ấy gần như hoàn toàn yên tĩnh. Mọi người như đã đắm mình trong một giấc ngủ êm đềm. Một vài tiếng cựa mình của hành khách. Mấy tiếng mút tay chùn chụt đều đều của vài chú bé. Tiếng nhạc vẫn nhè nhẹ loãng ra. Tất cả đều nương nhẹ, như không muốn làm tan mất làn không khí tĩnh mịch. Chỉ có một thứ âm thanh bên cạnh Hoài Việt nổi lên trội hơn cả là tiếng ngáy của chú Kim…
 
Việt quay nhìn sang chú Kim, người chuyên viên cộng tác của giáo sư Tôn, cha anh. Anh mến chú Kim nhiều. Mà Hoài Anh mến chú cũng không kém. Chú Kim là một cựu đại úy không quân, đã một thời danh tiếng lừng lẫy. Chú Kim đã đứng tuổi, tính tình bộc tuệch nóng nảy, nhưng rất thẳng thắn, tận tụy. Nơi chú Kim có rất nhiều cái đặc biệt. Mà đáng kể hơn cả là bộ râu quai nón rậm rạp của chú, mớ tóc không mấy khi chải của chú. Không một cuộc hành trình thám hiểm nào của giáo sư Tôn mà không có chú Kim cùng đi. Không một khó khăn nào lại vắng mặt chú Kim. Tuy chỉ là một cộng sự viên của ông, nhưng gia đình ông coi chú Kim như người trong nhà, cho đến người làm cũng đều thân mật gọi chú là “chú”. Riêng Hoài Anh rất thích nhõng nhẽo với chú Kim, hết bắt thường chú chuyện nọ đến chuyện kia. Chú Kim nóng tính nên rất hay “xửng cồ” với bất kỳ ai mỗi khi họ không làm đúng ý của chú nhưng chú lại rất nể Hoài Anh và “yếu đuối” mềm mỏng với cháu Hoài Anh của chú. Ai mà làm cho cháu Hoài Anh của chú khóc thì phải biết với chú…
 
Hoài Việt có ý hỏi chú Kim xem chú đã tìm ra được gì mới trong việc Hoài Anh nói trong thư không. Nhưng chú Kim ngủ ngon quá. Tiếng ngáy của chú còn to hơn cả các thứ âm thanh lúc ấy.
 
Nhìn xuống sàn, chó Tô cũng yên lặng ngon giấc. Hoài Việt đưa tay nhẹ vuốt trên đầu Tô. Con chó nhỏ thó này có thể nói được là người bạn thân như hình với bóng của anh. Nó đã theo anh khắp nơi. Nó đã giúp đỡ anh không ít trong các cuộc thám hiểm.
 
Hoài Việt như cảm thấy mình trơ trọi. Anh nao nức không yên…
 
Anh đành lấy bộ máy truyền thanh vi ti điện tử trong túi áo sơ mi ra và mở luồng sóng đặc biệt dành riêng để liên lạc với gia đình trong những trường hợp đặc biệt.
 
- A lô… A lô… Đây H1… H1… H1 muốn nói chuyện với H2. A lô đây H1…
 
Thính cơ kêu vi vi. Không có tiếng trả lời. Việt gọi thêm nữa :
 
- A lô… đây H1. H1 muốn nói chuyện với H2.
 
- A lô… đây H2 nghe. A, anh phải không ? Trời ! Thế mà anh làm em hết hồn… Xuýt nữa đổ cả đĩa bánh của em đấy… Em làm đợi sẵn thết anh đấy mà. Em trả lời anh muộn là tại em còn đang dở nếm bánh của mẹ. Nhưng có gì quan trọng mà H1 phải dùng tới làn sóng đặc biệt đấy ?
 
- Tại anh sốt ruột quá. Anh muốn biết “chuyến đi bí mật” em nói trong thư đó. Anh đoán mãi không ra. Em nói rõ hơn cho anh biết đi. Em ác lắm đấy, nói mập mờ thế, ai hiểu được.
 
- Bí mật mà ! Nói làm sao được ! Khổ quá, sao mà anh nóng nảy thế ? Mà mẹ đang cặm cụi làm bánh chờ anh. Ngon ghê, anh ạ. Thế là mẹ cưng Hoài Việt hơn Hoài Anh rồi đấy nhé !
 
- A lô… Cám ơn mẹ nhiều. Nhưng sao H2 lại lảng đi chuyện khác thế ? Chưa trả lời câu hỏi của anh cơ mà.
 
- A lô… À, mà có tiếng gì khò khò, nghe kỳ vậy anh ? Tiếng phi cơ đấy à ? Chả nhẽ phi cơ tồi đến thế ư ?
 
- Không phải H2 ạ ! Đấy là tiếng chú Kim ngáy bên cạnh anh đấy. Chú ngủ ngon như chết ấy.
 
- Quá trời ! Chú Kim của chúng mình. Chú mát da mát thịt quá nhỉ.
 
- Thôi, em đừng lảng nữa. Chuyện gì vậy ? Nói ngay đi !
 
- Em không nói thêm gì nữa đâu. Em đi làm nốt bánh đây. Chào anh.
 
Luồng sóng điện đặc biệt bị cắt. Hoài Việt ngẩn người tiếc rẻ. Hoài Việt biết tính Hoài Anh rồi. Việt có gọi nữa, cũng vô ích. Anh đoán không phải người em gái tinh nghịch cố tình trêu anh, mà có khi cha dặn giữ bí mật. Như thế cuộc hành trình sắp tới đây hẳn là một chuyện đầy bí mật…
 
Chiếc phản lực K 79 hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất nhẹ như một chiếc lá bay là xuống đất.
 
Chú Kim bừng mắt dậy, càu nhàu vì chưa được đẫy giấc. Chú kêu là máy bay hôm nay sao đi nhanh quá. Còn Hoài Việt lại cho như chậm hơn mọi khi. Hoài Việt nóng lòng muốn gặp em gái, càng sớm càng hay.
 
Chiếc xe hơi do Hoài Anh cho đi đón Việt và chú Kim chạy như bay đưa hai người về biệt thự ở Chi Lăng.
 
Hoài Anh với bộ mặt vui tươi nhưng không kém bí mật đứng đợi sẵn họ ngay ngoài cửa. Bà Tôn sung sướng hỏi thăm con trai từng chi tiết.
 
Sau câu chuyện hàn huyên, Việt kéo em gái ra vườn nói chuyện.
 
Thì ra Hoài Anh không biết gì hơn thật. Hoài Anh chỉ biết được cha cho phép dự vào cuộc du hành thám hiểm sắp tới. Vào đúng ngày giờ nào, không ai biết hết. Cuộc du hành đi đâu bằng phương tiện gì, cũng không ai hay. Chỉ biết là cuộc du hành hẳn là đầy hứng thú nhưng chắc cũng không thiếu nguy hiểm. Vì Hoài Anh thấy mẹ nhiều lần tỏ dấu băn khoăn lo lắng. Cũng nhiều lần mẹ nói xa xa ngăn cản cha. Có lúc mẹ còn ngỏ ý với cha, ít là đừng đem Hoài Việt và Hoài Anh cùng đi. Nhưng cuối cùng cha đã thuyết phục được mẹ. Hoài Anh đã nghe mẹ thở dài nói với cha thế này:
 
- Em không biết nói gì hơn nữa. Em hiểu anh lắm. Em đồng ý để anh và hai con ra đi vì lợi ích chung của đất nước, của nhân loại. Nhưng dù sao em chỉ là một người vợ, một người mẹ, nên em vẫn thấy lo ngại rất nhiều. Anh là tất cả của em. Và chúng mình chỉ có hai đứa con đó. Nếu một sơ xuất nhỏ mọn nào xảy ra, anh và các con có mệnh hệ gì thì đời em thế là hết. Em cầu xin Thượng Đế giữ gìn anh và các con.
 
Hoài Anh mắt đăm đăm nhìn ra xa rồi tiếp :
 
- Nghe mẹ nói thế, em thấy thương mẹ ghê lắm. Đã có lúc em nghĩ sẽ bàn với anh, chúng mình xin ở lại với mẹ cho mẹ đỡ lo phần nào. Nhưng biết sao được, anh Việt nhỉ. Em chưa biết ba cho chúng mình theo ba làm việc gì. Nhưng chắc không phải là một chuyến đi du lịch suông đâu. Ba phải nài nỉ mẹ để cho chúng mình cùng đi, hẳn là để anh em mình giúp tay ba trong công việc của ba. Ba cần đến chúng mình. Anh nghĩ có phải không ?
 
Hoài Việt chỉ gật đầu, không nói gì. Anh nghĩ ngợi nhiều thêm.
 
Thấy anh trầm ngâm, Hoài Anh liếng thoắng :
 
- Mà anh ạ ! Em đã hỏi mẹ rồi đấy nhé. Mẹ cũng không nói gì hơn với em. Mẹ chỉ bảo công việc của ba phải được giữ hoàn toàn bí mật. Thế có ức không chứ ? Em nghĩ anh có hỏi mẹ, mẹ cũng chỉ cho biết có đến thế thôi…
 
Hai anh em không nói gì nữa. Họ đi đi lại lại trong vườn. Một lúc sau Việt bảo em :
 
- Theo em nói, và cách xử sự của mẹ, anh đoán là một việc có nhiều nguy hiểm, thử thách. Nhưng dẫu sao, anh thấy có nhiều tin tưởng sẽ thành công, vì tài năng của ba và cũng vì ba vốn là người cẩn thận kỹ lưỡng, ba chỉ làm việc sau khi đã suy nghĩ chu đáo thôi. Thế nào cũng thành công… Thành công hẳn rồi.
 
Chuông điện thoại trong nhà reo lên. Hai anh em cùng đi vào. Hoài Anh nhanh chân tới nhắc ống nghe.
 
- Dạ, a lô ! H2 đây ạ. Vâng. Mẹ vui vẻ… Mẹ đang làm bánh ngọt ba ạ. Vâng, H1 vừa về tới. Có cả chú Kim nữa ạ… A, thích quá ! Phần bánh ngọt của ba, cho con phải không ạ ? Cám ơn ba… Ăn phần của ba con không đau bụng đâu… Vâng. Để con gọi anh tới nghe ba…
 
Hoài Việt vội đón lấy cần máy…
 
Và Hoài Việt quay bảo em gái :
 
- Ba bảo tụi mình sửa soạn ngày mai cùng chú Kim tới gặp ba ở trung tâm.
 
*
 
Đặt chân xuống phi trường Liên Khang, Hoài Việt để ý tìm người liên lạc cha đã hẹn cho tới đón. Anh cũng không rời mắt theo dõi hai người hành khách cùng đáp một chuyến máy bay… Ngay từ khi còn trên phi cơ, anh đã nhận thấy nơi họ có nhiều cử chỉ đáng nghi ngờ. Bọn họ một già, một trẻ. Người già có một thân hình cao lớn, đầu hói gần hết, chỉ còn lưa thưa mấy sợi tóc bạc phơ mềm mại. Cử chỉ và cách xử sự thì thật đường bệ. Người ta nghĩ đến một vị giáo sư lão luyện. Người trẻ trên dưới hai chục tuổi, tầm thước vừa phải, nhanh nhẹn sắc sảo, cặp kè với người già như hình với bóng. Cả hai vẫn kín đáo nhìn về phía Hoài Việt, Hoài Anh và chú Kim. Họ nói chuyện với nhau, nhưng tinh ý một chút, người ta thấy ngay không một hành động, một cử chỉ nào của bọn Hoài Việt đã lọt khỏi mắt họ. Với một dáng điệu hết sức tự nhiên, người trẻ tuổi móc túi lôi ra một chiếc bật lửa, bật thử mấy cái, rồi tung lên nghịch… Hoài Việt đoán chàng ta đã kín đáo chụp hình bọn anh… Nhưng vẫn chưa hiểu bọn đó theo đuổi một mục tiêu nào, và là người của phe phái nào…
 
Hai người thanh niên nước da nâu sậm tiến đến chào bọn Việt :
 
- Chào cậu, chúng tôi có nhiều bản hát mới ra đời muốn bán.
 
Hai chàng thanh niên đó nói một giọng đặc biệt ; người ta biết ngay họ là những đồng bào Thượng hay những người Việt mới cũng thế. Câu nói của họ có vẻ không ăn nhập gì, chú Kim đã thấy “nóng tiết” muốn hỏi cho ra nhẽ, nhưng Hoài Việt hiểu họ và đáp :
 
- Chúng tôi chỉ cần hai bản hát mới.
 
Thế là hai người thanh niên vui vẻ mời họ ra xe. Họ đã trao đổi nhau những ám hiệu đặc biệt theo đúng chỉ thị của giáo sư Tôn, để nhận được nhau.
 
Chiếc xe hơi rời bỏ phi trường Liên Khang tiến về phía đô thị Đà Lạt. Đây là một chiếc xe thuộc loại Rồng Xanh, một kiểu xe mới nhất do Việt Nam chế tạo : vừa xinh xắn, đủ tiện nghi, máy lại mạnh vào bực nhất trong các loại xe tự động trên thế giới. Loại xe này không dùng đến xăng nhớt, mà chỉ dùng nguyên tử lực.
 
Chiếc Rồng Xanh đưa bọn Việt về Trung tâm Nguyên tử năng. Lần đầu tiên anh em Việt được đến Trung tâm. Chú Kim cũng vậy.
 
Tuy nhiều lần giáo sư Tôn nói tới Trung tâm, nhưng vì là bí mật quốc gia, nên họ không biết đích xác địa điểm của Trung tâm. Họ chỉ biết mang máng là Trung tâm ở gần Đà lạt, về phía Suối Vàng. Thế thôi.
 
Chiếc Rồng xanh bỏ thác Prenn, rồi bỏ đô thị Đà lạt phóng vào một con đường là lạ. Hoài Anh ngạc nhiên, vỗ vai người thanh niên Thượng ngồi bên tài xế :
 
- Sao không theo con đường Dankia, lại đi lối nào lạ hoắc vậy anh ?
 
Người thanh niên mỉm cười, không trả lời, lấy tay làm hiệu chỉ về phía trước.
 
Đàng sau, một chiếc xe hơi mầu xanh sẫm cũng rẽ theo một đường, chỉ cách xe họ vài trăm thước.
 
Hoài Việt để ý nhìn trong chiếc kính chiếu hậu đã thấy xe đó theo sau từ sân bay Liên Khang. Việt nhớ tới những con người khả nghi đã gặp. Việt đem ý nghĩ nghi ngờ nói với em gái và chú Kim, nhưng cả hai hình như không lưu tâm lắm, họ cho là những người cùng đi một con đường với họ. Con Tô thỉnh thoảng lại nhẩy chồm lên. Nó gác hai chân trước lên đệm xe, nghển cổ nhìn lại phía sau, rít lên những tiếng nho nhỏ quen thuộc như mỗi khi nó đánh hơi thấy một chuyện gì đáng chú ý.
 
Đến chỗ đường rẽ Suối Vàng, chiếc Rồng Xanh cứ đi thẳng.
 
Trước sự ngạc nhiên của bọn Việt, hai thanh niên Thượng cứ im lìm, không một lời giải thích.
 
Phong cảnh nơi đây cũng đượm mầu huyền bí. Chỉ có tiếng ngàn thông reo vi vu trong gió nhẹ. Không một bóng người, cũng không một bóng vật.
 
Rồi một bảng hiệu với những chữ đỏ chói “cấm địa” lù lù hiện ra. Chiếc Rồng Xanh từ từ chậm lại rồi ngừng hẳn. Một trạm canh đặc biệt. Hai nhân viên kiểm soát không biết từ đâu đột ngột xuất hiện. Người nào cũng lăm lăm khẩu súng nguyên tử như để sẵn sàng đối phó với bất cứ một cử chỉ phản động nào. Một thanh niên đưa trình sự vụ lệnh kèm theo một chứng minh thư đặc biệt có đủ hình ảnh chú Kim và anh em Việt. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Hoài Anh không bao giờ ngờ tới một cách bảo mật chu đáo đến như thế tại trung tâm Nguyên tử năng.
 
Xem giấy tờ hình ảnh xong, các nhân viên đó nhã nhặn yêu cầu được xem hành lý. Chú Kim đã thấy nóng đầu. Chú ồm ồm gắt :
 
- Tụi tôi đâu có phải bọn buôn lậu mà phải khám xét hành lý ?
 
Viên kiểm soát vẫn bình tĩnh mỉm cười lễ phép :
 
- Thưa, đó là lệnh của thượng cấp tại Trung tâm. Xin ngài vui lòng giúp chúng tôi làm phận sự.
 
Hoài Anh cũng thấy bực mình, nhưng lệnh là lệnh, Hoài Anh nhanh nhẹn mở chiếc va li cho họ xét. Va li của anh em Hoài Anh, ngoài mấy quần áo, mấy cuốn sách không còn gì đáng chú ý. Nhưng va li của chú Kim, dưới một lượt quần áo, lủng củng những chai lớn nhỏ. Tất cả có đến trên chục chiếc. Chai nào cũng đóng nút cẩn thận ; mỗi chai còn được quấn kỹ mấy lượt báo cũ cho khỏi va chạm. Thì ra chú không quên đem phòng bị theo một số khá nhiều thứ rượu hảo hạng của chú, thứ rượu đế mà chú vẫn vui vẻ gọi là “nước nguyên tử” của chú.
 
Nhân viên kiểm soát xếp những chai rượu đế một bên, đóng chiếc va li của chú Kim lại. Đang khi chú còn ngơ ngác chưa hiểu bọn người này muốn dở trò gì, nhân viên đó cho biết sẽ giữ hết những chai đế đó tại trạm canh đây và trao cho chú mấy chữ biên nhận. Cơn bão tố nổi lên. Chú Kim không cầm được cơn giận. Chú nhảy từ trên xe xuống đường, hai tay nắm lại, sừng sộ như muốn nuốt trửng ngay người kiểm soát. Bạn người đó thấy điệu bộ hung hăng của chú, lên máy súng… Chú trợn mắt hỏi, phun cả nước bọt vào người đối diện :
 
- Sao ? Ai cấm ? Ai bảo cấm ?
 
Người kia vẫn bình tĩnh, nhưng cương quyết, lịch sự :
 
- Thưa ngài…
 
Chú Kim cướp lời ngay :
 
- Tôi không cần ông gọi tôi là ngài. Gọi là gì cũng được, miễn là trả lại ngay cái món “tủ” của tôi kia.
 
- Thưa, đó là lệnh thượng cấp : cấm mang vào Trung tâm bất cứ thứ rượu mạnh nào, kể cả rượu đế và nhất là rượu đế.
 
Chú Kim điên tiết thêm :
 
- Cấm nhất rượu đế hả, hả ? Người ta không biết đó là nước nguyên tử, à quên, đó là một thứ bổ nhất, cần thiết nhất cho đời sống con người… của tôi hay sao ? Cấm rượu đế trong khu vực này? Thật là… là… vô lý… tối vô lý… thậm vô lý… cực vô lý, mà lại tệ hơn nữa… Nhưng anh phải biết, rồi tôi uống bằng cái gì… Uống nước trà Bảo Lộc thay à ? Chết thật thôi ! Nhạt mồm nhạt miệng, sống làm sao được ?
 
- Món đế của ông đây, chúng tôi chỉ tạm giữ thôi. Khi nào ông rời khỏi Trung tâm này, chúng tôi sẽ xin hoàn lại ông nguyên vẹn.
 
- Tạm giữ ? Tạm giữ ? Nhưng rồi tôi chết à ?
 
Hoài Việt thấy câu chuyện có thể kéo dài, nháy Hoài Anh, muốn em can thiệp. Hoài Anh từ nãy cứ che miệng cười. Hiểu ý anh, cô vui vẻ nắm cánh tay chú Kim :
 
- Thôi, chú ạ. Chú vui lòng cứ để các ông này giữ món nước nguyên tử của chú. Để khi đến Trung tâm, cháu xem ý ba cháu, nếu có thể được, cháu sẽ xin một biệt đãi cho chú. Rồi cháu sẽ liệu mang món tủ ấy lên cho chú nhé.
 
Lời nói của Hoài Anh vẫn như bao giờ, có hiệu quả ngay là dẹp tan được cơn bão tố của chú Kim. Chú bằng lòng làm theo ý Hoài Anh. Chú huỳnh huỵch bước lên xe. Hoài anh lã chã nói với mấy nhân viên :
 
- Cám ơn các ông trước nhé. Phiền các ông làm ơn cất giúp những chai nước nguyên tử của chú tôi vào nơi cẩn thận nhé…
 
Chiếc Rồng Xanh xiết bánh thẳng tiến.
 
Chú Kim vẫn tiếc rẻ lẩm bẩm :
 
- Trung tâm quái quỷ gì mà cấm cả đế… Quái gở… Thật quái gở. Các cháu hẳn biết thiếu đế là chú không còn làm ăn gì được nữa… Chân tay chú sẽ long ra từng mảnh cho mà xem. Đối với chú, thiếu đế là thiếu tất cả rồi.
 
Hoài Anh quay sang lườm chú Kim, phụng phịu nói :
 
- Được ! Hoài Anh hổng có thèm chơi với chú Kim từ nay nữa. Chú Kim coi đế hơn cháu rồi cơ mà.
 
Chú Kim chối đây đẩy :
 
- Đâu có ! Chú đâu có sánh cháu với đế. Cháu Hoài Anh của chú bao giờ cũng nhất rồi. Thôi cho chú xin…
 
Nói rồi, chú cười như nắc nẻ, cười rung cả râu, cả tóc. Điệu bộ của chú lúc ấy sao mà dễ thương thế, hiền lành thế.
 
Chiếc Rồng Xanh cứ tiến xa hơn, qua những cánh rừng thông bát ngát xanh rờn. Chú Kim chuyện ran như pháo nổ. Chú như đã quên hết nỗi bực mình vì những chai nước nguyên tử bị câu lưu tại trạm canh.
 
Bỗng Hoài Việt vỗ mạnh vai chú Kim :
 
- Kìa, chú ! Một phi cơ trực thăng hình như đón đầu bọn mình làm chi vậy ?
 
Và rồi chiếc trực thăng nhẹ nhàng hạ cánh ngay giữa đường đi trước mặt họ. Hai nhân viên có võ trang từ máy bay bước xuống chặn đường đòi xét giấy tờ.
 
Sau khi kiểm tra cẩn thận, họ liên lạc ngay về trụ sở bằng máy riêng :
 
- A lô ! Đây Y 12… đây Y 12 đội tuần tiễu đặc biệt… Xin báo cáo Trung tâm. Đã kiểm soát Rồng Xanh… Việc hộ vệ hết sức chu đáo… Hết…
 
Rồng Xanh được lệnh tiếp tục hành trình.
 
Hơn nửa giờ sau, cả bọn tới một khu vực có vẻ một thị trấn. Những ngôi nhà như những biệt thự xinh đẹp, tường trắng mái đỏ hiện ra rực rỡ dưới ánh mặt trời. Anh chàng thanh niên Thượng, từ trước vẫn lầm lầm lì lì, lúc ấy mới lên tiếng :
 
- Chúng ta đã đến Trung tâm. Chỉ còn phải qua trạm gác cuối cùng này nữa.
 
Hoài Anh lo cuộc khám xét này hẳn sẽ tỉ mỉ kỹ càng hơn và sẽ làm chú Kim nóng đầu thêm. Cô bé đã nghĩ đến cách để “hạ hỏa” chú thật mau chóng…
 
Chiếc Rồng Xanh ngừng lại trước một biệt thự đầu tiên. Không một bóng người canh gác. Một thanh niên Thượng mở cửa xe, đem tờ chứng minh thư có ảnh chú Kim và anh em Việt bỏ vào một thùng nhỏ, bấm một nút điện. Tiếng chuông reo lanh lảnh chừng độ vài phút. Đèn xanh ở phía trước bật lên. Người tài xế cho xe chạy. Việt cho em gái biết chắc thùng đó chính là một bộ óc nhân tạo được điều khiển bằng nguyên tử lực. Bộ óc điện tử ấy làm công việc kiểm soát rất nhanh và rất chắc, còn hơn cả những nhân viên chuyên môn lành nghề nữa.
 
Xe của bọn Việt lao thẳng vào một chiếc cổng sắt sừng sững đóng kín. Người điều khiển xe chỉ nhẹ nhàng bật một chiếc đèn pha chiếu một luồng ánh sáng màu tím vào chiếc cổng. Hai cánh cổng tự động chạy rạt ra hai bên để lối cho Rồng Xanh vào và liền ngay đó chiếc xe màu xanh sẫm khi nãy cũng đã lao tới bén gót theo vào. Hai cánh cổng lại từ từ đóng lại, nhẹ nhàng không gây một tiếng động nhỏ nào.
 
Từ cổng vào, chiếc xe hơi chạy trong một con đường hầm rộng thênh thang. Ánh sáng nê-ông được xếp đặt khéo léo làm người ta tưởng như đang đi trên một con đường chan hòa ánh nắng mặt trời dìu dịu buổi sáng. Con đường hầm dài hun hút. Qua hết cổng tự động này đến cổng tự động khác, chiếc Rồng Xanh lao nhanh như một mũi tên, mà mãi chừng mười phút sau mới đưa cả bọn tới những khu nhà sừng sững mênh mông.
 
Một nhân viên phương phi, ăn mặc chải chuốt đứng chờ đón họ. Ông vui vẻ mở cửa xe :
 
- Các bạn đã tới bằng yên.
 
Chú Kim hấp tấp nhảy xuống, chẳng may đập đầu vào thành xe như bị trời giáng. Chú ôm đầu nhăn nhó. Chú cằn nhằn :
 
- Nguyên tử với nguyên tôn… Thật chán mớ đời ! Chế tạo gì thì chế tạo… Sao người ta không nghĩ chế tạo những chiếc xe đừng đập đầu ai cả ???
 
Ý tưởng ngộ nghĩnh của chú làm mọi người không thể nhịn cười. Nhân viên ra đón bắt tay bọn Việt :
 
- Tôi xin tự giới thiệu : tôi là kỹ sư Vĩnh, người phụ tá của giáo sư Tôn tại trung tâm đây. Giáo sư đang bận một cuộc thí nghiệm quan trọng. Tôi được hân hạnh tới đón các bạn… Xin mời tất cả tới tầng lầu 9. Giáo sư đang làm việc tại đó… Chúng ta đi bằng thang máy.
 
Kỹ sư Vĩnh nhanh nhẹn mở thang máy mời mọi người. Ông vội vàng nên dẫm phải con Tô. Nó la inh ỏi. Từ lúc ấy, con Tô hình như nó không có thiện cảm mấy đối với kỹ sư.
 
Thang máy không đưa họ lên, trái lại đưa xuống sâu dưới đất. Những cơ xưởng nguyên tử tại đây, vì vấn đề kỹ thuật và bảo mật, đều được thiết lập trong lòng đất.
 
Đến tầng lầu 9. Họ đi theo một hành lang dài, tới phòng thí nghiệm của giáo sư.
 
Bên kia làn kính trong suốt, giáo sư Tôn ngồi tại bàn làm việc, đầu đội một chiếc mũ lồng kính.
 
Một cảnh tượng rùng rợn.
 
Một anh chàng hộ pháp, mím môi mím miệng đứng sau lưng giáo sư, giơ thật cao một chiếc vồ sắt để nện xuống đầu giáo sư.
 
Trong phút bất thần, Hoài Anh rú lên, la to :
 
- Nhanh lên chú Kim, anh Việt…
 
Không ai bảo ai, họ nghĩ ngay tới một cuộc mưu sát. Không để chậm một giây, chú Kim và Hoài Việt tông cửa xông vào. Hoài Anh còn nhanh chân hơn. Cô bé xông ngay tới, không cần đắn đo, lượng sức, cô dở ngay ngón võ nhu đạo sở trường của cô vật ngã anh chàng lực lưỡng kia nằm lăn dưới đất. Giáo sư thấy động quay lại ôm chầm lấy hai con. Quay sang chú Kim, giáo sư thấy chú còn đang giữ thế thủ với anh chàng hộ pháp lom khom bò dậy. Ông hiểu đầu đuôi câu chuyện. Ông cười rũ rượi :
 
- Hai con và chú tưởng tôi bị mưu sát phải không ? Nếu thật là một cuộc mưu sát thì cả ba đã tới muộn quá rồi. Chú Bẩy đây đã giáng cho tôi tới hai chục vồ rồi. Chúng tôi đang làm một cuộc thí nghiệm đấy chứ… Mà ai xô chú Bẩy ngã thế ?
 
Anh chàng hộ pháp – chú Bẩy – bẽn lẽn nhìn Hoài Anh. Hoài Anh cũng thấy ngượng. Hoài Việt nói ngay :
 
- Em Hoài Anh tưởng ba làm sao, nên dở miếng nhu thuật của em quật chú Bẩy đấy ạ. Đó cũng là nhờ lúc chú sơ ý…
 
Hoài Anh vội nắm tay cha :
 
- Thế mà ba làm con hết hồn ! Chân ướt chân ráo, vừa tới nơi, thấy thế, con phải ra tay liền… Thôi để con xin lỗi chú Bẩy…
 
Giáo sư Tôn âu yếm xoa đầu con :
 
- Con gái của ba can đảm quá ! Lần sau, con nên cẩn thận hơn nhé. À ba đang thí nghiệm sức chịu đựng của một chất mới sáng chế dùng làm mũ trong cuộc hành trình thám hiểm sắp tới của chúng ta đó, con ạ. Ba có nghĩ cách chế riêng cho con gái của ba một thứ mũ nhẹ hơn, mà vẫn chắc chắn như của mọi người… Thôi, đi về phòng ba, chúng ta nói chuyện nhiều.
 
Giáo sư không quên dặn kỹ sư Vĩnh :
 
- Kỹ sư thay tôi tiếp tục công cuộc thí nghiệm này nhé.
 
Hoài Anh níu tay cha chạy theo.
 
Con Tô có vẻ không được vừa lòng, vì từ nãy giáo sư chưa hỏi han tới nó. Nó chạy quẩn làm vướng chân như bó buộc giáo sư không được quên lửng nó. Nó đã toại nguyện. Giáo sư thấy vướng chân, nhìn nó, cúi xuống xoa đầu con chó tinh ranh và nói :
 
- Cả Tô nữa. Chuyến này Tô cũng được đi theo và bảo vệ hai chủ nhỏ. Tô cũng phải có một mũ riêng cho Tô.
 
Đến trước phòng riêng, giáo sư ngưng lại, chỉ tay về phía trước :
 
- Chú và hai con coi kìa ! Bao nhiêu là xưởng đồ sộ. Đó là những lò nguyên tử… mà đấy mới chỉ là một phần nhỏ của Trung tâm nguyên tử năng này thôi… Rồi đây chúng ta sẽ có thì giờ đi xem xét toàn thể Trung tâm… Bây giờ ta vào nhà.
 
Hoài Anh lăng xăng mở tủ lấy nước giải khát. Riêng chú Kim, Hoài Anh đã “thuộc” tính chú. Hoài Anh đặt trước mặt chú một chiếc cốc vại và rót đầy rượu bia thượng hạng. Chú mỉm cười xoa đầu Hoài Anh. Chú sung sướng, vì cô cháu bé hiểu chú.
 
Hoài Anh liến thoắng :
 
- Ba cho chúng con lên đây để đi đâu với ba vậy ? Anh Hoài Việt cứ cằn nhằn với con hoài. Anh bảo bí mật không nói rõ cho anh biết. Mà nào con có biết gì hơn đâu…
 
Việt tiếp ngay lời em gái :
 
- Sao lần này ba có vẻ kín đáo thế ? Chúng con sốt ruột muốn biết rõ về cuộc hành trình sắp tới này ghê lắm, ba ạ. Có phải không chú Kim ?
 
Chú Kim không nói, ngửa cổ tu nốt chỗ bia còn trong cốc, rồi gật đầu lia lịa.
 
Giáo sư Tôn nghe con hỏi, giơ tay nhấc đôi kính trắng đang đeo, lau đi lau lại. Đấy là cử chỉ quen thuộc của ông mỗi khi ông sửa soạn nói một điều gì hệ trọng. Hoài Anh nhìn Việt như ngầm báo hiệu với nhau. Mấy phút sau, giáo sư mới chậm rãi nói :
 
- Cuộc thám hiểm tôi muốn chú dự, ba muốn cho hai con cùng đi giúp ba đây là một cuộc hành trình thí nghiệm đầy thử thách, bấp bênh và không thiếu gian nguy… Chính vì thế mà mẹ các con đã bao ngày ngần ngại… Nhưng ba trông rằng nhờ Thượng Đế nâng đỡ, ba đã đem hết tài học và sự hiểu biết của ba để dự phòng đủ để ta hoàn toàn thắng lợi, hoàn toàn thành công được.
 
- Đi đâu mà quan trọng vậy ba ? Hoài Việt hỏi.
 
- Ba đã hoàn thành một chiếc phi thuyền. Ta sẽ dùng phi thuyền ấy đi thám hiểm Cung Trăng.
 
Giáo sư lặng nhìn hai con, nhìn người bạn cộng sự, như tìm xem những phản ứng đích thực của những lời ông vừa nói.
 
- Đi thám hiểm cung trăng sao ba ? Hoài Anh tưởng mình chưa nghe rõ, hỏi lại.
 
Giáo sư Tôn âu yếm nhìn con gái :
 
- Phải, ta sẽ đi thám hiểm cung trăng.
 
Anh em Hoài Việt thật như từ cung trăng rơi xuống. Họ ngạc nhiên không thể tả. Họ trố mắt nhìn người cha thân yêu, người cha mà họ đã tin tưởng hầu như vô hạn, vì người đó tài trí, thận trọng. Nói tóm lại, người cha đó là thần tượng của họ…
 
Còn chú Kim. Chú như một lò so bật mạnh lên :
 
- Bác Tôn, bác bảo gì ? Bác bảo lên cung trăng hả ? Trời đất ơi ! Lên cung trăng hả, bác Tôn ? Ông bạn của tôi lên cung trăng ! Người ta thường bảo những người thông thái chúa là hay sống trên mây, trên gió, trên cung trăng… Có sai đâu ! Thì bác Tôn đang ở cung trăng rồi còn phải lên với xuống gì nữa. Phải không hai cháu, phải không cháu Anh, cha các cháu đang ở cung trăng rồi??? Ha… Ha… Ha…
 
Chú lăn ra cười… Cười rũ rượi… Chú vẫn cho là giáo sư muốn đùa nghịch với chú một chuyện gì đây… nhưng chú không sao nhịn được cười.
 
Giáo sư Tôn nhìn hai con, biết hai con đã cảm thông được tầm quan trọng trong việc ông vừa bầy tỏ, chứ không như chú Kim. Ông để chú cười chán chê rồi, ông nghiêm trang nói tiếp :
 
- Chúng ta sẽ đi thám hiểm cung trăng trong ít ngày nữa. Tôi chắc chú không từ nan. Chú sẽ đi cùng cha con tôi, nên tôi đã mời chú tới Trung tâm đây. Có bao giờ chú sợ phải không chú Kim ?
 
Chú Kim lúc này không cười được nữa. Chú biết là việc nghiêm trọng. Mồ hôi chú toát ra. Chú há miệng nhìn giáo sư, định nói mà lời nói không thoát ra khỏi họng được.
 
Tiếng gõ cửa nhè nhẹ bên ngoài. Rồi một bóng người tiến vào, vui vẻ nói :
 
- Chào mọi người.
 
Giáo sư Tôn nói ngay :
 
- A, bác Phụng ! Mời bác… Muộn quá nên tôi chưa kịp đưa các cháu và đại úy đây tới trình diện với bác… Xin ông giám đốc Trung tâm hiểu cho… Đại úy Kim và hai cháu mới tới đó ạ… Đại úy vừa nhất quyết nhận lời cộng tác với tôi trong cuộc thám hiểm này.
 
Nhà bác học Phụng, Giám đốc Trung tâm Nguyên tử năng chìa tay bắt tay chú Kim. Chú vẫn còn bàng hoàng chưa hết ngơ ngác. Nhà bác học vui vẻ nói :
 
- Hân hạnh được đại úy cộng tác. Tôi hết sức khâm phục đại úy. Giáo sư đã cho tôi biết đại úy là người gan dạ khác thường. Đức tính đó cần thiết cho những công cuộc như những công cuộc chúng tôi đang toan tính. Nay gặp đại úy, tôi thấy lời ca tụng về đại úy không ngoa chút nào…
 
- Dạ… thưa… thưa… ngài giám đốc, tôi chưa… tôi chưa…
 
Nhà bác học thân mật vỗ vai chú Kim :
 
- Đại úy đừng khách sáo… đừng quá khiêm tốn… những người như đại úy thật hiếm có. Chúng tôi rất vui sướng được có đại úy trong chuyến lên cung trăng lần đầu tiên này. Đó là một vinh dự đặc biệt đó, đại úy ạ. Ông sẽ là một trong mấy người trước nhất đặt chân lên cung trăng. Chị Hằng hẳn sẽ được hân hạnh trình bầy với đại úy khúc Nghê thường của nàng.
 
Ông Phụng cười, rồi quay lại ôm vai anh em Việt :
 
- Còn hai cháu của bác, bây giờ bác cháu ta mới gặp nhau. Nhưng bác đã nghe nói tới hai cháu nhiều rồi, nhất là trong những công việc các cháu góp phần với cha các cháu từ trước đến nay. Các cháu can đảm lắm. Phải có thế các cháu mới xứng đáng con của một nhà khoa học lừng danh như cha các cháu chứ. À, mẹ các cháu vẫn an mạnh chứ ?
 
Hoài Anh nhìn ông Phụng đáp :
 
- Cám ơn bác, mẹ chúng cháu mạnh. Nhưng mẹ chúng cháu lo lo làm sao ấy ạ.
 
- Lo thì cố nhiên người mẹ nào mà không lo trước những điều mới mẻ như thế này. Nhưng mẹ các cháu thế là can đảm và hy sinh nhiều lắm đó, các cháu. Vả lại mẹ các cháu, cũng như mọi người đều tin chắc sự thành công của cha các cháu, của Trung tâm Nguyên tử năng trong công cuộc vĩ đại này.
 
Trong cuộc thám hiểm đầy nguy nan này, các cháu sẽ là đại diện cho giới thanh thiếu niên nam nữ của Việt Nam đó. Sự góp phần của các cháu sẽ không nhỏ. Khoa học sau đây sẽ không thể quên được tên Hoài Việt, Hoài Anh đâu. Bác nói thật, bác phân bì một chút với cha mẹ cháu đấy. Vì mặc dầu bác nhiều tuổi hơn ba các cháu, nhưng các con bác hãy còn nhỏ. Nếu không bác sẽ xí phần cho một hai đứa trong cái vinh dự này… Phải, thanh thiếu niên Việt Nam cũng biết can đảm, cũng biết tìm làm những gì có lợi cho đất nước, cho nhân loại chứ đâu chỉ toàn những hạng ăn chơi trác táng, trốn tránh trách nhiệm, các cháu nhỉ.
 
Nhà bác học nói như mê man… Rồi ông như sực nhớ ra :
 
- Thôi ! Bây giờ khuya quá rồi, đại úy và hai cháu chắc mệt nhiều vì cuộc hành trình. Để mọi người đi nghỉ. Ngày mai giáo sư Tôn sẽ đưa tất cả đi quan sát Trung tâm. Đây là lần đầu tiên những người lạ được đặt chân vào khu cấm địa của Trung tâm. Việc bảo mật đòi hỏi như thế. Tuy vậy, người ta vẫn chưa thể nói là phòng bị cho chu đáo đủ, phòng bị quá đáng được. Những con mắt gián điệp, phá hoại thèm dòm ngó vào những nơi Trung tâm này lắm. Thôi, chúc mọi người ngủ ngon ! Chúc riêng cháu Hoài Anh mơ trước thấy chị Hằng Nga nhé ! Cháu của bác xinh thế này mà lên Nguyệt điện thì Hằng Nga sẽ ghen với cháu đấy…
 
Hoài Anh bẽn lẽn, đỏ mặt chống chế :
 
- Đấy… chưa chi bác đã chế cháu rồi…

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 2
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>