Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

PHƯỢNG - mùa hè năm xưa


N
hững tàn cây xanh mát chạy dài suốt con đường. Cây xanh và thật tươi tốt. Lá dày mịt, lá mọc rất nhanh sau một cơn mưa đầu mùa. Những chiếc lá với từng phiến tròn xếp đều đặn. Từ lúc còn nhỏ và cả bây giờ tôi không lúc nào thấy cây trụi lá. Duy chỉ có mùa đông thì trông hơi buồn một tí, sau đó lá lại mọc nhanh phát khiếp. Và luôn luôn lá xanh dày mịt mịt, thân cây lúc nào cũng chịu mang hoài những chiếc lá. Bây giờ thì lá đang xanh mơn mởn và đang chớm nụ xanh tròn nho nhỏ. Đó là mấy cây phượng đầu làng quê tôi. Chẳng biết ai trồng mấy cây đó tự lúc nào, chỉ biết rằng lúc tôi tập tễnh trèo cây thì nó đã to vòng tay ôm chẳng hết. Bọn trẻ và tôi cũng thích và hãnh diện với gốc phượng đó lắm. Dù sao lúc có ai hỏi nhà, tôi đã hãnh diện trả lời: “Nhà cháu ở đầu làng chỗ mấy cây phượng đỏ chét quẹo vô đó”.

Nhà tôi hồi đó có một cây trứng cá trước cửa. Cây trứng cá to suýt soát cây phượng. Mỗi trưa tôi hay trèo lên cây hoặc để bắt ve hoặc chỉ nhìn vẩn vơ. Ngồi trên chót ngọn có thể nhìn thấy gần hết làng nhỏ xíu, vì nhà tôi ở một nơi khá cao. Thấp thoáng mây tôi còn thấy ngọn núi Bà Đen sừng sững. Những hôm trời trong, như mùa hạ chẳng hạn, tôi còn thấy cây cối xanh um chằng chịt trên sườn núi. Có hôm tôi thấy cả con đường đất đỏ vòng quanh núi, chị em tôi cãi nhau về con đường đất đỏ đó. Tôi quả quyết rằng đó là con đường, chị tôi nhất định làm gì có con đường mấp mô tuốt trên ngọn như vậy. Hình như chúng tôi cãi nhau ghê lắm, thiếu điều tôi muốn xô chị tôi ngã xuống đất. Và bây giờ tôi chẳng biết đó có phải là con đường không. Nhà tôi chỉ có 3 người. Má, chị tôi và tôi. Căn nhà ba gian lợp ngói rộng thênh thang với mấy cột nhà bóng loáng và đồ sộ giữa nhà. Kỳ lạ là nhà tôi rất nhiều cột, không biết có phải cột đó để chống đỡ cho căn nhà không. Trí nhớ và tính non nớt của tôi vẫn thấy chập choạng mỗi đêm mưa không biết bao nhiêu là cái cột nhà to tướng. Vậy mà với ba người với tôi đã sống trọn thời thơ ấu trong căn nhà rộng thênh đó.

Má tôi suốt ngày chỉ quanh quẩn bên vườn rau, giàn mướp sai quả, cây đu đủ sau nhà. Chị em tôi đi học hình như gần suốt ngày, trưa về đi chơi với bạn, nên má tôi dồn gần hết tình thương vào đám cây trái. Trưa nào buồn buồn tôi hay ra sau vườn, má nằm võng đọc sách và tôi nhổ tóc trắng. Niềm vui của má tôi quanh quẩn với mấy loại cây đó, mỗi lần tôi khen cây sai trái, tươi tốt; niềm vui hiện rõ trên mặt. Biết thế, tôi hay ra khen những cây má trồng để được vài trái ổi hay trái đu đủ rớt. Ba tôi đi làm ở đâu xa xăm lắm, lâu thật lâu mới về. Về vội vàng rồi đi, để má tôi buồn bã tiễn ra đến gốc phượng rồi lầm lũi quay về.

Tôi đi học năm lên sáu. Đối với đứa trẻ khác thì hơi sớm. Lúc đó tôi đã chán trèo lên cây, chán ra nhổ tóc nói chuyện về cây cối với má. Tôi đi theo mấy đứa chăn trâu, đánh trận bắt cá. Má tôi phải bắt tôi đi theo chị tôi, vì sợ tôi lại đi chơi lêu lổng. Lớp học của ông giáo già lúc nào cũng lăm lăm cây roi mây. Nói là lớp thì không đúng, đó chỉ là căn nhà của thầy, xếp bàn ghế và treo một tấm bảng đen. Thế là có một lớp học. Lớp sát bên ngôi chùa, suốt ngày tôi nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ và tiếng chuông buồn bã. Lúc đó tôi còn nhỏ quá so với những đứa khác trong lớp học hỗn độn này. Ngày đầu tiên vô học, tôi khóc và trì lại phía má trước bàn tay cầm roi hung dữ của ông giáo. Má tôi phải đưa tiền cho ông giáo để ông mua cà rem mỗi lần tôi khóc. Thế là suốt năm đó tôi chỉ ngồi ăn cà rem, nghe chuông và nhìn bâng quơ ra bầu trời xanh. Vào mùa dế năm đó, tôi lén xin ra đi tiểu để bắt dế ở đống rơm sau trường. Những chú dế thường bị bóp kín trong tay để khỏi gáy vang làm tôi khổ sở hết sức trong buổi học. Thường mấy chú dế hay được ăn cà rem vì tôi cứ chực khóc mỗi lần chú gáy. Thật không còn gì bực bội bằng ngồi suốt 2 giờ với chú dế cứ cựa quậy trong tay. Rồi tôi hay trốn học, hay ra đống rơm bắt dế. Má tôi phải lấy hộp thiếc đựng giấy tờ của ba cho tôi. Mỗi lần ngồi trong lớp để khỏi đi chơi, tôi tự do nghịch với dế than, dế lửa… Trọn năm tôi chẳng hề biết đến chữ a, chữ b tròn méo ra sao, chỉ biết vốc đất làm giấy thấm hút mực cho chị tôi.

Khi mà những cơn mưa vẫn ồ ạt mỗi ngày, mỗi chiều về học. Lúc đó lớp học gần đến ngày nghỉ, ông giáo cũng lười hơn nên tôi được nô đùa hoài ngoài sân. Tôi hay lấy nụ phượng chơi đá gà, một vài cây phượng thấp chưa kịp nở hoa đã trơ trụi trông thấy. Có chiều trời mưa như trút, chị tôi và tôi co ro trong chiếc áo rách, không đủ che ướt! Môi run lập cập tôi vẫn thích đá tung những vũng nước làm 2 chị em ướt nhẹp. Hay tôi thỉnh thoảng ngồi thụp xuống bất ngờ để nhặt đồ trôi. Chị tôi vẫn phải kí đầu tôi hoài suốt quãng đường mưa. Mưa thật lạnh nhưng tôi vẫn cười vì vui thú, rồi lúc về đến nhà không kịp tắm rửa lại, sà xuống bếp lửa.

Phượng bây giờ đỏ lắm rồi, trèo lên cành trứng cá chỉ thấy toàn màu đỏ ngợp mắt! Toàn cây trông như khúc củi khô vụng về gắn lên từng chùm hoa đỏ, có lá xanh nữa chứ, nhưng chìm khuất bên màu đỏ. Hoa huệ rừng nở đỏ cả lối đi. Mùa hạ đi đâu cũng chỉ thấy toàn màu đỏ, đỏ thắm. Lúc đó trong lớp học tôi có một thay đổi. Đó là sự có mặt của Bạch, con bé lớn hơn tôi vài tuổi. Bạch là con của ông Phú, một người giàu gần như nhất làng. Bạch học ở tỉnh về chơi, con bé hay lại lớp học ngồi chơi. Với cái lồng nho nhỏ kết đầy hoa dâm bụt đỏ và hoa sứ trắng trong đựng thật nhiều dế. Những chú dế của Bạch mua của bọn nhỏ nên rất chiến, chúng gáy vang sân lớp học. Tôi ngồi nhìn say mê, chúng đá nhau không cần phải quay, phải thổi gì cả. Qua chiếc lồng sắt, tôi thấy đôi cánh chú dế lửa vàng nâu rung lên từng chập theo tiếng gáy. Mái tóc dài của Bạch phủ xuống gần trọn cái lồng, cặp mắt say mê ghé sát song sắt.

Những con dế của tôi mùa hạ đó cứ lần lượt chết theo từng cành phượng héo. Chị tôi mắng tôi ngu vì tôi cứ bắt chúng ăn hoa phượng. Tôi thì chẳng thấy mình ngu tí nào. Phượng đỏ gắn và trải trong hộp trông hay hay. Cho nên chúng cứ chết hoài, tôi lại chẳng có thì giờ đi bắt nữa. Ông giáo đã chiếu tướng đến tôi theo lời má tôi dặn. Chị tôi đã thấy tôi một lần lang thang ngoài đồng. Tôi được mua cho một quyển vở và một cây bút trong cuối niên học. Rồi hoài hoài quyển vở vẫn trắng, tôi ngồi đó cầm cây bút nhìn ra ngoài sân. Con Bạch rủ rê bạn mới lại đá dế, chơi bán hàng. Góc sân của ông giáo luôn luôn bị chiếm cứ, vì ông giáo có bà con với Bạch. Lúc này lồng bị bỏ rơi, tiếng gáy vang lên từng chập và đôi lúc tôi thấy rơi rớt những cái chân dế bại trận. Bạch quay qua trò chơi bán hàng và chơi nhà chòi. Con bé đem cả bánh bích quy, mận, bún ra làm trò chơi. Thường sau cuộc, chúng tôi ăn bánh rất là vui vẻ. Buổi sáng đó tôi thấy Bạch mang đến một hộp bánh. Hộp bánh vẽ hình dĩa trái cây, dưới cặp mắt nhà quê của chị em tôi đó là một cái gì to lớn lắm. Tôi khều tay chị: “Chị coi con Bạch có cái hộp đẹp ghê kìa!” – “Kệ nó chứ!” – Tôi van nài: “Em thích cái hộp đó, cho em ra ngoài chơi nghe”. – Chị tôi lắc đầu: “Mình nghèo mà!” – Như sợ tôi nghe được lời vừa nói, chị tôi đánh trống lảng: “Coi chừng thầy nghe à”. Tôi bỗng nhớ đến ba tôi, nhớ bâng quơ và mơ hồ.

Dần dần chị tôi quen Bạch, nhờ những giờ chơi chị lại gần con bé làm quen. Tôi được thỉnh thoảng nửa cái bánh bích quy, chị tôi đi hái hoa cho Bạch để đổi. Bạch vẫn dùng hộp bánh để đổi công lấy hoa, kiếm cành. Tôi biết chị tôi phải khom người thật sát, với tay thật cao, và biết chạy thật nhanh mỗi lần đi hái trộm dâm bụt. Tôi biết chị tôi phải nhón gót để nhảy lên hái những trái gòn, kiến động ổ rơi đầy trên người chị. Cái lồng, những con dế của Bạch tôi vẫn thích hơn bánh. Nhưng nó vẫn xa hơn những cánh hoa dâm bụt, cao hơn trái gòn, có lẽ chị tôi và tôi không có được cái lồng dễ thương như thế đâu.

Chị tôi đi học sớm. Đáng lẽ quanh xuống xóm, chị tôi đi ngược lên đầu làng. Hai chị em lầm lũi đi dưới bầu trời chưa sáng rõ, đôi chân mát rượi sương đêm. Đến một cây phượng thấp nhất ở xa hơn, chị tôi hái một cành hoa đỏ ối. Quanh trở lại lớp học, hai chị em chạy nhanh khi đi ngang qua nhà tôi. Chị tôi bảo hái để đổi lấy bánh bích quy. Tôi dùng dằng, vốn mơ ước cái lồng dế đó, tôi nói: “Em chả thèm ăn bánh đâu, em thích con dế hơn”. Chị tôi xịu mặt, giận dỗi. Rồi chị lại cười với tôi nói sẽ xin con Bạch, đổi lại bằng một điều kiện. Con Bạch thích phượng từ hôm chị tôi đưa cho một cánh. Nó ngạc nhiên về loài hoa lạ chưa từng thấy, chị tôi nói ở đầu làng đó thiếu gì. Bạch càng ngạc nhiên hơn nữa vì con bé chưa từng thấy một cánh hoa nào ở đó cả. Chị tôi kể cho tôi nghe và cười rất vui vẻ, chị nói chắc mắt Bạch lé hay sao, cả một hàng cây đỏ chói mà chẳng thấy. Tôi và chị tôi cười.

Điều mà tôi mơ ước sắp được rồi. Sáng đó chị tôi mang cành phượng đến, Bạch trố mắt thích thú. Và nó bằng lòng đổi cái lồng dế bằng thật nhiều cành phượng để cất nhà. Chị tôi mang đến một cái bánh, cười với tôi và tôi cười vui vẻ hơn chị nữa.

Buổi trưa má tôi lại nằm ngắm những cây cỏ sau nhà. Chị tôi dặn tôi phải ở nhà nhổ tóc cho má để mình chị lén ra hái. Tôi ra nằm võng với má, nhưng sao tôi lại nhổ lầm toàn là tóc đen! Buổi trưa ở nhà tôi thật vắng lặng, tôi nghe cả tiếng tu hú kêu ở vườn mía bên kia sông. Tôi tưởng tượng đến vườn mía có các cây mía vàng tươi ngọt phải biết. Đã một lần chị tôi qua bên đó mua mía cho tôi, suýt bị chìm xuống sông vì chị tôi không biết chèo và không biết lội. Dòng sông rộng lắm, nhìn ngút mắt bên bờ những ngọn mía phất phơ.

Khó nhọc lắm chị tôi mới trèo lên được trên cao. Đáng lẽ tôi đi hái nhưng chị tôi không cho, viện lẽ má sẽ không cho tôi đi. Lúc đó tuy còn rất nhỏ tôi cũng biết leo cây, thường trèo thoăn thoắt cây trứng cá. Dưới chân cỏ xanh mởn, lác đác vài cánh phượng. Đường vắng thật vắng và trưa thật yên lặng. Chỉ có gió luồn trong lá, lấp loáng dưới cỏ những bóng nắng lung linh như hoa. Trên đầu phượng đỏ rợp, tiếng tu hú kêu từ bờ sông nào văng vẳng. Chị tôi đứng run run trên cành, chỉ sợ người ta trông thấy. Chị hái thật nhanh, vội vàng liệng xuống cỏ. Bàn chân thoăn thoắt chuyền từ cành này sang cành khác, chắc chị tôi đang nghĩ đến cái lồng dế hân hoan xách về, như một viên tướng thắng trận oai hùng và vui vẻ. Đối với tôi lúc đó chị tôi như một người anh và với tính dịu dàng nữa. Lúc chị bênh vực tôi, che mưa cho tôi, làm những việc khó khăn cho tôi, vì tôi. Lúc chị tôi dịu ngọt, hay để dành quà bánh và dạy tôi chơi những trò chơi hồn nhiên, vui vẻ và mộng mơ nữa.

Không lâu lắm gốc phượng trơ trụi đến thảm, giơ mấy cành trụi lá xanh trên nền trời. Dưới cỏ chồng chất nhánh đỏ, mấy cành hái đầu tiên muốn héo. À, còn một cành cuối cùng đỏ ối. Cơ hồ như gần hết màu đỏ của cây đều gắn trên cành khẳng khiu đó. Nhưng nó ốm quá. Mà hoa hái hồi nãy lại héo rồi. Chị tôi đưa một tay vói hái, không tới. Chị bước ra nhánh trụi dưới chân, đưa tay, rướn người để chạm đến màu hoa đỏ.
Không biết một tiếng động kỳ lạ gì xảy ra sau đó. Chị tôi rơi từ trên cao xuống. Tiếng động đau đớn rơi xuống cỏ, đè bẹp một cành phượng. Không biết chị tôi nằm đó bao lâu nữa. Bàn tay chị tôi vô tình khi rơi xuống đâm vào miếng miểng chai. Đưa bàn tay chảy máu lên nhìn, xoa cánh tay bị trặc chị tôi lồm cồm ngồi dậy. Tôi biết chắc chị tôi phải gắng gượng lắm mới ôm nổi bằng ấy cành cây đến nhà con Bạch.

*

Chị hân hoan đưa cao cái lồng, như một chiến thắng nhục nhã. Con Bạch tỏ ý tiếc khi thấy các cành phượng héo. Nó trề môi, tỏ vẻ khinh bỉ vô cùng. Tôi đã nhìn thấy cái lồng đầu tiên, rồi cái dáng khập khễnh. Chị chống một cây bàng, cố gắng đi từng bước một. Cái đầu gậy gõ lộp cộp xuống cỏ, nghe nhức nhối như cánh tay chảy máu. Chị tôi ngồi bệch xuống thềm, đưa cái lồng lên cao. Tôi ngạc nhiên ghê lắm. Tôi nhìn thấy lòng bàn tay trái chảy máu, cánh tay sưng vù, những vết hoa phượng nghiền nát đỏ thắm, màu xanh của cỏ nát, màu nâu của đất hiện trên cái quần đen. Chị tôi nhìn tôi hờ hững cầm cái lồng. Bốn con mắt gặp nhau, tôi tự nhiên hết ưa những con dế gáy vang trong lồng. Tôi nói: “Em không thích con dế này nữa”. Tôi buông cái lồng, nó lăn từ bậc thềm cao xuống sân. Nhìn lại những vết thương của chị tôi, tôi tự nhiên ghét mấy con dế. Chị tôi cười gượng gạo. Bỗng nhiên tôi nghe thương chị tôi vô cùng, và tôi khóc, chị tôi cũng khóc nữa…

*

Bây giờ tôi lại trở về với má tôi, về giữa một mùa hè rực rỡ hoa đỏ trong trí tưởng. Với cõi lòng thanh thản, êm ả, tôi về. Má tôi vẫn sống ở đó, như xưa. Chiều nhìn ngọn núi mờ mờ sương, nghe tiếng tu hú bên kia vườn buồn bã, hẳn má tôi bạc trắng mái tóc buồn phiền. Mùa hè vẫn rực rỡ với phượng, với những chú dế, với sân cát quen thuộc lớp học. Chị tôi lớn lắm rồi, má tôi già thêm với mái tóc bạc phơ. Duy chỉ có khung cảnh không thay đổi, với tôi, mười năm về trước. Cũng còn hàng phượng đỏ, lớp học chị em tôi, những con dế mơ ước của tuổi nhỏ. Hỡi những gì đã chứng kiến suốt quãng đời thơ ấu của tôi, đừng thay đổi, hãy giữ cho tôi những kỷ niệm ấu thời. Và cả má tôi, chị tôi nữa…


Trần Hữu Nghiêm  
(bút nhóm Hoa Nắng)


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 155, ra ngày 15-6-1971)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>