Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

CHƯƠNG 7, 8_ PHIÊU BẠT


7


Ông Hai Hòa đứng tựa lưng vào tường, trước mặt là cái giá cắt hình, chùm ống tiêu đeo lủng lẳng trên tay, giả bộ chờ khách trong lúc Dũng nấp ở gần đấy, chờ đợi. Cả hai đều hồi hộp bứt rứt vì người đàn ông tên Thanh hình như vẫn vắng nhà, cửa đóng im lìm. Hai bác cháu đã dặn nhau khi nào Sáu Lung tới, ông Hai sẽ thổi lên một điệu sáo ngắn. Nếu hai điệu liên tiếp thì Dũng phải rời chỗ nấp ra gặp ông rồi sẽ tùy cơ ứng biến.

Hai bác cháu đợi đã lâu lắm. Dũng vừa muốn thoái chí thì chợt nghe tiếng tiêu của ông Hai nổi lên. Sáu Lung đến ! Hắn đập cửa như hôm qua nhưng khi nhận ra trong nhà vẫn im tiếng người, hắn nổi khùng đạp vào cửa thình thình.

Nghe tiếng đập như phá cửa, người đàn bà kế bên ló đầu ra, sẵng giọng :

- Ông Thanh đi chưa về.

- Chưa về ! Sáu Lung càu nhàu, mà ông ta đi đâu chớ ?

- Tôi không biết.

- Ổng đi hồi nào ?

- Thấy nhà đóng cửa lâu rồi.

- Chừng nào ổng về, bà biết không ?

- Không biết.

Nói đoạn người đàn bà đóng sập cửa lại, Sáu Lung văng tục, qua lại bực dọc một hồi trước cửa rồi bỏ đi.

Tiếng tiêu của ông Hai liền nổi lên, từ điệu Bình Bán tiếp sang Lưu Thủy...

Dũng nhảy bổ sang, ông Hai dặn :

- Hắn vừa đi đó. Cháu theo xem hắn đi đâu rồi trở lại cho bác hay.

Sáu Lung lại vào quán nhậu. Lúc trở ra mặt hắn đỏ gay, khệnh khạng tới bến xe ngồi đợi. Điếu thuốc lá của hắn luôn luôn phì phèo trên miệng.

Lát sau có chiếc xe đò tới, Sáu Lung bước lên. Dũng muốn tới gần xem hắn mua vé đi đâu, nhưng chiếc xe từ Sài gòn xuống chỉ ghé bến nhặt thêm khách rồi chạy luôn.

Dũng trở lại tìm ông Hai Hòa :

- Hắn lên xe dông mất rồi, bác Hai à !

- Biết hắn đi đâu không ?

- Dạ không !

Ông Hai gắt nhẹ.

- Cháu dở quá ! Biên Hòa có hai đường : một đi thẳng lên Đà lạt, một rẽ qua Vũng Tàu. Sao cháu không hỏi thăm người ở bến, xem chuyến xe hắn vừa lên chạy ngả nào ?

Dũng dậm chân :

- Ờ nhỉ ! Cháu ngu quá ! Giờ lỡ rồi phải làm sao bác ? Hay mình đi Vũng Tàu ? Phải đấy là biển không bác Hai ?

- Ờ, biển !

- Xa không ?

- Độ một trăm cây.

Dũng hăm hở nắm lấy tay ông Hai :

- Nếu vậy, mình đi Vũng Tàu, bác Hai nhé.

Nhưng không thấy ông Hai tỏ vẻ tán thành, Dũng nhìn ông ngạc nhiên :

- Sao bác Hai ? Từ đây ra đó có trăm cây số, mình có đủ tiền xe mà.

Ông Hai nhún vai :

- Bác cháu mình muốn ra đó cũng được... nhưng ra làm gì chớ !

- Ủa, thế còn Nga ? Bác quên mục đích của mình rồi sao !

Ông Hai đặt tay lên vai Dũng, thở dài :

- Dĩ nhiên mục đích của mình là cứu thoát Nga khỏi tay Sáu Lung. Song dù cháu có gặp nó ở Vũng Tàu thì cháu làm gì được ? Nga nó cũng chẳng hiểu biết gì hơn cháu. Nó không thể cho cháu biết tại sao Sáu Lung vội vã đem nó đi khỏi Sàigòn, và cũng không hiểu tại sao thỉnh thoảng hắn tới Biên Hòa làm gì nữa.

Dũng sịu mặt nhìn ông Hai. Ông tiếp :

- Bác biết cháu nóng lòng lắm, Dũng à. Nhưng theo bác suy luận thì ta nên tìm đầu mối vụ này ngay ở đây...

- ? !

- Này nhé, khi còn ở Sàigòn thỉnh thoảng Sáu Lung vẫn tới Biên Hòa gặp người đàn ông tên Thanh. Và cả bây giờ nữa hắn cũng đã đến. Vậy ta phải tìm biết cái ông Thanh nào đó là ai ? Có đồng lõa gì với hắn và có liên hệ gì tới quá khứ của Nga không ? Bác chắc mai mốt gì Sáu Lung nó cũng còn trở lại nữa...

- Nếu hắn không trở lại ?

- Hắn trở lại chắc chắn mà... bác cháu mình còn phải dò la cho biết tông tích của ông Thanh nào đó nữa. Phải kiên nhẫn Dũng à. Từ mai bác sẽ bày hàng tại đây. Có lẽ ở phố này món hàng của bác không được hoan nghênh lắm, và lợi tức hàng ngày sẽ giảm sút đi. Nhưng bác nhất định chờ cho tới khi có kết quả.

Luôn hai ngày ông Hai kiên nhẫn đứng đợi. Chủ nhà vẫn chưa về, nhưng ông Hai đã có dịp làm quen với mọi người trong phố. Trong lúc trò chuyện ông khéo léo dò hỏi về người chủ căn nhà mà ông đang đứng trước cửa. Nói đến ông Thanh, nhiều người tỏ vẻ hoài nghi. Có người nói : "Ông ta lạ lắm, sống giam hãm trong nhà, ít khi ra ngoài giao dịch với ai". Kẻ bảo : "Ông ta như người lẩm cẩm, nhút nhát làm sao ấy". Có điều không ai biết rõ về quá khứ của ông ta, cũng như không ai hiểu ông ta đi đâu từ ít lâu nay.

Cho đến một buổi trưa, trời bỗng đổ cơn mưa lớn. Ông Hai lúng túng chưa biết ẩn vào chỗ nào cho khỏi ướt thì có tiếng gọi :

- Này ông, vào đây mà trú mưa !

Ông Hai nhận ra tiếng nói của người đàn bà bên cạnh. Bà mở cửa cho ông vào, ái ngại nói :

- Mưa lớn quá. Ông ngồi nghỉ đây một lúc cho khỏe.

Như mọi người đàn bà tốt bụng và dễ gợi chuyện lại gặp buổi trời mưa có ông Hai vào trú nhờ, nên sau vài lời xã giao bà vui miệng kể cho ông nghe đủ chuyện. Nào gia cảnh của bà hiện chỉ còn người con trai chưa vợ nhưng đã vào quân ngũ, người con gái lấy chồng ở xa nên bà hiện sống cô độc một mình... Luôn tiện bà nói đến những người hàng xóm nữa. Được dịp ông Hai hỏi thăm nhà bên sao không thấy bóng ai ra vào và cửa đóng kín im ỉm suốt ngày.

- À, ông Thanh. Bà ta đáp. Ông ấy đi vắng đã lâu. Tội nghiệp, ông ta hiền lành, ốm yếu và hình như luôn luôn có sự lo lắng. Theo tôi, ông ta chỉ khổ về một mụ đồng bóng.

- Sao vậy ?

- Ông hay đến nhà một người đàn bà mà người ở đây quen gọi là bà thầy để nhờ xem chỉ tay. Có trời hiểu mụ ta đã nói những gì. Riêng tôi thì tôi khuyên ông không nên đến nhà mụ đồng ấy mà nghe con mẹ ấy nói láo làm gì.

- Bà quen ông Thanh à ?

- Không quen lắm, chỉ là chỗ hàng xóm thôi, nên đôi khi ông có qua chơi. Hình như ông ta có điều gì ẩn ức muốn thố lộ mà không nói ra được.

- Bà biết ông đi đâu không ?

- Ông không nói với tôi. Trước khi ông đi ông đem đốt hết các giấy tờ. Tôi e rằng ông đang gặp tai họa gì đây.

Chợt có tiếng gọi bên ngoài.

- Bác Hai !... Bác Hai !

Dũng đến tìm, không thấy ông Hai, nên cất tiếng gọi.

Mưa đã lạnh, ông Hai cảm ơn và từ giã người đàn bà. Khi chỉ có hai bác cháu, ông bảo Dũng :

- Cháu đưa bác đến ngay nhà bà thầy hôm nọ xem chỉ tay cho cháu.

Dũng ngạc nhiên :

- Bác cũng muốn xem chỉ tay à ?

- Không, để hỏi thăm về tin tức ông Thanh.

Dũng dừng chân, nhìn ông Hai :

- Bà ấy biết ông ta hả bác ?

- Có lẽ.

Để Dũng biết rõ hơn về ý định của mình, ông Hai thuật lại cuộc hội kiến bất ngờ của ông với bà hàng xóm nhà ông Thanh.

Dũng băn khoăn :

- Việc ông Thanh này có liên hệ gì với quá khứ của Nga không bác nhỉ ?

- Có thể, cháu à. Và bác hy vọng nhờ biết rõ bí ẩn về ông Thanh mà ta sẽ cứu được Nga khỏi vòng lao lý.



8


Dũng dẫn ông Hai đến nhà bà Thầy. Thấy Dũng, bà mỉm cười nhìn Dũng như có ý hỏi xem anh đưa ông Hai đến có chuyện gì. Biết không có ai trong nhà Dũng mới nói :

- Thưa... cô, bác Hai em muốn thưa chuyện với cô.

Bà thầy mời ông Hai ngồi. Ông tiếp lời Dũng :

- Vâng, chúng tôi muốn hỏi thăm bà về ông Thanh nhà ở gần đường bờ sông trong thành phố này. Chắc bà có biết ông ta ?

- Tôi có biết ông ta như hầu hết mọi người ở Biên Hoà.

- Thưa có phải ông Thanh thường đến gặp bà luôn ?

Bà thày tướng ngập ngừng nhìn ông Hai rồi lại nhìn Dũng.

- Ông hỏi làm chi vậy ?

- Dạ, chúng tôi biết hỏi như thế này cũng có hơi đường đột nên xin bà thứ lỗi cho. Chúng tôi chỉ xin bà vui lòng cho biết có phải ông Thanh thỉnh thoảng vẫn đến đây nhờ bà xem hộ về hậu vận?

- Điều đó thì có.

Ông Hai liền giả bộ thở dài tiếp :

- Chúng tôi có một điều bí ẩn muốn nói với bà. Nếu bà vui lòng giữ kín cho, chúng tôi mới dám nói.

- Ông cứ nói đi. Tôi thề sẽ giữ kín.

Bằng một giọng cảm động ông Hai nói :

- Chúng tôi thành thật tin vào lời hứa của bà và hy vọng vào sự giúp đỡ của bà nữa. Nguyên chúng tôi đang đi tìm một đứa trẻ gái bị thất lạc cha mẹ cách đây tám hay chín năm. Đứa trẻ ấy hiện đang ở với một người đàn ông mà lâu lâu người ấy lại tới Biên Hòa để gặp ông Thanh. Tuần mới rồi hắn cũng có tới tìm, nhưng ông Thanh không có nhà, đã đi đâu biệt tích. Chúng tôi chắc chắn rằng sự liên lạc giữa người đàn ông kia với ông Thanh có liên quan tới vụ bắt cóc đứa cháu gái. Có khi nào ông Thanh thổ lộ với bà việc ấy không ạ ?

Bà thầy chăm chú lắng nghe vừa đưa mắt quan sát ông Hai và Dũng.

- Ông vừa nói một đứa trẻ gái phải không ?

- Thưa vâng, đứa trẻ đó không nhớ thất lạc cha mẹ trong trường hợp nào, và sinh trưởng ở đâu. Chỉ mang máng nhớ khi xưa đã ở một tỉnh thuộc miền duyên hải, nhà ở bên bờ biển...

- Nha Trang !

Cả ông Hai lẫn Dũng đều sửng sốt :

- Nha Trang ?… Vậy ra bà có biết ?

Bà thầy tướng số lẳng lặng đứng lên bước vào phía bàn trong, rót hai tách nước đem đặt trước mặt ông Hai và Dũng. Ông Hai khẩn khoản :

- Nha Trang, một thành phố đẹp nhất ở miền Trung Việt. Ồ ! Thưa bà, nếu bà biết gì hơn xin bà vui lòng cho chúng tôi rõ. Chắc ông Thanh đã có nói với bà ?

- Vâng. Bây giờ thì tôi có thể nói điều bí ẩn này ra được mà không sợ phản bội lòng tin của ông Thanh, vì... ông ta đã chết.

Hai bác cháu nhảy nhổm trên ghế :

- Chết ? Ông Thanh chết rồi ?

- Phải, mới được bốn hôm trong bệnh viện, chết một cách đột ngột, nên không kịp thú những điều lầm lỗi hằng đè nặng trên lương tâm ông. Cầu trời cho ông được siêu thoát...

Ngưng một lát tay chắp trên ngực như để cầu nguyện cho vong linh người quá cố, bà thầy ngậm ngùi tiếp :

- Ông Thanh lúc còn sống thường vẫn đến đây. Tội nghiệp, ông là người đáng tội với luật pháp, nhưng giá ông có can đảm thú tội ra để rồi vào tù đền tội, có lẽ còn đỡ khổ hơn là bị lương tâm dằn vặt. Tôi biết ông từ năm sáu năm nay. Lần đầu tới đây, ông nhờ tôi xem hộ coi định mệnh có dành cho ông một hậu vận dễ chịu không. Thuật tướng số của tôi, thú thật... chỉ mù mờ vậy thôi, nhưng với thiện chí làm dịu vợi nỗi đau buồn của kẻ khác tôi đã hứng khởi họ trong niềm hy vọng. Đối với ông Thanh cũng vậy. Cho nên, những lần trở lại sau, để vợi bớt những cắn rứt của lương tâm, ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện thật buồn.

Bà thầy tướng số thở dài, trầm giọng tiếp :

- Kẻ vừa quá cố xưa kia có một người em trai, một người em hoang tàng, có đủ mọi nết xấu, thường giao du với bọn lưu manh du đãng. Người em đó, vì thế mà cũng trở thành hạng đầu trộm đuôi cướp bị pháp luật kết án, luôn luôn bị cảnh sát lùng bắt. Để trốn tránh, hắn tính chuồn đi ngoại quốc. Nhưng trước khi vượt biên hắn mưu toan làm một vố lớn. Hắn liền bắt cóc một đứa trẻ gái ở Nha Trang để đòi tiền chuộc. Cha mẹ đứa nhỏ bằng lòng trả một số tiền lớn. Nhận tiền rồi, nhưng hắn không trả đứa bé, lúc ấy đã lên năm tuổi, vì sợ đứa bé nhớ mặt kẻ đã bắt cóc em, và có thể chỉ dẫn cho nhà chức trách lùng bắt thủ phạm.

Một đêm hắn đem đứa nhỏ, mà hắn không nỡ giết đi, tới trao cho anh hắn là ông Thanh rồi trốn biệt. Từ đấy tấn bi kịch mở màn. Ông Thanh có thể kín đáo thu xếp cho đứa nhỏ trở về với cha mẹ nó được. Nhưng ông sợ đổ bể, gia đình ông sẽ mang tai tiếng, nhơ nhớp vì hành động của đứa em mà ông vẫn phải che giấu. Ông lại còn một bà mẹ già. Bà cụ sẽ chết ngay nếu biết thanh danh của gia đình bà bị ô nhục. Bởi thế nên ông lần lữa mãi, và rồi không dám trả đứa nhỏ về cho cha mẹ nó nữa.

Trong tình thế nan giải đó, bỗng xuất hiện một tên lưu manh, có lẽ đồng bọn với người em của ông Thanh. Hắn đến đề nghị với ông lãnh đứa nhỏ đem giấu đi nơi khác, và hứa làm cho đứa nhỏ quên hẳn nguồn gốc của nó đi, dĩ nhiên với điều kiện là ông Thanh phải cung phụng cho hắn một số tiền. Nếu không hắn sẽ đi báo cảnh sát. Bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan, ông Thanh đành nhận lời, trao đứa trẻ cho hắn.

Dũng thốt kêu :

- Sáu Lung !

Bà thầy tướng ngẩng nhìn Dũng :

- Em biết tên lưu manh đó à ?

Ông Hai gật đầu, đỡ lời :

- Thưa vâng, chúng tôi đang theo hắn. Và cũng vì thế mà chúng tôi có mặt tại đây. Xin bà cho biết nốt câu chuyện rồi sau ra sao nữa ?

- Thế rồi, suốt tám năm nay, ông Thanh sống trong lo âu hối hận lại luôn bị tên kia dọa nạt tống tiền, đến nỗi lâm vào cảnh túng quẫn. Tình cảnh ấy làm ông suy nhược, bệnh hoạn. Lần cuối cùng cách đây độ một tháng ông tới gặp tôi. Tôi biết chuỗi ngày tàn của ông sắp tới, nên khuyên ông nên vào tĩnh dưỡng trong bệnh viện của một hội thiện, và ông đã kết thúc cuộc đời ở đấy !

Bà thầy chấm dứt câu chuyện bằng một tiếng thở dài. Ông Hai và Dũng xúc động ngồi im một lát. Tấm thảm kịch xảy đến cho ông Thanh làm họ cảm thương. Bao nhiêu khinh ghét, bất mãn đều đổ vào Sáu Lung cả.

Ông Hai Hòa đứng lên :

- Chúng tôi xin cảm ơn bà. Nhờ bà mà chúng tôi được biết rằng con cháu Nga đích thực bị bắt cóc và bị tên Sáu Lung khốn nạn kia đầy ải ngót mười năm trời. Khi con bé gặp cháu Dũng đây, nó sợ hãi đến nỗi không dám nói thật và cũng không còn nhớ ra tông tích của nó nữa. Bà đã cho chúng tôi biết những điều ẩn ức của ông Thanh, bà còn có thể giúp chúng tôi được điều gì hơn nữa chăng ?

Bà thầy tướng số nhìn ông Hai, rồi mỉm cười với Dũng.

- Tôi rất sẵn lòng. Nhưng đáng tiếc là ông Thanh chỉ cho tôi biết có thế thôi. Điều chắc là khi xưa cha mẹ con nhỏ ở Nha Trang... còn con nhỏ thì bây giờ tôi mới biết tên nó là Nga đấy ! Mà nó không nhớ tên họ nó sao ?

- Thưa, không !

- Như vậy cũng chưa hy vọng gì lắm !

*

Ra khỏi nhà bà thầy tướng số, lòng Dũng nao lên khi nghĩ đến rồi đây, sẽ tìm thấy Nga, cứu Nga thoát khỏi tay Sáu Lung để trả Nga về với cha mẹ. Anh sung sướng nắm lấy tay ông Hai :

- Ồ, bác Hai, may mà cháu nghe lời bác ở lại Biên Hòa, nên được biết chuyện này, chứ không thì…

Ông Hai chỉ mỉm cười không nói. Dũng phấn khởi tiếp :

- Bây giờ, mình đã biết sự thực rằng Nga bị bắt cóc, và tên Sáu Lung khốn nạn kia là thủ phạm, cháu nghĩ bác cháu mình nên đi báo ngay với nhà chức trách.

Ông Hai lắc đầu :

- Bác cũng nghĩ thế, nhưng...

- Nhưng sao bác ?

- Ý kiến ấy không ổn.

- Mình sợ gì đâu bác ?

- Mình thì không ngại gì... nhưng còn Nga ? Cháu thừa biết Sáu Lung dám làm bậy lắm chớ ! Nếu hắn biết câu chuyện đổ bể hắn dám thủ tiêu con nhỏ…

- Nhưng chúng ta có bằng chứng ?

- Những bằng cớ... nghe người ta nói lại mà thôi. Nhân chứng quan trọng nhất là ông Thanh thì đã chết mất rồi. Mà trước khi rời khỏi nhà ông ta lại đốt hết cả giấy tờ không để lại vết tích gì.

- Vậy làm sao bây giờ bác ?

- Chúng ta đi Vũng Tàu thử xem. Nếu gặp Nga ta sẽ tìm cách đưa nó về Sàigòn... Rồi sẽ trình nhà chức trách. Như vậy bảo đảm hơn.

- Chừng nào mình đi ?

- Mai.

Dũng mừng rỡ ôm lấy ông Hai :

- Cám ơn bác !
____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 9, 10
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>