Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

CHƯƠNG 5_CON ĐƯỜNG LÁ ME


5


Tôi xuống xe lam, đi bộ đến Đại Học Xá tìm Châu Hà, con nhỏ ba bốn ngày nay không hiểu bận việc gì mà chẳng thấy đến trường.

Sáng nay không có giờ học, nhưng tôi vẫn muốn mặc quần áo ra khỏi nhà để đi lang thang một mình, để thả giòng tư tưởng về một phương trời nào đó, về một hình bóng thân yêu chập chờn như ảo ảnh xa vời... Tôi buồn như chưa bao giờ được buồn. Hồi hôm, tôi đã để mặc cho giòng lệ chảy dài trên má nhòa nhạt chiếu chăn, tôi đã âm thầm khóc một mình trong khi chung quanh mọi người đều yên giấc. Không gian yên tĩnh quá, tôi nghe rõ tiếng tim mình thổn thức. Hữu ơi, sao anh vẫn xem em là một đứa bé con, sao anh vẫn nhìn hoài chị Quyên bằng đôi mắt đắm say cho em tủi cực, cho em âu sầu suốt ngày bỏ ngủ quên ăn. Em yêu anh, em yêu anh thật rồi đó Hữu, sao anh không chịu hiểu em, anh cứ nói với em những lời đùa giỡn :

- Ngọc ốm nhom như con cò hương. Phải ăn nhiều đi mới mau lớn được chứ.

Em mười tám tuổi rồi chưa lớn sao anh ? Chị Quyên hơn em có ba tuổi thôi mà. Tôi buồn quá, tôi khổ quá. Từ ngày đi Nha Trang về, Hữu đến nhà chơi luôn, trong những bữa cơm, anh Trứ thường nhìn chị Quyên rồi nói với mọi người :

- Dạo này thằng Hữu chịu khó đến nhà mình ghê, hiện tượng lạ.

Chị Quyên cúi đầu, chị Quyên chớp mắt, tôi thầm nghĩ, chắc chị Quyên đã quên thầy Thông rồi. Lời ba tôi thật đầy kinh nghiệm : "Tình đầu bồng bột lắm, sớm muộn chi con Quyên cũng quên được thầy Thông, nhưng điều kiện tiên quyết là phải làm sao cho hai bên đừng gặp nhau một thời gian, thầy Thông sẽ quay về với bổn phận và con Quyên sẽ tìm thấy hạnh phúc mới." Hạnh phúc đó chị Quyên ơi, hạnh phúc của chị thật huy hoàng chói lọi, thật rực rỡ hào quang. Hữu đến thật đúng lúc dìu chị ra khỏi con đường tình nghẽn lối, cứu chị thoát khỏi những dư luận khắt khe, thành kiến cổ kính đã làm chị điêu đứng khổ sở đến bỏ Huế mà đi. Chị Quyên vẫn luôn luôn là kẻ diễm phúc. Cách đây bốn năm, me tôi rước ông Giáo Ảnh về nhà coi tướng, ông đã bảo chị Quyên :

- Cô ni về sau cũng không đến nỗi đói cơm mô, số vượng phu lắm.

Me tôi nghe nói mà mừng. Cả thành phố Huế, ai lại chẳng nghe danh ông Giáo Ảnh, ông ta nói điều chi là đúng điều đó, từ tình duyên gia đạo cho đến thời cuộc bên ngoài. Me tôi phải nhờ người đến nhà mời mấy lần mới được nhưng phải đợi lúc ba tôi đi làm. Ba tôi không thích ông Giáo Ảnh tại vì ông ta hay nói thẳng chẳng vị nể ai, mà lời lẽ ông ta cũng không được tế nhị cho lắm. Ví dụ như tướng chị Quyên đó, thay vì bảo "cô này sau đủ ăn" ông ta lại nói là "cô này không đến nỗi đói cơm" nghe thiệt sái tai, nhưng thiên hạ phục tài ông quá nên những sự nhỏ nhặt đó đều được người ta cho thông qua hết. Chị Quyên tướng tốt, môi đỏ trán cao, vừa bước vào nhà ông ta đã nói với me tôi :

- Sau ni bà nhờ cô con gái lớn đó nghe.

Xây qua tôi, ông bảo :

- Còn cái cô ni, tướng ăn hiếp chồng thấy rõ, nì coi chừng, quá lắm là rã đám đó nghe.

Tôi nghe mà giận ông ta suốt mấy hôm, giờ nghĩ lại, tôi thấy mình trẻ con quá. Chuyện tương lai, định mệnh đưa đẩy con người giạt đến những bờ bến khác nhau, có gì mà phải lo buồn đâu. Dạo còn nhỏ vào gia đình Phật tử, tuần nào cũng đi nghe thuyết pháp, tôi tin ở luật nhân quả ghê lắm, ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão. Nhưng bây giờ, tôi tin ở định mệnh hơn, định mệnh chi phối đời người, định mệnh theo dõi cuộc sống như một bóng ma. Có bao giờ tôi nghĩ rằng chị Quyên lại đi yêu thầy Thông, một người đã có vợ ba con để đến nỗi phải vào Saigon lánh mặt đâu ? Có bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ vào trọ học ở nhà bác Phán để con tim mãi thổn thức vì một bóng hình đâu ? Định mệnh đã đem lại nguồn hạnh phúc mới cho chị Quyên, như lời ông Giáo Ảnh nói : số cô ni nhiều hồng phúc lắm. Chỉ có em, Hữu ơi, chỉ có em là bạc phước vô duyên, tình yêu đơn phương nào ai hay ai biết ?

Tôi đi men theo lề đường, nắng mai dịu dàng in bóng lá lung linh dưới bước chân, tôi thích con đường này, tôi yêu say mê những cảnh me cao chụm đầu vào nhau như một tha thiết hẹn hò. Như một buổi sáng đầu thu nào đó tôi cùng Hữu sánh bước bên nhau cho con tim tôi non nớt lần đầu tiên rung nhẹ, cho tâm hồn tôi mới lớn bừng nở cánh hoa yêu, cho tà áo tôi mầu hồng e ấp trên từng bước chân thẹn thùng mọc cánh. Nhưng bây giờ còn tìm đâu thấy nữa, cung phím đã chùng, khúc yêu đương chỉ mình tôi độc tấu những lần đi học về ngang qua đường Trần quý Cáp, gió lồng lộng xua từng đám mưa lá me tơi tả trên mặt đường, đậu nhẹ trên mái tóc xót xa.

Tôi gõ nhẹ cửa phòng Châu Hà. Cô bé hiện ra với gương mặt rạng rỡ :

- Ủa Ngọc, mày đi đâu đây ?

Tôi bước vào phòng ngồi xuống chiếc giường nhỏ kê cạnh cửa sổ :

- Quỷ sứ, tao tưởng mi đau nên đến thăm. Ai ngờ cái mặt mi phây phây. Mi làm chi mà cứ cúp cua hoài rứa ?

Châu Hà nhún vai :

- Con này yếu quá, mày không hay gì hết sao ?

Tôi nhăn mặt :

- Hay cái chi ?

- Đại Hội thể thao liên viện sẽ được tổ chức vào tháng tới nè. Tao bận đi dượt để thi mà.

Tôi lại ngẩn ngơ như mán về chợ :

- Mi thi chi ?

- Con này quê một cục. Tao thi nhảy cao và xa đó mày. Vài bữa mày đi cổ võ cho tao nhé. 


Chà, con bé bữa nay còn bày đặt thể thao thể thiết nữa, vậy mà từ trước đến giờ nó có bảo gì với tôi đâu. Châu Hà lại hỏi :

- Mày có muốn dự không Ngọc ? Tao giới thiệu anh trưởng ban cho mày ghi tên nhé.

Tôi le lưỡi :

- Tướng tao ra đường gió thổi bay luôn chớ thi chi mà thi.

Châu Hà nhìn tôi có vẻ thương hại :

- Ừ, mà sao mày ốm vậy Ngọc ? Mày gắng ăn uống tẩm bổ vào để lấy sức mà học chứ.

Tôi lại nhớ đến câu phê bình của Hữu : "Ngọc ốm như cò hương", nước mắt chợt ứa ra rơm rớm vành mi, Châu Hà ngạc nhiên :

- Ô kìa, sao mày khóc vậy Ngọc ?

Tôi chối :

- Không, bụi vừa bay vào mắt tao đó, để tao đi rửa mặt là hết liền.

Châu Hà dẫn tôi ra sau rửa mặt, nó rủ tôi :

- Mình đi phố chơi Ngọc nhé.

Đang buồn, tôi nhận lời :

- Ừ, mình lên Tax chơi, nghe nói có hàng vải về đẹp lắm mi ơi.

- Mày ngồi chờ tao thay áo quần một tí nhé.

Tôi giở cuốn sách trên bàn Châu Hà xem trong khi chờ đợi nó, những giòng chữ nhảy múa trước mắt làm đầu óc tôi quay cuồng chóng mặt. Tôi chán nản gấp cuốn sách lại lơ đãng nhìn ra khung cửa. Khuôn trời vuông vắn trước mắt tôi là những tàng lá me chơi vơi ngợp nắng, là hai hàng cây thẳng tắp chợt vô tình trở thành kỷ niệm muôn đời khó quên. Tôi bỗng nhớ đến lời me nói, mơ mộng cho lắm rồi khổ đó con. Con nào có mơ mộng gì đâu me, con lớn rồi mà, con đã đến tuổi biết yêu rồi mà, tại vì con vô phước, tại vì con bất hạnh nên tình yêu vừa đến đã vội chắp cánh bay cao, nhưng rồi con sẽ quên, me yên lòng đi nhé me, con tin lời ba nói mà, tình đầu là tình bồng bột và chóng quên.

- Thôi, đi mày.

Châu Hà kéo màn bước ra, tay gài cúc áo cuối cùng :

- Mày nghĩ gì mà thừ người ra thế Ngọc ?

- Không.

Tôi đứng dậy theo Châu Hà. Cô bé mở xắc lấy chìa khoá, khoá trái cửa lại :

- Mình đi taxi nghe Ngọc.

- Chà sang dữ.

- Bữa nay tao bao mày đi ăn bánh cuốn luôn. Ba má tao vừa mới gửi tiền lên đó.

- Rứa là number one rồi. Hoan hô mi một phát.

Ngang qua Quốc Hội, tôi thoáng thấy anh Chuyên và chị Trinh đang ngồi trong Givral, hai mái đầu kề nhau, đôi môi chị Trinh cười chúm chím. Tôi thấy để mà mơ, tôi nhìn để mà ước, nhưng mộng đẹp trong tôi làm sao thành tựu được khi tâm hồn Hữu đã hướng về một nẻo khác, khi con tim Hữu đã khắc sâu hình bóng dịu dàng tha thướt của chị Quyên. Tôi chợt giật mình, kìa, anh Trứ từ phòng Thông tin bên kia đường bước qua, anh cùng đi với người bạn trai gầy ốm mà tôi chưa hề gặp lần nào, thấy tôi, anh đưa tay vẫy rối rít :

- Ngọc, Ngọc.

Tôi kéo Châu Hà chạy đến :

- Anh Trứ, anh đi mô rứa anh ?

Anh Trứ giới thiệu người bạn :

- Đây là anh Ngôn, bạn anh. Còn đây là...

Tôi đỡ lời :

- Châu Hà, bạn thân của em.

Anh Trứ quàng vai tôi :

- Tụi mình vào Givral đi.

Tim tôi đập thình thình trong lồng ngực, tay tôi run rẩy víu lấy Châu Hà, cô bé ngạc nhiên :

- Mày làm sao thế Ngọc ?

Anh Trứ và người bạn cũng ngây người ra nhìn tôi. Tôi vuốt nhẹ vầng trán lấm tấm mồ hôi :

- Em bị... ho. Em không ăn kem được.

Anh Trứ lại đề nghị :

- Thôi, mình vào Thanh Vị đi, kiếm cái gì ăn.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi sợ anh Trứ bắt gặp quả tang chị Trinh đang ngồi cùng anh Chuyên trong Givral thì không biết hậu quả sẽ ra sao, ai chứ anh Trứ dám làm to chuyện lắm, tôi biết rõ tính anh mà, nóng nẩy còn hơn Trương Phi.

- Em ăn gì Ngọc ? Anh Trứ hỏi.

- Cho em bánh tầm bì đi.

- Còn cô Hà ?

- Dạ em cũng vậy.

Tôi ghé nói nhỏ vào tai châu Hà :

- Sáng ni ra ngõ gặp trai, mày khỏi tốn tiền bao tao ăn bánh cuốn.

Anh Trứ chợt hỏi tôi :

- Sáng nay chị Trinh đi đâu ? Ngọc có biết không em ?

Tôi vờ hỏi lại anh :

- Rứa không phải sáng ni chị Trinh đi thực tập hả anh ?

- Anh biết rõ thời khắc biểu của nó mà. Thôi, chuyến này con nhỏ lại đi chơi với thằng Chuyên rồi.

Tôi bào chữa :

- Anh đừng nghi rứa mà tội nghiệp cho chị Trinh. Có thể chị ấy đi đến nhà các bạn chơi.

Anh Trứ xoay cốc bia trong tay :

- Anh biết rõ chuyện này lắm. Ngọc đừng binh vực cho Trinh nữa.

Khi anh Trứ cùng tôi về đến nhà thì trời đã quá trưa, chị Quyên đang ngồi làm bài trên bàn viết, ngẩng lên :

- Đi mô về rứa Ngọc ?

- Em đi phố.

- Thay quần áo ăn cơm cho rồi, cả nhà đang chờ cơm đó.

Suốt bữa cơm, gương mặt anh Trứ lầm lì, gương mặt chị Trinh len lén thỉnh thoảng nhìn anh rồi nhìn tôi như thầm hỏi, tôi kín đáo lắc đầu tỏ vẻ không hay biết gì cả. Hai bác tôi vẫn đi Đàlạt đều đều để tham dự những cuộc đấu thầu và bữa ăn hôm nay lại vắng mặt. Anh Trứ vừa đứng dậy ra khỏi bàn, chị Trinh đã xích ghế lại gần bên tôi hỏi :

- Ngọc, hồi nãy chị thấy Ngọc.

- Chị thấy mô ?

- Có cả anh Trứ nữa phải không ?

Tôi trợn mắt :

- Ờ.

Tôi để tay lên ngực :

- Hú hồn. May không thôi anh Trứ vào Givral là đụng độ với anh Chuyên rồi.

- Ngọc có thấy chị trong Givral hả ?

- Ừ, em giả đò ho hen, em ăn kem không được, anh Trứ mới rủ cả bọn đi chỗ khác đó chứ.

Chị Quyên xen vào :

- Con ni khôn tao khen mi đó.

Chị Trinh nắm tay tôi :

- Chị cám ơn Ngọc.

Tôi kể công :

- Trời ơi, chị biết không, em lo dễ sợ, em run dễ sợ, anh Trứ rủ vào Givral làm em xanh mặt xanh mày, em hú hồn hú vía. Em thương chị và Chuyên rứa thê.

Chị Trinh cúi đầu :

- Chị buồn ghê, chị khổ ghê.

Chị Quyên an ủi :

- Chị nén buồn đi. Rồi hai bác sẽ hiểu chị, rồi anh Trứ sẽ hiểu chị.

Chị Trinh lắc đầu :

- Chỉ có Quyên và Ngọc hiểu mình mà thôi, sao mình chán đời quá đi hai bồ ơi.

Chị Trinh rơi nước mắt, chị đứng dậy chạy vụt ra khỏi phòng, cánh cửa mở tung, gió lùa vào phần phật, trời lại sắp chuyển mưa.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 6
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>