Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

CHƯƠNG 5, 6_PHIÊU BẠT


5


Ông Hai Hòa nằm khểnh trên chiếc ghế bố đợi Dũng. Buổi chiều ông thường về nhà sớm cặm cụi ngồi chuốt những gióng trúc để làm ống tiêu, hoặc không thì nằm trên ghế, nghe chiều về chầm chậm để nghĩ đến cuộc đời tàn xế của mình và buồn ngâm vài câu vọng cổ. Từ ngày có Dũng đến ở, ông Hai cũng thấy chuỗi ngày về chiều của mình đỡ cô đơn. Ông săn sóc Dũng như khi xưa ông đã săn sóc đứa con trai của ông. Đôi khi ông còn vui đùa với Dũng, chia xẻ những bồng bột của tuổi trẻ, và sẵn sàng đem những kinh nghiệm khôn ngoan của mình khuyên bảo Dũng.

Hôm ấy, nằm trên ghế, ông nghe tiếng chân bước hấp tấp của Dũng từ đầu ngõ đi vào. Cánh cửa mở ra, Dũng vừa nhô người vào đã nói :

- Bác Hai, bữa nay Nga cũng lại không tới bán vé ở cửa nhà Bưu điện.

- Hay nó đau ?

- Không chắc bác Hai à !

Dũng tiến lại, ngồi ghé xuống cạnh chiếc ghế bố thở dài :

- Mấy hôm rồi Nga vẫn lo ngại có chuyện gì xảy ra... vì thái độ khác lạ của Sáu Lung. Mà thật vậy, dạo này hắn lảng vảng ở cửa Bưu điện luôn. Có chiều hắn còn đợi đưa Nga về tận nhà.

- Có thể hắn nghi cháu rồi đó, hay hắn đã bắt gặp cháu với Nga ở cầu Quay, hôm cháu đưa nó về?

- Cháu ngại có chuyện gì khác...

- Chẳng có chuyện gì đâu ! Theo bác thì cháu nên đi ăn cơm - vì bác đói muốn chết - rồi đánh một giấc ngủ cho ngon. Chiều mai thế nào Nga nó cũng có mặt tại cửa nhà Bưu điện như thường lệ, rồi nó sẽ cho cháu biết vì sao mấy bữa rày nó không đi bán.

Nhưng thấy Dũng uể oải không muốn ăn, ông Hai nói:

- Dũng nè, bác không ưa thấy cháu bối rối như vậy. Để đó rồi bác lo cho. Ngày mai cháu đưa bác qua bên Khánh Hội chỉ cho bác xóm nhà Sáu Lung ở. Bác sẽ vô chợ đứng bán ống tiêu và cắt hình ở đó. Nghe tiếng tiêu của bác, thế nào Nga nó cũng nhận ra, và có điều gì nó sẽ cho bác biết mà không sợ Sáu Lung nghi ngờ gì được, vì hắn không biết bác là ai. Bác tính như vậy có được không ?

Dũng mừng rỡ :

- Được quá. Cám ơn bác lắm !

Yên lòng, Dũng ngủ thẳng giấc. Sáng hôm sau, hai bác cháu trở dậy thật sớm. Dũng đưa ông Hai qua Khánh Hội, chỉ cho ông cái ngõ hẹp dẫn vào xóm Nga ở.

Trước khi chia tay, ông Hai bảo :

- Được rồi, cháu trở về đi, để mặc bác ở đây.

Dũng đứng nhìn bóng ông đi sâu vào trong ngõ. Tiếng tiêu của ông Hai trỗi lên xa dần. Dũng quay trở về lấy xe phóng đến Bưu điện, rồi đạp lòng vòng xem có thấy Nga không. Nhưng suốt sáng hôm ấy Nga vẫn biệt tích. Tới trưa, sóng người từ các nha sở tan giờ làm, đổ ra đường nườm nượp. Lợi dụng lúc ấy Dũng len lỏi qua Khánh Hội lần nữa, thầm bảo :

- Trưa nay, mình và ông Hai đã hẹn không về nhà. Mình thử tìm chỗ nào kín đáo trên đường đi của Nga, họa may có gặp chăng.

Nghĩ thế, Dũng mua một ổ bánh mì để ăn trưa, lần ra mé bờ sông và gặp một chiếc xe vận tải đậu trên khoảng đất trống. Chiếc xe của một tư nhân nào đó, chắc hẳn đậu nhờ ở đây để chờ cất hàng. Người lái xe không có ở đó, nhưng đã cẩn thận khóa tay lái lại. Dũng mở cửa leo lên ngồi, giở bánh ra ăn, thầm nhủ :

- Ngồi đây vừa kín đáo, lại có thể nhìn lên cầu được. Nếu Nga qua cầu mình sẽ thấy ngay.

Ngồi yên chỗ, Dũng vững tâm chờ đợi. Anh ôn lại hôm đưa Nga về tới cầu Quay, nhớ những linh cảm mà cô bé lo sợ, và cố tưởng tượng xem lúc này Nga đang làm gì ở nhà Sáu Lung. Trời về trưa nóng bức, nhất lại ngồi ở trong xe, làm Dũng buồn ngủ. Anh chúm môi huýt khẽ một điệu sáo, và cố giương to mắt nhìn lên cầu. Nắng chói chang càng làm Dũng mỏi mắt và điệu sáo vui tươi của tuổi trẻ không xua đuổi được cơn buồn ngủ trĩu nặng mí mắt. Dũng ngoẹo đầu rồi thiếp ngủ.

Khi Dũng tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm áo, anh hốt hoảng nhảy vội ra ngoài xe, chạy đi xem giờ ở cửa tiệm gần đấy thì thấy kim đồng hồ đã chỉ bốn giờ !

Giờ này nếu Nga có ra Bưu điện thì cô cũng đã đi rồi. Dũng đấm vào đầu, thầm trách đã ngủ một giấc li bì như con rắn mối dưới ánh nắng. Anh giận dữ nhảy lên xe đạp phóng trở về Sàigòn. Giờ này cũng là giờ Dũng phải lãnh báo đi phân phát. Xong việc Dũng đến nhà Bưu điện thì càng thất vọng hơn nữa, Nga vẫn vắng bóng.

Buồn bực Dũng quăng xấp báo xuống thềm nhà Bưu điện, đưa tay quệt ngang mồ hôi trán, thở dài :

- Chỉ tại cái xe vận tải làm mình ngủ thiếp đi ! Bác Hai đã hẹn sẽ tới đây gặp mình. Không biết bác đã tới chưa ?

Dũng kiên nhẫn đợi thêm vài giờ nữa. Để khỏi sốt ruột anh cất tiếng rao :

- Nhật báo... Chính Luận… Tự Do đây !

Xấp báo còn lại vừa bán hết thì trời cũng đã tối. Dũng phóng vội về nhà. Ông Hai Hòa không có ở nhà. Tuy nhiên trên bàn còn một ly nước uống dở, và dưới đất có vương vãi vài mẩu tàn thuốc lá. Trái với lời hẹn, hẳn ông Hai đã về nhà tìm Dũng.

Anh giậm chân phàn nàn :

- Lỗi tại mình ngủ quên ! Đáng lý mình phải về nhà sớm xem ông Hai đã về chưa thì lại cứ đứng chờ ở cửa nhà Bưu điện. Bây giờ không biết ông Hai đi đâu ?

Vắng ông Hai, Dũng đâm ra phân vân lo lắng, sợ nhỡ ông gặp tai nạn dọc đường, hoặc sự vắng mặt của ông vào giờ này có liên hệ tới cuộc gặp gỡ của Nga chăng ? Dũng đặt nhiều giả thuyết, cố tìm xem những chuyện gì có thể xảy ra, nhưng chịu không đoán nổi. Anh ngồi thừ trên ghế không biết phải làm gì hơn là kiên tâm chờ đợi.

Đêm đã khuya, Dũng mỏi mệt ngả lưng xuống giường, thì vừa nghe có tiếng chân đi ngoài ngõ. Ông Hai về !... Dũng vùng dậy mở cửa rồi đứng sững người. Ông Hai mệt nhọc đi vào, đầu quấn băng trắng như mới ở nhà thương ra. Dũng hoảng hốt kêu :

- Bác Hai ! Bác làm sao thế ?

Ông Hai buông mình trên ghế :

- Xui, thật là xui !

- Bác bị thương à ?

- Ờ, nhưng không sao. Bị trầy da đầu chút đỉnh thôi.

Dũng ngồi xuống cạnh ông :

- Đầu đuôi làm sao bác nói cháu nghe !

- À, sáng nay bác vào trong xóm nhà Sáu Lung, đứng một lúc khá lâu ở chợ thì Nga nó tới. Nó bí mật trao cho bác một phong thư dặn đưa cho cháu rồi đi ngay. Bác liền trở về nhà chờ cháu. Đến ba giờ không thấy cháu về, bác ra cửa Bưu điện tìm. Chẳng may bác trượt chân ngã vập đầu xuống đường. Vài ba người thấy bác già nua liền vực lên xe đưa vào nhà thương. Ở nhà thương bác được băng bó rồi buộc phải nằm nghỉ. Bác phải năn nỉ mãi họ mới cho về. Thật là xui !

- Bác có đau lắm không ?

- Chỉ choáng váng một chút thôi.

Ông Hai liền cho tay vào trong áo lôi mảnh giấy của Nga đưa cho Dũng, bảo :

- Thư của Nga đây, cháu đọc xem nó viết những gì.

Dũng đưa tay đón lấy mảnh giấy. Nét chữ nhỏ nhắn của Nga ngoáy vội mấy giòng :


"Hai hôm nay Sáu Lung sửa soạn muốn đi nơi khác. Nga có cảm tưởng sắp phải rời Sàigòn mà chẳng biết đi đâu ? Hỏi thử Sáu Lung thì hắn chỉ nói là ba giờ chiều nay sẽ ra bến xe đò. Hôm qua khi soạn chiếc áo của hắn mặc mỗi lần đi xa, Nga tìm được chiếc vé xe lửa Sàigòn Biên Hoà, còn sót trong túi áo. Không biết có phải đấy là nơi Sáu Lung đưa Nga đi chiều nay không ? Anh hãy ra ga với bác Hai, đứng nấp một chỗ vì Sáu Lung biết mặt anh, nhưng không biết bác Hai. Nga sẽ gởi bác Hai cho anh một thư nữa. Với lại, ở đó anh sẽ thấy Nga lên xe và biết Nga phải đi đâu. Nga rất buồn phải xa anh, anh Dũng ạ. Anh đã đem lại cho Nga nhiều hy vọng. Thế mà bây giờ, chưa biết số phận Nga sẽ ra sao ?"
  
Em gái của anh
NGA        
 
Đọc hết lá thư, Dũng bùi ngùi ngồi xuống cạnh ông Hai. Anh thất vọng thở dài :

- Muộn quá... Nga đi mất rồi !

Ông Hai cũng rầu rầu :

- Tội nghiệp con nhỏ.

Và để an ủi Dũng ông tiếp :

- Thôi, để mai bác cháu mình sang Khánh Hội hỏi thăm xem. Những bạn nhậu của Sáu Lung tất biết rõ hắn đi đâu.

Hôm sau, ông Hai và Dũng qua bên Khánh Hội. Hai người vào trong xóm hỏi thăm nhà Sáu Lung. Nhà đã trả cho chủ, cửa đóng im ỉm. Một bà già ở nhà kế cận cho hay.

- Thằng cha lưu manh đi khỏi xóm này thiệt là mừng. Hắn mới đi chiều qua, chẳng biết là đi đâu, cũng như tám năm về trước chẳng ai biết hắn ở đâu tới.

Hai bác cháu cám ơn bà già trở về. Dũng buồn rầu thầm nhủ :

- Tám năm... Sáu Lung tới đây tám năm rồi... hồi ấy Nga mới có năm tuổi, đúng vào năm Nga lạc mất cha mẹ...



6


Đã một tuần nay Dũng và ông Hai có mặt tại Biên Hoà. Theo lời Nga nói trong thơ, ông Hai bàn với Dũng nên đi Biên Hoà để dò la tung tích của Sáu Lung. Lý do thứ nhất là vì Sáu Lung thường mỗi năm vài lần tới đó và mỗi lần về lại có tiền tiêu rủng rỉnh. Hắn liên lạc với ai ở Biên Hoà ? Và sự lén lút của hắn có liên hệ gì đến số phận của Nga ? Đó là lý do thứ hai và cũng là điểm khả nghi mà ông Hai muốn biết. Từ khi được biết hoàn cảnh của Nga, ông Hai cũng bồn chồn không kém gì Dũng. Ông muốn cứu Nga khỏi nanh vuốt của Sáu Lung để trả cô về với gia đình. Hôm ông quyết định đi Biên Hoà theo dõi hành tung của Sáu Lung, thoạt tiên Dũng nhìn ông ngạc nhiên hỏi:

- Bác có chắc Sáu Lung đưa Nga về Biên Hoà không ?

- Bác linh cảm như vậy, chứ chưa chắc gì. Nhưng cứ thử đến đó xem.

- Nhưng hai bác cháu mình làm sao bỏ Sàigòn mà đi được ?

Ông Hai cười :

- Sao không được. Cháu hiện đang nghỉ hè. Khôi, Việt, Bạch Liên đều đi cắm trại cả. Cháu cũng nên đi chơi ít bữa cho khỏe. Việc đưa báo cháu có thể nhờ một người bạn đưa hộ. Chừng nào trở về cháu lại tiếp tục. Còn bác, ở Sài gòn hay ở đâu cũng vậy thôi. Nghề của bác ở đâu cũng sống được mà.

Dũng mừng rỡ :

- Nếu vậy, mình thu xếp đi ngay bác nhé.

Chiều hôm đó, nghĩa là sau hôm Nga đi một ngày, hai bác cháu dắt nhau ra bến xe đi Biên Hoà.

Trên xe Dũng hỏi ông Hai :

- Biên Hoà có xa không bác ?

- Gần thôi. Cháu chưa đi Biên Hoà lần nào à ? Hình như cháu có đi cắm trại với Bạch Liên một lần rồi mà ?

- Dạ chưa. Lần ấy chúng cháu đi Thủ Đức, tới chơi với anh chị Lê Vinh.

- Qua Thủ Đức thì tới Biên Hoà.

- Tỉnh có lớn không bác ?

- Không lớn lắm vì tỉnh nhỏ.

- Gần bờ biển ?

Ông Hai lắc đầu :

- Bên bờ sông Đồng Nai.

Dũng thở dài :

- Không biết có phải đấy là nơi Nga đã sinh trưởng và đã từng sung sướng bên cha mẹ ? !

- Chưa chắc, cháu à ! Với lại dù có phải thì cháu không hy vọng gặp Nga ở đây đâu. Sáu Lung nó dại gì mà đưa Nga về đây chớ !

- Ờ nhỉ.

- Theo bác thì Sáu Lung có tới đây chỉ là để nhận tiền như lời Nga đã nói với cháu, vì mỗi lần hắn về là có tiền ăn nhậu. Còn như hắn nhận tiền của ai ? Và vì sao ? Thì đó là điều bác cháu mình đang muốn biết.

- Rủi như mình không tìm ra dấu vết nào của hắn và Nga thì sao bác ?

Ông Hai khẽ nhún đôi vai :

- Cháu còn trẻ nên thiếu kiên nhẫn, và cũng còn thiếu kinh nghiệm nữa. Ở đời, có nhiều trường hợp thật lạ lùng, đôi khi tưởng là thất bại não nề mà rồi may mắn thành công. Điều cốt yếu là đừng bao giờ nản chí cả. Phải tin tưởng vào việc làm của mình mới được.

Dũng mỉm cười nắm lấy bàn tay xương xẩu của ông Hai Hòa bóp chặt.

- Cháu chưa mất hy vọng đâu.

Chiếc xe hàng bon bon lướt nhanh trên đường dài, giữa những ruộng lúa bát ngát, những nương đồi xanh ngát hoa màu.

Xe vượt qua một cây cầu dài rồi từ từ đỗ lại trước dãy quán dựng sơ sài bằng lá. Tiếng mời chào vồn vả nổi lên :

- Bưởi Biên Hòa ! Bưởi Biên Hòa !

Dũng ngó ra ngoài xe hỏi ông Hai :

- Tới nơi rồi hả bác ?

Người lơ xe mở cửa nhảy xuống, cao giọng nói :

- Biên Hòa ! Ai xuống đầu tỉnh, xin mời xuống !

Ông Hai kéo Dũng xuống xe.

- Mình xuống đây thôi.

- Sao không chờ vào thành phố, bác ?

Ông Hai ghé vào tai Dũng :

- Xuống trọ ở đây cho đỡ tốn tiền cháu ạ. Và không ai để ý đến mình. Từ đây đi bộ vào cũng không xa lắm đâu.

Hai bác cháu vào một quán lá bán bưởi. Người đàn bà chủ quán, đang cho con bú, niềm nở mời khách. Sau vài lời thăm hỏi, ông Hai ngỏ ý xin trọ. Người đàn bà gọi với vào sau hàng găng thưa :

- Ba nó ra có khách nè !

Trong vườn, một người đàn ông mình trần, ngồi trên hiên nhà đang đan những chiếc sọt tre, ngừng tay đi ra. Người đàn bà thản nhiên tiếp :

- Mình đưa ông khách vào nhà, ông ấy muốn tá túc ít ngày đó.

Người chồng gật đầu, lặng lẽ quay vào. Ông Hai và Dũng theo sau. Dũng kéo ông Hai đứng lại ngoài vườn :

- Cháu thấy ngại quá bác ạ.

Ông Hai cười :

- Ngại gì cháu ? Bác cháu mình kiếm ngày nào xài ngày nấy, có gì đâu mà sợ. Hơn nữa những người ở đây đều là dân làm vườn, họ chất phác và tốt bụng lắm. Rồi cháu sẽ có dịp thấy lòng tốt của họ.

Buổi sáng hôm ấy, sau khi thả bộ một lượt quanh tỉnh, Dũng ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá trong góc công viên, lòng buồn rười rượi. Đã mấy hôm rồi Dũng lang thang khắp tỉnh Biên Hòa, không chừa một ngõ ngách nào, mà vẫn không tìm ra dấu vết của Nga với Sáu Lung.

Dũng chống tay lên cằm, suy nghĩ. Anh nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Nga, dáng điệu khổ sở của Nga khi thuật lại hoàn cảnh của mình, và buổi chiều chia tay trên cầu Quay.

Dũng giở lá thư của Nga đọc lại, rồi chán nản gấp bỏ vào túi. Thấy lang thang mãi chỉ thêm mỏi chân vô ích, Dũng đứng lên đi tìm ông Hai Hòa. Từ hôm tới đây, ông Hai vẫn ngày ngày cùng Dũng vào tỉnh. Trong lúc Dũng la cà tìm kiếm Sáu Lung, thì ông Hai đến một phố đông người bán ống tiêu và cắt hình. Nghề của ông quả là ở đâu cũng kiếm được tiền. Nhất là cái thuật cắt hình truyền thần. Nơi ông Hai và Dũng ở trọ, người ta hoan nghênh ông quá cỡ, chỉ mới vài hôm ông Hai đã gây được cảm tình với hết mọi người. Chiều đến những anh con trai lộc ngộc kéo nhau đến ngồi vây quanh ông Hai yêu cầu ông cho nghe vài điệu trúc. Tiếng tiêu của ông, vào buổi hoàng hôn, giữa khoảng vườn êm ả, trỗi lên trầm bổng như quyện vào không gian vắng lặng, làm ngây ngất người nghe. Người chủ vườn cho ông Hai và Dũng ở trọ còn hoan hỉ vì những người quen trong xóm được ông cắt cho một tấm hình kỷ niệm. Họ phá lên cười thích thú khi thấy những đặc điểm trên khuôn mặt của mình được cắt thành hình. Họ tranh nhau mời ông Hai ghé nhà họ chơi, và thường được tiếp đãi ân cần. Nếu không vì Nga, thì đây là một dịp vui chơi thú vị của hai bác cháu.

Qua cửa một ngôi nhà kiểu xưa, mái thấp trên đường vào phố chợ, chợt Dũng nghe có tiếng gọi :

- Này ! Cậu bé... vào đây !

Người gọi Dũng là một phụ nữ, mà tuổi tác khó lòng phân biệt được rõ ràng, vì cách trang điểm lòe loẹt của bà ta, thứ lòe loẹt của người có tính đồng bóng. Người ở đây và quanh vùng lân cận đều gọi người đàn bà ấy là bà thầy. Nhưng bà ta thì thích xưng mình là cô, và chuyên nghề xem tướng số. Bà thầy mỉm cười gật đầu khuyến khích Dũng :

- Vào đây em !

Dũng bỡ ngỡ bước vào. Người đàn bà chăm chú nhìn Dũng, nụ cười vẫn nở trên môi.

- Ngồi đó đi em ! Tại sao mặt mày em coi buồn hiu như vậy ?

Dũng cãi :

- Thưa... em có buồn gì đâu !

- Có… Đừng giấu cô. Em có muốn cô coi chỉ tay dùm cho không ? Cô không lấy tiền đâu.

Dũng lắc đầu từ chối, nhưng bà thầy đã giục :

- Em đưa tay cô xem, tay trái...

Tuy ngạc nhiên nhưng Dũng không khỏi cười thầm ; chỉ có những cô gái nhẹ dạ mới tin nghe những lời bói toán, chứ con trai như Dũng mà tin những lời phỏng đoán mơ hồ sao được !... Tuy nhiên Dũng cũng vẫn để mặc cho bà ta nắm lấy tay. Bà sờ nắn bàn tay Dũng, chăm chú nhìn những đường chỉ trong lòng tay, gật gù :

- Phải em đang buồn... rất buồn ?

- Ồ, thưa cô...

- Sáng nào cô cũng thấy em đi ngang qua đây với một ông già thổi ống tiêu. Buổi sáng ra đi nét mặt em rạng rỡ hy vọng, nhưng chiều về thì chĩu nặng ưu tư...

- Em không có gì buồn cả.

Bà thầy nhẹ nhàng tiếp :

- Cô không cần biết em đang tìm kiếm gì ở đất Biên Hòa này, và có đạt tới mục đích hay không... Cô chỉ muốn nói cho em biết đến ngày nào thì em gặp được điều em mong tìm.

Dũng bắt đầu bối rối. Người đàn bà này đọc được điều bí ẩn của anh chăng ? Hay bà ta có tài bắt nọn ? Từ ngày ông Hai Hòa và Dũng tới Biên Hòa, cả hai chưa hề thổ lộ ý định thầm kín của mình ra với ai. Anh miễn cưỡng cãi.

- Không, em không tìm kiếm gì ở đây cả.

- Thế tại sao tay em run lên thế này ? Thôi, đừng giấu nữa để cô xem tiếp cho...

Dũng cứng họng, ngồi im. Bà thầy cúi nhìn vào bàn tay Dũng tiếp :

- Phải, em sẽ gặp rất nhiều khó khăn mới đạt được mục đích, em chưa thể gặp ngay bây giờ, nhưng chẳng bao lâu nữa, em sẽ khám phá ra được một điều quan hệ giúp em thành công...

- Khám phá ra điều gì cô ?

- Cô chỉ nói được thế thôi.

Người đàn bà buông tay Dũng ra, nhìn anh mỉm cười. Dũng ngẩn người ngồi lặng một lát rồi đứng lên từ giã bà ta.

Trở về Dũng thuật lại chuyện ấy với ông Hai Hòa, và tuy tỏ ý không tin, nhưng trong thâm tâm anh vẫn thấy háo hức vô cùng. Buổi tối nằm ngủ Dũng không ngớt thầm nhủ :

- Chẳng bao lâu ta sẽ khám phá ra được ! Cầu trời cho lời của bà thầy tướng số ấy nói trúng !

Hôm sau Dũng trở dậy, lòng tràn trề hy vọng. Anh theo ông Hai vào thành phố, bày đồ nghề cho ông bán rồi tiếp tục cuộc lùng kiếm. Xế chiều, Dũng mỏi mệt bước vào một đường hẻm. Anh nhận ra con đường nhỏ này anh chưa đến lần nào. Chợt Dũng dừng lại, tim đập hồi hộp.

Một người đàn ông đang đi trước Dũng. Người ấy chính là Sáu Lung. Quá xúc động và sợ bị lộ diện, Dũng vội nấp vào một chỗ, chờ hắn đi khá xa mới nép mình theo sau.

Sáu Lung bước nghênh ngang, điếu thuốc lá vẫn ngậm lệch trên môi. Xem chừng hắn rất thông thạo đường sá trong tỉnh, vì mỗi ngả rẽ hắn không hề lúng túng chút nào.

Qua mấy con đường hẹp hắn tiến ra bờ sông. Ở đây có một dãy phố thưa thớt những ngôi nhà cũ kỹ. Đến căn thứ năm hắn dừng lại, đưa tay đập cửa, rồi đứng chờ. Không thấy có ai ra mở cửa, hắn đập lại. Căn nhà như không có người, vì không nghe động tĩnh gì. Nấp ở chỗ khuất nhìn sang, Dũng nghe hắn lẩm bẩm chửi thề rồi bỏ đi.

Hắn vào một quán ăn ngồi lì trong đó uống rượu. Dũng sốt ruột chờ đợi. Trời tối chạng vạng, Sáu Lung lúc ấy mới chuếnh choáng bước ra, lần đến ngôi nhà mà hắn gõ cửa lúc chiều. Hắn lại đập cửa nữa. Vẫn không có người thưa. Hắn giận dữ đập mạnh hơn. Một người đàn bà có tuổi ở nhà bên cạnh ló đầu ra bảo :

- Chú hỏi ông Thanh hả ? Ông ấy không có nhà !

Sáu Lung cáu kỉnh :

- Ông ta đi đâu ?

- Tôi không biết.

Hắn ném mạnh điếu thuốc xuống đất lấy chân dí nát :

- Nhờ bà nói dùm với ông Thanh là có Sáu Lung tới thăm, và sẽ trở lại ngày mai.

Dặn xong hắn quay đi, miệng không ngớt chửi thề. Dũng bám sát theo hắn, lúc này anh không sợ hắn nhận ra được vì trời đã tối. Qua mấy phố đông đúc, hắn vào một nhà trọ, ngoài có đề biển “phòng ngủ Đồng Nai”. Mọi lần trước có lẽ Sáu Lung vẫn quen trọ ở nhà này, nên hắn bước vào không chút ngại ngùng. Dũng biết có chờ mãi đây cũng vô ích, nên chạy về thông báo cho ông Hai Hòa hay :

- Bác Hai, cháu đã gặp Sáu Lung rồi.

Và anh kể rành mạch đầu đuôi. Ông Hai gật gù :

- Bác biết thế nào cũng có ngày hắn trở lại đây. Phải làm sao đừng để lạc mất hắn. Cháu có chắc ngày mai hắn trở lại nhà người nào đó tên là Thanh không ?

- Dạ, chắc ! Hắn có nói với người đàn bà ở kế bên.

- Nếu vậy, sáng sớm mai cháu dẫn bác tới đó. May ra bác nghe ngóng được điều gì chăng. Còn cháu, cháu nấp đâu gần đấy, và hễ Sáu Lung đi rồi thì cháu theo liền xem hắn đi đâu.

Hai bác cháu bàn tính hồi lâu, lòng đầy phấn khởi, nhất là Dũng, anh khấp khởi mừng thầm và nhớ lại lời tiên đoán của bà thầy coi tướng.

Bà ta đoán đúng chăng ? Hay đây chỉ là một ngẫu nhiên tình cờ…

____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 7, 8
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>