Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

CHƯƠNG 11_CON ĐƯỜNG LÁ ME


11


Tôi vừa học xong giờ Dân Luật, đi lang thang qua viện Đại Học thì gặp chị Trinh đứng ở cổng ra vào :

- Ủa, chị Trinh, chị làm chi ở đây rứa ?

Chị Trinh mỉm cười :

- Chị đến đây có chút việc đó Ngọc.

- Xong chưa, răng chị không đi về mà còn đứng đây ?

Chị Trinh vỗ vai tôi :

- Chị đang đợi xe bác Lễ, Ngọc ở lại về cùng chị nhé.

Chị Trinh kéo tôi về phía chiếc ghế đá :

- Mình lại đây ngồi đi.

Tôi ngồi sát vào chị Trinh, gió chiều lên lành lạnh bờ vai, tôi gợi chuyện :

- Tối hôm qua chị ngủ được không chị Trinh ?

- Chị khổ quá, chị không tài nào chợp mắt được.

- Tội nghiệp anh Chuyên, hôm qua anh cứ nằng nặc đòi gặp chị.

Chị Trinh cúi đầu vân vê tà áo :

- Anh Chuyên vẫn chưa biết gì cả, anh ấy cứ ngỡ chỉ một mình anh Trứ không bằng lòng cho anh yêu chị mà thôi.

- Chị muốn nói đến hai bác ?

- Phải, ba má chị chống đối kinh khủng lắm, nhất là ba chị, ông giận dữ, ông quát tháo, làm chị khiếp luôn.

Tôi xót xa nhìn chị Trinh :

- Em có thể giúp được gì chị không chị Trinh? Em thương chị và anh Chuyên quá đi.

Chị Trinh nắm tay tôi cảm động :

- Cảm ơn Ngọc.

Một phút trôi qua, chị Trinh nhìn đồng hồ :

- Quái lạ, sao giờ này mà bác Lễ chưa đến.?

- Chị hẹn mấy giờ ?

- Năm giờ rưỡi, bây giờ đã sáu giờ hơn rồi.

- Chắc bác bị kẹt xe.

- Không có lý, mọi lần bác vẫn đến trường đón chị vào giờ này mà bác rất đúng hẹn.

- Tôi đem chuyện học hành ra nói với chị Trinh cho qua thì giờ, nhưng bóng dáng bác Lễ vẫn biền biệt. Chị Trinh sốt ruột đứng dậy :

- Bảy giờ rồi, chắc có chuyện gì đây, mình gọi Taxi về đi Ngọc.

Chờ đến 15 phút sau mới có chiếc Taxi trống người, chúng tôi về đến nhà đúng 7 giờ rưỡi. Phòng khách vắng lặng, bác Phán gái từ nhà bếp đi lên, gương mặt có vẻ lo lắng :

- Trinh, con đã hay chuyện gì chưa ?

- Chưa má à, có chuyện gì vậy ?

- Chuyên bị thương nặng, chở vào bệnh viện Chợ Rẫy rồi.

Chị Trinh buông rơi tập sách xuống đất :

- Trời ơi, tại sao vậy, tại sao vậy ?

Bác Phán gái ngồi xuống đi-văn :

- Xe nó bị lật ở gần Biên Hòa, trên Nha vừa đến cho hay hồi 3 giờ chiều, khi con đi học ấy.

Chị Trinh ôm lấy đầu khổ sở :

- Sao mẹ không cho người đến trường tin con biết, trời ơi, anh Chuyên có mệnh hệ nào làm sao con sống được đây?

Bác Phán gái rơm rớm nước mắt :

- Tội nghiệp cậu Chuyên, không biết nó lái xe thế nào để đến ra nông nỗi như vậy.

Nãy giờ tôi đứng như trời trồng, không cảm giác, không ý thức được mọi tiếng động xung quanh.

Những giọt nước mắt rưng rưng trên đôi mi bác Phán gái đã làm tôi xúc cảm, và nghe những lời thương xót thoát ra từ đáy lòng bác, tôi hy vọng sau tai nạn này, bác đỡ khắt khe với mối tình giữa chị Trinh và Chuyên hơn, nhưng điều cần thiết nhất là không biết hiện giờ bệnh tình anh Chuyên ra sao, có nặng làm không.

Tôi đến bên chị Trinh :

- Chị Trinh.

Chị Trinh ngẩng gương mặt đẫm lệ nhìn tôi.

- Ngọc, anh Chuyên... chị sợ anh Chuyên chết quá Ngọc ơi.

Tôi bịt mồm chị :

- Chị đừng nói dại mồm dại miệng rứa, anh Chuyên chỉ bị thương thôi mà.

Bác Phán gái lại gần chị Trinh, bàn tay run run vuốt tóc con gái :

- Nín đi Trinh, chờ chú Lễ về má cho phép con đi theo xe vào thăm Chuyên.

Chị Trinh chợt gục đầu vào vai mẹ khóc òa :

- Con khổ quá má ơi.

Bác Phán gái ôm chị Trinh vào lòng :

- Má hiểu.

Chị Trinh nức nở :

- Ba và anh Trứ không chịu hiểu con má ơi.

Bác phán gái dỗ dành :

- Con đừng lo buồn nữa, má sẽ năn nỉ ba dùm con.

- Má nói thật nghe má.

- Ừ.

- Cả nhà đi đâu hết rồi má ?

- Ba con nằm trên lầu ấy, Quyên đi học, thằng Trứ đi Ciné. Còn chú Lễ vào bệnh viện rồi.

Tôi rủa thầm anh Trứ, người ta chết đến nơi rồi mà anh lại còn đi tìm vui thú riêng, hay là anh đang ăn mừng, vì lời ao ước của anh đã thành sự thực, anh Chuyên chả bị tai nạn xe cộ như lời nguyền của anh hôm qua là gì.

Có tiếng xe hơi rẽ vào cổng, chị Trinh nhảy bổ ra :

- Bác Lễ, bác Lễ, anh Chuyên bị thương thế nào ? Anh Chuyên có sao không ?

Gương mặt bác Lễ bơ phờ thảm hại :

- Nó bị thương ở đầu, nhưng đã qua cơn nguy hiểm rồi, cô yên tâm đi.

Tôi hỏi bác :

- Chỉ một mình anh Chuyên bị thương thôi hả bác ?

- Nó lái xe có một mình, xe lật xuống ruộng vì đứt thắng.

Tôi kêu lên :

- Đứt thắng ?

- Phải, chiếc xe đã được trục lên và xem xét lại, tất cả các bộ phận đều nguyên vẹn chỉ trừ có thắng bị đứt.

Tôi lạnh toát người, tôi nghĩ đến anh Trứ, đến cái dao nhọn lễu trên tay anh, đến lời anh đã nói với tôi : "Thế nào anh cũng giết nó Ngọc à".

- Cái thắng xe anh Chuyên...

Tôi ngưng bặt, tôi sợ lộ chuyện, tôi sợ liên lụy đến anh Trứ, dù sao anh cũng là người anh họ thân thiết nhất của tôi, tôi không nỡ hại anh, tôi không nỡ tố cáo anh. Bác Lễ nhìn tôi :

- Cô nói gì đó cô Ngọc?

- Dạ... không.

Tôi muốn nói là cái thắng xe anh Chuyên vừa mới sửa xong chiều hôm qua tốt ghê lắm mà, bằng chứng là nó đã làm tôi bật người ra phía trước khi thắng gấp để tránh chiếc xe Honda quẹo ẩu ở bến tàu. Tôi sợ Bác Lễ biết điều này, bác sẽ nghi ngờ có kẻ ám hại con mình và người bác nghi hơn hết chắc chắn là anh Trứ. Dễ sợ thật, kinh khủng thật, tôi không ngờ anh Trứ lại dám liều lĩnh như vậy, nếu anh Chuyên chết đi, không biết sự ân hận sẽ dày vò anh Trứ cho đến bao giờ.

Giọng chị Trinh khẩn thiết :

- Bác ơi, bác đưa cháu vào thăm anh Chuyên gấp đi bác.

Bác Lễ tần ngần :

- Cô xin phép ông bà đi đã, tôi không dám đâu.

- Má cháu cho rồi mà.

- Còn ông nữa.

- Má cháu sẽ xin dùm cho cháu.

Tôi nói vào :

- Bác cứ đưa chị Trinh vào gặp anh Chuyên đi bác, bác gái cháu cho phép rồi mà.

Chị Trinh rủ tôi :

- Ngọc đi nữa nhé.

Tôi mỉm cười :

- Thôi, để em ở nhà trông nhà, nếu anh Chuyên tỉnh, chị chuyển lời thăm dùm em.

- Chị đi nhé.

Tôi chắp tay lên ngực :

- Cầu Trời Phật cho anh Chuyên chóng bình phục và chị sẽ tìm thấy hạnh phúc.

Chị Trinh véo vào má tôi :

- Ngọc dễ thương lắm.

Tôi ngồi giữa phòng khách rộng thênh thang, cười một mình, vẳng lời chị Trinh bên tai "Ngọc dễ thương lắm". Ngọc dễ thương lắm mà chả ai thèm thương Ngọc, Ngọc chỉ muốn một người thương Ngọc thôi mà cũng không được toại ý. Chị Quyên đi học về nhảy chân sáo trên nền gạch hoa :

- Mơ mộng chi rứa Ngọc ?

Tôi xí một tiếng :

- Có chị ở trên cung trăng mới xuống đó. Chị không ngửi thấy mùi chi hả ?

Chị Quyên hơi giận :

- Mi làm như tao là chó không bằng, đi một bước đánh hơi một bước.

Tôi vờ như không để ý :

- Anh Chuyên bị lật xe bị thương nặng, chị Trinh vô nhà thương thăm rồi.

Chị Quyên hét lên như bị điện giật :

- Ngọc, thiệt hả ? Trời ơi, anh Chuyên nằm ở chỗ mô, phòng mấy, tao đi thăm chừ nì.

- Xe bác Lễ đưa chị Trinh vào trong đó rồi, tụi mình mai hãy vào thăm.

Chị Quyên đi lui đi tới :

- Khổ chưa, khổ chưa.

Đầu óc tôi càng rối bời thêm, tôi gắt :

- Làm chi mà chị loay hoay như gà mắc đẻ rứa, vô thay quần áo đi.

Chị Quyên ngó tôi chăm chăm :

- Mi cũng rứa chớ bộ, mi cũng chưa thay quần áo mà đi nói người ta.

Tôi nhìn vào mình :

- Chết chưa, em quên.

Đến lượt chị Quyên xí một tiếng :

- Vô duyên cày bảy ngày chưa hết vô duyên.

Tôi bảo chị :

- Nì, chút nữa em có chuyện ni muốn bàn với chị.

- Chuyện chi rứa nói đi.

- Thì thay áo quần đi đã.

Tôi vẫn ngồi yên trên ghế, hình ảnh lưỡi dao nhọn trên tay anh Trứ cứ lẩn quẩn trong đầu óc. Dù không có ý định tố cáo anh Trứ, nhưng tôi cương quyết sẽ phanh phui ra sự thật tai nạn đã gây thương tích cho anh Chuyên, tôi phải làm thế nào để anh Trứ biết rõ ràng tội ác của anh đã bị tôi vạch trần, đã bị tôi lật tẩy, anh phải xuống nước năn nỉ tôi chứ không thể bỏ đi Ciné một cách thản nhiên như thế được. Tôi tưởng tượng đến đêm hôm qua, khi mọi người ngủ kỹ, anh Trứ cầm con dao nhọn lẩn ra vườn, đi về hướng nhà bác Lễ, đến chỗ để chiếc xe trắng của anh Chuyên, nhìn trước nhìn sau đoạn mở nắp xe soi đèn tìm dây thắng. Anh để con dao vào cưa mạnh nhưng không cho dây đứt hẳn, vẫn với trí tưởng tượng dồi dào, tôi hình dung gương mặt đanh ác của anh với nụ cười gằn :

- Cho xe đi giữa đường là đứt thắng con ạ. Con bướng với ông quá làm sao ông tha con được.

Tôi rùng minh không dám nghĩ tiếp nữa, bác Phán gái đến sau lưng tôi.

- Ngọc đói bụng vào ăn cơm trước đi cháu.

Tôi quay lại :

- Thưa bác, còn hai bác và...

- Ai còn lòng dạ nào mà ăn được nữa hả cháu. Bác trai sau khi nhận được tin thằng Chuyên bị thương nặng, ông cũng bệnh luôn.

Tôi đứng dậy :

- Để cháu lên thăm bác trai.

Bác gái đưa tay cản :

- Thôi cháu, bác trai đang cần sự yên tĩnh, đừng làm rộn ổng.

Thời gian vẫn nặng nề trôi qua, đồng hồ trên tường gõ chín tiếng, giờ thường lệ chị Trinh từ hội Việt Mỹ trở về nhà. Tối nay chị đã bỏ học và có lẽ những đêm kế tiếp nữa, chị cũng không còn lòng dạ nào để đến lớp, kể cả những giờ học chính ở trường Dược. Tình yêu chị Trinh đối với anh Chuyên thật nồng nàn và sâu đậm, tôi cảm phục chị, chị đã biết hy sinh tất cả cho tình yêu, chị đã chịu đựng biết bao lời mắng nhiếc, ngăn cản để giữ trọn vẹn lòng trung thủy với người tình đầu. Lần này thì lời của ba tôi nói sai, tình đầu không thể là mối tình dễ lãng quên được nếu đó đích thật là những rung động đầu đời giữa hai con tim mới lớn lên. Ba tôi đã lẫn lộn, tình đầu với tình cảm nông nổi của những tâm hồn lãng mạn đa tình, đó chỉ là sự đam mê nhất thời, như mối tình giữa chị Quyên và thầy Thông, mà dư luận ở Huế có một thời bàn tán xôn xao. Chị Quyên là cô sinh viên Triết xuất sắc nhất lớp, sự thông minh xuất chúng của chị đã làm thầy Thông từ ngạc nhiên đi đến chỗ cảm mến và chị Quyên, chị tìm thấy ở thầy Thông một thần tượng Triết học, môn học chị ưa thích nhất. Chị thường nói với tôi :

- Em có biết thầy Thông bên Văn Khoa không Ngọc? Thầy dạy Triết lôi cuốn và hấp dẫn không chỗ chê.

Chị Quyên yêu đơn phương thầy Thông khoảng thời gian chị học dự bị, tôi đã bắt gặp những câu thơ chị chép trong tập vở :
 
Người hiện diện... Rồi đi... như đã đến

Chiều giảng đường lá rụng ngập bờ vai

Mây rưng mi, niềm u hoài phong kín

Trong cô đơn nghe tâm sự thở dài


Kỳ thi dự bị năm đó, chị Quyên đỗ bình thứ với điểm Triết cao vượt hẳn các bạn. Thầy Thông bắt đầu để ý đến chị Quyên và việc sẽ đến đã đến, làm sao thầy Thông có thể hững hờ được trước chị Quyên, người con gái đẹp tuyệt vời đang yêu thầy say đắm dù thầy đã có gia đình. Nhưng dư luận không để yên cho mối tình đầy ngang trái đó, tiếng xầm xì bàn tán dậy lên như cơn lốc xoáy xoay giữa lòng thành phố cổ kính đầy thành kiến và ba me tôi đã kịp thời ngăn chận. Chị Quyên đau khổ rời Huế khi niềm đam mê chưa lắng dịu, nhưng đó không phải là mối tình đầu của chị nên chị đã quên thầy Thông thật dễ dàng để đón nhận hạnh phúc mới. Hạnh phúc của chị bây giờ là Hữu, cuộc hôn nhân giữa hai người không một chướng ngại và tiến hành quá dễ dàng trong sự hòa đồng tán thành của tất cả mọi người, đến nỗi đôi lúc tôi phải thắc mắc không hiểu chị Quyên có yêu thật Hữu không ?

Chị Quyên đã ra đến :

- Ngọc chưa thay áo à ? Ngọc không ăn cơm à ?

Tôi lắc đầu :

- Ăn chi nổi chị, nuốt không vô. Chị đói bụng rồi hả ?

- Không, chị bỗng no ngang.

Anh Trứ xô mạnh cửa bước vào, đáp lời chúng tôi :

- Không ai ăn hết để tao ăn cho, đi chơi về đói thấy mồ.

Chị Quyên le lưỡi rút lui vào phòng, tôi bảo anh Trứ :

- Anh có biết chuyện...

Anh Trứ ngắt lời tôi :

- Xưa như trái đất, biết rồi, khổ lắm, nói mãi, thằng Chuyên bị lật xe... à mà này Ngọc, con Trinh đâu rồi ?

- Chị Trinh vào bệnh viện thăm anh Chuyên rồi.

- Chà, ngon quá ta, ai cho phép nó ?

Tôi bạo dạn :

- Bác gái cho.


- Ô...

Cái miệng anh Trứ tròn vo, tôi đâm gắt :

- Có chi mô mà anh ngạc nhiên ?

- Không ngạc nhiên sao được, chuyện lạ bốn phương mà, má anh đâu có ưa thằng Chuyên.

Tôi đấu dịu :

- Sự việc đã xảy ra như vậy anh cũng đừng nên khắt khe với anh Chuyên nữa, anh ấy bị thương nặng lắm đó anh.

Gương mặt anh Trứ dịu trở lại :

- Nó bị thương ở đâu Ngọc ?

- Ở đầu, anh.

- Chao ôi, nguy hiểm thật.

Tôi cố khơi chuyện để đưa anh Trứ vào bẫy :

- Anh Chuyên lái xe cừ lắm, không hiểu tại răng lại ra nông nỗi rứa...

Anh Trứ nhíu mày như đang nghĩ điều gì :

- Lái giỏi là một chuyện mà lơ đễnh lại là một chuyện khác.

Tôi bước lại gần anh Trứ hơn :

- Anh Trứ nì, em nghe hình như là anh Chuyên đang lái nửa chừng bỗng bị đứt thắng.

Anh Trứ vỗ mạnh tay lên đùi :

- Đúng rồi, có thế mới xảy ra tai nạn chứ.

Rồi anh nhoài người về phía tôi :

- Mà Ngọc nè, đó là lời phỏng đoán hay người ta đã xem xét xe kỹ lưỡng rồi ?

Nét mặt thản nhiên không chút bối rối của anh Trứ đã làm tôi thất vọng :

- Em cũng không biết nữa, em nghe bác Lễ nói.

- Để anh đến tận nơi xem sao.

Tôi cố đánh thêm đòn tâm lý :

- Anh Trứ, em nghi...

- Em nghi gì ?

Tôi nín bặt, tôi định nói em nghi có người ám hại anh Chuyên, nhưng tôi không dám, hung thủ đang đứng trước mặt tôi, chung quanh tứ bề vắng vẻ, có thể trong một giây phút hoảng hốt, anh Trứ dám giết tôi để phi tang lắm. Thật may cho tôi, anh Trứ không đợi câu trả lời, anh đứng dậy hỏi tôi :

- Đã ai ăn cơm chưa Ngọc ?

- Dạ chưa.

- Vậy thì để anh vào ăn độc diễn.

Đôi mắt tôi nặng chĩu, như muốn ríu lại, tôi đưa tay nhìn đồng hồ, mười giờ rưỡi rồi, chị Trinh vẫn chưa về, tôi mở cửa bước vào phòng riêng. Chị Quyên đang đọc dở một lá thư, thấy tôi, chị nhìn lên dò hỏi :

- Khi hồi Ngọc hứa kể cho chị nghe chuyện chi rứa ?

Tôi thấy không nên nói sự nghi ngờ của mình cho người thứ hai biết làm gì, kể cả chị Quyên. Tốt hơn hết là tôi gắng "điều tra" lấy một mình, chưa một tia sáng nào hé mở trước mắt tôi, hung thủ vẫn ung dung "đi ngoài vòng pháp luật". Chị Quyên lại dục, tôi vờ ấp úng :

- Chuyện chi... chuyện chi định nói với chị... mà chừ em quên mất đất rồi.

Chị Quyên nguýt tôi :

- Đồ mất hồn mô a. Vô duyên.

Tôi thay áo quần lên giường nằm, gió lùa vào khung cửa lay nhẹ chiếc màn xanh phất phơ, tôi lâng lâng đi vào giấc ngủ, thoảng bên tai tiếng hát nho nhỏ của chị Quyên : "Chiều vàng vương gót mỏi ta dừng chân phiêu du, lặng nghe sóng gọi ngọt ngào..."

Tôi thấy anh Trứ giận dữ đi vào phòng, con dao nhọn trên tay anh dí sát cổ tôi :

- Ngọc, mày đã biết rõ sự thật, mày phải chết.

Tôi van lơn :

- Đừng... anh Trứ. Em biết nhưng em có nói cho ai nghe mô.

Anh Trứ nghiến răng :

- Một mình mày biết cũng đáng tội chết rồi.

Chiếc dao dí sát thêm, tôi ú ớ :

- Đừng... đừng… đừng... đừng !

Chị Quyên lay gọi :

- Ngọc, Ngọc, tỉnh dậy em.

Thì ra đó chỉ là giấc mơ. Mồ hôi tôi vã ra như tắm, tôi ôm chầm lấy chị Quyên.

- Chị Quyên ơi, em sợ quá.

- Em sợ chi ?

Tôi không đáp, nép đầu vào vai chị, tiếp tục giấc ngủ.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 12
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>