CHƯƠNG VII
Thấm
thoát mà ba Mai qua đời đã được một tháng. Trong một tháng đó, biết bao
nhiêu biến cố xảy đến cho gia đình Mai. Từ ngày ba Mai mất, má mai đau
ốm liên miên, tiền bạc trong nhà dần dần cạn. Mai nghỉ học giữa niên
khóa. Mới đầu Mai xin nghỉ má Mai không bằng lòng. Bà Tình không muốn
cho con dang dở. Nhưng câu chuyện sau đây xảy ra và Mai bắt buộc phải ra
đời.
Bà
Tình ốm rất nặng. Trong nhà không còn tiền bạc. Mai chạy qua cậu dì
Sang để mượn tiền, nhưng lại nhằm lúc cậu dì đi Mỹ Tho một tuần mới về.
Hàng xóm thì người ta cũng không xấu gì, nhưng vay họ cũng đã nhiều rồi.
Hơn nữa, người ta thấy tình cảnh gia đình Mai như thế ai mà dám cho
mượn tiền. Mai thất thểu bước đi. Đến nhà nào thì họ cũng không cho vay,
mà ngày mai là ngày cuối cùng của thời hạn phải đóng học phí cho mấy
đứa em Mai. Má Mai thì liệt giường nằm đó, đâu có lo lắng gì được. Đầu
óc Mai rối như tơ vò. Mai bỏ học đã mấy ngày nay, công việc ở nhà không
ai lo, các em chưa có tiền đóng tiền học. Ngày mai – Ngày mai – Nội
trong ngày hôm nay, Mai
phải xoay sở cho được một số tiền tám trăm đồng để ngày mai đóng tiền
học cho mấy em. Về đến đầu phố lúc nào mà Mai cũng không hay. Chợt mắt
Mai đập vào hàng chữ “Viện uốn tóc Đài Trang”. Mai không quên là dạo
trước Mai đi học về ngang đây, bà chủ tiệm đứng chơi trước nhà, thường
tấm tắc khen mái tóc Mai đẹp. Mai chợt lóe lên trong đầu một ý nghĩ. Mai
ôm mái tóc mình, hôn vào làn tóc nhung mượt, mái tóc mà Mai đã nâng niu
từ nhỏ, mái tóc mà Mai đã quý như bản thân mình. Mai đứng rất lâu trước
cửa tiệm. Mai muốn vào dạm bán mái tóc mình, để lấy tiền đóng học cho
mấy em. Nhưng vốn bản tính nhút nhát, Mai sợ lỡ người ta không thèm mua,
người ta cười Mai thì sao ?
Mai
dợm bước đi, nhưng ý nghĩ ngày mai các em không được học, hình ảnh của
những đứa em cắp sách lang thang ra khỏi lớp làm Mai thêm can đảm. Mai
đẩy cửa bước vào phòng uốn tóc. Bà chủ tiệm thấy Mai quen, đến bên dịu
dàng :
- Em đi đâu ?
Mai ấp úng :
- Thưa bà…
- Em uốn tóc hả ?
- Dạ không.
Rồi thu hết can đảm, Mai nói :
- Thưa bà, em muốn hỏi xem bà có muốn mua mái tóc em không ?
Bà chủ tiệm Đài Trang “à” lên một tiếng. Thì ra cô bé này vào đây để dọ bán mái tóc. Bà nói :
- Tại sao em lại muốn bán ?
Mai thú thật :
- Thưa bà, em cần tiền lo một việc riêng của gia đình.
- Thế em định bán bao nhiêu ?
- Em cũng không biết.
Bà
chủ tiệm Đài Trang lắc đầu nhè nhẹ. Bà thương cảm cho cô con gái thùy
mị đáng yêu này. Có lẽ phải túng quẩn lắm đây cô mới chịu cắt đi mái
tóc, vì tóc cô ta đẹp quá. Mai thấy bà ta lắc đầu, lại lo ngại bà chủ
tiệm uốn tóc không chịu mua mái tóc mình, Mai năn nỉ :
- Thưa bà, em thú thật với bà là em cần tiền ghê lắm. Nếu không, em không bán mái tóc này đâu !
Bà chủ tiệm gật gù :
- Tôi biết, tóc em đẹp lắm.
Mai ngây thơ :
- Thế bà định không mua ư ?
Bà chủ tiệm phì cười :
- Không, tôi lắc đầu đâu có phải là tôi không mua – Nhưng tôi hỏi là em cần bao nhiêu ?
- Thưa bà, khoảng tám trăm đồng.
Bà chủ tiệm bước vào trong quầy. Một lát sau bà trở ra.
- Đây, tôi cho em mượn tám trăm đồng. Khi nào có trả lại cho tôi.
Mai
ngước nhìn người đàn bà xa lạ nhưng tốt bụng, rưng rưng nước mắt. Nhưng
một chút gì trong tâm hồn Mai chợt bùng dậy. Mai cũng không thể phân
tích và tìm hiểu được cái sức mạnh đó là gì, vì Mai đang không có thời
giờ. Nhưng cái sức mạnh ấy rất mãnh liệt, nó thúc đẩy Mai bật lên lời từ
chối :
- Thưa bà, em chỉ bán mái tóc thôi – Nếu bà thương mua dùm thì cám ơn bà, chớ em không dám nhận tiền.
Bà chủ tiệm ngạc nhiên :
- Kìa, tôi cho em mượn mà em không lấy sao ?
- Thưa bà, em cám ơn lòng tốt của bà, nhưng em không dám nhận.
Bà chủ tiệm thở dài nhè nhẹ.
- Thôi được, em vào đây.
Mai
theo chân bà bước vào, ngồi trong cái ghế lớn. Bà chủ tiệm lấy dụng cụ,
rồi đích thân bà cắt tóc Mai. Nhìn từng lọn tóc dài bị xắp ra khỏi mái
tóc, nước mắt Mai dâng lên nghẹn ứ cả cổ, nhưng Mai cố nén không cho nó
trào ra. Vậy là hết. Công phu ba bốn năm trời nuôi dưỡng. Mái tóc Mai
được cắt, xếp gọn gàng trông thật đẹp mắt. Bà chủ tiệm nói :
- Tôi chải úp vô cho em nghe.
- Dạ, thưa bà sao cũng được.
Mai
nhìn khuôn mặt mình trong gương, xa lạ đến tàn nhẫn. Mai đưa tay ôm
mặt. Mai muốn chạy trốn mái tóc ngang cổ này, nhưng nó vẫn nằm trên đầu
Mai. Bà chủ tiệm nhìn Mai thương hại. Bà nói như để bào chữa :
- Đó là tại em muốn.
Mai gật đầu :
- Dạ em đâu có nói chi.
Bà chủ tiệm vuốt tóc Mai, đứng lên lấy tiền. Bà dúi vào tay Mai bốn tờ giấy năm trăm.
- Đây, em cầm lấy về lo cho gia đình.
Mai
không biết nói sao trước sự tốt bụng của bà chủ tiệm uốn tóc Đài Trang.
Mai hiểu mái tóc của mình tuy đẹp thật, nhưng nếu bán thì chỉ giá một
ngàn bạc là cùng. Bà vừa mua mà vừa cho Mai. Mai lắp bắp cám ơn bà. Lòng
nhẹ một mối lo, Mai bước ra khỏi cửa hiệu uốn tóc.
Về
đến nhà, việc trước tiên của Mai là đưa tiền cho thằng Sơn đi đóng học
cho mấy em, xong Mai thay áo vào thăm mẹ. Vừa nhìn thấy con, bà Tình bật
ngồi dậy, giọng bà nghiêm trang :
- Mai !
- Dạ.
- Con cắt tóc rồi phải không ?
Mai cúi đầu :
-
Thưa má… con không vay được tiền đóng học cho mấy em. Ngày mai người ta
không cho chúng nó đến trường nữa. Mà dở học một tháng là hỏng luôn một
năm…
- Con đã qua cậu dì Sang chưa ?
- Dạ thưa má qua rồi. Mà cậu dì Sang đi Mỹ Tho một tuần mới về.
Bà
Tình bật khóc, bà thương đứa con có hiếu. Bà biết lòng Mai yêu quý mái
tóc của cô đến đâu. Mai cắt mái tóc, trong lòng hẳn phải đau tiếc lắm.
- Tội nghiệp con tôi ! Con bán cho người ta mái tóc, con buồn lắm phải không ?
-
Thưa má không. Con không muốn mấy em phải bỏ học. Vả lại, thuốc của má
cũng đã hết. Con bán được hai ngàn, đưa Sơn đi đóng học tám trăm, còn
đây một ngàn hai, má giữ để chi tiêu.
Bà Tình thở dài :
- Thôi, con giữ mà đi chợ cho mấy em ăn.
Mai cắn môi – Cô muốn thưa với mẹ về việc mình nhất định nghỉ học. Mai ngồi xuống giường.
- Thưa má, sẵn đây con muốn nói với má là con nghỉ học để đi làm.
-
Thì tình cảnh này, má còn biết nói sao hơn. Con muốn nghỉ học đi làm
giúp cho gia đình thì má cũng không cản được. Nhưng liệu con có xin được
việc làm hay không ?
Mai mừng rỡ :
-
Dạ, con có chị bạn giới thiệu cho con đi làm ở hãng xuất nhập cảng. Nếu
má cho con nghỉ học, thì cuối tháng nầy con bắt đầu đi làm.
Bà Tình gật đầu, mệt nhọc trở mình. Mai biết mẹ mình muốn nghỉ nên đứng lên.
Ra
nhà ngoài, việc trước tiên của Mai là tìm Thảo bế nó trên tay. Bé Thảo
hôm nay gầy hơn mấy hôm trước nhiều lắm. Đã hai ngày nay hết sữa mà
trong nhà không có tiền mua, Mai đành cho em bú nước cháo pha đường. Mai
gọi thằng Bình, đưa cho nó tờ giấy năm chục, bảo nó đi mua hộp sữa.
Thằng Bình đi rồi, Mai xuống bếp nấu ấm nước sôi.
Pha
một chai sữa, Mai cầm lên cho em bú. Con Thảo nghe mùi sữa mừng rỡ, bú
một hơi hết cả bình sữa. Nhìn em bú không kịp nuốt, Mai hiểu rằng mình
quyết định bỏ học đi làm là phải lắm. Tuy Mai biết tương lai mình ngắn
ngủi và không rực rỡ, nhưng Mai chọn con đường đó, vì nó nặng phần trách
nhiệm và bổn phận. Mai phải lo cho các em không bị đuổi học, cho Thảo
có sữa bú, cho bữa cơm của mấy đứa nhỏ không chỉ có nước mắm. Má Mai yếu
đuối, không thể làm gì được để nuôi mấy em thì tự Mai, Mai phải gánh
lấy, tuy Mai tiếc mái trường thân yêu, mấy dãy lớp im lìm và tiếng cô
giáo đều đều. Mai hiểu một lần này xa là không bao giờ trở lại, nhưng
nếu Mai ích
kỷ, Mai chỉ nghĩ cho Mai thì Mai không xứng đáng làm con của ba mẹ Mai,
làm chị mấy đứa trẻ ngây thơ vô tội kia. Mai phải nghĩ đến gia đình Mai
trước tiên…
*
Buổi
sáng Mai thức dậy. Cô đưa tay định búi mái tóc lên như mọi hôm, nhưng
bàn tay Mai chạm vào những đuôi tóc lởm chởm và cái cổ mát lạnh. Mai
chợt rùng mình, nhớ lại là mình đã cắt tóc. Mai hít một hơi dài không
khí, tự nhủ “Thôi, giã từ tất cả. Mình đã bước vào một cuộc đời mới
rồi”.
Hôm
nay là ngày Mai đến nhận việc làm. Một chị bạn của Mai đã giới thiệu
cho Mai vào làm ở hãng xuất nhập cảng của người chú chị ấy.
Mai
dậy sớm nấu cháo cho mẹ và chiên cơm cho mấy em, quét dọn nhà cửa. Xong
xuôi, Mai cho Thảo bú. Tất cả những công việc trong nhà Mai đã xếp đặt
ngăn nắp và kỹ lưỡng để ở nhà mẹ Mai khỏi phải làm gì.
Mai
đi thay áo. Chiếc áo dài đã quá cũ, sờn cả hai tay. Nhưng Mai phải mặc
nó, vì ngoài nó ra, cô còn chiếc nào đâu. Với tay lấy cái khăn tang, Mai
vấn gọn lên đầu rồi vào nhà trong, chỗ mẹ Mai nằm :
- Thưa má con đi.
- Ừ, con đi. Ráng giữ gìn lời ăn tiếng nói nghe con, coi chừng người ta không bằng lòng cho mình làm thì khổ.
Mai
vâng dạ. Lòng cô dậy lên một mối nôn nao kỳ lạ. Tay cầm chắc lá thư
giới thiệu của ba chị bạn, Mai thấy tay mình run run ; làm sao mà không
hồi hộp cho được, lần đầu tiên Mai đến một nơi làm việc, để xin việc
làm. Mai cố trấn tĩnh, nhưng không được. Đứng đợi xe lam mà Mai mang
trong lòng nhiều lo âu. Ngồi trên xe, tâm tư Mai có nhiều mâu thuẫn. Một
nửa thì Mai mong cho xe chạy mau thật mau, cho đến nơi liền để mình vào
trình diện xin việc ; một nửa thì Mai muốn xe chạy càng chậm càng tốt,
để Mai khỏi đối diện với cái thực tại đáng lo ngại ở cuối quãng đường xe
này.
Nhưng
chuyện gì rồi cũng được êm đẹp. Mai được nhận vào hãng với số lương
hàng tháng là sáu ngàn đồng. Ông chủ hãng thương hoàn cảnh của Mai nên
ông còn cho Mai đi học thêm đánh máy, vì một khi đã khá về đánh máy thì
lương tháng của Mai sẽ được tăng thêm. Dần dần Mai quen với cuộc sống
ngày hai buổi đến sở, về nhà thì lo cho các em. Mẹ Mai đã bình phục,
nhưng Mai muốn mẹ mình lành mạnh hẳn rồi hãy lo công việc. Mẹ Mai dự
tính làm một hàng bún để bán, nhưng Mai hiểu là mẹ mình yếu đuối không
thể nào mà gánh nổi gánh bún. Hơn nữa, nghĩ đến mẹ còng lưng, trên vai
gánh bún, sáng tinh sương đã phải đi, khan cả giọng để rao mời, Mai thấy
bất nhẫn. Mai
muốn bao giờ mình không đủ sức làm thêm nữa thì mẹ hãy lao lực. Hơn
nữa, nếu mẹ Mai đi bán như thế thì ở nhà các em ai lo cho ăn uống. Do
đó, buổi tối Mai xin lãnh thêm sổ sách về làm. Nhờ dạo trước có phụ giúp
ba trong công việc nên Mai cũng không thấy khó khăn gì mấy. Cuộc sống
gia đình Mai nhờ thế mà đỡ túng thiếu.
Mai
dần dần quen với nếp sống của mình. Nhưng những buổi tối, ngồi trong
đêm khuya cộng sổ, Mai nhớ ba đến khóc nức nở. Mai nhớ lại những ngày
tháng trước đây, Mai ngồi học, còn ba Mai thì ngồi trước mặt làm sổ
sách. Thỉnh thoảng ba ngủ gục ngay trên bàn, ngáy lên mấy tiếng rồi giật
mình choàng tỉnh dậy. Mai không làm sao quên được ba Mai. Mai tưởng
tượng như ba Mai còn đâu trong nhà. Mai không bao giờ làm quen được với ý
nghĩ là ba Mai đã chết cả. Mai tưởng như ba Mai đi đâu xa một thời gian
rồi ba Mai sẽ về, ba Mai không bao giờ đi luôn cả.
Má
Mai thì lúc nào nghe nhắc đến ba Mai là hai hàng nước mắt nhỏ dòng
dòng. Mai hiểu mẹ đau đớn trước cái chết của ba. Cái chết của ba là một
vết thương đâm quá mạnh vào lòng mẹ mà không có thứ thuốc nào chữa được.
Còn Mai, Mai nhớ ba nhưng Mai không khóc. Mai dùng nghị lực của mình để
ngăn chận những dòng lệ nóng mà bất cứ lúc nào Mai nghĩ đến ba là nó
lại chực tuôn ra. Bây giờ, Mai hiểu bổn phận mình. Mai muốn làm vừa lòng
ba Mai bên kia thế giới, cách tốt nhất là Mai dùng hết khả năng mình để
lo cho các em học hành đến nơi đến chốn, như thế là ba Mai toại nguyện
lắm rồi. Vì lúc sinh thời ba Mai cũng chỉ ước mong một điều duy nhất là
sống mà lo cho các
con ăn học tử tế.
Có
nhiều lúc Mai nhớ về Liên và muốn viết thư cho Liên hay sự tình của
mình, nhưng Mai lại nghĩ, mình đã dứt khoát hẳn với khoảng đời quá khứ
thì thôi cho dứt luôn. Liên lạc với Liên làm gì nữa. Mai không ghen ghét
bạn, nhưng Mai nghĩ mình đã có cuộc đời của mình, Liên có cuộc đời của
Liên. Mình đã nghèo như thế này, làm bạn với Liên có xứng đáng không ?
Liên giầu quá. Cuộc sống của Liên là một cuộc sống đóng khung trong vàng
son nhung lụa. Liên làm sao thông cảm được với tình cảnh gia đình Mai.
Nghĩ thế cho nên Mai không viết thư cho bạn nữa. Hơn nữa, cuộc đời Mai
bây giờ bận rộn ngày hai buổi đến sở, tối về chong đèn làm sổ sách, Mai
không có thời giờ
rỗi rảnh để mà viết thư. Một lá thư bỏ tốn hai mươi mấy đồng bạc tem.
Hai lá thư là đủ mua cho em Mai một lon sữa rồi. Nghĩ đi nghĩ lại đủ mọi
vấn đề mà Mai hời hợt với Liên.
Đã
tám tháng qua, từ ngày Liên đi Pháp. Cuộc sống ở hải ngoại dần dần cũng
quen. Liên đã đến kỳ hè. Me Liên đánh điện tín qua bảo anh Tấn cho Liên
về Việt Nam thăm nhà một tháng. Liên rất mong muốn được trở về quê
hương, nhất là về để thăm Mai. Từ khi Liên đi, được hơn một tháng thì
bặt tin Mai. Liên không biết bạn bặt tin cho mình là vì lý do gì. Có thể
Mai dọn nhà đi. Nhưng nếu dọn đi sao còn nhận được thư Liên và trả lời
mấy lá trước ? Rốt cuộc Liên không tìm ra nguyên nhân nào đã xui Mai
không viết thư cho Liên nữa. Liên muốn về tìm đến thăm bạn, Liên sẽ ôm
Mai mừng rỡ. Tám tháng xa cách, không biết Mai có thay đổi gì không ? Kỳ
thi vừa qua, không
biết Mai đậu không ? Nhưng dù chưa biết tin, Liên cũng tin chắc rằng
Mai phải đậu mà đậu hạng cao nữa, vì Liên biết bạn học rất giỏi, hơn nữa
Mai lại thông minh.
Đặt
chân xuống phi cảng, Liên đã thấy ba mẹ và hai anh đứng đón. Liên và
anh Tấn chạy bay đến chỗ gia đình chờ. Liên nhảy lên ôm cổ mẹ, hai mẹ
con ôm chặt nhau. Tám tháng xa cách, Liên thấy cảnh vật nào cũng đáng
yêu hết. Liên ôm ba và hai anh. Nỗi mừng rỡ làm nghẹn tiếng. Cả nhà ra
xe. Ngồi trong xe gắn máy lạnh, Liên đưa mắt nhìn ra hai bên đường. Cảnh
vật vẫn không thay đổi. Xe chạy từ Công Lý ra Saigon . Đáng lẽ xe quẹo
về nhà, nhưng Liên yêu cầu người tài xế chạy luôn một vòng cho Liên nhìn
lại Saigon . Xe vừa chạy được một vòng thì mẹ Liên cản lại :
- Thôi bác tài quay về đi. Liên này, con hãy về nghỉ đã. Mai mốt muốn đi đâu thì đi. Con ở nhà một tháng cơ mà.
- Thưa me vâng.
Chiếc
xe vòng về. Con đường im mát quen thuộc hiện ra trước mắt. Xe vừa về
đến cổng, Liên đã mở tung cửa nhảy xuống. Hai con chó ngoại quốc to lớn
thấy chủ về mừng rỡ vẫy đuôi chào. Liên ôm đầu từng con. Tiếng lao xao
của những người làm trong nhà mừng Liên về tới. Không khí quen thuộc làm
Liên cảm động đến rưng rưng nước mắt. Ngả người cạnh mẹ trên ghế, Liên
thở ra sung sướng. Trở về nhà sau hơn nửa năm trời xa quê, Liên thấy như
mình đi từ lâu lắm. Đồ vật trong nhà không có gì thay đổi. Liên hỏi :
- Thưa me, phòng của con... ?
- Vẫn thế. Me đã hứa mà.
- Cám ơn me ạ.
Bà Phát ôm đầu con. Tóc Liên đã dài ngang vai. Bà cười :
- Con gái yêu của me dạo này để tóc dài rồi cơ à ?
Liên cùng cười theo mẹ. Từ lúc về Liên cười luôn miệng. Cô cảm thấy yêu cuộc sống quá và đời đẹp quá.
- Con để tóc dài đó me. Me đã cho phép cơ mà. Để hôm nào con gặp Mai xem hai đứa tóc đứa nào đẹp hơn me nhỉ !
- Ừ, cũng nhờ mái tóc của nó mà me mới cho con để tóc đấy chứ.
Liên ngập ngừng :
- Mà me ạ, sao lâu nay con không nhận được thư Mai.
- Con có viết cho nó không ?
- Dạ con vẫn viết thường.
Bà Phát hơi nhíu mày :
- Có lẽ nó bận hay có một lý do nào đó nó không thể viết cho con.
Liên tâm sự với mẹ :
-
Mà me ạ, sao con nhớ Mai ghê. Xa Việt Nam , sau gia đình mình con nhớ
Mai nhất me ạ. Me nghĩ xem : Hai đứa chơi với nhau thân thật là thân vậy
đó. Mai thương con lắm mà con cũng thương Mai lắm cơ me.
- Thế bây giờ con còn thương không ?
- Dạ còn chứ ạ. Con nóng gặp Mai. Me cho con gặp nhé.
Bà Phát gắt yêu con :
- Nóng gì thế. Thì cũng để mai hãy hay. Con mới về mà chưa đi thăm bà con họ hàng gì hết, đã lo thăm Mai rồi.
Liên nũng nịu :
- Thôi, me không cho thì thôi vậy.
Bà Phát dỗ dành con :
- Me muốn con hãy nghỉ cho khỏe đã. Ngày mai con đi thăm nó cũng chưa muộn cơ mà.
Liên
dạ cho vừa lòng mẹ. Thật tâm, cô muốn chạy bay đến nhà Mai xem bạn có
thay đổi gì không sau tám tháng xa cách mình. Liên vào phòng thay đồ và
tắm. Nước mát lạnh cho Liên cảm giác dễ chịu. Liên nghĩ đến những món
quà mình đã mua để dành cho Mai. Con búp bê nhồi bằng bông thật khéo
chắc sẽ làm Mai thích thú lắm. Liên vẫn biết tính Mai thích những cái gì
nho nhỏ, xinh xinh và có vẻ giản dị. Hai xấp hàng đắt tiền mầu thiên
thanh và hồng phấn. Nước da Mai trắng và mịn, Liên tin chắc rằng Mai mặc
vào thì phải đẹp ghê lắm. Liên thấy Mai không có áo dài màu. Mai cứ mặc
áo trắng hoài trông buồn quá. Liên quyết định tối nay sẽ xin mẹ đến nhà
Mai, vì Liên không biết
trong niên khóa này Mai học buổi sáng hay buổi chiều. Thôi cứ đến buổi
tối mà lại tiện hơn cả. Thế nào cũng gặp Mai.
Liên
hớn hở sửa soạn. Cô lục tung va-li để tìm mấy món quà của Mai. Liên gói
cẩn thận rồi lên xin phép mẹ đến nhà Mai. Bấy giờ vào khoảng bẩy giờ.
Xe vừa ngừng trước con hẻm dẫn vào nhà Mai. Liên hấp tấp mở cửa xe nhảy
xuống, cầu xin cho Mai còn ở đây, chưa có dọn đi đâu.
Mà
Mai còn ở đây thật. Bằng cớ là nghe tiếng người vào nhà, Mai lên mở
cửa. Đôi bạn ôm nhau mừng rỡ. Nhưng Liên ngạc nhiên đến rụng rời khi
nhìn thấy giữa nhà, bài vị ba Mai nằm sừng sững. Liên nhìn Mai, thấy nét
mặt bạn già hẳn đi và mang một vẻ chịu đựng nào đó. Tóc Mai buộc sau
gáy, trông Mai người lớn hẳn lên. Liên không dám mở miệng hỏi, nhưng Mai
đã kéo Liên ngồi xuống ghế, kể tất cả cho bạn nghe. Mai nói nguyên do
vì sao mình không viết thư cho bạn. Mai kể chuyện cô Mỹ mất, Mai kể cho
bạn nghe những nỗi long đong của mình. Liên nói :
-
Liên ngỡ là Mai đã thi đậu và học đệ nhất. Liên mua cho Mai hai xấp
hàng. Liên chọn mầu rất hợp với nước da Mai. Nhưng bây giờ thì Mai đâu
có mặc được nữa. Thôi Liên chỉ còn một món quà nhỏ này nữa để tặng Mai.
Liên
lấy con búp bê nhồi bông rất khéo ra, nhìn bạn để xem phản ứng. Liên
biết Mai rất thích, ngày xưa Mai vẫn chả thường nói với Liên là gì ?
Nhưng Liên chợt xót xa khi thấy bạn đã thay đổi quá nhiều. Sự mừng rỡ
của Mai mang một nét giả tạo mà Liên nhận thấy ngay từ phút đầu. Mai
muốn làm vừa lòng bạn chứ hình như thật ra Mai chả còn thích gì nữa.
Liên nắm tay bạn :
- Mai… Hình như Mai đã thay đổi ?
Mai chậm rãi lắc đầu :
-
Không, tự Mai, Mai không thay đổi đâu Liên. Nhưng hoàn cảnh thì đã thay
đổi. Và bởi vì hoàn cảnh không còn thích ứng với Mai nữa nên tự Mai,
Mai hiểu là mình phải thích ứng với hoàn cảnh. Mai đã trải qua những giờ
phút lo lắng, mà chính trong những giờ phút đó, Mai thấy mình đột nhiên
trở thành một người lớn, với đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của họ. Mai
thấy Mai trưởng thành trong một thời gian rất ngắn. Liên ạ, lúc đầu Mai
những tưởng là mình không thể nào làm quen được với sự thay đổi quá ư
lớn lao này. Mai quyến luyến lớp học, Mai quyến luyến cuộc sống học
sinh. Nhưng quyến luyến không có nghĩa là không thể xa được. Mai đi làm,
Mai chịu đựng sự
khiển trách của người khác. Lúc đầu Mai cảm thấy khổ sở, nhưng dần dần
rồi cũng quen đi. Bây giờ thì Mai hiểu rằng cái gì rồi cũng có thể trở
thành quen thuộc với mình hết.
Liên
để tay bạn trong tay mình, im lặng nghe bạn nói. Khuôn mặt hồn nhiên
của Mai thoáng hiện một nét gì chua xót, nhưng rồi biến ngay đi. Mai
nhìn Liên cười :
- Nhưng số mệnh đã sắp đặt như vậy rồi, Mai biết làm sao hơn. Mai còn các em nhỏ của Mai, Mai phải lo cho chúng nó.
Nghe Mai nhắc đến mấy em, Liên như chợt nhớ ra. Cô lấy gói bánh lớn đặt trên bàn :
- À, Liên mang đến cho mấy em ăn cho vui. Thảo đâu Mai ?
- Thảo nó theo má Mai đi qua nhà dì Mai có tý việc. Chi vậy Liên ?
- Liên định gọi Thảo ra chơi, lâu ngày nhớ nó.
Mai nhớ ra, hỏi bạn :
- Hai bác ở nhà vẫn mạnh Liên nhỉ ? À, mà Liên về rồi đến bao giờ Liên mới đi lại ?
- Một tháng nữa cơ, Mai.
- Thú nhỉ.
Cả
hai cùng im lặng hình dung lại những lần nghỉ hai giờ sau, hai đứa lang
thang đi với nhau. Với Liên, đó là một kỷ niệm đẹp của tuổi học sinh
tại Việt Nam. Nó là một bức tranh mà Liên thường giở lại để nhớ mỗi khi
nghĩ về Việt Nam. Với Mai, nó là một kỷ niệm mà Mai ít khi dám nhớ
tới. Mai muốn chôn vùi tất cả vào dĩ vãng thì khơi lại những hình ảnh ấy
có ích gì đâu ? Chỉ làm mình thêm mất can đảm và ý chí phấn đấu cho
hiện tại. Nhưng Liên vô tình không hiểu sự sâu xa trong bạn. Cô nói :
- Liên nhớ những buổi mình lang thang. Chẳng biết đến khi nào hai đứa mới trở lại cái thời đó nữa !
Mai quay mặt đi :
- Chẳng bao giờ cả, Liên ạ.
Mai
tránh không nói với Liên về những gì của dĩ vãng. Mai không muốn khơi
động lại sợ mình bị chi phối. Chắc Liên cũng đã nhận thấy Mai quá thay
đổi, nhưng Mai nghĩ, mình đâu cần giấu giếm bạn. Có một điều Mai ân hận,
đó là đã xét đoán Liên tầm thường hơn sự thật. Mai thân Liên, nhưng
nhiều lúc Mai thấy xa Liên do sự sống của gia đình Liên quá đầy đủ. Mai
sợ Liên không thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Nhưng không, bây giờ thì
Mai nhận thấy dù đi xa về, Liên vẫn giữ được bản tánh hồn nhiên thân ái
như trước. Mai đâm ra ân hận là đã không viết thư cho bạn dạo trước.
Mai trở lại vấn đề :
- Liên à, Liên có giận Mai không ?
- Giận gì đâu Mai !
Liên nhìn sâu vào mắt bạn.
-
Không, Liên không bao giờ giận Mai đâu. Có thể là Liên hiểu Mai và hy
vọng là Liên đã hiểu được Mai. Tại sao Mai lại nghĩ như vậy ? Liên không
giận Mai đã không viết thư cho Liên, nhưng Liên buồn là Mai nghĩ tình
bạn của mình hơi hững hờ. Mai nên biết rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh cuộc
sống nào, mình vẫn là bạn thân của nhau. Dù bây giờ Mai đã ra đời, Mai
phải lo cho gia đình, dù Liên vẫn còn đi học và sống bám vào gia đình,
tình bạn của chúng mình vẫn thế. Chúng mình vẫn thân nhau được mà ?
Trong tâm hồn Liên lúc nào cũng mang hình ảnh một cô bé tóc dài áo
trắng, hiền lành nhất lớp, hình ảnh đó là Mai…
Liên
chợt ngưng nói vì thấy bạn mình nhìn mình với đôi mắt kỳ lạ. Đôi mắt
như ẩn chứa một u uất nào mà Liên không phân tích được. Liên nắm tay bạn
lắc mạnh :
- Mai, Mai làm sao thế ?
Mai chớp mắt, trấn tĩnh :
- Có làm sao đâu.
- Mai nhìn Liên kỳ quá, làm cho Liên cảm thấy như Mai vừa trải qua một sự xúc động mãnh liệt nào đó.
Mai gật đầu :
- Có lẽ…
- Hình như Liên có nói điều gì chạm đến Mai.
Mai
không nói – nhưng cô nghe một nỗi tiếc nuối dâng lên trong lòng. Phải
rồi – Liên ơi ! Liên vừa nhắc đến mái tóc. Liên nhắc đến mái tóc làm Mai
nhớ là cái hình ảnh cô Mai áo trắng tóc dài trong Liên đã không còn là
cô Mai tóc dài nữa. Hình ảnh Liên nghĩ về Mai đã có một sự thay đổi rồi.
Mai hiểu Liên vẫn chưa biết mình đã cắt tóc, vì Mai thường ngày vẫn
quấn tóc lên sau gáy nên hôm nay Liên không để ý. Mai không hiểu mình có
nên nói cho bạn biết không, nhưng trước hay sau gì rồi lại chả nói.
Trong
khi đó, Liên ngồi nhìn bạn không chớp. Liên không ngờ rằng ngày mình
trở về là ngày để chứng kiến những thay đổi quá lớn lao và khắt khe đối
với người bạn thân nhất đời của mình. Liên những tưởng mình trở về sẽ
gặp Mai hồn nhiên vui thích như ngày cũ. Sự thay đổi đó làm cho Liên cảm
thấy mất mát một cái gì, nhưng đồng thời cũng làm nổi lên trong Liên
một sự cảm phục vô biên lòng hy sinh của bạn.
Là
đôi bạn thân, Liên hiểu Mai ham học đến đâu. Sách vở hầu như là lẽ sống
thứ hai của Mai. Ngoài việc học, Mai không còn biết đến gì nữa. Bởi
vậy, khi Mai quyết định thôi học là Mai phải chịu đựng một sự đau đớn
ray rứt ghê gớm. Nhưng Mai đã có đủ can đảm làm. Mai đã hy sinh tất cả
những gì thuộc cá nhân mình để lo cho gia đình. Đứng trước một tâm hồn
đẹp, Liên thấy mình kém thua bạn xa. Từ lúc Liên còn vui đùa thì Mai đã
biết suy nghĩ chín chắn. Sinh kế gia đình không cho phép Mai hồn nhiên
như Liên được. Liên thấy mình quá đầy đủ, từ nhỏ chưa bao giờ biết lo
lắng về tiền bạc trong gia đình. Vì có ai để cho Liên lo lắng đâu. Ba
me, các anh còn đó
– Vả lại, gia đình Liên thì cần gì lo lắng đến tiền bạc. Bạn Liên bây
giờ đảm nhận một bổn phận người lớn.
Phần
Mai, cô không nghĩ gì đến dĩ vãng nữa. Cô luôn luôn dùng ý chí và nghị
lực để buộc mình quay mặt về tương lai. Dĩ vãng đã qua rồi, không có gì
phải hối tiếc về nó cả. Nhớ mong về nó để mà tiếc cái thời đó chỉ tổ làm
cho mình cảm thấy hiện tại thêm xót xa. Mai sống trong một hoàn cảnh
bắt buộc phải can đảm, dần dần cô tập được thói quen. Can đảm đối với
Mai bây giờ hầu như đã thành một thói quen không xóa bỏ. Cô phấn đấu,
đôi lúc, với ý chí của một người đàn ông, như ba cô vậy.
Thình
lình Mai nắm chặt tay Liên và bằng một giọng cứng rắn, cô kể cho bạn
nghe nguyên nhân và diễn tiến cái buổi mà cô thất thểu đến viện uốn tóc
Đài Trang.
Liên
mở to hai mắt khi Mai quay người lại : Mái tóc đã ngắn trên vai ! Liên
nhìn mái tóc cắt ngắn của bạn, tự nhiên bên tai Liên như văng vẳng câu
nói ngày nào của Mai :
“Chỉ trừ khi Mai chết, ai muốn làm gì thì làm, chớ Mai còn sống thì không bao giờ Mai cắt tóc đi cả”.
Tự nhiên hai dòng lệ nóng ứa ra, lăn dài trên gò má mịn hồng của Liên…
THỤY-Ý