Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Sợi Dây Biết Trốn


Có một con rắn mẹ bản tính hiền lành khác hẳn đồng loại, chỉ hút sương đầu ngọn lá, thức ăn là những cỏ tươi, trái chín trên cành. Trông thấy bóng người hay các sinh vật khác, nó liền lẩn tránh. Nó bị đồng loại khinh chế là hèn, là nhát nhưng nó không hề bất mãn, bởi nó nghĩ mỗi sinh vật đầu có tự do riêng, cách sống riêng, miễn cách sống và tự do của mình không xâm phạm, không gây phiền lụy cho giống khác hay đồng loại, thế là tốt rồi.

Một hôm, trong lúc rong chơi, rắn gặp trên đường đi một ngôi chùa nho nhỏ, ẩn khuất tận rừng sâu. Khung cảnh xung quanh thật u tịch, rất hợp với tâm hồn trong lành hòa nhã của mình.

Rắn dừng lại hồi lâu. Từ trong chùa có tiếng tụng niệm của nhà sư vẳng ra, giọng tụng niệm cũng êm dịu, trầm mặc y như khung cảnh bên ngoài. Mùi trầm hương thoang thoảng quyện theo gió, bay tận chỗ rắn dừng lại, làm cho rắn cảm thấy khoan khoái và mến cảnh vật nơi này thêm lên.

Rắn tự nhủ : “Hay là ta xin nhà sư được ở lại đây tu cùng với Ngài, xin Ngài thu nhận ta làm đệ tử? Ờ, tại sao không? Lâu nay, tuy ta mang cái xác ngoài là rắn, nhưng hành động, lối sống đâu khác loài người, nếu không muốn nói là ta còn hiền lành hơn một số người đã giết hại nhiều sinh vật trong rừng và có khi còn giết cả đồng loại để thủ lợi… Ta chứng kiến biết bao nhiêu lần rồi? Chắc nhà sư không hẹp lượng đâu… Ta cứ gặp Ngài xem sao rồi sẽ tính. Nếu Ngài chê ta là rắn thì quả Ngài thiển cận, không có biệt nhãn, và như vậy thì ta lại đi, có khó khăn gì mà ngại…”

Nghĩ sao làm vậy, rắn bò vào chùa, nằm khoanh một cách hiền lành, khiêm tốn ở một góc cột, kiên nhẫn đợi cho nhà sư xong phần nghi thức tụng niệm sẽ đánh tiếng trước kẻo Ngài hoảng, sợ nó giống như đồng loại, sẽ tấn công Ngài.

Một lát sau, nhà sư xong phận sự, quay ra và Ngài vừa thấy rắn thì rắn cũng lễ phép cúi chào Ngài và trình bày ý muốn. Lạ thay, Ngài không chút sợ hãi hay nghi hoặc, Ngài lại đón nhận tên đệ tử khác giống một cách niềm nở, vui vẻ:

- Cửa chùa rộng mở cho bất cứ ai. Vậy nếu con thấy hợp với con và quả con có căn tu thì cứ làm theo ý muốn. Chỉ e nơi này quá vắng vẻ, u tịch, không được con chuộng lâu thôi.

- Con tuy mang cái xác ngoài xấu xí lại thuộc vào loại ác vật, nhưng con có thể thưa Ngài là con chưa từng tác hại đến bất cứ một sinh vật nào dù sinh vật nhỏ bé nhất đi nữa. Con cũng ăn chay, và con đã ăn chay từ lâu lắm, thưa Ngài.

Rắn trở thành đệ tử nhà chùa kể từ ngày hôm ấy. Nhưng bởi rắn không có tay chân như loài người nên Thầy không sai rắn những việc khó khăn, rắn chỉ đuổi chuột khi giống vật này bén mảng đến bàn Phật ăn phá những trái cây dâng cúng đã chín hay vẫn còn xanh. Khi thì rắn xua bọn khỉ đến phá khoảnh vườn cây nhỏ bé sau lưng chùa, khi thì quét dọn. Ấy, thân mình rắn là một thứ chổi, thứ khăn rất tốt.

Đôi bên thật hợp nhau, rắn là thứ thuộc loài ác vật song tâm địa rất lành, còn nhà tu thì ghê sợ đồng loại mình còn hơn sợ rắn. Và không bao lâu nhà tu nhận ra rằng cái vỏ bên ngoài không nhất thiết giống như cái tâm bên trong. Ngài thật tình yêu mến con rắn như một thân nhân của mình.

Về phần rắn, luôn luôn thân phục thầy mình, lo tròn phận sự quét dọn trong ngoài sạch sẽ và xua đuổi các sinh vật nào phá phách hay làm hư hại phẩm vật nhà chùa.

Lâu lâu, rắn xin phép thầy đi dạo ngoài rừng và luôn luôn về đúng giờ như lời hẹn, không sai chạy, dù cho nửa phút, vì rắn biết mỗi khi nó đi vắng, thầy mình rất lo lắng, không phải lo lắng nó tác hại, sát sinh phạm tội mà lo nó quá hiền lành, bị các vật khác ganh ghét giết đi chăng.

Một hôm rắn xin phép thầy đi dạo và nó mất tích đến ba ngày liền. Thầy lo lắng hết sức, ngồi đứng không yên, thậm chí đến giờ tụng niệm mà tâm trí cứ lo ra, không chuyên chú được như thường lệ. Không đêm nào thầy yên giấc, một tiếng động khẽ cũng đủ làm thầy ngồi bật lên, chong mắt, lắng tai. Một ngọn gió ù ù, một cành cây lay động, một tiếng chim đêm cất lên… tất cả đều không lọt khỏi tai thầy. Hàng chục câu hỏi hiện ra và thầy không sao trả lời cho ổn.

Rắn bị hại rồi chăng? Một con vật to lớn đói mồi đã chộp lấy nó chăng? Hay là nó xui xẻo gặp loài người và họ sợ nó cắn đã nhanh tay giết nó? Hay nó bị đồng loại xúc xiểm, bỏ thầy, bỏ chùa mà đi? Hay trót lỡ phạm tội nó xấu hổ không dám quay về nữa? Một cây to bật gốc đã đè nghiến nó tan xác đi chăng? Một con voi đã dẵm nhầm nó? Một con trâu đã nằm đè lên nó? Ôi! Đáng thương, đáng tiếc biết ngần nào!

Thầy chỉ chịu đựng đến hôm thứ ba rồi mặc thêm áo, xách gậy đi tìm con vật thân yêu. Quả thật thầy không còn đủ kiên nhẫn để sau những giờ làm việc dài dặc, lại đi ra, đi vào, thở ngắn, thở dài và ra cổng chùa đón đợi nó trở về. Thầy phải đi, thầy phải đi tìm nó! Biết đâu nó đang chờ thầy đến cứu…? Làm sao thầy có thể ngồi chờ tại trong chùa?

Thầy quanh quẩn quanh vùng trọn nửa ngày, chẳng thấy tăm bóng nó đâu. Không thấy một gốc cây ngã, không một chút dấu vết gì tỏ ra rắn thân yêu lâm nạn. Dế rừng gáy vang rân. Lũ khỉ bẻ cành ném túi bụi vào mình thầy. Gió rì rào qua kẽ lá cành cây, khắp rừng già như thức tỉnh vì người khách lạ chưa bao giờ ra khỏi chùa một dặm.

Thầy đảo mắt nhìn quanh, tìm kiếm.

Sau cùng, thầy đành thất vọng, quay về khi bóng tối nhập nhòe bao phủ rừng già.

Đến cổng chùa, thầy nhận thấy rắn trước mặt thầy, dáng bộ thảm não, nhọc mệt. Thầy cho là nó bị thương, tuy nhiên, nó còn sống và quay về được là quá tốt rồi. Thầy vội vàng cúi xuống, đỡ nó lên lòng, vuốt ve và hỏi nguyên cớ.

Rắn vừa thở, vừa thưa:

- Con thật đắc tội, đã làm nhọc lòng thầy lo lắng và tìm kiếm, xin thầy…

- Thôi con trở về là thầy mừng rồi, nhưng thầy nóng biết tại sao… Con đã bị ai bách hại? Mà làm sao con có thể thoát về?

- Thưa thầy, con chẳng bị ai bách hại, thầy nghĩ xem, ai có thể nỡ hại đứa lành như con? Số là hôm kia, con đi chơi ngoài rừng con gặp bà cụ già đi mót củi. Con sợ bà cụ thấy con thì sợ, nên con chui lẻn trong đống củi vụn gần đó, nằm yên, định bụng bà về rồi sẽ chui ra, đi dạo tiếp. Không ngờ, bà nhặt nhạnh hết cả mớ củi vụn chỗ con nấp, sắp thành một đống và ngỡ con cũng là một que củi, bà nhặt luôn con lên.

- Quái, thế bà lão không nhận ra con là con rắn hay sao?

- Thưa thầy, bà cụ già lắm, mắt kém chẳng trông rõ ngô khoai chi cả, khi nắm con trong tay, bà thấy mềm mềm lại tưởng con là sợi mây non nên bà chắt lưỡi khen: “tốt lắm” và dùng con mà cột bó củi lại…

Nhà sư không nén được tiếng kêu lo sợ:

- Trời ơi!

Rắn điềm nhiên tiếp:

- Lúc đó con hoảng quá, muốn tuôn chạy khỏi tay bà cụ, nhưng bà cụ già lắm rồi, mà thầy vẫn dạy con là người già yếu tim, không nên làm người ta lo sợ, xúc động mạnh có thể nguy đến tính mệnh, vì vậy, con cố nén, chịu đau. Con bị khoanh tròn theo bó củi và đầu với đuôi giao nhau, lại bị buộc thắt thành hai nút. Sau cùng bà cụ vác bó củi lên vai, về nhà. Rồi bà vứt bó củi xuống, con đã mấy lần định cố gắng tháo nút thắt chạy đi nhưng lại thấy lũ trẻ vây quanh, nếu con ngọ nguậy thì chúng sẽ nhận ra con, chúng sẽ sợ lắm, vì vậy con cứ đành chịu trận. Mà thưa thầy, trong lúc vứt bó củi xuống đất, vô tình bà cụ thả chỗ nút cột phía dưới, nên con bị bó củi đè nghiến tưởng dập cả đầu đuôi. Mãi đến hôm qua đây, bà cụ mới bắt đầu rút củi đun, con thừa dịp lũ trẻ con đi chơi vắng và bà cụ lăn đống củi sát vách mới ngoi đầu lên tháo nút buộc, chạy trốn…

- Bà cụ không hay biết gì cả, hẳn?

- Thưa thầy, vâng! Vì khi con bò khỏi cửa còn nghe bà cụ nói một mình: “Quái chưa? Sợi dây buộc mới đây mà đâu mất rồi? Thôi chắc là lũ nhãi đã ăn cắp làm dây nhẩy chơi chớ chẳng không. Lũ này nghịch quá thôi…” Thưa, con thoát được, vội vàng về ngay, vì biết thầy mong đợi nhưng con cũng hài lòng vì không gây khiếp sợ cho bà cụ và lũ trẻ…

Rắn hí hửng tưởng sẽ được thầy khen, nào ngờ thầy nghiêm mặt quở:

- Con thật có tội, không phải với thầy mà với cụ già kia. Tại sao con không vùng chạy từ đầu? Nếu rủi bà cụ vứt con vào lửa thì có phải con làm bà mang tội sát sinh không? Thầy đồng ý là con không phải là thứ rắn thường, con là một con rắn tu hành, nhưng nếu bà cụ siết mạnh, cột chặt con hơn trong nhiều ngày tiếp và con chết khô vì đói thì sao? Con ơi! Tu hành rất khó. Không phải chỉ tránh phạm tội mà còn phải tránh làm cho người khác phạm tội nữa kìa!

Rắn cúi đầu nhận lỗi. Thầy bèn an ủi nó:

- Thầy biết con thâm cảm nhiều điều tốt đẹp nên mới quở con về những điều đã xảy ra. Thôi, con đi nghỉ đi, ngày mai hãy khoan quét dọn, vì con còn ê mình lắm, nghe chưa?

Và không chờ rắn lên tiếng, thầy tiếp:

- Con đói lắm phải không? Thầy có để phần cho con đó, ăn đi!


MINH QUÂN  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 131, ra ngày 15-10-1974)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>