Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

CHƯƠNG II_ĐỒNG TIỀN GIẢ


CHƯƠNG II


Tôi thét lên một tiếng kinh hồn, tưởng như ai ở cách đó tới 500 thước cũng còn nghe rõ. Lập tức, bàn tay thụt lại và biến mất. Cái cửa đang khép hờ cũng đóng sập lại nghe cái "rầm".

Tôi nhẩy xổ lại, túm cánh cửa giựt mạnh. Không chuyển. Cánh cửa phòng điện thoại nào cũng chỉ đóng khóa từ phía trong, tôi biết rõ như thế!

Nhưng cũng hết gần
một phút sau tôi mới mò được quả đấm cánh cửa. Cửa mở, tôi vọt ra, nhẩy một bước ra giữa lề. Một bóng người đàn ông to lớn chạy khuất sau góc phố. Tôi lao người đuổi theo nhưng có cái gì giữ cẳng chân cứng lại, rồi ngã sóng soài trên bờ hè. Mắt nổ đom đóm, thái dương giựt liên hồi, tuy vậy, tôi vẫn còn đủ sức lao người bò đại bằng bốn chân. Cảnh vật trước mắt mờ hẳn đi như bị bao trùm trong một tấm màn "voan" mỏng. Rồi bóng dáng anh Ba Đốc sừng sững hiện ra ngay trước mắt. Anh Ba đứng lom khom cúi xuống nhìn tôi vẻ mặt lo lắng. Anh giơ tay định đỡ tôi dậy, nhưng bỗng tôi rên lên:

- Chết rồi, anh Ba! Cẳng chân trái tôi làm sao thế này ?... Á, á... không cục cựa được nữa, hà!

Anh Ba thở
một hơi dài nhẹ nhõm:

- Úi chao! Thế này thì còn cựa quậy thế quái nào được nữa! Chú thụt chân vào
một chiếc thùng các tông rồi đây này!

Đã bớt hốt hoảng, tôi giương mắt ngó kỹ mới thấy rằng anh Ba nói đúng. Rút chân ra, tôi khoan khoái nhận thấy không bị
một vết thương trầy trụa:

- Vì mải đuổi theo
một người đàn ông, tôi chẳng trông thấy gì cả nên mới vướng chân vào đó.

Anh Ba Đốc ngạc nhiên:

- Ủa, người đàn ông nào nhỉ? Có ai đâu nào!

Tôi lờ đi không nói gì thêm. Vô ích! Dù có nói anh cũng chẳng tin. Giựt mình, tôi nhớ lại đồng tiền cổ. Chết rồi! Đồng tiền đâu mất rồi ? Không biết gã đàn ông kia đã vớ được chưa ? Để mặc anh Ba đứng ngây người, tôi chạy lao trở lại phòng điện thoại. Đến nơi, tôi thở ra
một hơi dài khoan khoái: đồng tiền vẫn nằm yên chỗ cũ. Quơ tay cầm lẹ, tôi nhét ngay vào túi áo. Nhưng quái!! Có tiếng gì kêu ọ ọ từ trong máy nói đưa ra. Thì ra cái ống nghe chưa được gác lên máy bị lủng lẳng ở đầu dây. Và tiếng ọ ọ phát ra từ đấy cho biết rằng Trí vẫn đang còn ở đầu máy đằng kia. Tôi nhấc ống nghe đặt vào tai:

- Chiêm, Chiêm! Cái gì thế hả ? Đang nói chuyện, sao lại... 


Giọng nói tôi làm ra vẻ quan trọng:

- Thong thả chút đi! Rồi tôi kể lại anh nghe.

Đoạn tôi thuật lại việc vừa qua cho Trí nghe, không sót
một chi tiết. Khi nghe kể chuyện xong, anh ra lịnh vắn tắt:

- Về "Trụ sở" ngay lập tức nghe CT3, tôi chờ! Hà! Chuyện này không phải thường đâu nghe! Cái người đàn ông thò tay vào định lấy đồng tiền đó, cố ý giấu mặt, điểm ấy đáng nghi lắm! Chúng ta phải bắt tay vào cuộc điều tra ngay mới được. Hắn ta đã âm mưu
một lần, chắc thế nào cũng quen tay làm nữa cho coi! Cẩn thận đấy, CT3!

- Được! CT1 yên trí! Tôi sẽ cẩn thận! Giọng nói của tôi bất giác có vẻ hơi run.

Rồi quay ra lấy xe, nhẩy lên, tôi phóng một mạch về Saigon. Trí và tôi đều ở khu cổng xe lửa số 6 cả, nhưng nhà anh cách nhà tôi 4 con hẻm. Về đến nơi, thay vì tiến thẳng đến cửa nhà anh, tôi dắt xe đi vòng ra phía sau vườn, nơi nhà kho để dụng cụ làm vườn. Đó! "Trụ sở" của hãng "Sê Tê Hai" thám tử tư của chúng tôi đó. Nóc nhà kho khá cao và có nhiều xà ngang thật to. Trí và tôi đã mầy mò xin được ở hãng cưa gần đấy nhiều thanh cây, mảnh gỗ, ván ép ở các thùng đồ cậy ra rồi sau gần
một tuần lễ hì hục cưa, đục, đóng... hai chúng tôi đã hoàn thành được cái trụ sở khá tươm tất. Trí hân hoan đặt cho nó cái tên là "phòng thí nghiệm". Kín đáo và bí mật lắm! Mở cửa bước vào nhà kho, tôi tiến tới cây cột thứ ba, ấn vào một cái đinh ngầm đóng sát chân cột. Trần nhà kho bằng ván ép, lật xuống một miếng vuông vức, cạnh 60 phân. Một cái thang gỗ nhỏ nhắn nhưng thật chắc, cũng do hai anh em đóng lấy, tự động tụt xuống. Tôi trèo lên hết 5 bậc, chân vừa đặt lên mặt trần nhà thì cái thang cũng tự động rút lên, kéo theo cả miếng gỗ vuông đậy kín lỗ hổng.

Trí đã ngồi sẵn tại bàn làm việc. Trên mình, anh choàng chiếc áo blouse trắng, chiếc áo anh thường mặc mỗi khi ngồi trước bàn thí nghiệm hóa học. Bên trên bàn ngổn ngang chai lọ, ống nghiệm to nhỏ đủ loại. Anh đang gầm đầu xuống
một quyển sách dầy mở rộng. Tôi bước lại, anh ngẩng đầu lên:

- A! CT3! Tốt! Đâu, đồng tiền đó đâu ? Đưa mình coi!

Trí cầm lấy đồng tiền lạ tôi đưa cho. Anh đứng dậy tiến về phía
một cái bục ván dầy ta vẫn thường thấy trong xưởng của thợ mộc. Anh quay lại nhìn tôi, hất đầu về phía quyển sách:

- Trong khi chờ đợi CT3, tôi đã tham khảo kỹ tài liệu về tiền cổ học. CT3 có biết gì về tiền cổ học không ? Này nhé... !

Trí có
một nhược điểm khiến thiên hạ khó chịu: anh ưa thuyết trình. Gặp một vấn đề gì hơi đặc biệt một chút là anh trịnh trọng giải thích, nói thao thao bất tuyệt, rành mạch khúc chiết, lưu loát như nước chảy. Tôi khổ tâm lắm, nhưng cứ đứng im nghe:

- Đây là
một đồng tiền cổ lâu đời lắm rồi của thành phố A-tê-na thuộc nước Hy Lạp, đúc từ hồi thế kỷ thứ 5 trước Thiên Chúa giáng sinh. Cái mũ sắt tượng trưng Nữ Thần Athéna, và ở mặt kia, hình con cú hai mắt thô lố là phù hiệu đặt biệt của người.

- Thế còn vết vạch lõm từ mép đường vòng vào tới tâm ?

Trí mỉm
một nụ cười tươi.

- Đó là dấu vết trục trặc kỹ thuật. Nhiều khi máy đúc dập xuống sai lệch
một chút. Nhưng theo tôi, chuyện trục trặc đó ít khi xảy ra. Vậy thì chắc chắn đây là vết khía của một tay lái buôn nào nghi ngờ sự thật giả, đã làm ra để xem xét cho tường hư thực đó.

- Rồi! Thế tất cả vấn đề có ăn nhằm gì đến người đàn ông móng tay cái đen kia đâu mà y lại có ý định nẫng đi, để làm gì vậy ?

- Thắc mắc của CT3 rất chính đáng! Nhất định là còn phải có nhiều "cái gì" lắm chứ! Tôi cần phải xem xét lại nhiều nữa, cho thật kỹ rồi mới biết được!

Đoạn Trí đặt đồng tiền lên mặt gương phẳng, dưới ống kính hiển vi, săm soi, nhìn ngó. Bên cạnh bàn, tôi lặng lẽ đứng im.

Đột nhiên anh thẳng đứng người lên: CT1 đã khám phá được điều gì khác lạ. Tôi biết chắc như thế. Ở gần Trí lâu nên tôi thuộc gần hết mọi thói quen của anh. Anh gần như la lên:

- Chiêm, Chiêm! Lại coi, lại coi! Mau lên!... Thấy gì lạ không ?

Tôi xáp lại, dán mắt dòm qua ống kính hiển vi; tới gần
một phút sau mới ngập ngừng đáp:

- Có... có! Cạnh tròn của đồng tiền có vết bầm!

- Đúng! Và những vết bầm đó ra sao ? Có gì lạ ?

- Những vết bầm đó... a... ơ... ơ... đều xiên về
một chiều!

- Rồi!... Thế còn cái vết khía từ mép đồng tiền chạy vào đến tâm ? Vết khía ấy cũng có vết bầm chứ ?

Tôi đáp ngay:

- Không, vết khía đó trơn lu, không có vết bầm dập gì hết!

- Khá lắm, Chiêm! Vậy là đủ rồi! Hà! Hà! Thú lắm!

Lúc tôi rời khỏi ống kính thì Trí lượm đồng tiền lên. Rồi trước đôi mắt mở tròn vì kinh ngạc của tôi, Trí đưa đồng bạc sát miệng và... thè lưỡi liếm liếm. Tôi bật ra tiếng... gần như quát lên:

- Cái gì kỳ vậy, Trí ?

Đôi chân mày hơi nhíu, vẻ mặt đăm chiêu, giọng bạn tôi trầm hẳn xuống, nghiêm nghị:

- Chiêm! Đồng tiền này giả!

- Cái gì ?

- Nghe rõ rồi còn hỏi nữa! Những vết bầm ở cạnh đều do giấy nhám tạo ra: kẻ nào đó đã chủ tâm cạ cạ mép đồng tiền bằng giấy nhám để cho nó có cái vẻ cũ kỹ, cổ xưa giả tạo. Còn cái vết khía dài kia cũng tân tạo nốt để người khác tưởng lầm là vết tích của sự trục trặc trong khi đúc tiền!... Chưa, chưa hết! Như Chiêm đã thấy đó, mình liếm liếm bằng lưỡi để nếm thử mùi vị... ốc xít! Chiêm biết ốc xít không ? Ốc xít là kết quả phản ứng hóa học do các chất muối trong không khí tác dụng lên kim loại. Nếu thực sự là
một đồng tiền cổ, chất ốc xít sẽ không còn vị gì nữa! Đằng này đồng tiền của Chiêm lại có một vị đắng rất rõ rệt...

- Nhưng mấy cái đó có ăn chung gì đâu nhỉ!... Và vậy ra đồng tiền này không có giá trị gì hết!

- Đúng như vậy!

- Ủa! Nếu thế thì cái người có móng tay cái đen kia định đoạt lấy... định nẫng trộm để làm gì vậy ?

"Sếp" tôi trịnh trọng:

- Đó là
một điều chúng ta phải điều tra tìm hiểu, CT3! Mà muốn điều tra đặng tìm hiểu, chỉ có một cách: Lột mặt nạ cái con người bí mật đó!

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>