Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

CHƯƠNG XVII_ĐỒNG TIỀN GIẢ


CHƯƠNG XVII


Không phải đợi giục tới lần thứ hai, tôi theo Trí, lao đi như gió cuốn. Đột nhiên phía sau có tiếng ré lên:

- Chờ tôi với! Chờ tôi với!
Và tiếng đó, khổ thật, đúng là tiếng bé Thơ. Trong giây phút nguy tai đó, tôi còn biết làm gì hơn là chìa tay ra cho nó nắm, rồi cả ba lao đầu chạy bán sống bán chết ra phía con lộ đất đỏ.

Trong khu nhà đã nghe tiếng rục rịch: tiếng mở cửa, tiếng người chạy túa ra khoảng sân rộng, và... ánh đèn "pin" chiếu loang loáng.

Có tiếng nói lớn:

- Có thấy gì đâu nào! Chắc anh thần hồn nhát thần tính rồi, anh Lân ơi! Có gì đâu nào! Yên tĩnh như thường hà!

Tiếng Đặng Lân:

- Biết đâu đấy! Rõ ràng tôi nghe tiếng nói nheo nhéo mà! Sục vào các bờ bụi coi! Đó! Cái bụi cỏ cao đó! Tụi oắt con đã giấu xe đạp trong đó hôm qua đấy!

Rúc trong đám cỏ rậm, ba đứa chúng tôi thở không ra hơi, hoảng sợ xanh xám cả người đi. Cây cột xi măng, chỗ dựng xe đạp chỉ còn cách không bao xa, mà không đứa nào dám nhúc nhích. Liếc mắt nhìn kỹ, tôi giật bắn người khi nhận ra... có thêm một chiếc xe đạp nữa... cũng dựa nghiêng vào cây cột.

Tiếng bé Thơ phào phào bên tai:

- Xe của tôi đó! Để đó không sợ lạc chỗ, heng!

Tôi nghiến răng kèn kẹt:

- Ừa, ừa! Để xe đó dễ thấy lắm! Tụi Đặng Lân mà tiến lại thêm chút nữa, chắc bắt gặp mấy cái xe đạp cũng không khó, heng!

Vừa nói, tôi vừa tức giận tưởng phát điên lên vì cái con bé "tiểu nữ tặc", nhưng không lẽ lại... hét rầm lên.

Trí nhẹ chỉ bàn tay về phía bên trái!

- Chúng ta bò vòng qua phía bên này. Tụi nó đã tràn lên con lộ đất và chặn đường rút lui của tụi mình rồi. Cẩn thận nghe, nào... tiến!

Sau hơn
một phút bò bốn chân, chúng tôi đã vớ được xe đạp, nhẩy phóc lên, đạp bạt mạng, ngược với hướng đi ra đường cái nhựa. Có tới mười phút sau, Trí mới là người đầu tiên cất tiếng. Anh hét lên:

- Trời đất ạ! Bé Thơ kỳ quá! Đã bảo đừng đi theo, không nghe. Chút xíu nữa làm tụi này bị chốp hết à!

Con bé chẩu mỏ:

- Thì đã bị bắt đâu nào ? Nói hoài!... Tôi cũng có quyền đi theo để xem cuộc điều tra đã tới đâu rồi! Tôi cũng là khách hàng của hãng các anh, chớ bộ!

Ối! Cãi lý với bé Thơ "đầu bò" thiệt là mệt! Nó luôn luôn giành phần phải về mình. Một lúc sau, Trí thắng xe lại:

- Chà! Chúng mình đạp xe chạy lung tung hết rồi! Làm sao tìm đường về đây ? Lạc đường nguy quá!

Bé Thơ bĩu dài môi:

- Lạc đường! Các anh lạc thì có, chớ tôi thì còn lâu. Tôi biết mà! Tôi biết rõ là hiện thời tụi mình đang ở đâu cơ!

Cô bé lên giọng rất hách:

- Ê! Hai anh cứ việc theo tôi mau! Không có tôi là đố các anh có làm được cái trò trống gì! Đi!

Tuy bực mình ghê lắm, tôi vẫn phải công nhận lần này quả thật bé Thơ lợi hại vô cùng. Cô bé thuộc đường ở vùng đồng ruộng này quá xá và hướng dẫn chúng tôi lần về tới Thủ Đức không mấy khó khăn.

Tới nhà, cô bé đứng trên ngưỡng của, giơ cao tay, giọng tinh nghịch:

- Về ngủ ngon, nghe, các bồ! Các anh may mắn mới gặp được tôi đó, nghe!

Tiếng Trí:

- Ngủ ngon! Bé Thơ! Cám ơn nhiều lắm, nghe bé!

Cô bé rắn mắt còn cố gài thêm
một câu:

- Thôi mà! Chút đỉnh mà ăn thua gì!

Bé Thơ chưa nhận ra tính chất châm biếm trong giọng nói của "sếp" tôi. Ánh mắt anh liếc nhìn tôi đã nói lên điều đó. Nhưng đột nhiên
một chuỗi cười khanh khách làm hai đứa giật nẩy người:

- Và này! Về nhớ tắm rửa, lau sạch mặt lem mũi lọ đi nghe! Hí, hí!
Rồi tiếng cánh cửa đóng nghe cái "sầm".

Lúc đó chúng tôi mới trợn mắt nhìn nhau: trên người hai đứa vẫn đeo
hai bộ"pi-da-ma" ngụy trang và mặt bôi lọ than đen như hai anh chàng Hynos. Hai anh em lập tức chạy vào một góc hè kín đáo, trút bỏ hai bộ rằn ri và rút mùi xoa lau sạch mặt mũi, rồi lên xe thong thả đạp về nhà.

Đến trước cửa nhà tôi, Trí ngập ngừng:

- Mới 9 giờ 30, Chiêm à! Hay là tụi mình về đem cuốn phim rửa mấy cái ảnh quý giá đó coi đi!

Tôi cũng không ngờ là trời vẫn còn sớm đến thế, nên vui vẻ tuân lệnh "sếp" ngay.
Hai anh em lặng lẽ tiến vào gian kho nhà Trí. Anh nhẹ nhàng ấn nút mở cửa bí mật. Vào đến trong "phòng thí nghiệm", anh bật đèn sáng trưng, rồi bắt tay ngay vào việc. Để tráng phim, rửa ảnh, Trí đã sáng chế sẵn một bộ đồ nghề trông thật lạ mắt, rất xinh. Anh vặn nút điều chỉnh một lúc lâu, đoạn đặt phim vào cái hộc nho nhỏ, rồi pha phách thuốc nước tráng phim ảnh, ngâm phim trong đó, và trong khi chờ đợi, anh tiến lại ngồi bên tôi.

- Máy tráng phim và rửa hình này tự động!... Chúng ta chỉ việc buông tay ngồi chờ chừng nửa tiếng đồng hồ.

Thật, từ xưa tới nay, chưa bao giờ tôi lại thấy cái nửa giờ nào mà lại kéo dài lâu đến như thế. Và tới khi cái máy tự động reo lên
một hồi chuông báo là việc rửa ảnh đã xong, tôi cảm thấy thể xác mệt mỏi rã rời tưởng chừng như mới đứng gác một lèo liền tù tì trong 8 tiếng đồng hồ.

Trí tiến tới bên máy, kéo
một ô hộc thứ hai ở phía bên kia, lôi ra một băng giấy ướp lạnh, ẩm ướt. Giọng nói của anh nghiêm trọng:

- Đây ảnh của CT3 chụp tụi gian phi đây! Và anh tiến lại sát ngọn đèn điện.

Vô cùng hồi hộp, tôi cũng xáp lại bên anh, dòm qua vai, chiêm ngưỡng tác phẩm. Trí thận trọng giở dài cuộn giấy ướt. Và tôi có cảm giác như cả cái trần nhà trên đầu đang sập xuống: cuốn giấy hình... trắng xóa!

Giọng nói tôi run bắn lên:

- Ủa! Trí! Hư hết rồi hả ?

- Ừa! Hư cả! Trắng lốp hết!

Dứt lời, anh quay trở lại bên chiếc máy rửa hình, lôi cuộn phim ra: cũng trắng xóa nốt!

"Sếp" tôi thần mặt, lẩm bẩm:

- Lạ! Thật tình tôi không hiểu sao lại kỳ vậy! Mình đã thử đi thử lại tới hơn một chục lần rồi kia mà! Vô lý hết sức! Hừ! Sao lại có thể thế này được nhỉ ?

Bực mình quá, tôi cũng nổi sùng không kém.

- "Hừ! Trí cứ làm như mình là nhà bác học Einstein ấy! Bây giờ đã ngã ngửa người ra chưa ?"

Tôi hét vào mặt anh:

- Này! Anh lại còn kêu ca gì nữa ? Chính anh đã muốn thế thì sự việc nó xảy ra như thế! Còn gì nữa mà kêu! Anh đã muốn có những bức hình chụp không cần phải có ánh sáng, tức là ánh sáng vô hình, thì đó... anh đã được những bức ảnh vô hình đấy, còn đòi gì nữa, "ông" ? Hợp lý quá rồi còn gì ?

Trí cắn môi:

- Thôi!... nói hoài, mệt quá!

Tôi vẫn chưa chịu thôi:

- Nói hoài! Anh còn bảo tôi "nói hoài"! Tôi nói đúng quá mà, làm sao nhịn được chứ! Phải vào sinh ra tử mới chụp được mấy "pô" hình đó! Đặng Lân và đồng bọn có thể giết chúng mình như chơi vậy đó! Tôi chỉ yêu cầu anh
một điều rằng, trước khi đem cái "bảo bối" gì của anh ra dùng... thì cần phải soát xét lại cẩn thận trước đã!

Được dịp "xài xể" sếp, tôi khoái chí tử, nhưng Trí tỏ ra không mấy quan tâm mấy đến những lời mỉa mai của tôi. Anh chăm chú rà soát lại các bộ phận trong chiếc máy ảnh, ấn cái nút này vặn cái chốt kia, rút tung mấy cái ngăn hộc nhỏ xinh xinh ra, dốc ngược một hai cái ve nước hóa học gì đó đưa lên mũi ngửi ngửi.

Bực bội quá chừng, tôi xây lưng lại phía anh, khoanh tay đi đi lại lại trong "phòng thí nghiệm" nghiến răng kèn kẹt như muốn nhai nát cái thất vọng đắng cay.
Một lúc sau, anh khẽ cất tiếng gọi tôi:

- CT3 lại đây coi chút đi!

Tôi bước tới, tự hỏi thầm chẳng hiểu anh còn định viện dẫn lý do "tại", "bị" gì nữa đây... để cãi xóa khuyết điểm tai hại của anh.

Tiếng Trí buông gọn:

- Quan sát lại máy ảnh đi, CT3!

Tôi nhấc chiếc máy lên. Chiếc máy tôi đã dùng để chụp những "pô" hình gay cấn nhất. Bất giác tôi lẩm bẩm:

- Quái! Máy chụp đâu có cái gì trục trặc nhỉ ?

Tiếng nói của Trí chậm rãi như đếm từng chữ một:

- Ống kính thu hình! Coi kỹ cái ống kính thu hình đi!

Giọng tôi gay gắt:

- Ừ, sao ? Ống kính thu hình thì sao mới được chứ ? Vẫn ngon lành như thường, có trục trặc gì đâu mà... á... á...

Tôi bỗng há hốc miệng nói không ra tiếng, suốt người như bị xối
một gáo nước lạnh buốt! Chết tôi rồi! Cái màng mỏng màu đen... vẫn úp chụp bao kín bên ngoài ống kính thu hình. Khi bấm chụp, tôi đã quên bẵng đi không nhấc cái nắp đậy màu đen đó ra. Hèn gì mà... phim lại chẳng bị trắng xóa hết.

Tôi run giọng nói với Trí:

- Trời ơi! Lỗi tại tôi rồi, Trí ơi!... Làm sao bây giờ đây ?

Quả có thế! Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ đây ? Tôi chỉ còn biết đứng ngây ra như phỗng đá, cổ họng khô bỏng, nuốt nước miếng thấy khó khăn như nuốt hòn sỏi.

Trí đưa những ngón tay run run lùa vào mái tóc rối. Da mặt anh xanh rờn, vô cùng mệt mỏi.

Tôi luôn miệng:

- Trời ơi! Làm sao bây giờ đây ? Trời ơi!

- Mình cũng xin chịu! Chiêm à! Thiệt tình mình cũng không còn biết làm sao nữa đây chứ!

Đang lúc hai anh em y hệt hai trái banh xì hết hơi như vậy, thì lại nghe tiếng... báo động. Trước khi chiều xuống, hôm nào cũng vậy, bao giờ Trí cũng vứt rải rác
một vài mẩu gỗ hoặc đá cuội trên mặt sàn nhà kho, người vô ý bước vào thế nào cũng đá hất trúng những cái món bừa bãi đó. Sỏi, đá, mẩu gỗ nhỏ sẽ đụng vào một hệ thống đường dây thép nhỏ nối liền với một dãy lon sữa treo giấu trong "phòng thí nghiệm". Và giờ đây "chuông báo động" đó kêu lanh canh!

Trí thấp giọng:

- Có biến rồi! Tắt đèn đi, Chiêm! Và vớ lấy
một cái gì đó làm võ khí, mau lên!

Tôi làm theo lời Trí, trống ngực đập thình thình. Nhất định là tụi Đặng Lân đã theo hút tụi tôi về đến đây rồi!

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XVIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>