Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

CHƯƠNG XIX_ĐỒNG TIỀN GIẢ


CHƯƠNG XIX


Bọn gian vừa nhúc nhích thì đột nhiên có tiếng quát giật giọng.

- Sáu Goòng! Anh và đồng bọn mà động tới chéo áo của
hai thằng nhỏ đó là các anh hết sống, nghe!

Bất giác tôi quay ngoắt lại, ngạc nhiên hầu như nghẹn cả thở, khi chợt thấy thẩm sát viên Báu từ nơi đầu góc nhà, xuất hiện.

Lão Sáu Goòng rụng rời chân tay, run giọng:

- Thôi chết rồi! Cảnh sát.

Và lão quay người dợm chân chạy nhanh như gió.

Người nhân viên công lực cười khẩy, nói to:

- Đừng chạy trốn vô ích, Sáu Goòng! Cả khu nhà này bị vây kín rồi! Nhân viên của tôi có lệnh nổ súng vào bất cứ người nào chạy trốn đấy! Liệu hồn!

Nhưng lão Sáu gan to mật lớn, cứ lao người, vắt giò lên cổ mà chạy. Liếc nhanh mắt ngó nét mặt ngơ ngác của Trí và tôi, thẩm sát viên Báu mỉm cười thật tươi:

- Các em yên chí! Nhân viên của tôi đã nấp sẵn tại chỗ đó rồi!

Quả nhiên, chưa đầy
hai phút, Sáu Goòng đã lầm lũi quay trở lại, hai nhân viên cảnh sát đi kèm hai bên. Bộ mặt lão Sáu hết hẳn vẻ nhâng nháo kiêu căng hồi nãy.

Ông thẩm sát viên Báu quay lại ngó Trí và tôi:

- Trong
hai em đây, ai tên là Trí ?

"Sếp" tôi tiến lên một bước:

- Thưa ông Thẩm sát viên! Dạ, tôi ạ! Thưa ông, xin nói để ông biết là hiện ở trong chiếc "cam nhông nết" kia có nhiều tang vật chứng tỏ việc làm ám muội của tụi gian phi! Những tang vật mà hồi nãy tôi đã tả rõ khi gọi điện thoại cho ông đó ạ! Thưa, tôi xin trình thêm để ông rõ là... tên trùm đảng chưa bị bắt đâu, ông ạ! Cho nên...

Đang nói đột nhiên Trí ngưng bặt vì... Đặng Lân xuất hiện... cùng với
hai nhân viên cảnh sát, mỗi người đi kèm một bên. Một người nói với thẩm sát viên Báu!

- Thưa "Sếp"! Tôi bắt được người này đang bò trườn trốn lủi dưới đường mương ăn thông ra đám cỏ rậm đằng kia kìa, Sếp!

Gã Đặng Lân miệng lưỡi liến thoắng:

- Thưa "Sếp"! Tất cả chỉ là một sự lầm lẫn, một sự lầm lẫn tai hại vô cùng, chớ không phải chuyện giỡn đâu, sếp! Không biết mấy thằng nhỏ này nói tầm bậy cái gì với sếp, chớ riêng tôi, tôi xin thề với sếp là tôi không dính dáng với bất cứ ai, với bất cứ
một việc cỏn con nào trong cái nhà này hết... tôi không gì hết á... và...

Trí cắt lời tên gian:

- Thôi đừng thuyết bậy nữa đi, ông Đặng Lân! Vừa nói Trí vừa rút trong túi ra
một cuộn giấy hình đây tôi vừa mới rửa thử "8" pô hình chúng tôi chụp bằng hồng ngoại tuyến đây! Trong bức hình nào ông cũng đứng vào vị trí một tay sếp sòng mà còn nói là không dính dáng vào một việc cỏn con nào thì ai mà tin được!

Biết rằng không còn chối cãi nổi, tên trùm gian phi xịu mặt, hai bờ vai xuội xuống, lắc đầu, chép miệng:

- À! Thôi sự thể đã vậy thì thôi, cũng đành! Thôi được! Tôi xin chịu thua! Các ông đưa giấy tờ đây để tôi làm tờ tự cung!

Lão Sáu Goòng đứng ngay phía sau đàn anh, la lên, bằng lòng ra mặt:

- Có thế chứ! Hà hà! Được cùng ăn, thua cùng chịu chứ, hả? Tôi cứ lo phải xộ khám
một mình thì buồn chết ha, ha!

Đồng bọn của
hai tên lục tục đi tới, có tới bốn nhân viên cảnh sát kèm sát. Thẩm sát viên Báu reo lên:

- Xong rồi, anh em!
Hai chú bé này nữa, đi với anh, mau lên! Ông biện lý Nguyễn Bảo Kỳ đang nóng lòng chờ đợi anh em mình đem tin lạ về lắm đó! Chúng ta dông! Đi!

Nhưng không đầy phút sau, ông ta đã quay lại nhìn chúng tôi, ánh mắt thân ái:

- À! Tôi quên! Hai chú em đi xe đạp hả ? Vậy thì các em về ngựa sắt nhé! Mai đến trình diện ông biện lý nghe! Ông sẽ hỏi han các em nhiều điều! Nghe!

Thế là Trí và tôi quay ra nhảy lên xe đạp, đạp băng băng. Ngồi trên xe, gió đồng nội thơm ngát, mùi lúa chín,
hai bánh xe bơm căng êm êm bon đi làm chúng tôi có cảm tưởng như bay bổng trên tầng mây cao tít. Ra tới đường cái nhựa, hai anh em nhắm hướng Thủ Đức thong thả đạp đều đều, Trí bắt đầu kể tôi nghe rành rọt mọi sự việc:

Cái thang bằng dây thừng có cột kèm những gióng tre ngang bị gió dập vào tường trên tầng lầu cao nhà Trí, kêu lạch cạch đã đánh thức anh trỗi dậy vào lúc trời hãy còn sớm lắm. Nhô đầu ra cửa sổ, anh biết ngay là tôi đã bỏ đi. Cái máy chụp hình cũng biệt tăm cho anh hay nơi chốn mà tôi mò đến. Và chiếc đồng hồ báo thức trên bàn báo cho anh là tôi ra đi đã được bao lâu rồi.

- Và tôi nghi rằng tụi gian đã bắt được Chiêm, nên mới tìm cách bố trí đặt
một cái máy chạy băng kèm hai ống loa khuếch đại âm thanh, ấn nút cho phát thanh để điệu hổ ly sơn, đặng mới lẻn vào phá ngục cứu Chiêm ra được chứ!

Tôi bất giác reo lên:

- Anh quá xá thiệt!... Và may sao mà cảnh sát lại cũng tình cờ ập tới hợp lúc quá chứ, heng!

Trí mỉm cười. Nụ cười của anh ngoác rộng đến tận mang tai:

- Tình cờ may mắn hả ? Đâu có cái chuyện tình cờ may mắn lạ thế, Chiêm! Nguyên là khi thấy Chiêm tự động vác máy ảnh ra đi, mình lo quá, hoảng hốt vác xe đạp đi ngay. Cắm đầu cắm cổ đạp, khi ra đến ngoại ô, gió đêm lành lạnh, tỉnh trí lại, mình mới biết rằng là dại. Không phải là sợ hay ngại gì đâu. Mình nghĩ là đã dại dột ra đi mà không báo cho ai biết;
ánh mắt anh ngó tôi như thầm bảo: "ra đi ẩu" như Chiêm vậy đó ? Liền rẽ vào một cái phòng điện thoại công cộng gọi báo tin cho cảnh sát. May mắn sao lại gặp trúng ngay thẩm sát viên Báu. Rồi là diễn tiến ra sao thì Chiêm đã biết.

- À, ra thế!

Trí tiếp:

- Gọi điện thoại xong mình yên chí đạp thẳng đến khu nhà bí mật bố trí đặt máy phóng thanh cho băng chạy, mở lớn hết cỡ...

Tôi lặng người đi, suy nghĩ có tới 2, 3 phút sau mới cất tiếng hỏi anh:

- Nhưng rồi lúc cuối cùng anh giở cuộn giấy hình ra trước mặt các ông cảnh sát và bọn gian! Sao anh liều khiếp thế ? Anh cũng dư biết là cuộn giấy ảnh đó tôi chụp hư... trắng xóa hết kia mà!

Trí cười thích thú:

- Ai chẳng biết thế! Nhưng Đặng Lân "có tật giật mình", và chắc y cũng đã bị Chiêm "hù" từ trước rồi nên chưa kịp xem, đã vội vàng "lậy ông tôi ở bụi này". Và y yêu cầu xin cho được viết bản tự cung khai thú tội. Chúng ta còn muốn gì hơn nữa chứ ?

Trí nói đúng! Chúng tôi đã thành công mỹ mãn như vậy, hỏi còn muốn gì nữa chứ ? Hân hoan ngập tràn trong lòng, đến muốn nói thêm cũng chẳng còn biết nói gì nữa. Tôi chỉ biết đưa mắt nhìn Trí, nhìn thật lâu người bạn đã làm hết mọi cách có thể làm được để cứu mạng mình. Đôi môi tôi mấp máy mãi câu nói nghe thật ngớ ngẩn:

- Cám ơn Trí nhiều, nghe Trí!

Viền môi tươi của anh lại nở nụ cười sung sướng. Nụ cười thật rộng hầu như làm lộ hết cả
hai hàm răng trắng bóng.

Khi
hai anh em đạp xe ngang nhà bé Thơ, liền ghé lại báo cho bé và ông Danh Điềm tin vui. Gặp hai cha con bé Thơ, chúng tôi mới biết là thẩm sát viên Báu cũng đã ghé đây rồi.

Ông Danh Điềm,
một con người làm ăn lương thiện nổi tiếng xưa nay, một người cha rất thương con không hề nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, từ ngày vợ mất, vẫn ở vậy nuôi con. Người đàn ông hiền lành ốm yếu ấy đã run lên cảm động khi được nghe tin vui do Trí và tôi nói lại cho ông biết với đầy đủ chi tiết.

Muốn nói mấy câu cám ơn tha thiết mà ông nói chẳng nên lời.

Phần bé Thơ, cô gái ranh mãnh này thì lại thích thú vô cùng. Cái miệng xinh xinh liến thoắng:

- Trời ơi! Vậy mà các anh không đến rủ tôi cùng đi với, xem mặt mũi và bộ dạng tụi gian lúc bị bắt ra sao, có phải khoái biết mấy không! Và rồi có gì thì tôi cũng giúp được các anh
một tay... chớ bộ... đồ bỏ sao ?

Trời đất!
Hai đứa tôi đã suýt chết vì cô bé tinh quái này rồi mà cô vẫn còn cho là chưa đủ sao chớ!

Trên đường về, Trí và tôi đạp xe mà đầu lâng lâng tưởng chừng như có
hai vùng hào quang chiếu rọi trên mái tóc. Nhưng hai anh em không dè là khi về tới nhà Trí thì có việc lạ xảy ra: hai đứa vừa xuống xe thì bà Bích Tâm, má Trí, chạy lao ra, ôm chặt lấy anh, trên nét mặt vẫn đầy vẻ hoảng hốt.

Thì ra, cả nhà không ai biết là
hai đứa đột nhiên bỏ đi đâu mất tăm, mất hút. Không khí nghiêm trọng âu lo, lập tức tan biến khi ba má Trí được nghe anh thuật lại tình tiết cái thành quả tốt đẹp trong việc hai anh em giúp nhà chức trách khám phá và bắt trọn ổ bọn đúc bạc giả.

Trời đã sáng rõ lắm, Trí và tôi mệt nhoài, liền tuân lời bà Bích Tâm lên lầu ngủ
một giấc để phục hồi sức khỏe. Sau đó, chúng tôi đã tới trình diện ông biện lý Nguyễn Bảo Kỳ. Rồi các nhiếp ảnh viên chụp hình, phóng viên các nhật báo tại thủ đô phỏng vấn, hỏi han đủ chuyện.

Sau đó,
một cú điện thoại gọi tôi cho biết là ba má và chị An tôi đã về tới nhà. Tôi tức tốc lên xe đạp về.  Ra-đi-ô cũng đã loan tin tức vụ bạc giả một cách khá đầy đủ. Và cả nhà nóng ruột chờ đợi tôi về, nhất là người mẹ thương yêu của tôi chỉ thích nghe câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm do chính miệng vị tiểu anh hùng tham chiến, đứa con trai yêu quý của bà thuật lại.

Phải công nhận buổi sáng hôm đó đúng là
một ngày vinh quang nhất đời tôi. Khi chiều xuống, cơm nước xong, tôi sửa soạn và chắc mẩm phải ngủ một đêm thật ngon lành để đền bù lại những giây phút khó nhọc vất vả, thoát khỏi bàn tay tử thần trong đường tơ kẻ tóc.

Vừa mới thay bộ "pi-da-ma" thì chị An từ nhà ngoài đi vào, tay cầm
một chiếc phong bì đỏ:

- Ba! Con lượm được cái thơ kỳ dị này ở phòng ngoài, Ba! Có lẽ ai đã nhét qua khe cửa, liệng vào đó à, ba! Không đề tên người nhận gì hết trọi!

Ba tôi mở chiếc phong bì màu đỏ, lôi ra
một mảnh giấy trắng nhỏ xíu. Ông giương mắt chăm chú đọc, nét mặt sửng sốt:

- Quái thật! Chắc đứa nhỏ nào tinh nghịch liệng vào trêu chọc người ta đây mà! Hừ! Phong bì đỏ, giấy trắng, viết bằng mực xanh!... Cái gì lạ: "Phi thuyền không gian CT2 đã bay vào quỹ đạo!" Trời đất! Thế là cái quái gì ? Ối chao! Con nít bây giờ sao có lắm trò chơi thiệt kỳ cục quá sức!

Rồi, ba tôi vò viên cả phong thơ, liệng vào sọt giấy, coi như
một mảnh giấy vô giá trị của một chú nhỏ rắn mắt nào đó.

Riêng tôi, tôi biết là "Sếp" CT1 quái quỷ của tôi lại sắp sửa có
một cái gì đây!
 

Tôi chui vào trong chăn định dỗ giấc ngủ. Những hình ảnh gay cấn vừa qua, rồi sự hiện diện của chiếc phong bì đỏ như báo trước những ngày gian lao sắp tới. Cái khổ tâm của nghề thám tử là như vậy. Mà hiện tại thì tôi cần ngủ một giấc thật ngon.

Muốn cho đầu óc trống trơn, tâm trí thảnh thơi để dễ ngủ, chỉ còn
một cách: để tâm hồn bay bổng tới vườn trẻ của Tòa Soạn Tuổi Hoa, nơi có những thảm cỏ mịn mướt, cây lá xanh êm với hoa đỏ, bướm trắng, tím, vàng.

Rồi, nhẹ như cánh bướm, hồn tôi bay theo gió cùng đậu trên từng cánh thược dược đỏ tươi, nhụy hoa ngọt lịm, tung tăng trên đám cỏ nhung êm, nhẩy múa theo giòng nước trong đang nô giỡn trên nền cuội trắng.

Trong khi đó, thân xác tôi thoải mái nằm trên nệm êm, đắp chăn ấm... chìm sâu, thật sâu vào giấc mộng của... Tuổi Hoa...
 

NAM QUÂN       
Nguyễn Hoài Chúc 


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>