Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

CHƯƠNG IV_ĐỒNG TIỀN GIẢ


CHƯƠNG IV


Tôi quay lại ngó Trí:

- Cái gì ? Anh nói sao ? Bây giờ mới bắt đầu ? Tôi tưởng chúng mình đã tìm ra xuất xứ, người chủ của đồng bạc cổ đó rồi. Chỉ việc trả lại thằng Bình và bảo má nó trả lại cho tôi hai chục bạc là xong, chứ còn gì nữa ?

- Chiêm có lý một phần! Nhưng hiện chúng ta vẫn chưa tìm ra tung tích người có móng tay cái đen và lý do tại sao ông ta lại có ý chiếm đoạt đồng tiền cổ giả đó ?

Tiếng thằng Bình ngạc nhiên:

- Cái gì! Đồng tiền cổ này... giả ? Trời ơi! Tụi bay có nói giỡn không đó ?

Trí và tôi phải ôn tồn kể lại mọi việc đã xảy ra từ đầu cho tới lúc này, như thế nào cho Bình nghe: Tôi có đồng tiền ấy lẫn trong mớ tiền bán báo, rồi bàn tay lông lá thò vào định chộp và sau chót là việc giảo nhiệm rất khoa học đã đưa đến một kết quả: biết được đồng tiền cổ này... là đồ giả.

Bình nói gần như khóc:

- Vậy thì khổ tao rồi! Để dành dụm mãi, một năm trời ròng rã mới được hai ngàn đồng bạc, dốc ngược heo đất moi hết đem đi mua... định để bán lại tưởng ít nhất cũng được 10, 15 ngàn đấy. Ngờ đâu, trời ơi, thật tao không thể nào ngờ nó lại là đồng tiền giả!

Trí và tôi cũng buồn giùm cho nó. Đột nhiên, Trí bảo:

- Yên trí đi Bình, mày mua ở đâu đem đến đó trả lại đi! Có quyền mà! Mày có quyền trả lại lấy tiền về mà!

- Vậy hả ? À, nếu vậy tao phải đi gấp đòi tiền lại mới được. Không xa đây mấy đâu! Tao mua lại ở tiệm cầm đồ đằng kia kìa, đường Gò Gốm đó. Ừ đúng rồi, tao còn nhớ cả tên ông chủ tiệm cầm đồ đó nữa! Sáu Goòng! Ừ phải rồi! Sáu Goòng!

Nhìn theo hướng tay thằng Bình chỉ, tôi chợt nhẹ rùng mình vì hướng đó đúng là hướng đi về phía cái quán điện thoại kế bên nhà hàng của anh Ba Đốc. Cái quán điện thoại với bóng người đàn ông bí mật và cái bàn tay lông lá xù xì, cái móng tay cái đen kịt. Mà anh Ba Đốc thì nhỏ con và hai bàn tay anh thì mịn màng trắng tươi, móng tay hồng đẹp, chỉ còn lại ông Sáu Goòng nào đó! Sáu Goòng... chủ tiệm cầm đồ, hừ!... Tôi nói to:

- Tiệm của Sáu Goòng ở đó hả Bình ? Hừ! Quán điện thoại gần nhà anh Ba Đốc cũng gần đấy. Á, à... biết đâu chừng!... hừ!

Trí cũng gần như reo lên:

- Ừ hay lắm, Chiêm ơi! Ê, Bình, tao cũng khoái coi tiệm cầm đồ lắm mày. Bao giờ mày đem trả lại đồng tiền đó, nhớ rủ tao đi chơi với, nghe!

Thằng Bình sốt sắng:

- Ừ, càng vui! Thôi tụi mình tới đó ngay bây giờ đi! Mới có ba giờ rưỡi chiều mà, sớm chán... !

Tiệm đồ "lạc soong" ở vào một khu phố tồi tàn trong quận Thủ Đức, tầng dưới của một căn nhà có lầu lụp xụp. Cửa hàng gồm nhiều ô kính bụi bám từng lớp dầy, đến nỗi phải khó khăn lắm mới đọc nổi hàng chữ:


TIỆM BÁN ĐỒ CŨ

Bên trong ngổn ngang những món đồ tập tàng cũ xỉn như những bức tranh sơn thủy, bình phong tróc sơn, rồi những cái đèn cũ, những pho tượng sứt mẻ, nhiều cái đồng hồ trông thật kỳ dị. Rồi có cả những bộ da, lông thú nhồi bông và nhiều thứ nữa không ai hiểu công dụng là gì.

Bất giác tôi kêu lên:

- Trời ơi! Những món đồ quái quỷ này thì ai mua ?

- Chiêm tưởng thế! Có nhiều tay sẵn tiền ba má, anh chị cho, không biết tiêu dùng vào việc có ích, cứ bạ cái gì cũng mua hết á!

Câu nói châm biếm của Trí đã khiến Bình đỏ mặt. Tay nó chỉ vào một tấm biển sơn trắng kẻ chữ xanh, miệng lầu bầu:

- Làm sao tao đoán biết được là tiền giả kia chứ!

Hàng chữ trên tấm biển rõ ràng và dễ đọc:


TIỀN CỔ HY LẠP

từ 2.500 năm trước

(2.000
$ một đồng)

- Hừ! Đúng là mồm mép... con buôn bịp bợm!

Lòng tôi giận sôi lên. Trí ôn tồn ra lệnh:

- Vào đi Chiêm! Tụi này theo sau!

Tôi lui lại một bước, giọng lễ phép:

- Xin mời "Sếp" đi trước!

Trí nguýt tôi một cái rồi đưa tay mở cửa. Tôi bám sát anh và Bình đi đoạn hậu.

Ba đứa tôi có cảm giác như khi bước vào một cái hầm tối tăm ẩm ướt. Nhất là có cả mấy chú dơi thấy động vỗ cánh phành phạch, bay tứ tung. Về phía sau gian hàng "lạc soong" văng vẳng có tiếng búa đập, đôi lúc lại có tiếng sắt thép kêu leng keng. Ngay lúc đó một bóng người cao lớn đi qua luồng ánh sáng chiếu hắt lên bức tường cáu bẩn. Tôi buột miệng, tiếng nói hơi run:

- Lão ta... làm cái gì ở phía sau thế không biết!

Trí đưa nhẹ cùi chỏ hích vào hông tôi trong khi tiếng búa đập đột nhiên im bặt. Luồng ánh sáng yếu ớt trên tường cũng biến mất. Bất giác, tôi đưa mắt ngó nhanh về phía sau. Không khí im lặng đặc sệt tưởng chừng có thể lấy dao mà cắt được. Tôi rỉ tai Trí:

- Quái! Lão ta lỉnh đâu mất rồi!

Bình cũng đã tiến sát sau lưng tôi. Nó nói không ra hơi nữa:

- Trong này sao âm u... rùng rợn quá!

Đột nhiên từ phía sau lưng ba đứa, một giọng nói ồm ồm xé tan không khí yên lặng:

- Vào đây làm gì, những thằng lỏi kia ?

Như bị điện giựt, ba anh em cùng quay ngoắt lại: một người đàn ông to lớn, đầu trọc tếu, đôi mắt hấp him, tia nhìn đanh ác, sống mũi dài, khoằm xuống hình như mỏ két, cổ dài nhằng nhăn nhúm khiến ai trông thấy cũng liên tưởng ngay đến cái đầu gớm ghiếc ngất nghểu trên cần cổ của một con kên kên. Trong tay ông ta nắm chắc một cái búa lớn.

Sau hết, Bình lên tiếng:

- Chúng tôi tới đây vì cái đồng tiền cổ ông bán cho tôi đó mà, ông Sáu Goòng!

Miệng nói lắp bắp, tay lẩy bẩy chìa đồng bạc Hy Lạp ra, nhưng nó run quá làm đồng bạc rớt ngay xuồng đất. Trí cúi nhanh xuống lượm lên.

Người đàn ông hầm hầm:

- Thế sao ? Đồng tiền đó làm sao ? Hả ?

Tiếng Trí đột ngột cất lên, nghe cũng hơi run:

- Đồng tiền đó là đồng tiền giả!

Đôi mắt ông Sáu Goòng đã nhỏ sẵn, giờ đây lại thu nhỏ hơn nữa và tia nhìn còn dữ tợn gấp bội:

- Tụi oắt con chúng bây thì biết thế nào được là thật, thế nào là giả kia chứ, hả?

Tiếng ông ta nói nghe gầm gừ chẳng khác gì chó sủa. Tôi nhận thấy Trí đã lấy lại được bình tĩnh:

- Ông Sáu à! Xin nói rõ để ông biết rằng, chúng tôi đã xem xét đồng tiền cổ này rất tỉ mỉ, rất cẩn thận và rất khoa học nữa. Mà không phải xem xét bằng mắt thường đâu, ông Sáu. Chúng tôi đã sử dụng những máy móc khoa học thật tinh vi, và nếu ông Sáu cần biết hư thực ra sao thì tôi sẽ xin trình bầy rõ rệt mọi chi tiết...

Ông Sáu Goòng đột nhiên thay đổi thái độ, dáng điệu và lời nói đầy vẻ ôn hòa và rõ rệt:

- Thôi được! Nếu chú em đã cho biết như vậy thì qua cũng sẵn sàng tin chú em! Được rồi!

Dứt lời, Sáu Goòng nhấc tấm áo choàng bên ngoài bằng da, thọc tay vào túi áo trong, móc ra một cuộn giấy bạc 200 đồng và 500 đồng thật bự, nhưng nhơm nhếch bẩn thỉu:

- Này đây! Tôi trả lại cho các chú tiền mua đồng bạc cổ đó! Và thôi, bỏ chuyện đó đi, heng!

Tôi đưa mắt lặng ngó ông Sáu đếm 10 tấm giấy bạc 200 đồng. Đột nhiên hơi thở trong ngực tôi như nghẹn tắt: Ngón tay cái người đàn ông này chụp kín trong một cái bao da, ngón tay cái của bàn tay phải.

Nhè nhẹ quay đầu định báo động cho Trí biết, nhưng nhìn mắt anh, tôi hiểu ngay là anh cũng đã để ý cái ngón tay "da" đó rồi, đồng thời Trí liếc ngó tôi thật nhanh và lắc đầu khe khẽ. Tôi hiểu là anh bảo ngầm tôi: "Bình tĩnh! Đừng nói gì hết vội!"

Tiếng ông Sáu Goòng:

-Rồi! Đây tiền trả lại các chú đây! Đưa đồng bạc Hy Lạp đó cho tôi!

Dứt lời, ông đặt hai ngàn đồng lên mặt quầy và chìa bàn tay to lớn ra chờ nhận đồng tiền cổ.

Đột nhiên Trí cất tiếng rành rọt:

- Rất tiếc, ông Sáu à! Trả lại tiền cho chúng tôi, được rồi, chúng tôi xin nhận và cám ơn ông Sáu! Nhưng chưa hết... !

Thằng Bình "ơ" lên một tiếng sững sờ:

- Kỳ vậy! Trí! Còn gì nữa kìa ?

Trí vẫn thản nhiên "nói chuyện" với ông Sáu:

- Ông Sáu à! Hôm nay ba anh em chúng tôi đến đây, ngoài chuyện trả lại ông đồng tiền cổ làm giả ra, chúng tôi còn muốn nhân danh những người công dân lương thiện, lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ lợi ích chung, xin hỏi ông Sáu 3 điểm sau đây:

- Cái đồng tiền giả này do đâu ông có ?

- Nó đã được chế tạo tại nơi nào ?... Và...

- Ai đã chế tạo ra nó ?

Cần cổ dài ngoẵng của ông Sáu Goòng đỏ ửng và tôi thấy rõ đôi xương quai hàm ông ta bạnh lên, trông lại càng giống đầu con kên kên đang tiến tới bên một cái xác chết chương sình:

- Mấy chuyện đó ăn chung gì đến mày, hả thằng lỏi này ?

Sáu Goòng hộc lên như beo gầm:

- Tao mua nó ở đâu mặc tao, mày hỏi làm gì ? Chỉ biết là chúng mày không muốn mua nữa, trả lại tao thì tao hoàn tiền lại! Có thế thôi! Rắc rối cái gì ? Đưa đây, mau lên!

Trí vẫn thản nhiên, giơ đồng tiền ra trước mặt người đàn ông:

- Ấy, ấy! Ông Sáu bình tĩnh chút đi! Cần gì phải tức giận như vậy. Ông Sáu! Chúng mình đều là những công dân lương thiện cả, do đó tôi nghĩ rằng ông Sáu sẽ sẵn sàng cho anh em chúng tôi biết qua chút xíu tin tức về cái đồng tiền giả này...

Đột nhiên tôi thấy ngay rằng Trí hớ hênh quá, đồng tiền nơi tay anh chỉ còn cách bàn tay của người đàn ông dễ sợ kia có mấy phân tây. Mà đôi mắt ti hí của Sáu Goòng, liếc thật nhanh, cũng đã nhận thấy rõ như thế. Tôi linh cảm là thế nào ông cũng chộp nó bất thình lình. Bất giác buột miệng, tôi khẽ kêu:

- Coi chừng. Trí!

Chậm mất rồi, bàn tay ngón chuối mắn của ông Sáu đã vút nhanh như một lưỡi kiếm tuốt ra khỏi vỏ.

Ông ta đã nhanh, Trí lại nhanh hơn! Anh thụt bàn tay lại lẹ như ánh chớp xẹt. Bàn tay Sáu Goòng lỡ trớn, văng đụng góc tủ buýp phê kêu một cái "cộp". Người đàn ông rú lên:

- Úi cha! Chết rồi! Đau quá, trời ôi! 


Ông ta vẹo hẳn người đi, ôm chặt bàn tay phải, mặt mũi nhăn nó, miệng suýt soa:

- Ối! Ối! Đau quá! Ngón tay của tôi! Đụng đau quá!

Lúc đó tôi mới nhận ra cái mánh lới tuyệt vời của "sếp". Anh đã đoán biết trước tất cả, nhưng cứ tảng lờ. Quả nhiên Sáu Goòng đã bị hố to. Ông ta hối hả gỡ cởi cái dây cột túi da bao ngoài ngón tay cái bị thương. Tôi đưa mắt nhìn Trí. Một nụ cười kín đáo phớt nhẹ trên làn môi tươi. Tia nhìn anh dõi thẳng cái bao da nơi bàn tay phải của Sáu Goòng đang được nới dây cột, đã bắt đầu nhúc nhích. Chưa được nửa phút sau, chúng tôi đã trợn tròn mắt đứng sững như trời trồng: Người đàn ông bí mật có cái móng tay đen nơi ngón tay cái bàn tay bên phải, chính là... Sáu Goòng!

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>