Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

CHƯƠNG IV_MÙA SƯƠNG MÙ


CHƯƠNG IV


Chúng tôi ra đi ngay sau đó. Mẹ tôi cố gắng nhặt nhạnh những món đồ đáng giá, nhiều chừng nào hay chừng nấy, để chung vào một cái rương lớn rồi thuê xe chở đến bến xe Sàigòn.

Chú Tám được giao nhiệm vụ canh chừng Thiện. Trước khi rời khỏi nhà, chú đã không quên chìa ra trước mặt Thiện một con dao bấm sáng loáng và nói những lời đe dọa. Thiện có vẻ sợ, líu ríu nghe theo lời chú thay quần áo nó đang mặc bằng một bộ quần áo của tôi. Tôi lớn hơn Thiện nên quần áo của tôi Thiện mặc trông thật buồn cười. Nhất là cái mũ, rộng và lớn trùm gần hết trán. Tiếc rằng lúc này không phải là lúc đùa giỡn chứ không, thế nào tôi cũng trêu Thiện ít câu.

Lên xe, chúng tôi ngồi ở băng sau cùng. Đợi mẹ tôi xác định không có người quen nào ở Vũng Tầu cùng đáp chuyến xe này cả, chú Tám mới cho Thiện bỏ mũ ra. Dù vậy, chú vẫn cấm không cho Thiện nói một lời nào suốt dọc đường. Thiện nhìn tôi với ánh mắt thật đau khổ. Tôi khổ tâm hết sức, muốn nói chuyện với Thiện nhưng lần nào vừa mở lời cũng bị chú Tám gợi chuyện và nói lảng đi. Tôi hiểu ý, đành im lặng theo Thiện.

Chiều đến, chúng tôi đã có mặt tại Sàigòn.

Chú Tám dẫn chúng tôi về nhà chú trong một ngõ hẻm, đường đi khá quắt quéo. Nhà tuy nhỏ nhưng chỉ có hai vợ chồng chú nên cũng đủ chỗ cho chúng tôi tạm tá túc.

Sau một ngày dập dồn bao biến cố, tôi mệt nhoài. Cơm nước vừa xong, tôi lên giường đánh một giấc dài.

Sáng hôm sau, lúc tôi thức dậy, không thấy mẹ tôi trong nhà, tôi chạy đi hỏi thím Tám. Thím Tám trao cho tôi một mảnh giấy trên có vài dòng mẹ tôi viết để lại :

"Mẹ về Vũng Tầu để xem tình hình ra sao, chiều sẽ trở lại. Con cứ yên tâm, muốn đi chơi hay cần gì cứ bảo chú thím Tám. Mẹ đã dặn chú thím ấy rồi".

Tôi hỏi chăm chú Tám và Thiện. Thím Tám nói :

- Nhà tôi đưa thằng nhỏ đi... chơi.

Tôi đâu phải là người dễ tin. Tôi hỏi :

- Đi chơi ? Bộ thím tưởng tôi còn là con nít lên năm chắc ?

Thấy khó giấu được, thím Tám đành nói thật :

- Chị Chín nhờ nhà tôi đem gởi thằng nhỏ ở một chỗ khác ít ngày vì ở đây không tiện, chật chội quá...

- Chú Tám gởi Thiện ở đâu ?

- Điều này thì tôi không biết... Nhưng cậu cứ yên tâm đi, không ai làm gì thằng nhỏ đâu...

Tôi im lặng. Thím Tám hỏi :

- Cậu có cần gì không ?

Tôi muốn được đi chơi một chút. Tôi nói :

- Nhờ thím đưa tôi ra đầu ngõ để tôi đi ăn sáng một chút.

Thím Tám nói :

- Ăn rồi về nhà liền nhe ! Đừng có đi xa lỡ lạc đường thì khổ cho chúng tôi đó.

Tôi đáp để thím yên lòng :

- Tôi hứa.

Thím Tám dẫn tôi ra đầu ngõ và chỉ cho tôi thấy một tiệm mì ở bên kia đường. Tôi nói cám ơn rồi tiến lại tiệm mì, gọi một tô. Thím Tám thấy tôi ngồi ăn, có lẽ yên dạ, quay vào trong ngõ.

Vừa ăn, tôi vừa nghĩ ngợi nọ kia. Những chuyện vừa xảy ra là những chuyện không bao giờ tôi ngờ tới. Trong trí tôi, khúc phim thời gian quay lại từng diễn tiến. Tôi cãi lời mẹ đến gặp bà Hồng để trả cái sắc tay cho người ta. Mẹ lo ngại bà ta biết nhà, tìm đến và nhận ra mẹ, rồi câu chuyện mẹ lấy trộm tiền của bà ta ngày xưa đổ bể, nên mẹ khuyên tôi tránh gặp bà ta. Tôi nghe lời. Nhưng rồi định mệnh lại xui khiến tôi giúp Thiện khi nó bị rắn cắn ngoài bãi Dâu. Thiện khỏi hẳn vết thương, đi học lại, hẹn sẽ đưa mẹ đến nhà tôi để cám ơn. Tôi dự định sẽ van xin bà Hồng bỏ qua chuyện cũ và hy vọng Thiện sẽ giúp được đôi lời. Chúng tôi đang trên đường về học thì chú Tám đến báo tin mẹ tôi bị đụng xe. Thiện theo tôi về nhà thì bị mẹ tôi bắt nhốt lại. Mẹ tôi cho tôi hay vì nhà tôi đã bị bà Hồng biết, muốn tránh chuyện lôi thôi và muốn giúp tôi thực hiện ý định trả thù bà Hồng ngày nào, mẹ tôi đành hy sinh căn nhà để đưa tôi lên Sàigòn. Thiện bị giữ ít lâu để bà Hồng thấm thía nỗi khổ đau của một người mẹ mất con, rồi sẽ được thả về. Chúng tôi đến ngụ ở nhà chú Tám và sáng nay mẹ tôi đi Vũng Tầu để nghe ngóng tình hình. Chú Tám nghe theo lời mẹ, đem Thiện đi một nơi khác.

Tôi thấy lo lắng cho Thiện quá. Không biết nó có được đối xử tử tế như thím Tám đã nói với tôi không ? Nó nghĩ gì về việc nó bị bắt cóc ? Nghĩ gì về mẹ tôi ? Nghĩ gì về tôi ? Nó có cho là tôi có dự phần vào việc này ?

Bà Hồng nữa... Có lẽ buổi trưa hôm qua, bà bỏ ăn để đi tìm Thiện. Có lẽ bà lấy xe đến trường trước tiên. Sau đó, bà đi tìm khắp nơi trong thị xã. Bà sẽ đến các bãi biển, bà sẽ lên Thích Ca Phật Đài, bà sẽ tìm Thiện trên núi bãi Dâu. Không thấy con, thế nào bà cũng đi trình nhà chức trách… Đôi mắt đẹp của bà không hiểu có trũng sâu vì lo lắng và thương nhớ con không ? Bà có đến tìm Thiện ở nhà tôi không ? Thấy nhà đóng cửa, bà sẽ nghĩ gì ? Nhà chức trách nghĩ gì?

Tôi đâm ra lo lắng cho mẹ tôi. Nếu nhà chức trách nghi ngờ, mẹ tôi về Vũng Tầu sáng nay mà không đề phòng, thế nào cũng bị họ giữ để điều tra.

Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Tôi vội trả tiền rồi đứng lên định đi chơi một vòng cho tinh thần bớt căng thẳng.

Tôi lang thang hết dãy phố này đến dãy phố khác, quên cả lời dặn của thím Tám, quên cả mình đang ở Sàigòn chứ không phải ở Vũng Tầu và chưa từng biết gì về đường sá trên này.

Cảnh nhộn nhịp của đường phố, những tiếng ồn ào, tiếng động cơ đã dắt díu tôi đi xa hơn. Để đến khi nhớ ra rằng mình đã đi quá xa, tôi mới bàng hoàng lo sợ vì không biết mình đứng nơi nào và đường nào là đường về nhà chú Tám ?

Tôi bước ngược lại con đường vừa đi qua và đến một ngã tư. Tôi bâng khuâng không biết phải rẽ đường nào ? Người cảnh sát đứng điều khiển đèn xanh đèn đỏ khiến tôi nảy ra ý định hỏi thăm đường. Nhưng tôi kịp dừng lại vì sực nhớ ra mình đã sơ ý đến nỗi không biết cả tên con đường rẽ vào ngõ nhà chú Tám !

Đột nhiên, sau lưng tôi có tiếng hỏi :

- Em ơi ! Cho anh hỏi thăm...

Tôi quay lại. Một người đàn ông lạ trạc ba mươi có hàm râu quai nón, tuy đã cạo sạch nhưng chân râu vẫn làm thành một vệt xanh rì bao quanh mặt. Ông ta hỏi tôi :

- Em làm ơn chỉ cho anh đường Cao Thắng.

- Xin lỗi ông... tôi... tôi... cũng đang tìm đường như ông vậy. Tôi mới ở dưới Vũng Tầu lên đây...

Người kia mừng rỡ :

- Thế à ? Anh cũng vừa từ Vũng Tầu lên đây xong....

- Ông vừa xuống xe ?

- Ừ, anh theo lời dặn của người bạn rằng đường Cao Thắng cũng không xa bến xe lắm nên đánh liều đi bộ tìm đường thử xem sao. Chẳng ngờ tài mọn, tìm mãi không ra... Còn em... em tìm đường gì ?

Tôi lắc đầu nói :

- Tôi... tôi cũng không biết nữa... Tôi không để ý tên đường mới khổ...

- Chết chưa ! Nếu vậy thì làm sao em về nhà được ? À, em ở nhà người quen chứ ?

Tôi bịa đặt :

- Vâng, tôi lên đây trọ học ở nhà một người quen...

Người đàn ông đưa ý kiến :

- Hay là thế này nhé. Bây giờ, hai anh em mình cùng đi tìm đường với nhau. Được chứ ?

Tôi gật đầu.

Thế là chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Tôi tự giới thiệu mình tên Long Tôi sợ nói tên thật sẽ có thể gặp chuyện không lành Người đàn ông nọ cũng giới thiệu :

- Anh tên là Lê Phong !

Tôi cười :

- Tên của ông nghe có vẻ thám tử quá nhỉ !

Ông Lê Phong cười theo :

- Nếu thám tử thì đã phước ! Đã không đến nỗi phải lạc đường !

Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Tôi đưa mắt tìm trên đường phố những dấu vết quen thuộc, nhất là tiệm mì ở đầu ngõ nhà chú Tám. Ông Lê Phong chỉ tay về phía trước hỏi tôi :

- Phải tiệm mì kia không ?

Tôi mừng rỡ kêu lên :

- Đúng rồi !

- Thế là em tìm được đường về rồi nhé ! Số anh còn phải lận đận một chút nữa...

Tôi góp ý :

- Hay là mình ghé lại hỏi thăm đường Cao Thắng ?

Lê Phong :

- Đành vậy thôi. Anh muốn tự mình tìm ra vẫn thích hơn nhưng thôi vậy, anh chịu thua chính anh rồi.

Ngay lúc ấy, tôi nghe tiếng chú Tám :

- Cậu Hòa !

Tôi thấy chú Tám chạy lại phía tôi, vẻ mặt đầy lo lắng. Chú vừa thở hổn hển vừa nói :

- Cậu làm tôi tìm muốn chết luôn vậy đó ! Đi đâu vậy ?

Hỏi xong, chú mới nhận ra ông Lê Phong đứng cạnh tôi. Chú đưa mắt nhìn tôi có ý dò hỏi. Tôi nói : Đây là ông Lê Phong tôi mới quen... Ông ta đi tìm đường Cao Thắng.

- Tưởng gì chứ đường Cao Thắng thì tôi rành lắm… Ông cứ đi theo hướng này là tới liền.

Vừa nói, chú vừa chỉ lối cho ông Lê Phong. Ông cảm ơn rồi từ giã tôi và chú Tám đi về phía đường Cao Thắng. Ông ta đi xa rồi, chú Tám mới nói với tôi :

- Cậu làm tôi lo quá... Cậu đi đâu vậy ?

- Tôi... tôi xin lỗi chú... tại tôi mải ngắm cảnh nên...

- Lần sau thì đừng có đi chơi một mình như vậy nữa nghe. Đường trên này mà còn lạ, lạc như chơi vậy đó. Thôi, mình về.

Tôi bước theo chú Tám vào con ngõ. Nắng đã lên khá cao. Hai cái bóng của tôi và chú Tám đổ dài trên mặt đường.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>