Con rắn Cobra ngóc thằng chiếc đầu lên, uốn éo đằng trước, đằng sau theo tiếng sáo của ông già Hussein, một ông già chuyên nghề dụ và bắt rắn.
Ông chợt ngừng thổi sáo, đặt chiếc sáo quả bầu thô kệch xuống đất và nói với tôi:
- Khi con rắn cất đầu lên nhìn ông, là nó thu hình ông đấy!
Người phụ tá Hussein, một người trẻ tuổi chuyên đánh trông nhịp theo tiếng sáo của ông nói thêm:
- Nếu ông tình cờ giết chết được một con rắn Cobra, việc trước tiên là ông phải lo thủ tiêu đôi mắt nó, nếu không, 20 năm sau con rắn cái vẫn có thể tìm thấy ông và báo thù cho chồng được vì nó đã thấy hình ông trong đôi mắt con đực.
Chúng tôi đang ngồi trên một bãi cỏ xanh mướt trước khách sạn Misore ở miền Nam Ấn Độ, ông già Hussein lại tiếp tục dạo nhạc, lần này ông không thổi sáo mà kéo chiếc đàn nhị, một chiếc đàn giản dị làm bằng những thanh tre và nửa chiếc vỏ dừa khô, con rắn Cobra lại uốn éo chiếc đầu theo điệu tiếng đàn. Ông già tay vừa kéo đàn, miệng vừa nói:
- Con rắn này múa khéo thiệt có phải không ông? Nó thích âm nhạc lắm và hầu như tất cả giống rắn đều thích nghe âm nhạc cũng như người ta vậy.
Babu, một ký giả địa phương, bạn đồng hành của tôi vừa chợt tới, nghe nói vậy anh vội lớn giọng:
- Dóc tổ! Rắn đều điếc hết, đâu có nghe được âm nhạc, sở dĩ nó uốn éo như vậy là do bản năng tự vệ của nó vì nó đang theo dõi chiều đu đưa của nhạc cụ để đề phòng bị tấn công.
Ông già Hussein không nói một câu, lẳng lặng đặt chiếc đàn sang bên cạnh, ông ôm cổ con rắn bằng cả hai tay, nghiêng đầu cúi thấp xuống và khẽ đặt một cái hôn trìu mến lên đầu con rắn, rồi buông ra và quay sang chỗ khác, con rắn vội mổ phóng theo nhưng trượt, ông quay lại, hơi nhăn mặt rồi chìa cho tôi xem những vết sẹo trên cánh tay và cẳng chân. Ông nói:
- Tôi đã bị rắn mổ nhiều lần rồi, nhưng tôi chỉ cần nhai và nuốt một thứ cỏ trị nọc rắn và đặt một thứ đá hút nọc rắn lên vết rắn mổ là không việc gì.
Tôi thu xếp với ông già để hôm sau tổ chức một cuộc bắt rắn. Hôm sau, chúng tôi đến một cánh đồng hoang vu, lỗ chỗ những tổ kiến, nơi trú ngụ lý tưởng của loài rắn. Ông già cùng với bốn người em và ba người thân quyến khác, tất cả đều là những người dụ rắn lành nghề, ngồi chất cả lên chiếc xe Jeep của tôi. Tới nơi, chúng tôi ngừng lại, Hussein bước xuống trước dẫn đầu, tôi theo ông bén gót. Ông nhìn chăm chú xuống mặt đất nóng bỏng. Đột nhiên, ông với chiếc sáo đeo bên sườn và đưa lên miệng thổi một điệu nhạc mê hoặc, kỳ quái và đầy tính chất Đông Phương huyền bí. Babu thản nhiên giảng cho tôi nghe: "Đó là một điệu nhạc dụ rắn, nếu rắn Cobra nghe thấy, nó tự nhiên như bị mê hoặc bởi tiếng sáo và không còn kháng cự nổi".
Độ nửa giờ sau, không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ là có rắn ra, ngay cả đến rắn nhỏ cũng không, tôi đã hơi thất vọng và nghi ngờ khả năng của ông già. Chợt ông nhìn nhanh chung quanh và kêu to: "Ta đã ngửi thấy mùi rắn". Một chập sau, tôi trông thấy một con rắn Cobra to đang lao về hướng một cái lỗ ở dưới chân một tổ kiến và bắt đầu chui vào đó ẩn trốn. Nhưng ông già nhanh hơn, vội chạy theo con rắn, nắm lấy đuôi nó lôi ra khỏi hang. Bằng một động tác nhanh nhẹn, ông dìm đầu con rắn xuống mặt đất bằng một cái gậy, dùng một khúc cây hết sức banh miệng con rắn rồi bẻ gãy những chiếc răng nanh chứa nọc độc, xong ông nhấc con rắn lên, chìa con quái vật về phía tôi và nói:
- Ông có muốn giữ con rắn này làm kỷ niệm không?
Tôi gật đầu đồng ý và ông bỏ con rắn vào trong chiếc rọ của tôi. Chúng tôi lên xe quay trở về khách sạn Misore. Dọc đường về tôi hỏi ông:
- Mùi rắn giống mùi gì?
Ông nghĩ một giây lát rồi đáp:
- Người thì bảo nó giống mùi khoai tây sống, kẻ thì cho là nó giống mùi dưa leo, nhưng tôi thì ngửi nó giống như mùi xà bông giặt.
Tôi cùng với Babu lang thang khắp miền đông đúc Bangalor với dẫy chợ nhộn nhịp ở Madras. Tại một làng nhỏ gần Madras tôi gặp một nhà khảo sát thiên nhiên người Anh, ông vui vẻ bắt tay tôi và cho tôi biết là ông cũng có thể làm cho rắn Cobra múa như những người dụ rắn Ấn Độ bằng chiếc sáo quả bầu của ông. Ông ta chìa cho tôi xem một con rắn Cobra, tôi miễn cưỡng giơ tay phải vuốt lên mình trông xù xì thô kệch, nâu sậm của con rắn, tôi sửng sốt nhận thấy nó không lầy nhầy như tôi tưởng mà khô ráo và mịn như nhung.
Ở Binares, trước cái đền có đầy khỉ chuyên chìa tay xin ăn những khách qua đường, một người dụ rắn to béo cho tôi biết:
- Có 3 con vật rắn Cobra sợ nhất là : con chồn Mongoose (một con vật nhỏ thuộc về loài chồn ở Ấn Độ, sống trong hang đất hay hốc cây, chuyên ăn thịt các loài bò sát), Công đực, Khỉ.
Người phụ tá của hắn gật đầu và tiếp lời:
"Tôi đã chứng kiến một đàn khỉ vừa kêu chí chóe vừa đập chết bằng cành cây và chọi đá một con rắn Cobra lớn".
Chúng tôi tới Dehli rồi đi đến Morbund cách Dehli khoảng hơn 20 cây số là một nơi đặc biệt, phi thường trên thế giới, làng này có khoảng 2.400 dân phần đông là những người chuyên nghề dụ rắn. Babu nói:
"Thật là một nơi huyền ảo! Họ có một nơi đào tạo người dụ rắn giống như là một trường Đại Học bắt rắn, có riêng một triều đình gồm lối 20 bô lão thành thạo nhất trong nghề bắt và dụ rắn của khắp xứ Ấn Độ, họ còn một hội gọi là "Hội Liên Kết Những Người Dụ Rắn Ấn Độ".
Khi sắp tới, làng Morbund hiện ra trước mắt chúng tôi, một dẫy mái nhà bằng mạ trông giống như những lều làm bằng gạch nung của dân Mễ Tây Cơ. Một đám đông dân làng hiếu kỳ bu quanh chúng tôi. Một người dáng mảnh khảnh tên là Ravi tiến lại chúng tôi nói bằng tiếng Anh rành rõi:
"Tôi sẽ dẫn các ông đến Mojinah, thủ trưởng của chúng tôi".
Rồi ông ta dẫn chúng tôi đến trước một ông già có chòm râu bạc dài, ông già chào chúng tôi theo kiểu bản xứ và nói bằng tiếng Ấn Độ, nhưng Babu dịch lại cho tôi hiểu:
"Ông nói phần lớn những người dụ rắn ở đây đều là những người Ấn Độ giáo, đối với họ thì rắn Cobra rất được kính nể cũng như đối với Bò vậy. Khi họ bắt được 1 con rắn Cobra, họ hứa sẽ thả con rắn trong vòng 6 tháng, điều này trái ngược hẳn lại với những bạn Hồi Giáo của chúng tôi, đối với họ việc bắt rắn chỉ là một kế sinh nhai không được lương thiện lắm".
Ravi nói: "Ngày thả rắn là một ngày lễ trọng. Trước hết chúng tôi phải cọ rửa sạch sẽ chỗ đất thả rắn, bày thịt và sữa trước mặt rắn, làm lễ độ nửa giờ, xong chúng tôi đặt rắn quay lưng về phía rừng, lại đặt thịt và sữa trước mặt rắn rồi để cho rắn tự do bò đi".
Một người khác nói: "Rắn Cobra thật là linh thiêng, chúng đã che chở cho thần Krisna trong lúc nguy khốn, chúng cũng che chở cho chúng tôi nếu chúng tôi không đối xử tàn nhẫn với chúng". Ravi gật đầu và nói tiếp theo: "Nếu một rắn Cobra bị chết bởi một tai nạn, nó sẽ được làm một đám táng lớn như người ta vậy".
Trong thời gian lưu tại đây tôi tình cờ được gặp một người huấn luyện trẻ con bắt rắn. Ông ta vóc người cao lớn, có bộ ria mép vểnh, nhọn và rậm. Tôi ngỏ ý muốn xem một buổi dạy bắt rắn, ông gật đầu đồng ý và gọi lờn bằng tiếng địa phương. Một lát sau, một bầy trẻ túa ra từ những ngôi nhà gần đó. Chúng đứng thành vòng tròn bao quanh chúng tôi, hai đứa trẻ ngồi ở giữa, một đứa đầu đàn đeo lủng lẳng bên mình một chiếc sáo nhỏ. Ông thầy hô lớn: "Cobra!", một người lớn mở nắp một chiếc rọ đan bằng mây, bên trong một con rắn Cobra bắt đầu trườn từ từ ra khỏi rọ bò về hướng một bụi cây gần đó. Ông thầy ra lệnh: "Hãy bắt lấy!", một đứa trẻ vội cúi xuống, nhặt chiếc gậy nằm dài bên cạnh bàn chân, đuổi theo con rắn, dùng gậy dìm đầu con rắn xuống mặt đất, thản nhiên như đang nhón tay bắt một con bướm, rồi nhặt bỏ con rắn vào chiếc rọ như cũ. Ravi hãnh diện bảo với tôi: "Thằng bé đó tên là Banwari, chỉ vài năm nữa nó sẽ trở thành một người bắt rắn lành nghề như những dân bắt rắn thành thạo ở Ấn Độ".
Ngày hôm sau, khi tôi tới nơi đã trông thấy một đám đông tụ tập trên một khoảng đất trống để xem một cuộc đọ tài giữa hai con vật: con chồn Mongoose và con rắn Cobra. Con Mongoose, một con vật nhỏ bé với đôi mắt sáng rực đang chạy loạng quạng ở một đầu dây buộc từ chân nó đến một bụi cây gần đó. Tôi lại bên con chồn đưa tay khẽ vuốt lên bộ lông mượt của nó, con vật như hiểu biết, gục đầu, chúi mũi vào lòng bàn tay tôi, tôi không tin rằng con vật bé nhỏ này lại có thể giết chết được một con vật ghê sợ nhất trên mặt đất. Hai người, một người đang phồng mồm thổi sáo, một người đang giơ cao tay vỗ mạnh trên mặt trống, họ đang dạo một khúc nhạc khai mạc như để kích thích tinh thần hai con vật. Điệu nhạc trở nên điên cuồng hơn, bỗng nhiên bằng một tay, người thổi sáo lật vội chiếc nắp của một chiếc rọ đặt trước mặt hắn, đầu một con rắn Cobra mới bắt được chớm thò lên, rồi nhô hẳn khỏi miệng rọ. Trông thấy con chồn, tức thì nó dựng đứng thẳng thân mình mầu nâu sậm và sẵn sàng ở thế tấn công. Đôi mắt tròn chiếu thẳng vào đối thủ một cách dữ tợn, chiếc lưỡi nhỏ và dài thè ra thụt vào chập chờn như một vệt sáng đen. Bằng một chiếc gậy, một người chọc con rắn, huýt sáo khích nó bò ra khỏi rọ trườn trên mặt đất vàng sậm. Người đánh trồng bèn cởi dây trói cho con chồn, con chồn lao mình về đằng trước, con rắn bèn mổ phóng về con chồn, con chồn nhanh nhẹn tránh được nên con rắn mổ trượt mất thăng bằng, con chồn bèn phóng tới bên cổ họng nâu sậm của con rắn cách xa khỏi tầm cắn của đôi hàm dữ tợn, treo mình ôm ghì lấy cổ rắn, con rắn giận dữ quật mình bên này bên nọ, cố vùng vẫy để quật con chồn xuống mặt đất. Một lát sau, khúc mình con rắn quấn chặt lấy thân hình mảnh dẻ của con chồn, nhưng bằng một phản ứng nhanh trí, con chồn ghé hàm răng nhọn sắc cắn sâu vào lưng con rắn, khúc tròn đang xiết chặt tự nhiên thấy lỏng hẳn ra, con chồn liền thoắt ra xa một lúc như là một võ sĩ tạm rời võ đài trong giây lát nghỉ dưỡng sức. Trong khi ấy, những nhạc công vẫn chơi nhạc một cách cuồng nhiệt, thân hình họ lắc lư theo tiếng nhạc. Trận đấu lại bắt đầu, lần này con chồn đổi chiến thuật: nó thu gọn mình, lấy thăng bằng rồi vụt mình bám chặt lấy hàm dưới con rắn, treo mình đu đưa bên mình con rắn, con rắn hung hăng quật tới quật lui. Babu nói với tôi: "Con chồn thật là tinh khôn, nó giống một nhà triết học, trong khi chiến đấu nó vẫn giữ bình tĩnh, trái lại con rắn thì nóng nảy, thịnh nộ, không kìm được tức giận khiến cho máu dồn lên đầu và trở thành mù quáng". Con rắn mỗi lúc một yếu dần, chỉ một lúc nữa là nó sẽ chết, tôi vội ngăn chặn cuộc đấu lại vì tôi không muốn nhìn thấy máu con Cobra chảy nữa, thêm vào đó tôi tin chắc rằng nó đã nhìn thấy tôi đôi lần vì vậy hình ảnh tôi đã được thâu trong đôi mắt nó và tôi không muốn con vợ nó theo dõi tôi để báo thù.
VĂN VIỆT
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.