Em nhìn lên bàn thờ. Hai ngọn nến cháy đỏ sáng rực, nhỏ những giọt sáp xuống. Trầm hương tỏa cao nghi ngút, thơm mùi cây trầm quyện vào mũi em, dễ chịu. Ngày giỗ của ông nội em đó. Con cháu trong họ hàng, hôm nay, tụ tập lại dù ai ở xa cũng phải về, gọi là để nhớ ơn tổ tiên, nhớ ơn người đã sinh thành dưỡng dục. Ba em nói, ông mất cách đây đã lâu, 15 năm rồi còn gì! Nếu bây giờ còn sống, chắc ông em đã già, tóc bạc râu dài răng long hay đã rụng cả rồi.
Ông em lúc còn sinh thời rất ưa cảnh điền viên sơn thủy. Ông rất chăm, mỗi chiều ông ra vườn bắt lá tìm sâu những cây cảnh mà ông nâng niu gìn giữ. Những buổi mai, trời còn sớm, cây cỏ còn chìm trong màu sương trắng đục, ông đã thức dậy. Ông pha trà ngồi uống với ba em. Ông trò chuyện với ba em cho đến sáng, bàn việc cửa việc nhà ruộng nương rẫy bái. Đôi khi ông em ngồi trầm ngâm một mình, uống trà nhìn ra chậu hoa, mấy cây kiểng ông mới trồng. Hoặc ông dạo chơi bên những hòn non bộ, cảnh đẹp làm sao. Khi bình minh ló rạng, những ánh nắng lấp lánh trên mặt thủy tinh hay những cụm lá bóng láng, óng ánh những màu thật đẹp.
Ông em thường kể chuyện cổ tích cho mấy cháu nghe. Ông rất thích trẻ nhỏ. Mỗi đêm trăng sáng và nhất là những đêm rằm, ông cho tụ tập các đứa trẻ lại, cả những đứa trong xóm đến bên ông, ngồi nghe ông kể chuyện. Ông kể chuyện rất hay, nên đứa trẻ nào cũng mến ông. Chúng nó thường đến bên ông để vòi vĩnh, nũng nịu.
Ông em có 6 người con trai và 2 người con gái. Nhưng người thứ hai và thứ tám đã mất từ khi chào đời. Còn lại ba người con trai sống chung với nhau trong một căn nhà ngói trung lưu. Hai người con gái lấy chồng đi xa, mỗi năm đến ngày gỗi tổ tiên mới trở về.
Ông em rất thương người con út, chú em. Trong tất cả các người con, chú em là người sung sướng nhất. Được cho đi học, biết chút ít khôn dại ở đời. Nhưng cũng không vì thế mà các người con khác trở nên phàn nàn bao giờ.
Ông em bây giờ không còn nữa. Những điều em biết ở trên, là do ba em nói lại. Em cũng không biết mặt ông em ra sao bởi khi ông mất, em chưa chào đời.
Ông em mất lâu rồi. Bà em ở lại sống một mình cô độc với con với cháu. Em biết bà đã khóc thật nhiều. Một đời bà em chỉ dành nước mắt để khóc cho ông, cho các người con trai mà vì chiến chinh bom đạn nay cũng đã phân ly hết rồi. Có người đã chết hoặc có người còn sống.
Hôm nay ngày giỗ của ông em. Cảnh nhà quạnh hiu không có lấy một người đàn ông trông nom việc cúng kính, giỗ tổ. Năm ngoái, người anh họ của em vừa 30 tuổi cũng đã bỏ cuộc đời mà đi. Bà em khóc ngất bên xác anh. Bà em những tưởng trông mong một mình anh họ em, mai sau còn có ngày nhang khói tổ tiên thờ phụng ông bà. Giờ thì không, anh đã bỏ đi và để lại ba cháu nội gái. Và thôi, bà em đã hết trông mong gì nữa rồi.
Em lớn khôn giữa những nỗi buồn miên viễn, chung quanh là những họ hàng bà con thân thích, thưa thớt. Mỗi người ai đều lo phận nấy. Không ai dại gì lo lắng thêm cho một người khác. Thế thôi. Em cũng đành chịu bất hạnh, một đời đành nhìn theo bóng núi khóc ba em. Và người mất rồi. Mẹ già mòn mỏi và ba đứa con thơ, nhưng một đứa cũng đành theo chân ông bà tổ tiên rồi.
Gia đình em bây giờ tan rã. Nghĩ đến cảnh sunm họp hiu quạnh buồn bã trong ngày giỗ ông em hôm nay, em cảm thấy đau xót vô cùng. Nỗi đau đớn biết bao giờ nguôi ngoai. Cho em một đời lớn khôn cúi nhỏ những giọt nước mắt long lanh vương đọng trên bờ mi thơ ấu.
Em ngước lên nhìn di ảnh ông em trên bàn thờ. Em lâm râm cầu nguyện. Như hai hàng nến chảy xuống, em khóc. Em muốn kêu lên tiếng kêu của con chim lạc loài trong mùa tăm tối, những ngày tháng bình yên an phận...
NGUYỄN THỤY ĐIỀN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.