Sống tám chín mươi tuổi không còn gọi là sống dai, mà chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc sống. Trong tương lai gần của nhân loại, tuổi thọ trung bình sẽ là một, hai ngàn năm, hoặc hơn nữa tùy ý. Hấp dẫn đến thế ư? Khoa học giả tưởng chăng? Câu trả lời kỳ thú nằm trong bài dưới đây.
Thịt heo đông lạnh! Thịt gà đông lạnh! Những thứ này dường như đã quen thuộc với dân chúng Sàigòn. Ướp lạnh! Đó là phương pháp tân tiến để giữ thịt cá được lâu ngày, không ươn thối. Nhưng cách ướp lạnh này quá giản dị và con người đã biết từ thuở xa xưa. Khổ thay, Thượng đế đã sinh ra loài người với bộ óc tinh xảo và một tham vọng không đáy. Con người muốn ướp lạnh cả sinh vật sống kể cả người ta.
Một hôm nào rảnh rỗi, bạn thử ngắm lại dung nhan mình, trong gương và trong tập ảnh, bạn phải nhìn nhận rằng mỗi ngày mình đã già đi nhiều. Bạn âu lo ư? Bạn đừng vội, vì chẳng phải riêng bạn mà ai ai cũng vậy, cả các nhà bác học cũng đã nghĩ đến việc ấy: kéo dài đời người ra!
Một ví dụ là truyện "Người đàn ông mất tai" của nhà văn Pháp Edmond About viết năm 1861.
Truyện kể lại một người lính trong đoàn quân của đại đế Nã Phá Luân. Từ nước Nga băng giá trở về sau trận chiến, thân thể anh bị lạnh cứng lại. Người ta giao anh - tức cái thân xác đông lạnh của anh - cho một khoa học gia cất giữ. Nhiều năm sau, một nhà bác học khác "hâm nóng" anh trở lại nhiệt độ bình thường và đột nhiên anh sống lại. Một con người hoàn toàn như trước, một thân xác cử động bằng xương bằng thịt, chỉ ngặt một nỗi anh bị mất một cái tai! Người ta đã vô tình làm gãy mất cái tai "đá lạnh" này trong lúc di chuyển.
Trong một câu chuyện khác, tương tự như trên, một nhà khoa học kể lại với bạn bè rằng ông có thể làm sống lại các thú vật sau một thời gian ướp lạnh chúng. Một truyện khác kể lại những con voi khổng lồ thời cổ xưa bị lạnh cóng ở Siberia đã hồi sinh sau khi con người "hâm nóng" chúng.
Nếu cách trên cũng áp dụng được với người ta...
Nếu ta sống được lâu hơn... Nếu vài trăm năm sau, ta sống dậy... Ta muốn chứng kiến cảnh mặt trời tắt...
Từng ấy giấc mộng đã khiến con người lo nghĩ nhiều. Tế bào sống, viên gạch căn bản dựng nên sinh vật, không chịu được sức lạnh quá độ.
Phải nhìn nhận rằng có những sinh vật chịu được sức lạnh. Nhưng một số khác nhất là các sinh vật miền ấm, sẽ "chầu trời" ngay khi bị lạnh. Nguyên do? Chỉ vì các tinh thể nước đá lớn hơn thể tích nước trong tế bào và có hình dạng nhọn, sắc bén cắt đứt tế bào.
Nhiều thế kỷ trước, cũng có một vài thành công được ghi nhận. Một bác sĩ Anh quốc tên là Henry Power đã ướp lạnh cá rồi sau đó làm sống lại.
Khoa học gia Hoa Kỳ Benjamin Franklin cũng đã từng bày tỏ ước muốn được sống dậy một thế kỷ sau để tận mắt nhìn thấy bộ mặt mới của Hiệp chủng quốc.
Thời gian trôi qua. Các khoa học gia chẳng thu thập được thêm điều gì mới mẻ. Đến năm 1948, câu truyện của About trở thành sự thực. Trong truyện "Người đàn ông mất tai" tác giả viết rằng những người bị bệnh gọi là nan y của thế kỷ 19 không còn đáng lo lắng. Sau khi trích nước ra khỏi cơ thể họ, họ chỉ việc nằm bình thản trong một cái rương đợi cho đến khi nào các bác sĩ khám phá ra cách chữa. Thật vậy, ngày nay có một tổ chức chuyên nhận ướp xác người mắc bệnh nan y và lưu giữ.
Khoảng năm 1919, bác sĩ B. J. Luyet đề nghị một giải pháp: trích hết nước trong cơ thể người thí nghiệm trước khi đem ướp lạnh. Như thế, các tế bào sẽ không bị các tinh thể nước đá làm hư hại. Phương thức này do công ty Birdseye khám phá trong việc sản xuất các thực phẩm đông lạnh.
Luyet và các phụ tá khám phá ra rằng họ có thể làm khô một phần các tế bào của gà bằng cách dùng một hợp chất đường. Kết quả không được hoàn toàn lắm, nhiều loại đường lần lượt được mang ra thí nghiệm. Tại Luân Đôn, bác sĩ Alan S, Parkes nghiên cứu lại phương pháp và dùng đường trái cây trong việc làm khô tế bào.
Trong khi ấy các bác sĩ Audray V. Smith và Christopher Polge cũng thí nghiệm tương tự. Sau vài tháng ướp lạnh, con gà được đưa về nhiệt độ cũ. Và hồi sinh!
Giấc mộng đã thành sự thực. Họ bèn cùng bác sĩ Parkes hăm hở thí nghiệm, nhưng kết quả lại hoàn toàn thất vọng. Các tế bào đều chết. Các khoa học gia rất ngạc nhiên. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng từng chi tiết, họ đã tìm ra câu trả lời. Đường trái cây không có hiệu quả. Trong thí nghiệm đầu, chất mà họ nghĩ là đường thực ra là một hỗn hợp tròng trắng trứng và glycerin.
Glycerin là một chất lỏng làm ra từ dầu và mỡ và trước kia được dùng vào việc làm trơn máy xe hơi.
Dần dần phương pháp glycerin được bác sĩ Smith cải thiện hoàn hảo. Ông cũng cố gắng tìm thêm các phương pháp khác. Chẳng bao lâu ông đã thành công trong việc ướp lạnh máu người để lưu trữ.
Mặc dầu đấy là con đường dẫn loài người tới một đời sống lâu dài, nhưng con đường ấy chỉ mới được lót một lớp nhựa mỏng tanh. Thiên nhiên đã dạy thêm cho con người. Con người được ướp lạnh, rồi hồi sinh không một tổn thương nào ngay cả trí nhớ, vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.
Phương pháp glycerin thông dụng và hiệu quả hơn hết. Tiếc rằng con người đã không tìm ra sớm hơn để Bejamin Fraklin được toại nguyện.
Chính đây là cách duy nhất giúp con người có thể đặt chân lên các hành tinh và tinh tú xa xăm.
Năm 1965, một tổ chức được thành lập nhằm mục đích ướp xác những ai muốn ngủ một giấc thật dài để chờ một tương lai sáng sủa hơn.
Mùa xuân năm 1966, người đầu tiên được ướp. Người này được đặt trong một cái rương đặc biệt. Cơ thể chứa đầy một dung dịch lạnh để thay thế máu và được quấn bằng những mảnh kim loại mỏng. Rương này được hạ xuống một nhiệt độ cực lạnh.
Đầu tháng giêng 1967, xác khoa học gia James H. Bedford, 73 tuổi, được ướp lạnh đến ngày nào người ta tìm ra cách chữa căn bệnh đã khiến ông qua đời. Trước đó, bác sĩ Bedford đã trả đủ tiền mua chiếc rương đặc biệt (4.000 đô la) và tiền phí tổn ướp lạnh, mỗi năm 150 đô la.
Nhiều khoa học gia phản đối, cho cuộc thí nghiệm là điên rồ và chắc chắn không thành công. Họ cho rằng không một cơ quan sống nào chịu được sức lạnh. Tuy nhiên, 3 khoa học gia Nhật bản I. Supa, K. Kito và C. Adachi thuộc đại học đường Kobe, đã thành công trong việc ướp lạnh não bộ mèo suốt 203 ngày, rồi hâm nóng và nghiên cứu. Họ khám phá ra rằng các luồng điện vẫn không thay đổi, y nguyên như trước thí nghiệm. Não bộ là cơ quan tinh tế nhất, các tế bào thần kinh được xem là quí phái, nghĩa là sẽ chết sau vài phút thiếu oxygen.
Phải chăng trong tương lai, con người sẽ thay thế chiếc quan tài bằng chiếc rương ướp lạnh? Điều ấy chưa ai biết được. Nhưng hiển nhiên rằng một đời người dài hơn có thể thành hình. Con người đang cố gắng cưỡng lại số trời, xóa bỏ câu "rắn già rắn lột, người già người tọt vào săng" (1)
Nhưng bạn hãy nhìn lại xem, tất cả chỉ do một sự bất cẩn tình cờ trong phòng thí nghiệm.
PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ
______________
(1) Săng : hòm
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 128, ra ngày 1-11-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.