Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Mẻ Cá Thương Yêu

Thanh bế em đứng tựa ngoài cửa, thỉnh thoảng nó quay vào nhìn cha nó, nước mắt nhỏ giọt. Đã hai tuần nay ông Xanh không đi bể được vì cảm nặng, mỗi lần cơn ho nổi lên làm mặt ông tái hẳn đi và mệt lả. Người ông mới hai tuần trước lúc ông chưa bị bệnh thân thể vạm vỡ khỏe mạnh... Thế mà nay chỉ còn như một nắm xương khô, thở thoi thóp.

Bà Xanh lo thuốc thang cho chồng, bà ngồi áng một bên ; mỗi lần cơn bệnh của ông nổi lên bà lại lo lắng, thầm cầu trời cho ông được tai qua nạn khỏi để ông đảm đang công việc gia đình. Bà ái ngại nhìn chồng, lòng bà đau xót vô cùng ; nhà nghèo tiền không gạo hết lấy tiền đâu lo bác sĩ cho ông. Bà quay đi cố ngăn dòng nước mắt chực tuôn trào trên khóe mắt. Nhìn chồng, nhìn con bà cảm thấy lòng thắt quặn: làm sao có gạo lo cho mấy cái miệng nhỏ háu đói đây?

- Thanh à! Con đưa em qua nhà chú Tám chơi, để em ở nhà nó nô đùa làm sao ba ngủ được.

- Vâng!

Thanh dắt bé Lan, tay bồng em Linh đi ra ngõ, qua giậu hàng rào dâm bụt dẫn theo con dường nhỏ qua nhà chú Tám, bên cạnh nhà Thanh.

Anh em thằng Lực đang nô đùa ngoài sân dưới bóng cây mát. Ánh nắng buổi trưa hè chiếu qua kẽ lá xuống trên đầu chúng. Thấy Thanh, Lực gọi lớn:

- Anh Thanh, vào đây chơi với chúng tôi.

Thằng Tính đang cắm cúi đánh bi cũng ngẩng lên: - A! Anh Thanh... Thanh bước vào sân đến bên gốc cây đặt em xuống, lấy bi ra chơi. Cả bọn quây quần dưới gốc cây. Vừa bắn bi Lực vừa nói:

- Tụi mình trông khéo không thằng Tính ăn gian lắm đó.

Thằng Tính cãi lại:

- Em ăn gian hồi nào, có anh ấy! Ai bảo người ta bắn trúng không chịu cho ăn lại còn nói.

Thằng Lực giơ tay làm một động tác như bỏ thằng Tính ra ngoài vòng:

- Lải nhải mãi, cầm bi đi chỗ khác!

Thằng Tính nhìn anh nó chực khóc.

Thanh giơ tay giải hòa:

- Thôi chúng ta chơi chung tất cả càng vui.

Ba cái đầu lại chụm lại. Thỉnh thoảng nổi lên tiếng vỗ tay, hay tiếng cười thích chí xen lẫn với tiếng cãi vã của thằng Tính.

Bây giờ đến lượt thằng Lực. Viên Bi từ tay nó lướt nhanh qua viên bi của Thanh và trúng viên bi của thằng Tính. Lực chưa kịp mừng thì Tính giơ tay hất bi của anh nó lăn trở lại:

- Không chịu đâu, anh ăn gian lắm, anh phải để vừa gang tay của anh thôi chứ anh để mãi ra ngoài này ai chịu được.

Lực trợn mắt:

- Bắn thế vậy còn bảo ăn gian hả, muốn chết không?

Thanh can:

- Thôi Lực, cần gì chấp với nó, đây bắn lại đi.

Thằng Lực hậm hực cầm viên bi bắn lại, viên bi lại vuột khỏi bàn tay nhỏ nhắn của nó lướt nhanh, nhưng lần này không trúng hòn bi nào cả. Tính vỗ tay reo:

- Đó! Đó! Thấy chưa? Ăn gian nó dàn ra đấy!

- Tao ăn gian của mày bao giờ?

Chung quanh câu chuyện đánh bi chỉ có thế. Lắm lúc thằng Tính vỗ tay reo hò ầm ĩ, tỏ vẻ thích chí lắm, làm thím Tám mẹ nó phải la lên: - Tính! Làm gì la hét dữ vậy, có để cho ba ngủ không?


Nhưng tính nào hoàn tật nấy, nó chỉ thiu thiu được một lúc rồi lại reo hò như thường. Lần này thằng Lực dọa:

- Mày không để ba ngủ, ba dậy thì ốm đòn đó nghe không!

Nói đến đòn, thằng Tính tiu nghỉu, có lẽ nó đã được nếm nhiều lần cây roi tre của ba nó.

Chơi bi mãi cũng chán, cả bọn ngồi tìm cách chơi khác. Lực đề nghị:

- Chơi bịt mắt bắt dê.

Thanh lắc đầu:

- Chúng ta chơi nhiều rồi, chán ngấy.

- Không thì cướp cờ, mở cờ nè! - Lực tiếp.

Thanh còn đang phân vân thì thằng Tính la lên:

- Chúng ta xây tháp sướng hơn, rồi cắm hoa đỏ nè! Hoa trắng nè! Sướng biết mấy.

- Lấy gì xây được? - Thanh hỏi.

- Chúng ta lấy gỗ xếp chồng lên nhau. Em biết chỗ lấy gỗ rồi, bên ông Ba nhiều lắm, những mảnh gỗ vụn thiếu gì.

- Vậy thì đi lấy mau đi.

Lực thắc mắc:

- Mà chắc gì còn không?

Tính vênh mặt:

- Còn thiếu gì. Hồi sáng em mới qua thấy ông đóng thuyền, em xin để lại một đống, giờ em qua lấy nhé!

Nói xong nó chạy đi. Một lúc sau hí hửng ôm về một ôm toàn những mẩu gỗ bằng gang tay, to cỡ 2 phân. Vừa đi vừa ca hát coi bộ chưa bao giờ nó vui vẻ bằng lúc này, vì nó được mọi người đồng ý việc nó đề nghị mà lị.

Cả bọn xúm lại. Những mẩu gỗ vuông, dài được xếp lên nhau, cao dần, cao dần... Thỉnh thoảng chúng ngừng tay ngắm nghía. Thằng Tính ngồi xổm trên đất, hai tay chống cằm, miệng xuýt xoa khen lấy khen để.

- Sắp xong rồi, lấy hoa đi, Tính! - Lực bảo em.

Tính chợt nhớ ra, nó chạy biến ra phía sau nhà. Một lát nó ôm lại một đống đủ thứ hoa: hoa dừa, hoa cúc, hoa mào gà...

Những chùm hoa đỏ, trắng được cắm lên những khe gỗ, cả bọn ngừng tay ngắm nghía, hoặc trầm trồ khen ngợi. Thằng Tính nhảy cỡn lên, nó vui vẻ hơn bao giờ hết. Công việc cắm hoa tạm xong...

Ánh nắng hè bớt gay gắt và ngả dần về tây. Chiếc đồng hồ vọng lại thong thả gõ hai tiếng. Chú Tâm thức giấc, quấn vội chiếc khăn quàng vào cổ, chú bước ra hè nhìn bầy trẻ đang nô đùa ngoài sân. Bất giác chú mỉm cười và vui vẻ hỏi Thanh:

- Ba cháu đỡ chưa vậy Thanh?

Thưa chú, ba cháu mới đỡ.

Vừa lúc đó thím Tâm từ ngõ đi vào, đến bên chồng thím bảo nhỏ:

- Mình à, anh Xanh bệnh lại tăng thêm, có lẽ phải mời bác sĩ cho ảnh. Nhưng hiện giờ anh chị hết gạo rồi, tiền cũng không. Hay là...

Chị ngập ngừng như sợ chồng không đồng ý điều mình sắp nói. Đợi chồng hỏi chị mới nói nhỏ bên tai chồng, chú Tâm gật đầu lia lịa.

Đoạn chú ôm tấm lưới ra biển, trước khi đi chú không quên xoa đầu mấy đứa nhỏ:

- Các con ở nhà ngoan nhé, ba đi biển đây!

Thím Tâm mỉm cười nhìn theo bóng dáng vạm vỡ của chồng khuất dần sau giậu dâm bụt.

Một lát có tiếng bà Xanh vọng sang:

- Thanh ơi! Đưa em về ăn cháo.

Thah dạ to, đoạn quay lại bảo:

- Tao về nghen, chiều sang chơi.

- Về đó a anh Thanh?

- Chiều nhớ sang sớm nhé!

Thanh gật đầu đoạn hướng về thím Tâm, lúc đó đang tựa ngoài cửa, cúi đầu chào:

- Thưa thím cháu về ạ!

- Về đó a Thanh, chiều nhớ sang chơi nghe cháu.

- Vâng ạ!

Thanh dắt em ra ngõ, đằng sau còn vọng lại tiếng réo của thằng Tính vẻ tiếc rẻ:

- Anh Thanh về rồi, mấy anh em mình chơi không buồn chết. Thôi để em coi cho đến tối chúng mình lại chơi.

*

Thanh vừa ăn cơm xong, chị Liên kéo Thanh ra sân bảo nhỏ:

- Thanh à! Ba ốm nặng không đi biển được, chị em mình ở nhà mãi lấy gì ăn bây giờ, tiền, gạo hết rồi.

Thanh đứng lặng nhìn ngoài ngõ. Với bộ óc non nớt của nó, nó không biết phải làm thế nào cả. May sao chị Liên tiếp:

- Bây giờ chị tính thế này, em vào lấy lưới đi rồi theo chị ra bể.

- Thế chị đinh đi ngay bây giờ sao?

- Đúng vậy, chỉ còn cách này thôi, ngoài ra không còn cách nào hơn nữa.

- Má có cho đi không?

- Má làm sao cho đi được. Nhưng chị em mình lừa trốn đi chứ.

Thanh gật đầu. Hai chị em cầm tay nhau, bốn mắt nhìn nhau thông cảm. Họ cảm thấy yêu quí nhau hơn lúc nào hết, miệng nở nụ cười tươi như cánh hoa buổi sáng. Thanh bảo chị:

- Chị chờ em một lát nhé!

Một lát sau hai chị em Thanh vui vẻ chạy mau ra bãi bể, tay không quên ôm theo mảnh lưới. Sóng biển dâng lên dạt dào như chào đón họ.

Thuyền từ từ tách bến, hai chị em, chị chèo em lái, con thuyền nhịp nhàng theo sóng biếc tiến dần ra khơi. Mặt nước lăn tăn sóng gợn. Các đợt sóng thi nhau chạy, nối tiếp nhau như không bao giờ hết, vỗ mạnh vào mạn thuyền làm nó chuyển lên phành phạch.

Ngoài kia, các con thuyền đã tách bến đang ra khơi. Nhiều chiếc đã ra quá xa trông chỉ còn bằng những chiếc lá tre nổi lều bều trên mặt nước.

Ra càng xa, sóng càng lớn, con thuyền bị đưa lên dìu xuống, như đe dọa chực dìm cả hai chị em xuống tận đáy bể.

Thanh cảm thấy sợ sợ, một mối lo sợ ở đâu cứ tràn vào lòng Thanh ; mặt nó tái đi nghĩ đến làn sóng kia có thể nuốt mất hai chị em... Tay chân nó run rẩy cơ hồ như không còn vững nữa ; đôi tay nhỏ bé của nó chỉ chực để cho mái chèo vuột đi trôi theo dòng nước. Vì đây là ngày đầu tiên được ra bể, trách nào nó chả sợ.

Nó chợt nhớ đến cha, giờ này chắc hẳn đang quằn quại trên giường bệnh kề bên tử thần với lưỡi hái sáng loáng chỉ chực vung lên cướp lấy mạng cha. Một sự thiêng liêng như thúc đẩy làm Thanh mạnh bạo hẳn lên, khi hiện ra hình ảnh đôi mắt sầu khổ của người cha thân yêu nhất đời nó, đang mỉm nụ cười héo hắt và đôi mắt đẫm lệ, đang chờ mong một sự giúp đỡ của nó.

Phải rồi, Thanh lớn rồi phải giúp đỡ cha mẹ khi người đau yếu chứ! Thanh cảm thấy hãnh diện và can đảm lên. Sóng to gió lớn không làm nó sợ nữa.

Chẳng mấy chốc thuyền đã ra đến khơi. Hai chị em bắt đầu buông lưới.

Mẻ lưới đầu tiên được kéo lên. Hai chị em xúm vào gỡ cá ; mẻ này được khá nhiều, chúng thi nhau vùng vẫy để tìm cách thoát. Đủ mọi thứ cá: to có, nhỏ có, đều được gỡ ra bỏ vào khoang.

Mẻ lưới thứ hai, thứ ba... cũng vậy, mẻ nhiều mẻ ít san sẻ nhau. Khi mặt trời xuống khá sâu gần gác non đoài, hai chị em mới sửa soạn kéo mẻ lưới cuối cùng để về cho kịp trời tối.

Nước biển mênh mông, làn sóng nhấp nhô. Những chiếc lá tre ngoài xa xa di động khi ẩn khi hiện, từ từ tiến về bãi hiện ra những chiếc thuyền con. Trên nền trời xanh ngắt, đàn chim bay lả tả, thỉnh thoảng chúng thi nhau nhào xuống mặt nước tìm bắt mồi rồi lại phóng vút lên.

Mẻ lưới cuối cùng của hai chị em Thanh được kéo lên. Một con chép thiệt lớn, có lẽ chưa bao giờ chị em Thanh thấy con cá lớn như thế. Từ đầu, mình rồi đến đuôi con cá chép được kéo lên với sự hoan hỉ của hai chị em Thanh.

- Con cá này mình đem bán chị nhỉ!

- Ừ, nó lớn thế này chắc bán được khá đấy.

- Có tiền cho ba uống thuốc, ba chóng khỏi em mừng lắm.

- Thanh cũng mong cho ba khỏi cơ à?

- Em mong mê đi ấy chứ. Không có ba mỗi bữa ăn em thấy buồn làm sao ấy. Cầu trời cho ba chóng khỏi, ba đi lưới để má đỡ phải lo nhiều.

- Thế thì Thanh ngoan lắm.

- Ngoan bằng từng nào hả chị? - Thanh hỏi đùa lại chị.

- Ơ! Ơ!... Ngoan bằng bé Phượng trong truyện chị kể cho em nghe tối hôm qua ấy mà.

- Bé Phượng nào sao hôm qua em chẳng thấy chị kể gì hết?

- Em mơ à! Hôm qua chị kể bé Phượng ngoan ngoãn hiếu thảo, biết thương yêu ba má, biết giúp đỡ ba má khi cần đến, biết nhường miếng ngon cho cha mẹ. Đi đâu được cho bánh trái bé không ăn để dành cho ba má cả...

- À, à! Em nhớ ra rồi. Mà tại sao bé Phượng lại không ăn, cái gì cũng để dành cho ba má hết, hay bé không thích ăn bánh trái?

Chị Liên đáp:

- Không phải vậy đâu, bé thích ăn lắm chớ, nhưng bé thấy rằng bé ăn mà để cha mẹ nhịn thèm sao được. Trừ khi cha mẹ không ăn, bé mới dám ăn đấy chớ!

Thằng Thanh gật đầu lia lịa tỏ vẻ hiểu chuyện lắm. Hai chị em kéo lưới xong đem giặt giũ cẩn thận rồi chèo thuyền ra về. Đôi mái chèo nhịp nhàng khoáy sâu xuống làn nước biếc đẩy thuyền tiến về phía trước. Phía đầu mũi Thanh ngồi chèo giúp chị. Hai chị em vừa chèo vừa nói chuyện, nhờ vậy hai chị em quên hết cả nhọc mệt và quãng đường dài như rút ngắn lại.

Thuyền cặp bến đã khá nhiều, mọi người nói chuyện huyên náo, kẻ lên người xuống lo việc khuân cá lên bãi. Trên bãi cát trắng mịn những đứa trẻ con thi nhau đuổi bắt những con dã tràng hay tìm kiếm những con ốc nhỏ xinh xinh.


Hai chị em Thanh vừa cập bến, bà Xanh từ đâu chạy lại, bà xuống xuồng đưa cá lên giúp hai chị em. Bà chỉ phiền mà không nỡ trách mắng chị em Thanh vì bà hiểu được lòng con bà qua ánh mắt chúng. Bà nói:

- Hai con đi biển sao không cho má biết với nhỡ nguy hiểm thì sao? Má tìm mãi không thấy, ra ngoài này má mới biết các con đi biển. Má không trách các con nhưng từ rày mà đi có việc gì phải cho má biết, đừng để má phải tìm kiếm như hôm nay nữa.

Chị Liên hỏi:

- Ba con có mắng không má?

- Ba con chỉ trách các con đi biển không có người lớn theo, lỡ nguy hiểm lấy ai hòng cứu vớt.

Hai chị em cúi đầu nghe má trách, nhưng trong lòng họ, họ cảm thấy vui vui.

Cá được vớt ra rổ, bà Xanh không ngờ được nhiều như thế: hai rổ cá đầy ngập. Những con cá to nhỏ đủ cỡ thi nhau nhảy tánh tách. Bà giúp hai chị em đưa cá về nhà, để lại ít ăn còn bao nhiêu đem bán.

Chị Liên mân mê con cá mú lớn nhất trong rổ, con cá bắt được sau mẻ lưới cuối cùng, hỏi mẹ:

- Con cá nầy bán hay để ăn má?

- Để bán kiếm tiền...

Bé Lan nũng nịu:

- Để ăn đi má, cá lớn ăn ngon lắm.

Bà xanh phân vân nửa muốn bán kiếm tiền thuốc thang cho chồng nửa muốn để ăn. Bà biết rằng hôm nay có cá ngon chắc ông ăn được cơm.

Vừa lúc đó ông Xanh từ nhà trên hỏi vọng xuống:

- Chị em nó về rồi hả? Có được gì không?

- Được có ít thôi mình ạ!

Lan chạy lại bên ba, bé vừa tìm được nguồn che chở:

- Ba ơi! Được con chép to lắm, để nấu ăn chắc ngon lắm, má con cứ bảo bán thôi.

Ông Xanh vuốt tóc con:

- Thôi để lại nấu cho con nó ăn, làm gì một con cá nào.

Bà Xanh chiều ý chồng, bà đem cá ra mổ, nhưng vừa mổ, bà bỗng kinh ngạc thốt lên: "Ô!" Chị em Thanh nghe má kêu lên chạy lại họ cũng phải kinh ngạc. Một chiếc nhẫn vàng nạm ngọc sáng chói nằm trong bụng cá. Bà Xanh sung sướng đến lặng người đi, bà có ngờ đâu trời đã thương giúp gia đình bà. Bà cầm chiếc nhẫn chạy vào khoe chồng. Đến lượt ông kinh ngạc và thích thú. Cả nhà cùng vui mừng, nhất là bà Xanh vì nhờ nó bà sẽ có tiền lo bác sĩ cho ông, có thêm tiền đong gạo.

- Hai bác có nhà không đấy?

Tiếng thím Tâm từ ngoài ngõ vọng vào. Bà Xanh chạy ra, thím Tâm tay mang thúng đi vào vừa thấy bà Xanh, thím vui vẻ:

- A, Bác có nhà. Bác trai đỡ rồi chứ?

- Cám ơn thím nhà tôi vẫn vậy. Ơ! Thím đem gạo đi đâu đấy?

Đặt thúng gạo xuống hè, thím Tâm đáp:

- Chẳng giấu gì bác, thấy bác ốm nặng không đi biển được, nhà em sai mang ít gạo gọi là...

Vừa nói thím vừa rút tiền đưa cho bà Xanh:

- Em mới kiếm được ít tiền, chị cầm lấy để thuốc thang cho bác trai.

Bà Xanh cảm động lắm, bà nhất định không chịu lấy. Bà nói:

- Chúng tôi vay mượn của chú thím nhiều rồi, lấy đâu mà trả đặng?

- Có gì đâu mà bác phải phiền lòng, bà con lối xóm giúp nhau một tí có sao. Khi nào em gặp nạn bác giúp lại, còn tiền gạo khi nào bác có đem trả cũng được.

Bà Xanh cảm động cầm tay thím thuật chuyện nhờ hai đứa nhỏ đi biển đến khi được chiếc nhẫn và đưa cho thím Tâm coi. Thím mừng chảy nước mắt:

- Thật trời ban lộc cho anh chị đó.

Ngừng một lát thím tiếp:

- Bây giờ chị tính rước thầy lang luôn chứ?

- Tôi cũng định vậy nhưng mấy đứa nhỏ chưa cơm biết sao bây giờ.

- Bác khỏi lo, em về bảo nhà em đi cũng được.

*

Sau khi bắt mạch xong xuôi, thầy thuốc bảo:

- Không sao, ông chỉ bị cảm nặng thôi! Ông chịu khó nằm tĩnh dưỡng độ một tuần là khỏi hẳn.

Nói xong ông chào bà chủ và ra về, sau khi ra ông không quên căn dặn người nhà cách cho người bệnh uống thuốc.

Bà Xanh, chị Liên, bé Lan và thằng Lực đang quây quần bên giường ông Xanh thì Thanh xồng xộc từ ngoài chạy vào tay mang một quả cam. Đặt cạnh ông, Thanh nói:

- Chú Tâm cho con, chú bảo lúc nãy đi kêu thầy thuốc chú ghé qua ngoại, ngoại cho mấy quả đó.

- Sao con không ăn đi, để làm gì?

- Con để dành cho ba đó.

Ông Xanh cảm động cầm trái cam đưa cho thằng Lực, bé Lan, chúng nó lắc đầu không lấy. Hai ông bà nhìn nhau cùng cười, đoạn ông bóc ra chia cho mọi người. Cả nhà cùng vui vẻ ăn ngon lành, tiếng cười của họ vang lên trong bầu không khí ấm áp, khi họ hiểu rằng một niềm vui đã đến trong gia đình họ.


PHONG VŨ          
(Kiên Giang)          


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 33, ra ngày 25-10-1965) 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>