Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Con Lạc Đà

 

Từ hơn bốn ngàn năm trước cho đến nay, lạc đà vẫn còn được con người sử dụng để cưỡi hoặc chuyên chở hàng hóa đi khắp đó đây trên vùng sa mạc bát ngát mênh mông, vì chưa có một con vật thứ nhì hội đủ điều kiện cần thiết hầu đảm trách công tác thật bền bỉ và hữu hiệu cho bằng. Với khả năng di chuyển suốt cả ngày, liền trong một tuần lễ - dĩ nhiên trừ ban đêm - tới bất cứ địa điểm nào qua những bãi cát nóng bỏng có thể làm chín trứng, mà không cần phải uống nước, lạc đà quá xứng đáng với danh hiệu "Con tàu trên sa mạc".

Căn cứ vào địa khai tìm thấy, các khoa học gia đều công nhận: Cách đây hàng triệu năm, lạc đà đã xuất hiện đầu tiên tại Mỹ Châu, nhưng dưới vóc dáng nhỏ bé tựa loài thỏ chứ đâu có to lớn như bây giờ. Dần dần, thân thể phát triển, chúng chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất di cư sang Á Châu ngang eo biển Bering nước Nga, để tiến tới tận Á Rập và sa mạc Sahara, nhóm còn lại tràn xuống Nam Mỹ, đồng thời thay đổi hình dạng hoàn toàn thành một loài khác (1). Vì thế, hiện nay, người ta chỉ còn thấy lạc đà tại Á Châu, và đông đảo hơn cả là ở miền Tiểu Á cùng các quốc gia Phi Châu mà thôi.

Hình thù tuy xấu xí vì cục bướu trên lưng chẳng khác gì gù, lại lờ đờ, chậm chạp, kém thông minh, lạc đà dư sức chịu đựng khí hậu quá khắc nghiệt trên sa mạc, cũng như thừa khả năng chở nặng tới nam, sáu trăm cân Anh hàng hóa với tốc độ hai mươi lăm dặm mỗi ngày. Ngoài ra, một số lạc đà dùng trong quân đội có thể di chuyển hàng ngày từ bẩy mươi lăm tới một trăm hai chục dặm, và đặc biệt chạy nhanh tới chín, mười dặm một giờ. Loại này gọi là Dromas, tiếng Hy Lạp nghĩa là "chạy".

Trung bình cao khoảng hai thước mốt tính từ dưới đất lên tới bướu, đầu to nhưng dẹt, mõm lớn khoằm xuống chứa nhiều răng sắc bén, lạc đà ăn hạt đậu phơi khô, cõ, thân, lá, rễ loài thảo mộc, và "nhá" bất cứ thứ gì bắt gặp, ngay cả vải lều, dây cương, rổ rá bằng tre của chủ nó cũng không tha. Nhờ hàm dưới có thể chuyển dịch sang hai bên và hàm trên đủ rộng, lại thêm chiếc lưỡi dài, mỗi miếng, lạc đà cuốn vào miệng hàng đấu thức ăn, để rồi lúc rảnh rỗi "ụa" lên nhai lại, vì nó vốn thuộc loài ăn cỏ và nhai lại như trâu, bò v.v... Riêng hai lỗ mũi lạc đà thiệt mềm, nên dễ dàng nở lớn hay thu nhỏ tùy theo khí hậu trong vùng. Mắt lạc đà khá to, mầu nâu gồm hai mí bao phủ con ngươi, giúp nó khỏi bị mờ mắt trước những cơn bão cát khủng khiếp và ánh nắng chói lòa trên sa mạc. Dù chở nặng đến đâu, nhưng lạc đà không bao giờ chịu sa lầy, vì bốn cẳng thon thon nhưng bàn chân lại to bè bè gồm hai móng duy nhất. Móng này mềm chứ không cứng, hơn nữa, lớp da dưới gan bàn chân sẽ nở rộng đủ để nó đứng vững trên cát khỏi sợ bị lún sâu. Đã vậy giữa các khớp xương chân lạc đà còn có nhiều "miếng nệm" thật dầy, nên nó có thể quỳ xuống cát, hay dựa vào đất để lấy đà đứng lên dễ dàng.

Như chúng ta đã biết, lạc đà là con vật có bướu trên lưng. Bướu đó không phải bằng xương mà là bắp thịt được mỡ bao bọc. Lớp mỡ này chính là nguồn cung cấp chất bổ dưỡng nuôi thân thể, nên lạc đà thường không ăn uống cả tuần lễ khi đi công tác.

Xưa kia, nhiều người vẫn cho rằng lạc đà chứa nước ở cục bướu và bao tử, nhưng năm 1954, bác sĩ Kent Schmidt Nielsen thuộc Viện đại học Hòa Lan sang Algéri nghiên  cứu kỹ càng xem nguyên do nào loài này có khả năng chịu được nóng và nhịn uống tài như vậy. Theo ông thì sở dĩ lạc đà ít uống nước là bởi vì nhiệt độ trong người nó gia tăng theo khí hậu bên ngoài, nhờ vậy chất nước đỡ hao hụt. Khi cần uống, lạc đà chỉ thu lại đủ số lượng nước đã mất chứ không tích trữ bao giờ bằng cách cho nước ngấm vào các tế bào chung quanh bướu và dưới bụng, vì thế những phần này sẽ phồng lên khác thường, chứ làm gì có cơ quan riêng để chứa như vẫn đồn đại. Trong suốt một tuần lễ mùa hè hay hai tuần mùa đông, lạc đà mới uống nước một lần mà thôi.
 
Căn cứ vào số bướu, chúng ta có hai loại lạc đà:
 
a_ Lạc đà một bướu hay lạc đà Ả Rập lông ngắn, màu nâu xám như cát, hai chân trước cao, sống tại Bắc Phi, À Rập và miền Tây Á Châu.

b_ Lạc đà hai bướu hay lạc đà Bactria (2) da thật dầy, lông cổ và bắp chân cùng chung quanh hai bướu rất dài, dài tới nửa thước lận, màu nâu pha đỏ, hai chân trước thấp. Loại này khỏe hơn lạc đà Ả Rập nhiều, nhất là có biệt tài uống được cả nước mặn, bơi giỏi và bơi khá xa, chuyên sống ở Á Châu mà thôi.

Lạc đà tính tuy thuần, nhưng đôi lúc tỏ ra còn hoang dã và rất khó huấn luyện. Người ta chỉ có thể dạy nó quỳ xuống để chủ leo lên xong là đứng dậy chứ không thể tự ý làm được việc gì hết nếu chẳng bị ép buộc và dẫn dắt. Thỉnh thoảng lạc đà rất hung dữ, nó thường cắn, húc, đá loạn xạ.

Lạc đà cái mang thai mười một tháng mới đẻ đứa con độc nhất. Ngay khi sinh ra, lạc đà con cao gần một thước, chưa đi vững vì quá yếu nhưng cũng biết lần mò theo mẹ để bú. Nếu phải di chuyển xa, lạc đà con được đặt trong một cái giỏ treo lẫn lộn với vải vóc, túi nước, muối, lương thực... cột trên lưng mẹ nó, nhưng phải để cho mẹ nó trông thấy đứa con, bằng không nó không chịu đi. Trái ngược với ban ngày, về đêm khí hậu sa mạc lạnh kinh khủng, nên lạc đà mẹ phải ấp ủ con trong lòng cho nó ấm. Tới ba tuổi, nó bắt đầu chở những món hàng nhẹ. Từ mười lăm tới hai mươi tám tuổi, lạc đà đang sung sức nên mang được rất nhiều hàng hóa và đến ba chục tuổi trở đi, sức lạc đà yếu dần không kham nổi công tác nặng nhọc như xưa.

Cưỡi lạc đà cũng phải quen như thủy thủ không sợ sóng vậy. Sau khi chủ leo lên lưng rồi, lạc đà thường rống lên trước khi đứng dậy như kiểu chúng ta "hò dô ta" để kéo vật gì nặng. Đấy chính là lúc nó lấy đà đứng hai chân một bên lên trước, rồi mới đứng nốt hai chân bên kia. Vì lạc đà di chuyển lưng nó rung rinh nghiêng ngả chẳng khác gì con thuyền chòng chành trên sóng nên nó có tên "Chiếc tàu trên sa mạc".

Cảnh sát Ai Cập thường buộc chặt thân mình họ vào lạc đà để thi hành công tác truy tầm kẻ phạm pháp lẩn trốn trên sa mạc. Các quốc gia Ả Rập Phi Châu đều dùng lạc đà vào những cuộc hành quân chứ ít sử dụng cơ khí.

Ngoài số lượng hàng hóa chở đến, lạc đà còn là nguồn cung cấp lương thực cho sắc dân sống tại ốc đào. Họ lấy các chất béo trong sữa và bướu lạc đà làm thức ăn thay cho bơ và phó mát. Thịt lạc đà phơi khô hay muối, riêng bộ da của nó dùng làm lều, chăn, quần áo, dây thừng, giầy dép, túi đựng nước, thắt lưng, bao kiếm v.v... còn lớp mỡ đặc dành thắp đèn, nấu cơm và giữ cho da dẻ khỏi nứt nẻ.

Tuy hữu ích như vậy, lạc đà vẫn chưa được xếp vào hàng gia súc như gà, vịt, trâu, bò mặc dù người ta chăn nuôi, giữ gìn cẩn thận.

Lạc đà chỉ sống trong vòng năm mươi năm.


ĐẶNG HOÀNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 65, ra ngày 19-11-1972)

____________________
(1) Các khoa học gia còn cho rằng con Dromas, Alcapas và Vieffnas chính là con cháu thủy tổ lạc đà ngày xưa.

(2) Bactria - tên một quốc gia cổ xưa ở miền Đông Á Châu, nằm giữa sông Oxus và dãy núi Hindu Kush ở Ấn Độ.

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>