Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

3 Chàng Thám Tử (I)


 
 I. - ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU.
 
... Sài Gòn, một vùng ngoại ô với đường phố lơ thơ vài ba cây... ổi sá lỵ, có một căn nhà nho nhỏ nọ là nơi trú ngụ của một gia đình gồm người cha, người mẹ và bảy đứa con.

... Vâng, tôi xin hân hạnh giới thiệu với các bạn Tuổi Hoa đó là gia đình tôi, một gia đình "gồ ghề" đã sản xuất ra thật lắm "nhân tài". Hai trong số những nhân tài đó là... hai chàng thám tử.

Ấy, xin các bạn chớ nóng lòng mà thắc mắc rằng tại sao truyện có tên là "Ba chàng thám tử", bây giờ lại nói chỉ có hai? Để từ từ rồi tôi sẽ nói rõ, bạn nhé!

Giới thiệu tên tuổi, thành tích của ba chàng thám tử, đó là việc phải làm (hẳn đi rồi). Nhưng vào một lúc đẹp giời, vâng, lúc ấy thật đẹp giời, trên không, trời xanh ngát, dưới đất cảnh tươi vui, và lòng tôi thì thật là "một tâm hồn trong sáng như ánh dương" tôi bỗng nghĩ đến một điều: nếu chỉ giới thiệu "phe ta" chả hóa ra tôi vị kỷ quá sao? Cho nên tôi đã có một quyết định, tuy sẽ làm nôn ruột các bạn đang nóng lòng, nhưng... tình thế bắt buộc các bạn à. Tôi rất sợ bị cho là ích kỷ.

Vòng vo như thế, tôi chỉ xin các bạn thông cảm cho. Trong đôi lời giới thiệu này, tôi sẽ giới thiệu với các bạn toàn thể gia đình tôi. Bạn bằng lòng chứ?

Trước tiên là bố tôi. Nếu có ai hỏi rằng, tôi yêu ai, thì tôi rằng tôi yêu bố nè, thì tôi rằng tôi yêu mẹ nè, yêu một lũ em, yêu hết cả nhà. Nhưng nhất là... nhất là yêu bố cơ...

Bố tôi thật xứng đáng để chúng tôi yêu mến. Lý do đầu tiên chả nói ra chắc các bạn cũng đoán biết rồi, đó là vì bố là người đứng đầu trong gia đình, cho con cái xác thân, làm việc kiếm tiền nuôi con ăn học, là phận con, biết ơn bố, yêu kính bố mới tròn đạo chứ phải không các bạn? Kế đến, một lý do nữa khiến bố tôi được yêu mến, mà lại yêu mến nhất nhà là bố vẫn thường ở thế đối lập với mẹ, mà mẹ lại hay đối lập với chúng tôi. Hai người cùng đối lập với một người thứ ba, tự nhiên kết thành liên minh. Nhất nữa là trong liên minh đối lập với mẹ, chúng tôi nhở vả bố rất nhiều! Đấy! Các bạn xem, như thế không yêu bố nhất thì còn yêu ai?

Mẹ tôi, như trên tôi đã kể, rất thường xung khắc với chúng tôi, nhưng không phải như thế có nghĩa là mẹ tôi không thương yêu chúng tôi, và ngược lại, chúng tôi không kính mến mẹ. Trái lại, mẹ con chúng tôi thương yêu nhau rất mực. Chỉ phải cái tội chính vì thương yêu nhau rất mực, mẹ tôi đâm ra... nghiêm khắc. Hễ chúng tôi muốn làm gì, mẹ tôi cũng cân nhắc lợi hại. Mẹ mà cân nhắc thì trăm phần trăm là hại nhiều hơn lợi rồi. Rốt cuộc, chúng tôi được một lời khuyên: "Không được! Không nên làm ! Có hại!". Yêu mẹ thì hẳn đi rồi, nhưng yêu mẹ nhất thì... khó lắm!

Bố mẹ tôi có cả thảy bảy đứa con, trong đó, tôi là đứa to đầu nhất. Kế đến là các em tôi có tên lần lượt: Hoa, Hồng, Huyền, Hường, Hồ, Hằng. Nếu theo thứ tự mà kể, tôi phải kể về mình trước tiên. Nhưng vốn tính khiêm nhường (!), tôi xin mạn phép các bạn được kể chuyện về các em tôi trước.

Đứa em kế tôi là gái, tên Hoa, năm nay vừa mười bảy (Xin các bạn đề phòng con  bé nhé, mười bảy bẻ gãy sừng trâu đấy). Tính nết em gái tôi xem ra cũng khá, nghĩa là làm việc cũng đường được, siêng năng, ngăn nắp. Duy chỉ phải cái tội không được khéo tay lắm! Con bé sợ nhất công việc rửa ráy mấy cái lọ hoa (Có lẽ Hoa kỵ với hoa). Các bạn nghĩ xem, lọ hũ gì mà mỏng dính như giấy, hễ động mạnh tay là nứt, mà nhẹ tay lại không sạch. Hôm nọ, con Hoa trót dại làm vỡ một cái, mẹ tôi mắng như tát nước vào mặt nó: "Con gái thì phải khéo tay, khéo chân chứ ; làm gì cũng phải nhẹ nhàng, từ tốn. Chứ như cái ngữ của mày, coi chừng đấy con, tao sợ rồi chả thằng nào nó dám rước về đâu." Tội nghiệp con bé, mặt đang xanh lè, xanh lét vì sợ, bỗng đổi sắc, đỏ bừng lên.

Nhưng có tật có tài. Không được cái khéo tay, em gái tôi lại được cái khéo... ăn! Đến đây, chắc thế nào cũng có bạn thắc mắc: Khéo ăn là làm sao? Là làm thức ăn giỏi hay ăn quà vặt xuất sắc? Xin thưa với bạn là cả hai ạ. Ở đây, tôi cũng xin phép các bạn được mở một dấu ngoặc để giới thiệu với các bạn cái tài nấu món ăn của mẹ tôi, phải nói là tuyệt, không chê vào đâu được. Em gái tôi, con gái cưng của mẹ tôi, được "chân truyền" từ bé, thành ra làm món nào ra món ấy, ngon đến mát mắt, nước bọt cứ phải nuốt ừng ực. Nhà có khách, mẹ tôi chỉ cần dặn sơ một tí, trao cho ít tiền, thế là nó rủ thêm một hai đứa em nữa đi chợ mua đồ về, tự tay nấu nướng. Đến bữa, không người khách nào lại không khen: "Gớm, con cháu nhà bác làm bếp khéo quá đi thôi". Và luôn luôn, trong lúc em gái tôi ửng hồng đôi má, mẹ tôi đỡ lời: "Bác quá khen chứ cháu nó mới được tôi tập tành, còn vụng lắm!"

Cái "khéo ăn" thứ hai của em gái tôi lại không đáng hoan nghênh chút nào. Khiếp, không biết các bạn Tuổi Hoa phái nữ vào tuổi em gái tôi thì sao, chứ còn nó, tôi đến phải lắc đầu le lưỡi! Có lẽ dạ dày nó đàn hồi ghê lắm thì phải? Dung tích có một lít hai mà chứa được những ba tô bún chả, một ly chè đậu xanh, một ly sâm bổ lượng, thêm trái cóc chấm muối ớt nữa, hỏi không phải dạ dày cao su thì là dạ dày gì? Con bé có cái tật lạ, cả tuần nhịn quà sáng, để dành tiền đến chủ nhật, vì thế, nó vẫn thường giành phần đi chợ. Tôi có nhiệm vụ phải đưa nó đi chợ, vì thế tôi mới rành rọt về chuyện này. Chỗ hẹn của anh em tôi là hàng bún chả, khi xe vừa dừng, bà hàng bún chả đã ngọt sớt:

- Gớm, sao hôm nay cô Hoa đi trễ thế? Ý hẳn để bụng cho thật đói ngấu...?

Giời ơi! Mấy bà hàng thật khéo ăn khéo nói. Ý hẳn để bụng cho thật đói ngấu, mà đói thì nhất định phải... ăn nhiều. Làm như tôi kém thông minh lắm mà không hiểu.

Được một cái mà từ tôi cho đến năm đứa nhóc dưới nó đều thích, là lần nào đi chợ, con bé cũng thu xếp sao để thừa ít tiền mua quà về chia đều. Hôm thì chúng tôi mỗi người được một cái bánh cam, hôm thì được trái ổi, hôm lại được một túi ni lông chè đậu.

Chuyện của em gái tôi thì nhiều, nhiều lắm, kể ra chắc làm các bạn bực mình, tôi xin dừng ở đây thôi. Để xin giới thiệu tiếp với các bạn đứa kế con Hoa. Công tử Hồng! Vâng, kế con Hoa là một tướng con trai. Thằng Hồng quả đúng là một công tử, đẹp giai, học giỏi, chỉ mỗi tội là nhà nghèo. Hồng kém tôi bốn tuổi, hết hè này, cu cậu lên đệ tam.

Không biết bố mẹ tôi nghĩ sao mà lại đặt cho nó cái tên Hổng thật con gái. Tội nghiệp thằng bé, thỉnh thoảng lại bị chế là "Cô Hồng ơi, ra em nhờ cái này một tí", hay "Chị Hồng ơi, con cún tha giầy của chị kìa". Bị người nhà chế, Hồng chỉ cười trừ. Nhưng nếu chẳng may có người lạ, cu cậu phải đến đỏ mặt tía tai.

Hồng có tài trinh thám rất... giỏi! Không việc gì nó quyết điều tra lại không phơi bày ra ánh sáng (vâng, phơi bày ra ánh sáng, nhưng ánh sáng trắng hay ánh sáng đen thui thì còn phải xét lại). Có lẽ mẹ tôi tin tưởng ở nó, nên một lần nọ, mấy con tép của mẹ để dưới bếp bị mất tích, mẹ nghi cho con Cún và con Miu, bèn nhờ chàng Hồng điều tra hộ. Hồng xăm xoi quan sát hai kẻ tình nghi, cuối cùng, chàng tuyên bố con Miu là thủ phạm vì trong miệng nó có dính vài sợi râu tép. Mẹ tôi cười hỉ hả trước thành tích của con trai và thẳng tay trừng trị kẻ ăn tép là con Miu mấy cái cán chổi thật đau. Các bạn xem, như thế, em trai tôi có xứng là một thám tử không? Dù rằng sau đó ít phút, cu cậu bỗng chạy lại bá cổ tôi nói nhỏ: "Chết rồi anh ơi! Trong miệng con Cún cũng có mấy sợi râu tép".

Trong truyện "Ba chàng thám tử" mà tôi sắp kể, xin bật mí với các bạn rằng Hồng là một chàng thám tử đó!

Sau Hồng là con Huyền, kém anh một tuổi. Mười bốn tuổi mà chỉ mới sắp lên đệ ngũ. Có hơi chậm nhưng con gái thì chả sao. Vả lại, với con bé này, bố mẹ tôi vẫn thường bảo: "Chả lẽ anh chị mày đi học cả mà chúng tao bắt mày ở nhà, chứ cái ngữ mày, chỉ cho ở nhà làm bếp là hợp nhất. Học với hành gì mà toàn đội sổ với cầm cờ đỏ hoài". Con Huyền lại không bao giờ mặc cảm về chuyện học hành của mình mới lạ. Đôi khi nó còn hãnh diện nữa chứ! Nó thường tuyên bố thế này:

- Con gái mà học giỏi không nên, học quá nó gầy đi...

Bạn biết vì sao lại có câu "học quá nó gầy đi" không? Chỉ vì em tôi rất sợ gầy, bởi chưng nó rất to bề ngang! Một điều kỳ lạ mà tôi nghĩ chỉ có Thượng Đế mới giải thích nổi: là con Huyền rất sợ mỡ, lại ít ăn nữa! Thế mà nó vẫn có da có thịt khác thường.

Trong gia đình, con Huyền có một đối thủ thường trực là đứa em gái kế nó, con Hường. Chúng nó thật đúng với hai chữ xung khắc. Thằng Hồng rất cừ toán, bị méo mó nghề nghiệp, ví một đứa là trừ vô cực, đứa kia là cộng vô cực. Chỉ khi nào có bố mẹ hòa giải thì mới tạm tiến về zéro được chốc lát. Hai đứa thường xuyên nhận lãnh câu mắng của mẹ tôi thế này:

- Có im đi không, cứ cãi nhau như chó với mèo, không để người khác làm việc gì cả.

Con Hường học khá hơn chị nhiều. Nó mười hai và sắp lên đệ lục. Con bé rất khá môn quốc văn, nhất là luận, nó vẫn thường được điểm cao. Nó nuôi mộng thành một nữ sĩ hay một nữ thi sĩ cũng được. Thành ra con bé rất ưng sáng tác thơ, văn gởi đăng báo Tuổi Hoa. Mới rồi đây, cuối năm đệ thất, con bé được đăng một bài, trong ấy, nó kể chuyện có lần con Huyền vì mải chơi quên làm bài, đi học bị ăn trứng ngỗng. Con Huyền đọc được, xỉ vả em là đồ tọc mạch, bêu chuyện gia đình cho người khác chê cười. Con Hường cãi lại: "Người ta viết truyện chứ bộ! Cho là truyện có thật cũng không ai tin đâu mà sợ". Nhưng rồi, mỗi lần khoe đứa bạn nào về bài đăng báo của mình, nó cũng thêm một câu: "Truyện có thật đấy nhé!".

Sau con Hường là thằng Hồ, rồi đến con Hằng. Hai đứa bé này thì chả có gì đáng nói cả. Mỗi đứa chỉ có một điều để người khác dễ nhận. Thằng Hồ lên chín, dáng từa tựa chị Huyền của nó và ăn rất khá như con Hoa. Con Hằng lên sau, vừa học xong lớp mẫu giáo, nói chuyện, mở miệng ra là ao ước về sau lớn lên được làm cô giáo...

Và... như thế, kể như đã xong... tha nhân. Đáng lẽ, bây giờ là chuyện của bản nhân, của tôi. Nhưng... tôi biết có bạn đang muốn hỏi: ba chàng thám tử ma sao nãy giờ mới thấy có một, cho là người kể chuyện cũng là một chàng thám tử đi thì cũng mới có hai... thế còn chàng thứ ba đâu? Tôi lại xin được giữ cái tính khiêm nhường (!) thêm chút nữa để có đôi lời giới thiệu chàng thám tử thứ ba này. Đó là chàng Dương, bạn học của Hồng, con trai thứ hai của bác Duy, bạn thân của bố mẹ tôi.

Bác Duy trai và bố tôi làm chung một sở, coi bộ tâm đầu ý hợp lắm. Bác Duy gái với mẹ tôi cũng thế, rất vừa lòng nhau. Cho nên, tôi cứ bị lũ em trêu chọc về một vụ... một vụ... kể ra thì xấu hổ lắm các bạn ơi! Nhưng không kể thì cứ ấm ức mãi trong bụng chịu không được. Số là bác Duy có một cô con gái đầu lòng tên Dung. Hai nhà thân nhau, Dung sang nhà tôi chơi là chuyện thường phải không các bạn, ngược lại, tôi có sang bên ấy thì cũng có gì là lạ đâu. Thế mà lũ em tôi, nhất là con Hoa, hễ thấy Dung sang nhà tôi chơi là hỏi ngay: "Chị sang thăm anh hai của em phải không", và khi tôi xin phép sang bên bác Duy, con bé nhíu một bên mắt, cười ruồi: "Sang chị ấy phải không". Các bạn nghĩ xem, có tức cho tôi không?

Nhưng thôi, trở lại chuyện chàng thám tử Dương các  bạn nhé! Dương là em trai của Dung, nhưng cô chị càng dịu dàng bao nhiêu, cậu em càng hung hãn bấy nhiêu. Lúc nào chàng Dương cũng muốn xông xáo, hoạt động. Cái tính hăng hái này được cộng thêm ít máu me trinh thám do thằng Hồng nhiễm sang, đã khiến cặp Hồng Dương rất ư là đoàn kết trong công việc tìm tòi, thám hiểm, điều tra.

Thành tích của chàng Dương cũng chẳng thua gì của chàng Hồng. Một thành tích ly kỳ... cục của chàng Dương được truyền tụng trong cả hai gia đình là lần ấy, bác Duy gái phát giác ra tờ giấy trăm đỏ trong túi áo mình không cánh mà bay. Nhà bác chỉ có bốn người, lại đều lớn cả rồi, chắc chắn không có chuyện ai lấy tờ giấy trăm đó cả, vấn đề là không  biết tờ giấy trăm ấy phiêu bạt về chốn nào? Một góc kẹt hay lẫn lộn trong thùng rác? Chàng Dương ra tay điều tra. Năm phút sau, chàng hân hoan báo tin cho Bác Duy gái biết:

- Con đã tìm ra tờ giấy trăm đỏ của mẹ rồi. Mẹ làm rơi ở dưới chân bàn học của con. Mẹ có vào phòng con làm gì phải không?

Bác Duy gái ngẩn ngơ:

- Tao nhớ là tao chả có vào phòng mày làm gì cả, lạ thật nhỉ, thế tại sao tờ giấy trăm của tao lại ở trong phòng mày?

Chiều đến, mọi thắc mắc mới ra ánh sáng. Dung giặt áo cho bác Duy gái và tìm được tờ giấy trăm đỏ trong túi áo đúng lúc chàng Dương phát giác ra một chuyện kinh thiên động địa hơn:

- Bố mẹ ơi, tờ giấy trăm của con, con để trong túi quần bây giờ đâu mất biệt rồi.

Thì ra bác Duy gái bỏ quên tiền trong túi áo, và tờ giấy trăm chàng thám tử Dương tìm được cho mẹ chẳng xa lạ gì, chính là tờ giấy trăm của chàng ta rơi từ túi quần xuống chân bàn!

Đến đây, chắc các bạn đã hài lòng về hai chàng thám tử Hồng, Dương lắm lắm? Giờ phút nghiêm trang đã đến, chàng thám tử thứ ba xin trình diện. Thưa các bạn, chàng ấy là... tôi, Lý văn Hoạt, biệt hiệu hoạt họa gia, Hoạt động thanh niên, Hoạt náo viên, Hoạt kê hài hước và... quạt (Chữ Hoạt đọc theo giọng miền Nam ấy mà).

Bạn thấy có tội cho tôi không. Anh cả trong nhà mà lũ em dám phong cho thật nhiều biệt hiệu. Nói ra thì càng thêm buồn. Ấy cũng chỉ tại tôi. Chỉ tại trời sinh ra tôi với quá nhiều tài (!): tài nghịch, tài vẽ, tài bày trò chơi, tài chọc cười và tài... thám tử! (Nói các bạn đừng cười tôi nhé, tôi đang học luật đấy).

Thành tích về trinh thám của tôi thì cũng từa tựa như của em tôi, chàng thám tử Hồng, và bạn nó, chàng thám tử Dương. Kể ra sợ các bạn cho là nhàm. Vả, khiêm nhượng (lại khiêm nhượng) vẫn là một đức tính tốt phải không các bạn?

Cuối cùng, đôi lời giới thiệu xin được giới thiệu hai "nhân vật" nữa, tuy không phải là "người" trong gia đình, mà cũng như "người" trong gia đình. Đó là con Miu và chàng Cún. Con Miu thường được trọng vọng hơn. Cứ khi con Huyền và con Hường bị mắng là như chó với mèo, đứa nào cũng giành mình là bạn con Miu cả. Tội nghiệp con Cún, chả đứa nào chịu nhận làm bạn. Con Cún đáng thương ấy cũng đóng góp một phần trong chuyện tôi sắp kể đây.

Con Cún đang ngồi dưới chân tôi đây. Có lẽ giác quan thứ sáu của cu cậu báo cho cu cậu biết tôi đang viết những dòng ngợi khen cu cậu, cho nên tự nhiên cu cậu cứ vẫy đuôi lia lịa. Nom kìa, cái mõm nghếch lên, cái đầu lúc lắc...
 
_____________________________________________
Xem tiếp PHẦN II 
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 165, ra ngày 15-11-1971)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>