Nếu đem so sánh hai bộ óc ở trạng thái lành mạnh thì không ai có thể phân biệt được đâu là bộ óc của người thông minh và đâu là bộ óc của người tầm thường. Bộ óc của nhà bác học Einstein không có gì khác biệt với bộ óc của một cua-rơ xe đạp! Người ta thường nghĩ rằng: một người có bộ óc thật lớn là người thông minh. Thực ra, nếu chúng ta mở lại tự điển danh nhân chúng ta sẽ thấy James Watt, người phát minh ra biết bao máy móc mở một kỷ nguyên kỹ nghệ thế kỷ 17 thì điều nhận xét ở trên không lấy gì làm bảo đảm, bởi lẽ, nếu đem chân dung của ông ra so sánh với một người thường thì nào có gì khác đâu? Một lực sĩ điền kinh còn có cặp chân dài, một trái tim không biết mệt. Một lực sĩ cử tạ còn có những bắp thịt rắn chắc nhưng một "lực sĩ" tinh thần quả nhiên không có một dáng dấp gì dị biệt khác người thường. Dĩ nhiên người ta cũng kể đến những khối óc ngoại hạng của một Crom Well, Lord Byron, Bismark nhưng người ta cũng phải kể đến những bộ óc cỏn con của Gambetta, Anatole France! Nếu có phân biệt được gì khác biệt với người dân dã, bình thường ở Einstein họa chăng có mái tóc rối bù mà thôi. Người ta còn thấy những cái đầu thật bình thường đôi khi còn quá nhỏ như Pasteur, Aragon, Pascal và Buffon.
Nếu như vậy, quả nhiên các thiên tài, những bậc thông minh tuyệt thế không hề lệ thuộc vào những yếu tố hình thể vật lý. Cái "bí mật thông minh" cũng không tự tại nơi hình dáng dị dạng, di truyền nhưng hoàn toàn trong sự phát khởi tự nhiên ở một lúc nào đó trong đầu óc của con người.
THIÊN TÀI LÀ MỘT BÍ ẨN CỦA TUỔI TRẺ
Khoa học đã tìm kiếm, nghiệm thử nhưng cho đến nay vẫn còn trong sự mờ tối chưa thấy một tia sáng nào khả dĩ dẫn đạo cho lối vào nơi bí ẩn này mà chỉ nhận thấy nó là một "hiện tượng". Trường hợp của Ovide là một bằng chứng hiển nhiên về hiện tượng. Ovide đã xuất khẩu thành thi ngay từ lúc mà ở lứa tuổi của ông còn bập bẹ tập nói. Người cha của Ovide cho đây là một điềm gở lạ, người ngoài đồn thổi eo xèo. Thân phụ Ovide quyết ngăn chặn đe dọa không cho Ovide làm thơ nữa. Ông sợ hãi, khóc lóc van xin thân phụ nhưng chính những lời van xin ấy lại là những bài thơ! Ở Mozart thiên tài âm nhạc, người ta còn thấy cái sự phát khởi năng khiếu một cách rõ rệt, thúc bách đầy chuyên biệt nhưng cũng lại rất say mê đến độ kinh ngạc. Năm tuổi, Mozart đã biết chơi đàn piano và thường tấu những khúc khó nhất thời bấy giờ. Tài nghệ một ngày một lớn dần, một ngày một tuyệt tác. Bảy tuổi Mozart đã trình tấu tại những thủ đô có tiếng về âm nhạc: Vienne, Venise, Luân Đôn, Ba lê... 8 tuổi thiên tài Mozart đã sáng tác những hòa âm bất hủ. 10 tuổi viết xong La finta simplice, Bastieu và Bastienne. Năm 16 tuổi, ngôi sao âm nhạc này đã rực rỡ trời Âu và làm cho người ta ngạc nhiên nhất là ông chỉ nghe sơ qua có 2 lần dàn nhạc đại hòa tấu La Mã chơi bản Misère của Allegri (bản này Allegri viết rất nhiều bè cho dàn nhạc và được giữ rất bí mật không phổ biến có ý giữ độc quyền) thế mà Mozart đã viết lại hầu như không sai một nốt nhạc.
Bằng vào những sự kiện trên, người ta thầy rằng ở Mozart và Ovide rõ ràng là một hiện tượng của thiên tài phát khởi tự nhiên từ lúc còn thơ ấu. Sự phát khởi kỳ diệu này được coi như một sự tự tại hiện hữu trong tâm linh hối thúc, lôi cuốn con người hướng chiều về một bộ môn nào đó, hoặc là khái quát trên toàn thể các vấn đề như Leonard de Vinci, Watt v.v...
THIÊN TÀI DO DI TRUYỀN
Người ta cũng đưa Bach - người được coi như là đã làm hoàn bị âm pháp - làm minh chứng cho thuyết thiên tài do di truyền. Luận cứ rằng Bach được hấp thụ, thai nghén và bú sữa cũng như được đặt trong một môi cảnh của một dòng họ, một gia đình nhạc nên tất cả những tinh anh của âm nhạc đã gây tạo nên Bach theo như định luật của Mendel Morgan. Thế nhưng nếu lật gia phả của Bach thì ông cụ thân sinh ra thân phụ Bach đâu có phải là một nhạc sĩ mà lại là một chủ tiệm bánh mì, chỉ có đời thân phụ của Bach mới là nhạc sĩ. Đến đây, chúng ta lại đưa ra một thí dụ để dẫn chứng cho lập luận và cái định luật của Morgan. Trường hợp những đứa trẻ con đã được các con sói nuôi dưỡng khi được tìm thấy, người ta đã đem về tập tành giáo dục để nó trở lại tính người và nhất là tập cho chúng nói. Nói là năng khiếu đặc biệt chỉ có con người mới có trọn vẹn, thế nhưng dù bằng bất cứ một cách nào, người sói cũng không lấy lại được thể chất "di truyền" mà chỉ có thể phát âm ngượng nghịu, be be không ra tiếng người. Trái lại những đứa trẻ ở trong gia đình ngoài tiếng mẹ đẻ còn có thể học thêm được các ngoại ngữ khác lạ. Do đó, di truyền không hẳn là một yếu tố chính tạo nên thiên tài. Thiên tài ngữ học Trombetti, vừa được nhận làm giáo sư tại Bologne, ông thông thạo hàng trăm thứ tiếng nhưng lại sinh ra do một cha mẹ không biết chữ!
THIÊN TÀI LÀ SỰ KIÊN NHẪN LÂU DÀI
Trở lại trường hợp của thiên tài Trombetti, người ta thấy rằng quả nhiên ở con người ông có nhiều sự kiên nhẫn đòi hỏi một thời gian mới có thể thông thạo được nhiều thứ tiếng nhưng người ta cũng phải thừa nhận rằng có một nguyên động lực nào thôi thúc, hướng dẫn và nhất là cái năng khiếu về ngoại ngữ. Chính cái đó mới là động lực chính để tạo nên cái thiên tài bất hủ, cái mà Buffon quả quyết: "Thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn" cũng cần được xét lại ở đây. Một đứa nhỏ nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường đặc biệt, hướng dẫn đầy đủ, tập luyện kỹ lưỡng về một bộ môn nào đó, khi lớn lên dĩ nhiên bộ môn đó phải trổi vượt hơn các bộ môn khác. Đó chỉ là một sự may mắn mà không phải là thiên tài!
Người ta cho đó là một cố gắng gò ép để tạo nên một thói quen mà thôi.
Sau một trận chiến thắng chớp nhoáng nhưng cũng rất lừng danh, người ta hỏi Nã Phá Luân:
- Thiếu tướng phải mất bao nhiêu lâu để thảo ra kế hoạch của trận này?
- Phải mất 20 năm.
Ông trả lời một cách rất tự nhiên mặc dầu lúc đó ông mới 27 tuổi.
Các nhà tâm lý học đã khám phá ra rằng: Tâm hồn trẻ con cô đọng trong một hình thái nhất định giữa tuổi từ 3 đến 7. Nếu chúng ta triển khai khối óc ấy theo một đường hướng nhất định nào đó (Buffon gọi là kiên nhẫn lâu dài) chúng sẽ yên trí mãi suốt đời và được coi như một sự phản xạ hay tự động thuộc về trí não và đó là cái mà người ta gọi là thiên tài. Trường hợp của Pennetier, nhạc sĩ Piano đã 2 lần chiếm giải Maguerite Long lúc mới 19 tuổi được một giáo sư hướng dẫn khai triển ngay lúc 4 tuổi và cứ như vậy, bây giờ Pennetier đã có một thói quen đến nỗi không thể sống nổi nếu không chơi đàn Piano!
Nói tóm lại, sự thông minh xuất chúng, hay nói một cách khác các thiên tài là một mầu nhiệm bộc phát tự nhiên mà không có lệ thuộc vào một yếu tố nào khả dĩ khoa học có thể kiểm chứng được, chỉ có một sự kiện duy nhất được nhận ra đó là các thiên tài thường xuất hiện ở những gia đình có một không khí đặc biệt không thể biết trước được.
HUY YÊN
(Theo Anne Michel)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 115, ra ngày 30-11-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.