Thứ ba, ngày... tháng... năm 1970
Đêm
đầu tiên sống xa nhà, Nguyên nghe thiếu vắng vô cùng ; chuyến bay ban
chiều đã đem Nguyên đi xa. Xa rời thành phố thân yêu với những khuôn mặt
dấu yêu quen thuộc.
Nguyên
nhớ lại rằng : mình đã khóc khi đưa mắt nhìn qua khung cửa kính nhỏ,
bóng dáng ba già yếu đứng dưới sân bay ngước mắt nhìn Nguyên như nhắn
nhủ, dặn dò. Máy bay chạy dần vào phi đạo, cuốn bóng dáng ba xa dần
trong tầm mắt Nguyên... Núi đồi, biển rộng dưới kia mờ nhạt qua làn nước
mắt, Nguyên nghe vị mặn thấm trên đầu môi và muốn trở về ngay trong
giây phút đó - Về với ba mẹ, với đàn em bé thơ trong căn nhà quen
thuộc...
Đã
hơn 11 giờ. Khu nội trú chìm trong im vắng, những hàng cây dưới vườn
xanh thẫm màu bóng tối. Nhìn qua đồ đạc ngổn ngang chưa được xếp vào vị
trí và những khuôn mặt chung quanh còn xa lạ, Nguyên thấy mình bơ vơ
quá, đêm nay chắc Nguyên ngủ một mình và mãi về sau... không còn những
đêm mưa lạnh, nằm co rút tìm hơi ấm bên bà nội, được ru ngủ bằng những
lời cầu kinh trầm trầm quen thuộc của bà.
Giờ
này ở nhà, chắc gia đình Nguyên đã êm đềm trong giấc ngủ, căn phòng của
Nguyên có ai nằm không nhỉ? Chắc là không, vì hôm Nguyên đi me có nói
"Căn phòng con Nguyên cứ để im đấy cho nó, để Tết hay hè nó về"...
Nguyên
thượng me quá, suốt đời me chỉ tận tụy với chồng con, những nỗi chật
vật của cuộc sống đã làm me già đi trước tuổi. Lúc chiều, ăn cơm dưới
câu lạc bộ nhà trường, những món ăn nhạt nhẽo, không quen miệng, khiến
Nguyên nhớ me thật nhiều với những bữa cơm gia đình đầm ấm do chính me
nấu! Những khúc cá kho mặn mà vị ớt, tô canh ngọt ngào dư vị thương
yêu... khóc rồi đấy hả Nguyên? Ngoài trời mưa đang rơi, hồn Nguyên cũng
giăng kín mây buồn. Mây đêm nay đưa Nguyên vào giấc ngủ tràn đầy nhung
nhớ.
Thứ tư, ngày... tháng... năm 1970
Một
ngày trôi qua trong bận rộn. Sáng, Nguyên đến lớp học mới - Bước chân
ngỡ ngàng e ngại tìm đến phòng học mới lạ. Nguyên có cảm giác như ngày
đầu tiên đi học trường làng xưa. Bốn giờ học trôi qua bình thản, những
môn học mới lạ cho Nguyên một vài sự quyến rũ. Bạn bè mới trong lớp
Nguyên vẫn chưa quen ai cả, ngồi chơ vơ một mình Nguyên nhớ lại lớp học
cũ với những khuôn mặt bạn bè quen thuộc, đối diện nhau suốt sáu năm
dài. Nguyên gọi thầm: "Ân-Vân-Liễu-Trang... cho mình biến thành chim
trắng nhỏ cho trọn vẹn ước mơ"...
Buổi
chiều nghỉ, nhưng Nguyên phải đi mua một ít đồ dùng. Chuyến xe "lam"
đưa Nguyên vào thành phố ; cũng những chuyến xe lam như thế, Nguyên đã
đến trường mỗi sáng khi trời còn mù sương trên những con đường quen
thuộc, chiếc cầu Trịnh Minh Thế bắc ngang sông Hàn và những người lính
gác cầu đứng thu hình, im lặng, giờ trở thành hình ảnh đáng yêu nhất khi
Nguyên đã xa rời...
Phố sá Qui Nhơn có vẻ vắng buồn, không có sắc diện ồn ào náo nhiệt, hay là hôm nay không phải là chủ nhật??
Tối
nay trời tạnh ráo. Xa xa trên ngọn núi : căn cứ của người Mỹ những ánh
đèn xanh đỏ lấp lánh, hòa lẫn với sao đêm thật giống những ngọn đồi cao ở
Sơn Trà, mà sao đây không phải là căn phòng quen thuộc của Nguyên?
Tiếng
cười đùa vui vẻ ở phòng bên vẳng đến tai Nguyên, hình như có chị nào đó
đang hát bản "Mùa thu chết" của Phạm Duy, làm Nguyên nhớ bé Ti thật
nhiều, cô bé láu lỉnh nhất nhà, cả ngày luôn miệng "Mùa thu chết... đã
chết rồi"... không biết vắng Nguyên, cô bé có nhắc không? Hôm Nguyên đi,
bé cứ đòi theo làm Nguyên bịn rịn không rời - Bé Ti ơi - Tết chị về sẽ
có quà cho Bé nhé.
Hôn bé một cái thật kêu, chúc Bé của chị ngủ thật ngon nhé.
Thứ năm, ngày... tháng... năm 1970
Hôm
nay mưa suốt ngày, trời buồn gì mà "khóc dai" thế không biết? Đà Nẵng
chắc cũng đã mưa, những cơn mưa dầm cùng những làn gió lạnh buốt khiến
Nguyên liên tưởng đến ba: Buổi sáng ba dậy thật sớm, uống sữa rồi vội vã
đi làm, chiếc áo mưa nhà binh to lớn làm ba nhỏ yếu thêm và khuôn mặt
ba đầy nước mưa, tái lạnh khi trở về, khi ở nhà Nguyên vẫn chạy đi tìm
khăn cho ba lau, giờ ở nhà có ai lấy khăn cho ba không? Bé Ti nhỏ quá
mà! Nguyên thương ba quá, đến ngày nào cho Nguyên được báo hiếu ba, để
ba yên tâm tĩnh dưỡng tuổi già.
Mới
hai ngày, sao Nguyên thấy dài ghê. Chỉ mong cho thời gian chóng qua để
Nguyên về thăm ba me và các em. Nhưng còn đến hơn ba tháng cơ, chắc
Nguyên "dài cổ hươu" mất thôi.
Thôi
bây giờ con gái ba me không kêu buồn nữa cho ba vừa lòng. Ba vẫn bảo
"Các con còn nhỏ nên tránh buồn. Phải vui cho thật nhiều kẻo sau này lớn
tuổi như ba, khó có dịp nào vui trọn vẹn, cuộc sống phiền muộn làm tâm
hồn người ta già đi con ạ". Con sẽ gắng học cho ba vui lòng và mãn
nguyện mong ước của ba. Con kể chuyện cho ba nghe. Bạn bè con chưa có ai
ở đây để nói cả, con tả trường cho ba nghe nhé: Trường con xinh lắm ba
ạ, cảnh trí chung quanh trường thật mát mẻ. Trước mặt trường là biển với
những hàng thông xanh chạy dài trên cồn cát trắng. Trong trường con
giữa hai dãy lớp có công viên đẹp lắm. Mỗi lần ra chơi con hay đứng trên
hành lang nhìn xuống, qua cơn mưa cảnh vật mơ màng đẹp lạ. Con thích
những buổi chiều ở đây hay có mưa phùn, mưa chỉ đủ đọng trên những thảm
cỏ xanh mướt trong sân trường, con đoán là những cơn mưa phùn ngoài Bắc -
quê hương ba, ba đã được sinh ra và lớn lên ở đó, nơi nuôi dưỡng tuổi
thơ của ba - chắc cũng chỉ đẹp đến thế thôi.
Khí hậu ở đây mát mẻ dễ chịu. Con chắc là sẽ mập thêm để ba khỏi lo lắng cho sức khỏe con gái.
Con cầu mong ba me mạnh khỏe mãi.
Thứ sáu, ngày... tháng... năm 1970
Sáng
nay dậy hơi muộn, Nguyên chả kịp ăn sáng nên đến giờ học cuối, bao tử
nó "biểu tình" đả đảo dữ quá, đến tan học Nguyên leo lên thang lầu không
nổi nữa, Nguyên vừa mệt và vừa buồn cười cho cái bụng "xấu đói" của
mình.
Bữa
cơm trưa đầu tiên ở trường Nguyên ăn thật ngon. A hôm nay Nguyên quen
được một cô bạn rồi. Cô ta cũng học lớp với Nguyên, trông dễ thương và
có vẻ láu lỉnh lắm, Nguyên hy vọng sẽ tìm được nguồn vui bên cô bạn mới
này.
Buổi
chiều, ăn cơm xong, Thảo, tên cô bạn, rủ Nguyên xuống công viên nhà
trường ngồi chơi. Thảo nói chuyện thật vui, những nét hóm hỉnh, cười đùa
trên gương mặt Thảo làm Nguyên thấy vui lây. "Cô nàng" hỏi Nguyên:
- Bồ nhớ nhà phải không? Hôm trước tôi thấy bồ buồn hoài.
Nguyên cười đáp:
- Chứ Thảo không nhớ nhà sao?
- Nhớ chứ, nhưng đừng có buồn quá mà xí gái chứ nghe cô.
Thảo vừa nói, vừa cười và tinh nghhịch véo vào má Nguyên. Hai đứa cười thật vui và sóng vai đi về nội trú.
Tối
Thảo ngồi hát và kể chuyện cho Nguyên nghe, nên Nguyên vơi đi phần nào
nỗi buồn nhớ nhà như ngày mới vào. Thảo là con gái út trong nhà, ba Thảo
chết từ lúc Thảo còn nhỏ, nhưng bù đắp vào sự thiếu sót đó, mẹ Thảo
thương Thảo vô cùng nên Nguyên nhận thấy Thảo vô tư lắm, ít khi nào
gương mặt Thảo mang nét buồn như hầu hết các cô gái đồng trang lứa.
Tuy
mới quen mà Nguyên thấy mến Thảo nhiều. Cuộc sống Nguyên từ nay thêm
một người bạn đáng yêu. Ngày mai Nguyên sẽ viết thư về kẻ với ba me, để
ba me mừng và hết lo con gái không có bạn bè, buồn rồi khóc hoài. Từ nay
con không khóc nữa đâu, kẻo Thảo nó chê con "mít ướt" đấy. Lúc nào nhớ
nhà con sẽ viết thư về ba me và các em và kể chuyện học và cuộc sống của
con ở đây cho ba me nghe là vui rồi ba me nhỉ?
Con gái yêu của ba me hôn ba me một cái thật dài.
Thứ bảy, ngày... tháng... năm 1970
Chủ Nhật, ngày... tháng... năm 1970
Suốt hai ngày nội trú có vẻ nhộn nhịp hơn ngày thường. Người ra kẻ vào, có chị xuống gặp thân nhân, chị đi phố.
Những
nét hớn hở khi gặp người thân thuộc làm Nguyên thèm quá. Ba me chắc chả
bao giờ đến được tận trường để thăm Nguyên đâu. Ba già yếu, me thì bận
rộn việc gia đình.
Nguyên
lỗi lời hứa với ba me mất rồi, lúc chiều có một bà từ xa đến thăm con:
nhìn dáng dấp gầy yếu, lam lũ của bà, Nguyên nhớ me quá. Khi hai mẹ con
gặp nhau mừng tủi Nguyên vội chạy vào phòng giấu giọt lệ qua mái tóc.
Nguyên lại buồn, nhớ ba me và các em... Rồi lại thêm bao muộn phiền,
Nguyên bồn chồn, lo lắng từ chiều đến giờ. Báo đăng tin Đà Nẵng bão to
lắm, người ta phải dời cả các em cô nhi ở gần biển đi nơi khác. Nguyên
lo quá, muốn về ngay trong lúc này với gia đình, cho Nguyên được san sẻ
sự hiểm nguy cùng những người thân thuộc.
Khuya rồi mà Nguyên chả muốn ngủ. Cầu mong cho gia đình yên bình.
Ánh
đèn xanh đỏ của chiếc máy bay vút vào trong đêm khuya, Nguyên nói thầm
qua làn nước mắt "Cho Nguyên về với, cho Nguyên níu cái đuôi để Nguyên
về với ba me..." Mà sao máy bay không thèm "trả lời" bỏ mặc Nguyên ngời
chơ vơ một mình trong khu nội trú vắng im.
Thứ hai, ngày... tháng... năm 1970
Sáng
được nghỉ 2 giờ sau vì vắng giáo sư. Nguyên về phòng định viết thư cho
ba me thì Thảo sang, "cô nàng" có vẻ thật vui réo Nguyên ầm cả phòng...
Thì ra cô có thư ở nhà. Nguyên bỏ mặc Thảo, chạy vụt đi tìm người đưa
thư, hồi hộp, hỏi han để rồi buồn hiu trở lại phòng. Cả một chồng thư
cao thật là cao mà Nguyên chả có lấy một cái. Nguyên buồn, tiếc và thấy
cái mặt người đưa thư sao mà dễ ghét quá.
Nguyên tủi thân khóc ròng, mặc cho Thảo dỗ dành.
Chưa bao giờ Nguyên nhớ nhà như lúc này, lá thư viết dở dang lem nhem đầy nước mắt...
Bữa
cơm trưa Nguyên ăn mà nghe mặn đắng, những miếng cơm nghẹn ngào trong
cổ, Nguyên bỏ dở cả bữa cơm về phòng nằm vùi suốt buổi chiều tối, không
thấy Thảo sang, chả biết nó nhận được thư của ai? Có gì vui, buồn không?
Sao
mà lâu có thư ba quá nhỉ? Hay là ba đau... Nguyên lo quá, hôm Nguyên đi
ba đã có vẻ mệt vì lo lắng, sửa soạn đồ dùng mang theo cho Nguyên,
Nguyên thương ba quá, Nguyên chưa thấy ai lo lắng cho con đến thế: từ
bàn chải đánh răng đến hộp kem, cho đến cái khăn lau mặt ba cũng tự tay
mua cho Nguyên ; dưới mắt ba Nguyên vẫn còn bé dại vô cùng.
Nguyên chả viết nữa đâu. Viết rồi lại buồn và nhớ nhà thêm mà thôi.
Thứ ba, ngày... tháng... năm 1970
Trọn
một tuần, Nguyên xa nhà. Cũng buổi sáng thế này tuần trước, Nguyên còn
hiện diện nơi thành phố thân yêu giữa đám bạn bè đưa tiễn... giờ thì mỗi
đứa một nơi, Nguyên nhớ khi xe car Air Việt Nam chạy, những cánh tay
quen thuộc vẫy theo ; và những khuôn mặt cúi xuống che giấu những giọt
nước mắt trào ra buồn tủi. Nguyên đã gục mặt xuống hàng ghế trước chả
dám nhìn lâu hơn... rồi xa dần mất hút để Nguyên thui thủi một mình
trong nội trú này...
Buồn
quá Nguyên sang rủ Thảo xuống công viên chơi. Nguyên muốn tìm quên bên
sự nhí nhảnh của Thảo. Hai đứa ngồi trên băng đá, lặng im đưa mắt nhìn
ra xa : trời sắp hoàng hôn trông thật buồn, hương hoa đêm thoang thoảng
hương vị ngất ngây. Nguyên như mê man trong vẻ im vắng của buổi chiều và
hầu như quên đi thái độ khác thường của Thảo ; nó có vẻ buồn chứ không
vui đùa như mọi ngày.
- Thảo ơi. Sao Thảo buồn thế, "vua hề" mà cũng buồn, lạ thật đấy chứ?
Nguyên
cố pha trò cho Thảo vui, nhưng nó lại khóc thêm mới khổ chứ. Giọt nước
mắt chảy dài trên gương mặt Thảo đắm chìm trong bóng tối làm Nguyên buồn
thảm.
Nguyên
không biết nói gì với nó cả khi mà Nguyên cũng chín muồi nỗi buồn trong
lòng. Trời tối dần, Nguyên kéo Thảo đứng lên, dìu nó về phòng ; Nguyên
cúi đầu bên tóc Thảo thì thầm: "Thảo ơi! Thế là hai đứa mình cùng là
"Mít ướt" đấy nhé, từ nay đừng chế tớ nữa nghen"...
Tối
Nguyên sang phòng Thảo đọc thư của mẹ Thảo, những nét chữ gầy yếu của
bà mẹ già gởi cho con, nhắn nhủ, dặn dò. Nguyên chưa thấy lá thư nào hay
hơn những lời lẽ chân thật, mộc mạc của bà mẹ già nua ấy.
Tối
trời đầy sao, hành lang không một bóng người, ánh sáng vàng nhạt của
đèn điện cắt lên tường bóng dáng hai đứa con gái ngồi thu mình bên nhau
âm thầm lặng lẽ.
Nội trú Qui nhơn 20-10-70
CỎ DẠI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 141, ra ngày 15-11-1970)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.