Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Con Cám Khổ

 - u ơ... Má ơi đừng đánh con đau... Để con bắt ốc hái rau má nhờ... ội, ội nín ngủ đi cưng...

Con Cám ngồi bẹp dưới đất, đưa đẩy chiếc võng nhỏ xíu làm bằng một mảnh khăn lông cũ xì đen bẩn, hai đầu cột vào hai thanh tre cắm chặt xuống đất. Nằm trong võng không phải là một đứa bé, cũng chẳng phải một con búp bê, mà chỉ là một cái ve con con được quấn vải làm áo. Tuy nhiên qua đôi mắt to đen láy của con Cám, đó chính là một em bé vậy, và nó sống rất thật với cái cảnh dỗ em ngủ của một người chị nhà quê. Nó cất giọng trong trẻo buồn buồn hát lên những câu hát ru em có tự ngàn xưa, và đã thấm đượm vào hồn nó trong những lần mẹ nó ru nó ngủ ngày trước. Nắng trưa như dịu lại ; bóng mát của tàng cây vú sữa trên đầu con bé như dày hơn ; con chó Mực đang ngồi xổm trên vách nhà thè lưỡi thở hồng hộc, bỗng nằm mẹp xuống, gác đầu lên hai cẳng trước, lim dim cặp mắt ; con gà trống ô đứng trên chuồng heo im ngay tiếng gáy ; mấy con chim đang nhảy nhót trên cành đậu ngay lại, ngơ ngác nhìn quanh... tất cả cùng lắng nghe những câu ca trìu mến, thoát từ đôi môi xinh mộng của cô bé nghèo.

Nhưng giữa lúc ấy, chợt có tiếng cười hi hí vang lên, phá tan bầu không khí êm đềm : Tấn, một cậu bé ăn mặc sạch sẽ, từ trong nhà chạy ra vỗ tay nhái giọng:

- Ầu ơ... ội ội... Hay quá, hay quá!

Cám bực tức quay lại gắt:

- Đi chỗ khác chơi! Tao có ghẹo mầy đâu, sao mầy cứ phá tao hoài vậy?

Tấn nghinh ngang bước lại gần, đứng chống nạnh hất mặt nói:

- Tôi phá nữa, rồi chị làm gì?

- Tao đánh mầy chết!

Tấn cười giòn:

- Ngon quá ta! Nhưng  kìa, ba tôi ở sau lưng chị kìa.

Hai tiếng "ba tôi" như chứa một mãnh lực khiến Cám quay người lại, mặt thoáng vẻ sợ hãi. Song nó không thấy dượng Sáu đâu cả. Biết bị mắc lừa, nó toan mở miệng mắng cậu "em ghẻ" một câu, nhưng khi nhìn về chỗ cũ, nó nghẹn lời đi, vì căm giận quá sức: Hai trụ võng vừa bị thằng Tấn nhổ phăng vứt ra xa ; chiếc võng con sút sổ nằm vắt ngang rễ vú sữa nhèo nhò như  một mảnh giẻ rách bẩn thỉu ; "em bé ve chai" thì té lăn lóc gần đó, nó không đau, không khóc, mà chính Cám mới thấy quặn thắt trong lòng, nước mắt trào ra ướt nhòa đôi mắt to đen, vốn đã buồn như đêm tối. Tức giận vô cùng, nhưng không biết làm sao hơn, Cám chỉ mếu máo:

- Tấn, sao mầy chơi ác quá vậy?

Đã không chút hối hận, Tấn còn nhe răng cười, đoạn ra bộ, nhăn mặt nói:

- Ôi thôi, em nhỏ bị té rồi!... Lêu lêu mắc cỡ, khóc cái miệng méo xệch xấu quá ê!...

Không sao dằn được cơn giận nữa, Cám vớ lấy một nhánh cây nằm gần bên, quất vào mình Tấn. Nhưng nó lanh lẹ tránh khỏi, và vụt chạy vào nhà. Cám tức tốc đuổi theo. Gần đến cửa, sắp tóm được thằng bé ranh, Cám bỗng bị một bàn tay xô bật trở lại, kèm theo là một tiếng quát ồ ồ như cọp rống:

- Đứng lại. Làm gì rượt em mầy dữ vậy?

Cám lảo đảo, va người đánh rầm vào cánh cửa. Nó hoảng hốt đến quên cả đau, khi nhận ra người cản đường là dượng Sáu, ba Tấn, cha ghẻ mình. Tấn vừa đứng dừng lại, và vụt đổi thái độ: nó xịu mặt xuống làm như chực khóc òa lên, nũng nịu nói với cha:

- Ba ơi, chỉ rượt đánh con đó. Chỉ muốn giết con mà!

Dượng Sáu quắc mắt nhìn Cám:

- Đồ chó! Mầy ăn hiếp em hả?

Cám buông roi, phẫn uất nói:

- Con có ăn hiếp nó đâu? Nó ăn hiếp con thì có.

- Mầy không ăn hiếp, sao xách roi tính đánh người ta?

- Tại nó phá con, nó còn trêu chọc con nữa.

- Khá thật! Hôm nay mầy dám cãi lý với tao há!

Dứt lời, dượng Sáu sấn tới giáng vào má Cám một tát tai tối tăm mày mặt.

Một lần nữa, nó ngã quỵ vào vách, và ngồi phệt xuống luôn, ôm đầu khóc nức nở. Chiếc thân bé nhỏ xác xơ càng bé nhỏ xác xơ hơn với cái dáng thảm sầu. Hai bàn tay gầy guộc ôm lấy má, mái tóc rối phủ lấp cái mặt cúi gầm, thân hình ốm yếu co ro trong manh áo đen vá chằng  chịt cứ run lên qua từng tiếng nấc bi thương, trông nó chẳng khác một con chim non lạc lõng sau cơn giông gió phũ phàng. Đau đớn, uất ức, tủi thân quá, Cám cảm thấy mình nhỏ nhoi vô phước hơn một con vật. Nó khóc với tất cả đau buồn chất ngất trong tâm.

Ngay khi đó thím Tư, mẹ ruột Cám, từ nhà sau bước ra. Thấy cảnh con mình như vậy, thím cau có hỏi chồng:

- Ông đánh nó đó hả?

Dượng Sáu đáp cộc lốc:

- Ừ.

- Nếu nó có lỗi lầm chi, ông dùng lời răn dạy không được hay sao, sao lại nỡ đánh đập tàn nhẫn như vậy?

- Bây giờ bà giở giọng bênh con phải không?

- Vâng, việc gì cũng vừa phải thôi chứ. Ông đã đày đọa, bắt nó làm đủ chuyện cho ông, lại còn hà hiếp nó nữa à?

- Hừ, tôi làm thế đấy, rồi sao?

Nói xong, dượng Sáu hằn học đi vào trong. Tấn cũng vênh váo bước theo sau. Hai cha con điệu bộ giống hệt. Thím Tư khó chịu nhìn theo, đoạn bước lại bên Cám, ôm con vào lòng dịu ngọt hỏi:

- Con bị đánh đau lắm à? Vì sao con bị dượng đối xử tàn tệ như vậy?

Như được khơi thêm sầu tủi, Cám ngả đầu vào ngực mẹ, khóc to hơn. Thím Tư cũng rơm rớm nước mắt. Thím rút khăn lau mặt con, buồn bã nói:

- Thật khổ cho con gái tôi, mới từng tuổi nầy mà phải gánh chịu bao điều phiền muộn. Cũng tại má cả!... Cám à, con có giận má không?

Cám lắc đầu, tức tưởi nói:

- Không, con hổng có giận má. Con chỉ...

Nó muốn nói thêm nhiều, nhưng chẳng biết nói sao cho suôn, nên chỉ ấm ứ, rồi thôi. Hai mẹ con ngồi im nơi ngạch cửa, lặng thinh, mỗi người miên man với một ý nghĩ. Cám buồn cho hiện tại rồi nhớ đến dĩ vãng mà lấy làm lạ, không sao hiểu được thái độ lạ lùng của cha ghẻ mình. Nó còn nhớ rõ...
 
Dạo ấy, khi chú Tư mất, thím Tư ở vậy nuôi con được ba năm, rồi tái giá với dượng Sáu. Dượng cũng góa vợ, có một đứa con, thằng Tấn, và là người trong làng. Thím Tư ưng thuận với dượng phần lớn cũng chỉ vì lo cho cám, muốn cho nó được hưởng cái cảnh đầm ấm của gia đình, có đủ cha đủ mẹ đùm bọc chở che. Mà quả vậy, quãng đầu trong đoạn đời mới, mẹ con thím được sống trong vui sướng thật. Dượng Sáu tỏ ra rất thương yêu vợ kế, và chiều chuộng săn sóc con ghẻ như con ruột của mình. Cảnh ấm êm đó cứ tưởng thắm đẹp mãi, ngờ đâu mấy lúc gần đây, dượng Sáu lại thay đổi thái độ một cách đột ngột. Tự dưng  dượng  sinh ra ghét bỏ thím Tư, hằn học trong từng cử chỉ, lời nói, mỗi lần tiếp xúc. Phần Cám, dượng đối xử với nó chẳng khác một  đứa ở: mảnh áo lành thay vào manh áo vá, tình thương lấy đi thay bằng khác nghiệt. Thằng Tấn cũng nương theo cha mà hỗn láo với mẹ ghẻ, hiếp đáp chị. Mẹ con thím Tư cam chịu biết bao tủi cực không biết nguyên do đâu mà ra..

Trầm ngâm một lúc, thím Tư kéo con lại ngồi nơi bộ ván và hỏi:

- Hôm qua có cô Ba lại thăm, con có thấy không?

Cám gật đầu:

- Dạ thấy.

- Cổ đến bàn với má, muốn đem con về ở với cổ đó. Con chịu hôn?

Cám ngần ngừ không đáp. Nó không muốn xa mẹ, người nó yêu kính nhất đời. Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến nó phải e ngại khi phải theo cô. Ngày trước, bà nội, ba nó còn sống, đã cùng má nó, cô Ba chung sống một nhà, nó thấy cô chẳng tốt chi. Cô ghen ghét má nó, tìm lời gièm pha nói xấu má nó với bà nội, làm phiền má nó luôn. Cám đã thầm giận cô lắm, bây giờ bắt về sống với cô nó không muốn chút nào. Cám định nói:

- Thôi má ạ, con hổng chịu đâu.

Song chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, khiến nó lại thôi : Ờ, không chừng vì có mặt mình mà dượng xử tệ với má. Nếu mình đi, biết đâu lại khác. Mình ra thế nào cũng mặc. miễn sao má được sung sướng thì thôi. Má đã khổ nhiều lắm. Trước kia má phải chịu sự bắt nạt, đày đọa của bà nội, cô Ba và cả ba nữa, bây giờ cũng chẳng hơn gì. Đời má sao đáng buồn thế?

Thấy con suy tính quá lâu, thím Tư hỏi lại:

- Con nghĩ sao? Ở đây tuy gần má nhưng má nào có chăm sóc cho con được gì. Về với cô có lẽ con sẽ được sống đầy đủ hơn đó.

Cám gật đầu, nghẹn ngào nói:

- Dạ, con xin vâng lời má.

Rồi nước mắt lại trào ra chan hòa.

*

Cô Ba với lấy chiếc lược để trong góc bàn, tươi cười bảo Cám:

- Tắm rửa sạch sẽ rồi đấy à? Lại đây cô chải đầu cho, cháu cưng.

Cám ngoan ngoãn vâng theo. Chải gỡ lại mái tóc rối và ướt của nó xong, cô lấy kéo vanh móng tay cho nó nữa. Vừa làm, cô vừa nói:

- Má mầy thiệt tệ, có mỗi một đứa con gái mà không chăm lo gì đến cả.

Cám nói:

- Tại má con không có thời giờ săn sóc con thường đó thôi. Chứ má con thương con lắm, cô ạ.

Sửa soạn cho Cám xong rồi, cô Ba lấy kiếng đưa nó soi. Cám đỡ lấy, ngạc nhiên nhìn vào bóng mình. Con Cám mà xinh thế ư? Với mái tóc đen mượt chảy xuôi ra đằng sau lòa xòa phủ xuống bờ vai nhỏ, để lộ gương mặt tròn trĩnh sáng sủa, với cặp mắt to chớp chớp đôi hàng mi cong dài, lộ nét vui thích thơ ngây, với cái miệng cười chúm chím đẹp như cánh hoa chớm nở, trông nó khác lạ thế nào!

Cô Ba vui vẻ hỏi:

- Sao, có đẹp không cô bé?

Cám cúi mặt, thẹn thò không đáp. Lòng cảm mến đối với cô len vào hồn nó sâu thêm chút nữa.

Cám về ở với cô Ba đã bốn năm hôm. Mấy bữa đầu nó buồn bã, kém ăn kém nói. Song dần dần, nhờ cô Ba khéo an ủi vỗ về nên nó vui tươi trở lại. Cũng do những cử chỉ thân ái đó, mà sự ngờ vực cô mình tan biến ngay trong đầu Cám. Trái lại, nó càng thấy mến thích cô nữa là khác. Từ trước đến giờ có ai nuông chiều, dịu ngọt với nó như cô vậy? Nó nghĩ rằng thời gian đã gột rửa đi lòng ích kỷ của cô rồi. Nhưng sự thật, đã là ớt thì khó mà hết cay. Cô Ba đem Cám về sống với mình là để thực hiện một tham vọng đấy, nào có thương tưởng gì đến thân nó đâu. Những cử chỉ trìu mến, những lời lẽ ngọt ngào vuốt ve cõi lòng cô đơn của con bé chỉ là những mánh khóe trong bước đầu kế hoạch của cô đó thôi. Và bước đầu có thể nói là hoàn toàn thành công rồi, cô quyết định lần sang bước thứ hai ngay chiều nay... Cô vụt hỏi Cám:

- Cám à, con thích có nhiều tiền hôn?

Cám hơi sửng sốt. Lâu nay nó ít nghĩ đến điều đó, không dám nghĩ thì đúng hơn. Tiền! Ờ, nếu có nhiều tiền thì vui biết mấy. Cám sẽ mua quần áo mới để mặc, mua sách vở học như thằng Tấn vậy, mua búp bê nữa, và còn bao nhiêu thì đưa má xài. Nhưng làm sao Cám có nhiều tiền chứ? Cô Ba hỏi vậy làm gì vô ích. Cám nói:

- Con cũng thích, nhưng...

Cô Ba ngắt lời:

- Không nhưng chi cả. Nếu con thích, con có thể có được như thường.

Đôi mắt to của Cám càng to thêm, cái miệng tròn vo hỏi:

- Cô nói sao? Con làm việc chi được mà có nhiều tiền?

- Được chứ. Như con Bánh đó nó có lớn hơn con đâu nào.

- A, con hiểu rồi: Muốn có tiền, con phải đi ở mướn như con Bánh phải không ạ?

- Đúng vậy. Con xem, con Bành đi làm ở tỉnh mỗi lần về làng nó ăn mặc bảnh bao biết chừng nào! Nghe nói ba má nó nhờ nó mà đỡ túng bấn đấy... Con hãy nghĩ, có nên đi làm như nó không? Con nói rằng con thương má con, nhưng chẳng có ý gì chứng tỏ. Nếu con đi làm kiếm tiền cho người thì mới rõ lòng hiếu thảo được.

Lời cô Ba phải quá. Cám đã thấy xiêu lòng:

- Nghe cô nói con cũng chịu. Nhưng ở đây đâu có ai mướn đứa ở?

- Ờ, thì cô sẽ dẫn con ra tỉnh kiếm chỗ làm. Có khó chi, miễn con chịu làm là được.

- Dạ con chịu rồi đó. Mà chừng nào hở cô?

Cô Ba ra vẻ âu yếm, vuốt tóc Cám, dịu lời hơn:

- Cháu của cô ngoan quá! Bàn vậy chứ chưa vội gì. Phải để con nghỉ ngơi vài ngày đã chứ.

Đoạn cô cười, mừng rơn trong bụng.

Thế là hai hôm sau, cô Ba dắt cháu khăn gói ra tỉnh.

Khi đi ngang qua nhà dượng Sáu, Cám níu cô đứng lại:

- Khoan đã cô, cho con vào thăm má con lần nữa, và cho bả hay con theo cô đi làm, nghe?

Cô Ba cau mày toan nạt nó một câu, song nghĩ sao, cô dịu giọng:

- Không nên con à. Ba ghẻ con chẳng ưa gì con. Thấy mặt con, thằng chả sanh giận rồi ghét lây cả má con nữa đa... Vả lại, cô nghe nói má con đi đâu vắng mấy hôm rày, gặp sao được?

Dứt lời cô kéo Cám đi. Nó riu ríu theo sau, mặt xụ xuống, đôi mắt buồn lại chực khóc.

Ra đến tỉnh, cô Ba đưa Cám đến ở nhờ nhà một người quen. Phần cô lo chạy đi kiếm chỗ làm cho nó. Một mình ở nơi nhà người lạ, nhìn trước mắt cái gì cũng khác thường, con bé cảm thấy bỡ ngỡ bơ vơ như một con nai xa lạc rừng thẳm. Bấy giờ, người thân thích gần nó nhất là cô Ba. Nó cần có cô bên mình hơn cả má nó nữa. Cô bỏ nó đấy mà đi, nó ra vào trông ngóng, thầm trách sao cô đi lâu quá vậy. Nếu cô không về với nó, thì chắc chết! Con nhỏ cứ nghĩ thế mà sợ cuống lên.

Nhưng rồi đến chiều cô Ba cũng trở về. Cô vui vẻ cho Cám hay đã tìm được chỗ làm cho nó với lương tháng 300 đồng.

Sáng hôm sau cô Ba dẫn Cám đến nhà chủ. Giao cháu cho bà chủ xong, cô dặn dò nó mấy câu, rồi đi. Cám chạy theo nói như van:

- Cô ơi, có rảnh ghé thăm con nghe cô!... À, có gặp má con, cho con gởi lời thăm với.

Cô Ba quay lại tươi cười:

- Con cứ yên lòng làm lụng cho giỏi. Cô vẫn ở ngoài tỉnh, sẽ đến thăm con thường mà.

Nhà Cám ở làm gồm có một bà mẹ, tức bác Bảy, hai người con là anh Hai đi làm việc, và anh Hoàng học ở trường trung học. Lần đầu tiên bước vào cuộc đời đi ở mướn, Cám lo sợ e ngại vô cùng. Nó đi đứng khép nép, gần như run sợ khi đứng trước mặt chủ. Song chỉ một tuần lễ sau, mặc cảm nhỏ nhoi tiêu tan dần, nó tươi tỉnh lên đôi chút. Bà chủ mà ban đầu nó tưởng rất nghiêm khắc, lại rất nhân từ. Bác Bảy đối xử với nó như con cháu trong nhà vậy. Anh Hai cũng chả khó hơn. Anh Hoàng thì dễ chịu nhất rồi. Công việc của Cám có chi là nặng nhọc so với lúc ở với dượng Sáu? Quét  nhà, phụ nấu nướng với bác Bảy, giặt đồ, thế thôi. Riêng anh Hoàng, áo quần của anh anh lo giặt lấy, không chịu giao cho Cám. Anh bảo lúc trước không có nó thì nhờ ai? Vả, anh làm theo ý mình vẫn thích hơn. Thấy Cám tỏ ý ham học, những lúc rảnh anh dạy nó học chữ nữa. Công việc hơi khó một chút, bởi Cám chưa biết gì cả. Nó có đến trường bao giờ? Tuy thế, anh chẳng lấy làm phiền, trái lại còn vui vì tự cho mình đã làm một việc có ích cho người. Chẳng bao lâu mà Cám đã ê, a đánh vần đọc báo được. Ơn anh Hoàng nó ghi khắc trong tâm khảm, khó mà phai. Cám tự nhủ: Nếu được ở với bác Bảy, anh Hai, anh Hoàng như thế này nó cũng vui.

Cuối tháng đầu, cô Ba đến lãnh tiền. Cô đưa cho Cám mười đồng bạc và bảo:

- Con giữ để dành ăn bánh. Còn bao nhiêu cô đem về cho má con nhé.

Cám vui vẻ nói:

- Phải đó. Con có xài chi lắm mà lấy nhiều.

Nó tưởng tượng ra vẻ mặt ngạc nhiên mừng rỡ của thím Tư khi nhận được tiền của nó, mà vui vô hạn.

Cuối tháng thứ hai, cô Ba hơ hãi đến cho Cám hay má Cám đau nặng, và xin bác Bảy cho nó về. Nghe mẹ bệnh, Cám cũng nóng được gặp mặt. Nó vội vàng thu xếp quần áo, từ giã chủ. Bác Bảy trao tiền cho cô Ba, dặn cô chóng dẫn nó trở lại, nếu có chuyện gì thì cho bác hay. Anh Hoàng đưa Cám ra tới cổng. Nó nắm tay anh:

- Thôi em đi nghe anh. Má em hết bệnh, em trở ra liền. Xa anh lâu nhớ lắm.

Đoạn nó chạy theo cô Ba. Đi một đỗi, Cám lấy làm lạ khi thấy cô Ba không dẫn nó ra bến xe để về làng, mà dắt nó tới một ngôi nhà ngói nọ. Nó đứng dừng lại trước cửa cổng, trợn mắt hỏi:

- Sao không trở về làng thăm má con lại tới đây? Hổng lẽ má con ở trong nhà nầy sao cô?

Cô Ba cười hì hì:

- Lúc nãy cô nói má con đau, là nói dối để có cớ cho con thôi việc, đặng dẫn con đến làm ở đây đó. Làm chỗ nầy lương cao hơn nhiều con à.

Rõ ra, Cám bực tức hết sức. Tại sao cô Ba nỡ đem má nó làm phương tiện lừa dối gia đình bác Bảy, đánh lừa cả nó nữa? Tại sao cô không nói thẳng với bác Bảy? Bác Bảy, anh Hai, anh Hoàng đều là người tốt, xử sự như vậy thật không phải chút nào. Cám giận ghê lắm. Song nó chịu đè nén đã quen, nên chỉ vùng vằng đôi chút, rồi cũng theo cô Ba đi vào nhà nọ.

Bắt đầu từ hôm ấy, Cám sang ở mướn một gia đình mới: Ông bà Phán và đám con tám đứa lúc nhúc như gà con. Về ở nơi đây, Cám đã trở lại với kiếp sống đọa đày từng bấu víu lấy nó. Con bé còn khổ sở hơn là lúc sống với cha ghẻ. Mặc kệ tấm thân ốm yếu với mớ tuổi mười hai, mười ba, người ta bắt nó làm cho đáng tiền mướn chứ. Mỗi ngày Cám phải thức dậy thật sớm giặt cả thau vun quần áo, rồi nấu nước, pha sữa, chạy ra chợ mua thức ăn điểm tâm cho chủ, về nhà lại quét tước, chẻ củi lo nấu cơm, trưa thì lau nhà, ủi đồ, xế thì xách nước tưới kiểng, tắm rửa cho đám trẻ... Hình như lúc nào cũng có công việc cho nó làm. Đã vậy nó còn bị bà chủ rầy mắng luôn, và mấy đứa con lớn của bà hiếp đáp, hành hạ nữa. Tủi cực chồng chất, nhiều lúc nó nhớ lại cảnh sống với gia đình bác Bảy mà tiếc thầm. Có lần nó thấy anh Hoàng đi ngang qua nhà, nó hoảng hốt chạy vào trong lánh mặt, dù thực tâm vẫn muốn gặp lại người mình yêu kính. Nó sợ anh Hoàng hỏi ra, cho nó là phường dối trá, ham tiền thì khổ.

Cám làm đủ một tháng, cô Ba lại đến lãnh tiền. Lúc cô xuống nhà dưới, nó kéo cô ra sau hè, rơm rớm nước mắt mà nói:

- Cô ơi, làm ở đây cực quá, lại bị chê trách rầy rà hoài, con chịu hổng nổi. Cô cho con thôi, trở về làm với bác Bảy hoặc đi làm ở đâu khác cũng được.

Với những lời van lơn tha thiết đó, Cám những tưởng cô Ba sẽ chiều theo, hay ít nhất cũng an ủi nó vài lời. Nào ngờ cô sa sầm nét mặt, quắc mắt, nghiến răng:

- Cực cái gì? Chà, lúc nầy lại sanh tật làm nũng hả? Không thôi chi cả! Mấy phải rán làm sao cho bà chủ vừa ý. Để cho bả phàn nàn điều gì thì biết tay tao.

Cám kinh ngạc đến  sững sờ, và trong lúc cô quay đi, nó úp mặt vào tay khóc rấm rức. Thằng Quyền, con đầu lòng của bà Phán, không biết đứng rình gần đấy tự hồi nào, bước lại bảo:

- Mầy muốn thôi hả? Còn lâu! Cô mầy lãnh tiền trước hai ba tháng rồi đó.

Đoạn nó cười ha hả và bỏ đi. Cám thấy tan nát cả lòng. Phải chăng cô nó chỉ thương tiền mà không chút thương nó? Ủa, mà tiền nó làm ra, cô nó bảo là đem về cho má nó hết, thì ít nay nhiều nào có lợi gì cho cô, sao cô quan tâm đến thế? Cám không sao hiểu. Nó gục đầu khóc lớn hơn.

*

Bà Phán gọi Cám lại, trao cho nó một cái tô kiểu và bảo:

- Lại tiệm chú Tiều mua hai đồng tương ngọt. Tấm giấy hai chục đây, mua rồi nhớ đếm kỹ tiền thối nhé. Đi nhanh lên.

Thằng Quyền đứng bên xen vào:

- Ê, đừng có ăn lời đấy nhé!

Cám làm thinh cầm tô đi. Tiệm chú Tiều cách nhà không xa mấy. Lúc Cám vào, tiệm vắng khách. Nó hỏi mua tương và trao tô, tiền cho chệt Tiều. Chú chưa kịp múc thì có một ông ăn mặc đàng hoàng hước vào hỏi mua lung tung. Chệt Tiều lật đật nhét tiền của Cám vào túi, đặt tô lên bàn, lo tiếp ông khách đã. Hai người, kẻ thách người trả một hồi mới mua bán xong. Cám nóng ruột quá. Đi mua lâu như vầy, không khéo về lại bị chủ mắng. Lúc chệt Tiều múc tương xong, nó vội tiếp lấy tô, quày quả ra khỏi tiệm. Nhưng đi được một đỗi, Cám sực nhớ mình chưa lấy tiền  thối. Nó trở lại đòi. Dè đâu chệt Tiều hầm hầm cất giọng lơ lớ bảo:

- Đừng có nói bậy. Lúc nãy mầy đưa có hai đồng, bây giờ nói hai chục hả?

Mặc cho con bé hết lời van xin, chú ba Tàu nhứt định không trả lại tiền dư. Chú quát:

- Về đi, từ nay đừng tới đây mua. Bán cho mầy xui quá!

Thấy không thể nào làm cho chệt mở lòng nhân được, Cám đành  đi ra. Nó rầu rĩ không biết phải nói làm sao với bà Phán. Giữa lúc khốn cùng, nó bỗng nảy ra một ý, và thấy nhẹ hẳn lòng. Ờ, thôi thì lấy tiền của mình trả cho chủ vậy. Mỗi lần lãnh lương cháu, cô Ba đưa cho nó năm mười đồng. Nó cất đấy không ăn xài chi cả, định để dành mua một con búp bê. Nhưng bây giờ thì thôi, tan mộng! Mừng vì thoát được nguy, buồn vì mất cả tiền, hai cảm nghĩ trái ngược lẫn lộn trong đầu con nhỏ, tạo nên một nét mặt kỳ dị, làm như nửa cười nửa khóc.

Về đến gần nhà, Cám chợt để ý đến một cặp vợ chồng vừa đi sớt ngang. Người đàn ông dáng dấp trông giống cha ghẻ nó quá. Còn người đàn bà bị ông ta che khuất nên không thấy rõ. Cám lập tức đuổi theo, xem có phải dượng và má nó chăng. Chứng đến gần nhìn kỹ, nó sửng sốt: Người đàn ông đúng là dượng Sáu, nhưng người đàn bà không phải là thím Tư. Tại sao cha ghẻ Cám không đi với má nó, lại chung bước với ai lạ hoắc vậy? Nó thất vọng, thắc mắc vô cùng. Cám không ưa gì dượng Sáu, nhưng chẳng hiểu sao nó mong thím Tư luôn sống với dượng, và không muốn ai chia rẽ dượng với má nó cả. Bây giờ linh cảm rằng chính người đàn bà đã cướp mất vị trí của má nó bên dượng Sáu, tự dưng nó thù ghét bà ta hết sức. Bất giác Cám bước sấn tới, toan hỏi cho ra lẽ. Nhưng vừa khi ấy, dượng Sáu quay lại, trừng mắt nhìn. Như chạm phải một luồng điện, bỗng dưng nó bủn rủn tay chân, đứng dừng hẳn lại. Rồi tưởng chừng như dượng sắp nhảy tới, giáng cho nó hai ba tát tai như thuở nào, nó quay người bỏ chạy. Bất ngờ, vấp phải một cục đá, nó té lăn kềnh. Tô tương sút khỏi tay, văng ra bể nát. Cám chết điếng cả người. Trời ơi! Hoạn nạn sao mà dồn dập thế nầy? Mất tiền còn có thể đền, bể cái tô kiểu biết tìm đâu ra cái thứ hai? Cám hoảng sợ đến không khóc nổi. Tay chân nó run lẩy bẩy, tim đập muốn vỡ ngực. Nó hình dung nét mặt, bộ điệu giận dữ của bà chủ mà rùng mình. Có nên trở vào nhà không? Không! Phải trốn. Nó thất thểu đi như lần dò trong một đêm tối mịt mù đầy gió bão.
 

Cám cứ lê bước không định hướng, đầu óc choáng váng gần như không ngại gì, không biết gì đến khung cảnh rộn rịp của phố xá. Hình như có đôi lần nó va phải người đi đường, bị xô ra chửi cho một câu, hoặc sắp đâm đầu vào xe đang chạy. Đêm dần buông, đường phố đã lên đèn, nhưng không soi rọi vào lòng nó một tí ánh sáng nào. Mỏi mệt, vô tình cũng vừa đến một công viên, nó lại ngồi phệt trên một băng đá, ngỡ ngàng nhìn người qua lại.

Gần chỗ Cám ngồi có một đám trẻ đang tung tăng chạy nhảy reo đùa bên cạnh cha mẹ chúng. Đứa nào cũng quần áo tươm tất, vui tươi như chim sẻ. Nhìn chúng, rồi ngó lại mình, Cám thấy tủi thân. Con nhỏ kia với nụ cười hồn nhiên, mái tóc chải chuốt, áo quần giày vớ đẹp đẽ đó, cũng chỉ là một con bé thường thôi, nó nào khác, mà sao người ta sung sướng vậy, còn nó vì lẽ gì phải khổ sở thế này?  Ôi, cũng vì nó sinh ra trong một gia đình nghèo, lại thiếu cha xa mẹ. Nếu nó được làm con của một gia đình khá giả, thì kém ai? Tội nghiệp cho con bé. Má nó đặt cho nó cái tên là Cám, chắc cũng mong đời nó sẽ  giống như con Cám, trong truyện cổ tích vậy. Mà giống thật, nhưng than ôi, chỉ giống con Cám ở cái đoạn nó sống với mẹ ghẻ, cái đoạn bị chết lên chết xuống, mà không chịu giống cái hồi nó hoàn lại hình người, về làm vợ thái tử, mới đáng buồn chứ! Hơn nữa, con Cám ngày xưa trong lúc khốn khó còn được Tiên, Phật giúp đỡ, có  áo tiên giày tiên nầy nọ, còn nó nào được an ủi gì? Con Cám này đúng là "con Cám khổ" chớ không phải "con Cám sang" mà!

Ngồi nghỉ một lúc hết mỏi chân, Cám định rời băng đá, bỗng nghe có tiếng kêu ngạc nhiên lẫn mừng rỡ vang ngoài sau, rồi ai đấy chạy tới ôm chầm lấy nó. Nó kinh hoảng, tưởng chắc bà Phán dò theo bắt mình. Nó vùng vẫy la oái oái. Người ấy liền buông nó ra ngay, lo lắng hỏi:

- Ô kìa Cám! Con làm gì vậy?

Nghe cái giọng rất quen, êm ái, thân yêu quá, Cám vụt quay lại nhìn kỹ người nọ. Đoạn nó mừng rỡ kêu to một tiếng:

- Má!

Thì ra đó là thím Tư. Nhận ra mẹ, Cám bỗng gục đầu vào lòng thím khóc ồ lên. Thím để mặc cho con khóc, vì chính thím Tư cũng khóc kia. Hồi lâu, thím Tư vuốt tóc con âu yếm bảo:

- Thôi nín đi con. Cô Ba con đâu lại để con đi một mình? Sao con buồn quá vậy?

Nước mắt chảy nhiều, buồn phiền cũng vơi bớt, Cám nói:

- Chuyện dài lắm má ơi, để rồi con nói má nghe. Còn má đi đâu lạc đến đây vầy nè?

- Má đi tìm dượng... mà không, tìm con đấy.

- À, hồi nãy con thấy dượng đi với ai đó. Con tính...

- Thôi đừng nhắc tới y nữa. Từ nay con không còn dượng chi hết, chỉ có má thôi, và má sẽ ở mãi bên con, chịu hôn?

- Vậy hả má? Sướng quá chừng!

Im lặng một chốc, nó hỏi:

- Mỗi tháng con có nhờ cô Ba trao tiền con làm ra cho má, má có nhận được không?

Thím Tư ngạc nhiên hỏi lại:

- Ủa, con đi làm việc gì, hồi nào? Không có ở với cô Ba sao? Má có nhận được tiền gì con gởi đâu?

Cám thừ người. Hiều rõ hành động của cô Ba nó giận quá sức. Thím Tư chắc lưỡi:

- Tiếc thật!

Cám la lên:

- Tiếc thật mà! Tiền con làm cực khổ mới có, mà cổ lấy hết!

Thím Tư lắc đầu:

- Má không nói tiếc tiền, tiếc là tiếc mấy năm trời sống với lão cha ghẻ con đấy. Nếu má không tái giá, má con mình chắc không đến nỗi khổ như ngày nay.

Trầm tư một lúc, thím đứng dậy bảo con:

- Thôi đi con à.

Cám hỏi:

- Bây giờ đi đâu má?

- Đi về cái nhà hai má con mình đã ở với nhau lúc ba con mới mất đó.

Cám reo:

- Vậy hả? Đi liền!

Đèn công viên đẹp ghê! Gió từ ngoài sông thổi lộng vào mát mẻ lạ! Mãi lúc nầy Cám mới nhận ra thế. Nó siết chặt tay thím Tư, tung tăng chạy theo. Hai mẹ con cùng cảm thấy cõi lòng như ấm hẳn lại.


NGUYỄN VĂN NGHỆ      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 34, ra ngày 25-11-1965)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>