Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Kỷ Niệm Tuổi Học Trò

 

 C.T ngày... tháng... năm...

Hằng, Hồng Hoa. điệp, Dung!

Mẫn về C.T học đã được hai năm. Hai năm: một thời gian không ngắn. Nhưng sao Mẫn vẫn nhớ trường của tụi mình. Cứ đặt chân đến trường mới Mẫn lại thấy buồn. Mẫn muốn gặp lại thầy cô cũ, gặp lại mấy bồ. Mẫn nhớ quá những kỷ niệm đáng yêu của thời gian tụi mình còn học chung. Mái trường trung học C.M đã đem đến cho Mẫn biết bao cảm tình khó quên và có lẽ không thể nào Mẫn tìm được ở một ngôi trường nào khác.

Mẫn nhớ những buổi học sân trường ngập nước. Tụi mình đã đắp những khuôn ao nho nhỏ, đã đứng trong hàng hiên vói tay vớt những con cá nhỏ trong nước. Mẫn nhớ con mương hẹp ở cuối trường đầy hoa lục bình tím. Tụi mình đã từng ngắt những hoa tím đó cắm lên chiếc xe đạp cũ kỹ của thầy M, đã từng gọi đùa là xe hoa của "Hoa hậu". Với dáng điệu thư sinh và tánh tình hòa nhã thầy M thật đúng là một "Hoa hậu"...

Hết mấy chị phá thầy với những chữ viết thật to: "Xe nầy bán" gắn trên yên xe của thầy, đến các anh giấu xe thầy. Mấy bồ còn nhớ một buổi chiều thứ bảy? - Buổi chiều hôm đó lớp mình được về sớm. Thầy đang bận dạy lớp bên cạnh. Anh trưởng lớp Babilac "Trường Xuân" đã cùng các tay lém của lớp mình làm lễ "thượng xe" - thay vì thượng cờ - kéo xe của thầy lên chót cột cờ! Hôm đó thầy đã phải thất vọng, và chán nản đi bộ về nhà. Sáng thứ hai bác Năm lao công tìm thấy xe thầy khi bác đem cờ ra treo. Bác cho xe vào "an tọa" trong văn phòng. Thầy mới biết là bị học trò mình phá. Thầy chỉ cười xòa. Thầy rộng lượng quá phải không mấy bồ? Lúc đó tụi mình đã quá vô tư, quá trẻ con, không biết đó là một hành động có lỗi. Tụi mình chỉ thấy vui vì tính lém được thỏa mãn bởi việc làm của các bạn...

Mẫn thèm sống lại những giờ phút dễ thương của tuổi học trò. Tụi mình đã buộc gọn vạt áo dài để chơi u nơi sân trường. Mỗi lần "ngoại" giám thị xuống lớp bắt gặp, tụi mình ù chạy trốn, dù vào lớp bị "ngoại" điểm mặt: - "Học lớp sáu, lớp bẩy mà còn chơi như con nít tiểu học bẩy, tám tuổi. Phải đứng đắn lại, tập làm thầy, làm cô với người ta...". Nhưng tụi mình ham chơi nên vẫn chứng nào tật nấy...

Mẫn thấy nhớ những buổi sáng chúa nhật. Tụi mình đã xin hoa để trồng vào khu đất nhỏ sau lớp. Vườn của tụi mình có những luống hoa đẹp. Lớp mình đã được các thầy, cô khen với bàn đầy những lọ hoa tươi xinh xắn.

Mẫn nhớ mãi triều đình của tụi mình. Khi Mẫn đi rồi ngôi hoàng hậu đã có ai thay chưa? Hằng quân vương vẫn học "chì"? - Quân sư "quạt nón lá" Hồng Hoa vẫn còn đa mưu túc trí? - Quận chúa "xì dầu" Điệp và ngự đệ Dung vẫn lém như thuở nào chớ gì?...

Triều đình của tụi mình thành lập hẳn hòi, Mẫn tưởng tụi mình sẽ mãi học chung nhau. Ngờ đâu bây giờ Mẫn lạc lõng giữa trường C.T, bỏ cả triều đình vàng son lại ở tỉnh C.M xa xôi...

Mấy bồ ơi!... Mẫn không thể nào quên được buổi chiều cuối niên học ; niên học tụi mình xa nhau. Năm đứa đã dự buổi tiệc  tiễn đưa nơi quán nước cạnh trường. Một buổi tiệc bằng nước ngọt. Uống xong năm đứa tranh nhau kéo tay bạn lại để giành trả tiền. Mấy anh bàn bên cạnh đã trêu: "Trời ơi! Gì nữa đây? - Các cô bé, đừng đánh nhau trong quán nước". Buổi tiễn đưa thật là ngây thơ và dễ thương. Nhưng cũng thật là buồn... Đứa nào cũng nước mắt rưng rưng, nghẹn lời tranh nhau dặn: - "Mẫn! Về học ở C.T mầy nhớ viết thơ cho tụi tao..."

Lời nói của mấy bồ thật là mộc mạc, hàm chứa những tình cảm chân thành. Mẫn chỉ biết gật đầu, rồi quay mặt ngước nhìn hàng phượng trơ xương trong sân trường, giấu không cho mấy bồ biết là Mẫn đang ứa nước mắt...

Ôi! Cả triều đại của tuổi  hồng, với những kỷ niệm ngọc ngà. Giờ đây Mẫn phải xa tất cả... Hằng, Hồng Hoa, Điệp, Dung... mấy bồ có muốn sống lại những giờ phút đầy tràn thương yêu, những kỷ niệm đẹp như nạm ngọc của thời gian xưa không? - Chắc là không được rồi phải không mấy bồ? Mẫn, cô bé tung tăng nô đùa trong khuôn viên trường C.M cũ nay đã bị loại khỏi vòng rào của thiên đường kỷ niệm rồi...

Mẫn ao ước vào một buổi chúa nhật đẹp trời nào đó, chúng ta cùng họp mặt nhau nơi sân trường C.M cũ. Cùng nhắc cho nhau nghe những kỷ niệm xưa. Những kỷ niệm có khung trời xanh lơ, có hàng phượng lung lay trong gió, có sân cỏ xanh thẫm, có những dãy lớp quét vôi vàng hiền dịu... Tụi mình sẽ tràn ngập trong nỗi trìu mến của lòng mình với kỷ niệm chung quanh: những kỷ niệm quí giá của tuổi học trò. Những kỷ niệm mà Mẫn tin rằng khi bước chân ra khỏi cuộc đời học sinh, tụi mình sẽ còn mãi lưu luyến, nhắc nhở và ước ao... Mẫn vẫn mong có ngày chúa nhật đó và muốn được thỏa mãn ước vọng dù chỉ là trong giấc mơ Hằng, Hồng Hoa, Điệp, Dung ơi!...


LỆ MẪN       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 63, ra ngày 5-11-1972)
 

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Hông-Đa và Xe Đạp

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trời trưa nắng gió hiu hiu thổi
Chiếc Hông-đa tung bụi mịt mù
Miệng luôn huýt sáo vi vu
Hai chân sãi lẹ cái vù một phen.

Gặp xe đạp "leng keng" đi trước
Hắn mỉm cười bảo: "Ngước mắt xem
Phận anh sao quá nghèo hèn
Ốm o chi lạ, chuông đèn cũng không

"Trông tôi nhé, áo hồng rực rỡ
Mắt sáng ngời xinh "tợ" kim cương
Phận anh ôi thật tầm thường
Đi làm chi thế mặt đường nó khinh."

Xe đạp tủi, làm thinh chẳng nói
Hông-đa cười vẫn thói khoe khoang
Bỗng nhiên xăng hết giữa đàng
Còn đâu đủ sức mà mang thân này.

Hông-đa "tốp" lại ngay tức khắc
Hắn cúi đầu gương mặt buồn xo
Ở đời chớ cậy hay ho
Khinh người ắt sẽ khổ cho phận mình.

                                                  ANH TRINH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 81, ra ngày 15-11-1967)
 

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Mẻ Cá Thương Yêu

Thanh bế em đứng tựa ngoài cửa, thỉnh thoảng nó quay vào nhìn cha nó, nước mắt nhỏ giọt. Đã hai tuần nay ông Xanh không đi bể được vì cảm nặng, mỗi lần cơn ho nổi lên làm mặt ông tái hẳn đi và mệt lả. Người ông mới hai tuần trước lúc ông chưa bị bệnh thân thể vạm vỡ khỏe mạnh... Thế mà nay chỉ còn như một nắm xương khô, thở thoi thóp.

Bà Xanh lo thuốc thang cho chồng, bà ngồi áng một bên ; mỗi lần cơn bệnh của ông nổi lên bà lại lo lắng, thầm cầu trời cho ông được tai qua nạn khỏi để ông đảm đang công việc gia đình. Bà ái ngại nhìn chồng, lòng bà đau xót vô cùng ; nhà nghèo tiền không gạo hết lấy tiền đâu lo bác sĩ cho ông. Bà quay đi cố ngăn dòng nước mắt chực tuôn trào trên khóe mắt. Nhìn chồng, nhìn con bà cảm thấy lòng thắt quặn: làm sao có gạo lo cho mấy cái miệng nhỏ háu đói đây?

- Thanh à! Con đưa em qua nhà chú Tám chơi, để em ở nhà nó nô đùa làm sao ba ngủ được.

- Vâng!

Thanh dắt bé Lan, tay bồng em Linh đi ra ngõ, qua giậu hàng rào dâm bụt dẫn theo con dường nhỏ qua nhà chú Tám, bên cạnh nhà Thanh.

Anh em thằng Lực đang nô đùa ngoài sân dưới bóng cây mát. Ánh nắng buổi trưa hè chiếu qua kẽ lá xuống trên đầu chúng. Thấy Thanh, Lực gọi lớn:

- Anh Thanh, vào đây chơi với chúng tôi.

Thằng Tính đang cắm cúi đánh bi cũng ngẩng lên: - A! Anh Thanh... Thanh bước vào sân đến bên gốc cây đặt em xuống, lấy bi ra chơi. Cả bọn quây quần dưới gốc cây. Vừa bắn bi Lực vừa nói:

- Tụi mình trông khéo không thằng Tính ăn gian lắm đó.

Thằng Tính cãi lại:

- Em ăn gian hồi nào, có anh ấy! Ai bảo người ta bắn trúng không chịu cho ăn lại còn nói.

Thằng Lực giơ tay làm một động tác như bỏ thằng Tính ra ngoài vòng:

- Lải nhải mãi, cầm bi đi chỗ khác!

Thằng Tính nhìn anh nó chực khóc.

Thanh giơ tay giải hòa:

- Thôi chúng ta chơi chung tất cả càng vui.

Ba cái đầu lại chụm lại. Thỉnh thoảng nổi lên tiếng vỗ tay, hay tiếng cười thích chí xen lẫn với tiếng cãi vã của thằng Tính.

Bây giờ đến lượt thằng Lực. Viên Bi từ tay nó lướt nhanh qua viên bi của Thanh và trúng viên bi của thằng Tính. Lực chưa kịp mừng thì Tính giơ tay hất bi của anh nó lăn trở lại:

- Không chịu đâu, anh ăn gian lắm, anh phải để vừa gang tay của anh thôi chứ anh để mãi ra ngoài này ai chịu được.

Lực trợn mắt:

- Bắn thế vậy còn bảo ăn gian hả, muốn chết không?

Thanh can:

- Thôi Lực, cần gì chấp với nó, đây bắn lại đi.

Thằng Lực hậm hực cầm viên bi bắn lại, viên bi lại vuột khỏi bàn tay nhỏ nhắn của nó lướt nhanh, nhưng lần này không trúng hòn bi nào cả. Tính vỗ tay reo:

- Đó! Đó! Thấy chưa? Ăn gian nó dàn ra đấy!

- Tao ăn gian của mày bao giờ?

Chung quanh câu chuyện đánh bi chỉ có thế. Lắm lúc thằng Tính vỗ tay reo hò ầm ĩ, tỏ vẻ thích chí lắm, làm thím Tám mẹ nó phải la lên: - Tính! Làm gì la hét dữ vậy, có để cho ba ngủ không?


Nhưng tính nào hoàn tật nấy, nó chỉ thiu thiu được một lúc rồi lại reo hò như thường. Lần này thằng Lực dọa:

- Mày không để ba ngủ, ba dậy thì ốm đòn đó nghe không!

Nói đến đòn, thằng Tính tiu nghỉu, có lẽ nó đã được nếm nhiều lần cây roi tre của ba nó.

Chơi bi mãi cũng chán, cả bọn ngồi tìm cách chơi khác. Lực đề nghị:

- Chơi bịt mắt bắt dê.

Thanh lắc đầu:

- Chúng ta chơi nhiều rồi, chán ngấy.

- Không thì cướp cờ, mở cờ nè! - Lực tiếp.

Thanh còn đang phân vân thì thằng Tính la lên:

- Chúng ta xây tháp sướng hơn, rồi cắm hoa đỏ nè! Hoa trắng nè! Sướng biết mấy.

- Lấy gì xây được? - Thanh hỏi.

- Chúng ta lấy gỗ xếp chồng lên nhau. Em biết chỗ lấy gỗ rồi, bên ông Ba nhiều lắm, những mảnh gỗ vụn thiếu gì.

- Vậy thì đi lấy mau đi.

Lực thắc mắc:

- Mà chắc gì còn không?

Tính vênh mặt:

- Còn thiếu gì. Hồi sáng em mới qua thấy ông đóng thuyền, em xin để lại một đống, giờ em qua lấy nhé!

Nói xong nó chạy đi. Một lúc sau hí hửng ôm về một ôm toàn những mẩu gỗ bằng gang tay, to cỡ 2 phân. Vừa đi vừa ca hát coi bộ chưa bao giờ nó vui vẻ bằng lúc này, vì nó được mọi người đồng ý việc nó đề nghị mà lị.

Cả bọn xúm lại. Những mẩu gỗ vuông, dài được xếp lên nhau, cao dần, cao dần... Thỉnh thoảng chúng ngừng tay ngắm nghía. Thằng Tính ngồi xổm trên đất, hai tay chống cằm, miệng xuýt xoa khen lấy khen để.

- Sắp xong rồi, lấy hoa đi, Tính! - Lực bảo em.

Tính chợt nhớ ra, nó chạy biến ra phía sau nhà. Một lát nó ôm lại một đống đủ thứ hoa: hoa dừa, hoa cúc, hoa mào gà...

Những chùm hoa đỏ, trắng được cắm lên những khe gỗ, cả bọn ngừng tay ngắm nghía, hoặc trầm trồ khen ngợi. Thằng Tính nhảy cỡn lên, nó vui vẻ hơn bao giờ hết. Công việc cắm hoa tạm xong...

Ánh nắng hè bớt gay gắt và ngả dần về tây. Chiếc đồng hồ vọng lại thong thả gõ hai tiếng. Chú Tâm thức giấc, quấn vội chiếc khăn quàng vào cổ, chú bước ra hè nhìn bầy trẻ đang nô đùa ngoài sân. Bất giác chú mỉm cười và vui vẻ hỏi Thanh:

- Ba cháu đỡ chưa vậy Thanh?

Thưa chú, ba cháu mới đỡ.

Vừa lúc đó thím Tâm từ ngõ đi vào, đến bên chồng thím bảo nhỏ:

- Mình à, anh Xanh bệnh lại tăng thêm, có lẽ phải mời bác sĩ cho ảnh. Nhưng hiện giờ anh chị hết gạo rồi, tiền cũng không. Hay là...

Chị ngập ngừng như sợ chồng không đồng ý điều mình sắp nói. Đợi chồng hỏi chị mới nói nhỏ bên tai chồng, chú Tâm gật đầu lia lịa.

Đoạn chú ôm tấm lưới ra biển, trước khi đi chú không quên xoa đầu mấy đứa nhỏ:

- Các con ở nhà ngoan nhé, ba đi biển đây!

Thím Tâm mỉm cười nhìn theo bóng dáng vạm vỡ của chồng khuất dần sau giậu dâm bụt.

Một lát có tiếng bà Xanh vọng sang:

- Thanh ơi! Đưa em về ăn cháo.

Thah dạ to, đoạn quay lại bảo:

- Tao về nghen, chiều sang chơi.

- Về đó a anh Thanh?

- Chiều nhớ sang sớm nhé!

Thanh gật đầu đoạn hướng về thím Tâm, lúc đó đang tựa ngoài cửa, cúi đầu chào:

- Thưa thím cháu về ạ!

- Về đó a Thanh, chiều nhớ sang chơi nghe cháu.

- Vâng ạ!

Thanh dắt em ra ngõ, đằng sau còn vọng lại tiếng réo của thằng Tính vẻ tiếc rẻ:

- Anh Thanh về rồi, mấy anh em mình chơi không buồn chết. Thôi để em coi cho đến tối chúng mình lại chơi.

*

Thanh vừa ăn cơm xong, chị Liên kéo Thanh ra sân bảo nhỏ:

- Thanh à! Ba ốm nặng không đi biển được, chị em mình ở nhà mãi lấy gì ăn bây giờ, tiền, gạo hết rồi.

Thanh đứng lặng nhìn ngoài ngõ. Với bộ óc non nớt của nó, nó không biết phải làm thế nào cả. May sao chị Liên tiếp:

- Bây giờ chị tính thế này, em vào lấy lưới đi rồi theo chị ra bể.

- Thế chị đinh đi ngay bây giờ sao?

- Đúng vậy, chỉ còn cách này thôi, ngoài ra không còn cách nào hơn nữa.

- Má có cho đi không?

- Má làm sao cho đi được. Nhưng chị em mình lừa trốn đi chứ.

Thanh gật đầu. Hai chị em cầm tay nhau, bốn mắt nhìn nhau thông cảm. Họ cảm thấy yêu quí nhau hơn lúc nào hết, miệng nở nụ cười tươi như cánh hoa buổi sáng. Thanh bảo chị:

- Chị chờ em một lát nhé!

Một lát sau hai chị em Thanh vui vẻ chạy mau ra bãi bể, tay không quên ôm theo mảnh lưới. Sóng biển dâng lên dạt dào như chào đón họ.

Thuyền từ từ tách bến, hai chị em, chị chèo em lái, con thuyền nhịp nhàng theo sóng biếc tiến dần ra khơi. Mặt nước lăn tăn sóng gợn. Các đợt sóng thi nhau chạy, nối tiếp nhau như không bao giờ hết, vỗ mạnh vào mạn thuyền làm nó chuyển lên phành phạch.

Ngoài kia, các con thuyền đã tách bến đang ra khơi. Nhiều chiếc đã ra quá xa trông chỉ còn bằng những chiếc lá tre nổi lều bều trên mặt nước.

Ra càng xa, sóng càng lớn, con thuyền bị đưa lên dìu xuống, như đe dọa chực dìm cả hai chị em xuống tận đáy bể.

Thanh cảm thấy sợ sợ, một mối lo sợ ở đâu cứ tràn vào lòng Thanh ; mặt nó tái đi nghĩ đến làn sóng kia có thể nuốt mất hai chị em... Tay chân nó run rẩy cơ hồ như không còn vững nữa ; đôi tay nhỏ bé của nó chỉ chực để cho mái chèo vuột đi trôi theo dòng nước. Vì đây là ngày đầu tiên được ra bể, trách nào nó chả sợ.

Nó chợt nhớ đến cha, giờ này chắc hẳn đang quằn quại trên giường bệnh kề bên tử thần với lưỡi hái sáng loáng chỉ chực vung lên cướp lấy mạng cha. Một sự thiêng liêng như thúc đẩy làm Thanh mạnh bạo hẳn lên, khi hiện ra hình ảnh đôi mắt sầu khổ của người cha thân yêu nhất đời nó, đang mỉm nụ cười héo hắt và đôi mắt đẫm lệ, đang chờ mong một sự giúp đỡ của nó.

Phải rồi, Thanh lớn rồi phải giúp đỡ cha mẹ khi người đau yếu chứ! Thanh cảm thấy hãnh diện và can đảm lên. Sóng to gió lớn không làm nó sợ nữa.

Chẳng mấy chốc thuyền đã ra đến khơi. Hai chị em bắt đầu buông lưới.

Mẻ lưới đầu tiên được kéo lên. Hai chị em xúm vào gỡ cá ; mẻ này được khá nhiều, chúng thi nhau vùng vẫy để tìm cách thoát. Đủ mọi thứ cá: to có, nhỏ có, đều được gỡ ra bỏ vào khoang.

Mẻ lưới thứ hai, thứ ba... cũng vậy, mẻ nhiều mẻ ít san sẻ nhau. Khi mặt trời xuống khá sâu gần gác non đoài, hai chị em mới sửa soạn kéo mẻ lưới cuối cùng để về cho kịp trời tối.

Nước biển mênh mông, làn sóng nhấp nhô. Những chiếc lá tre ngoài xa xa di động khi ẩn khi hiện, từ từ tiến về bãi hiện ra những chiếc thuyền con. Trên nền trời xanh ngắt, đàn chim bay lả tả, thỉnh thoảng chúng thi nhau nhào xuống mặt nước tìm bắt mồi rồi lại phóng vút lên.

Mẻ lưới cuối cùng của hai chị em Thanh được kéo lên. Một con chép thiệt lớn, có lẽ chưa bao giờ chị em Thanh thấy con cá lớn như thế. Từ đầu, mình rồi đến đuôi con cá chép được kéo lên với sự hoan hỉ của hai chị em Thanh.

- Con cá này mình đem bán chị nhỉ!

- Ừ, nó lớn thế này chắc bán được khá đấy.

- Có tiền cho ba uống thuốc, ba chóng khỏi em mừng lắm.

- Thanh cũng mong cho ba khỏi cơ à?

- Em mong mê đi ấy chứ. Không có ba mỗi bữa ăn em thấy buồn làm sao ấy. Cầu trời cho ba chóng khỏi, ba đi lưới để má đỡ phải lo nhiều.

- Thế thì Thanh ngoan lắm.

- Ngoan bằng từng nào hả chị? - Thanh hỏi đùa lại chị.

- Ơ! Ơ!... Ngoan bằng bé Phượng trong truyện chị kể cho em nghe tối hôm qua ấy mà.

- Bé Phượng nào sao hôm qua em chẳng thấy chị kể gì hết?

- Em mơ à! Hôm qua chị kể bé Phượng ngoan ngoãn hiếu thảo, biết thương yêu ba má, biết giúp đỡ ba má khi cần đến, biết nhường miếng ngon cho cha mẹ. Đi đâu được cho bánh trái bé không ăn để dành cho ba má cả...

- À, à! Em nhớ ra rồi. Mà tại sao bé Phượng lại không ăn, cái gì cũng để dành cho ba má hết, hay bé không thích ăn bánh trái?

Chị Liên đáp:

- Không phải vậy đâu, bé thích ăn lắm chớ, nhưng bé thấy rằng bé ăn mà để cha mẹ nhịn thèm sao được. Trừ khi cha mẹ không ăn, bé mới dám ăn đấy chớ!

Thằng Thanh gật đầu lia lịa tỏ vẻ hiểu chuyện lắm. Hai chị em kéo lưới xong đem giặt giũ cẩn thận rồi chèo thuyền ra về. Đôi mái chèo nhịp nhàng khoáy sâu xuống làn nước biếc đẩy thuyền tiến về phía trước. Phía đầu mũi Thanh ngồi chèo giúp chị. Hai chị em vừa chèo vừa nói chuyện, nhờ vậy hai chị em quên hết cả nhọc mệt và quãng đường dài như rút ngắn lại.

Thuyền cặp bến đã khá nhiều, mọi người nói chuyện huyên náo, kẻ lên người xuống lo việc khuân cá lên bãi. Trên bãi cát trắng mịn những đứa trẻ con thi nhau đuổi bắt những con dã tràng hay tìm kiếm những con ốc nhỏ xinh xinh.


Hai chị em Thanh vừa cập bến, bà Xanh từ đâu chạy lại, bà xuống xuồng đưa cá lên giúp hai chị em. Bà chỉ phiền mà không nỡ trách mắng chị em Thanh vì bà hiểu được lòng con bà qua ánh mắt chúng. Bà nói:

- Hai con đi biển sao không cho má biết với nhỡ nguy hiểm thì sao? Má tìm mãi không thấy, ra ngoài này má mới biết các con đi biển. Má không trách các con nhưng từ rày mà đi có việc gì phải cho má biết, đừng để má phải tìm kiếm như hôm nay nữa.

Chị Liên hỏi:

- Ba con có mắng không má?

- Ba con chỉ trách các con đi biển không có người lớn theo, lỡ nguy hiểm lấy ai hòng cứu vớt.

Hai chị em cúi đầu nghe má trách, nhưng trong lòng họ, họ cảm thấy vui vui.

Cá được vớt ra rổ, bà Xanh không ngờ được nhiều như thế: hai rổ cá đầy ngập. Những con cá to nhỏ đủ cỡ thi nhau nhảy tánh tách. Bà giúp hai chị em đưa cá về nhà, để lại ít ăn còn bao nhiêu đem bán.

Chị Liên mân mê con cá mú lớn nhất trong rổ, con cá bắt được sau mẻ lưới cuối cùng, hỏi mẹ:

- Con cá nầy bán hay để ăn má?

- Để bán kiếm tiền...

Bé Lan nũng nịu:

- Để ăn đi má, cá lớn ăn ngon lắm.

Bà xanh phân vân nửa muốn bán kiếm tiền thuốc thang cho chồng nửa muốn để ăn. Bà biết rằng hôm nay có cá ngon chắc ông ăn được cơm.

Vừa lúc đó ông Xanh từ nhà trên hỏi vọng xuống:

- Chị em nó về rồi hả? Có được gì không?

- Được có ít thôi mình ạ!

Lan chạy lại bên ba, bé vừa tìm được nguồn che chở:

- Ba ơi! Được con chép to lắm, để nấu ăn chắc ngon lắm, má con cứ bảo bán thôi.

Ông Xanh vuốt tóc con:

- Thôi để lại nấu cho con nó ăn, làm gì một con cá nào.

Bà Xanh chiều ý chồng, bà đem cá ra mổ, nhưng vừa mổ, bà bỗng kinh ngạc thốt lên: "Ô!" Chị em Thanh nghe má kêu lên chạy lại họ cũng phải kinh ngạc. Một chiếc nhẫn vàng nạm ngọc sáng chói nằm trong bụng cá. Bà Xanh sung sướng đến lặng người đi, bà có ngờ đâu trời đã thương giúp gia đình bà. Bà cầm chiếc nhẫn chạy vào khoe chồng. Đến lượt ông kinh ngạc và thích thú. Cả nhà cùng vui mừng, nhất là bà Xanh vì nhờ nó bà sẽ có tiền lo bác sĩ cho ông, có thêm tiền đong gạo.

- Hai bác có nhà không đấy?

Tiếng thím Tâm từ ngoài ngõ vọng vào. Bà Xanh chạy ra, thím Tâm tay mang thúng đi vào vừa thấy bà Xanh, thím vui vẻ:

- A, Bác có nhà. Bác trai đỡ rồi chứ?

- Cám ơn thím nhà tôi vẫn vậy. Ơ! Thím đem gạo đi đâu đấy?

Đặt thúng gạo xuống hè, thím Tâm đáp:

- Chẳng giấu gì bác, thấy bác ốm nặng không đi biển được, nhà em sai mang ít gạo gọi là...

Vừa nói thím vừa rút tiền đưa cho bà Xanh:

- Em mới kiếm được ít tiền, chị cầm lấy để thuốc thang cho bác trai.

Bà Xanh cảm động lắm, bà nhất định không chịu lấy. Bà nói:

- Chúng tôi vay mượn của chú thím nhiều rồi, lấy đâu mà trả đặng?

- Có gì đâu mà bác phải phiền lòng, bà con lối xóm giúp nhau một tí có sao. Khi nào em gặp nạn bác giúp lại, còn tiền gạo khi nào bác có đem trả cũng được.

Bà Xanh cảm động cầm tay thím thuật chuyện nhờ hai đứa nhỏ đi biển đến khi được chiếc nhẫn và đưa cho thím Tâm coi. Thím mừng chảy nước mắt:

- Thật trời ban lộc cho anh chị đó.

Ngừng một lát thím tiếp:

- Bây giờ chị tính rước thầy lang luôn chứ?

- Tôi cũng định vậy nhưng mấy đứa nhỏ chưa cơm biết sao bây giờ.

- Bác khỏi lo, em về bảo nhà em đi cũng được.

*

Sau khi bắt mạch xong xuôi, thầy thuốc bảo:

- Không sao, ông chỉ bị cảm nặng thôi! Ông chịu khó nằm tĩnh dưỡng độ một tuần là khỏi hẳn.

Nói xong ông chào bà chủ và ra về, sau khi ra ông không quên căn dặn người nhà cách cho người bệnh uống thuốc.

Bà Xanh, chị Liên, bé Lan và thằng Lực đang quây quần bên giường ông Xanh thì Thanh xồng xộc từ ngoài chạy vào tay mang một quả cam. Đặt cạnh ông, Thanh nói:

- Chú Tâm cho con, chú bảo lúc nãy đi kêu thầy thuốc chú ghé qua ngoại, ngoại cho mấy quả đó.

- Sao con không ăn đi, để làm gì?

- Con để dành cho ba đó.

Ông Xanh cảm động cầm trái cam đưa cho thằng Lực, bé Lan, chúng nó lắc đầu không lấy. Hai ông bà nhìn nhau cùng cười, đoạn ông bóc ra chia cho mọi người. Cả nhà cùng vui vẻ ăn ngon lành, tiếng cười của họ vang lên trong bầu không khí ấm áp, khi họ hiểu rằng một niềm vui đã đến trong gia đình họ.


PHONG VŨ          
(Kiên Giang)          


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 33, ra ngày 25-10-1965) 

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Nhật Ký Nội Trú

 


 Thứ ba, ngày... tháng... năm 1970

Đêm đầu tiên sống xa nhà, Nguyên nghe thiếu vắng vô cùng ; chuyến bay ban chiều đã đem Nguyên đi xa. Xa rời thành phố thân yêu với những khuôn mặt dấu yêu quen thuộc.

Nguyên nhớ lại rằng : mình đã khóc khi đưa mắt nhìn qua khung cửa kính nhỏ, bóng dáng ba già yếu đứng dưới sân bay ngước mắt nhìn Nguyên như nhắn nhủ, dặn dò. Máy bay chạy dần vào phi đạo, cuốn bóng dáng ba xa dần trong tầm mắt Nguyên... Núi đồi, biển rộng dưới kia mờ nhạt qua làn nước mắt, Nguyên nghe vị mặn thấm trên đầu môi và muốn trở về ngay trong giây phút đó - Về với ba mẹ, với đàn em bé thơ trong căn nhà quen thuộc...

Đã hơn 11 giờ. Khu nội trú chìm trong im vắng, những hàng cây dưới vườn xanh thẫm màu bóng tối. Nhìn qua đồ đạc ngổn ngang chưa được xếp vào vị trí và những khuôn mặt chung quanh còn xa lạ, Nguyên thấy mình bơ vơ quá, đêm nay chắc Nguyên ngủ một mình và mãi về sau... không còn những đêm mưa lạnh, nằm co rút tìm hơi ấm bên bà nội, được ru ngủ bằng những lời cầu kinh trầm trầm quen thuộc của bà.

Giờ này ở nhà, chắc gia đình Nguyên đã êm đềm trong giấc ngủ, căn phòng của Nguyên có ai nằm không nhỉ? Chắc là không, vì hôm Nguyên đi me có nói "Căn phòng con Nguyên cứ để im đấy cho nó, để Tết hay hè nó về"...

Nguyên thượng me quá, suốt đời me chỉ tận tụy với chồng con, những nỗi chật vật của cuộc sống đã làm me già đi trước tuổi. Lúc chiều, ăn cơm dưới câu lạc bộ nhà trường, những món ăn nhạt nhẽo, không quen miệng, khiến Nguyên nhớ me thật nhiều với những bữa cơm gia đình đầm ấm do chính me nấu! Những khúc cá kho mặn mà vị ớt, tô canh ngọt ngào dư vị thương yêu... khóc rồi đấy hả Nguyên? Ngoài trời mưa đang rơi, hồn Nguyên cũng giăng kín mây buồn. Mây đêm nay đưa Nguyên vào giấc ngủ tràn đầy nhung nhớ.

Thứ tư, ngày... tháng... năm 1970

Một ngày trôi qua trong bận rộn. Sáng, Nguyên đến lớp học mới - Bước chân ngỡ ngàng e ngại tìm đến phòng học mới lạ. Nguyên có cảm giác như ngày đầu tiên đi học trường làng xưa. Bốn giờ học trôi qua bình thản, những môn học mới lạ cho Nguyên một vài sự quyến rũ. Bạn bè mới trong lớp Nguyên vẫn chưa quen ai cả, ngồi chơ vơ một mình Nguyên nhớ lại lớp học cũ với những khuôn mặt bạn bè quen thuộc, đối diện nhau suốt sáu năm dài. Nguyên gọi thầm: "Ân-Vân-Liễu-Trang... cho mình biến thành chim trắng nhỏ cho trọn vẹn ước mơ"...

Buổi chiều nghỉ, nhưng Nguyên phải đi mua một ít đồ dùng. Chuyến xe "lam" đưa Nguyên vào thành phố ; cũng những chuyến xe lam như thế, Nguyên đã đến trường mỗi sáng khi trời còn mù sương trên những con đường quen thuộc, chiếc cầu Trịnh Minh Thế bắc ngang sông Hàn và những người lính gác cầu đứng thu hình, im lặng, giờ trở thành hình ảnh đáng yêu nhất khi Nguyên đã xa rời...

Phố sá Qui Nhơn có vẻ vắng buồn, không có sắc diện ồn ào náo nhiệt, hay là hôm nay không phải là chủ nhật??

Tối nay trời tạnh ráo. Xa xa trên ngọn núi : căn cứ của người Mỹ những ánh đèn xanh đỏ lấp lánh, hòa lẫn với sao đêm thật giống những ngọn đồi cao ở Sơn Trà, mà sao đây không phải là căn phòng quen thuộc của Nguyên?

Tiếng cười đùa vui vẻ ở phòng bên vẳng đến tai Nguyên, hình như có chị nào đó đang hát bản "Mùa thu chết" của Phạm Duy, làm Nguyên nhớ bé Ti thật nhiều, cô bé láu lỉnh nhất nhà, cả ngày luôn miệng "Mùa thu chết... đã chết rồi"... không biết vắng Nguyên, cô bé có nhắc không? Hôm Nguyên đi, bé cứ đòi theo làm Nguyên bịn rịn không rời - Bé Ti ơi - Tết chị về sẽ có quà cho Bé nhé.

Hôn bé một cái thật kêu, chúc Bé của chị ngủ thật ngon nhé.

Thứ năm, ngày... tháng... năm 1970

Hôm nay mưa suốt ngày, trời buồn gì mà "khóc dai" thế không biết? Đà Nẵng chắc cũng đã mưa, những cơn mưa dầm cùng những làn gió lạnh buốt khiến Nguyên liên tưởng đến ba: Buổi sáng ba dậy thật sớm, uống sữa rồi vội vã đi làm, chiếc áo mưa nhà binh to lớn làm ba nhỏ yếu thêm và khuôn mặt ba đầy nước mưa, tái lạnh khi trở về, khi ở nhà Nguyên vẫn chạy đi tìm khăn cho ba lau, giờ ở nhà có ai lấy khăn cho ba không? Bé Ti nhỏ quá mà! Nguyên thương ba quá, đến ngày nào cho Nguyên được báo hiếu ba, để ba yên tâm tĩnh dưỡng tuổi già.

Mới hai ngày, sao Nguyên thấy dài ghê. Chỉ mong cho thời gian chóng qua để Nguyên về thăm ba me và các em. Nhưng còn đến hơn ba tháng cơ, chắc Nguyên "dài cổ hươu" mất thôi.

Thôi bây giờ con gái ba me không kêu buồn nữa cho ba vừa lòng. Ba vẫn bảo "Các con còn nhỏ nên tránh buồn. Phải vui cho thật nhiều kẻo sau này lớn tuổi như ba, khó có dịp nào vui trọn vẹn, cuộc sống phiền muộn làm tâm hồn người ta già đi con ạ". Con sẽ gắng học cho ba vui lòng và mãn nguyện mong ước của ba. Con kể chuyện cho ba nghe. Bạn bè con chưa có ai ở đây để nói cả, con tả trường cho ba nghe nhé: Trường con xinh lắm ba ạ, cảnh trí chung quanh trường thật mát mẻ. Trước mặt trường là biển với những hàng thông xanh chạy dài trên cồn cát trắng. Trong trường con giữa hai dãy lớp có công viên đẹp lắm. Mỗi lần ra chơi con hay đứng trên hành lang nhìn xuống, qua cơn mưa cảnh vật mơ màng đẹp lạ. Con thích những buổi chiều ở đây hay có mưa phùn, mưa chỉ đủ đọng trên những thảm cỏ xanh mướt trong sân trường, con đoán là những cơn mưa phùn ngoài Bắc - quê hương ba, ba đã được sinh ra và lớn lên ở đó, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của ba - chắc cũng chỉ đẹp đến thế thôi.

Khí hậu ở đây mát mẻ dễ chịu. Con chắc là sẽ mập thêm để ba khỏi lo lắng cho sức khỏe con gái.

Con cầu mong ba me mạnh khỏe mãi.

Thứ sáu, ngày... tháng... năm 1970

Sáng nay dậy hơi muộn, Nguyên chả kịp ăn sáng nên đến giờ học cuối, bao tử nó "biểu tình" đả đảo dữ quá, đến tan học Nguyên leo lên thang lầu không nổi nữa, Nguyên vừa mệt và vừa buồn cười cho cái bụng "xấu đói" của mình.

Bữa cơm trưa đầu tiên ở trường Nguyên ăn thật ngon. A hôm nay Nguyên quen được một cô bạn rồi. Cô ta cũng học lớp với Nguyên, trông dễ thương và có vẻ láu lỉnh lắm, Nguyên hy vọng sẽ tìm được nguồn vui bên cô bạn mới này.

Buổi chiều, ăn cơm xong, Thảo, tên cô bạn, rủ Nguyên xuống công viên nhà trường ngồi chơi. Thảo nói chuyện thật vui, những nét hóm hỉnh, cười đùa trên gương mặt Thảo làm Nguyên thấy vui lây. "Cô nàng" hỏi Nguyên:

- Bồ nhớ nhà phải không? Hôm trước tôi thấy bồ buồn hoài.

Nguyên cười đáp:

- Chứ Thảo không nhớ nhà sao?

- Nhớ chứ, nhưng đừng có buồn quá mà xí gái chứ nghe cô. 

Thảo vừa nói, vừa cười và tinh nghhịch véo vào má Nguyên. Hai đứa cười thật vui và sóng vai đi về nội trú.

Tối Thảo ngồi hát và kể chuyện cho Nguyên nghe, nên Nguyên vơi đi phần nào nỗi buồn nhớ nhà như ngày mới vào. Thảo là con gái út trong nhà, ba Thảo chết từ lúc Thảo còn nhỏ, nhưng bù đắp vào sự thiếu sót đó, mẹ Thảo thương Thảo vô cùng nên Nguyên nhận thấy Thảo vô tư lắm, ít khi nào gương mặt Thảo mang nét buồn như hầu hết các cô gái đồng trang lứa.

Tuy mới quen mà Nguyên thấy mến Thảo nhiều. Cuộc sống Nguyên từ nay thêm một người bạn đáng yêu. Ngày mai Nguyên sẽ viết thư về kẻ với ba me, để ba me mừng và hết lo con gái không có bạn bè, buồn rồi khóc hoài. Từ nay con không khóc nữa đâu, kẻo Thảo nó chê con "mít ướt" đấy. Lúc nào nhớ nhà con sẽ viết thư về ba me và các em và kể chuyện học và cuộc sống của con ở đây cho ba me nghe là vui rồi ba me nhỉ?

Con gái yêu của ba me hôn ba me một cái thật dài.

Thứ bảy, ngày... tháng... năm 1970
Chủ Nhật, ngày... tháng... năm 1970

Suốt hai ngày nội trú có vẻ nhộn nhịp hơn ngày thường. Người ra kẻ vào, có chị xuống gặp thân nhân, chị đi phố.

Những nét hớn hở khi gặp người thân thuộc làm Nguyên thèm quá. Ba me chắc chả bao giờ đến được tận trường để thăm Nguyên đâu. Ba già yếu, me thì bận rộn việc gia đình.

Nguyên lỗi lời hứa với ba me mất rồi, lúc chiều có một bà từ xa đến thăm con: nhìn dáng dấp gầy yếu, lam lũ của bà, Nguyên nhớ me quá. Khi hai mẹ con gặp nhau mừng tủi Nguyên vội chạy vào phòng giấu giọt lệ qua mái tóc. Nguyên lại buồn, nhớ ba me và các em... Rồi lại thêm bao muộn phiền, Nguyên bồn chồn, lo lắng từ chiều đến giờ. Báo đăng tin Đà Nẵng bão to lắm, người ta phải dời cả các em cô nhi ở gần biển đi nơi khác. Nguyên lo quá, muốn về ngay trong lúc này với gia đình, cho Nguyên được san sẻ sự hiểm nguy cùng những người thân thuộc.

Khuya rồi mà Nguyên chả muốn ngủ. Cầu mong cho gia đình yên bình.

Ánh đèn xanh đỏ của chiếc máy bay vút vào trong đêm khuya, Nguyên nói thầm qua làn nước mắt "Cho Nguyên về với, cho Nguyên níu cái đuôi để Nguyên về với ba me..." Mà sao máy bay không thèm "trả lời" bỏ mặc Nguyên ngời chơ vơ một mình trong khu nội trú vắng im.

Thứ hai, ngày... tháng... năm 1970

Sáng được nghỉ 2 giờ sau vì vắng giáo sư. Nguyên về phòng định viết thư cho ba me thì Thảo sang, "cô nàng" có vẻ thật vui réo Nguyên ầm cả phòng... Thì ra cô có thư ở nhà. Nguyên bỏ mặc Thảo, chạy vụt đi tìm người đưa thư, hồi hộp, hỏi han để rồi buồn hiu trở lại phòng. Cả một chồng thư cao thật là cao mà Nguyên chả có lấy một cái. Nguyên buồn, tiếc và thấy cái mặt người đưa thư sao mà dễ ghét quá.

Nguyên tủi thân khóc ròng, mặc cho Thảo dỗ dành.

Chưa bao giờ Nguyên nhớ nhà như lúc này, lá thư viết dở dang lem nhem đầy nước mắt...

Bữa cơm trưa Nguyên ăn mà nghe mặn đắng, những miếng cơm nghẹn ngào trong cổ, Nguyên bỏ dở cả bữa cơm về phòng nằm vùi suốt buổi chiều tối, không thấy Thảo sang, chả biết nó nhận được thư của ai? Có gì vui, buồn không?

Sao mà lâu có thư ba quá nhỉ? Hay là ba đau... Nguyên lo quá, hôm Nguyên đi ba đã có vẻ mệt vì lo lắng, sửa soạn đồ dùng mang theo cho Nguyên, Nguyên thương ba quá, Nguyên chưa thấy ai lo lắng cho con đến thế: từ bàn chải đánh răng đến hộp kem, cho đến cái khăn lau mặt ba cũng tự tay mua cho Nguyên ; dưới mắt ba Nguyên vẫn còn bé dại vô cùng.

Nguyên chả viết nữa đâu. Viết rồi lại buồn và nhớ nhà thêm mà thôi.

Thứ ba, ngày... tháng... năm 1970

Trọn một tuần, Nguyên xa nhà. Cũng buổi sáng thế này tuần trước, Nguyên còn hiện diện nơi thành phố thân yêu giữa đám bạn bè đưa tiễn... giờ thì mỗi đứa một nơi, Nguyên nhớ khi xe car Air Việt Nam chạy, những cánh tay quen thuộc vẫy theo ; và những khuôn mặt cúi xuống che giấu những giọt nước mắt trào ra buồn tủi. Nguyên đã gục mặt xuống hàng ghế trước chả dám nhìn lâu hơn... rồi xa dần mất hút để Nguyên thui thủi một mình trong nội trú này...

Buồn quá Nguyên sang rủ Thảo xuống công viên chơi. Nguyên muốn tìm quên bên sự nhí nhảnh của Thảo. Hai đứa ngồi trên băng đá, lặng im đưa mắt nhìn ra xa : trời sắp hoàng hôn trông thật buồn, hương hoa đêm thoang thoảng hương vị ngất ngây. Nguyên như mê man trong vẻ im vắng của buổi chiều và hầu như quên đi thái độ khác thường của Thảo ; nó có vẻ buồn chứ không vui đùa như mọi ngày.

- Thảo ơi. Sao Thảo buồn thế, "vua hề" mà cũng buồn, lạ thật đấy chứ?

Nguyên cố pha trò cho Thảo vui, nhưng nó lại khóc thêm mới khổ chứ. Giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt Thảo đắm chìm trong bóng tối làm Nguyên buồn thảm.

Nguyên không biết nói gì với nó cả khi mà Nguyên cũng chín muồi nỗi buồn trong lòng. Trời tối dần, Nguyên kéo Thảo đứng lên, dìu nó về phòng ; Nguyên cúi đầu bên tóc Thảo thì thầm: "Thảo ơi! Thế là hai đứa mình cùng là "Mít ướt" đấy nhé, từ nay đừng chế tớ nữa nghen"...

Tối Nguyên sang phòng Thảo đọc thư của mẹ Thảo, những nét chữ gầy yếu của bà mẹ già gởi cho con, nhắn nhủ, dặn dò. Nguyên chưa thấy lá thư nào hay hơn những lời lẽ chân thật, mộc mạc của bà mẹ già nua ấy.

Tối trời đầy sao, hành lang không một bóng người, ánh sáng vàng nhạt của đèn điện cắt lên tường bóng dáng hai đứa con gái ngồi thu mình bên nhau âm thầm lặng lẽ.


Nội trú Qui nhơn 20-10-70    
CỎ DẠI                

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 141, ra ngày 15-11-1970)
 

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Con Lạc Đà

 

Từ hơn bốn ngàn năm trước cho đến nay, lạc đà vẫn còn được con người sử dụng để cưỡi hoặc chuyên chở hàng hóa đi khắp đó đây trên vùng sa mạc bát ngát mênh mông, vì chưa có một con vật thứ nhì hội đủ điều kiện cần thiết hầu đảm trách công tác thật bền bỉ và hữu hiệu cho bằng. Với khả năng di chuyển suốt cả ngày, liền trong một tuần lễ - dĩ nhiên trừ ban đêm - tới bất cứ địa điểm nào qua những bãi cát nóng bỏng có thể làm chín trứng, mà không cần phải uống nước, lạc đà quá xứng đáng với danh hiệu "Con tàu trên sa mạc".

Căn cứ vào địa khai tìm thấy, các khoa học gia đều công nhận: Cách đây hàng triệu năm, lạc đà đã xuất hiện đầu tiên tại Mỹ Châu, nhưng dưới vóc dáng nhỏ bé tựa loài thỏ chứ đâu có to lớn như bây giờ. Dần dần, thân thể phát triển, chúng chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất di cư sang Á Châu ngang eo biển Bering nước Nga, để tiến tới tận Á Rập và sa mạc Sahara, nhóm còn lại tràn xuống Nam Mỹ, đồng thời thay đổi hình dạng hoàn toàn thành một loài khác (1). Vì thế, hiện nay, người ta chỉ còn thấy lạc đà tại Á Châu, và đông đảo hơn cả là ở miền Tiểu Á cùng các quốc gia Phi Châu mà thôi.

Hình thù tuy xấu xí vì cục bướu trên lưng chẳng khác gì gù, lại lờ đờ, chậm chạp, kém thông minh, lạc đà dư sức chịu đựng khí hậu quá khắc nghiệt trên sa mạc, cũng như thừa khả năng chở nặng tới nam, sáu trăm cân Anh hàng hóa với tốc độ hai mươi lăm dặm mỗi ngày. Ngoài ra, một số lạc đà dùng trong quân đội có thể di chuyển hàng ngày từ bẩy mươi lăm tới một trăm hai chục dặm, và đặc biệt chạy nhanh tới chín, mười dặm một giờ. Loại này gọi là Dromas, tiếng Hy Lạp nghĩa là "chạy".

Trung bình cao khoảng hai thước mốt tính từ dưới đất lên tới bướu, đầu to nhưng dẹt, mõm lớn khoằm xuống chứa nhiều răng sắc bén, lạc đà ăn hạt đậu phơi khô, cõ, thân, lá, rễ loài thảo mộc, và "nhá" bất cứ thứ gì bắt gặp, ngay cả vải lều, dây cương, rổ rá bằng tre của chủ nó cũng không tha. Nhờ hàm dưới có thể chuyển dịch sang hai bên và hàm trên đủ rộng, lại thêm chiếc lưỡi dài, mỗi miếng, lạc đà cuốn vào miệng hàng đấu thức ăn, để rồi lúc rảnh rỗi "ụa" lên nhai lại, vì nó vốn thuộc loài ăn cỏ và nhai lại như trâu, bò v.v... Riêng hai lỗ mũi lạc đà thiệt mềm, nên dễ dàng nở lớn hay thu nhỏ tùy theo khí hậu trong vùng. Mắt lạc đà khá to, mầu nâu gồm hai mí bao phủ con ngươi, giúp nó khỏi bị mờ mắt trước những cơn bão cát khủng khiếp và ánh nắng chói lòa trên sa mạc. Dù chở nặng đến đâu, nhưng lạc đà không bao giờ chịu sa lầy, vì bốn cẳng thon thon nhưng bàn chân lại to bè bè gồm hai móng duy nhất. Móng này mềm chứ không cứng, hơn nữa, lớp da dưới gan bàn chân sẽ nở rộng đủ để nó đứng vững trên cát khỏi sợ bị lún sâu. Đã vậy giữa các khớp xương chân lạc đà còn có nhiều "miếng nệm" thật dầy, nên nó có thể quỳ xuống cát, hay dựa vào đất để lấy đà đứng lên dễ dàng.

Như chúng ta đã biết, lạc đà là con vật có bướu trên lưng. Bướu đó không phải bằng xương mà là bắp thịt được mỡ bao bọc. Lớp mỡ này chính là nguồn cung cấp chất bổ dưỡng nuôi thân thể, nên lạc đà thường không ăn uống cả tuần lễ khi đi công tác.

Xưa kia, nhiều người vẫn cho rằng lạc đà chứa nước ở cục bướu và bao tử, nhưng năm 1954, bác sĩ Kent Schmidt Nielsen thuộc Viện đại học Hòa Lan sang Algéri nghiên  cứu kỹ càng xem nguyên do nào loài này có khả năng chịu được nóng và nhịn uống tài như vậy. Theo ông thì sở dĩ lạc đà ít uống nước là bởi vì nhiệt độ trong người nó gia tăng theo khí hậu bên ngoài, nhờ vậy chất nước đỡ hao hụt. Khi cần uống, lạc đà chỉ thu lại đủ số lượng nước đã mất chứ không tích trữ bao giờ bằng cách cho nước ngấm vào các tế bào chung quanh bướu và dưới bụng, vì thế những phần này sẽ phồng lên khác thường, chứ làm gì có cơ quan riêng để chứa như vẫn đồn đại. Trong suốt một tuần lễ mùa hè hay hai tuần mùa đông, lạc đà mới uống nước một lần mà thôi.
 
Căn cứ vào số bướu, chúng ta có hai loại lạc đà:
 
a_ Lạc đà một bướu hay lạc đà Ả Rập lông ngắn, màu nâu xám như cát, hai chân trước cao, sống tại Bắc Phi, À Rập và miền Tây Á Châu.

b_ Lạc đà hai bướu hay lạc đà Bactria (2) da thật dầy, lông cổ và bắp chân cùng chung quanh hai bướu rất dài, dài tới nửa thước lận, màu nâu pha đỏ, hai chân trước thấp. Loại này khỏe hơn lạc đà Ả Rập nhiều, nhất là có biệt tài uống được cả nước mặn, bơi giỏi và bơi khá xa, chuyên sống ở Á Châu mà thôi.

Lạc đà tính tuy thuần, nhưng đôi lúc tỏ ra còn hoang dã và rất khó huấn luyện. Người ta chỉ có thể dạy nó quỳ xuống để chủ leo lên xong là đứng dậy chứ không thể tự ý làm được việc gì hết nếu chẳng bị ép buộc và dẫn dắt. Thỉnh thoảng lạc đà rất hung dữ, nó thường cắn, húc, đá loạn xạ.

Lạc đà cái mang thai mười một tháng mới đẻ đứa con độc nhất. Ngay khi sinh ra, lạc đà con cao gần một thước, chưa đi vững vì quá yếu nhưng cũng biết lần mò theo mẹ để bú. Nếu phải di chuyển xa, lạc đà con được đặt trong một cái giỏ treo lẫn lộn với vải vóc, túi nước, muối, lương thực... cột trên lưng mẹ nó, nhưng phải để cho mẹ nó trông thấy đứa con, bằng không nó không chịu đi. Trái ngược với ban ngày, về đêm khí hậu sa mạc lạnh kinh khủng, nên lạc đà mẹ phải ấp ủ con trong lòng cho nó ấm. Tới ba tuổi, nó bắt đầu chở những món hàng nhẹ. Từ mười lăm tới hai mươi tám tuổi, lạc đà đang sung sức nên mang được rất nhiều hàng hóa và đến ba chục tuổi trở đi, sức lạc đà yếu dần không kham nổi công tác nặng nhọc như xưa.

Cưỡi lạc đà cũng phải quen như thủy thủ không sợ sóng vậy. Sau khi chủ leo lên lưng rồi, lạc đà thường rống lên trước khi đứng dậy như kiểu chúng ta "hò dô ta" để kéo vật gì nặng. Đấy chính là lúc nó lấy đà đứng hai chân một bên lên trước, rồi mới đứng nốt hai chân bên kia. Vì lạc đà di chuyển lưng nó rung rinh nghiêng ngả chẳng khác gì con thuyền chòng chành trên sóng nên nó có tên "Chiếc tàu trên sa mạc".

Cảnh sát Ai Cập thường buộc chặt thân mình họ vào lạc đà để thi hành công tác truy tầm kẻ phạm pháp lẩn trốn trên sa mạc. Các quốc gia Ả Rập Phi Châu đều dùng lạc đà vào những cuộc hành quân chứ ít sử dụng cơ khí.

Ngoài số lượng hàng hóa chở đến, lạc đà còn là nguồn cung cấp lương thực cho sắc dân sống tại ốc đào. Họ lấy các chất béo trong sữa và bướu lạc đà làm thức ăn thay cho bơ và phó mát. Thịt lạc đà phơi khô hay muối, riêng bộ da của nó dùng làm lều, chăn, quần áo, dây thừng, giầy dép, túi đựng nước, thắt lưng, bao kiếm v.v... còn lớp mỡ đặc dành thắp đèn, nấu cơm và giữ cho da dẻ khỏi nứt nẻ.

Tuy hữu ích như vậy, lạc đà vẫn chưa được xếp vào hàng gia súc như gà, vịt, trâu, bò mặc dù người ta chăn nuôi, giữ gìn cẩn thận.

Lạc đà chỉ sống trong vòng năm mươi năm.


ĐẶNG HOÀNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 65, ra ngày 19-11-1972)

____________________
(1) Các khoa học gia còn cho rằng con Dromas, Alcapas và Vieffnas chính là con cháu thủy tổ lạc đà ngày xưa.

(2) Bactria - tên một quốc gia cổ xưa ở miền Đông Á Châu, nằm giữa sông Oxus và dãy núi Hindu Kush ở Ấn Độ.

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Con Cám Khổ

 - u ơ... Má ơi đừng đánh con đau... Để con bắt ốc hái rau má nhờ... ội, ội nín ngủ đi cưng...

Con Cám ngồi bẹp dưới đất, đưa đẩy chiếc võng nhỏ xíu làm bằng một mảnh khăn lông cũ xì đen bẩn, hai đầu cột vào hai thanh tre cắm chặt xuống đất. Nằm trong võng không phải là một đứa bé, cũng chẳng phải một con búp bê, mà chỉ là một cái ve con con được quấn vải làm áo. Tuy nhiên qua đôi mắt to đen láy của con Cám, đó chính là một em bé vậy, và nó sống rất thật với cái cảnh dỗ em ngủ của một người chị nhà quê. Nó cất giọng trong trẻo buồn buồn hát lên những câu hát ru em có tự ngàn xưa, và đã thấm đượm vào hồn nó trong những lần mẹ nó ru nó ngủ ngày trước. Nắng trưa như dịu lại ; bóng mát của tàng cây vú sữa trên đầu con bé như dày hơn ; con chó Mực đang ngồi xổm trên vách nhà thè lưỡi thở hồng hộc, bỗng nằm mẹp xuống, gác đầu lên hai cẳng trước, lim dim cặp mắt ; con gà trống ô đứng trên chuồng heo im ngay tiếng gáy ; mấy con chim đang nhảy nhót trên cành đậu ngay lại, ngơ ngác nhìn quanh... tất cả cùng lắng nghe những câu ca trìu mến, thoát từ đôi môi xinh mộng của cô bé nghèo.

Nhưng giữa lúc ấy, chợt có tiếng cười hi hí vang lên, phá tan bầu không khí êm đềm : Tấn, một cậu bé ăn mặc sạch sẽ, từ trong nhà chạy ra vỗ tay nhái giọng:

- Ầu ơ... ội ội... Hay quá, hay quá!

Cám bực tức quay lại gắt:

- Đi chỗ khác chơi! Tao có ghẹo mầy đâu, sao mầy cứ phá tao hoài vậy?

Tấn nghinh ngang bước lại gần, đứng chống nạnh hất mặt nói:

- Tôi phá nữa, rồi chị làm gì?

- Tao đánh mầy chết!

Tấn cười giòn:

- Ngon quá ta! Nhưng  kìa, ba tôi ở sau lưng chị kìa.

Hai tiếng "ba tôi" như chứa một mãnh lực khiến Cám quay người lại, mặt thoáng vẻ sợ hãi. Song nó không thấy dượng Sáu đâu cả. Biết bị mắc lừa, nó toan mở miệng mắng cậu "em ghẻ" một câu, nhưng khi nhìn về chỗ cũ, nó nghẹn lời đi, vì căm giận quá sức: Hai trụ võng vừa bị thằng Tấn nhổ phăng vứt ra xa ; chiếc võng con sút sổ nằm vắt ngang rễ vú sữa nhèo nhò như  một mảnh giẻ rách bẩn thỉu ; "em bé ve chai" thì té lăn lóc gần đó, nó không đau, không khóc, mà chính Cám mới thấy quặn thắt trong lòng, nước mắt trào ra ướt nhòa đôi mắt to đen, vốn đã buồn như đêm tối. Tức giận vô cùng, nhưng không biết làm sao hơn, Cám chỉ mếu máo:

- Tấn, sao mầy chơi ác quá vậy?

Đã không chút hối hận, Tấn còn nhe răng cười, đoạn ra bộ, nhăn mặt nói:

- Ôi thôi, em nhỏ bị té rồi!... Lêu lêu mắc cỡ, khóc cái miệng méo xệch xấu quá ê!...

Không sao dằn được cơn giận nữa, Cám vớ lấy một nhánh cây nằm gần bên, quất vào mình Tấn. Nhưng nó lanh lẹ tránh khỏi, và vụt chạy vào nhà. Cám tức tốc đuổi theo. Gần đến cửa, sắp tóm được thằng bé ranh, Cám bỗng bị một bàn tay xô bật trở lại, kèm theo là một tiếng quát ồ ồ như cọp rống:

- Đứng lại. Làm gì rượt em mầy dữ vậy?

Cám lảo đảo, va người đánh rầm vào cánh cửa. Nó hoảng hốt đến quên cả đau, khi nhận ra người cản đường là dượng Sáu, ba Tấn, cha ghẻ mình. Tấn vừa đứng dừng lại, và vụt đổi thái độ: nó xịu mặt xuống làm như chực khóc òa lên, nũng nịu nói với cha:

- Ba ơi, chỉ rượt đánh con đó. Chỉ muốn giết con mà!

Dượng Sáu quắc mắt nhìn Cám:

- Đồ chó! Mầy ăn hiếp em hả?

Cám buông roi, phẫn uất nói:

- Con có ăn hiếp nó đâu? Nó ăn hiếp con thì có.

- Mầy không ăn hiếp, sao xách roi tính đánh người ta?

- Tại nó phá con, nó còn trêu chọc con nữa.

- Khá thật! Hôm nay mầy dám cãi lý với tao há!

Dứt lời, dượng Sáu sấn tới giáng vào má Cám một tát tai tối tăm mày mặt.

Một lần nữa, nó ngã quỵ vào vách, và ngồi phệt xuống luôn, ôm đầu khóc nức nở. Chiếc thân bé nhỏ xác xơ càng bé nhỏ xác xơ hơn với cái dáng thảm sầu. Hai bàn tay gầy guộc ôm lấy má, mái tóc rối phủ lấp cái mặt cúi gầm, thân hình ốm yếu co ro trong manh áo đen vá chằng  chịt cứ run lên qua từng tiếng nấc bi thương, trông nó chẳng khác một con chim non lạc lõng sau cơn giông gió phũ phàng. Đau đớn, uất ức, tủi thân quá, Cám cảm thấy mình nhỏ nhoi vô phước hơn một con vật. Nó khóc với tất cả đau buồn chất ngất trong tâm.

Ngay khi đó thím Tư, mẹ ruột Cám, từ nhà sau bước ra. Thấy cảnh con mình như vậy, thím cau có hỏi chồng:

- Ông đánh nó đó hả?

Dượng Sáu đáp cộc lốc:

- Ừ.

- Nếu nó có lỗi lầm chi, ông dùng lời răn dạy không được hay sao, sao lại nỡ đánh đập tàn nhẫn như vậy?

- Bây giờ bà giở giọng bênh con phải không?

- Vâng, việc gì cũng vừa phải thôi chứ. Ông đã đày đọa, bắt nó làm đủ chuyện cho ông, lại còn hà hiếp nó nữa à?

- Hừ, tôi làm thế đấy, rồi sao?

Nói xong, dượng Sáu hằn học đi vào trong. Tấn cũng vênh váo bước theo sau. Hai cha con điệu bộ giống hệt. Thím Tư khó chịu nhìn theo, đoạn bước lại bên Cám, ôm con vào lòng dịu ngọt hỏi:

- Con bị đánh đau lắm à? Vì sao con bị dượng đối xử tàn tệ như vậy?

Như được khơi thêm sầu tủi, Cám ngả đầu vào ngực mẹ, khóc to hơn. Thím Tư cũng rơm rớm nước mắt. Thím rút khăn lau mặt con, buồn bã nói:

- Thật khổ cho con gái tôi, mới từng tuổi nầy mà phải gánh chịu bao điều phiền muộn. Cũng tại má cả!... Cám à, con có giận má không?

Cám lắc đầu, tức tưởi nói:

- Không, con hổng có giận má. Con chỉ...

Nó muốn nói thêm nhiều, nhưng chẳng biết nói sao cho suôn, nên chỉ ấm ứ, rồi thôi. Hai mẹ con ngồi im nơi ngạch cửa, lặng thinh, mỗi người miên man với một ý nghĩ. Cám buồn cho hiện tại rồi nhớ đến dĩ vãng mà lấy làm lạ, không sao hiểu được thái độ lạ lùng của cha ghẻ mình. Nó còn nhớ rõ...
 
Dạo ấy, khi chú Tư mất, thím Tư ở vậy nuôi con được ba năm, rồi tái giá với dượng Sáu. Dượng cũng góa vợ, có một đứa con, thằng Tấn, và là người trong làng. Thím Tư ưng thuận với dượng phần lớn cũng chỉ vì lo cho cám, muốn cho nó được hưởng cái cảnh đầm ấm của gia đình, có đủ cha đủ mẹ đùm bọc chở che. Mà quả vậy, quãng đầu trong đoạn đời mới, mẹ con thím được sống trong vui sướng thật. Dượng Sáu tỏ ra rất thương yêu vợ kế, và chiều chuộng săn sóc con ghẻ như con ruột của mình. Cảnh ấm êm đó cứ tưởng thắm đẹp mãi, ngờ đâu mấy lúc gần đây, dượng Sáu lại thay đổi thái độ một cách đột ngột. Tự dưng  dượng  sinh ra ghét bỏ thím Tư, hằn học trong từng cử chỉ, lời nói, mỗi lần tiếp xúc. Phần Cám, dượng đối xử với nó chẳng khác một  đứa ở: mảnh áo lành thay vào manh áo vá, tình thương lấy đi thay bằng khác nghiệt. Thằng Tấn cũng nương theo cha mà hỗn láo với mẹ ghẻ, hiếp đáp chị. Mẹ con thím Tư cam chịu biết bao tủi cực không biết nguyên do đâu mà ra..

Trầm ngâm một lúc, thím Tư kéo con lại ngồi nơi bộ ván và hỏi:

- Hôm qua có cô Ba lại thăm, con có thấy không?

Cám gật đầu:

- Dạ thấy.

- Cổ đến bàn với má, muốn đem con về ở với cổ đó. Con chịu hôn?

Cám ngần ngừ không đáp. Nó không muốn xa mẹ, người nó yêu kính nhất đời. Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến nó phải e ngại khi phải theo cô. Ngày trước, bà nội, ba nó còn sống, đã cùng má nó, cô Ba chung sống một nhà, nó thấy cô chẳng tốt chi. Cô ghen ghét má nó, tìm lời gièm pha nói xấu má nó với bà nội, làm phiền má nó luôn. Cám đã thầm giận cô lắm, bây giờ bắt về sống với cô nó không muốn chút nào. Cám định nói:

- Thôi má ạ, con hổng chịu đâu.

Song chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, khiến nó lại thôi : Ờ, không chừng vì có mặt mình mà dượng xử tệ với má. Nếu mình đi, biết đâu lại khác. Mình ra thế nào cũng mặc. miễn sao má được sung sướng thì thôi. Má đã khổ nhiều lắm. Trước kia má phải chịu sự bắt nạt, đày đọa của bà nội, cô Ba và cả ba nữa, bây giờ cũng chẳng hơn gì. Đời má sao đáng buồn thế?

Thấy con suy tính quá lâu, thím Tư hỏi lại:

- Con nghĩ sao? Ở đây tuy gần má nhưng má nào có chăm sóc cho con được gì. Về với cô có lẽ con sẽ được sống đầy đủ hơn đó.

Cám gật đầu, nghẹn ngào nói:

- Dạ, con xin vâng lời má.

Rồi nước mắt lại trào ra chan hòa.

*

Cô Ba với lấy chiếc lược để trong góc bàn, tươi cười bảo Cám:

- Tắm rửa sạch sẽ rồi đấy à? Lại đây cô chải đầu cho, cháu cưng.

Cám ngoan ngoãn vâng theo. Chải gỡ lại mái tóc rối và ướt của nó xong, cô lấy kéo vanh móng tay cho nó nữa. Vừa làm, cô vừa nói:

- Má mầy thiệt tệ, có mỗi một đứa con gái mà không chăm lo gì đến cả.

Cám nói:

- Tại má con không có thời giờ săn sóc con thường đó thôi. Chứ má con thương con lắm, cô ạ.

Sửa soạn cho Cám xong rồi, cô Ba lấy kiếng đưa nó soi. Cám đỡ lấy, ngạc nhiên nhìn vào bóng mình. Con Cám mà xinh thế ư? Với mái tóc đen mượt chảy xuôi ra đằng sau lòa xòa phủ xuống bờ vai nhỏ, để lộ gương mặt tròn trĩnh sáng sủa, với cặp mắt to chớp chớp đôi hàng mi cong dài, lộ nét vui thích thơ ngây, với cái miệng cười chúm chím đẹp như cánh hoa chớm nở, trông nó khác lạ thế nào!

Cô Ba vui vẻ hỏi:

- Sao, có đẹp không cô bé?

Cám cúi mặt, thẹn thò không đáp. Lòng cảm mến đối với cô len vào hồn nó sâu thêm chút nữa.

Cám về ở với cô Ba đã bốn năm hôm. Mấy bữa đầu nó buồn bã, kém ăn kém nói. Song dần dần, nhờ cô Ba khéo an ủi vỗ về nên nó vui tươi trở lại. Cũng do những cử chỉ thân ái đó, mà sự ngờ vực cô mình tan biến ngay trong đầu Cám. Trái lại, nó càng thấy mến thích cô nữa là khác. Từ trước đến giờ có ai nuông chiều, dịu ngọt với nó như cô vậy? Nó nghĩ rằng thời gian đã gột rửa đi lòng ích kỷ của cô rồi. Nhưng sự thật, đã là ớt thì khó mà hết cay. Cô Ba đem Cám về sống với mình là để thực hiện một tham vọng đấy, nào có thương tưởng gì đến thân nó đâu. Những cử chỉ trìu mến, những lời lẽ ngọt ngào vuốt ve cõi lòng cô đơn của con bé chỉ là những mánh khóe trong bước đầu kế hoạch của cô đó thôi. Và bước đầu có thể nói là hoàn toàn thành công rồi, cô quyết định lần sang bước thứ hai ngay chiều nay... Cô vụt hỏi Cám:

- Cám à, con thích có nhiều tiền hôn?

Cám hơi sửng sốt. Lâu nay nó ít nghĩ đến điều đó, không dám nghĩ thì đúng hơn. Tiền! Ờ, nếu có nhiều tiền thì vui biết mấy. Cám sẽ mua quần áo mới để mặc, mua sách vở học như thằng Tấn vậy, mua búp bê nữa, và còn bao nhiêu thì đưa má xài. Nhưng làm sao Cám có nhiều tiền chứ? Cô Ba hỏi vậy làm gì vô ích. Cám nói:

- Con cũng thích, nhưng...

Cô Ba ngắt lời:

- Không nhưng chi cả. Nếu con thích, con có thể có được như thường.

Đôi mắt to của Cám càng to thêm, cái miệng tròn vo hỏi:

- Cô nói sao? Con làm việc chi được mà có nhiều tiền?

- Được chứ. Như con Bánh đó nó có lớn hơn con đâu nào.

- A, con hiểu rồi: Muốn có tiền, con phải đi ở mướn như con Bánh phải không ạ?

- Đúng vậy. Con xem, con Bành đi làm ở tỉnh mỗi lần về làng nó ăn mặc bảnh bao biết chừng nào! Nghe nói ba má nó nhờ nó mà đỡ túng bấn đấy... Con hãy nghĩ, có nên đi làm như nó không? Con nói rằng con thương má con, nhưng chẳng có ý gì chứng tỏ. Nếu con đi làm kiếm tiền cho người thì mới rõ lòng hiếu thảo được.

Lời cô Ba phải quá. Cám đã thấy xiêu lòng:

- Nghe cô nói con cũng chịu. Nhưng ở đây đâu có ai mướn đứa ở?

- Ờ, thì cô sẽ dẫn con ra tỉnh kiếm chỗ làm. Có khó chi, miễn con chịu làm là được.

- Dạ con chịu rồi đó. Mà chừng nào hở cô?

Cô Ba ra vẻ âu yếm, vuốt tóc Cám, dịu lời hơn:

- Cháu của cô ngoan quá! Bàn vậy chứ chưa vội gì. Phải để con nghỉ ngơi vài ngày đã chứ.

Đoạn cô cười, mừng rơn trong bụng.

Thế là hai hôm sau, cô Ba dắt cháu khăn gói ra tỉnh.

Khi đi ngang qua nhà dượng Sáu, Cám níu cô đứng lại:

- Khoan đã cô, cho con vào thăm má con lần nữa, và cho bả hay con theo cô đi làm, nghe?

Cô Ba cau mày toan nạt nó một câu, song nghĩ sao, cô dịu giọng:

- Không nên con à. Ba ghẻ con chẳng ưa gì con. Thấy mặt con, thằng chả sanh giận rồi ghét lây cả má con nữa đa... Vả lại, cô nghe nói má con đi đâu vắng mấy hôm rày, gặp sao được?

Dứt lời cô kéo Cám đi. Nó riu ríu theo sau, mặt xụ xuống, đôi mắt buồn lại chực khóc.

Ra đến tỉnh, cô Ba đưa Cám đến ở nhờ nhà một người quen. Phần cô lo chạy đi kiếm chỗ làm cho nó. Một mình ở nơi nhà người lạ, nhìn trước mắt cái gì cũng khác thường, con bé cảm thấy bỡ ngỡ bơ vơ như một con nai xa lạc rừng thẳm. Bấy giờ, người thân thích gần nó nhất là cô Ba. Nó cần có cô bên mình hơn cả má nó nữa. Cô bỏ nó đấy mà đi, nó ra vào trông ngóng, thầm trách sao cô đi lâu quá vậy. Nếu cô không về với nó, thì chắc chết! Con nhỏ cứ nghĩ thế mà sợ cuống lên.

Nhưng rồi đến chiều cô Ba cũng trở về. Cô vui vẻ cho Cám hay đã tìm được chỗ làm cho nó với lương tháng 300 đồng.

Sáng hôm sau cô Ba dẫn Cám đến nhà chủ. Giao cháu cho bà chủ xong, cô dặn dò nó mấy câu, rồi đi. Cám chạy theo nói như van:

- Cô ơi, có rảnh ghé thăm con nghe cô!... À, có gặp má con, cho con gởi lời thăm với.

Cô Ba quay lại tươi cười:

- Con cứ yên lòng làm lụng cho giỏi. Cô vẫn ở ngoài tỉnh, sẽ đến thăm con thường mà.

Nhà Cám ở làm gồm có một bà mẹ, tức bác Bảy, hai người con là anh Hai đi làm việc, và anh Hoàng học ở trường trung học. Lần đầu tiên bước vào cuộc đời đi ở mướn, Cám lo sợ e ngại vô cùng. Nó đi đứng khép nép, gần như run sợ khi đứng trước mặt chủ. Song chỉ một tuần lễ sau, mặc cảm nhỏ nhoi tiêu tan dần, nó tươi tỉnh lên đôi chút. Bà chủ mà ban đầu nó tưởng rất nghiêm khắc, lại rất nhân từ. Bác Bảy đối xử với nó như con cháu trong nhà vậy. Anh Hai cũng chả khó hơn. Anh Hoàng thì dễ chịu nhất rồi. Công việc của Cám có chi là nặng nhọc so với lúc ở với dượng Sáu? Quét  nhà, phụ nấu nướng với bác Bảy, giặt đồ, thế thôi. Riêng anh Hoàng, áo quần của anh anh lo giặt lấy, không chịu giao cho Cám. Anh bảo lúc trước không có nó thì nhờ ai? Vả, anh làm theo ý mình vẫn thích hơn. Thấy Cám tỏ ý ham học, những lúc rảnh anh dạy nó học chữ nữa. Công việc hơi khó một chút, bởi Cám chưa biết gì cả. Nó có đến trường bao giờ? Tuy thế, anh chẳng lấy làm phiền, trái lại còn vui vì tự cho mình đã làm một việc có ích cho người. Chẳng bao lâu mà Cám đã ê, a đánh vần đọc báo được. Ơn anh Hoàng nó ghi khắc trong tâm khảm, khó mà phai. Cám tự nhủ: Nếu được ở với bác Bảy, anh Hai, anh Hoàng như thế này nó cũng vui.

Cuối tháng đầu, cô Ba đến lãnh tiền. Cô đưa cho Cám mười đồng bạc và bảo:

- Con giữ để dành ăn bánh. Còn bao nhiêu cô đem về cho má con nhé.

Cám vui vẻ nói:

- Phải đó. Con có xài chi lắm mà lấy nhiều.

Nó tưởng tượng ra vẻ mặt ngạc nhiên mừng rỡ của thím Tư khi nhận được tiền của nó, mà vui vô hạn.

Cuối tháng thứ hai, cô Ba hơ hãi đến cho Cám hay má Cám đau nặng, và xin bác Bảy cho nó về. Nghe mẹ bệnh, Cám cũng nóng được gặp mặt. Nó vội vàng thu xếp quần áo, từ giã chủ. Bác Bảy trao tiền cho cô Ba, dặn cô chóng dẫn nó trở lại, nếu có chuyện gì thì cho bác hay. Anh Hoàng đưa Cám ra tới cổng. Nó nắm tay anh:

- Thôi em đi nghe anh. Má em hết bệnh, em trở ra liền. Xa anh lâu nhớ lắm.

Đoạn nó chạy theo cô Ba. Đi một đỗi, Cám lấy làm lạ khi thấy cô Ba không dẫn nó ra bến xe để về làng, mà dắt nó tới một ngôi nhà ngói nọ. Nó đứng dừng lại trước cửa cổng, trợn mắt hỏi:

- Sao không trở về làng thăm má con lại tới đây? Hổng lẽ má con ở trong nhà nầy sao cô?

Cô Ba cười hì hì:

- Lúc nãy cô nói má con đau, là nói dối để có cớ cho con thôi việc, đặng dẫn con đến làm ở đây đó. Làm chỗ nầy lương cao hơn nhiều con à.

Rõ ra, Cám bực tức hết sức. Tại sao cô Ba nỡ đem má nó làm phương tiện lừa dối gia đình bác Bảy, đánh lừa cả nó nữa? Tại sao cô không nói thẳng với bác Bảy? Bác Bảy, anh Hai, anh Hoàng đều là người tốt, xử sự như vậy thật không phải chút nào. Cám giận ghê lắm. Song nó chịu đè nén đã quen, nên chỉ vùng vằng đôi chút, rồi cũng theo cô Ba đi vào nhà nọ.

Bắt đầu từ hôm ấy, Cám sang ở mướn một gia đình mới: Ông bà Phán và đám con tám đứa lúc nhúc như gà con. Về ở nơi đây, Cám đã trở lại với kiếp sống đọa đày từng bấu víu lấy nó. Con bé còn khổ sở hơn là lúc sống với cha ghẻ. Mặc kệ tấm thân ốm yếu với mớ tuổi mười hai, mười ba, người ta bắt nó làm cho đáng tiền mướn chứ. Mỗi ngày Cám phải thức dậy thật sớm giặt cả thau vun quần áo, rồi nấu nước, pha sữa, chạy ra chợ mua thức ăn điểm tâm cho chủ, về nhà lại quét tước, chẻ củi lo nấu cơm, trưa thì lau nhà, ủi đồ, xế thì xách nước tưới kiểng, tắm rửa cho đám trẻ... Hình như lúc nào cũng có công việc cho nó làm. Đã vậy nó còn bị bà chủ rầy mắng luôn, và mấy đứa con lớn của bà hiếp đáp, hành hạ nữa. Tủi cực chồng chất, nhiều lúc nó nhớ lại cảnh sống với gia đình bác Bảy mà tiếc thầm. Có lần nó thấy anh Hoàng đi ngang qua nhà, nó hoảng hốt chạy vào trong lánh mặt, dù thực tâm vẫn muốn gặp lại người mình yêu kính. Nó sợ anh Hoàng hỏi ra, cho nó là phường dối trá, ham tiền thì khổ.

Cám làm đủ một tháng, cô Ba lại đến lãnh tiền. Lúc cô xuống nhà dưới, nó kéo cô ra sau hè, rơm rớm nước mắt mà nói:

- Cô ơi, làm ở đây cực quá, lại bị chê trách rầy rà hoài, con chịu hổng nổi. Cô cho con thôi, trở về làm với bác Bảy hoặc đi làm ở đâu khác cũng được.

Với những lời van lơn tha thiết đó, Cám những tưởng cô Ba sẽ chiều theo, hay ít nhất cũng an ủi nó vài lời. Nào ngờ cô sa sầm nét mặt, quắc mắt, nghiến răng:

- Cực cái gì? Chà, lúc nầy lại sanh tật làm nũng hả? Không thôi chi cả! Mấy phải rán làm sao cho bà chủ vừa ý. Để cho bả phàn nàn điều gì thì biết tay tao.

Cám kinh ngạc đến  sững sờ, và trong lúc cô quay đi, nó úp mặt vào tay khóc rấm rức. Thằng Quyền, con đầu lòng của bà Phán, không biết đứng rình gần đấy tự hồi nào, bước lại bảo:

- Mầy muốn thôi hả? Còn lâu! Cô mầy lãnh tiền trước hai ba tháng rồi đó.

Đoạn nó cười ha hả và bỏ đi. Cám thấy tan nát cả lòng. Phải chăng cô nó chỉ thương tiền mà không chút thương nó? Ủa, mà tiền nó làm ra, cô nó bảo là đem về cho má nó hết, thì ít nay nhiều nào có lợi gì cho cô, sao cô quan tâm đến thế? Cám không sao hiểu. Nó gục đầu khóc lớn hơn.

*

Bà Phán gọi Cám lại, trao cho nó một cái tô kiểu và bảo:

- Lại tiệm chú Tiều mua hai đồng tương ngọt. Tấm giấy hai chục đây, mua rồi nhớ đếm kỹ tiền thối nhé. Đi nhanh lên.

Thằng Quyền đứng bên xen vào:

- Ê, đừng có ăn lời đấy nhé!

Cám làm thinh cầm tô đi. Tiệm chú Tiều cách nhà không xa mấy. Lúc Cám vào, tiệm vắng khách. Nó hỏi mua tương và trao tô, tiền cho chệt Tiều. Chú chưa kịp múc thì có một ông ăn mặc đàng hoàng hước vào hỏi mua lung tung. Chệt Tiều lật đật nhét tiền của Cám vào túi, đặt tô lên bàn, lo tiếp ông khách đã. Hai người, kẻ thách người trả một hồi mới mua bán xong. Cám nóng ruột quá. Đi mua lâu như vầy, không khéo về lại bị chủ mắng. Lúc chệt Tiều múc tương xong, nó vội tiếp lấy tô, quày quả ra khỏi tiệm. Nhưng đi được một đỗi, Cám sực nhớ mình chưa lấy tiền  thối. Nó trở lại đòi. Dè đâu chệt Tiều hầm hầm cất giọng lơ lớ bảo:

- Đừng có nói bậy. Lúc nãy mầy đưa có hai đồng, bây giờ nói hai chục hả?

Mặc cho con bé hết lời van xin, chú ba Tàu nhứt định không trả lại tiền dư. Chú quát:

- Về đi, từ nay đừng tới đây mua. Bán cho mầy xui quá!

Thấy không thể nào làm cho chệt mở lòng nhân được, Cám đành  đi ra. Nó rầu rĩ không biết phải nói làm sao với bà Phán. Giữa lúc khốn cùng, nó bỗng nảy ra một ý, và thấy nhẹ hẳn lòng. Ờ, thôi thì lấy tiền của mình trả cho chủ vậy. Mỗi lần lãnh lương cháu, cô Ba đưa cho nó năm mười đồng. Nó cất đấy không ăn xài chi cả, định để dành mua một con búp bê. Nhưng bây giờ thì thôi, tan mộng! Mừng vì thoát được nguy, buồn vì mất cả tiền, hai cảm nghĩ trái ngược lẫn lộn trong đầu con nhỏ, tạo nên một nét mặt kỳ dị, làm như nửa cười nửa khóc.

Về đến gần nhà, Cám chợt để ý đến một cặp vợ chồng vừa đi sớt ngang. Người đàn ông dáng dấp trông giống cha ghẻ nó quá. Còn người đàn bà bị ông ta che khuất nên không thấy rõ. Cám lập tức đuổi theo, xem có phải dượng và má nó chăng. Chứng đến gần nhìn kỹ, nó sửng sốt: Người đàn ông đúng là dượng Sáu, nhưng người đàn bà không phải là thím Tư. Tại sao cha ghẻ Cám không đi với má nó, lại chung bước với ai lạ hoắc vậy? Nó thất vọng, thắc mắc vô cùng. Cám không ưa gì dượng Sáu, nhưng chẳng hiểu sao nó mong thím Tư luôn sống với dượng, và không muốn ai chia rẽ dượng với má nó cả. Bây giờ linh cảm rằng chính người đàn bà đã cướp mất vị trí của má nó bên dượng Sáu, tự dưng nó thù ghét bà ta hết sức. Bất giác Cám bước sấn tới, toan hỏi cho ra lẽ. Nhưng vừa khi ấy, dượng Sáu quay lại, trừng mắt nhìn. Như chạm phải một luồng điện, bỗng dưng nó bủn rủn tay chân, đứng dừng hẳn lại. Rồi tưởng chừng như dượng sắp nhảy tới, giáng cho nó hai ba tát tai như thuở nào, nó quay người bỏ chạy. Bất ngờ, vấp phải một cục đá, nó té lăn kềnh. Tô tương sút khỏi tay, văng ra bể nát. Cám chết điếng cả người. Trời ơi! Hoạn nạn sao mà dồn dập thế nầy? Mất tiền còn có thể đền, bể cái tô kiểu biết tìm đâu ra cái thứ hai? Cám hoảng sợ đến không khóc nổi. Tay chân nó run lẩy bẩy, tim đập muốn vỡ ngực. Nó hình dung nét mặt, bộ điệu giận dữ của bà chủ mà rùng mình. Có nên trở vào nhà không? Không! Phải trốn. Nó thất thểu đi như lần dò trong một đêm tối mịt mù đầy gió bão.
 

Cám cứ lê bước không định hướng, đầu óc choáng váng gần như không ngại gì, không biết gì đến khung cảnh rộn rịp của phố xá. Hình như có đôi lần nó va phải người đi đường, bị xô ra chửi cho một câu, hoặc sắp đâm đầu vào xe đang chạy. Đêm dần buông, đường phố đã lên đèn, nhưng không soi rọi vào lòng nó một tí ánh sáng nào. Mỏi mệt, vô tình cũng vừa đến một công viên, nó lại ngồi phệt trên một băng đá, ngỡ ngàng nhìn người qua lại.

Gần chỗ Cám ngồi có một đám trẻ đang tung tăng chạy nhảy reo đùa bên cạnh cha mẹ chúng. Đứa nào cũng quần áo tươm tất, vui tươi như chim sẻ. Nhìn chúng, rồi ngó lại mình, Cám thấy tủi thân. Con nhỏ kia với nụ cười hồn nhiên, mái tóc chải chuốt, áo quần giày vớ đẹp đẽ đó, cũng chỉ là một con bé thường thôi, nó nào khác, mà sao người ta sung sướng vậy, còn nó vì lẽ gì phải khổ sở thế này?  Ôi, cũng vì nó sinh ra trong một gia đình nghèo, lại thiếu cha xa mẹ. Nếu nó được làm con của một gia đình khá giả, thì kém ai? Tội nghiệp cho con bé. Má nó đặt cho nó cái tên là Cám, chắc cũng mong đời nó sẽ  giống như con Cám, trong truyện cổ tích vậy. Mà giống thật, nhưng than ôi, chỉ giống con Cám ở cái đoạn nó sống với mẹ ghẻ, cái đoạn bị chết lên chết xuống, mà không chịu giống cái hồi nó hoàn lại hình người, về làm vợ thái tử, mới đáng buồn chứ! Hơn nữa, con Cám ngày xưa trong lúc khốn khó còn được Tiên, Phật giúp đỡ, có  áo tiên giày tiên nầy nọ, còn nó nào được an ủi gì? Con Cám này đúng là "con Cám khổ" chớ không phải "con Cám sang" mà!

Ngồi nghỉ một lúc hết mỏi chân, Cám định rời băng đá, bỗng nghe có tiếng kêu ngạc nhiên lẫn mừng rỡ vang ngoài sau, rồi ai đấy chạy tới ôm chầm lấy nó. Nó kinh hoảng, tưởng chắc bà Phán dò theo bắt mình. Nó vùng vẫy la oái oái. Người ấy liền buông nó ra ngay, lo lắng hỏi:

- Ô kìa Cám! Con làm gì vậy?

Nghe cái giọng rất quen, êm ái, thân yêu quá, Cám vụt quay lại nhìn kỹ người nọ. Đoạn nó mừng rỡ kêu to một tiếng:

- Má!

Thì ra đó là thím Tư. Nhận ra mẹ, Cám bỗng gục đầu vào lòng thím khóc ồ lên. Thím để mặc cho con khóc, vì chính thím Tư cũng khóc kia. Hồi lâu, thím Tư vuốt tóc con âu yếm bảo:

- Thôi nín đi con. Cô Ba con đâu lại để con đi một mình? Sao con buồn quá vậy?

Nước mắt chảy nhiều, buồn phiền cũng vơi bớt, Cám nói:

- Chuyện dài lắm má ơi, để rồi con nói má nghe. Còn má đi đâu lạc đến đây vầy nè?

- Má đi tìm dượng... mà không, tìm con đấy.

- À, hồi nãy con thấy dượng đi với ai đó. Con tính...

- Thôi đừng nhắc tới y nữa. Từ nay con không còn dượng chi hết, chỉ có má thôi, và má sẽ ở mãi bên con, chịu hôn?

- Vậy hả má? Sướng quá chừng!

Im lặng một chốc, nó hỏi:

- Mỗi tháng con có nhờ cô Ba trao tiền con làm ra cho má, má có nhận được không?

Thím Tư ngạc nhiên hỏi lại:

- Ủa, con đi làm việc gì, hồi nào? Không có ở với cô Ba sao? Má có nhận được tiền gì con gởi đâu?

Cám thừ người. Hiều rõ hành động của cô Ba nó giận quá sức. Thím Tư chắc lưỡi:

- Tiếc thật!

Cám la lên:

- Tiếc thật mà! Tiền con làm cực khổ mới có, mà cổ lấy hết!

Thím Tư lắc đầu:

- Má không nói tiếc tiền, tiếc là tiếc mấy năm trời sống với lão cha ghẻ con đấy. Nếu má không tái giá, má con mình chắc không đến nỗi khổ như ngày nay.

Trầm tư một lúc, thím đứng dậy bảo con:

- Thôi đi con à.

Cám hỏi:

- Bây giờ đi đâu má?

- Đi về cái nhà hai má con mình đã ở với nhau lúc ba con mới mất đó.

Cám reo:

- Vậy hả? Đi liền!

Đèn công viên đẹp ghê! Gió từ ngoài sông thổi lộng vào mát mẻ lạ! Mãi lúc nầy Cám mới nhận ra thế. Nó siết chặt tay thím Tư, tung tăng chạy theo. Hai mẹ con cùng cảm thấy cõi lòng như ấm hẳn lại.


NGUYỄN VĂN NGHỆ      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 34, ra ngày 25-11-1965)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>