III. - BIỆT THỰ MẪU ĐƠN
Nghỉ phép mười lăm ngày, nhưng bố mẹ tôi bàn tính với bác Duy thế nào mà thời gian đi nghỉ hè chỉ có một tuần lễ. Đi vào sáng chủ nhật và sáng chủ nhật sau về. Quyết định này có làm chúng tôi hơi thất vọng một tí, nhưng chúng tôi bảo nhau cứ tạm chịu đi, ra ngoài ấy rồi sẽ tính cách kỳ kèo thêm vài ba ngày nữa.
Chiếc xe ba băng dài ngoằn của bác Duy chở đầy nhóc người là người. Nguyên gia đình tôi đã là chín người rồi. Thêm gia đình bác Duy bốn người nữa. Vị chi là mười ba. Con số 13 đã làm mọi người thấy sờ sợ, không lẽ lại để một người ở lại. Mà để người ở lại thì... ai đây? Tôi đưa ý kiến giải quyết thật gọn: cho con Cún đi theo là được mười bốn! Hết sợ xui xẻo! Con Hương đòi đem con Miu theo. Nhưng vừa mở miệng, mẹ tôi đã nạt:
- Không được, người ta kỵ cho mèo đi xe.
Con Miu đành là "người" duy nhất trong hai gia đình phải ở lại. Mẹ tôi gởi nó đằng nhà chú Ba hàng xóm, cũng là người được nhờ trông nom hộ nhà cửa trong lúc chúng tôi đi vắng.
Phút biệt ly mới buồn não ruột. Con Cún nghếch mõm lên nhìn qua cửa xe, con Miu buồn rầu cất tiếng meo meo dõi theo chiếc xe đang từ từ lăn bánh.
Ba băng xe được chia chỗ rất ư là... cá hộp. Tôi, thằng Hồng, thằng Dương, thằng Hồ, con Hường, con Hằng ngồi băng cuối. Băng giữa có mẹ tôi, Dung, con Hoa, con Huyền. Băng đầu là bác Duy trai, bác Duy gái và bố tôi. Con Hoa khéo miệng đã dụ được Dung theo phe nó, thỉnh thoảng lại quay xuống gây sự với phe chúng tôi. Mấy va li đồ đạc để lổn ngổn dưới chân thỉnh thoảng đè phải chân con Cún làm nó kêu ăng ẳng.
Sáng chủ nhật trời trong gió lặng, Sài Gòn rộn rã chúc kẻ ra đi thượng lộ bình an. Xe cộ dập dìu, thật đông đảo. Mãi gần tiếng đồng hồ sau, xe chúng tôi mới ra đến xa lộ.
Quang cảnh ngoài xa lộ khác hẳn trong thành phố. Bầu trời bao la rộng rãi. Đường thật dài và lớn, những chiếc xe vận tải to tướng, cồng kềnh cũng trở thành bé nhỏ.
Thằng Hồng nhìn về phía sau, thấy một anh chạy Honda, cố đuổi theo xe chúng tôi, nó nghêu ngao:
- Ai bảo đi xe là khổ, đi xe sướng lắm chứ... Ngồi Honda, ta rồ tay ga và miệng nhóp nhép ca...
Mẹ tôi quay xuống nạt khiến nó phải tắt máy ngay:
- Này, im cái mồm đi chứ, ca với hát...
Bác Duy trai dễ dãi:
- Bác cứ để chúng nó hát hỏng cho vui. Đường xa mà cứ ngồi im lặng thì buồn lắm...
Mẹ tôi nguýt chúng tôi:
- Đấy, bác cho phép rồi đấy, muốn ca hát gì thì ca hát đi...
Con Hoa quay xuống băng cuối của chúng tôi:
- Xin mời ông Hoạt náo viên...
Bác Duy gái cũng quay xuống:
- Phải đấy, các cháu làm một chương trình văn nghệ giúp vui đi nào... Bác nghe danh thằng Hoạt lâu lắm rồi mà chưa có dịp thưởng thức tài nghệ...
Tôi lúng búng hỏi:
- Tài gì cơ bác?
- Thì tài... nghịch chứ còn tài gì nữa.
Mọi người cười ồ khiến tôi phải đỏ mặt. Nhưng chả sao, đường ta ta cứ đi, ngại gì. Bố tôi dục:
- Thế nào, chúng tôi đã thưởng thức chương trình văn nghệ được chưa hở... ông Hoạt náo viên?
Tôi dạ dạ rồi bắt tay vào việc ngay. Tôi vận động con Hường trước tiên. Nó vui vẻ nhận lời. Tôi oang oang giới thiệu:
- Thưa quí vị khán giả, để mở đầu chương trình văn nghệ giúp vui hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu nữ thi sĩ Hường Hường. Hôm nay, cô Hường Hường xin diễn ngâm một bài thơ mới nhất của cô, cũng là sáng tác đắc ý nhất... Chúng tôi xin giới thiệu... Nữ thi sĩ Hường Hường...
Lũ trẻ vỗ tay cổ động. Trên mấy chiếc xe khác cùng đường, thấy sự náo nhiệt trong xe chúng tôi, mọi người cùng trố mắt nhìn ngạc nhiên.
Lúc này, nữ thi sĩ Hường Hường đang trình bày bài thơ của mình:
Hôm nay trời đẹp quá
Chúng em đi chơi xa
Chỉ có một tuần lễ
Ít quá xá, quà xa...
Tôi không ngờ con Hường lại giỏi đến thế. Thơ thế này thì đích thị là thơ của... thi sĩ rồi còn gì... Nhất nữa là bài thơ hàm chứa ý tưởng rất sâu sắc: kỳ kèo, xin gia hạn thời gian ở Vũng Tàu!
Tôi vỗ tay khen ngợi. Thằng Hồng, thằng Dương rồi cả đến con Hoa cũng vỗ tay theo. Con Huyền - đối lập của Hường - còn đòi bis nữa mới lạ. Thế mới biết nhiều khi vì quyền lợi, các phe đối lập sẵn sàng bắt tay làm hòa.
Bốn người lớn cũng cười hỉ hả. Mẹ tôi bảo:
- Con này gớm thật, giả vờ làm thơ làm thẩn để chê rằng tuần lễ nghỉ hè là ít phải không? Được rồi, bây giờ đến lượt tao...
Lũ em tôi nhao nhao lên:
- Hoan hô mẹ, mẹ định hát bản gì thế mẹ?
- Đâu có, mẹ ngâm thơ... Hồ Điệp thứ hai đấy!
Tôi giới thiệu ngay:
- Tiếp theo đây, mẹ... mẹ chúng tôi sẽ trình bày một bài thơ nhan đề là... là gì cơ mẹ?
Mẹ tôi chồm ra sau, cốc ngay vào đầu tôi một cái, miệng nói:
- Nhan đề là "mẹ cốc đầu con"... nghe chưa thằng ôn? Tao biết hết mà, đầu têu trong vụ kỳ kèo ngày đi ngày về chỉ có mày thôi...
Tôi không có cách nào tránh cái cốc đó, vì trong xe chật quá, đành trân mình hứng chịu. Khổ cho tôi, mẹ tôi cốc bằng ngón tay đeo nhẫn mới chết chứ! Thế mà mọi người chẳng chịu thông cảm cho sự đớn đau của tôi tí nào, cùng cười rũ ra. Làm như cái màn "mẹ đánh con" vừa rồi hay lắm vậy?
Dù thế, đã mang tiếng là Hoạt náo viên, tôi đành tiếp tục chương trình. Suốt quãng đường dài hơn trăm cây số, trên xe chúng tôi, những tiếng cười nói thật vui vẻ. Bố tôi thỉnh thoảng lại nhắc chừng chúng tôi:
- Này, gì thì cũng vừa vừa thôi nhé, còn để bác chúng mày lái xe.
Mười giờ rưỡi, chúng tôi đến biệt thự của bác Duy. Ông bà Tám giữ nhà nghe tiếng còi xe, chạy ra mở cổng rối rít hỏi thăm:
- Giời ơi, ông bà xuống bất ngờ quá... Giời ơi, đông quá đi...
Chúng tôi mở cửa xe đổ bộ. Hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trong xe, dù không đến nỗi nóng nực, mệt nhọc gì nhưng cũng chả thích thú, chúng tôi vươn vai, vung tay, vung chân, hớp từng hớp không khí trong lành.
Trong lúc người lớn lo đem đồ đạc vào nhà thì phe chúng tôi được đi dạo quanh biệt thự.
Biệt thự của bác Duy xây theo lối mới xem cũng khá khang trang. Bên ngoài mấy cánh cửa sổ mà tôi đoán là cửa sổ phòng ngủ, có những bồn hoa cảnh khoe sắc. Hai băng đá đối diện nhau trên một sân cỏ có lẽ để chiều mát hoặc tối sáng trăng ra ngồi chơi? Đường đi trải đá vụn xanh, hàng rào xây, cửa sắt. Hai cột cổng gắn hai bóng đèn tròn đục, to như quả bóng. Tôi tò mò ra ngoài cổng và đọc được tên biệt thự trên tấm bảng đồng : Biệt thự Phù Dung.
Hai bên biệt thự Phù Dung của bác Duy, có những biệt thự khác, mỗi cái một kiểu khác nhau. Thằng Dương chỉ vào căn biệt thự phía trái cho tôi biết:
- Cái biệt thự kia bỏ trống hơn năm rồi đấy, chẳng có ai trông nom quét tước gì cả... Có lẽ chủ nhà chỉ đến nghỉ mát ít ngày rồi về mà không nhờ người ở lại trông coi...
- Cũng chẳng có ai nghỉ mới lạ, bác Tám bác ấy bảo thế.
Tôi định sang ngắm thử ngôi biệt thự này thì Dương cản:
- Đừng sang đấy anh Hoạt à, bác Tám bác ấy bảo ở bên ấy có ma...
Thằng Hồ, con Hằng nghe đến ma, vội níu chặt lấy tôi. Tôi trấn an hai đứa nó:
- Gì mà sợ, có anh đây mà...
Nhưng hai đứa xem như còn sợ, tôi đành chiều chúng, đưa vào nhà. Vừa đi, tôi vừa hỏi Dương:
- Biệt thự ấy tên gì Dương nhỉ?
Thằng Dương:
- Biệt thự Mẫu Đơn.
IV. - CHUYẾN LEO NÚI
Tôi không còn thì giờ để bận tâm đến biệt thự Mẫu Đơn nữa, cũng như hai em tôi đã quên hẳn những con ma - nếu có thật - ở bên đó. Những cuộc vui đã quyến rũ chúng tôi. Lúc chúng tôi đi ngoạn cảnh, lúc cùng nhau đi tắm biển. Dĩ nhiên, tuy đi chung, chúng tôi vẫn chia làm hai phe rõ rệt.
Ngày thứ ba của chuyến nghỉ hè, tôi mượn xe bác Duy chở cả bọn ra bãi Dâu leo núi. Tôi có một thằng bạn thân, trong năm nó có ra ngoài này một lần với gia đình. Nó có kể lại cho tôi nghe chuyến leo núi bãi Dâu đầy gian nan, nhưng cũng thật thú vị của nó. Nào là nó tìm được một cái hang tối om om và đặt tên là "Hang địa ngục", nào là nó đến một phiến đá bằng phẳng, nhô ra giữa núi, dùng bữa tại đó. Nào là nó suýt ngã khi lên gần đến đỉnh vì nơi đây toàn đất trơn trợt. Tôi quyết sẽ tìm đến những nơi hấp dẫn đó.
Đến bãi Dâu, chúng tôi chia hai phe. Con Hường, thằng Hồ, con Hằng không dám leo núi, nhập với Dung, con Hoa, con Huyền xuống bãi tắm. Chúng tôi còn lại - ba chàng thám tử - sẽ chinh phục núi bãi Dâu. Thằng Dương tính toán:
- Bây giờ là mười giờ, đến mười một giờ thì chị Dung nhớ đến chân núi chụp hình cho tụi này nhé. Tụi này sẽ đứng tuốt trên ngọn núi, làm Tặc Giăng hú xuống cho chị biết chỗ mà chụp...
Dung liếc tôi:
- Nhưng liệu các ông tướng có leo được đến đấy không đã chứ?
Tôi ưỡn ngực:
- Sao lại không! Nam nhi chi chí chứ bộ!
Dung trêu:
- Nam nhi chi chí bị ký u đầu...
Tôi nhớ đến cái cốc của mẹ tôi thân tặng mà đỏ bừng mặt.
Chúng tôi chia tay. Ba chàng thám tử nhắm hướng chân núi đi tới. Tôi xách cái xách tay đầy ắp đồ ăn, thằng Hồng đeo máy ảnh, thằng Dương thủ một cây gậy để phòng rắn, rết.
Một vài người cùng tiến lên chiêm bái tượng Đức Mẹ xây ở lưng chừng núi, hai tay dang rộng chở che.
Nét hăng hái của ba anh em tôi xìu dần khi cả ba leo hết những bậc đá dẫn đến chân tượng Đức Mẹ. Thế mới biết cái sức khỏe quá ư là... tồi tàn của mấy ông tướng học trò quanh năm chỉ biết mải miết với sách vở. Du khách lên chiêm bái chụp hình làm kỷ niệm nhiều quá, chúng tôi cũng chẳng kém, thay phiên chụp cho nhau.
Xong xuôi đâu đấy, chúng tôi mới bắt đầu cuộc leo núi thực sự. Tôi hỏi để lấy lại tinh thần:
- Sao? Có đứa nào rút lui vào giờ chót không?
Thằng Hồng:
- Rút lui sao được. Leo núi khó đâu khó vì gai chông đất đá, mà khó vì lòng người sợ đá, e gai... Bộ anh quên rồi sao?
Thằng Dương cũng ra vẻ ta đây:
- Đứng làm trai ở trên đời, ta phải biết băng rừng leo núi, chứ đâu lẽ cứ bo bo suốt ngày ở dưới... bãi biển!
Đến khiếp hai ông tướng học trò, dám đem chữ nghĩa của cổ nhân ra mà sửa lời, tuyên bố vung vít. Nhưng nhờ thế mà tôi mới thấy yên lòng một tí, dù gì, tôi cũng là anh, chịu mọi trách nhiệm nếu chẳng may có gì xảy ra. Tôi khoát tay ra hiệu:
- Vậy thì ta bắt đầu khởi hành.
Chúng tôi khởi từ sau lưng tượng Đức Mẹ theo một con đường nhỏ tiến lên. Làm thân anh cả, dĩ nhiên tôi phải làm kẻ mở đường. Cỏ mọc um tùm, đường lối quanh co đầy cành mục, sỏi vụn. Hồng, Dương cứ nhắm sau lưng tôi mà tiến trong lúc tôi cứ gặp lối là đi, chẳng biết đâu là đường, là bụi.
Được một quãng thì mặt cả ba chàng thám tử cùng đỏ gay như ông mặt trời, mồ hôi tuôn ướt cả áo. Tôi nhớ đến câu nói của Dung: "Liệu chừng mấy ông tướng có leo được không?", mà thấy lo lo, mồ hôi càng tuôn ra như tắm.
Thằng Hồng lấy ra mấy củ mã thầy gọt vỏ cho cả ba. Mã thầy mẹ tôi khéo chọn, ăn ngọt mát làm chúng tôi thấy khoan khoái hằn ra. Dương:
- Sao mình leo đến đổ mồ hôi mà vẫn còn thấy tượng Đức Mẹ lớn quá nhỉ? Biết bao giờ mình mới tới đỉnh được?
Bao giờ thì rồi sẽ biết, nghỉ một chút để thở, chúng tôi lại kéo nhau tiếp tục cuộc hành trình gian nan ngay. Thật là vất vả. Có khi chúng tôi phải kéo nhau qua một vùng đất trơn, có lúc lại rạp mình chui qua một lùm tre mọc ngang đường thật thấp. Không hiểu vì sao thằng Hồng, thằng Dương có đủ can đảm mà leo đến đây, chứ tôi, nếu không có ý muốn tìm những "chứng tích" chuyến đi của người bạn, và để tỏ cho Dung biết rằng "tôi leo núi cũng suya lắm chứ", thì chắc là tôi đã bỏ cuộc từ lâu rồi.
Trời đã giúp chúng tôi hăng hái. Thằng Dương reo lên:
- Có một cái hang kìa!
Tôi nhìn sững. Miệng hang tối om om. Có lẽ đúng là cái hang Địa Ngục của thằng bạn tôi rồi. Tôi mạo hiểm chui vào và phát giác ra rằng đỏ chỉ là một khe hở của mấy tảng đá chất chồng lên nhau. Sở dĩ trong hang thấy tối là vì miệng hang về phía kia bị một lùm tre che khuất. Tôi vẹt tre ra, ánh sáng ùa vào. Thằng Hồng, thằng Dương cũng vừa đến. Thám tử Dương xúc cảnh sinh tình:
- Ở đây mà tu thì sướng nhất rồi.
Thằng Hồng:
- Thôi, cho tao can mày đi... Mày mà tu gì, tu hú thì có... Chỗ này ấy à, tao thấy tốt nhất là để dùng làm... chỗ chứa đồ ăn cướp...
Rồi đó, máu trinh thám của em tôi bắt đầu nổi lên rồi đó. và bắt đầu từ đây, chúng tôi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu...
Ngay lúc thằng Hồng vừa nói xong, tôi phát giác ra tay mình bị dính gì đó từ một vách đá. Tôi co tay lại và đưa ra vùng ánh sáng xem thì eo ơi! Tay tôi dính đầy sơn đỏ. Thằng Dương vạch tre để ánh sáng lùa vào vách đá nơi tay tôi bị dính sơn. Và chúng tôi bị một phen điếng hồn vì hàng chữ bằng sơn đỏ trên vách đá đó:
Địa điểm giết
M. Đ.
Chúng tôi nhìn nhau sợ hãi. Tự nhiên, đứa nào cũng nghĩ đến những chuyện ghê gớm. Tôi tưởng tượng ra nơi đây vừa có một vụ giết người. Hồng giàu óc tưởng tượng hơn:
- Không chừng xác chết còn đâu đây...
Chừng như hai hàm răng của nó va chạm vào nhau lập cập. Thằng Dương thì im thin thít, bàn tay nắm tay tôi bấu cứng, có lẽ chàng ta sợ lắm thì phải. Tôi dõi mắt nhìn hàng chữ trên vách đá miên man nghĩ ngợi. Chợt tôi nghĩ ra một điều, phá lên cười. Thám tử Hồng ngơ ngác:
- Chết, sao anh lại cười, chúng nó nghe thấy thì khổ...
Tôi càng cười to hơn, hỏi:
- Chúng nó nào?
- Tụi giết người chứ còn ai nữa...
Tôi giải thích:
- Nghe anh đây này hai ông tướng ơi, chả có vụ giết người nào đâu. Vì thế này nhé, nếu quả có bọn sát nhân đến đây thi hành thủ đoạn, thì chúng dại gì viết hàng chữ này để tự tố cáo mình! Anh cam đoan đây chỉ là một tác phẩm của mấy tay phiêu lưu nghịch ngợm vừa ghé hang này...
Thằng Hồng, thằng Dương nghe ra, cùng cười theo tôi. Hồng:
- Phải lắm, anh suy luận như thế rất đúng... Bọn sát nhân đâu dại gì lưu dấu vết lại...
Tôi nói:
- Vậy thì mình leo tiếp chứ?
Thằng Hồng bỗng ngần ngừ. Nó nhìn lên trên, những tảng đá chất chồng, những dây leo chằng chịt xem đầy vẻ nguy hiểm. Tôi dục:
- Sao, leo đi chứ?
- ... Ơ... hay là mình trở xuống đi anh Hoạt à...
Thằng Dương tán đồng:
- Phải đấy, ở đây coi bộ rùng rợn quá...
Tôi trấn tĩnh hai đứa nó:
- Anh đã bảo không sao mà... Sợ đường khó leo phải không? Mình sẽ cố. Hay là sợ... bọn sát sân trong Hang Ngục kia? Anh cam đoan là nếu leo lên nữa, mình sẽ gặp họ...
- Gặp họ à? Trời ơi! Thế thì càng phải trở xuống gấp...
- Ơ hay, sao lại nhát thế? Cứ việc lên đi, anh bảo đảm mà...
Nói rồi, tôi tiếp tục leo. Hồng, Dương thấy tôi đã lên được một quãng, nhìn nhau rồi cũng lò dò leo theo. Càng lên cao càng khó leo. Chúng tôi phải kéo nhau lên từng đoạn đường một. Thằng Dương lại reo lên:
- Mình leo đúng hướng rồi.
Tôi nhìn theo tay chỉ của nó. Một phiến đá nhô ra khỏi sườn núi, đúng là nơi thằng bạn tôi đã đến dùng bữa. Chúng tôi cùng leo lên phiến đá, thở phào nhẹ nhõm, sau đó, đua nhau hít lấy hít để những làn gió biển từ phía dưới thổi lên. Bãi Dâu phía dưới nhỏ tí xíu, tượng Đức Mẹ đã xa hẳn chúng tôi.
Tôi nhìn đồng hồ, vừa mười một giờ. Bọn con gái đã đứng lóng nhóng dưới chân núi. Dung cầm máy ảnh lên ngắm nhưng có lẽ chưa thấy chúng tôi.
Hồng quên hẳn lúc nãy nó là đứa sợ gây tiếng động lớn, đưa tay làm loa hú lên một tiếng. Bên dưới, sau tiếng hú đó, bọn con gái đã thấy chúng tôi, mấy đứa nhỏ nhảy tưng tưng vỗ tay reo mừng. Dung ngắm chúng tôi, chụp ảnh lia lịa. Thằng Dương khoái chí, bắt chước thằng Hồng, hai đứa đua nhau làm Tặc Giăng.
Chụp ảnh xong, bọn con gái ra dấu trở lại bờ biển. Chúng tôi vẫy tay từ giã rồi quay ra túi đồ ăn sửa soạn dùng bữa ở đây rồi mới xuống. Đến phiên thằng Hồng phát giác ra một hàng chữ sơn đỏ nữa ; hàng chữ ghê gớm chẳng kém gì hàng chữ trong hang Địa Ngục:
Địa điểm thủ tiêu.
M. Đ.
Nỗi lo sợ trở lại với Hồng và Dương. Nhìn hai gương mặt thất sắc, tôi kịch liệt bênh vực ý kiến của mình:
- Việc gì phải sợ, anh chắc chắn là đây chỉ là một trò chơi của mấy người leo trước chúng mình mà thôi.
Thằng Dương líu ríu:
- Em xuống thôi, anh không xuống em cũng xuống một mình.
Thằng Hồng:
- Tao xuống với... (rồi quay sang tôi) Em xuống đây, anh có giỏi thì cứ ở lại...
Hai đứa dắt díu nhau rời phiến đá, tụt xuống. Tôi giữ không được, giận quá gắt lên:
- Thế mà cũng vỗ ngực là con trai, là nam nhi... Có tí thế mà đã sợ...
Nhưng ngay lúc chúng tôi đang giằng co nhau thì từ phía trên, có lẽ chỉ cách chỗ chúng tôi chừng chục thước, những câu đối thoại vọng xuống:
- Có người lên đây, họ vừa hú đó.
- Không biết họ có thấy gì không?
- Thấy sao được mà thấy. Mình lo chu đáo quá mà, thanh toán xong một mạng mà chẳng để lại chút dấu vết nào...
- ... đến một vết máu cũng không nữa...
Rồi hai chuỗi cười dòn vọng xuống.
Lúc này, tôi mới thấy là mình nghĩ sai. Tôi nói nhỏ với Hồng, Dương:
- Chết rồi hai đứa nghi đúng rồi... mình xuống thôi...
Chúng tôi bỗng thấy ríu chân lại, bước những bước thật vụng về, cái xách tay bị kẹt trong một hốc đá, tôi định đi lấy, thằng Hồng cứ nắm tay tôi kéo xuống:
- Thổi bỏ đi, cái xách ấy cũng cũ rồi... Xuống nhanh thôi anh...
Chúng tôi nối đuôi nhau tuột xuống, lúc rạp mình, lúc len lỏi giữa những hàng cỏ cao đến ngang vai. Tượng Đức Mẹ lớn dần. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi gặp một du khách đứng chụp hình dưới chân tượng Đức Mẹ. Thế là thoát. Chỉ còn việc xuống núi gặp bọn con gái là xong.
Đến bãi biển, con Hoa nhìn chúng tôi ngạc nhiên:
- Sao mấy ông tướng về sớm thế? Không leo lên tận đỉnh à?
Tôi vừa thở vừa nói:
- Leo lên tận đỉnh để gặp họ à?
Con Hoa ngạc nhiên:
- Họ nào?
Thằng Hồng khoa tay:
- Chuyện ghê gớm lắm!
Bọn con gái ơi ới gọi nhau về nghe chúng tôi kể chuyện. Tôi tường thuật thật nhỏ, chỉ vừa cho cả bọn nghe. Tôi muốn điều chúng tôi biết được không lọt ra ngoài. Nguy hiểm lắm!
__________________________________
Xem tiếp PHẦN IV
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 167, ra ngày 15-12-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.