Hình ảnh cái chong chóng bay của thằng Tâm hàng xóm lúc nào cũng ám ảnh trong đầu óc Lương: "Nó xinh ghê! Nó đẹp ghê!" Lương thích nó lắm, nhưng đây không biết là lần thích thứ mấy của Lương rồi, và lần thích nào cũng như lần nào đều là mộng ảo cả. Đối với một đứa trẻ nhà nghèo cha mẹ làm lụng như Lương, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thì làm sao có tiền dư để mà mua đồ chơi như con người ta, và nhất là Tâm, con của một công chức nữa.
Thế mà nhiều lúc quá ham muốn, Lương cũng đánh bạo và xin tiền má mình để mua, nhưng mỗi khi trông thấy cái túi tiền lép xẹp của má nó thì lòng nó se lại, nó thấy mình không có đủ can đảm để làm, khi mà cha mẹ nó phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt để nuôi cho nó ăn học.
Có lẽ như biết trước hoàn cảnh và số phận hẩm hiu của mình nên Lương không bao giờ mở miệng xin tiền má. Nhưng thường trước một giấc ngủ nào Lương cũng đều mơ ước rằng: mình sẽ được nằm mộng và trong giấc mộng đó mình sẽ được làm chủ một chiếc chong chóng bay.
Thế rồi! Trời như thấu cảm được ước vọng của đứa trẻ nhà nghèo kia nên một hôm, Lương vừa nhắm mắt ngủ thì bỗng thấy mình đang chơi trước sân nhà, trên tay cầm một cái chong chóng bay xanh và chung quanh mấy đứa trẻ đang vây lấy mình la hét:
- Màu chong chóng của Lương tuyệt thật!
- Cho bay đi Lương!
- Giật dây đi Lương!
- Xem bay cao không Lương!
Lương mỉm cười sung sướng đưa cái chong chóng lên giật dây:
- Rồ... ồ... Vút... út...
Chiếc chong chóng bay bằng mủ tròn lập tức rời khỏi trục bay vút lên cao. Theo sau tiếng bọn trẻ hoan hô la hét ầm ỹ:
- Ố... ố... Thích quá!
- Ố... ố... Bay cao quá!
- Bay cao hơn cái chong chóng của thằng Tâm nữa!
- Thích quá!
- Khoái quá! Há há!
Những tiếng hoan hô, la hét ầm ỹ của bọn trẻ hàng xóm làm cho Lương run lên vì sung sướng, có lẽ đây là lần đầu tiên Lương nhận lấy cái diễm phúc ấy. Qua giây phút xoay tít trên không, chiếc chong chóng từ từ hạ thấp. Lương chạy tới định đón lấy, nhưng:
- Xui quá!
Lương buột miệng nói. Chiếc chong chóng bay không rơi ngay xuống đất mà rớt nhằm trên một nhánh cây trứng cá trước nhà.
Thế rồi, cố gắng lắm, Lương mới leo lên được nhánh cây có chiếc chong chóng. Nhưng xui làm sao! Chiếc chong chóng lại mắc nhằm vào một cành khô, nên mặc dầu Lương dùng chân dậm mạnh nhánh cây mà cái chong chóng bay vẫn không chịu rớt. Trong khi Lương ở trên cây không biết làm thế nào thì ở dưới đất, bọn trẻ hàng xóm đã nôn nao đốc thúc:
- Ra đi Lương!
- Đừng sợ!
- Không té đâu! Ra đi Lương!
Lương bặm môi, hai tay nắm chặt lấy nhánh cây trên, trong khi chân lần theo nhánh cây dưới, ra xa...
Bất thình lình:
- ... Rắc... Rắc!... Á... Á!...
Nhánh cây trứng cá nhỏ không chịu nổi sức nặng của thân hình Lương nên đã phát gãy... Lương kinh hãi hét lên một tiếng lớn và giật mình tỉnh dậy.
Mở mắt nhìn quanh: cái chong chóng bay đâu, bọn trẻ đâu chẳng thấy, mà Lương chỉ nghe trong lồng ngực mình: trái tim đang đánh ình ình, đầu óc choáng váng, Lương bất giác buột miệng:
- Chiêm bao. Hú hồn!
Rồi Lương lấy tay vỗ vào trán vài cái cho tỉnh táo, đoạn vươn vai ngồi dậy. Chợt nghe có tiếng mẹ mình kêu ở dưới bếp:
- Lương ơi! Lương!
Lượng "Dạ!" một tiếng thật lớn, rồi lật đật nhỏm dậy chạy xuống bếp:
- Gì thế má? - Lương hỏi.
Thấy mẹ tay cầm chai dầu không với năm đồng Lương chợt hiểu:
- Mua dầu hả má?
Mẹ Lương, tay vừa đưa chai dầu và năm đồng cho Lương miệng vừa nói:
- Ờ! Nhà mình hết trơn dầu thắp rồi. Con chạy qua nhà bác Tư mua cho má năm đồng bạc dầu đi! Mau nghe con!
Một lần nữa Lương "Dạ", rồi cầm chai dầu chạy vụt đi.
*
Ra khỏi nhà, Lương chạy một mạch về phía cái tiệm nhỏ nhất ở đầu đường. Nói là cái tiệm chớ thật ra đó chỉ là một cái quán cóc lụp xụp của bà Tư Hiền, quanh năm suốt tháng sống với nghề bán đồ lặt vặt để nuôi đàn con năm đứa.
Vừa trông thấy Lương trên tay xách chai dầu không chạy đến, bà Tư đã cười bảo:
- Cháu Lương mua dầu phải không?
- Dạ phải ạ! - Lương đáp - Bác bán cho cháu năm đồng dầu!
- Đưa chai dầu đây, bác đong cho! - Bà Tư bảo.
Lương trao tiền và chai dầu cho bà Tư đoạn ngồi xuống chiếc ghế đầu kê gần đó xem bà Tư đong dầu. Vui miệng Lương hỏi:
- Bác Tư ơi! Bác bán vầy có lời nhiều không hở bác?
Bà Tư đang đong dầu, nghe Lương hỏi, vội ngoái đầu lại nói:
- Ối! Lời ít lắm cháu ơi! Tại bác nghèo nên bán vầy chớ phải giàu, bác mở tiệm lớn lời biết mấy.
Một hồi sau, dầu đầy. Bà Tư tưởng lúc nãy Lương đưa cho mình mười đồng nên vội thối lui năm đồng lại cho Lương. Lương ban đầu không hiểu nhưng sau hiểu ra ngay, nhưng vì trong lúc "cần tiền" làm mờ ám lương tâm, nên Lương mừng rỡ nhận lấy tiền rồi lật đật xách chai dầu chạy về. Chân Lương bước đi mà lòng rộn lên vì sung sướng:
- "Trời ơi! Sướng quá. Thế này thì mình có tiền mua chong chóng bay rồi!" Lương thầm nhủ. Nhưng Lương vừa rời khỏi quán độ vài chục thước thì một cảnh trước mắt làm Lương phải dừng lại nhìn: Một đứa trẻ độ tám chín tuổi, mình mặc chiếc áo chỗ rách chỗ vá tay nắm gậy, dắt cha là một người mù lòa đi xin ăn...
Nhìn đứa trẻ, Lương chợt nhớ tới những đứa con của bà Tư. Rồi một sự hối hận bỗng dâng lên trong lòng: "Nhà bác Tư nghèo, bác làm ăn vất vả, kiếm lời từng đồng từng cắc để nuôi con, nay ta lại làm như vầy..." Nghĩ tới đó Lương thấy lòng mình se lại. Lương muốn quay lại trả năm đồng cho bà Tư nhưng hình ảnh cái chong chóng bay vẫn ám ảnh đầu óc Lương và làm cho Lương phân vân: một đàng thì lương tâm, một đàng thì thỏa ước vọng. Nhưng: "Làm sao được, mình làm thế này thì lương tâm sẽ cắn rứt. Trò chơi dầu có ham muốn tới đâu cũng có thể nhịn được chớ cái nầy thì..." Rồi như một chiếc máy, Lương tự động xách chai dầu chạy trở lại quán bà Tư.
*
Vừa đặt chân tới quán, Lương đã la lớn:
- Bác Tư! Bác Tư!
Bà Tư từ trong nhà chạy ra hỏi:
- Gì thế cháu Lương?
- Bác Tư ơi! Bác thối lầm cho cháu năm đồng rồi!
Bà Tư ngạc nhiên hỏi:
- Sao? Cháu nói sao?
Thấy bà Tư không hiểu gì, Lương vội giải thích:
- Khi nãy mua dầu, cháu chỉ đưa bác có năm đồng hà! Mà không biết sao bác lại thối lại cho cháu năm đồng nên bây giờ cháu đem trả lại bác.
Nghe Lương giải thích, bà Tư chợt hiểu ra chuyện, bà vui vẻ vuốt tóc Lương nói:
- Cháu tốt lắm! Ngoan lắm!
Rồi bà tiếp lấy tờ giấy bạc trên tay Lương và mở tủ hàng chọn một cái chong chóng dúi vào tay Lương, đoạn nói:
- Cháu ngay thẳng và ngoan lắm, bác thưởng cháu đấy!
- Không! Cháu không... - Lương ấp úng nói.
- Không! Bác thưởng cháu đấy mà! Cháu nhận đi!
Rồi như sợ Lương từ chối, bà Tư bèn đưa tay dìu Lương ra cửa, đoạn bảo:
- Bác thưởng lòng ngay thẳng của cháu đấy. Thôi cháu về đi kẻo má cháu trông!
Lương không biết làm gì hơn, vội cúi đầu chào bà Tư rồi vội vã xách chai dầu chạy về. Chân Lương bước đi mà lòng thì lâng lâng một niềm vui khó tả.
NGUYỄN TẤT THẮNG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 25, ra ngày 25-1-1965)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.