Các em thân mến,
Trong
những số báo trước, chúng tôi có khuyên các em nên thận trọng trong lời
nói của các em, đừng nói nhiều quá cũng đừng nói ít quá. Nhưng, các em
nên nhớ, dầu sao nói ít còn hơn là nói nhiều.
Trong phạm vi nói chuyện, có một hạng người không ai ưa là người hay nói ngược lại những điều kẻ khác thích.
Thấy
trời hôm nay quang đãng, các em khen: Trời hôm nay nắng đẹp quá! Họ nói
nghịch ngay: Trời nắng, nóng nực thấy mồ, đẹp nỗi gì?
Nghe
các em đề nghị chủ nhật này rảnh cùng nhau đi ra biển tắm và nghỉ mát,
họ phản đối ngay: Ngày lễ, dại gì đi đâu cho mệt, ở nhà nằm nghỉ có khỏe
hơn không?
Nhưng
nếu các em đưa ra ý kiến chủ nhật này không đi chơi đâu như thường lệ,
nằm ở nhà nghỉ và đọc sách, họ bảo ngày lễ sao lại cú rủ ở nhà, không đi
ra ngoài khoảng khoát, chán chết!
Các em muốn lên Tây Ninh, viếng Tòa Thánh Cao Đài, họ bảo nên xuống Mỹ Tho, thăm giang sơn ông Đạo Dừa.
Chắc chắn là các em không thể nào ưa hạng người thất nhân tâm như thế: Hạng người hay nói ngược lại những điều kẻ khác thích.
Nhưng tại sao người ta lại thích nói nghịch như vậy?
Một
số người lầm tưởng một khi nói ngược ý kiến của kẻ khác, sẽ được người
xung quanh thán phục mình can đảm, anh hùng, biết rộng, dám phản đối
ngay mặt kẻ khác.
Một
số người khác vì quá tự ái, cho rằng tán đồng ý kiến người khác là hạ
mình xuống. Nhiều khi họ biết chắc chắn các em nói đúng, họ vẫn tìm đủ
lý do cho rằng các em nói sai để tỏ rằng họ không kém các em.
Cũng có người quá yếu đuối về tinh thần, không đủ can đảm nhìn nhận sự thật, nên thường hay cãi bướng.
Ông
Franklin, một nhà khoa học danh tiếng Hoa Kỳ, ở thế kỷ 18 có kể chuyện
hồi ông còn nhỏ, tánh ông cũng rất khó chịu. Ông hay cãi bậy, thích nói
ngược, nên ít ai ưa. Nhưng sau đó, ông biết phục thiện, cố gắng sửa
mình, trở nên con người khiêm tốn, được mọi người mến phục.
Các
em nên ghi nhớ: mềm mỏng, dịu dàng, nhường nhịn, các em tránh được
nhiều tai họa, lòng các em được yên vui. Nếu các em háo thắng, cứng cỏi,
hay nói nghịch, các em thường bị người ganh ghét, tìm cách hại các em.
Trong
Cổ học Tinh Hoa, có chuyện như sau: Ngày xưa, một hôm Lão Tử đến thăm
Thường Tung bị bệnh nặng. Thường Tung há miệng hỏi Lão Tử: Ngài xem lưỡi
ta còn không? Lão Tử đáp: Thưa còn. Thường Tung hỏi tiếp: Ngài xem luôn
răng ta còn không? Lão Tử đáp: Thưa rụng cả rồi. Ông ta lại hỏi tiếp:
Ngài có biết cái lẽ ấy chăng? Lão Tử đáp: Thưa, có phải lưỡi nhờ mềm nên
còn, răng vì cứng phải rụng chăng? Thường Tung gật đầu: Đúng thế. Việc
đời đại loại đều như vậy cả: Cứng rắn thì dễ gãy đổ, mềm dẻo thì chịu
đựng được bền.
Các em thân mến,
Muốn được cảm tình của mọi người, các em nên tránh đừng bao giờ nói ngược lại những điều kẻ khác thích.
Nói
nghịch tất nhiên làm tổn thương đến lòng tự ái của người đối thoại. Họ
sẽ không tha thứ cho các em và oán ghét các em lâu dài.
Thân mến chào các em
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.