Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Con Bạch Tuộc

 

Nhắc tới bạch tuộc là người ta lại nghĩ tới những câu chuyện vô cùng ghê rợn về con vật này, chẳng hạn vụ chiếc tàu hải quân Na Uy chìm lỉm ngoài khơi Đại tây dương vào năm 1752 có thể tóm lược như sau: "Thoạt tiên, các thủy thủ đều chứng kiến mặt biển dâng lên lạ lùng và trong lúc họ còn đang phân vân trước cảnh tượng đó, thì đột nhiên, một con bạch tuộc khổng lồ xuất hiện sát ngay bên cạnh khiến chiến đấu hạm chòng chành nghiêng ngả. Nhiều người sững sờ đến chết đứng vì vòng tròn chiếc đầu của nó quá đồ sộ ngoài sức tưởng tượng, dễ thường phải dài tới nghìn rưởi thước chứ không ít. Nó vươn những cánh tay vĩ đại ra ôm trọn cả con tàu vào giữa, đồng thời vặn gẫy dễ dàng mấy cột buồm to lớn, chẳng khác gì chúng ta bẻ cành cây khô mục nát vậy. Cố gắng cách nào chăng nữa, sau một hồi chống trả kịch liệt. ai nấy cũng đành chịu thua nên phải nhảy xuống biển tìm cách thoát thân, người nào chậm chân đều chết đuối theo con tàu khi bị quái vật dìm đắm để bắt mồi".

Dù có thật hay không thì đấy chỉ là trường hợp hãn hữu mà thôi, chứ ngày nay làm gì có con bạch tuộc nào dài quá mươi mười lăm thước đâu.

Theo lời các tay săn bắt cá chuyên nghiệp hay thợ mò ngọc trai, thì cứ lâu lâu họ lại phải đương đầu với bạch tuộc, vì bị nó bất thần xô tới tấn công tới tấp khi thấy "kẻ lạ mặt" tiến vào lãnh địa của mình, là vùng nhiều hang hốc âm u hay gần bờ đá che khuất bởi loài thủy thảo nơi đáy biển. Không kể cá mập, đây là con vật đáng sợ chuyên sinh sống dưới lòng đại dương tại hầu hết khắp nơi trên thế giới.

Thuộc loài động vật không xương, đầu bạch tuộc hình bầu dục, mềm xèo như túi vải, chứa đựng bộ óc và giác quan bên trong, do những nhuyễn mạc dầy che chở, rồi mới tới các bắp thịt bao bọc và cuối cùng được lớp da bao phủ. Phía trên, ngay tại phần lồi lên có hai mắt bé tí, cạnh cặp ống hình trụ rỗng lú ra chừng nửa tấc, dùng để thở và nhận biết mùi vị cũng như động cơ chính yếu đưa đẩy chúng đi. Tiếp đó là cổ nối liền với tám "cánh tay" to lớn giăng tỏa tứ phía như mạng nhện, dài chừng ba bốn thước mà mặt dưới trang bị hai hàng ống giác giúp bạch tuộc dùng làm phương tiện tìm kiếm và thu hút con mồi, cùng chuyển vận thức ăn vào miệng ở ngay chính giữa bên dưới qua lớp môi tròn chứa đựng hai chiếc răng nhọn cong cong như mỏ vẹt. Nhờ chiếc lưỡi với những gai sắc bén mọc lởm chởm như răng lược đưa đẩy, thức ăn bị răng và lớp gai này nghiền nát thành nhiều mảnh nhỏ trước khi chui vào cuống họng.

Muốn di chuyển đó đây, bạch tuộc hút nước vào ống hình trụ, vừa lọc lấy dưỡng khí để thở, qua hai lớp mang đầy lông nhỏ, vừa tiếp nhận "nguyên liệu" tạo thành sức đẩy bằng cách bơm nước cho vọt ra ngoài cũng nhờ ống hình trụ ấy - lúc này có tác dụng như động cơ phản lực - khi co thắt các bắp thịt vòng quanh cổ.

Cần tiến về trước đuổi theo con mồi ư? Dễ lắm, bạch tuộc "quay" ống hình trụ lại phía sau. Nếu phải "rút lui có trật tự", nó chỉ việc "đổi hướng" ống hình trụ là xong. Tốc độ xê dịch nhanh chậm tùy thuộc vào sự hoạt động của các bắp thịt cổ kể trên.

Thường thường gặp cơn nguy biến mà không hy vọng thắng, bạch tuộc nhả ra một thứ nước đen ngòm như mực làm mờ mắt cá voi, cá mập, cá heo v.v... đoạn bỏ trốn vào các hang động tối thui. Quần quần mãi chẳng thấy gì, kẻ thù bạch tuộc hậm hực, tiếc rẻ một bữa ngon lành, chuồn thẳng. Thoát chết, bạch tuộc ở lì "trong nhà", im lặng rình mồi. Nó kiên nhẫn buông thả "cánh tay" đó đây dò dẫm. Bất cứ chú tôm, cua, cá nhỏ v.v... nào lớ ngớ đụng vào là bạch tuộc chộp liền.

No nê đâu vào đấy rồi, bạch tuộc bám chặt vào vách đá nghỉ ngơi, hoặc lần mó tìm kiếm sỏi đá khuân về chất thành từng đống trước cửa ngỏ đề phòng "quân trộm cướp, sát nhân" lùng bắt mình để ăn thịt.
 
Vốn sống cô độc, bạch tuộc chỉ chờ tới mùa nhất định mới đến với nhau để gieo giống. Gặp con cái bạch tuộc đực dùng vòi "trao" chùm tinh dịch của mình gồm chừng năm sáu quả thon thon dài dài tỏa ra như cánh hoa rất đẹp - cho con kia ấp ủ. Tùy loại, nhiều khi con đực chịu mất luôn cả cánh tay để cố đặt chùm tinh dịch ấy vào tận mồm con cái, vì chờ khoảng thời gian ngắn, một cánh tay khác sẽ mọc ra thay thế ngay.
 
Theo các khoa học gia, bạch tuộc được chia ra năm chục loại gồm đủ mầu sắc : xám, nâu, hồng, xanh nhạt hay nâu sậm. Những lúc tức giận, toàn thân chúng trở nên đỏ gay gắt, còn bình thường, mầu sắc thay đổi tùy địa điểm trú ngụ. Thứ nhỏ nhất chừng vài tấc và con thật lớn với các "cánh tay" đo được mươi mười lăm thước, nặng khoảng ba, bốn chục kí lô.
 
Điều nên biết là không phải bạch tuộc nào cũng dữ dằn cả đâu, vì chúng thường né tránh chúng ta, ngoại trừ một vài đặc biệt mà thôi. Gặp chúng, người ta phải cố lừa rồi đập thật mạnh que hay gậy vào giữa hai mắt ngay chính phần yếu điểm che chở bộ óc mới hy vọng thoát thân. 

Ở vùng Địa trung hải, miền đông và tây Thái bình dương loại bạch tuộc nhỏ dùng làm thức ăn. Người ta câu hay chèo thuyền có treo ngọn đèn bên cạnh. Thấy ánh sáng, bạch tuộc ngoi lên liền bị đâm chết. Mực bạch tuộc được chế biến thành một thứ dầu trong kỹ nghệ bạc.

 
ĐẶNG HOÀNG      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 24-12-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>