Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Một Loài Chim Nhỏ



Như một loài ngân thử, ngủ suốt mùa đông, hôm nay tôi chợt thức giấc và tìm thấy em qua khung cửa nhỏ, sơn xanh của phòng học. Em, cô đơn và trầm lặng, nhỏ bé như một con chim sơn ca, con sơn ca mà khi bình minh vừa ló đã tung cánh ra đồng. Một con chim sơn ca không biết hót. Mỗi sáng thức dậy với một hình hài gầy ốm trong manh áo vải mỏng, run rẩy theo cơn gió từng chập, từng chập. Em mùa đông không áo ấm, mùa hạ không nón che. Tôi thương em, một tình thương bao dung xuất ra từ trái tim nhỏ bé nhưng tràn đầy tươi sáng, tràn đầy những cánh hoa thơm ngát nở ra trên đôi mắt mẹ, trên cánh môi ba, tràn đầy những mạch máu nhỏ li ti, được vun sới bằng sữa mẹ, bằng mồ hôi ba. Tôi thương em, tình thương của một người chị cho một đứa em gái thật gần mà cũng thật xa, lúc gần như hạt lệ, lúc xa như ngút trong vùng mắt cô đơn, trông tìm. Tôi, một nữ hướng đạo sinh, gần 7 tuổi trong ngành. Tôi đi khắp nơi trên đất nước, nhìn thấy những cảnh đau thương, bi thảm tôi không biết làm gì, chỉ biết ủi an, chỉ biết chia sớt bằng những gói quà nho nhỏ nhưng tràn đầy mến yêu. Ở em, tôi không là người Hướng Đạo nữa, tôi như một người xa lạ dừng chân nơi đây và đem đến cho em một vài niềm tin, vui nho nhỏ... chỉ thế thôi...

Có những buổi sáng, tôi dậy thật sớm nhìn em qua khung cửa, đang cặm cụi quét sân. Nhiều lúc tôi muốn ghi lại hình ảnh em trong khung vải như tôi đã từng ghi lại nhiều cảnh thác đổ, hồ thanh ở đây. Tôi không có máy chụp hình, chỉ có cánh tay của một cô sinh viên năm thứ 2 trường Mỹ thuật ở Sàigòn, nhưng tôi không ghi lại được, tay tôi run lên, nét chì trở nên nguệch ngoạc. Tại sao vậy? Tôi không biết. Cũng như tôi chưa biết tên em, chưa biết em là gì ở gia đình đó. Tôi như một kẻ đi tìm ảo vọng. Tính đốt ngón tay, tôi mới hay rằng gần qua 1 tháng, 1 tháng trong 3 tháng nghỉ hè, tôi chưa làm được gì hết. Không biết khi về Sàigòn tôi có mang gì theo ngoài mấy bức vẽ cảnh thác Cam Ly, Hồ Than Thở đây không? Tôi muốn quen với em, làm quen với em tôi không thấy khó, nhưng tôi ngại tôi không biết cho em, đem đến cho em cái gì sau khi quen biết. Tôi không muốn em mang nặng một mặc cảm thua sút mọi người, tôi không muốn nói với em những lời thương hại, mà tôi muốn tôi sẽ đến với em, và sẽ đem đến cho em một vài niềm vui nho nhỏ, nhẹ nhàng để em dần quên những khổ đau mà em phải gánh chịu hàng ngày. Chỉ còn 2 tháng để làm việc, tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ là mình chỉ mơ mộng hão. Không! Tôi sẽ cố rất nhiều, đến với em và làm tròn ước vọng với em. Tôi cũng không biết tại sao tôi mến em nữa? Tôi không biết gì hết. Tôi như người bịt mặt đi trong bóng đêm nhưng... Tôi sẽ đợi chờ và cố gắng...

*

Em cúi xuống, kéo chiếc thùng nước lên, tay em tê cóng và mỏi nhừ, trán em đẫm mồ hôi mặc dầu chiều nay trời lạnh như cắt. Giờ  này không ai đi xách nước cả trừ em. Họ còn quây quần trong nhà quanh lò sưởi để nghe kể lại những câu chuyện xa xưa, truyện thần tiên. Em không biết là truyện thần tiên ra sao? Và bà tiên có thật không nữa, nhưng em tin chắc là có 1 người đàn bà dữ tợn mà em phải sợ, đó là má Năm hay dì Năm. Một người đàn bà quyền uy tối thượng, mọi quyền hành trong nhà dì nắm hết, đôi mắt cú vọ của dì luôn luôn hướng về em, dò xét em, hình như dì ghét em lắm vậy, dì cấm em gọi dì là má, dì thường gọi em là "cái gánh nợ ; đồ ăn bám ; con mọi hay đồ báo hại". Em không hiểu gì hết, không hiểu tại sao đối với con Lan, con Hường dì lại tỏ ra âu yếm chúng nó ghê gớm, còn với em dì dữ dằn vô cùng, mặc dầu em cũng là "con" của dì. Em chịu đựng tất cả, làn da em như chai lại dưới những lằn roi của dì, em cô đơn, không ai thèm chơi với em, với "con mọi". Nhưng tất cả với em chỉ là tầm thường, em chả cần, tâm hồn em đã lạnh như mùa đông, mùa đông băng giá nên em không thiết tới gì hết, em đã giơ tay đầu hàng số kiếp. Số kiếp hẩm hiu của em. Nghỉ vẩn vơ, quên cả xách nước về nhà, hình ảnh dữ tợn của dì Năm hiện ra trong óc em, em cúi xuống chập choạng xách thùng nước đi về, người em tê cóng, em thở dốc từng hồi... đi một chút rồi lại nghỉ... Bỗng một bước chân nhẹ nhàng đến bên em và một giọng nói thanh tao cất lên...

- Em cho chị giúp hộ một tay nhá...

Em quay lại, một chị thật gầy, tóc dài đang tươi cười hỏi em, tự nhiên em gật đầu dễ dãi... chị cúi xuống nắm nhẹ nhàng cái quai thùng bước đi... giọng chị thật ấm:

- Em tên gì thế nhỉ?

- Dạ, Lệ Dung.

- Lệ Dung, tên đẹp quá nhỉ, có phải em ở nhà bà Năm không?

- Dạ, phải.

Em gật đầu, rồi ngơ ngác nhìn chị, em thấy thinh thích chị. Từ nhỏ đến lớn, ai em cũng sợ hết ngoài một người mà em thấy không sợ đó là chị. Chị quay lại nụ cười vẫn nở trên môi:

- Thế... thế em là gì của bà ấy? Bà ấy là gì của em??

- Dạ, là con, mà bà Năm em gọi là dì Năm, em cũng hỏng hiểu tại sao lại như vậy! Em nghe hình như người ta nói má Năm là người nuôi em! Phải vậy hôn chị?

- Ô, làm sao chị biết được. Mà có lẽ bà Năm chỉ là vú nuôi em vì em gọi bà ấy là dì mà, phải hôn em? Chị hóm hỉnh hỏi.

- Chị làm em buồn cười quá, à em gọi dì Năm là dì thật! Mà là dì của em thì có sao hôn chị?

- Chị không biết, ở nhà em có ai khác không? Ngoài em ra?

- Dạ có, con Lan với con Hường.

- Thế chúng nó không phải làm gì cả sao?

- Dạ, chúng nó chơi suốt ngày à!

- Thế còn em...

- Em làm việc.

- Cả ngày?

- Dạ.

Chị quay mặt đi, mặt thoáng buồn! Ngôi nhà em hiện ra trước mặt, em cuống quít bảo chị:

- Thôi chị đưa em xách cho!

- Sao vậy?

- Vì gần tới nhà em rồi!

Chị buồn bã trao cho em thùng nước, mặt đăm chiêu như đang nghĩ ngợi điều gì. Nhưng rồi chị quay lại hỏi:

- Em đi chơi với chị bây giờ được không?

- Ý, đâu được!

- Sao vậy?

- Vì, em còn phải xách đầy mấy thùng nước nữa.

- Vậy à! Chị lại quay mặt nghĩ ngợi À! Đúng rồi, thôi em lại đây, đổ thùng nước kia đi, nhà chị bên kia, có nước máy, chị lấy vòi chuyền qua thùng cho em cho nhanh được không hở em...

Em mừng rỡ:

- Ồ như vậy tốt lắm, em xin...

Chị ngắt lời:

- Thôi, bắt tay vào việc nhé...

- Dạ.

Mười lăm phút sau, công việc đã xong, chị cười xoa tay bảo em:

- Thôi, xong! Bây giờ em vào xin phép dì em đi.

- Dạ!

Em vào nhà, dì Năm đang ngồi đan áo và kể chuyện cho con Lan, con Hường nghe. Con Lan, con Hường ngồi hai bên thành ghế của dì, chăm chú nghe chuyện, thỉnh thoảng lại cười khúc khích với nhau. Dì Năm lúc đó trông hiền lành như bà tiên trong truyện cổ, dì cười, dì xoa đầu, dì âu yếm với con Lan và con Hường. Tự nhiên, em thèm được như con Lan, con Hường, hay kém hơn một chút cũng được, chỉ cần được quì dưới chân dì và được dì cười, dì âu yếm với em như một bà mẹ ruột, được dì ấp ủ và yêu thương như con Niềm ao ước tầm thường vô cùng, nhưng biết đến bao giờ, em mới được như vậy, bao giờ? Chắc không bao giờ! Khát vọng có một bà mẹ hiền với em như xa quá tầm tay, như ngút trong vùng mắt trông tìm thật xa, thật xa và có lẽ xa đến nỗi không thể mơ tưởng. Em rụt rè tiến tới cửa phòng ấp úng nói:

- Dạ! Thưa dì, dì cho con đi chơi một lát được không ạ?

Dì Năm quay mặt lại, đôi mắt dì cau lại:

- Gì đó hả con nhãi?

- Dạ... dạ! Dì cho phép con... dạ... cho phép con đi chơi một chút được không ạ?

- Hử, đi chơi? Mày xách nước chưa?

- Dạ, rồi ạ!

- Vậy hả?...

- Dạ! Dì cho phép em nhỏ đi chơi với tôi một chút được không?

Chị đã tiến tới sau em và ngắt lời dì Năm...

Mắt dì Năm bỗng dịu lại, dì tươi cười:

- A! Cô Ly đó hả? Dạo này cô lớn dữ đa! Cô, cô ngồi chơi!

Chị nhẹ nhàng đáp:

- Cám ơn bác! Dạ bác cho phép tôi dẫn em nhỏ đi chơi một chút, dạ được không thưa bác?

- Ạ ạ! Con nhỏ đó hả, dạ được, nó hư lắm à, cô biết không, nó...

Chị ngắt lời:

- Dạ, thế thì cám ơn bác nhiều. Chào bác.

Chị kéo tay em ra ngoài, em ngơ ngác nhìn chị, chị cũng quen với dì Năm sao cà?... Thế sao hồi nãy chị còn hỏi mình nữa?... Chị hình như đoán biết nỗi thắc mắc của em nên nói:

- Chắc em ngạc nhiên lắm, phải hôn? À, tại vì ngày xưa gia đình chị ở đây lâu, nên quen biết. Sau đó, ba chị vào Sàigòn buôn bán, mỗi kỳ hè mới cho chị về đây chơi. Song vì chị không quen giao thiệp nên không biết rõ lắm về dì Năm, chị không biết dì nuôi em và dì còn có thêm 2 đứa con gái nữa. Có vậy thôi. Hết thắc mắc rồi chứ?

- Dạ, mà... mà hình như hồi nãy dì Năm kêu chị là chị... Ly?

- À! Đó là tên gọi ở nhà, còn tên thật của chị là Hoàng Thụy cơ! Nhưng em muốn gọi chị là chị Ly cũng được. Nào! Nhà chị bên kia, sang chơi với chị nhé!

- Dạ.

Chị dẫn em vào nhà, ngôi nhà thật đẹp, trồng thật nhiều hoa: hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa dâm bụt, hoa sứ v.v...

- Phòng chị ở trên lầu, sơn xanh em thấy chưa?

- Dạ thấy.

Căn phòng chị nằm phía trái, có một cửa sổ nhìn qua nhà em, phòng toàn màu xanh, sơn xanh, rèm xanh và gạch lát sàn cũng xanh. Ở sát cửa sổ nhìn qua nhà em, có một cái giá vẽ, và hộp màu để lộn xộn trên ghế... Em hỏi chị:


- Dạ, thế ra chị là họa sĩ hả?

Chị bật cười:

- Không, chị chỉ là sinh viên thôi! Em chị đề cao chị quá!

Chị kéo em ra sân, ngồi dựa vào vách, nhìn xuống đường:

- Em có thích dì Năm không?

- Dạ em cũng không biết nữa, mà dì ấy ác lắm chị ạ!

- Chị biết, bởi vì em chỉ là con nuôi thôi!

- Dạ...

- Em biết chuyện "Cô bé lọ lem" không?

- Dạ không, chị kể cho em nghe đi?

- Chuyện như thế này: "Ngày xưa, có một ông trưởng giả, có một cô con gái nết na xinh đẹp. Sau vì mẹ mất sớm, ông không muốn con mình cô đơn nên ông cưới thêm một bà vợ nữa, bà này có hai đứa con gái riêng vừa xấu lại còn có tính ăn diện, khi ông trưởng giả đi làm ăn xa, bà vợ ở nhà hiếp đáp đứa con riêng của chồng, bắt nó làm việc cả ngày, ngủ lại nằm trên đống than nên người ta gọi nó là "Lọ Lem". Một hôm, ở kinh thành Hoàng Tử mở dạ hội, các cô chị của Lọ Lem cũng được đi dự. Các cô lo sửa soạn thật đẹp để mong Hoàng Tử để ý đến. Khi mọi người đi rồi, Lọ Lem cũng muốn đi, song không được nên ngồi khóc, bà tiên hiện ra và ban cho Lọ Lem áo quần xe ngựa sang trọng như một Công Chúa. Lọ lem đi dự và được Hoàng tử mến ngay. Sau Lọ Lem được Hoàng Tử cưới và trở nên Hoàng Hậu khi Hoàng Tử lên ngôi"... Chuyện hay không em?

Chị hỏi, nhưng em không nghe thấy, em còn mải nghĩ chuyện của em, cô bé "Lọ Lem" cũng làm lụng như em, và hai cô chị kia có thể là con Lan con Hường. Bà dì ghẻ cũng như dì Năm. Câu chuyện sao giống hoàn cảnh em quá... Em chợt trở nên suy nghĩ mông lung. Không biết có bà Tiên không và, biết đến em như biết đến cô bé "Lọ Lem" kia không? Em không biết...

- Chị Ly này. Bà... bà Tiên có thật không chị?

Chị quay lại nhìn em:

- Sao lại không thật? Bà Tiên ở trên trời và luôn luôn ban ơn lành cho những đứa trẻ ngoan như em chả hạn!

- Thế sao em cũng ngoan mà chả khi nào bà Tiên tới với em hết!

- Ồ! Tại vì bà Tiên còn bận việc, nhưng chị chắc là bà Tiên sẽ đến với em, sớm hay muộn chỉ là thời gian thôi em ạ!

- Vậy hả chị? Bà Tiên có tới với trẻ con ở đêm Noel không hở chị?

- Có chứ! Bà Tiên tới mọi đêm mà! Đêm nào cũng vậy.

- Chị... Ly! Nếu em muốn bà Tiên tới với em đêm nay được không? Và em phải làm gì để cho bà Tiên tới...

- Em... phải viết thư gởi cho bà Tiên và đặt ở cửa sổ, sáng em sẽ nhận được quà, vì bà Tiên rất bận mà... lại còn sợ... dơ áo vì ở Tiên không có thợ... giặt đồ!

- Ủa, thế sao em nghe nói Tiên muốn gì được nấy cơ?

- À chị quên. Nhưng chắc em cũng chẳng muốn bà Tiên khó nhọc leo vào chứ?

- Dạ...

Chị ngước mắt nhìn thật xa, dáng suy nghĩ.

- Chị Ly này.

- Gì?

- Hết tháng này chị về Sàigòn rồi phải không?

- Ừ! Em... có buồn không?

- Dạ, buồn!

- Chị sẽ không quên em đâu. Dung à!

- Em biết, nhưng chắc gì, chị còn thiếu gì em khác!

- Dung! - chị quay lại - Chị không anh em gì hết, chị con một!...

- Dạ, em xin lỗi chị, chị... đừng giận em nha... em... vì hoàn cảnh em hay nghi ngờ lắm... em không dám tin ai hết...

- Dung, chị hiểu, em đừng buồn.

Mắt chị rướm lệ, chị kéo em vào lòng. Giọng chị thật buồn:

- Em, chị biết... nhiều lắm, cưng đừng nghi ngờ chị, chị khổ hết sức nếu em không nghe lời chị... rồi... lỡ ra mai mốt, ba má ruột em tới đón em, em có quên chị không, khi sống trong cảnh giàu sang?...

- Không! Chị ơi! Chị là người em yêu nhất, dầu em chỉ mới gặp chị vài giờ trước thôi... chị à!

Em khóc trên vai chị, em ao ước phải chi chị là mẹ của mình. Ô! Sung sướng biết bao khi được chị xiết trong vòng tay đầy thương yêu trìu mến. Chị ơi! Chị là hiện thân của tình yêu tới đem cho em bao ánh sáng, bao hy vọng, và cho em biết là còn có một người không quên em, thương em! Chị ơi...

*

"Bà Tiên thân yêu của bé,

Bé tên Lệ Dung, nhà bé ở số 86 đường TMG đó, bà có biết hông. Bé thương bà Tiên ghê lắm, ngày nào bé cũng đợi bà Tiên hết, sao bà Tiên không lại chơi với bé, bé mong bà Tiên nhiều thật nhiều, thế mà bà Tiên cứ quên bé hoài hà. Lần này bé viết thư kỹ càng cho bà Tiên đó, bà Tiên mà quên, bé nghỉ chơi bà Tiên liền đó. Bà Tiên thương của bé.. Lần này bà Tiên đến, bà phải đem thật nhiều quà cho bé nhá, bé để sẵn cái giỏ ở đó đó, bà Tiên cứ để vào nhen. Bé còn có đan cho bà Tiên đôi vớ (bé đo bằng chân chị Ly bên nhà), bà Tiên mang cho đỡ lạnh rồi bà Tiên đem quà cho bé, không cũng được, mà bà Tiên nhớ viết thư cho bé nhá, ngày nào bà Tiên cũng phải viết hết á! Không bé giận. Ai bảo bà Tiên bỏ bé một mình chi. Bé buồn lắm đó, bà Tiên có thương bé nhiều như chị Ly không hở bà Tiên. Thôi bé phải đi ngủ, sáng mai bé phải dậy sớm lắm đó. Bé tạm biệt bà Tiên nhé. Hôn bà Tiên nhiều, thật nhiều.


Bé          
Lệ Dung"...  

Em khẽ đặt bức thư ở cửa sổ, dằn kỹ cho khỏi bay, em nghĩ tới lúc bà Tiên đứng ngoài cửa sổ, lấy thư và âu yếm nhìn em. Ô! Em sung sướng biết bao. Rồi mai em sẽ nhận được nhiều quà của bà Tiên. Bé khoan khoái thở ra sung sướng, nằm xuống giường, hôn gió cho chị Ly rồi quay mặt vào tường thiếp dần vào giấc ngủ...

"... Cháu Dung thân yêu,

Bà đã nhận được thư của bé, bé viết hay và cảm động ghê. Bé tha lỗi cho bà, sở dĩ bà ít tới với bé là vì nhà bé xa quá và bé để thư ở tận lò sưởi, bà vào không được đó. Chứ không phải bà quên bé đâu. Bé đừng giận bà. Đôi vớ của bé, bé nên cho chị Ly thì hơn vì ở Tiên bà có nhiều vớ lắm, bé ạ! Bé siêng năng viết thư cho bà, bà sẽ viết cho bé hoài, chịu hôn!

Thôi bà tạm biệt bé, bà còn đi nhiều nhà khác nữa.


Hôn bé      
Bà Tiên..."   

TB: bà có kèm cho bé đồ chơi đó, đừng giận bà nhá...

Em áp lá thư vào ngực. Trời ơi! Thì ra là có bà Tiên thật, bà Tiên viết chữ đẹp ghê, bà Tiên có cánh này, có mũ miện này, có áo dát kim cương này, bà Tiên bay êm như nhung, nói hay như tiếng đàn. Ô! Bà Tiên là thần tượng của tất cả! Bà Tiên ơi, bé thương bà Tiên lắm. Ô! Còn chị Ly! Bé thương chị Ly nhất, bà Tiên nhì. Bà Tiên đừng có buồn nhen bà Tiên. Em để cái giỏ xuống, bà Tiên thương em nhiều ghê, cho em nhiều quà này: một con búp bê nho nhỏ, một cuộn len, đồ chơi, kim đan nữa. Đôi vớ này em sẽ đem sang tặng chị Ly, rồi em sẽ nhờ chị dạy đan áo, đan mũ này và dạy em vẽ nữa há. Vui ghê...

Đà lạt ngày... tháng... năm...

Chị Ly thương,

Hôm nay là ngày cuối cùng em ở Đàlạt, ngày mai em sẽ phải theo ba má đi xa rồi và không biết bao giờ mới trở lại được. Chị bây giờ vẫn khỏe mạnh chứ, và vẫn thương con bé Dung, con bé Dung khốn khổ ngày xưa chứ. Nhưng Dung, nó vẫn nhớ chị, không bao giờ nó quên chị được. Vì chị là ánh sáng đã đưa nó vào bình minh để nó tìm thấy những tia hy vọng sáng ngời trong ánh nắng. Mặc dầu Lệ Dung bây giờ là Huyền Nga con ông chủ nhà buôn hột xoàn. Nhưng với chị Ly nó vẫn là Lệ Dung ngày xưa. Chị Ly! Em không có gì nói với chị ngoài những lời chân thành này. Em biết là chị đã giả làm bà Tiên để đem quà cho em và không biết bao nhiêu chuyện khác chị đã làm em hy vọng và tin tưởng rất nhiều. Chị đã chúc em tìm lại được cha mẹ ruột và bây giờ ba má em đã tới và tìm lại em. Lời chúc của chị đã thành sự thật rồi đó, chị mừng không? Em thì vừa vui lại vừa buồn, vui vì tìm lại được cha mẹ và buồn vì xa chị, thật ra thì chị xa em từ đầu tháng cơ, khi chị trở về Sàigòn. Nhưng rồi, nghỉ hè chị vẫn gặp lại em, còn bây giờ, em đi xa rồi, mỗi kỳ hè trở lại đây vắng bóng em chắc chị buồn nhiều! Chị Ly à! Em chẳng biết viết gì thêm nữa, nước mắt em rơi nhiều quá, nhòe cả trang giấy, em sợ chị không đọc được, chị có biết là bây giờ em đang khóc không, em nhớ chị và buồn ghê gớm. Chị có hiểu cho em không?

Thôi em dừng bút nơi đây nhé, vì em không đủ can đảm viết thêm cho chị nữa. Cuối thư em xin mến chúc chị luôn luôn tươi trẻ, khỏe mạnh và... đừng bao giờ quên em nhé. Hôn chị nhiều, thật nhiều...

Em của chị,
Lệ Dung

TB: Địa chỉ em ở ngoài thư, chị nhớ viết thư cho em nhé và một lần nữa xin gửi cho chị thật nhiều cái hôn...

Tôi gấp lá thư lại, bỏ trả lại phong bì, bây giờ tôi đã thành công, thành công rực rỡ... Nhưng trong cái rực rỡ, vui mừng đó tôi đã buồn nhiều vì tôi đã lỡ mến em, cô bé Lệ Dung ngày xưa. Tôi chợt nhận ra rằng tôi vẫn là người lữ hành cô đơn, đến rồi đi, phải đi, dù rằng muốn ở lại, vì... một cái gì tôi không rõ. Tôi đã xong nhiệm vụ đưa con chim sơn ca nhỏ bé trở về gia đình, con sơn ca mỗi sớm thức dậy cùng với ánh bình minh, giữa màn sương giá rét của mùa đông Đà lạt, con sơn ca không biết hót, không bao giờ hót. Bây giờ, trở lại đô thị, tiếp tục học, và đi họp mỗi chủ nhật, tôi vẫn là tôi, không khác gì hơn ngoài một niềm vui nho nhỏ đang đơm mầm trong tim hoàn thành xong một nhiệm vụ, nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của người hướng đạo đem tình thương tới cho nhân loại... chỉ có thế...

Tôi bước ra đường, nắng đổ dài, bóng tôi cô đơn lạnh lẽo, chiều thứ bẩy mà sao lòng tôi trống vắng. Tôi bước đi như người lữ hành cô độc... đến rồi đi... để muôn đời cô độc... muôn đời...


TRẦM THY DIỄM LY (GL)     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 130, ra ngày 1-6-1970)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>