Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Mảnh Chén Vỡ


Lâu lắm rồi...

Dạo ấy tôi còn nhỏ, chỉ độ 8, 9 tuổi là cùng, tôi bị mẹ tôi đánh một trận đau lắm chỉ vì tôi làm vỡ cái chén nhật bản.

Nếu tôi im mà chịu thì không sao, nhưng ngu ngốc làm sao, tôi cứ viện lý lẽ, toàn những lý lẽ trẻ con ra cãi.

Đã tiếc của, lại bực vì tôi cứng đầu, mẹ tôi cho tôi ăn hai "phất trần" quắn đít. Giá tôi yên và nín đi thì mẹ tôi có lẽ cũng thôi. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cãi:

- Con nhất định là không đánh vỡ vì con có cầm đến nó đâu?

- Mày không cầm! Nắm xuống! Này cãi này! Vút! Vút!...

Thế là cái thằng tôi ngu ngốc này "lãnh đủ".

Trong lúc đó thì thằng Nam đứng nhìn tôi mà cười có vẻ khoái trá lắm. Tôi uất ức người lên, giận nó từ tim, ruột, dạ dày giận ra:

- Thằng oắt con cười cái gì? Ông mà vớ được mày thì mày chết với ông. Chính mày đánh vỡ chén mà còn đổ thừa cho tao hử?

Nó lắc đầu chối leo lẻo:

- Ê, ê, đừng nói ẩu nhé. Chính "ông" xô bàn làm cái chén rơi xuống đất rõ ràng. Bị vài "phất trần" quắn đít là đáng đời lắm, khéo chạy chối đi đâu!...

Tôi cáu quá, đợi lúc mẹ xuống bếp, tôi bò dậy, vờ lấy khăn lau mặt rồi nhẩy luôn xuống đất đá cho thằng oắt con một cái. Nhưng hình như nó đoán biết được nên chạy luôn xuống bếp. Vừa chạy nó vừa la chói lói:

- Mẹ ơi, cứu con với, anh Ân đánh con kìa...

Tôi toan rượt theo để bịt cái mồm "ong óng" của nó luôn tiện cũng để thụi cho nó vài quả, nhưng tôi dừng ngay lại: Mẹ đang đứng trên ngưỡng cửa nhìn tôi. Hoảng hồn tôi lùi lại rồi co giò chạy mất.

*

Mãnh chén vỡ! Mãnh chén vỡ!...

Ừ! Đúng rồi! Một mảnh nhỏ, cạnh sắc bén, trắng xanh, nước men bóng loáng phải là của cái chén vỡ ban nãy. Nhưng tại sao nó lại ở đây? Ở trên bàn mới được chứ?

- Hừ! Đáng nghi! Đáng nghi lắm!...

Thằng tôi ngồi thừ ra suy nghĩ, vò đầu, bóp trán, gãi tai, cau mày, cắn môi... nghĩa là làm đủ mọi cử chỉ của một người mải suy nghĩ mà chẳng ra... một cái gì! Tôi tức mình lẩm bẩm:

- Cái chén để cạnh bàn, khẽ xô bàn nó rơi xuống đất vỡ tan. Mẹ chạy lên nhặt, vứt vào sọt rác, quét nhà để chúng tôi khỏi dẫm vào mảnh sứ. Mẹ mắng tôi, tôi oan ức cãi lại. Rồi tôi bị ăn roi. Thằng Nam lại có vẻ khoái trí lắm. Nó dám nói láo: nó trông thấy tôi làm rơi chén xuống đất. Ức thật... Đồ cái thằng chó con!...

A! Tôi vùng ngồi thẳng dậy. Thôi đúng rồi! Phen này thì nhất định thằng chó con kia phải chết. Gớm! Mới bây lớn mà láu cá quá chừng. Khôn ngoan đến đâu cũng chẳng lọt khỏi tay thằng ngu này đâu.

Ha ha! Có thế chứ!...

Tôi thấy khoái lạ lùng. Tự nhiên tôi thấy mình quan trọng lên nhiều.

Tôi ngồi xuống ghế rất "oai vệ":

- Thằng Nam đâu? Ra tao biểu đây.

Có lẽ giọng tôi oai nghiêm lắm nên thằng Nam tuân lịnh răm rắp, nó lò dò từ bếp lên.

Không chậm trễ... tôi nắm ngay vành tai nó xoay đi một vòng... Nó nhăn mặt la oai oái:

- Ái! Đau em! Đau em!...

- Đứng im! Chó con! La chết bây giờ. Tao nói cho mày biết một chuyện.


(Cứ như thám tử buộc tội thủ phạm vậy) Tôi "quan trọng hóa" vấn đề bằng cách mời "cu cậu" ngồi xuống ghế đối diện, đằng hắng lấy giọng thật là "kẻ cả":

- Chó con, mày lừa dối tao sao nổi hả? Tao đã tìm ra chứng cớ để đưa mày ra "ánh sáng pháp luật". Mày thú nhận đi, tao sẽ giảm bớt tội cho. Có phải mày đánh vỡ chén, rồi sợ bị "bố" mày mới ghép những mãnh vỡ đem để hờ hờ ở mép bàn, định bụng hễ kẻ nào vô phúc đụng vào nơi đó, bỗng nhiên trở nên thủ phạm, có phải thế không?

Tôi dồn cho nó một hơi rồi chìa cho nó xem mảnh vỡ:

- Nhưng mà... "Thiên bất dung gian". Lúc mà tao đụng vào bàn cái chén "thong dong"... xuống ngồi chơi dưới đất và... để lại mảnh vỡ này. Thế là tao đã tìm ra thủ phạm. Mày đã chịu nhận tội chưa? Không những thế, còn một điểm nữa tao cần nói để lần sau cho mày "rút kinh nghiệm", có chối tội thì khôn hơn chút nữa. Này, mày thấy tao nói ức có một câu mà mày đã chối đây đẩy. Nếu mày không làm vỡ thì làm gì mày phải chối cuống lên thế? Rõ ràng "có tịch rục rịch" mà. Mày lại còn bảo, chính mắt mày trông rõ cái chén rơi xuống đất. Thế nghĩa là mày chực rình để chờ lúc cái chén rơi chứ gì? Mày đã chịu tội chưa hử thằng chó con? Rõ ràng mày chực rình chờ tao đút đầu vô bẫy của mày giăng sẵn mà. Nhưng không được đâu, anh bảo cho, mày còn "non tay ấn" lắm. Mày có nhận thấy thế không?

Thằng Nam gãi đầu định nói nhưng nó lí nhí mãi trong miệng rồi thôi, đứng im. Tôi khoái quá, kéo nó xềnh xệch xuống bếp cứ y như là một thám tử kỳ tài tóm được thủ phạm lôi đến sở mật thám vậy.

Sau đó, tôi chờ lời khen ngợi nồng nhiệt của mẹ về cái tài "thám tử" của tôi và đợi sự trừng phạt của mẹ ban cho thằng Nam, nhưng... tôi thở dài sườn sượt như mèo bị cắt tai đi lên nhà vì mẹ tôi đã "đét" cho tôi một thanh củi nhỏ cầm sẵn trong tay mà rằng:

- Thôi, cút lên nhà! Thằng ranh chỉ tổ nhiều chuyện, ăn nói nhàm nhí... Dám xách tai làm đau em. Nam, lại đây mẹ bảo...

Tôi lủi thủi bước ra vườn tức muốn chết người lên được. Tôi không tức vì bị mẹ mắng hay "đét" cho vài "phất trần" quắn đít mà chỉ tức vì mẹ đã phủ nhận tài "trinh thám" của tôi...

Từ đó, tôi luôn để ý đến thằng Nam và... tôi "điều tra" thêm được ba bốn "vụ án li kì" như "mất chuối ở gác-măng-giê" chẳng hạn.

Những lần như vậy... tôi không còn thích khoe mẹ như mọi khi (chỉ tổ ăn "phất trần") mà chỉ lảng lặng xách tai thằng Nam chó con ra vườn hài tội nó... Tôi dù bị đòn oan nhưng cũng thấy vui vui trong lòng vì thằng Nam phục tôi sát giường. Sau đó nó cũng hối hận nữa, và tỏ ra ngoan ngoãn với tôi hơn dù nó được mẹ tôi rất chìu.


HOÀI THU VÂN     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 31, ra ngày 25-8-1965)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>